Book trailer

Dạy con phát triển toàn não bộ: Chiến lược giúp trẻ sống vui vẻ và tự chủ

Published

on

Trong quá trình làm cha mẹ, hẳn các bậc phụ huynh đã đối mặt không ít với những lần con khóc lóc, ăn vạ và những đòi hỏi vô lý của con; nhưng chẳng mấy ai hiểu được nguyên nhân khiến con hành động như vậy.

Để giải đáp khúc mắc của các đấng sinh thành, Daniel J. Siegel – tác giả tốt nghiệp trường Y Harvard, hiện đang là giáo sư lâm sàng Tâm thần học tại Đại học UCLA (Mỹ) và Tina Payne Bryson – nhà trị liệu tâm lý tại Hiệp hội Tâm lý Trẻ em và Trẻ vị thành niên ở Arcadia, California (Mỹ) đã viết cuốn sách Dạy con phát triển toàn não bộ. Cuốn sách sẽ giúp cha mẹ nhìn nhận rõ ràng mọi hành vi và cảm xúc của con dưới góc độ tâm lý, thần kinh học. Cha mẹ có thể thực hiện điều đó bằng cách nào? Câu trả lời rất đơn giản: Nắm rõ những kiến thức cơ bản về não bộ của con mình.

Tác giả Daniel J. Siegel

Liệu pháp tâm lý của Daniel J. Siegel được thực hành với trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành, các cặp vợ chồng và các gia đình suốt 25 năm qua.

Phát triển trí não cho trẻ luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của các phụ huynh có con nhỏ, bởi não bộ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và trí thông minh của trẻ ở giai đoạn đầu đời. Trong hai chương đầu tiên, bộ đôi tác giả đi vào giải thích khái niệm phát triển toàn não bộ và phương pháp kết hợp hai bán cầu não để trẻ có thể hoàn thiện trí tuệ lẫn cảm xúc.

Chương 3 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối “thùy não dưới” đầy bản năng với “thùy não trên” chịu trách nhiệm ra quyết định, đồng cảm và suy xét đạo lý. Các chương còn lại đi sâu vào giải quyết những vấn đề cụ thể giữa con và cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Từ việc lý giải được những hành vi vô lý của con, cha mẹ có thể nhìn nhận quá trình nuôi dạy trẻ dưới góc độ hoàn toàn mới, từ đó đưa ra phương án chữa lành tổn thương tinh thần cho con, xây dựng cái “tôi” toàn vẹn và giúp con hòa nhập với người xung quanh tốt hơn.

Bên cạnh đó, sách cũng giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về bản thân, vì bộ não của trẻ cũng chính là “tấm gương phản chiếu” bộ não của cha mẹ. Cha mẹ biến chuyển và phát triển như thế nào, hoặc phát triển thiếu hoàn chỉnh ra sao sẽ tác động trực tiếp đến bộ não của trẻ. Một khi cha mẹ nhận thức sâu sắc và phát triển cảm xúc lành mạnh, con cũng sẽ hưởng lợi từ điều đó.  

Trích đoạn

“Ngay cả những phụ huynh chăm con khéo nhất, được giáo dục bài bản nhất vẫn thường thiếu thông tin cơ bản về bộ não của con mình. Điều này có đáng ngạc nhiên chăng? Nhất là khi quý vị thừa nhận vai trò then chốt của bộ não trong mọi khía cạnh cuộc sống của con trẻ: kỷ luật tự giác, ra quyết định, nhận thức bản thân, học hành, tạo dựng và duy trì các mối quan hệ,…

Trên thực tế, bộ não quyết định phần lớn việc chúng ta là ai và chúng ta làm gì. Và vì bản thân bộ não được định hình đáng kể nhờ những trải nghiệm mà chúng ta, các bậc phụ huynh, cung cấp cho con mình, cho nên, việc hiểu về cách bộ não thay đổi để đáp ứng với quá trình nuôi dạy có thể giúp chúng ta dưỡng dục nên một đứa trẻ mạnh khỏe và kiên cường.”

Nhận xét

“Một nỗ lực tuyệt vời để khoa học về não bộ trở nên dễ hiểu với phụ huynh”. – Publishers Weekly

“Tôi đã ước gì mình đọc cuốn sách này khi vừa mới bắt đầu làm mẹ. Nếu đọc sớm, hẳn tôi đã là một bà mẹ bớt đoảng và cáu kỉnh”. – Nguyên-Kan, tác giả sách Mẹ đoảng dạy con

Hết.

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Book trailer

Dòng đời: Lắng đọng với những trải lòng của danh ca Elvis Phương

Published

on

By

Dòng đời – cuốn hồi kí vừa ra mắt bạn đọc của Elvis Phương do Phương Nam Book phát hành – là những trang viết trải lòng của nam danh ca về chính cuộc đời mình.

Hơn 60 năm ca hát, từ lúc bén duyên với âm nhạc rồi lựa chọn sống hết mình cho đam mê, Elvis Phương đã từng nếm trải, bôn ba không ít để được thành danh và đứng vững trên sân khấu cho đến tận ngày nay…

Tất cả dòng chảy cuộc đời mình được tác giả giãi bày lại không chỉ bằng lời kể mà còn qua nhiều hình ảnh tư liệu sống động, giúp độc giả hình dung bên cạnh cuộc đời của một người nghệ sĩ còn là đời sống âm nhạc sôi nổi của một thời, như một món quà tri ân đến tất cả khán giả cùng những bạn bè thân sơ đã yêu mến Elvis Phương.

Hành trình theo đuổi âm nhạc truyền tải nhiều cảm hứng sống

Thuở nhỏ, Elvis Phương vốn thích điện ảnh hơn, ông xem rất nhiều phim từ thời kì phim đen trắng cho đến phim màu, với đủ mọi thể loại từ phim ca nhạc của Ấn Độ cho đến những phim cao bồi.

Bước ngoặt cuộc đời gõ cửa khi ông xem phim O’Cangaceiro. Theo Elvis Phương nhận xét, bộ phim không quá đặc sắc, cốt truyện cũng như những phim khác cùng thể loại; tuy nhiên, phần âm nhạc của phim đã khiến ông ấn tượng, đặc biệt là đoạn nhạc cuối phim với tiếng harmonica.

Sau hôm đó, ông đã xin mẹ tiền mua một chiếc harmonica loại bỏ túi rất nhỏ hiệu Piccolo, ngày đêm chăm chỉ tập thổi theo giai điệu bài hát cuối phim. Và từ đó, cậu bé Elvis Phương bỗng thích hát ca hơn là xem phim, bắt đầu chặng đường theo đuổi âm nhạc với niềm đam mê và tình yêu bất tận.

Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu đến với âm nhạc của Elvis Phương cũng không hề dễ dàng. Ông từng phải “đi xin một cây đàn guitar đã bể hết phần thùng đàn phía sau và chỉ còn lại duy nhất một dây, để bỏ hàng giờ đứng trước tấm gương trong phòng tắm mà vặn vẹo làm bộ điệu và hát những bài hát của tuổi thơ.” Nhưng với Elvis Phương, điều đó không hề làm ông thấy buồn tủi, khi gảy đàn hát, ông vẫn “cảm nhận được sự sung sướng chạy rần rần trong mạch máu.”

Thuở ban đầu, gia đình Elvis Phương đã không ủng hộ ông theo đuổi con đường âm nhạc. Cha Elvis Phương là người phản đối quyết liệt nhất vì ông chỉ muốn con nối nghiệp thầu khoán. Elvis Phương đã phải lén cha nghe nhạc và lẩm bẩm hát theo chiếc radio nhỏ bé chạy bằng pin là vật bất ly thân mà ông vô cùng trân quý. Tuy nhiên, có một lần Elvis Phương bị cha bắt quả tang khi đang nghe nhạc với radio. Cha ông đã nổi giận và đập vỡ tan tành chiếc radio. Đối với Elvis Phương, sự kiện này khiến ông cảm thấy như bị “mất đi người bạn thân đầu đời và tận diệt niềm vui bé nhỏ.” Tuy nhiên, đây chỉ là sự kiện khởi đầu cho chuỗi ngày xung đột bất tận giữa Elvis Phương và cha ông sau này.

Năm 1962 là một cột mốc quan trọng trong hành trình âm nhạc của Elvis Phương. Thời điểm đó, sau khi Elvis Phương đậu Tú Tài, cha ông quyết định sẽ gửi ông sang Pháp du học. Sau một thời gian dài không biết bao nhiêu lần phải chịu đựng những lời mạt sát của cha về nghề ca hát với quan niệm phổ biến thời đó là “xướng ca vô loài”, hay những cái tát của cha khiến ông bị “nẩy đom đóm mắt”, nỗi đau đớn khi “cây đàn thùng thân yêu của tôi bị đập nát bởi bàn tay không thương xót của ba tôi kèm với vẻ mặt đằng đằng sát khí”; Elvis Phương quyết định sẽ không đi theo con đường cha ông đã vạch sẵn. Tình yêu âm nhạc trong ông đủ lớn để khiến ông lựa chọn không đi Pháp và có thể dõng dạc tuyên bố với cha rằng ông muốn ở lại Việt Nam để hát. Hậu quả là Elvis Phương bị cha từ mặt, ông buộc phải vứt bỏ không khí ấm cúng quen thuộc, khăn gói rời nhà để đi theo tiếng gọi của âm nhạc. Cũng từ đây, âm nhạc Việt Nam chính thức ghi dấu cái tên Elvis Phương.

“Âm nhạc là mùa Xuân trong tôi, đang nở hoa rực rỡ, không thể nào để cho mùa Đông của sách vở, của văn bằng tận diệt dưới lớp đá băng lạnh lẽo.”

Tâm tình cảm động về tình yêu của Ngựa Hoang

Elvis Phương tự ví mình là Ngựa Hoang nên phần lớn tiêu đề trong 12 chương sách đều được đặt theo chặng đời của một chú Ngựa Hoang. Lời dẫn nhập trong sách được đặt tên là “Ngựa Hoang tâm sự”. Ba chương đầu kể lại thời niên thiếu và những ngày Elvis Phương mới theo đuổi âm nhạc nên cái tên Ngựa Hoang chưa xuất hiện trong tiêu đề mà là nơi chốn phôi thai Ngựa Hoang được góp mặt ở chương 1 “Đồng cỏ ngày xanh thời niên thiếu”, chương 2 “Bước vào đồng cỏ âm nhạc”, chương 3 “Những năm tháng tuyệt vời: Rockin’ Stars”.

Khi chú Ngựa Hoang đã trổ mã và có những bước tiến xa trong âm nhạc thì từ chương 4 đến chương 11 (ngoại trừ chương 10), tiêu đề luôn bắt đầu bằng Ngựa Hoang: Ngựa Hoang dưới ánh đèn màu, Ngựa Hoang và những con Phượng Hoàng, Ngựa phi đường xa, Ngựa Hoang những ngày phiêu bạt, Ngựa Hoang trên đồng cỏ quê hương, Ngựa Hoang cùng bạn hữu và đồng nghiệp, Ngựa Hoang thập tử nhất sinh. Qua cách đặt tiêu đề, có thể thấy Elvis Phương là một chú Ngựa Hoang có lòng kiêu hãnh, sự tự ý thức về bản thân mình rất cao. Ông tâm sự ở phần mở đầu rằng: “Tôi đã ví mình như con ngựa hoang. Lẽ nào là tôi hoang đàng, bê bối, giang hồ lắm sao? Không! Hoàn toàn không!” Quả thực như thế, chú Ngựa Hoang ấy không hoàn toàn bất kham hay chỉ mải mê rong ruổi trên con đường âm nhạc. Tình yêu là một ngoại lệ khiến Ngựa Hoang phải lùi bước ở chương 10 “Nước mắt một loài hoa & Vì thế anh yêu em”. Người phụ nữ có thể làm được điều đó chính là Lệ Hoa – người vợ ông hết mực yêu thương và nguyện dành trọn cả phần đời còn lại cho bà.

“Những giọt nước mắt đắng cay của một người phụ nữ yêu thương mình da diết đã khiến lòng tôi chua xót, nhưng tôi cũng không dám phủ nhận chính những giọt nước mắt đó đã tưới mát tâm hồn tôi, đã nuôi tôi sống để đôi lúc cảm thấy đời sống như đáng sống hơn. Tháng ngày trôi qua cùng bao sóng gió, giờ đây ngựa hoang thật sự, thật sự muốn dừng chân vì đã cảm nhận được ở người bạn đời hiện tại những điều mình khát khao bấy lâu. Đã đến lúc ngựa hoang đi đến quyết định cuối cùng cho cuộc đời mình.”

Đối với Elvis Phương, động lực để ông vui sống mỗi ngày, có thể lăn lộn với nghề hơn 60 năm mà không cảm thấy nhàm chán chính là nhờ có vợ ông luôn bên cạnh, thấu hiểu và chăm lo tất cả để ông được vui hát, thăng hoa khi phục vụ khán thính giả.

Chính tình cảm sâu nặng dành cho vợ đã khiến Elvis Phương có nguồn cảm hứng viết bảy ca khúc dành tặng bà, được đăng lời trong sách, lần lượt là: Lời hẹn ước, Yêu, Bài hát cho em, Still in love with you, Bẽ bàng, Chiều thu Paris, Gót hồng thôi hết phiêu du.

Những dòng chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời thăng trầm của người nghệ sĩ

Không chỉ có tình yêu, chính cuộc đời cũng khiến Ngựa Hoang dừng lại suy tư ở chương 12 “Nhìn lại đời! Nhìn lại người! Và nhìn lại chính mình!” Và cuộc đời hay “dòng đời” – như cách Elvis Phương chọn cụm từ này để đặt tên cho tác phẩm hồi kí của mình – cũng chính là mạch nguồn mà ông luôn trân trọng biết ơn dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách như thế nào.

Bên cạnh 12 chương chính, sách còn có hai phần phụ lục là “Những CD Elvis Phương”, “Elvis Phương – 62 năm ca hát”, bao gồm những hình ảnh tư liệu quý giá nhất trong suốt 62 năm sự nghiệp của Elvis Phương. Toàn bộ 69 trang ảnh cho hai phần phụ lục này đều được in màu, trình bày đẹp mắt. Sách còn tặng kèm hai postcard với mặt trước in màu những hình ảnh của Elvis Phương, mặt sau trích lời bài hát Tôi muốn, Dòng đời – thích hợp để làm quà tặng cho những người mộ điệu.

Tiêu đề Dòng đời của cuốn hồi kí được lấy từ bài hát cùng tên mà Elvis Phương đã từng trình bày. Dòng đời là bài hát được nhạc sĩ Nam Lộc viết lời Việt dựa trên ca khúc My Way nổi tiếng qua phần trình bày của Frank Sinatra. Phần lời của bài hát – cả lời trong bản dịch tiếng Việt lẫn lời gốc tiếng Anh – đều đã tóm gọn trọn vẹn tinh thần trong cuốn hồi kí về hình ảnh một người đàn ông điềm đạm, suy tư chiêm nghiệm lại cuộc đời có biết bao thăng trầm của mình – một cuộc đời mà dù có hối tiếc hay không, ông vẫn luôn cảm thấy nó quá ít ỏi so với sự biết ơn, tình yêu thương, niềm hạnh phúc như lời bài hát My Way:

“Regrets, I've had a few
But then again too few to mention
I did what I had to do
I saw it through without exemption.”

(Tạm dịch:
Tôi cũng có đôi điều hối tiếc
Nhưng nghĩ lại thì chẳng to tát gì
Tôi đã làm những điều cần phải làm
Đã nhìn thấu mọi sự đời.)

Và dù như thế nào, Ngựa Hoang vẫn sẽ cất vó trên đường xa, cũng như người danh ca có cái tên là Elvis Phương ấy vẫn sẽ mãi cất lên tiếng hát, gửi những tâm tình chân thành đến khán thính giả đã yêu mến ông.

Trích đoạn

“Mỗi ngày của tôi trôi qua đều đặn như vậy và đến cuối tuần tôi lại lên đường, lại hấp tấp đến phi trường, lại vội vàng ra khỏi máy bay – được đón tiếp – trình diễn – đưa tiễn – vào lại máy bay trở về... Lịch trình của tôi cứ thế trôi qua một cách êm đềm. Người ta thường cho rằng sự đều đặn dễ mang lại nhàm chán nhưng trái lại với tôi, sự đều đặn đó là cả một rừng hạnh phúc, là cả một nguồn thương yêu to lớn của khán thính giả bốn phương vẫn dành cho mình, vẫn còn thương mình đến ngày hôm nay.”

***

“Đây không phải là tập hồi ký, tôi chỉ muốn chọn một thời điểm thích hợp nhất để nhìn lại chuỗi ngày sau lưng, hoặc đúng hơn, để ghi lại kỷ niệm của chính mình, của những ân sủng, của suốt cuộc đời ca hát của mình. Đây cũng chính là dịp để tôi nói thật về bản thân, về cuộc đời mình; và đúng hơn là có dịp để tâm sự với tất cả bạn bè thân sơ, cũng như khán thính giả khắp nơi, như một món quà tinh thần ấp ủ từ bấy lâu đến bây giờ mới có dịp thực hiện.”

***

“Xét cho cùng, cuộc đời đối với tôi không thoát ra khỏi quy luật bù trừ mà tôi đã thấy ứng nghiệm trong nhiều tình huống. Có những lúc tôi như rơi xuống vực thẳm của khổ đau, nhưng bù lại lắm khi tôi leo lên được nấc thang cao vút của hạnh phúc, của danh vọng. Tôi có tiền, nhà cửa, xe cộ; nhưng ai biết được rằng tôi đã phải trả cho những thứ đó bằng một cái giá rất đắt, bằng cả sự cố gắng phi thường và sự nhẫn nhục đầy nước mắt. Càng thêm tuổi, tôi càng thấy đúng. Nhưng dù thế nào chăng nữa tôi cũng cảm ơn Thượng đế đã dành cho tôi quãng đời hoa niên tuyệt diệu, được sống trọn vẹn một tuổi trẻ mà nhiều người ao ước.”

Về tác giả

Elvis Phương tên thật là Phạm Ngọc Phương, sinh năm 1945 tại Bình Dương, trong một gia đình trí thức Tây học khá giả. Cha mẹ ông là người huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng chuyển đến sinh sống tại Bình Dương từ thập niên 1940. Cha ông là kiến trúc sư và giáo sư dạy tiếng Pháp. Elvis Phương là con trai trưởng trong gia đình với tám người em gái (trong đó có ca sĩ Kiều Nga) và một em trai. Từ lúc năm tuổi, ông đã học mẫu giáo ở trường Pháp Aurore, do đó ông có sự tiếp xúc khá sớm với âm nhạc phương Tây.

Ông biểu diễn trước công chúng lần đầu vào năm 1962 tại trường dòng Regina Pacis. Bài hát đầu tiên Elvis Phương biểu diễn là Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương. Ông tham gia nhiều ban nhạc như Rockin' Stars, Les Vampires... Là một trong những người khuấy động phong trào nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn trong ban nhạc Phượng Hoàng lúc ấy còn có Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà... sau này trở thành một ca sĩ có thể hát nhiều thể loại từ rock, pop, trữ tình cho đến ca khúc trữ tình quê hương.

Đọc bài viết

Book trailer

Hồi ức Phú Nhuận: Trải nghiệm hành trình đa chiều qua lịch sử của một quận đô thị độc đáo

Published

on

By

Hồi ức Phú Nhuận – tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận – không dừng lại trong phạm vi ghi chép dáng dấp cơ bản của một vùng đất, mà còn phần nào đó giúp người đọc nhận diện đời sống đô thị đất Sài Gòn, trong trăm năm qua.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận cố gắng ghi nhận dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và viết lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân Phú Nhuận qua các thế hệ.

Tinh thần Phú Nhuận xưa được tái hiện sống động

Phú Nhuận là một trong những quận nội thành quan trọng áp sát trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ xuất thân nhỏ bé là một vùng đất cằn cỗi, một gò đất hoang với vài hộ gia đình lưu dân tới khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã vươn mình trở thành một quận hoàn toàn đô thị hóa. Nơi đây có một cuộc sống đa dạng với nhiều sắc thái, có lịch sử ngang bằng với đô thị Sài Gòn, có một số nhân vật được trọng nể vì những đóng góp cho xã hội trên nhiều mặt và có những địa chỉ khiến người từ các nơi khác phải tìm đến…

Trong những bài viết của Hồi ức Phú Nhuận, tinh thần Phú Nhuận xưa hiện lên rõ nét qua những câu chuyện hoài niệm về các con đường ngày xưa, có con đường từng trải qua bảy lần thay tên (đường Nguyễn Văn Trỗi), có con đường từng đi ngang quán xá và trại lính (đường Võ Tánh ngày xưa, nay là Hoàng Văn Thụ); là những quán ăn, tiệm cà phê mà tác giả luôn mong “lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào” nhưng “không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian”...

Chính vì những lẽ đó, Hồi ức Phú Nhuận tuy là kí ức riêng của tác giả nhưng lại bắt được dòng hơi thở chung của đời sống đô thị Sài Gòn xưa và nay.

Những trang viết giàu cảm xúc, đầy ắp tư liệu

Hồi ức Phú Nhuận gồm 60 bài viết về Phú Nhuận theo trục thời gian trải dài từ xưa đến nay, bao quát đủ mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này, được tác giả chia thành chín phần: Mấy nẻo đường quen, Nơi chốn đi về, Dưới mái trường xưa, La cà quán xá, Giải trí và rèn luyện thân thể, Cơ sở làm ăn, Dập dìu tài tử giai nhân, Ôn chuyện xưa; và phần Phụ lục điểm qua sáu giai đoạn hình thành và phát triển của Phú Nhuận.

Với giọng văn trầm tĩnh, giàu cảm xúc và tư liệu đầy đặn, 60 bài viết như những thước phim ngắn được bật lên, lần lượt đưa người đọc tìm về những tinh túy đã từng hiện diện ở Phú Nhuận: có một số thứ dù còn tồn tại nhưng ít nhiều thay đổi qua thời gian, có một số thứ tuy đã biến mất nhưng vẫn ẩn tàng trong kí ức của người Phú Nhuận và trong những góc khuất của đời sống.

Tùy bút vốn là thể loại để người viết có thể tự do tung hứng theo cảm xúc. Nhưng ở Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận đã viết không chỉ dựa vào cảm xúc đơn thuần mà còn có sự nghiên cứu, phóng chiếu với những tư liệu thực tế đúng như thao tác thường thấy ở nhà báo chuyên nghiệp.

Bộ sưu tập công phu về đời sống Phú Nhuận

Phạm Công Luận khảo sát về Phú Nhuận ở đủ mọi khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, giải trí, kinh doanh… Qua đó, những giá trị Phú Nhuận đã từng tồn tại, nay trở lại trong ký ức và niềm thương cảm về thân phận một vùng đất mà mỗi người, mỗi thế hệ người dân đã gắn bó bằng những cách khác nhau.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, tác giả còn cung cấp những thông tin thú vị mà nhiều khi chính người Phú Nhuận chưa hẳn đã biết: Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống ở Phú Nhuận những năm cuối đời, sau khi ông mất, con đường có ngôi nhà ông ở (trước đây vốn là con hẻm), đã được đặt lại theo tên ông, trở thành đường Hồ Biểu Chánh như ngày nay; tiệm phở Bắc Huỳnh thuộc hàng cao cấp, dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng rất tiếng tăm, khi đột nhiên đóng cửa năm 1982 đã khiến nhiều người vô cùng tiếc nuối; đầu thế kỉ 20, nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận là “nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương”…    

Khi nhắc đến một vùng đất, không thể không đề cập đến những con người đã và đang gắn bó ở đó. Chính vì vậy, trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận dành hẳn hai phần để viết về những người đã chọn Phú Nhuận làm nơi an cư: phần Dập dìu tài tử giai nhân dành cho giới nghệ sĩ, phần Ôn chuyện xưa dành cho những người Phú Nhuận trong kí ức tác giả.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm, Trương Ánh Mai cùng ảnh tư liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau. Sự kết hợp hài hòa giữa những trang viết đa chiều, giàu cảm xúc và phần hình ảnh được đầu tư chăm chút khiến Hồi ức Phú Nhuận thực sự là món quà quý để người đọc tìm về di sản văn hóa của Phú Nhuận, để hòa điệu, tri ân những độc giả luôn nặng lòng với quận đô thị này.

Trích đoạn

Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi thành địa chỉ mới.

(Trích Cư xá của các nghệ sĩ)

Trong hơn 20 năm trước 1975, nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng tuy tọa lạc trên con đường nhỏ ở Phú Nhuận nhưng tiếng tăm vang ra khắp Sài Gòn – Gia Định. Nhiều người, nhất là giới văn nghệ sĩ biết tiếng nhà hàng này, đã từng đến thưởng thức bảy món bò của bà Tư Lái, bếp chính. Tuy vậy, không mấy ai biết gốc gác của nó.

(Trích Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài thành)

Về tác giả

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…

Đọc bài viết

Book trailer

Nói sao khi trẻ không nghe lời: Các mẹo đối phó với những trẻ bướng bỉnh nhất

Published

on

By

Bộ sách Nói sao khi trẻ không nghe lời cung cấp rất nhiều chiến lược giao tiếp hữu ích, hoàn toàn có thể vận dụng trong quá trình nuôi dạy con nhiều thách thức. Sách do hai chuyên gia về nuôi dạy con người Mỹ chấp bút là Joanna Faber và Julie King.

Nếu bạn luôn căng thẳng với việc hò hét bọn trẻ vào mỗi buổi sáng; mệt mỏi với việc các con luôn gấu ó, tranh giành, tị nạnh nhau; không ngừng tìm kiếm các phương pháp thiết thực để việc dạy con trở nên dễ dàng và thoải mái hơn thì Nói sao khi trẻ không nghe lời – tác phẩm mới nhất của bộ sách bán chạy Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói, và Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường – chính là một cuốn cẩm nang thiết thực bạn cần trang bị cho mình ngay lúc này.

Cẩm nang nuôi dạy con đắc lực cho các bậc cha mẹ trên toàn thế giới suốt hơn 40 năm

Trong suốt bốn mươi năm qua, từ lần đầu tiên xuất bản vào năm 1980, cuốn sách Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói của hai tác giả là Adele Faber và Elaine Mazlish đã luôn được đông đảo các bậc phụ huynh xem là “Thánh Kinh nuôi dạy con” với những chỉ dẫn theo hướng tiếp cận thực tiễn trong việc giao tiếp với trẻ sao cho trẻ cảm thấy được tôn trọng. Kế thừa tinh thần của tác phẩm này, Joanna Faber – con gái của Adele Faber và Julie King đã cùng viết tiếp phần thứ ba của bộ sách là Nói sao khi trẻ không nghe lời.

Ở lẩn trở lại này, Joanna và Faber khai thác chủ đề làm sao để xây dựng chiến lược giao tiếp hữu ích, hoàn toàn có thể vận dụng trong quá trình nuôi dạy con nhiểu thách thức. Nói sao khi trẻ không nghe lời cung cấp rất nhiều chiến lược cho cụ thể cho những tình huống nan giải: từ việc phải đối phó với cơn thịnh nộ của trẻ như thế nào, cho đến cách đề cập những vấn đề khó nói cho trẻ nghe như cha mẹ ly hôn, hay phổ cập kiến thức về chuyện tình dục.

Cung cấp những chiến lược thiết thực, sinh động, giàu tính ứng dụng

Nói sao khi trẻ không nghe lời hướng đến các bậc phụ huynh đang chăm sóc trẻ từ tuổi chập chững biết đi đến 12 tuổi. Sinh động và giàu tính ứng dụng, độc giả sẽ được trang bị các mẹo chiến lược khiến trẻ biết nghe lời cùng các kiến thức nuôi dạy khác nhằm giảm thiểu tối đa xung đột, tăng cường sự hợp tác và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gia đình sau khi đọc cuốn sách này.

Trong Phần I, sách trình bày khái quát các mẹo giao tiếp thiết yếu, sát sườn mà những bậc phụ huynh thường sẽ cần đến, để có thể sống sót qua ngày với đứa trẻ đang từ tuổi chập chững biết đi đến tuổi vị thành niên. Ở cuối mỗi chương, sách còn cung cấp cho bạn đọc các hoạt động, các kỹ năng thực hành trong trường hợp bản thân rơi vào trạng thái bức bối, bực dọc, không vui.

Trong Phần II, bạn đọc sẽ tìm thấy những chủ đề mang tính thời sự theo yêu cầu từ phía độc giả. Ở phần này, nhóm tác giả chia sẻ câu chuyện do các quý phụ huynh và giáo viên gửi đến, cũng như giải đáp thắc mắc về các tình huống éo le, dở khóc dở cười mà phụ huynh có thể gặp phải với đứa trẻ nhà mình.

Truyền tải sâu sắc phương pháp nuôi dạy con dựa trên lòng trắc ẩn

Nói sao khi trẻ không nghe lời là một cuốn sách nuôi dạy trẻ vừa hài hước, vừa sâu sắc. Điều ấn tượng nhất là cuốn sách đưa ra các chiến lược dựa trên nghiên cứu nhưng không nặng về lý thuyết. Thay vào đó, Nói sao khi trẻ không nghe lời đưa ra những ví dụ cụ thể thông qua câu chuyện của các bậc phụ huynh ngoài đời thực.

Dựa trên nền tảng của lòng trắc ẩn, Nói sao khi trẻ không nghe lời hướng dẫn phụ huynh các cách khéo léo nhất để đối phó với những lúc trẻ trở nên khó hiểu, qua các công cụ giao tiếp cơ bản như thừa nhận cảm xúc bằng lời nói và kể chuyện. Sách cũng gợi ý những phản ứng đối với các tình huống phổ biến: chẳng hạn như khi một đứa trẻ hậm hực nói chuyện phóng đại, cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc của trẻ thay vì phản đối bằng một thực tế phũ phàng.

Nói sao khi trẻ không nghe lời cũng bàn đến vấn đề trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ (cha mẹ có thể cho trẻ lựa chọn thời điểm được phép sử dụng thiết bị), gọi tên (khuyến khích cha mẹ cho trẻ biết những từ ngữ tiêu cực có thể đem lại cảm giác như thế nào) và hình phạt (để cùng nhau giải quyết vấn đề). Sách còn có một phần dành riêng cho “Những chủ đề nhạy cảm” đưa ra các chiến lược giúp trẻ vượt qua việc bố mẹ ly hôn, hoặc những tìm hiểu đầu đời về tình dục. Văn phong nhẹ nhàng của hai tác giả, kết hợp cùng hình vẽ minh họa hài hước, tiêu đề hấp dẫn, đã giúp cho những chủ đề phức tạp nhất cũng trở nên không quá nặng nề.

Trích đoạn

“Tại sao mỗi khi chúng ta cố dỗ bọn trẻ là y như rằng chúng nó càng làm dữ hơn? Rõ ràng ý định của chúng ta là vỗ về bọn trẻ. Để dạy chúng rằng chút xóc nảy tí tẹo trên đường đời vẫn có thể vượt qua mà không cần phải lao cả xe xuống mương. Mọi thứ rồi SẼ ỔN thôi! Ấy thế nhưng thông điệp lọt vào tai bọn trẻ lại rất khác: ‘Con đừng hòng có thứ con muốn và bố thì cóc quan tâm, bởi vì cảm xúc của con đâu quan trọng đến nỗi phải bận tâm.’ Thành ra, nỗi đau khổ tăng lên gấp bội.”

***

“Chúng ta sốt sắng muốn dạy trẻ hình thành một góc nhìn nào đó – rằng con không được suy sụp trước mỗi một điều bé tí ti trong cuộc sống. Chẳng phải một trong những nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con nhận ra điều quan trọng với điều không quan trọng sao? Đúng! Nhưng sai thời điểm! Thời điểm bạn buồn vì đôi giày mới mua bị đánh cắp không phải là thời điểm bạn muốn ai đó lên tiếng nhắc nhở rằng phải biết ơn vì bạn vẫn còn đôi chân. Đến khi bạn mất đôi chân vì bệnh tật, bạn càng không muốn người khác xuất hiện để nhắc nhở rằng bạn thật may vì có những người còn không có chân nào nữa kìa. Chắc chắn, sẽ có một thời điểm nào đó tốt hơn để nêu quan điểm, nhưng ngay lúc này, bạn sẽ đánh giá cao chút lòng thấu cảm chân thành hơn là một lời động viên sáo rỗng.”

***

“Thừa nhận cảm xúc không chỉ là một thủ thuật hay kỹ thuật. Đó là một công cụ có thể làm biến chuyển các mối quan hệ. Nó không đảm bảo rằng bọn trẻ sẽ vui vẻ dắt chó đi dạo, sẽ đánh răng hoặc đi ngủ đúng giờ, nhưng nó tạo ra bầu không khí thiện chí mà trong đó tất cả mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn và dễ chịu hơn. Nó cũng đặt nền tảng để con trẻ phát triển khả năng quan tâm và chấp nhận cảm xúc của người khác.”

Nhận xét của báo chí thế giới

“Truyền cảm hứng, vô vàn ý tưởng có thể áp dụng, những chỉ dẫn trong cuốn sách này sẽ giúp cho các bậc phụ huynh cảm thấy mình được trang bị sẵn sàng.”

Publishers Weekly

“Các bậc phụ huynh đang muốn tìm kiếm một hướng tiếp cận thiết thực trong việc nuôi dạy con sẽ thấy cuốn sách này rất hữu ích.”

Booklist

“Hãy chừa chỗ cho cuốn sách này trong tủ sách hay căn bếp nhà bạn! Đây là cuốn sách bạn sẽ muốn cầm lấy để đọc mỗi khi tự hỏi ‘Mình nên nói gì bây giờ?’ Sách sẽ khiến bạn bật cười thích thú và học được nhiều điều, đồng thời còn giúp không khí trong gia đình có sự chuyển biến từ mâu thuẫn căng thẳng sang ôn hòa hợp tác.”

Adele Faber,
đồng tác giả của quyển sách Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói

Về tác giả

Joanna Faber & Julie King

Joanna Faber & Julie King vừa là tác giả sách bán chạy vừa đồng sáng lập ứng dụng How To Talk: Parenting Tips in Your Pocket và ứng dụng Parenting Hero. Là những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực giao tiếp giữa người lớn và trẻ nhỏ, hai bà vừa viết lách vừa thường xuyên chủ trì các buổi hội thảo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn cho phụ huynh có con từ 2-12 tuổi qua điện thoại và video, đồng thời giao lưu nói chuyện tại các trường học, doanh nghiệp cũng như các nhóm phụ huynh trên khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Julie hiện sống ở Vịnh San Francisco còn Joanna sống ở vùng Thung lũng Hudson, New York.

Ghé thăm họ tại How-to-Talk.com; mạng xã hội Facebook @FaberandKing hoặc Instagram @HowtoTalk.forParents.

Đọc bài viết

Cafe sáng