Trích đăng

Những nhục vinh khi đọc cuốn sách đầu

Tuyển tập Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập hợp gần năm mươi bài viết đặc sắc được tuyển chọn từ các giai phẩm xuân xuất bản tại sài Gòn từ thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Trích từ: Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa

Tác giả: Phạm Công Luận

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Xuất bản: Tháng 1.2020

Giới thiệu sách:

Tuyển tập Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa tập hợp gần năm mươi bài viết đặc sắc được tuyển chọn từ các giai phẩm xuân xuất bản tại sài Gòn từ thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970. Tất cả được viết lại từ những câu chuyện có thực, có thể được thêm chút chi tiết ngẫu hứng tùy theo trí nhớ người kể nhưng không phải là những sáng tác mang tính hư cấu.

Đó là chuyện nhà cách mạng Tôn Văn nghe hát cô đầu tao nhã ở tiệm bà Đốc Sao nổi tiếng Hà Nội. Chuyện hai phụ nữ quý tộc Mỹ lẻn vào sân triều đình Huế để xem lễ mùng Một Tết ở điện Thái Hòa vốn chỉ chấp nhận sự hiện diện của nam giới.

Đó là những câu chuyện của giới báo chí một thời đình đám ở Sài Gòn. Câu chuyện cảm động lỉên quan đến nhà văn, nhà phóng sự yểu mệnh Vũ Trọng Phụng. Hay cảnh Tết trong tù thời chống Pháp hấp dẫn lạ lùng.

Đó còn là chuyện sân khấu thời thạnh trị với lời kể của người trong cuộc như nghệ sĩ Bảy Nhiêu, nghệ sĩ Năm Châu, soạn giả Duy Lân, nghệ sĩ Kim Cương, hoặc nghệ sĩ Phùng Há.

Thưởng thức các bài viết trong tuyển tập, không chỉ giúp độc giả hưỏng lợi như được đọc lại gần bốn mươi tờ báo xuân trải dàỉ qua gần ba mươi cái Tết trên đất Sài Gòn xưa, mà còn có cơ hội chiêu niệm về con người, xă hội, phong tục Việt Nam thời trước.

*

NHỮNG NHỤC VINH KHI ĐỌC CUỐN SÁCH ĐẦU

Hồ Hữu Tường

ÁNH SÁNG xuân Canh Dần 1950

Tôi sớm biết đọc chữ quốc ngữ, không phải nhờ ham học, mà nhờ ham ăn bánh. Ở một gia đình quê mùa, vừa đủ ăn, anh em tôi ít được dịp ăn bánh lạ. Hồi tôi lên năm anh cả tôi lớn hơn tôi chín tuổi được gởi đi học ở chợ, thỉnh thoảng về, đem nhiều thứ bánh ngon về đãi em. Trong trí tôi, đi học chỉ là đến một nơi đầy dẫy bánh ngon, ăn không hết, tha hồ đem cho em ăn nữa. Nên khi má tôi và chị ba tôi đẩy xuồng đưa anh tôi ra chợ học thì tôi khóc lóc đòi “đi học” cho được. Tại sao anh cả tôi lớn rồi không cưng nữa lại được tha hồ đi ăn bánh, còn tôi không được? Cha tôi thấy thằng nhỏ chướng như vậy bảo má tôi cho đi theo đến chợ đãi tôi một bụng bánh thì êm chớ gì!

Chợ Cái Răng lúc ấy còn leo heo, quê mùa lắm. Anh tôi ở nhà một ông thầy thuốc bắc, mà học thêm chữ nho với ông, cùng tập đọc chữ quốc ngữ với bà thầy. Hai vợ chồng không con. Khi thấy má tôi dắt anh tôi đến, lại có một thằng bé tí hon lóc cóc chạy theo, thì bà thương, hỏi chuyện, mới hay có thằng nhỏ ham “đi học” lạ như vậy. Sẵn dịp có người cắc chú gánh cà rem từ Cần Thơ vô bán, bà đãi cho tôi “học” một bữa, vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm, mà nhứt là mát miệng. Ngon hơn các món bánh tôi được ăn từ hồi nào đến bây giờ. Rồi bà hỏi:

– “Học” có ngon không? Thôi ở ngoài nầy với thiếm mà “học” nghe!

Lẽ dĩ nhiên tôi ở lại là được bà thầy cưng lắm. Nhà tôi đông mà nghèo, nên tôi ít được chiều chuộng. Có buồn ngủ, thì cứ đi ngủ, chớ tôi đã có em rồi, các chị tôi lo dỗ em tôi, cần gì đến tôi nữa. Đến ở nhà bà thầy, thì tôi đã được dỗ ngủ, mà trưa bà cũng ép nằm trên võng cho bà đưa. Từ xưa đến giờ, tôi chưa biết nhõng nhẽo, nay nhờ dịp nầy mà tỏ ra rằng mình cũng có thể làm được việc ấy. Bà thầy ngồi đâu, thì tôi nhảy ngồi trong lòng, cho bà vuốt ve, nựng nịu. Và khi bà ngồi trên bộ ván mà dạy, cũng vậy nữa.

Học trò toàn là những anh lớn, quá tuổi nên xin vào trường công không được, đến đây học riêng cho biết đọc, biết viết thôi. Ngồi trong lòng bà thầy, nghe mãi thấy mãi cũng quen tai, quen mắt. Không biết má tôi lo làm mà quên tôi, hay là sau có người giữ, thì gởi luôn thể cho khỏi lo rớt ao té vũng. Mãn vụ gặt hái má tôi mới ra rước tôi về. Mấy anh lớn đã biết đọc rồi, mà tôi cũng đọc được.

Biết đọc, đối với tôi là một việc khổ hạnh hết sức. Xóm tôi rất xa trường, trừ một vài con nhà giàu có ra, tất cả đều mù chữ quốc ngữ. Thế mà có một thằng mới vừa năm tuổi lại biết đọc thì bà con quen lớn ai cũng muốn xem. Trong nhà chỉ có một cuốn truyện La Thông Tảo Bắc, tôi không nhớ là cuốn thứ mấy.

Người nào đến cũng bảo tôi lấy ra đọc thử. Mấy trang đầu thuật chuyện La Thông đến thành, ngoài bị vây, trong bị Tô Định Phương đóng cửa để mượn tay giặc giết. Đọc không hết trang thì tôi đã khóc tức tưởi, giận ghét sao có người ác như vậy. Đó là một dịp để cho ai nấy cười vì nước mắt tôi đã chảy nhiều quá, thấy lòa chữ, miệng cà hướt mãi không trôi mà cũng phải đọc cho ai nấy cười chơi. Tôi giận và ghét những người bà con này lắm, thấy mình bị họ hành phạt khổ sở như vầy, thì chẳng khác nào La Thông bị Tô Định Phương giày vò trong truyện.

Vài tháng sau, ông thầy chết, bà thầy dọn về Sài Gòn, tôi lại lóc cóc theo anh tôi, mỗi ngày lớn lần, chạy cả ba bốn cây số mà vào Cái Muồng đi học. Anh tôi lớn, ưa cờ bạc, ngày nào cũng lo lót tôi xu ăn bánh để tôi đừng méc, nên việc đi học với tôi vẫn còn ý nghĩa như cũ và đến trường chỉ là một nghi lễ phải có mà thôi: Và tôi cũng cầu đi như vậy cho êm tấm thân, vì ở nhà, hở ra là cha tôi bắt tôi đọc lớn lên truyện thơ đủ thứ mà cha tôi bắt đầu mua rất nhiều. Truyện nào, thơ nào cũng làm cho tôi khóc sướt mướt.

Nào Lục Vân Tiên đã mù rồi, mà thiên hạ còn bu lại gạt gẫm, bóc lột, hãm hại. Nào Tiết Nhơn Quý có tài và có lòng tốt mà bị yểm, bị hại luôn luôn. Mỗi lần đọc đến chỗ hoạn nạn thì tôi khóc tấm tức, nói nghe không rõ thì cha tôi rầy mắng; bảo cho ăn học uổng quá, đến đọc truyện cũng không nên thân. Vừa đau đớn trong lòng, vừa bị rầy, vừa giận ghét những người bày đặt những chuyện chỉ làm khổ thân tôi mà thôi, bị hành hạ khổ sở xác thịt, lẫn tâm hồn, làm sao tôi yêu văn chương được?

Trường Cái Muồng có hai lớp, học xong lớp nhứt rồi, tôi phải tái lại nữa. Và thấy bài vở cũ, chán quá, tôi ở nhà đi làm ruộng. Nói cho oai vậy, chớ công việc của tôi dễ lắm. Ngày nào cha và anh tôi đi phát, đi cào, thì gần trưa, tôi đem cơm cho cha tôi ăn, vì nơi ấy cách nhà đến gần ba cây số. Tôi lại đem vài đường câu giăng, một cái giỏ và một lon mồi. Trong bữa trưa ấy, thế nào tôi cũng được một giỏ cá, để cho cả nhà ăn bữa mai. Sống với thiên nhiên, lần lần tôi nhớ những vui thú của nhà trường, và bớt ghét truyện sách. Tuy vậy, cả năm tôi không đọc cái gì, bởi cha tôi không thèm bắt tôi đọc nữa, e rằng một chặp đây, tôi cảm động, khóc òa lên mà làm mất thú hứng đi. Nên chỉ có anh tôi đọc.

Rồi đến mùa khô, tôi phải ra ruộng mà coi chòi. Bởi ở xa nhà, nên lúa đập được bao nhiêu, thì đổ đống ngoài đồng, xong rồi chuyển về một thể. Tất nhiên là mỗi người có một cái chòi bên đống lúa để coi chừng. Thật lâu mới có dịp tát đìa. Tôi mới được đi bắt hôi. Thật lâu mới có đi đuổi chim, tôi mới được theo kiếm vài con về nướng ăn chơi. Còn dài đằng đằng, ở giữa ruộng minh mông mà coi chòi, thì buồn chán không thể nói.

Chòi tôi ở khít chòi chủ đất, có bà con xa và tôi gọi bằng cậu. Con trưởng của cậu đã lớn tuổi, nên đến coi sóc công việc làm, và có đem theo truyện sách đọc để giải buồn. Lúc đầu tôi không động đến làm gì. Sau lại tò mò lấy một quyển Tam Quốc đọc thử chơi, xem mình có quên chữ chăng. Đọc luôn một hơi, tôi lấy làm lạ, là sao truyện nầy không cố tình tả những người ác nghiệt hống hách, những kẻ ngay thẳng bị hoạn nạn, làm cho tôi phải khóc như các loại sách kia. Và đọc truyện, tôi thấy tôi sống những cảnh náo nhiệt hồi đó. Nếu không có những “đây nói về”, hoặc những “người đời sau có bài thơ rằng” thỉnh thoảng nhắc chừng, thì có lẽ tôi không biết là tôi đọc truyện, mà chánh tôi là một nhơn vật nào đó của truyện. Đó là lần thứ nhứt mà một thứ sách không làm cho tôi đau khổ lại làm cho tôi sung sướng.

Lúc ấy tôi có được đọc cả bộ và liên tiếp theo thứ tự trước sau đâu. Vừa “Thất cầm Mạch Hoạch”, lại đến “Đương Dương trường bản”, rồi sang “Thiệt chiến quần nho” hay “Quan Công phò nhị tẩu”… Đọc như thế, tức quá, tôi hỏi mượn đủ bộ. Thì mới hay rằng bộ Tam Quốc nầy cậu tôi cưng lắm không cho ai rờ tới.

Hồi trước anh hai (con cậu tôi) đã đọc rồi, nay muốn đọc lại, mới lén ăn cắp của cậu, đem ra chơi, rút được cuốn nào hay cuốn nấy, và mau mau trả lại để mất dấu, thế có tức không? Từ ấy tôi lập tâm làm sao mượn cho được bộ truyện xem chơi cho thỏa.

Nhưng đây không phải là chuyện dễ. Cậu tôi là một nhà giàu có, làm chức hội đồng oai nghi lắm. Đến mợ tôi cũng sợ không dám lên nhà trên thường. Còn hạng tá điền thì không dám đến gần, con nít lại sợ hãi. Chỉ chừa đứa cháu nội, nhỏ hơn tôi một tuổi và tôi thôi.

Tôi được cái may ấy, bởi vì tôi liều đến gần, để chờ dịp mượn truyện. Thế mà tôi không dám hở môi, mặc dầu ngày ngày đều đến đón cơ hội, lại mon men lên nhà trên thường, nơi chỗ chỉ mở rộng để tiếp khách sang, trong những hồi long trọng, mà ngày thường vợ con cũng ít dám léo tới. Cậu tôi thấy cử chỉ tôi lạ lạ, hơi nghi tôi muốn ăn cắp món gì quý báu, nên giả đò làm lơ, để bắt quả tang. Nhưng tôi chẳng ăn cắp món gì, chỉ thỉnh thoảng liếc vào tủ kiếng là nơi chứa đầy truyện sách…

Một hôm, cậu lấy làm lạ, kêu hỏi ngay. Tôi thú thật. Cậu cười nói:

– Truyện sách tao, tao không cho ai mượn hết. Mầy là con nít, đọc sao hiểu nổi. Nhưng tao để cho mầy đọc hết bộ Tam Quốc, tao hỏi một câu, trả lời thông minh thì cả tủ đó, tao cho phép mầy đọc hết.

Tôi nhận ngay. Liên tiếp mấy ngày tôi đọc từ đầu đến cuối.

Xong rồi cậu hỏi:

– Trong cả bộ truyện, mầy muốn làm người nào?

Tôi đáp:

– Tôi không muốn làm người nào hết.

– Sao vậy?

– Mấy người đáng khen chỉ được có một phần mà tôi muốn thôi, chưa đủ.

Cậu tôi trố mắt nhìn, nói:

– Mày nói sao chớ? Đâu mầy cắt nghĩa tao nghe.

Tôi mới nói:

– Triệu Tử Long được trung, Trương Phi được thành, Quan Công được dõng, Lưu Bị được nghĩa, Khổng Minh được trí, Tư Mã Đức Tháo được hiền. Nhưng có ai gồm đủ cả những cái ấy đâu mà muốn?

– Thằng nầy nói phách dữ he? Đâu mầy lại đây tao đo thử coi.

Rồi bắt tôi giăng tay, chàng hảng, đo bề cao, đo ngón tay, đo bàn chân, đủ thứ… Từ đó, cậu giữ lời hứa, cho tôi tự do đọc tủ sách… Cả nhà tôi có hay nào. Lúc trước, tôi ưa đi câu, mò mương bắt cá, hay làm ống thổi chim thì nay cũng tưởng tôi như vậy nữa, trong những lúc vắng mặt. Có dè đâu từ đó tôi đã bắt đầu mê đọc sách, đến cả làng đều biết tiếng.

Rồi sau, đi học trở lại, tôi đã không có dịp đọc truyện, đọc thơ, lại mê mải khoa học, rồi triết học, chánh trị, hãm mình vào những khuôn khổ hẳn hoi. Đón năm 1945, mãn tù về, lại gặp dịp muốn nghỉ làm chánh trị, cho tư tưởng được phóng túng một hồi. Thì tôi nhớ ngay lại mối tình ban đầu, muốn tự tay dịch lại bộ Tam Quốc và bình luận lấy. Rủi gặp lúc không nhà xuất bản nào cộng tác, thành bỏ dở.

Tuy vậy, ảnh hưởng của truyện ấy vẫn còn nặng nề. Tôi rất thích lối viết truyện mà ái tình bị gạt bỏ ra ngoài, có lẽ bởi chịu ảnh hưởng của Tam Quốc. Sau nầy, viết mấy bộ tiểu thuyết, tôi đặt tình yêu giữa trai gái ra ngoài lề. Hơn nữa, trong bộ Gái nước Nam làm gì, tôi phác một mẩu truyện dài mấy chục quyển, nhơn vật hằng trăm, phần đông là đàn bà, có lẽ cũng biết yêu, nhưng chê như thế là sai sự thật, là hỏng. Nhưng mà làm sao bây giờ? Vì ấn tượng của Tam Quốc đã in sâu trong tiềm thức của tôi. Người ta có thể viết một thiên kiệt tác, mà không cần nói đến những việc khóc lóc của hai trái tim tỉ tê, hay là không cần đưa ra một việc nhu cầu của sanh lý mà thật ra, có đôi trai gái nào dám đem ra biểu diễn trước công chúng bao giờ? Nếu như thế, tại sao ta mang cái bịnh là tô điểm mãi việc mà ai ai cũng cho là “đáng thẹn”?

Xin nói lại. Quan niệm văn chương nầy có lẽ sẽ bị cho là lầm. Nhưng mà tôi làm sao bây giờ? Bởi vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi, do một áng văn có tài làm cho tôi sung sướng trước nhứt khác hẳn với những tác phẩm khác chỉ làm cho tôi khóc. Cho hay những nhục vinh hồi thuở bé tạo con người của mình mãn đời.

Paris 8-11-49

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Vào bếp nấu chè trôi nước ngũ sắc đưa ông Táo về trời – Trích “Thơm thảo xôi chè”

Published

on

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian cả việc tốt lẫn việc xấu và những gì chưa làm được. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình. Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công ông Táo về trời (hoặc gọi ngắn gọn là đưa ông Táo về trời) luôn được tiến hành trọng thể.

Trong ngày này, các gia đình thường làm lễ tiễn ông Táo về trời bằng cách thả cá chép. Ngoài ra, mọi người cũng làm mâm cỗ cúng để bày tỏ lòng thành kính với Táo Quân. Trong Thơm Thảo Xôi Chè, nghệ nhân bánh dân gian Trần Thị Hiền Minh đã khéo léo chia sẻ công thức nấu chè trôi nước ngũ sắc, một món ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng và rất thích hợp để bày mâm cỗ cúng ông Táo. Cùng Phương Nam Book tìm hiểu cách làm món này nhé!

CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU
500g bột nếp
100g khoai lang tím
150g bí đỏ
300g khoai lang trắng
Nước cốt lá dứa, nước lá cẩm
400g đậu xanh bóc vỏ
150g đường cát
10g muối
100ml nước cốt dừa
Phần nước cốt dừa:
300ml nước cốt dừa
700ml nước dão dừa
20g bột gạo
20g bột bắp
5g hành lá
800g đường cát (nấu chè)
150g đường cát (nấu nước cốt dừa)
100g mè trắng
3g muối
100g gừng sẻ

THỰC HIỆN

Sơ chế:
• Mè rửa sạch, rang hoặc nướng trong lò nướng nhiệt 150 độ C đến khi vàng thơm.
• Gừng gọt vỏ, rửa sạch, xắt khoanh mỏng.
• Khoai lang, bí đỏ luộc chín, giã nhuyễn, để riêng từng phần. Chia bột thành 5 phần bằng nhau. Mỗi phần nhồi khoai lang và màu tương ứng cho hòa quyện.
• Dùng nước ấm nhồi với bột nếp đã trộn kỹ theo từng màu, nhồi nhanh tay để bột dẻo. Khi bột gần mịn đều, thêm nước từ từ tránh làm nhão bột, rồi để bột nghỉ 30 phút.
• Đậu xanh vo sạch, ngâm nở 2 giờ, vo lại cho hết nước chua rồi nấu chín, giã nhuyễn. Xào đậu xanh với 100ml nước cốt dừa và 100g đường trên lửa vừa, thêm 10g muối vào cho đậu béo bùi, đậm vị hơn. Khi đậu xanh không dính tay thì tắt bếp, cho hành lá cắt nhuyễn vào trộn đều. Vo viên đậu bằng cỡ trái chanh nhỏ.

Gói viên chè:
• Chia đều bột nếp, mỗi viên khoảng 30g, gói nhân đã chuẩn bị sẵn.
• Bắc nồi nước sôi luộc các viên chè. Khi chín viên chè sẽ nổi lên mặt nước, nấu thêm 2 phút cho viên chè chín kỹ rồi vớt ra ngâm vào nước lạnh.

Nấu chè:
• Cho 2 lít nước vào nồi cùng với 600g đường và vài lát gừng, bắc lên bếp nấu sôi.
• Cho các viên chè vào nồi nấu sôi chừng 5 phút để viên chè thấm đường và vị gừng, nhắc xuống.

Nấu nước cốt dừa:
• Cho nước dão dừa, đường cát, bột gạo, bột bắp, muối và vài cọng lá dứa vào nồi khuấy đều rồi mở bếp ở mức lửa nhỏ, nấu đến khi sôi, khuấy đều tay.
• Tiếp theo chế thêm nước cốt dừa, để hỗn hợp sôi lại, tắt bếp liền.

YÊU CẦU THÀNH PHẨM
• Nước đường trong, ngọt thanh, thơm dịu mùi lá dứa.
• Các viên chè dẻo mềm, không bị nứt hay nhão bề mặt.

Khi ăn, múc chè ra chén, chan nước cốt dừa vào, rắc thêm ít mè rang.

Chè trôi nước ngũ sắc không chỉ đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đầy đủ, may mắn và sự hòa hợp của năm mới. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của đường, vị béo của nước cốt dừa và độ dẻo dai của vỏ bánh trôi kết hợp hài hòa với nhân đậu xanh thơm ngon.

Thơm Thảo Xôi Chè là món quà dễ thương dành tặng những ai đam mê nấu nướng bởi nó không chỉ đẹp về hình thức mà còn hấp dẫn về nội dung. Ngoài việc hướng dẫn tỉ mỉ các công thức nấu, tác giả còn khéo léo thuật lại cuộc phiêu lưu ẩm thực qua hành trình tìm kiếm các sản vật quý địa phương. Cuốn sách dù đơn sơ, mộc mạc nhưng đã phần nào truyền tải thành công tình yêu nghề của người đầu bếp và trên tất cả là sự tinh tế của nền ẩm thực nước nhà.

Mời bạn tìm mua sách tại đây. Nếu có làm theo các công thức trong sách thì bạn nhớ chia sẻ cho Bookish biết với nha!

Chúc bạn một mùa Tết bình an và sung túc bên gia đình.

Đọc bài viết

Trích đăng

Trích đăng “Hành trình người viết” – Christopher Vogler

Published

on

Trích từ: Hành Trình Người Viết
Tác giả: Christopher Vogler
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH

“Loài người thật ra chỉ có tầm hai hay ba câu chuyện thôi,

và chúng được lặp đi lặp lại mải miết cứ như lần đầu được kể.”

— Willa Cather, trong O Pioneers!

Về lâu dài mà nói, Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt của Joseph Campbell là một trong những quyển sách có sức ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

Những tư tưởng mà quyển sách truyền tải đang ảnh hưởng to lớn tới cách thức kể chuyện. Các tay viết đang dần nhận thức rõ hơn về các hình mẫu trường tồn mà Campbell đã đưa ra, và góp phần làm giàu thêm bằng chính công sức của họ.

Hiển nhiên Hollywood cũng đã nhận ra công trình của Campbell hữu ích thế nào. Những nhà làm phim như George Lucas và George Miller đều bày tỏ lòng biết ơn tới Campbell, tầm ảnh hưởng của ông còn được thể hiện trong các phim của Steven Spielberg, John Boorman, Francis Coppola, Darren Aronofsky, Jon Favreau, và nhiều người khác.

Không có gì ngạc nhiên khi Hollywood rất ưng các tư tưởng mà Campbell trình bày trong tác phẩm của mình. Những khái niệm ông đưa ra như hộp dụng cụ vào nghề cho biên kịch, nhà sản xuất, nhà thiết kế… Chúng ẩn chứa đầy đủ các công cụ chắc chắn để phục vụ hoàn hảo cho mục đích sáng tác. Những công cụ này cho phép người dùng dựng nên câu chuyện đáp ứng đủ loại tình huống, một câu chuyện vừa có thể ẩn chứa bi kịch, lại vừa mang tính giải trí, và còn chuẩn xác về mặt tâm lý. Chúng cho phép người dùng chẩn đoán mọi vấn đề ẩn chứa trong các kịch bản khó nhằn, cũng như cung cấp giải pháp chỉnh sửa để đưa kịch bản lên tới tầm khả thi đỉnh cao của nó.

Thời gian là bảo chứng rõ ràng nhất cho tác dụng của hộp đồ nghề này. Chúng tồn tại lâu đời hơn cả những kim tự tháp, vòng tròn đá Stonehenge hay những hình vẽ sơ khai trên vách hang động.

Bộ công cụ này được Joseph Campbell hoàn thành khi ông bỏ công sức góp nhặt và quy mọi nhánh tư tưởng về một mối, sau đó nhìn nhận, diễn giải, đặt tên, và sắp xếp lại toàn bộ. Chính ông là người đầu tiên đem những hình mẫu chứa đựng trong các câu chuyện ra ánh sáng.

Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt là bản báo cáo của Campbell về cấu trúc bền vững nhất trong văn học, xét cả văn nói lẫn văn viết: thần thoại về người anh hùng. Trong nghiên cứu của mình về thế giới thần thoại, Campbell nhận ra rằng về bản chất mọi câu chuyện đều y hệt nhau, một cấu trúc lặp đi lặp lại bất tận với vô hạn biến thể.

Ông nhận ra rằng trong mọi cách kể chuyện, dù vô tình hay hữu ý, thì cũng theo các khuôn mẫu cổ đại từ thần thoại. Và mọi câu chuyện, từ những chuyện đùa thô thiển nhất cho tới đỉnh cao văn học, đều có thể diễn giải dựa trên Hành Trình Anh Hùng: vòng lặp hành trình cùng các nguyên tắc của nó.

Các hình mẫu trong Hành Trình Anh Hùng mang tính chung nhất, áp dụng ở bất kỳ nền văn hóa, bất kỳ thời điểm nào. Hệt như chính loài người chúng ta, khả năng biến thể tái lặp của các hình mẫu là vô hạn, dẫu cho bản chất nguyên thủy không hề thay đổi. Hành Trình Anh Hùng là một chuỗi các yếu tố bền bỉ bật lên từ sâu thẳm nhất trong tâm trí con người, có khác biệt qua các nền văn hóa, nhưng về bản chất vẫn là một.

Suy nghĩ của Campbell cũng song hành với nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Carl G. Jung, người từng viết về các cổ mẫu (hoặc nguyên mẫu) như sau: chúng là những nhân vật hoặc nguồn năng lượng được lặp lại, liên tiếp, xuất hiện trong giấc mơ của mọi người và các câu chuyện thần thoại trong mọi nền văn hóa. Jung cũng gợi ý rằng những nguyên mẫu trên phản ánh những khía cạnh khác nhau của tâm trí con người, rằng bản dạng của chúng ta được phân thành nhiều tính cách để đối ứng với những thăng trầm khác nhau của cuộc đời. Ông nhận ra có sự tương thích mạnh mẽ giữa các hình ảnh trong giấc mơ của bệnh nhân mình chăm sóc với các cổ mẫu trong thần thoại. Ông cho rằng cả hai đều xuất phát từ những nguồn sâu thẳm hơn: vô thức tập thể (collective unconscious) của loài người.

Những nhân vật được lặp đi lặp lại trong thế giới thần thoại cũng chính là những thứ thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ và tưởng tượng của chúng ta: các anh hùng trẻ tuổi, những bô lão thông thái, người biến hình, và các nhân vật phản diện núp trong bóng tối. Điều đó lý giải tại sao thần thoại và các câu chuyện được dựng nên từ hình mẫu của chúng đều chứa đựng triết lý về tâm lý.

Các câu chuyện như thế là những hình mẫu chính xác cho việc khai thác tâm trí con người, bản đồ chân thực của tâm hồn. Chúng chính xác về mặt tâm lý, và đưa ra cảm xúc chân thật ngay cả khi được dùng để diễn giải các sự kiện siêu phàm, phi thường, phi thực tế.

Vì lẽ đó, các câu chuyện trên đều sở hữu tính phổ quát. Bất cứ ai cũng có thể cảm thụ được sức hấp dẫn của những câu chuyện dựa trên mô hình Hành Trình Anh Hùng, chính bởi nguồn gốc phổ quát và phản ánh được vạn vật tự nhiên.

Chúng giải thích những câu hỏi phổ biến thuở còn trẻ thơ của mọi người: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Khi chết rồi tôi sẽ tới đâu? Thiện ác là gì? Tôi phải đối phó với chúng ra sao? Ngày mai sẽ thế nào? Ngày hôm qua đã trôi về đâu? Bên ngoài kia còn ai không?

Những tư tưởng được lồng vào trong thần thoại, sau đó được Campbell định dạng lại trong tác phẩm Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có thể được dùng để thấu hiểu hầu hết vấn đề nhân sinh. Chúng là chìa khóa hữu ích cho cuộc sống, cũng như công cụ hiệu quả để lôi cuốn đám đông khán giả.

Nếu bạn muốn hiểu rõ các tư tưởng đằng sau Hành Trình Anh Hùng, chẳng có cách nào khác ngoài việc tìm đọc tác phẩm của Campbell. Đó sẽ là trải nghiệm thay đổi đời người.

Đọc nhiều thần thoại cũng là ý hay, nhưng đọc sách của Campbell thì hiệu quả cũng chẳng khác là bao bởi lối kể chuyện bậc thầy, và ông cũng thích minh họa những luận điểm bằng ví dụ lấy từ chính kho tàng thần thoại đồ sộ.

Trong Chương 4 của Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có tên “Những Chiếc Chìa Khóa”, Campbell đã đưa ra dàn bài cho Hành Trình Anh Hùng. Tôi đã mạn phép thay đổi dàn bài một chút, cố gắng phản ánh thêm về các chủ đề phổ biến trong điện ảnh bằng các minh họa trích từ các bộ phim đương đại, và cả một vài phim cổ điển khác. Độc giả có thể so sánh hai dàn bài và các thuật ngữ thông qua Bảng 1 ngay dưới đây.

HÀNH TRÌNH NGƯỜI VIẾTNGƯỜI HÙNG MANG NGÀN GƯƠNG MẶT
HỒI MỘTKHỞI HÀNH, LY BIỆT
Thế Giới Bình Phàm
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Gặp Gỡ Sư Phụ
Vượt Ải Đầu Tiên
Thế Giới Thường Nhật
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Sự Trợ Giúp Siêu Nhiên
Vượt Ải Đầu Tiên
Bụng Cá Voi
HỒI HAIDẤN THÂN, KHỞI ĐẦU, VƯỢT QUA
Thử Thách, Đồng Minh, Kẻ Thù
Tiếp Cận Hang Động Trong Cùng
Khổ Hình   



Phần Thưởng
Con Đường Thử Thách 

Gặp Gỡ Nữ Thần
Ải Mỹ Nhân
Chuộc Tội Cùng Thánh Thần
Sự Sùng Bái
Ân Huệ Tối Thượng
HỒI BATRỞ VỀ
Con Đường Trở Về




Hồi Sinh
Quay Về Cùng Thần Dược
Từ Chối Trở Về
Hành Trình Kì Diệu
Sự Giải Cứu
Vượt Qua Thử Thách
Trở Về
Bậc Thầy Ở Hai Thế Giới
Tự Do Để Sống
BẢNG 1
So sánh dàn bài và thuật ngữ

Tôi sẽ kể lại giai thoại Anh Hùng theo cách riêng mình, và độc giả cũng nên làm tương tự. Mọi tay viết đều có thể nhào nặn các hình mẫu thần thoại theo mục đích riêng, hoặc theo nhu cầu của một nền văn hóa cụ thể nào đó.

Đó là lý do tại sao người hùng lại có muôn vàn gương mặt.

Một chú thích về thuật ngữ “anh hùng” được dùng ở đây, cũng tương tự như “bác sĩ”, hay “nhà thơ”, hoàn toàn có thể chỉ bất kỳ giới tính nào.

HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

Dẫu cho có muôn vàn biến thể, bản chất câu chuyện về Anh Hùng luôn là một hành trình. Họ từ bỏ cuộc sống dễ chịu quen thuộc cố hữu để dấn thân vào thế giới xa lạ đầy thử thách. Đó có thể là một hành trình hướng ngoại đến một địa điểm cụ thể nào đó: một mê cung, một khu rừng, hay một hang động, một thành phố, một quốc gia xa lạ, một địa điểm mới toanh, nơi sẽ trở thành võ đài cho chính họ chiến đấu với những thế lực phản diện khó nhằn.

Nhưng cũng có nhiều câu chuyện đưa ra hành trình hướng nội, tìm về tâm trí, trái tim, linh hồn của con người. Trong bất kỳ câu chuyện hấp dẫn nào cũng chứa đựng hành trình trưởng thành và thay đổi của nhân vật chính: từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ yếu ớt đến mạnh mẽ, từ điên cuồng đến khôn ngoan, từ yêu thành hận, và ngược lại. Những hành trình đầy cảm xúc này mê hoặc khán giả và tăng cường giá trị theo dõi của chính câu chuyện.

Có thể nhận ra các chặng đường trên Hành Trình Anh Hùng ở khắp mọi câu chuyện, không chỉ gói gọn trong các phiên bản phiêu lưu hành động nảy lửa. Nhân vật chính luôn là người hùng trong mọi hành trình, dù cho con đường phiêu lưu kia chỉ xoay quanh tâm lý hay những mảng quan hệ của họ.

Các chặng trong Hành Trình Anh Hùng xuất hiện và liên kết theo một lẽ tự nhiên, ngay cả khi người viết chẳng hề để ý tới, nhưng những kiến thức góp nhặt từ kho tàng xa xưa này vẫn chứng tỏ độ hữu dụng trong việc nhìn nhận vấn đề và cải thiện cách kể chuyện. Hãy xem 12 chặng đường này như một địa đồ cho Hành Trình Anh Hùng, không chỉ để soi rọi đường đi, mà còn là con đường bền bỉ, linh hoạt, và đáng tin cậy bậc nhất.

CÁC CHẶNG ĐƯỜNG TRONG HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

1. THẾ GIỚI BÌNH PHÀM

2. TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU

3. LỜI TỪ CHỐI

4. GẶP GỠ SƯ PHỤ

5. VƯỢT ẢI ĐẦU TIÊN

6. THỬ THÁCH, ĐỒNG MINH, KẺ THÙ

7. TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG

8. KHỔ HÌNH

9. PHẦN THƯỞNG (ĐOẠT LẤY GƯƠM BÁU)

10. CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ

11. HỒI SINH

12. QUAY VỀ CÙNG THẦN DƯỢC

Đọc bài viết

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Cafe sáng