Giới thiệu sách
Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn chạm mốc 10 năm tuổi với 30 lần tái bản

Giới thiệu sách
Bức thư tình gửi đến Việt Nam từ một nhà thơ người Mỹ

Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn là tuyển tập bút ký điền dã của một nhà thơ, nhà báo người Mỹ viết về Sài Gòn, được xuất bản dưới dạng sách song ngữ. Tuyển tập gồm 8 đoản khúc, xoay quanh những điều bình dị như cây chò nâu, tiệm tạp hóa, lục bình, sở thú… cho đến những chủ đề “khó nhằn” như tục thờ cá Ông, đồn điền cao su, nghề nấu rượu… Tất cả được viết bằng giọng văn vừa dí dỏm, khoa học nhưng không kém phần thơ mộng.
Việt Nam qua góc nhìn của thi sĩ Mỹ
Nhà thơ Paul Christiansen sinh năm 1986, quốc tịch Mỹ, tốt nghiệp cử nhân Đại học St Olaf và có bằng thạc sĩ nghệ thuật Đại học Quốc tế Florida (Mỹ).
Nhận học bổng chương trình Fulbright, anh sang Quy Nhơn năm 2015 rồi sau đó chuyển hẳn đến Việt Nam làm việc. Anh hiện là Giám đốc Nội dung của tạp chí Saigoneer và đang miệt mài chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Thơ của Paul Christiansen đã xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín như Atlanta Review, Pleiades, Quarter After Eight, Threepenny Review, Zone Three và đã đoạt hai giải thưởng thi ca của Viện Hàn Lâm Thi Ca Mỹ.
Tài năng của Trần Thị NgH trong vai trò dịch giả
Chịu trách nhiệm chuyển ngữ tập bút ký của Christiansen là Trần Thị NgH - nữ văn sĩ từng gây tiếng vang với những truyện ngắn được viết trước 1975. Năm 2012, nhiều truyện ngắn của Trần Thị NgH được tập hợp lại thành sách và giới thiệu với độc giả trong nước, như Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạn, Nhăn Rúm và các truyện ngắn khác. Vào năm 2018, tác phẩm gần đây nhất của bà là Ác tính được xuất bản, gây xôn xao văn đàn.
Vắng bóng một thời gian trong tư cách người cầm bút, Trần Thị NgH bất ngờ trở lại với cuốn sách Dưới Tán Chò Nâu, nhưng trong một vai trò mới: dịch giả.
Đọc qua phần mục lục, ta có thể thấy tài năng của Trần Thị NgH qua việc chuyển ngữ những tiêu đề tiếng Anh sang tiếng Việt rất mượt mà:
- SỞ THÚ SÀI GÒN – Vẫn yêu dù có thế nào (On Loving the Saigon Zoo Despite Its Flaws)
- LỤC BÌNH: Người đẹp thủy sinh, kẻ phá hoại đáng ghét, quân xâm lược xấu xa (An Invasive, Destructive, Beautiful Aquatic Villain)
Bà cũng là người biên dịch nhiều tác phẩm của John Steinbeck, Anton Chekhov, Paolo Giordano, Franck Thilliez, Guillaume Musso,...

Về việc dịch tác phẩm này, bà cho biết: “Thách thức trong khi dịch Paul Christiansen không chỉ đòi hỏi nỗ lực Việt hóa tác phẩm sao cho không còn là văn dịch đồng thời đảm bảo trung thực ý nghĩa từng câu chữ so với bản gốc, mà còn phải làm thế nào để giữ cho được cái giọng châm biếm ở nhiều ngữ cảnh của tác phẩm, đặc biệt giọng văn rất thơ của tác giả”.
Tập bút ký điền dã với nhiều suy tư sâu sắc
Vốn là người yêu thiên nhiên và thơ ca, dễ thấy rằng Paul Christiansen đặc biệt quan tâm đến những điều tạo nên nét đẹp mộc mạc, bình dị của mảnh đất hình chữ S. Tác giả tìm thấy cảm hứng từ việc đi dạo dưới bóng cây râm mát của sở thú, trăn trở về cá voi ngoài đại dương lẫn những con thú bị nhốt trong chuồng, thích thú ngắm nhìn lục bình trôi và những quả chò nâu xoay vòng trong gió…
Những bài viết của Paul Christiansen độc đáo ở chỗ có sự đan xen giữa óc quan sát tinh tế của một nhà thơ và góc nhìn chuyên sâu của một nhà nghiên cứu về những cảnh quan, nghi lễ, sự thật lịch sử vẫn còn bị dân bản địa thờ ơ.
Hai bài viết đầu tiên, Sở thú Sài Gòn, Tạp hóa và cửa hàng tiện lợi, đưa người đọc tái khám phá những địa điểm quen thuộc dưới một lăng kính mới. Trong mắt nhà thơ người Mỹ, ngay cả những dây dầu gội, sữa tắm treo trước các tiệm tạp hóa trông thật lạ lẫm, được anh ví như “rêu bằng nhôm mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi để che hậu cảnh”.

Nhưng Paul Christiansen không chỉ khám phá Việt Nam qua những điều mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Nghề nấu rượu, Tục thờ cá Ông, Đồn điền cao su Việt Nam… khai thác những chủ đề tưởng chừng khô khan, khó nhằn thậm chí đối với người bản địa.
Nghề nấu rượu xoay quanh món rượu gạo truyền thống của Việt Nam và những thăng trầm mà người làm rượu theo cách thủ công phải trải qua trong suốt thời kỳ Pháp đô hộ.
Tục thờ cá Ông viết về tín ngưỡng thờ cúng cá voi ở các làng chài Việt Nam, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đồng thời cũng là nỗi băn khoăn của tác giả trước thực tế cá voi đang dần tuyệt chủng.
Đồn điền cao su điểm lại một trang sử bi thương của người Việt Nam, nhìn thẳng vào hệ quả hậu thuộc địa mà các nước thực dân gây ra.
Bảo tàng Địa chất, Lục bình, Chò nâu Sài Gòn viết về những vật, những người vẫn luôn ở đó nhưng dễ bị lãng quên giữa guồng quay cuộc sống: một bảo tàng khiêm tốn nằm ở góc quận 1, thảm xanh lục bình trôi trên sông, hay vẻ đẹp của cây chò nâu mọc ven đường…
Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn là tập bút ký dành cho người yêu Sài Gòn, yêu Việt Nam, và cả những người muốn yêu lại từ đầu với thành phố, với mảnh đất này…
Trích đoạn
“Trong khi tản bộ xuống đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi chợt thấy một thác chò đổ tuôn sau cơn gió hè. Những quả khô bay vòng vèo xuống rồi đáp bất lực trên nền bê tông. Vô phương bám rễ, những đôi cánh xụi lơ, giống như vây cá voi sát thủ yếu quặt vì bị giam cầm. Có một thứ gì đó trong tôi cũng tả tơi như thế.”
(trích Chò nâu Sài Gòn)
“… tôi đến viếng bàn thờ cá Ông và thắp một nén nhang cầu xin cho cá voi được trường tồn, cho làng chài được sung túc và cho những ao ước riêng tư của mình thành hiện thực – những khát vọng này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Khói nhang bay tỏa lên không trung, giống như tiếng hát cá voi vang vọng vào cõi tĩnh lặng lúc nó ngoi lên từ vực nước thẳm sâu”.
(trích Tục thờ cá Ông)
Nhận xét
Paul Christiansen thích đi bộ để thấy và nghe. Anh lắng nghe tâm tình của động vật và cây cỏ trong Thảo Cầm Viên, ngồi ngắm lục bình trôi trên sông Sài Gòn, mua nhu yếu phẩm từ tiệm tạp hóa góc phố, uống rượu gạo với dân làng chài, thắp nhang vái lạy trước bàn thờ cá Ông làng Phước Hải, băn khoăn về những dòng máu trắng chảy trong rừng cao su thời thuộc địa, ray rứt với từng viên thạch anh trưng bày ở Bảo tàng Địa chất, ngắm nhìn cánh chò xoay xoay trong gió…
– Dịch giả Trần Thị NgH
Hết.
Giới thiệu sách
Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác – tác phẩm về một thí nghiệm tâm lý gây chấn động

Tác phẩm được viết bởi hai nhà tâm lý học đoạt giải Ig Nobel 2004
Hai nhà tâm lý học Christopher Chabris và Daniel Simons gặp nhau tại Viện Đại học Harvard vào năm 1997 và bắt đầu trở thành cộng sự trong lĩnh vực nghiên cứu.

Christopher Chabris là một giáo sư tâm lí học và cũng là giám đốc điều hành của một chương trình về khoa học thần kinh tại Đại học Union ở Schenectady, New York (Mỹ). Daniel Simons là nhà tâm lý học thực nghiệm, nhà khoa học nhận thức, và là giáo sư Khoa Tâm lý học ở Viện Beckman về Phát triển khoa học và công nghệ tại Đại học Illinois (Mỹ).
Năm 2004, họ cùng thắng giải Ig Nobel tâm lý học – một giải thưởng nhại lại giải Nobel được trao cho “những thành tựu ban đầu làm người ta phì cười, nhưng sau đó lại khiến họ suy nghĩ”. Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác được lấy cảm hứng từ đây.
Hiện tượng “nhìn mà không thấy” trong thí nghiệm “khỉ đột vô hình”
Mọi chuyện bắt đầu từ một thí nghiệm kinh điển của Chabris và Simons. Hai nhà tâm lý học nhờ các tình nguyện viên trường Harvard xem đoạn phim ngắn về trận bóng giữa hai đội mặc áo đen và trắng, yêu cầu họ đếm số lần chuyền bóng của hai đội. Sau khi hết video, các đối tượng tham gia thí nghiệm nêu ra con số mà mình đếm được.
Nhưng nhiệm vụ đếm số lần chuyền bóng chỉ là cái cớ để giữ cho những tình nguyện viên phân tâm khỏi sự kiện chính trong đoạn video. Giữa lúc trận bóng diễn ra, một người mặc bộ đồ hóa trang khỉ đột lặng lẽ đi vào hiện trường, nhìn về phía camera, lấy tay đấm lên ngực rồi bước ra. Cảnh này diễn ra trong vòng 9 giây.
Kết quả thật đáng ngạc nhiên: khoảng phân nửa đối tượng tham gia thí nghiệm, vì quá chú tâm đến nhiệm vụ của mình, đã không chú ý tới chú khỉ đột!
Thí nghiệm này là xuất phát điểm để Christopher Chabrisvà Daniel Simons phát triển công trình nghiên cứu gây tiếng vang của mình. Khoa học gọi đây là hiện tượng “mù vô ý” (inattentional blindness) có thể xảy ra hằng ngày trong mọi khía cạnh của đời sống, nhưng những điều trên mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi.
Chúng ta không biết nhiều về thế giới như ta vẫn nghĩ
Từ một thí nghiệm về tình trạng mù vô ý, Christopher Chabrisvà Daniel Simons đã dẫn chứng hàng loạt câu chuyện có thật nhằm chứng minh rằng nhận thức con người đầy rẫy những lỗ hổng.
Khi tham gia giao thông, bạn hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng mù vô ý và không thể tránh kịp chiếc xe đang ở phía trước, dù nó nằm ngay trong tầm nhìn của bạn.

Cuốn sách đưa ra những trường hợp chứng tỏ con người thường vô ý bỏ qua những gì ở ngay trước mắt khi quá tập trung vào một việc cụ thể, dẫn tới hậu quả khôn lường: như một cảnh sát chạy ngang qua hiện trường một vụ hành hung nhưng không nhận ra, một vị hạm trưởng tàu ngầm không thấy chiếc ngư thuyền trong tầm mắt, một tài xế không chú ý tới người chạy xe máy, một phi công không thấy chướng ngại vật trên đường băng…
Không dừng lại ở những gì tai nghe mắt thấy, Chabris và Simons đi sâu vào phân tích nhiều cái bẫy ảo tưởng tinh vi hơn, chẳng hạn ảo tưởng về ký ức, ảo tưởng về kiến thức hay ảo tưởng về sự tự tin. Bộ đôi nhà tâm lý học chỉ ra rằng, bộ nhớ của chúng ta thường cố tình bóp méo những ký ức về sự kiện trong quá khứ, rằng một chuyên gia vẫn có thể mắc sai lầm… Tất cả đều xuất phát từ niềm tin mù quáng vào kinh nghiệm và nhận thức của bản thân.
Những ảo tưởng sai lầm có thể khiến chúng ta bị “dắt mũi”
Có nhiều doanh nghiệp đã tạo ra hàng triệu USD nhờ tận dụng những ảo tưởng phổ biến của con người.
Một trong số đó là việc quảng cáo loại headset đeo tai để nghe điện thoại trong lúc lái xe. Luật giao thông cấm tài xế sử dụng điện thoại di động cầm tay khi đang chạy xe trên đường, nhưng không cấm tài xế đeo headset. Tờ quảng cáo của công ty AT&T Wireless đã tuyên bố: “Nếu sử dụng điện thoại không dây trong khi lái xe, bạn có thể giữ cả hai bàn tay trên tay lái”.

Chabris và Simons cho rằng không có nhiều khác biệt giữa khả năng gây phân tâm của điện thoại cầm tay và điện thoại rảnh tay, vì bản chất việc nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe đòi hỏi khả năng đa nhiệm của người sử dụng. Càng chú tâm vào cuộc nói chuyện, tài xế sẽ càng xao lãng những gì diễn ra trước mắt, dễ dẫn đến tình trạng mù vô ý, thế nên quảng cáo headset đeo tai an toàn hơn điện thoại cầm tay là hoàn toàn sai lầm và lợi dụng niềm tin của người dùng.
Bằng cách nhận ra khi nào và tại sao các ảo tưởng này lại ảnh hưởng tới mình, hậu quả mà chúng gây ra cho những vấn đề của con người, Chabris và Simons tin rằng Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác sẽ giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo hơn về cách tâm trí hoạt động, vượt qua hoặc giảm thiểu tác động của những ảo tưởng ở mức tối đa, từ đó sống và đưa ra quyết định một cách sáng suốt hơn.
Trích đoạn
“Mỗi khi nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe, và tin rằng mình vẫn đang chú ý đủ trên đường, chúng ta bị ảnh hưởng bởi một trong những ảo tưởng này. Mỗi khi giả định rằng người nhớ sai quá khứ của họ thì chắc là đang dối trá, chúng ta đầu hàng một ảo tưởng. Mỗi lúc chọn vị lãnh đạo cho một đội ngũ, do người đó thể hiện sự tự tin nhiều nhất, chúng ta bị ảo tưởng tác động. Mỗi lúc bắt đầu một dự án mới và tin rằng mình biết nó sẽ hoàn thành trong bao lâu, chúng ta lại bị một ảo tưởng. Thực vậy, hầu như không có lĩnh vực nào của hành vi con người là không chạm tới ảo tưởng hàng ngày”.
Nhận xét của độc giả
“Một cuốn sách khai nhãn. Sau khi đọc, bạn sẽ nhìn vào chính mình và thế giới xung quanh một cách khác biệt.” - Joseph T. Hallinan
“Khỉ đột vô hình và cú lừa của trực giác khiến chúng ta khôn ngoan hơn bằng cách tự nhắc nhở rằng mình hiểu biết ít như thế nào.” - Amanda Ripley
“Một hành trình hấp dẫn và sâu sắc đi qua những ảo tưởng có sức ảnh hưởng tới mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.” - Richard Wiseman
Hết.
Book trailer
Hack tốc độ hoàn thành công việc: Bí quyết xốc lại tinh thần làm việc sau Tết
Cuốn sách là những kiến thức hết sức thiết thực, được đúc kết từ kinh nghiệm học tập và làm việc của tác giả Phạm Ngọc Thắng

Trải qua những ngày vui chơi trong kỳ nghỉ Tết, không ít người cảm thấy chán nản vì phải trở lại chốn công sở, bước vào guồng quay cơm áo gạo tiền. Để vượt qua những dư âm lắng đọng từ ngày nghỉ lễ lớn nhất năm, cuốn sách Hack tốc độ hoàn thành công việc sẽ là liều vitamin đúng lúc giúp bạn xốc lại tinh thần, đặt ra mục tiêu cho một năm mới đầy phấn khởi đang chờ đợi phía trước.
Không cố sức thay đổi tư duy của người đọc, cuốn sách đơn giản là những kiến thức hết sức thiết thực, được đúc kết từ kinh nghiệm học tập và làm việc của tác giả Phạm Ngọc Thắng. Hack tốc độ hoàn thành công việc có thể không phải là cuốn cẩm nang đầy đủ nhất, nhưng chắc chắn là cuốn sách thích hợp nhất để bạn bắt đầu thay đổi cách làm việc vốn có của mình và tạo ra các kết quả đột phá, từ đó tăng thu nhập, thăng tiến, bước vào tầng lớp tinh hoa, hoặc ít nhất cũng giúp bạn hạnh phúc với công việc mình đang làm.

Chỉ bằng 4 chương sách được trình bày theo cách ngắn gọn, dễ hiểu, tác giả bước đầu xác định “thế nào là hoàn thành công việc?”, từ đó hướng dẫn người đọc những phương pháp lên kế hoạch để “hack” ý thức làm việc, “hack” tốc độ hoàn thành công việc, thậm chí là “hack” cả… sự may mắn. Cuốn sách chỉ ra cách hoàn thành công việc hiệu quả nhất có thể, dù bạn là người mới đi làm, dân công sở lâu năm hay đang giữ chức vụ cao trong một cơ quan.
Về tên sách, tác giả Phạm Ngọc Thắng chia sẻ: “Tôi rất thích từ ‘hack’ trong ngành công nghệ thông tin. ‘Hack’ theo định nghĩa thông thường là việc lợi dụng những lỗ hổng bảo mật để xâm nhập trái phép vào hệ thống máy tính nhằm thay đổi các chức năng vốn có của nó. Nhưng ngoài ra, ‘hack’ trong ‘life hack’ còn có nghĩa là tìm ra một cách làm đột phá để đạt được những thành tựu khác biệt và khiến cho cuộc sống dễ dàng hơn. Cuốn sách này chính là một cách ‘hack’ như vậy.”
Những điều cuốn sách này sẽ đem đến cho bạn:
● Gạt bay bỡ ngỡ ngày đầu đi làm;
● Tạm biệt chứng ì ạch, trì hoãn và nỗi ám ảnh trễ deadline;
● Lao động thông minh, tạo ra hiệu suất GẤP ĐÔI cách thức thông thường;
● Biến cơ hội tăng lương, thăng tiến không còn xa tầm với;
● Hạnh phúc với môi trường công sở (sếp hài lòng, đồng nghiệp yêu mến, đối tác tin tưởng & bản thân thành công).
Về tác giả:
Tác giả Phạm Ngọc Thắng có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò quản lý cho các công ty thuộc nhiều lĩnh vực và quy mô khác nhau, từ startup tới các tập đoàn lớn; tiếp xúc và làm việc với nhiều chuyên gia, CEO, lãnh đạo và hàng nghìn nhân viên ở đủ mọi độ tuổi.
Anh từng đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc tại Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Gadget (thuộc TEKY HOLDINGS), Digital Specialist tại VinFast, Trưởng phòng Marketing và Phát triển sản phẩm tại JupViec.vn;
Hiện là CEO App Mamibabi, app hàng đầu về thai giáo, giáo dục sớm và ăn dặm.
-
KOMOaudio3 năm ago
10 cuốn sách xanh biếc về môi trường và thiên nhiên
-
Cafe sáng2 năm ago
Khai trương Phương Nam Book City Saigon Center, điểm hẹn văn hóa mới của người Sài Thành
-
Trà chiều2 năm ago
Truyện cổ tích và sự khác biệt trong cách các nền văn hóa nhìn nhận thế giới
-
Phía sau trang sách3 năm ago
Rừng Na Uy, về Murakami và những kẻ cứ nghĩ là mình cô đơn lắm
-
Phía sau trang sách1 năm ago
Khi các nhà văn đá xéo nhau: Tận cùng của sự đanh đá (phần 1)
-
Cafe sáng2 năm ago
Học Chất Hết Nấc với Lớp học Mật Ngữ: Tập đẹp, ba lô xinh và phụ kiện cá tính
-
Trà chiều3 năm ago
Tại sao ta không nên đọc mọi thứ và không nên tin mọi thứ ta đọc?
-
Book trailer3 năm ago
Đồi gió hú: Một tình yêu đi ngược với chuẩn mực đạo đức đương thời