Trà chiều

The Edge of Heaven: Bên rìa của hạnh phúc

Published

on

The Edge of Heaven có cấu trúc chia làm ba phần như ba chương trong tiểu thuyết, với mỗi phần bắt đầu bằng một tiêu đề trên phông nền đen. Tiêu đề ba phần lần lượt là: Yeter’s death, Lotte’s death, The Edge of Heaven.

Ở hai phần đầu, cách đặt tên đã tiết lộ cho người xem biết về cái chết của hai nhân vật trong câu chuyện. Fatih đã tự tước đi sự khám phá của khán giả về cái kết của nhân vật, tước đi sự hồi hộp theo dõi bằng cách cho họ biết trước diễn biến quan trọng nhất trong phần đó. Vì vậy, khán giả xem phim sẽ có cái nhìn của Chúa trởi (phim được kể theo lối omniscient narrator) – khán giả không chỉ biết hết tất cả những điều nhân vật này không biết về nhân vật kia, mà thậm chí còn biết trước kết cục. Tuy điều này không khiến người xem hồi hộp nhưng tạo được cho họ nỗi buồn bởi lẽ lúc họ dần yêu mến nhân vật, dần hiểu hơn về nhân vật cũng là lúc người xem biết họ sắp chết.

Cái chết của những sinh thể nhỏ nhoi

Thưởng thức The Edge of Heaven, khán giả được trải qua cung bậc cảm xúc khác biệt so với những phim thông thường. Ban đầu, thông tin về cái chết của nhân vật không khiến người xem có bất kì cảm xúc nào vì chưa kịp biết về người đó (Yeter, Lotte). Người chết cũng không phải là người đầu tiên xuất hiện trong phần phim về họ mà là một người khác có liên quan đến họ (Ali, Ayten). Chúng ta dần biết về người chết thông qua mối quan hệ với người kia, và rồi chúng ta hiểu họ như một cá thể độc lập; thế nhưng, ngay giây phút ta yêu mến họ nhất thì họ chết. Điều này cũng giống như tình yêu: khi kết thúc ngay thời điểm nồng nàn nhất sẽ khiến ta day dứt, vấn vương mãi.

Một trong những chủ đề chính của phim là cái chết, hay cụ thể hơn là cái chết vô nghĩa. Điều đó không có nghĩa là những cái chết trong phim vô nghĩa, mà là những tình huống dẫn đến cái chết trong phim đều vô nghĩa, nhân vật không đáng phải chết và vào khoảnh khắc cuối cùng, họ đã chết như một sinh thể tầm thường nhất, nhỏ nhoi nhất. Fatih không thể hiện sự xót thương dành cho họ thông qua các góc máy hay âm nhạc, tiết tấu phim. Vào cảnh họ chết, mọi việc diễn ra rất nhanh và bình thường. Ở cảnh Yeter chết, người xem không thấy bà ngã và bị đập đầu như thế nào, chúng ta chỉ nghe một âm thanh lớn, khi camera cho thấy hình ảnh Yeter nằm trên sàn nhà, đó chỉ là một cảnh toàn bình thường như góc nhìn khách quan lạnh lùng vốn dĩ của thực tế. Fatih không cho người xem thấy bất kỳ khung hình cận cảnh đầy cảm xúc nào về cái chết của bà. Tương tự như thế, cái chết của Charlotte cũng vậy. Chúng ta chỉ nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ bắn súng, tiếng súng nổ, khuôn mặt đám trẻ ngỡ ngàng, chúng bỏ chạy. Và sau đó, ta thấy cảnh toàn nơi Lotte nằm xuống một góc hẻm vắng.

Những vòng tròn dao động vô hình của số phận

The Edge of Heaven không có một nhân vật chính chủ đạo. Nếu dựa trên lí thuyết tạm gọi là nhân vật xuất hiện đầu tiên và cuối cùng dẫn dắt bộ phim thì có lẽ nhân vật chính là con trai của ông Ali. Anh xuất hiện đầu phim khi đang trên đường chạy đi tìm bố, nhưng lúc đó khán giả không biết mục đích của anh là gì, chúng ta chỉ thấy cảnh toàn ở một trạm xăng có tiệm tạp hóa phía sau. Anh mua đồ ăn và nghe giai điệu một bản nhạc. Chủ tiệm kể cho anh nghe về người ca sĩ đang hát, anh ta đã bị mắc bệnh ung thư và chết sớm. Sau đó, câu chuyện chuyển hướng sang Ali. Cuối phim, ta bắt gặp lại hình ảnh anh đang chạy xe và đến cửa tiệm tạp hóa như đầu phim: lúc này, chúng ta đã biết mục đích của anh là đi tìm bố. Cảnh cuối cùng của phim là cảnh anh ngồi trầm tư bên bờ biển, chờ đợi bố trở về. Nhưng anh chỉ là một trong những người dẫn dắt xuyên suốt câu chuyện chứ không nắm vai trò chủ động, có những khi anh biến mất. Vì vậy, xét theo vai trò và mục tiêu của nhân vật, có thể nói cả sáu nhân vật đều là nhân vật chính trong phim. Điểm hay của phim là ở chỗ một nhân vật có thể là nhân vật chính trong phần này nhưng đồng thời lại là nhân vật phụ trong phần khác, và ngược lại. Điều này cũng giống như cuộc sống thực tế vốn không phân chính phụ. Sự tài tình của Fatih nằm ở việc trong một thời lượng giới hạn của phim, nội dung kịch bản đã khắc họa rõ nét chân dung của sáu nhân vật, không có một nhân vật nào được miêu tả hời hợt. Khán giả có thể cảm nhận nỗi đau, vấn đề riêng của từng người nhưng đồng thời vẫn bị cuốn hút vào mạch truyện chính rất hấp dẫn.

Phim điện ảnh xây dựng cốt truyện đa tuyến không phải là hiếm, chúng ta có những phim như: Babel, Crash, Love actually. Đó đều là những phim đa tuyến truyện với nhiều nhân vật chính khác nhau. Tuy nhiên, The Edge of Heaven lại có đôi chút đặc biệt: phim vừa có thể xem là đa tuyến, vừa có thể xem là đơn tuyến vì thực chất bộ phim có một mạch truyện chính và câu chuyện riêng lẻ về cuộc đời của từng nhân vật đều xoay quanh mạch truyện chính đó. Bộ phim gợi nhớ đến cấu trúc phim Pulp Fiction của Quentin Taratino với thủ pháp click: nghĩa là từng sự kiện trong phim như những thư mục trên máy tính; khi ta đang theo dõi cốt truyện chính có một tình tiết, một nhân vật ta không hiểu, ta tìm kiếm dữ liệu, click vào thư mục của người đó trên máy tính để tìm hiểu; sau đó, ta tắt đi thư mục ấy và lại tiếp tục theo dõi mạch truyện chính (đây là những diễn giải của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Về một điểm nào đó, The Edge of Heaven cũng tương tự như thế: tuy con trai Ali xuất hiện đầu tiên nhưng ban đầu, người xem biết rõ nhất là về ông Ali; thông qua ông, Yeter xuất hiện và chúng ta chưa hiểu rõ về con người Yeter, bộ phim dần chuyển sang góc nhìn của Yeter cho đến khi bà chết ở phần đầu tiên. Thông qua Yeter, chúng ta biết được bà có một người con gái. Con trai Ali vì muốn hoàn thành tâm nguyện của bà đã đi tìm cô nhưng anh không tìm ra. Mở đầu phần hai của phim là Lotte’s death, chúng ta được giới thiệu về Ayten – con gái của Yeter. Sau đó, Yeter gặp Charlotte, phim dần chuyển sang góc nhìn của Charlotte. Khi Charlotte mất, phim lại chuyển sang góc nhìn của mẹ Charlotte. Mẹ Charlotte gặp con trai Ali để biết về những ngày cuối cùng của Charlotte ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, phim lại chuyển góc nhìn về con trai Ali. Vẫn là kiểu cấu trúc vòng tròn quen thuộc nhưng đã được đạo diễn biến thể sáng tạo: trong vòng tròn lớn của sự lặp lại, có rất nhiều vòng tròn nhỏ đan xen, tựa như những vòng tròn cùng nhau lan tỏa trên mặt nước bị dao động bởi thứ xung lực vô hình nào đó của số phận.

Ba gia đình với những nỗi đau cần hàn gắn

Phim gồm sáu nhân vật và chúng ta có thể chia làm ba cặp gia đình: Ali và con trai (1), Yeter và Ayten (2), mẹ của Charlotte và Charlotte (3). Trong ba cặp này thì có hai cái chết đã diễn ra ở cặp (2) và (3) mà người trực tiếp/gián tiếp gây ra nguyên nhân cái chết nằm ở cặp (1) và (2). Trong đó, nếu xét cặp (2), ta sẽ thấy đây là cặp thú vị nhất vì cặp này vừa có nạn nhân, vừa có kẻ gây hại: nếu như Yeter là nạn nhân của Ali thuộc cặp (1) thì Ayten lại là kẻ gây hại cho Charlotte thuộc cặp (3). Ngoài ra, cặp (1) có thể gọi là cặp có hung thủ; trong khi đó, cặp (3) chỉ có người bị hại là Charlotte và người chịu sự tổn hại là mẹ Charlotte. Như vậy, ta có thể thấy: cặp (1) nắm vai trò chủ động. Cặp (2) vừa nắm vai trò chủ động – bị động. Cặp (3) nắm vai trò bị động. Đương nhiên, đây chỉ là cách chia tương đối vì trong sự chủ động luôn có sự bị động và trong sự bị động cũng luôn có sự chủ động – đó là sự chủ động lựa chọn sự bị động. Sở dĩ, con trai của Ali nắm được hai điểm quan trọng của bộ phim, xuất hiện ở cảnh đầu tiên và cảnh cuối khung hình vì anh đóng vai trò là người hàn gắn. Bằng sự nhạy cảm, tinh tế, thấu hiểu của mình, anh hàn gắn tất cả mọi người lại với nhau: đầu tiên, anh giúp Yeter bộc bạch về Ayten – phần nào khơi gợi sự liên kết giữa bà và con gái dù chỉ trong tâm trí; sau đó, anh gián tiếp giúp mẹ Charlotte hàn gắn với Ayten; cuối cùng, anh tự hàn gắn chính mình với bố.

Một trong những chủ đề của phim là tình cảm gia đình, không chỉ là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà bằng cốt truyện nói về những sự tương ngộ ngẫu nhiên do định mệnh, bộ phim còn nói về luật nhân quả, về mối dây liên kết vô hình giữa những con người với nhau. Con trai Ali lắng nghe và phần nào xoa dịu nỗi đau cho Yeter nhưng rồi chính bố anh lại là người giết Yeter. Với tình thương dành cho Yeter cùng phần nào cảm giác có lẽ là muốn chuộc lại lỗi lầm cho bố, anh đã đi tìm Ayten. Trong phim, anh vẫn chưa gặp được Ayten nhưng việc tìm kiếm giúp anh gặp được Charlotte và mẹ của cô – mà Charlotte lại là người yêu của Ayten. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy được sự bổ sung thật ấm áp, ý nghĩa trong phim như sau: Ayten mất mẹ nhưng cô không biết mình còn một người mẹ; trong khi đó, mẹ Charlotte mất con, bà cần một người con. Vì vậy, tôi cảm thấy ấm áp khi cuối cùng, mẹ Charlotte đã quyết định tha thứ cho Ayten. Bà ôm cô trong vòng tay như một người mẹ. Và con trai Ali cũng quyết định tha thứ cho ông. Anh ngồi trên bãi biển, nhìn mãi nơi xa chân trời chờ đợi ông trở về. Bộ phim nói về sự mất mát, những cái chết có vẻ như vô nghĩa, nhưng cuối phim lại là sự đoàn viên. Phim có sáu nhân vật chính và hai nhân vật đã chết, còn lại bốn nhân vật – bốn nhân vật đó lại vừa vặn có thể kết hợp trở thành hai gia đình. Như vậy, hai cái chết dường như không đáng có đó cũng ẩn chứa một ý nghĩa thật đặc biệt: cái chết không đơn thuần là sự chia ly giữa người chết và người sống, cái chết còn là sự hàn gắn giữa những người sống với nhau.

Trong những tuyến truyện của phim, bản thân tôi rất thích chuyện tình giữa Ayten và Charlotte. Vẻ ngoài của cả hai khiến tôi nhớ đến Blue is the warmest color; trong đó, Ayten là Adele, Charlotte là Emma. Nhưng khác với Blue is the warmest color, Ayten (Adele) lại là người nắm vai trò chủ động, người ở thế mạnh hơn; trong khi, Charlotte (Emma) lại là người nắm vai trò bị động, người ở thế yếu hơn và dường như cũng là người yêu nhiều hơn.

Bên bờ nỗi đau nơi phi trường

Sân bay Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nhân vật đặc biệt trong phim: đó là nhân chứng khách quan cho hai cái chết. Khi Yeter chết, quan tài của bà được chuyển xuống từ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Lotte chết, quan tài của cô lại được chuyển lên máy bay Thổ Nhĩ Kỳ để trở về Đức. Tuy là hai chuyến hành trình khác nhau nhưng đều có điểm khởi hành hoặc điểm đến là sân bay Thổ Nhĩ Kỳ. Chi tiết này có lẽ cũng là một gợi ý để hiểu về tên phim The Edge of Heaven. Đối với Yeter, vì cuộc sống mưu sinh, bà phải rời Thổ Nhĩ Kỳ để đến Đức. Như vậy, Đức đã từng là thiên đường đối với bà. Nhưng rồi đến Đức và trải qua những cay đắng khi làm kiếp bán hoa, bà nhớ về Thổ Nhĩ Kỳ – nơi có con gái bà – khôn nguôi. Giờ đây với bà, Thổ Nhĩ Kỳ – quê hương xưa – mới chính là thiên đường. Và bà đã được trở về thiên đường của mình theo cách chẳng ai mong đợi. Đối với Charlotte, ngay từ đầu có lẽ nàng đã không xem Thổ Nhĩ Kỳ là thiên đường, nàng chỉ đến nơi đó với nguyện vọng gặp lại và giải thoát cho bạn gái của nàng. Và rồi nàng cũng đã được trở về nhà theo cách chẳng ai mong đợi.

Cả hai cảnh ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ đều xuất hiện trên khung hình bằng một cảnh long take, góc toàn – cái nhìn khách quan đến lạnh lùng nhưng đồng thời, khi kết thúc, những cảnh ấy lại trở thành góc nhìn chủ quan: cảnh quan tài Yeter di chuyển là từ góc nhìn của con trai Ali, cảnh quan tài Charlotte di chuyền là từ góc nhìn của mẹ Charlotte. Ở đây, góc máy khách quan vốn đã gây đau lòng cho người xem; nhưng Fatih đã cao tay hơn một bậc khi chuyển cảm giác từ góc máy khách quan sang chủ quan như thế lại càng khiến người xem xót xa hơn.

The Edge of Heaven – cái tên vừa gợi ra nỗi buồn, sự mất mát nhưng đồng thời dường như cũng có sự hàn gắn và bình yên. Ở ngay bờ rìa của thiên đường, vừa có niềm vui khi đã nhìn thấy thiên đường, vừa có nỗi buồn khi bước hụt đến thiên đường trong gang tấc.

Hoàng Đức Nhiên

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trà chiều

Review đèn Trung Thu bằng gỗ tự lắp và tô màu

Published

on

By

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Trung Thu nên bài viết tiếp theo cho series "Nhà Sách Có Gì Ngoài Sách" của mình sẽ chia sẻ và review về trải nghiệm tô màu và lắp ráp đèn lồng Hằng Nga bằng gỗ. Hi vọng bài viết của mình sẽ hữu ích cho các bạn đang tìm kiếm quà tặng Trung Thu cho bé hoặc đang muốn tìm món đồ để kết nối gia đình nhân ngày Tết Đoàn Viên thì có thể tham khảo, và nếu cảm thấy thú vị bạn có thể đến ngay hệ thống Nhà Sách Phương Nam để xem thêm nhé!

Hộp đựng của đèn lồng Trung Thu Hằng Nga

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ sản phẩm này gồm có:

- 2 miếng gỗ hình Hằng Nga bay trên mây, 5 miếng gỗ nhỏ ráp đèn, 1 miếng gỗ vừa làm kệ đặt nến và 1 tay cầm gỗ.
- 1 vỉ 6 màu, 1 cọ, 1 dây gai, 1 viên nến và 2 miếng nhỏ keo 2 mặt.

Sau khi khui hộp
Các miếng gỗ để bạn lắp và hoàn thiện
Chi tiết gỗ để ráp đèn

Đèn này dùng để làm gì?

- Để bé đem theo đi rước đèn cùng bè bạn
- Dùng trang trí mọi góc trong nhà mùa Trung Thu.
- Khơi gợi trí sáng tạo của bé và giúp gia đình kết nối với nhau hơn khi cùng lắp ráp và tô màu.
- Là món quà DIY hữu ích cho bé nhân dịp Trung Thu.

Điều yêu thích ở sản phẩm này
- Dễ lắp ráp, chất liệu gỗ thân thiện môi trường, tô dễ dàng.
- Màu sắc kèm theo hộp sản phẩm tươi sáng, pha trộn cũng rất dễ và nhanh khô cực kỳ.
- Hộp đựng dễ thương, mang đi tặng quà rất thích hợp.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu
- Tô màu áo hằng Nga: mình pha màu đỏ và màu trắng để ra được màu hồng ngọt ngào.
- Tô màu cho cối mà Thỏ ngọc đang giã: mình pha màu đen và màu vàng để ra màu nâu.

Pha màu hồng bằng màu trắng và màu đỏ
Pha màu nâu bằng màu đen và màu vàng

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng
- Trước khi tô bạn nên chuẩn bị: 1 hũ nước để rửa cọ ngay sau mỗi lần đổi màu khác.
- Bạn phải dùng giấy lót phía dưới sàn rồi hẵn đặt gỗ lên tô vì màu nước lúc tô sẽ bắn xuống sàn, bất tiện cho lau dọn. - Sau khi tô xong, bạn nên để ở chỗ thoáng để nhanh khô và tránh đụng tay vào lúc màu tô trên gỗ còn ướt.

Đèn sau khi đã tô màu và lắp ráp xong
Màu lên gỗ rất nhanh khô

Tóm lại là với những ai thích DIY sẽ rất yêu thích sản phẩm này. Và chắc chắn rằng khi bé nào nhận món quà Đèn Lồng Trung Thu này đều sẽ rất thích, nhất là các bé gái vì sẽ được tô màu cho Hằng Nga. Ở Nhà Sách Phương nam còn có đèn lồng gỗ hình các con vật nữa, bạn có thể đến tham khảo thêm cho bé trai.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian xem bài, để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Chúc bạn và gia đình đón Trung Thu vui vẻ và ấm áp nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco

Published

on

By

Tiếp tục series "Nhà sách có gì ngoài sách" hôm nay mình muốn chia sẻ về bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino, sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc dùng để vẽ lên kính, gương. Sản phẩm rất hợp để khơi gợi trí sáng tạo cho bé hoặc nếu bạn là người lớn yêu thích đồ chơi sáng tạo cũng có thể trải nghiệm để giải trí sau những giờ học, làm việc căng thẳng.

Nếu bạn đang đặt câu hỏi "Mua quà trung thu gì cho bé?" thì bộ màu này là một gợi ý hay cho quà trung thu đó nhé!

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Hộp đựng bộ màu vẽ trang trí

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino gồm có:
- 6 suncatcher khủng long dễ thương
- 6 bút màu tô vẽ lên kính 10.5 ml như sau:
1. Vàng lấp lánh
2. Xanh lấp lánh
3. Trắng
4. Xanh biển
5. Cam
6. Tím

6 bút màu tươi sáng

Bộ màu vẽ này dùng để làm gì?
- Khơi gợi tính sáng tạo của bé khi phối màu, tô màu lên suncatcher.
- Giúp bé làm quen với màu sắc, các con vật khủng long kèm theo.
- Các suncatcher dùng trang trí trong nhà như treo lên cửa, không gian bàn học hoặc dùng làm móc khóa.

Điều yêu thích ở sản phẩm này


- Kiểu dáng dễ thương, dễ sử dụng.
- Thỏa sức phối màu theo ý thích mà không sợ bị lem khi tô các bút màu gần nhau.
- Hộp đựng đẹp mắt và các chú khủng long suncatcher được làm tỉ mỉ.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu


Thay vì chỉ tô mỗi chú khủng long một màu, bạn có thể kết hợp các màu với nhau để chú khủng long trông thú vị hơn. Cùng xem một vài công thức tô của mình bên dưới nhé.

Các bạn khủng long khi được phối màu trông sẽ vui nhộn hơn.
Phối màu lấp lánh với màu trơn.
Phối màu trơn với nhau
Phối màu lấp lánh với màu trơn

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng


- Nhớ lót giấy phía dưới trước khi đặt suncatcher lên bàn ngồi tô.
- Trước khi tô màu nào, mình đều lắc đều để màu đều hơn.
- Sau khi tô xong, bạn để trên mặt phẳng 8 tiếng là suncatcher sẽ khô lại và lên màu rất đẹp.
- Bút màu này thích hợp cho các bé trên 3 tuổi vì các món đồ trong đây đa số nhỏ bé, phía sau hộp màu mình thấy có ghi ở mục Warning.
- Bạn nhớ tránh tiếp xúc màu lên da, miệng, mắt và phải rửa ngay bằng nước thật kỹ khi bị dính.
- Bảo quản nơi khô thoáng để giữ màu và suncatcher bền đẹp nhé.

6 bạn khủng long đã được mình tô xong.
Đây là các mẫu mình thấy đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ

Tóm lại là với giá 254.000đ cho một bộ đồ chơi sáng tạo như vậy mình thấy cũng hợp lý, vì sau khi tô xong còn giữ lại trang trí được khắp nơi. Nếu bạn đang tìm một món quà tặng bé hoặc đang tìm đồ chơi cho các bé thích tô vẽ thì đây sẽ là một lựa chọn hay. Và nếu như đọc đến đây mà bạn đặt câu hỏi: Mua bộ tô màu lên kính ở đâu? thì mình xin chia sẻ luôn là Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ hay còn gọi là Nhà Sách Phú Thọ theo thói quen của thế hệ 8x, 9x ở Sài Gòn.

Cảm ơn bạn đã xem bài, nhớ để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Published

on

By

Xin chào bạn đọc Bookish.vn, mình mở ra series Nhà sách có gì ngoài sách với các bài viết chia sẻ, review những món đồ thú vị có mặt tại Nhà Sách Phương Nam. Hi vọng các bài viết trong series này sẽ mang đến cho bạn những thông tin vui vẻ và hữu ích.

Đúng là Nhà sách có rất nhiều sách, nhưng ngoài sách ra thì có rất nhiều món đồ khác mà mỗi lần đến nhà sách mình cứ như đi lạc vào xứ sở dễ thương vậy. Vừa rồi, mình có dịp được trải nghiệm nhanh một món đồ thú vị muốn chia sẻ đến các bạn, đó là hộp bút họa tiết xinh xắn đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam, thích trang trí và yêu màu sắc chắc chắn bạn sẽ thích món đồ này đó.

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây

Lần đầu viết review một món đồ không phải sách trên Bookish.vn - một trang chuyên viết về sách có điều gì thiếu xót hay cần thêm thông tin gì mời bạn để lại bình luận để mình ghi nhớ và phản hồi nhé!

Hộp bút trang trí họa tiết trưng bày ở Nhà Sách Phương Nam

Thông tin chung về sản phẩm

Mỗi hộp bút sẽ có 6 bút như sau:

1. Đường cong - Màu Xanh táo
2. Hoa - Màu Hồng xinh xắn
3. Gạch nối - Màu Vàng dứa thơm
4. Ngôi sao - Màu đỏ dưa hấu
5. Đường ngang nối - Màu Xanh dương Berry
6. Trái tim - Màu tím măng cụt

Combo 6 bút với 6 màu và họa tiết xinh xắn

Bút này dùng để làm gì?

- Đánh dấu nội dung bạn cần lưu ý lại mấy lúc đi học, đi làm.
- Trang trí ghi chú cá nhân của bạn, làm đẹp tựa bài, lưu bút hay nhật ký mỗi ngày.
- Sáng tạo tranh vui vẻ giải trí sau giờ học, giờ làm với các họa tiết có sẵn của bút.

Cùng xem họa tiết được vẽ ra trên giấy nhé

Điều yêu thích ở bút này

- Hữu ích trong việc làm nổi bật nội dung quan trọng, khi đánh dấu sẽ tìm lại dễ dàng.
- Bút dễ dùng, kích thước nhỏ gọn như bút bi nên dễ đem đi học, đi làm.
- Kiểu dáng bút đẹp mắt, cầm nhẹ tay, dễ viết.
- Giá cả hợp lý, vừa túi tiền. Nếu mua tại nhà sách Phương Nam thì giá là 50.000đ/hộp 6 bút.

Một vài lưu ý rút ra khi sử dụng bút

Trong lúc trải nghiệm sản phẩm, mình thấy có một vài mẹo để bút đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của mình, chia sẻ ở đây cho bạn nào đang quan tâm nhé

- Mỗi lần viết, nhớ lắc đều bút - như uống sữa phải lắc đều vậy :D Như vậy, bút sẽ ra màu đều và đẹp.
- Ba bút: đường cong, gạch nối, đường ngang nối khi viết nên cầm bút thẳng lên, họa tiết sẽ ra đẹp và thẳng hàng hơn đó bạn.
- Ba bút: hoa, ngôi sao, trái tim thì nên cầm nghiêng khi viết, như vậy họa tiết sẽ tròn vành và đều màu.

Tóm lại là ở góc nhìn của mình thì sản phẩm dễ dùng và đạt được các mục đích trang trí đơn giản, có bền hay không thì tùy vào trải nghiệm và cách dùng của mỗi người. Kích thước và hình dáng sản phẩm rất dễ thương nên mình nghĩ rất thích hợp để làm quà tặng các dịp đặc biệt cho bạn bè, đồng nghiệp, gia đình,... món quà mừng năm học mới cho con gái, món quà sinh nhật cho đồng nghiệp hay món quà chúc mừng bạn thân thi đậu IELTS điểm cao.

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài review của mình và hi vọng nó sẽ hữu ích với bạn!

Đọc bài viết

Cafe sáng