Trích đăng

Chương 1 “Những đốm lửa lưu lạc” – Celeste Ng

Một câu chuyện xúc động về sự gắn kết mãnh liệt của tình mẫu tử, sức nặng của những bí mật, bản chất của nghệ thuật và tính đồng nhất trong một cộng đồng, như những ngọn lửa âm ỉ ủ trong vẻ ngoài tĩnh lặng, cứ chực chờ bùng cháy.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

[Trích đoạn Chương 1] Những đốm lửa lưu lạc

Trích từ: Những đốm lửa lưu lạc

Tác giả: Celeste Ng

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Tái bản: tháng 3.2019

1

Ở Shaker Heights mọi người vẫn đang bàn tán về chuyện xảy ra vào mùa hè năm ấy: tại sao mà con bé Isabelle, đứa con út của gia đình Richardson, lại có thể phát điên mà châm lửa đốt nhà. Suốt mùa xuân, chuyện về bé Mirabelle McCullough trở thành chủ đề buôn chuyện – hoặc, tùy bạn đứng về phía nào, mà có thể gọi bé là Châu Mai Linh – còn bây giờ, rốt cuộc cũng có chuyện mới, một đề tài hấp dẫn để bàn luận. Một sáng thứ Bảy của tháng Năm, vừa non trưa, nhiều khách đang đẩy xe hàng mua sắm trong siêu thị Heinen’s đã nghe tiếng xe cứu hỏa inh ỏi chạy loạn xạ, hướng thẳng về phía hồ vịt. Khoảng 12 giờ 15 phút, bốn chiếc xe cứu hỏa đỗ thành một dãy đỏ lộn xộn dọc đường Parkland Drive, nơi cả sáu phòng ngủ của gia đình Richardson đang ngùn ngụt cháy, ai nấy trong vòng nửa dặm đều thấy khói bốc lên từ những ngọn cây giống như đám mây giông đen ngòm dày đặc. Sau đó, người ta đồn rằng từ lâu đã xuất hiện nhiều dấu hiệu rõ ràng: rằng Izzy là con nhỏ điên loạn, rằng gia đình Richardson lúc nào cũng có gì đó kỳ lạ, rằng vừa nghe tiếng còi báo động vào sáng hôm ấy thì họ biết chắc có chuyện khủng khiếp đã xảy ra rồi. Dĩ nhiên, lúc bấy giờ Izzy vẫn mất tích, không ai biện hộ cho cô và thiên hạ có thể – hoặc đã – đồn đoán bất cứ thứ gì mà họ thích. Dù khi xe cứu hỏa đến, và rồi sau đó một lúc, cũng không ai biết được chuyện gì đã xảy ra. Những người hàng xóm nép sát hết mức vào rào chắn tạm thời – chiếc xe tuần dương của cảnh sát, đỗ chắn ngang cách xa vài trăm mét – để quan sát đội cứu hỏa tháo các cuộn ống trong nét mặt khắc nghiệt của người đã nhận ra sự vô vọng. Bên kia đường, đàn ngỗng trong hồ vẫn ngụp đầu xuống nước lặn tìm rong, hoàn toàn không chút xáo trộn trước sự hỗn loạn này.

Bà Richardson đứng trên bờ cỏ, tay túm chặt cổ áo choàng màu xanh nhạt. Dù trời đã sang chiều, bà vẫn còn đang ngủ khi đầu báo khói rú lên. Bà đã đi ngủ muộn, cố vào giấc, tự nhủ thầm phải gắng nghỉ ngơi sau một ngày dài khó nhọc. Tối hôm qua, từ cửa sổ tầng trên, bà nhác thấy một chiếc xe hơi cố đậu lại trước nhà. Lối lái xe vào nhà vừa xa vừa vòng, hình cung trũng kiểu móng ngựa uốn cong từ lề đường đến trước cửa rồi trở ra – vì vậy con đường chính chỉ cách cỡ trăm bước, nhưng với bà nó xa đến mức bà khó lòng nhìn rõ, dù bây giờ vẫn đang là tháng Năm1, huống hồ lúc đó là chín giờ rưỡi đêm, trời đã sầm tối. Tuy vậy bà nhận ra chiếc Volkswagen cỡ nhỏ màu nâu vàng nhạt của vị khách thuê nhà, cô Mia, với chiếc đèn pha sáng rực. Cửa phụ mở ra, một dáng người mảnh mai xuất hiện, khép hờ cánh cửa: đứa con gái tuổi teen của Mia, là Pearl. Đèn dưới mui chiếu sáng bên trong khiến chiếc xe giống như một hộp trưng bày, nhưng chiếc xe xếp đầy nào hộp, nào túi đến gần chạm trần và bà Richardson chỉ có thể nhận ra chiếc bóng mờ nhạt tạo ra từ đầu cô Mia với búi tóc rối bù ngự trên đỉnh đầu. Pearl cúi xuống hộp thư, và bà Richardson chỉ có thể hình dung được tiếng cót két yếu ớt phát ra khi cửa hộp thư mở ra, rồi đóng lại. Sau đó Pearl nhảy lò cò trở vào xe và đóng cửa. Đèn phanh xe lóe lên đỏ rực sau đó chớp tắt, chiếc xe tất tả lao vào màn đêm đang buông đầy. Lòng thấy nhẹ nhõm, bà Richardson xuống chỗ hộp thư và nhìn thấy bộ chìa khóa đặt trên một chiếc nhẫn trơn, không một lời nhắn. Bà định sáng mai sẽ xem xét kỹ lưỡng cũng như kiểm tra căn hộ ở đường Winslow, dù bà biết rõ hai mẹ con họ đã đi rồi.

Nhờ biết chuyện này nên bà mới chịu đi ngủ, và bây giờ là mười hai giờ rưỡi, bà đang đứng trên bờ cỏ trong chiếc áo choàng tắm, chân xỏ đôi giày tennis của cậu con trai Trip, nhìn căn nhà của gia đình đang cháy thành tro bụi. Khi bị đánh thức bởi tiếng rít ầm ĩ từ đầu báo khói, bà chạy hết phòng này đến phòng khác tìm cậu, tìm Lexie, tìm Moody. Thật ngạc nhiên khi bà không tìm Izzy, có vẻ như bà đã đinh ninh rằng Izzy là đứa gây nên tội. Phòng nào cũng trống trơn nhưng lại nồng nặc mùi xăng cùng ngọn lửa nhỏ đang cháy tanh tách ngay giữa mỗi chiếc giường, y như có con điên đang cắm trại trên đó. Đến khi bà kiểm tra phòng khách, phòng sinh hoạt gia đình, phòng giải trí và phòng bếp thì khói đã bắt đầu lan rộng bao phủ hoàn toàn, cuối cùng bà tháo chạy ra ngoài, nghe tiếng còi báo động, tín hiệu phát ra từ hệ thống an toàn của căn nhà. Ngoài ngõ vào, bà thấy chiếc Jeep của Trip không còn, cả chiếc Explorer của Lexie, xe đạp của Moody cũng vậy và dĩ nhiên chiếc ô-tô mui kín của chồng bà cũng vắng mặt. Người ta phải gọi cho ông từ sở làm. Sau đó bà sực nhớ Lexie, ơn trời, tối qua con nhỏ qua đêm ở nhà Serena Vương. Bà tự hỏi liệu Izzy đã đi đâu. Bà tự hỏi liệu mấy đứa con trai của bà đang ở đâu, và làm cách nào tìm được chúng để báo chúng biết chuyện gì đã xảy ra.

Khi ngọn lửa được dập tắt, ngôi nhà chưa đến mức bị thiêu rụi hoàn toàn nhưng bà Richardson vẫn còn rất sợ hãi. Tất cả cửa sổ đều cháy rụi nhưng khung gạch của ngôi nhà vẫn còn, ẩm ướt, đen nhẹm đi và bốc đầy hơi nước, phần lớn mái nhà, các tấm bảng màu đen bóng bẩy lấp lánh giống như những chiếc vảy cá họ mới vừa ngâm tẩm. Trong vài ngày tới, gia đình Richardson không được vào nhà cho đến khi các kỹ sư của sở cứu hỏa kiểm tra xong tất cả những thanh xà còn trụ lại, tuy vậy, chỉ cần đứng từ bờ cỏ – nơi gần nhất với bảng CẢNH BÁO màu vàng mà họ được phép đến – họ vẫn nhìn thấy chút gì đó còn sót lại trong căn nhà đổ nát.

“Trời ơi,” Lexie sửng sốt. Cô ngồi ngay mép mui xe của mình, chiếc xe đang đỗ bên kia đường, trên bãi cỏ giáp cái hồ vịt. Cô và Serena vẫn đang say ngủ, lưng đâu lưng cuộn tròn trong chiếc chăn cỡ queen2 của Selena thì bác sĩ Vương lay vai cô, nói nhỏ, “Lexie. Cục cưng Lexie. Dậy nào. Mẹ con vừa gọi đấy.” Họ đã thức đến hơn hai giờ sáng, nói chuyện – như họ đã làm suốt mùa xuân – về bé Mirabelle McCullough, tranh luận về việc quyết định của quan tòa là đúng hay sai, liệu bố mẹ nuôi của con bé có nên nhận được quyền giám hộ hoặc liệu có nên trả nó về với mẹ ruột. Cuối cùng Serena nói “Thậm chí Mirabelle McCullough cũng không phải tên thật của con nhỏ, ôi trời,” và Lexie đáp lại, “Mẹ nó đã từ bỏ nó, đồng nghĩa cô ta từ bỏ luôn quyền đặt tên cho nó,” rồi họ rơi vào không khí tĩnh lặng ảm đạm cho đến khi cả hai ngủ thiếp đi.

Bây giờ Lexie nhìn đám khói cuồn cuộn bốc ra từ cửa sổ phòng ngủ của cô, cái cửa sổ hướng ra bãi cỏ, và nghĩ đến mớ đồ đạc trong phòng chẳng còn gì. Mỗi chiếc áo phông trong ngăn tủ kéo, mỗi cái quần jean trong tủ quần áo. Mớ ghi chú mà Serena đã viết cho cô từ hồi lớp Sáu hãy còn xếp lại thành các quả banh giấy, chúng được cất giữ trong một hộp giày đặt dưới giường; cả cái giường, các tấm ga trải giường và chiếc chăn bông đều cháy rụi thành than. Đóa hồng cài áo mà bạn trai Brian đã tặng trong chuyến hành hương được treo trên bàn trang điểm đến khô đi, những cánh hồng đỏ thắm, sẫm lại hóa đỏ bầm. Giờ chẳng còn gì ngoài tro tàn. Đột nhiên Lexie nhận ra rằng, trong bộ đồ vừa thay mà cô mang đến nhà Serena, thì cô còn khá khẩm hơn các thành viên còn lại trong nhà: trên ghế sau cô có cái túi du lịch, cái quần jean và bàn chải đánh răng. Bộ đồ ngủ. Cô liếc vội mấy đứa em, nhìn qua mẹ, mẹ hãy còn mặc áo choàng tắm đứng nơi bờ cỏ, và cô nghĩ, Thật luôn, mọi người chẳng còn gì ngoài bộ đồ dính trên người. “Thật luôn” là một trong những từ cửa miệng của Lexie, thậm chí cô gán nó vào những tình huống chẳng thật chút nào. Trong trường hợp này, chí ít một lần, không ít thì nhiều cô cũng dùng chính xác.

Ngay cạnh cô, Trip thất thần đưa tay xước tóc. Lúc này mặt trời đang đứng bóng, mồ hôi làm cho những lọn tóc quăn của cậu cứ ngang tàng dựng ngược. Cậu đang chơi bóng rổ tại trung tâm cộng đồng thì nghe tiếng xe cứu hỏa rền rĩ, nhưng cậu chẳng mấy để ý. Ngay sau đó, mọi người đói bụng và quyết định nghỉ chơi, cậu lập tức lái xe về nhà. Đúng kiểu Trip, thậm chí cửa xe có đang hạ xuống thì cậu cũng không bận tâm đến đám khói khổng lồ phảng phất bay về phía mình mà chỉ bắt đầu nhận ra chuyện không ổn khi thấy xe cảnh sát phong tỏa con đường. Sau mười phút giải thích, cuối cùng cậu cũng được phép đỗ chiếc Jeep của mình ở phía bên kia ngôi nhà, nơi Lexie và Moody đang ngồi đợi từ lúc nào. Ba chị em ngồi trên mui xe theo thứ tự, như thứ tự trong các bức ảnh chân dung gia đình từng treo chỗ cầu thang, những bức ảnh giờ đã thành tro bụi. Lexie, đến Trip, Moody: học sinh năm cuối, năm ba, năm hai. Cạnh bên, mấy chị em nhận ra chỗ trống mà Izzy, học sinh năm nhất, “con cừu đen”3 trong nhà, một đứa bất định, đã để lại.

“Rồi chúng ta sẽ ở đâu?” Trip hỏi. Phút lặng thinh bỗng chốc vây lấy ba chị em khi họ nhìn lại tình cảnh của nhà mình.

“Chúng ta sẽ đến khách sạn hoặc nơi nào đó đại loại thế,” cuối cùng Lexie trả lời. “Chị nghĩ trước đây gia đình Josh Trammell cũng làm vậy.” Ai cũng biết chuyện này: vài năm trước, Josh Trammell, một học sinh năm hai đã ngủ quên khi đèn cầy còn cháy làm căn nhà của bố mẹ cậu bị thiêu rụi. Nhiều năm qua, ở trường trung học vẫn đồn rằng nguyên nhân không phải cây đèn cầy mà vì hút cần sa4, nhưng bên trong ngôi nhà đã bị hủy hoại hoàn toàn nên chẳng thể nào biết được, và Josh mắc kẹt trong chuyện cây đèn cầy của chính mình. Người ta vẫn xem cậu là thằng đầu đất đốt nhà, dù chuyện này đã trôi qua nhiều năm, và mới đây Josh đã tốt nghiệp Đại học Ohio State với tấm bằng danh dự. Giờ đây, dĩ nhiên, đám cháy của Josh Trammell không còn là vụ hỏa hoạn lừng danh nhất ở Shaker Heights này nữa.

“Một phòng khách sạn? Cho cả bọn?”

“Sao cũng được. Thì hai phòng. Hoặc chúng ta sẽ đến khách sạn Embassy Suites. Chị không biết.” Lexie nhịp mấy ngón tay lên đầu gối. Cô muốn làm một điếu, nhưng sau những gì vừa xảy ra – và trước mắt mẹ với mười người lính cứu hỏa – cô không dám châm điếu. “Bố mẹ sẽ tính toán thiệt hại. Và phía bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà mình.” Mặc dù chỉ hiểu biết mơ hồ về thủ tục bảo hiểm, thì suy nghĩ này của cô nghe có vẻ hợp lý. Dù sao đi nữa, đây là chuyện của người lớn, không phải của bọn trẻ.

Những lính cứu hỏa cuối cùng đang từ nhà bước ra, kéo chiếc mặt nạ bảo hộ ra khỏi mặt. Khói từ đám cháy hầu như đã không còn, nhưng cảm giác oi bức vẫn bao phủ khắp nơi rất giống bầu không khí phòng tắm sau khi tắm nước nóng. Mui xe nóng dần lên và Trip duỗi chân xuống kính chắn gió, di mũi dép tông đẩy đẩy vào cần gạt nước. Rồi cậu phì cười.

“Gì mà vui vậy?” Lexie hỏi.

“Chỉ đang tưởng tượng cảnh con Izzy chạy loanh quanh để đánh diêm khắp nhà.” Cậu khịt mũi. “Cái con điên.”

Moody đang ngồi vắt chéo chân trên bãi cỏ cạnh chiếc xe đạp của mình. “Sao ai cũng khẳng định là nó?”

“Thôi đi.” Trip nhảy khỏi xe. “Là Izzy chứ ai. Chúng ta đều ở đây. Mẹ cũng ở đây. Bố thì trên đường về. Còn thiếu ai nữa?”

“Vì Izzy không có ở đây. Nên nó là đứa duy nhất có khả năng gây ra hay sao?”

Thủ phạm?” Lexie cắt ngang. “Izzy á?”

“Bố đang ở sở làm,” Trip nói tiếp. “Chị Lexie ở nhà Serena.

Em thì đang chơi bóng bên đường Sussex. Còn em, Moody?”

Moody ngập ngừng. “Em đạp xe đến thư viện.”

“Đó. Chị thấy chưa?” Với Trip, đáp án quá hiển nhiên. “Kẻ tình nghi duy nhất chỉ còn Izzy và mẹ. Mà mẹ thì đang ngủ.”

“Biết đâu đường điện nhà mình bị chập. Hoặc giả có người quên tắt lò nướng thì sao.”

“Đội cứu hỏa nói có nhiều mồi lửa rải khắp nhà,” Lexie nói. “Rất nhiều điểm phát lửa. Khả năng có cả chất xúc tác. Không phải sự cố.”

“Chúng ta đều biết con nhỏ đó thần kinh mà.” Trip ngả người tựa vào cửa xe.

Bên kia đường, xe cứu hỏa bắt đầu cuộn ống vào guồng. Ba đứa trẻ còn lại của nhà Richardson dõi theo đội cứu hỏa buông rìu xuống và cởi bỏ những lớp áo khoác vàng ám đầy mùi khói.

“Đứa nào qua đó ngồi với mẹ đi,” Lexie bảo, nhưng chẳng ai nhúc nhích.

Sau một phút, Trip tuyên bố, “Khi bố mẹ tìm thấy Iz, họ sẽ nhốt nó vào bệnh viện tâm thần đến hết đời.”

Không ai bận tâm đến việc cô Mia và Pearl vừa rời khỏi căn hộ ở đường Winslow. Bà Richardson, đang quan sát đội trưởng đội cứu hỏa tỉ mỉ ghi chép vào hồ sơ tạm nên đã hoàn toàn quên mất hai vị khách thuê cũ của mình. Bà còn chưa báo với chồng hay bọn trẻ về chuyện đó; nhưng sáng sớm hôm ấy, Moody đã phát hiện sự vắng mặt của họ và cậu vẫn không chắc mình nên làm gì. Phía cuối đường Parkland Drive, đốm xanh nhỏ – chiếc BMW của bố chúng – đang tiến lại gần.

“Sao anh biết chắc họ sẽ tìm ra nó?” Moody hỏi.


Chú thích:

  1. Ở Mỹ, vào mùa hè có những nơi tới 20 – 21 giờ đêm trời vẫn còn nắng.
  2. Giường cỡ queen có kích thước 1,6m x 2m.
  3. Con cừu đen chỉ một đứa con hư, khác với các anh chị em còn lại trong nhà (theo ý nghĩa tiêu cực).
  4. Từ gốc: “a joint”(tiếng lóng) – chỉ điếu cần sa nhỏ bằng điếu thuốc lá, chứa độc chất gấp 4 lần điếu thuốc lá.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Trích đăng “Hành trình người viết” – Christopher Vogler

Published

on

Trích từ: Hành Trình Người Viết
Tác giả: Christopher Vogler
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH

“Loài người thật ra chỉ có tầm hai hay ba câu chuyện thôi,

và chúng được lặp đi lặp lại mải miết cứ như lần đầu được kể.”

— Willa Cather, trong O Pioneers!

Về lâu dài mà nói, Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt của Joseph Campbell là một trong những quyển sách có sức ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

Những tư tưởng mà quyển sách truyền tải đang ảnh hưởng to lớn tới cách thức kể chuyện. Các tay viết đang dần nhận thức rõ hơn về các hình mẫu trường tồn mà Campbell đã đưa ra, và góp phần làm giàu thêm bằng chính công sức của họ.

Hiển nhiên Hollywood cũng đã nhận ra công trình của Campbell hữu ích thế nào. Những nhà làm phim như George Lucas và George Miller đều bày tỏ lòng biết ơn tới Campbell, tầm ảnh hưởng của ông còn được thể hiện trong các phim của Steven Spielberg, John Boorman, Francis Coppola, Darren Aronofsky, Jon Favreau, và nhiều người khác.

Không có gì ngạc nhiên khi Hollywood rất ưng các tư tưởng mà Campbell trình bày trong tác phẩm của mình. Những khái niệm ông đưa ra như hộp dụng cụ vào nghề cho biên kịch, nhà sản xuất, nhà thiết kế… Chúng ẩn chứa đầy đủ các công cụ chắc chắn để phục vụ hoàn hảo cho mục đích sáng tác. Những công cụ này cho phép người dùng dựng nên câu chuyện đáp ứng đủ loại tình huống, một câu chuyện vừa có thể ẩn chứa bi kịch, lại vừa mang tính giải trí, và còn chuẩn xác về mặt tâm lý. Chúng cho phép người dùng chẩn đoán mọi vấn đề ẩn chứa trong các kịch bản khó nhằn, cũng như cung cấp giải pháp chỉnh sửa để đưa kịch bản lên tới tầm khả thi đỉnh cao của nó.

Thời gian là bảo chứng rõ ràng nhất cho tác dụng của hộp đồ nghề này. Chúng tồn tại lâu đời hơn cả những kim tự tháp, vòng tròn đá Stonehenge hay những hình vẽ sơ khai trên vách hang động.

Bộ công cụ này được Joseph Campbell hoàn thành khi ông bỏ công sức góp nhặt và quy mọi nhánh tư tưởng về một mối, sau đó nhìn nhận, diễn giải, đặt tên, và sắp xếp lại toàn bộ. Chính ông là người đầu tiên đem những hình mẫu chứa đựng trong các câu chuyện ra ánh sáng.

Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt là bản báo cáo của Campbell về cấu trúc bền vững nhất trong văn học, xét cả văn nói lẫn văn viết: thần thoại về người anh hùng. Trong nghiên cứu của mình về thế giới thần thoại, Campbell nhận ra rằng về bản chất mọi câu chuyện đều y hệt nhau, một cấu trúc lặp đi lặp lại bất tận với vô hạn biến thể.

Ông nhận ra rằng trong mọi cách kể chuyện, dù vô tình hay hữu ý, thì cũng theo các khuôn mẫu cổ đại từ thần thoại. Và mọi câu chuyện, từ những chuyện đùa thô thiển nhất cho tới đỉnh cao văn học, đều có thể diễn giải dựa trên Hành Trình Anh Hùng: vòng lặp hành trình cùng các nguyên tắc của nó.

Các hình mẫu trong Hành Trình Anh Hùng mang tính chung nhất, áp dụng ở bất kỳ nền văn hóa, bất kỳ thời điểm nào. Hệt như chính loài người chúng ta, khả năng biến thể tái lặp của các hình mẫu là vô hạn, dẫu cho bản chất nguyên thủy không hề thay đổi. Hành Trình Anh Hùng là một chuỗi các yếu tố bền bỉ bật lên từ sâu thẳm nhất trong tâm trí con người, có khác biệt qua các nền văn hóa, nhưng về bản chất vẫn là một.

Suy nghĩ của Campbell cũng song hành với nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Carl G. Jung, người từng viết về các cổ mẫu (hoặc nguyên mẫu) như sau: chúng là những nhân vật hoặc nguồn năng lượng được lặp lại, liên tiếp, xuất hiện trong giấc mơ của mọi người và các câu chuyện thần thoại trong mọi nền văn hóa. Jung cũng gợi ý rằng những nguyên mẫu trên phản ánh những khía cạnh khác nhau của tâm trí con người, rằng bản dạng của chúng ta được phân thành nhiều tính cách để đối ứng với những thăng trầm khác nhau của cuộc đời. Ông nhận ra có sự tương thích mạnh mẽ giữa các hình ảnh trong giấc mơ của bệnh nhân mình chăm sóc với các cổ mẫu trong thần thoại. Ông cho rằng cả hai đều xuất phát từ những nguồn sâu thẳm hơn: vô thức tập thể (collective unconscious) của loài người.

Những nhân vật được lặp đi lặp lại trong thế giới thần thoại cũng chính là những thứ thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ và tưởng tượng của chúng ta: các anh hùng trẻ tuổi, những bô lão thông thái, người biến hình, và các nhân vật phản diện núp trong bóng tối. Điều đó lý giải tại sao thần thoại và các câu chuyện được dựng nên từ hình mẫu của chúng đều chứa đựng triết lý về tâm lý.

Các câu chuyện như thế là những hình mẫu chính xác cho việc khai thác tâm trí con người, bản đồ chân thực của tâm hồn. Chúng chính xác về mặt tâm lý, và đưa ra cảm xúc chân thật ngay cả khi được dùng để diễn giải các sự kiện siêu phàm, phi thường, phi thực tế.

Vì lẽ đó, các câu chuyện trên đều sở hữu tính phổ quát. Bất cứ ai cũng có thể cảm thụ được sức hấp dẫn của những câu chuyện dựa trên mô hình Hành Trình Anh Hùng, chính bởi nguồn gốc phổ quát và phản ánh được vạn vật tự nhiên.

Chúng giải thích những câu hỏi phổ biến thuở còn trẻ thơ của mọi người: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Khi chết rồi tôi sẽ tới đâu? Thiện ác là gì? Tôi phải đối phó với chúng ra sao? Ngày mai sẽ thế nào? Ngày hôm qua đã trôi về đâu? Bên ngoài kia còn ai không?

Những tư tưởng được lồng vào trong thần thoại, sau đó được Campbell định dạng lại trong tác phẩm Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có thể được dùng để thấu hiểu hầu hết vấn đề nhân sinh. Chúng là chìa khóa hữu ích cho cuộc sống, cũng như công cụ hiệu quả để lôi cuốn đám đông khán giả.

Nếu bạn muốn hiểu rõ các tư tưởng đằng sau Hành Trình Anh Hùng, chẳng có cách nào khác ngoài việc tìm đọc tác phẩm của Campbell. Đó sẽ là trải nghiệm thay đổi đời người.

Đọc nhiều thần thoại cũng là ý hay, nhưng đọc sách của Campbell thì hiệu quả cũng chẳng khác là bao bởi lối kể chuyện bậc thầy, và ông cũng thích minh họa những luận điểm bằng ví dụ lấy từ chính kho tàng thần thoại đồ sộ.

Trong Chương 4 của Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có tên “Những Chiếc Chìa Khóa”, Campbell đã đưa ra dàn bài cho Hành Trình Anh Hùng. Tôi đã mạn phép thay đổi dàn bài một chút, cố gắng phản ánh thêm về các chủ đề phổ biến trong điện ảnh bằng các minh họa trích từ các bộ phim đương đại, và cả một vài phim cổ điển khác. Độc giả có thể so sánh hai dàn bài và các thuật ngữ thông qua Bảng 1 ngay dưới đây.

HÀNH TRÌNH NGƯỜI VIẾTNGƯỜI HÙNG MANG NGÀN GƯƠNG MẶT
HỒI MỘTKHỞI HÀNH, LY BIỆT
Thế Giới Bình Phàm
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Gặp Gỡ Sư Phụ
Vượt Ải Đầu Tiên
Thế Giới Thường Nhật
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Sự Trợ Giúp Siêu Nhiên
Vượt Ải Đầu Tiên
Bụng Cá Voi
HỒI HAIDẤN THÂN, KHỞI ĐẦU, VƯỢT QUA
Thử Thách, Đồng Minh, Kẻ Thù
Tiếp Cận Hang Động Trong Cùng
Khổ Hình   



Phần Thưởng
Con Đường Thử Thách 

Gặp Gỡ Nữ Thần
Ải Mỹ Nhân
Chuộc Tội Cùng Thánh Thần
Sự Sùng Bái
Ân Huệ Tối Thượng
HỒI BATRỞ VỀ
Con Đường Trở Về




Hồi Sinh
Quay Về Cùng Thần Dược
Từ Chối Trở Về
Hành Trình Kì Diệu
Sự Giải Cứu
Vượt Qua Thử Thách
Trở Về
Bậc Thầy Ở Hai Thế Giới
Tự Do Để Sống
BẢNG 1
So sánh dàn bài và thuật ngữ

Tôi sẽ kể lại giai thoại Anh Hùng theo cách riêng mình, và độc giả cũng nên làm tương tự. Mọi tay viết đều có thể nhào nặn các hình mẫu thần thoại theo mục đích riêng, hoặc theo nhu cầu của một nền văn hóa cụ thể nào đó.

Đó là lý do tại sao người hùng lại có muôn vàn gương mặt.

Một chú thích về thuật ngữ “anh hùng” được dùng ở đây, cũng tương tự như “bác sĩ”, hay “nhà thơ”, hoàn toàn có thể chỉ bất kỳ giới tính nào.

HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

Dẫu cho có muôn vàn biến thể, bản chất câu chuyện về Anh Hùng luôn là một hành trình. Họ từ bỏ cuộc sống dễ chịu quen thuộc cố hữu để dấn thân vào thế giới xa lạ đầy thử thách. Đó có thể là một hành trình hướng ngoại đến một địa điểm cụ thể nào đó: một mê cung, một khu rừng, hay một hang động, một thành phố, một quốc gia xa lạ, một địa điểm mới toanh, nơi sẽ trở thành võ đài cho chính họ chiến đấu với những thế lực phản diện khó nhằn.

Nhưng cũng có nhiều câu chuyện đưa ra hành trình hướng nội, tìm về tâm trí, trái tim, linh hồn của con người. Trong bất kỳ câu chuyện hấp dẫn nào cũng chứa đựng hành trình trưởng thành và thay đổi của nhân vật chính: từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ yếu ớt đến mạnh mẽ, từ điên cuồng đến khôn ngoan, từ yêu thành hận, và ngược lại. Những hành trình đầy cảm xúc này mê hoặc khán giả và tăng cường giá trị theo dõi của chính câu chuyện.

Có thể nhận ra các chặng đường trên Hành Trình Anh Hùng ở khắp mọi câu chuyện, không chỉ gói gọn trong các phiên bản phiêu lưu hành động nảy lửa. Nhân vật chính luôn là người hùng trong mọi hành trình, dù cho con đường phiêu lưu kia chỉ xoay quanh tâm lý hay những mảng quan hệ của họ.

Các chặng trong Hành Trình Anh Hùng xuất hiện và liên kết theo một lẽ tự nhiên, ngay cả khi người viết chẳng hề để ý tới, nhưng những kiến thức góp nhặt từ kho tàng xa xưa này vẫn chứng tỏ độ hữu dụng trong việc nhìn nhận vấn đề và cải thiện cách kể chuyện. Hãy xem 12 chặng đường này như một địa đồ cho Hành Trình Anh Hùng, không chỉ để soi rọi đường đi, mà còn là con đường bền bỉ, linh hoạt, và đáng tin cậy bậc nhất.

CÁC CHẶNG ĐƯỜNG TRONG HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

1. THẾ GIỚI BÌNH PHÀM

2. TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU

3. LỜI TỪ CHỐI

4. GẶP GỠ SƯ PHỤ

5. VƯỢT ẢI ĐẦU TIÊN

6. THỬ THÁCH, ĐỒNG MINH, KẺ THÙ

7. TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG

8. KHỔ HÌNH

9. PHẦN THƯỞNG (ĐOẠT LẤY GƯƠM BÁU)

10. CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ

11. HỒI SINH

12. QUAY VỀ CÙNG THẦN DƯỢC

Đọc bài viết

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Cafe sáng