Phía sau trang sách

Rừng Na Uy, về Murakami và những kẻ cứ nghĩ là mình cô đơn lắm

Thì thỉnh thoảng mình ngước lên trời và tự hỏi mình đang làm gì giữa vũ trụ bao la này, hoặc đôi khi có những ngày thấy buồn chết đi được, chẳng muốn gặp mặt ai, chẳng muốn trò chuyện những thứ dông dài vô nghĩa, nhưng buồn đến như Naoko, buồn đến như Toru, buồn đến như Midori thì không bao giờ. Có khi toàn là những nỗi buồn được làm quá đấy thôi.

Published

on

Khi đứng lại và nhìn vào những chuyện đã qua, có những lúc đột ngột cảm thấy thế giới toàn những chuyện không thể nào đoán trước được. Chẳng hạn như vào một ngày nọ, Toru Watanabe đưa cô bạn gái say khướt của mình về hiệu sách Kobayashi, và trong khi cô đang ngủ ngon lành trong bộ y phục của người cha vừa chết, Toru đã tìm thấy một cuốn sách của Hermann Hesse mà anh từng đọc thời trung học. Nếu không có cái hoàn cảnh kỳ lạ ấy, có lẽ Toru đã chẳng bao giờ đọc lại cuốn sách này.

Tuần trước, mình vô tình đọc được trên một trang Confession, có người nói, đại để rằng, văn chương của Murakami thì có cái quái gì đâu cơ chứ, chỉ rặt làm màu, rồi những kẻ vỗ ngực nhận là fan của Murakami cũng vậy, chúng coi sách của ông như bộ quần áo mới của hoàng đế, tối ngày than vắn thở dài như thể mình sâu sắc hơn người. Giá như văn phong của người comment hay hơn một chút và lý lẽ thấu đáo hơn một chút, chắc mình sẽ nghĩ: À, cậu chàng Holden Caulfield trong Bắt trẻ đồng xanh đây rồi, có điều cách ăn nói của cậu ta tệ thật. Nhưng một cách chân thành nhất, mình vẫn muốn gửi lời cảm ơn tới người đó, bởi chỉ vì một lời ngắn ngủi ấy thôi mà mình đã đọc lại Rừng Na Uy, vừa đọc vừa bồi hồi tự hỏi: Có thật là suốt thời gian qua, mình đã làm màu không nhỉ?

Dễ là có lắm.

Ai lại đọc Rừng Na Uy vào những ngày này đâu. Mình thực sự nghĩ thế. Lẽ ra mình nên xem Euro. Không liên quan chút nào nhưng nếu không phải vì mải đọc lại Rừng Na Uy có lẽ mình đã xem Euro và không cần cảm thấy xa cách với phần còn lại của thế giới. Nhưng thôi, sau khi đọc xong cuốn sách này, mình sẽ thoải mái nằm xem bóng đá, còn giờ, mình sẽ đọc nó cho thật kỹ.

Rừng Na Uy gọi mình lại một giấc mơ nào đấy mà mình đã tỉnh dậy từ rất lâu về trước. Mình cứ chờ mãi để đọc tới đoạn Toru, Naoko và Reiko ngồi dưới ánh nến trong một đêm trăng, Reiko cầm cây đàn guitar và đánh những bài hát của The Beatles: Michelle, Yesterday, Nowhere Man, và tất nhiên, Norwegian Wood. Từng nốt nhạc vang lên rồi mất hút trong đêm tối, đột nhiên cảm thấy rất lạ lùng, rằng bao nhiêu năm đã trôi đi mà những giai điệu không hề thay đổi, chúng vẫn thế thôi, thế mà những con người thì đã khác xưa nhiều quá. Vào năm 1969 khi Reiko chơi những bản nhạc đó, Beatles vẫn còn chưa tan rã, Paul McCartney, Ringo Starr mới chỉ là những chàng trai chưa đến tuổi 30, John Lennon và George Harrison vẫn còn đang tận hưởng cuộc đời. Loáng một cái. Ai đó rơi xuống những cái giếng vô hình, chết mục bên dưới mảnh trăng lưỡi liềm ở tít trên cao. Cái người ta tạo ra thì sống, còn chính bản thân người ta thì chết. Đã từng có lúc thấy điều này kỳ diệu, giờ lại chỉ thấy đến là mỉa mai. Kiểu như luôn có một phần bên trong con người, mà thường là phần đẹp đẽ nhất, thủ thỉ với con người rằng: Ồ, sẽ sống bất kể người thế nào, mặc kệ ngươi, ta sẽ sống. Thế giới bỏ mình đã đành. Ngay đến chính mình cũng chả cần mình nữa, ngay cả nó cũng phản bội mình. Nhớ Woody Allen từng bảo: Tôi không muốn sống mãi trong trái tim các đồng bào của tôi, tôi muốn sống mãi trong căn nhà của tôi. Nhưng quên đi Allen ạ, rồi mai này những Manhattan, Annie Hall vẫn sẽ sống đời đời kiếp kiếp, trong khi ông đã thành bộ xương đeo kính cựa quậy trong chiếc quan tài chôn tít dưới đất sâu. Nhưng ông làm gì được?

Để đến được đoạn Reiko chơi guitar đó, mình sẽ phải đi qua rất nhiều đoạn khác nhau. Đầu tiên là đoạn Naoko cầu xin Toru hãy nhớ tới mình:

Mình muốn cậu luôn luôn nhớ đến mình. Cậu sẽ nhớ rằng mình đã tồn tại, rằng mình đã đứng cạnh cậu ở đây như thế này chứ?

Thế rồi, mùi đồng cỏ, tuyết, chiếc áo lông lạc đà, mái tóc đen của nàng, gương mặt nhìn nghiêng,… những thứ ngày hôm nay còn cảm thấy rõ ràng, ngày sau đã chỉ còn là một vệt mờ trên tấm kính. Nàng hy vọng gì? Cứ cho là Toru mãi nhớ đến nàng đi, nhưng cậu ấy cũng đâu sống mãi. Nghĩ thế cũng thấy thật kỳ. Những ký ức ấy đã đi đâu? Họ nói rằng năng lượng luôn được bảo toàn, chúng chỉ chuyển hóa từ dạng này qua dạng khác. Vậy thì những ký ức ấy đi đâu cả rồi, chúng đã biến thành cái gì rồi, sao không ai đưa ra được lời đáp nào cụ thể?

Cho nên mình chẳng hiểu tại sao Naoko phải làm như vậy. Nếu là mình, mình sẽ không mong ai nhớ tới. Họ cứ quên phứt đi là hơn. Một cuộc đời như thế cũng chẳng có gì đáng nhớ. Giá mà cứ như con kiến chẳng bao giờ tiến hóa mà Midori nhắc tới. Chúng cứ ngày đêm làm việc chăm chỉ mà không thiết tha gì đến chuyện có ai sẽ nhớ tới chúng. Ừ thì nếu ai đó có ý định giết chết chúng, bản năng sinh tồn cũng mách bảo chúng phải chạy đi, nhưng chúng hoàn toàn không hay biết tới cõi hư vô đang chờ đợi bên mép cuộc đời. Chúng không định nghĩa được ngày mai nên chỉ sống ở giây phút này. Chúng không chờ đợi nên không thất vọng. Chúng không yêu đương nên không đau khổ. Khi sống, chúng chỉ sống. Khi chết, chúng chỉ chết. Không ai làm tang ma cho một con kiến, chúng trôi tuột vào ống thời gian, trôi tuột vào cái giếng sâu hoắm, không ai vui cũng chẳng ai buồn, không ai quan tâm đến điều đó. Xong là xong.

Sân bay Hamburg ngày hôm ấy, tiếng nhạc Norwegian Wood cất lên, cất lên cả một thời đã nằm lại sau lưng Toru. Ai đó nói âm nhạc như một cỗ máy thời gian, đưa người ta quay về những ngày đã mất. Ký ức như một cơn mưa nhẹ, rỏ xuống từng giọt, tạo thành cả một vũng nước phản chiếu mây trời, tất cả những thứ ở rất xa xôi kia bỗng chốc thành hình rõ nét, rõ nét đến mức tưởng chừng có thể chạm vào, nhưng không bao giờ chạm được, thế rồi nắng lên và chúng bốc hơi đi hết.

Thôi đừng để ý tới những điều mình viết. Toàn là làm màu cả đấy. Sự thật là mình có thể tràng giang đại hải về những nỗi buồn trong khi bản thân đang vui cười hạnh phúc. 24 giờ một ngày, mình chẳng hơi đâu mà buồn bã hay suy tư về cuộc đời nhiều đến thế đâu. Thì thỉnh thoảng mình ngước lên trời và tự hỏi mình đang làm gì giữa vũ trụ bao la này, hoặc đôi khi có những ngày thấy buồn chết đi được, chẳng muốn gặp mặt ai, chẳng muốn trò chuyện những thứ dông dài vô nghĩa, nhưng buồn đến như Naoko, buồn đến như Toru, buồn đến như Midori thì không bao giờ. Có khi toàn là những nỗi buồn được làm quá đấy thôi.

Dẫu vậy, nếu như mình có thể kể lại một câu chuyện về cuộc đời mình, mình có cảm giác nó sẽ có hơi hướng như Toru hay ông già cha của Midori vậy. Mà mình nghĩ, có lẽ phần đông thế giới này cũng như mình, cho nên họ mới thích Rừng Na Uy đến thế. Họ muốn kể lại đời mình nhưng lại thấy tầm thường và vô vị quá, vì thế mà khi người ta thấy Toru cũng vô vị và tầm thường, thế mà vẫn có thể kể lại tất cả như một áng thơ lãng đãng trong chiều tuyết trắng, người ta thấy hạnh phúc vô ngần vì hóa ra cuộc đời xấu xí đến mấy cũng vẫn có thể nên thơ. Chuyện đó chỉ những kẻ tầm thường mới hiểu được, những con người với cuộc đời vẻ vang, viên mãn, tất nhiên họ không thể tìm được điểm chung. Đó không phải lỗi của họ, cũng không phải lỗi của Murakami. Đơn giản là có những người không bao giờ có thì giờ để nhìn hoàng hôn bởi vì cuộc đời họ quá bận rộn để làm việc đó. Họ thật may mắn vì chỉ những kẻ rách việc như mình mới phải nhìn hoàng hôn để khỏa lấp thời gian trôi chảy. Mình chẳng có gì để tự hào khi thích khóc lóc vì một câu truyện tiểu thuyết hay cảm nhận được một bộ phim hay. Nó chỉ cho thấy mình biếng lười và chậm tiến, nó chỉ cho thấy mình là gánh nặng mà thế giới phải đèo bòng. Mình đâu muốn thế, nhưng nói như Murakami, thì cái tạng người mình nó vậy, muốn cũng không biết phải làm thế nào để sống khác đi và có ích hơn.

Tuổi trẻ của những nhân vật trong Rừng Na Uy đã diễn ra vào những năm 69, cái thời kỳ biến động như thế, ấy vậy mà suốt cả truyện, hoàn cảnh lịch sử chỉ là một cái phông mờ. Cũng có nhắc đến vài ba cuộc bãi khóa, cũng có nói đến chiến tranh, cũng có nói đến chính trị chính em rồi xã hội chủ nghĩa của Karl Marx, nhưng là nhắc tới với sự thờ ơ đến tột cùng. Nếu Rừng Na Uy là một chiếc máy ảnh, thì hoàn cảnh lịch sử gần như đã bị blur. Ôi, những biến động của thời cuộc chẳng bao giờ ngừng lại. Hết đánh nhau ở Việt Nam họ lại kéo sang Iraq, hết Iraq lại tới Syria, rồi sau này còn những nơi nào nữa, ai mà biết trước. Còn mình, mình cóc cần biết. Có lẽ là mình thuộc giống loài vô cảm và ích kỷ, mình chẳng lo cho trẻ em ở châu Phi đang đói rách hay nội chiến Ukraine đâu, và chừng nào chiến tranh còn chưa gõ cửa nhà mình thì mình cũng mặc, rồi kể cả nếu Trung Quốc có chiếm biển Đông thì mình chắc chắn cũng không tức sôi máu lên mà một phen sống mái với chúng. Thế giới điên loạn diễn ra nhưng mình vẫn sống. Như Toru vẫn yêu, vẫn rối loạn vì tình yêu, vẫn đam mê tình dục, vẫn sửa một chiếc xe đạp, vẫn giặt và là quần áo mỗi tuần một lần, vẫn đọc F. Scott Fitzgerald và nghe nhạc rock. Chẳng có điều gì sẽ thay đổi được những quy luật sống ấy trừ cái chết. John Lennon đấu tranh cho hòa bình và ông cũng chết. Muhammad Ali thà vào tù chứ không chịu đi chiến đấu và ông cũng chết. Paul McCartney viết ra bao giai điệu đẹp đẽ về những nỗi đau nhưng rồi một mai cũng chết. Mình chẳng làm được gì ngoài bao biện cho sự vô dụng của bản thân và mình cũng chết. Khác gì nhau đâu. Cái chết san bằng tất cả. Cũng may sao thế giới không phải toàn những kẻ vô dụng như Toru và như mình.

Vậy đấy, Toru và những nhân vật của Rừng Na Uy chỉ là những kẻ lạc loài trong thời cuộc rối ren, họ hoàn toàn không nằm trong vòng lịch sử. Cha mẹ họ là đứa con của những thế hệ hoang mang và lạc lối. Đến lượt mình, họ tưởng như mình đang lạc vào một cảnh trí không liên quan gì tới họ, họ không biết cái quái gì đang diễn ra xung quanh mình, họ chỉ còn tin vào sự nổi loạn và cái chết sẽ cứu rỗi tâm hồn. Họ tự hủy hoại con người mình bằng đủ cách khác nhau: sống buông thả, gái điếm, tự cắt cổ tay, dùng hơi ga tự vẫn, treo cổ trong một khu rừng… Nhưng đâu phải cứ tự hủy hoại bản thân có nghĩa là vì chán ghét cuộc sống, có đôi khi, đó là cách yêu cuộc sống đến điên cuồng và tuyệt vọng. Giống như psychedelic rock mà Beatles đã tạo nên, giống như ma túy gây ra một loại ảo giác ở miền cực lạc, tách họ khỏi niềm tin lầm lạc và những khổ ải thế gian dù chỉ trong đôi ba phút. Kết cục lại, họ chỉ muốn hạnh phúc thôi. Tất nhiên, những người đã hài lòng với hạnh phúc của mình có sẽ không hiểu được chuyện này. Đây cũng không phải lỗi của bất cứ ai.

Trong tất cả những cuốn sách của Murakami mà mình đã đọc, Rừng Na Uy là cuốn mình kém yêu thích nhất. Mình đọc nó chỉ vì cái tên là bài hát của The Beatles, và sau khi đọc xong nó lần đầu tiên, những gì mình thích nhất vẫn là cái tên ấy. Lời cuối cùng của bài hát Rừng Na Uy có mấy câu mà mình tạm dịch là:

“Khi tôi thức giấc, tôi chỉ còn lại một mình
Cánh chim đã bay đi
Tôi châm một mồi lửa
Vậy có ổn không, Rừng Na Uy?
Vậy có được không, Rừng Na Uy?”

Như kiểu đốt một giấc mơ. Âm nhạc của Beatles vào thời Rubber Soul là sự chuyển mình từ hiện thực sang trạng thái nửa tình nửa mê, để rồi tới Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band (album mà Naoko đã mở trong ngày sinh nhật của mình) thì hoàn toàn mộng mị. Mình vẫn tưởng tượng ai đó đã vẽ Rừng Na Uy, căn nhà, chiếc ghế, con chim, cô gái, bồn tắm, lên một trang giấy trắng, rồi đốt sạch nó đi, để lại bụi bay lả tả. Con chim bay đi không phải điểm kết thúc của khuôn hình, điểm kết thúc của nó nằm ở hành động “đốt” – hành động mà Ray Bradbury từng gọi là “một cái thú đặc biệt khi thấy thứ này thứ nọ bị ngốn ngấu dần”. Còn Naoko, nàng chết không phải vì nàng đã chết, nàng chết là bởi nàng sẽ bị lãng quên bởi Toru, những ký ức về nàng đã từng chỉ tốn năm giây để nhớ về, rồi dần dần là 10 giây, 20 giây, một tiếng, một năm, và rồi, một đời.

Đó chính là lý do mà ngày ấy mình đã không chịu đựng nổi cuốn sách này. Mình không thể nào hiểu nổi làm sao người ta có thể già đi được với tất cả những nỗi đau như thế? Làm sao người ta có thể tiếp tục sống sau khi những người mà người ta từng yêu đã băng qua cây cầu dẫn lối tới thế giới bên kia? Chỉ nội nghĩ tới việc tiếp tục sống đã thật là khó tin. Họ nhìn thấy mối tình đầu của mình, người đã cùng mình nắm tay giữa trời tuyết trắng, ngân nga một khúc ca tươi đẹp như Here Comes The Sun, ôm lấy mình và nói với mình rằng đừng quên cô ấy, họ nhìn thấy mối tình đầu ấy bị nhốt trong chiếc quan tài đóng kín, bất động và lạnh căm. Làm sao người ta có thể quên cái hình ảnh ấy, nỗi ám ảnh ấy, nỗi đau thương ấy, để mà tiếp tục duy trì hít thở? Mình ghê sợ họ, mình ghê sợ tình yêu cuộc sống của họ, mình ghê sợ sự lì lợm của họ và sự gắng gượng của họ. Họ nói họ đau khổ đến chết nhưng họ vẫn vượt qua. Trái tim họ vỡ ra từng mảnh rồi mà họ vẫn có thể đứng dậy, hàn gắn nó, và sống với con tim băng bó và yêu thêm người khác bằng con tim băng bó, và vẫn yêu nhiệt thành như lần đầu tiên ấy. Mình thật sự đã không chịu đựng nổi chuyện này.

Nhưng mình đã học cách chịu đựng được nó. Bởi nếu không chịu đựng được, giờ này mình cũng chẳng còn ngồi ở đây. Như Toru đã dần dần quên bẵng đi người con gái anh yêu thuở 17, song chỉ một giai điệu của Rừng Na Uy, ký ức về nàng lại dần hiện lên như thể nó mới diễn ra hôm qua hôm kia vậy. Vừa viết, mình vừa đeo tai nghe và mở lại Yesterday, lắng nghe lời Paul hát: “Oh I believe in yesterday”, bỗng dưng mới hiểu vì sao Paul đã viết ra lời ca như vậy. Cái gì đã từng xảy ra sẽ luôn còn ở đó, dù người ta có quên hết, quên sạch, thì nó vẫn luôn ở đó, bất biến, vĩnh hằng. Đó là sự bao dung của thời gian, tuy một đi không trở lại, nhưng nơi nào đã đi qua, vết hằn của nó sẽ còn đọng lại mãi, có thể là đọng lại trong lòng một ai đấy, cũng có thể không đọng lại trong lòng một ai cả, nhưng vẫn có một dấu li ti mà nếu nhìn thật kỹ sẽ thấy khoảnh khắc đó sáng lên như chiếc đèn dẫn đường chỉ lối.

Nhất định rồi, cái thời đại buồn bã và hoang mang ấy sẽ qua đi. Kiểu như trong Tâm trạng khi yêu, Châu Mộ Văn thì thầm vào hốc đá của đền Angkor hùng vĩ, và khi bước ra, trông anh như đã bước ra khỏi mê lộ của lòng mình. Và để đáp lại câu hỏi “Vậy có ổn không, Rừng Na Uy?”, Rừng Na Uy sẽ đáp, giờ thì chưa, nhưng sẽ đến lúc mọi sự đều ổn và chúng ta đều tốt.

Đã thế thì cứ kệ đi, kệ đi mà lênh đênh trong những năm tháng điên rồ này, bởi vì mọi thứ rồi sẽ qua cả thôi, cho nên khi còn thời gian, hãy cứ ngụp lặn trong những nỗi buồn vô nghĩa, để mai này yên tâm rằng những hoài nghi không đáng để cuộc sống ngừng lại. Khi ấy, chúng ta sẽ sống thật tốt, còn ngay lúc này, tuổi trẻ là để lãng phí, tuổi trẻ là để buồn, nếu không buồn ngay lúc đó, sẽ lại phải trả giá như Naoko và Kizuki.

Những dòng chữ cuối cùng trong Rừng Na Uy, Toru gọi điện cho Midori, nàng hỏi rằng anh đang ở đâu, Toru ngẩng đầu lên và nhìn ra bên ngoài, tự hỏi mình đang ở đâu thế nhỉ? “Tôi đang ở đâu. Tôi không biết. Không biết một tí gì hết. Mắt tôi chỉ là vô số những hình nhân đang bước đi về nơi vô định nào chẳng hay. Tôi gọi Midori, gọi mãi, từ giữa ổ lòng lặng ngắt của chốn vô định ấy.”

Khung cảnh của một chiều mưa lâm thâm bên ngoài trạm điện thoại công cộng màu đỏ, những mặt người hối hả bước đi, tiến đến gần, lùi ra xa, biến mất. Nó nhắc mình nhớ tới câu hát trong Eleanor Rigby (lại một khúc ca khác của Beatles):

“All the lonely people.
Where do they all come from?
All the lonely people.
Where do they all belong?
Ah, look at all the lonely people.”

(Tất cả những con người cô độc đó.
Tất cả họ đến từ đâu?
Tất cả những con người cô độc đó.
Tất cả họ thuộc về chốn nào?
Ôi, nhìn xem những bóng người cô độc đó.)

Dẫu chẳng biết họ tới từ đâu và thuộc về chốn nào, nhưng mình có một linh cảm chắc chắn rằng, chính họ là những người đã say mê Rừng Na Uy bằng tất cả những nỗi buồn mơ hồ nhưng vô phương cứu chữa.

Hết.

Hiền Trang


Muôn màu của Haruki Murakami





Phía sau trang sách

Cánh cửa mở vào nội tâm của Maupassant

Published

on

By

Cùng với Chekhov, Guy de Maupassant từ lâu đã được suy tôn là “bậc thầy của thể loại truyện ngắn”. Điều này không chỉ bởi văn phong độc đáo, mà còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Trong đó Horla và những truyện ngắn khác ra mắt gần đây chính là minh chứng cho nhận định này.

Tuy chỉ viết trong vỏn vẹn có 4 thập kỷ, nhưng những di sản mà Maupassant để lại là tương đối lớn. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn mang tính hiện thực, hài hước, lãng mạn, như những tập truyện Sáng trăng, Nơi nhà người bạn

Nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant

Nhưng ít người biết ông cũng bén duyên với thể loại kinh dị, và nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sau này, trong đó có H.P.Lovecraft với Lời hiệu triệu của Cthulhu. Vừa mới ra mắt trong thời gian qua, Horla và những truyện ngắn khác tập hợp 5 tác phẩm có màu sắc kinh dị, siêu nhiên, được Maupassant viết trải dài từ năm 1875 – 1890.

Trí tưởng tượng phong phú

Trong tập truyện Horla và những truyện ngắn khác, bạn đọc có thể thấy rõ 2 giai đoạn mà Maupassant tiến hành tiếp cận thể loại kinh dị. Trong 3 truyện ngắn được viết sớm nhất là Bàn tay bị lột da (1875), Hắn? (1883) và Nỗi sợ (1884), ta đơn thuần thấy đây là một tác phẩm ẩn chứa yếu tố siêu nhiên mà vị tác giả cố gắng khai thác.

Chúng đơn giản xoay quanh những nỗi ám ảnh mà các cá nhân yếu bóng vía hay là nhạy cảm thường cảm nhận được. Chẳng hạn như trong truyện Hắn?, một người đàn ông vì bị ám ảnh bởi một bóng ma trong căn phòng của mình mà đã cưới lấy một người vợ mới, hay ở Nỗi sợ, chỉ vì trên tuyến tàu lửa khi nhìn thấy có 2 người đàn ông xuất hiện trong khu rừng vắng, mà nhân vật chính bỗng dưng cảm thấy trong mình trỗi dậy nỗi sợ chỉ vì không thể lý giải được động cơ của câu chuyện ấy…

Horla và những truyện ngắn khác là tác phẩm mới từ Maupassant

Đây đều là các nhân vật hoàn toàn tỉnh táo, họ nhận thức được những gì xảy ra và khó có thể nói họ có vấn đề riêng về tâm lý. Và vì tính hiện thực đó, Maupassant qua các tác phẩm cũng gửi gắm được bài học của mình. Chẳng hạn trong truyện Bàn tay bị lột da, thông qua nhân vật Pierre B. – một sinh viên trường luật, người xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất xứ Normandie – ông đã cho thấy chỉ vì chính thói hư vinh cũng như trưởng giả mà y đã mạo phạm đến một phần thân thể của vị phù thủy, từ đó phải chịu cái chết có phần đau đớn.

Hay trong Nỗi sợ, Maupassant cũng khẳng định “cùng với những điều siêu nhiên, nỗi sợ hãi đích thực đã biến mất khỏi hành tinh này, bởi con người ta chỉ thực sự sợ những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình”. Câu nói này như đại diện cho tất cả những gì ông muốn nhắm tới, về sự nhỏ bé và đầy mông muội của con người với những kỳ bí chưa được lý giải.

Như vậy những tác phẩm này đều được viết bởi một Maupassant khách quan, đứng ở bên ngoài, từ đó đưa ra những lời lý giải hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng ở 2 truyện sau là Horla viết năm 1887 và Ai mà biết được? viết năm 1890, thì ta lại thấy có phần ngược lại, khi chính nhà văn dường như không thể thoát được cái bóng của bản thân mình.

Bi kịch của Maupassant

Hai truyện ngắn này có được điểm chung khi nhân vật chính đều là người đàn ông rơi vào loạn trí. Nhân vật chính này đã từng không dưới một lần thừa nhận chính mình như có đến 2 bản thể cùng nhau tồn tại. Một bên kêu gào giữ lại lý trí, trong khi phía còn lại đòi hỏi rất nhiều hành động mang tính tàn phá.

Sự chia đôi này gợi ta nhớ đến trường hợp của bác sĩ Jekyll và ông Hyde tương đối kinh điển trong tác phẩm nổi tiếng của Stevenson. Như vậy chủ đề của Maupassant đã chuyển từ những nỗi sợ tương đối hữu hình thành ra vô hình và khó lý giải, khi được bao bọc bởi những vấn đề có liên quan đến thần kinh cũng như tinh thần.

Tình tiết của những câu chuyện cũng khó nắm bắt. Ở Ai mà biết được?, đó là một người gần như điên loạn bởi sự xuất hiện và rồi biến mất của những vật dụng ngay trong nhà mình một cách liên tục. Còn ở Horla, đó là một sinh vật gần như trong suốt, thứ được nuôi sống bằng sữa và nước, luôn luôn theo dõi vật chủ mà nó bám theo, từ đó khiến họ “sống không bằng chết”.

Maupassant và những ám ảnh tâm trí của bản thân mình

Theo Charlotte Mandell – dịch giả của truyện ngắn này cho nhà xuất bản Melville House, thì “horla” là từ ghép của “hors” (“bên ngoài”), và “la” (“ở đó”). Vì vậy “horla” có nghĩa là “người ngoài cuộc”, “người bên ngoài”, và có thể được dịch theo nghĩa đen là “cái gì ở ngoài đó”. Thế nhưng cũng có những lý giải khác, khi nhiều người xem đây là một sự kết hợp của cụm “hors-la-loi” (tức “ngoài vòng pháp luật”) và “horsain” (có nghĩa là “thứ lạ lùng”).

Thế nhưng dù có là gì, thì Maupassant như đang cảm nhận những nỗi ám ảnh đến từ sâu hơn và khó lý giải hơn. Xét về bối cảnh của chính tác giả, thì những truyện này tương đối trùng khớp với thời kỳ mà ông có những dấu hiệu đầu tiên của chứng điên loạn, khi ông xuất hiện nhân cách kép và ngày càng gặp nhiều ảo giác do bệnh giang mai. Một năm sau đó, vào năm 1891, ông có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.

Có thể là bởi xuất phát từ những trải nghiệm chính ông kinh qua, nên 2 truyện này trở nên chân thật và đầy ám ảnh đối với người đọc. Nếu được viết từ một người tỉnh táo, thì đây chính là tài năng của sự tưởng tượng. Nhưng với Maupassant thì đó là nỗi đau và sự sợ hãi mà bản thân ông mong muốn giải bày thông qua việc viết.

Như vậy đi từ mục đích sáng tạo ở buổi ban đầu, Maupassant dần dần chuyển sang hành động kể lại điều đã trải qua, và làm sáng tỏ chứng bệnh tâm lý mà thời kỳ đó còn bị che khuất bởi những định kiến mà những quan điểm mang tính thủ cựu. Có thể nói Horla và những truyện ngắn khác không chỉ mở ra cánh cửa khám phá một Maupassant rất khác, mà có thể nói cũng đã góp phần giúp ta hiểu được những gì đã từng xảy đến với một trong những nhà văn lớn của nhân loại.

Anh Đoàn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng