Sáng tác

Một thể loại gì đó: Bình minh của một kẻ tuyệt vọng (Kodaki)

Cũng may những chữ, từ và ý luôn có nơi cư ngụ trong chiều không gian vô tận của trang giấy ảo không bao giờ từ chối cho chúng ở trọ vì dân số quá đông đúc.

Published

on

Để bắt đầu, trước tiên tôi xin nói ngay rằng tôi rất muốn dấu hai chấm nằm trước tiêu đề Bình minh của một kẻ tuyệt vọng sẽ dung chứa một từ ngữ cụ thể, gọn gàng, rõ ràng hơn như “tiểu thuyết” (ồ, tôi đã luôn mong có thể viết thêm một tiểu thuyết nào đó suốt những năm qua, những tiểu thuyết có thể hoàn chỉnh từ hàng đống ý tưởng lem nhem mà giờ tôi mới thấy là lem nhem, nhưng thoạt đầu, tôi đã nghĩ nó không lem nhem; nhưng đáng tiếc tôi không rõ Bình minh của một kẻ tuyệt vọng có thể là một tiểu thuyết hay không), “truyện ngắn” (nhưng rõ ràng, có thể nó sẽ dài, rất dài, có nhiều kì, rất nhiều kì; cũng có thể nó sẽ ngắn, rất ngắn và có khi kết thúc ngay từ kì thứ hai, thứ ba hay thậm chí là chỉ có mỗi một kì duy nhất như thế này cũng nên – hãy còn nhiều thứ chưa chắn chắn để gọi nó là truyện ngắn), “tản văn tự sự” hay “hồi kí”… – không có gì quá chắc chắn để gọi nó thuộc về hình thức nào. Đó cũng là cách mà Bình minh của một kẻ tuyệt vọng đã hình thành. Thôi thì, nó là một thể loại gì đó. Ta cứ tạm thời biết như thế.

Ý tưởng này chợt đến trong đêm khi cơ thể tôi thực sự rất mệt, tôi có thể cảm nhận từng nhịp tim rõ rệt đập nhanh liên hồi xuống thành giường, vậy mà đôi mắt – vừa mới ban nãy còn cảm nhận cơn mệt mỏi rất rõ ràng, nay lại mở thao láo, nhìn trằn trọc lên trần nhà không thể ngủ. Tôi tự hỏi: “Rốt cuộc điều gì trong cuộc đời tôi những năm tháng vừa qua đã dẫn tôi đến đây, đến đêm hôm nay – một cái đêm sẽ trôi qua quá đỗi bình thường với hầu hết mọi người trong giấc ngủ say hoặc chập chờn đôi chút, còn tôi vẫn đang co ro và tìm cách làm dịu nỗi sợ, lo lắng, căng thẳng có lúc siết chặt, có lúc lại buông lỏng – nhưng đêm nay, dường như nó đã siết chặt hơn một chút – rốt cuộc điều gì đã xảy ra?”

Câu hỏi đơn giản ấy thoạt tiên khiến tôi đưa ra câu trả lời từ những sự kiện gần nhất, nhưng càng ngày, nó như một mũi tên lùi ngược, càng dẫn đường cho tôi đi về phía xa xôi nhiều hơn, khiến tôi nhận ra là mọi thứ xảy đến không hẳn chỉ do sự kiện lần này mà còn là sự kiện từ trước đó, từ trước đó, từ trước đó nữa. Cuối cùng, cái “từ trước đó nữa” đã sinh sôi tươi tốt đến mức tôi không còn khả năng đếm xuể nó về số lượng nữa chỉ bằng suy nghĩ thuần túy trong đầu – giống như khi đi siêu thị, làm sao ta có thể ôm hai mươi gói khăn lau kính đến quầy tính tiền với mỗi hai tay trần? Thế là tôi quyết định sẽ viết những cái “từ trước đó nữa” lại thành một văn bản không cần biết nó thuộc thể loại gì, chỉ để giống như tìm một giỏ xách nhựa theo mẫu chung được cấp sẵn cho khách khi mua quá nhiều đồ, tay cầm không xuể. Cũng may siêu thị còn có những giỏ xách nhựa luôn sẵn lòng giúp đỡ một vị khách muốn mua quá nhiều đang kiên nhẫn chờ trong một góc nào đó. Cũng may những chữ, từ và ý luôn có nơi cư ngụ trong chiều không gian vô tận của trang giấy ảo không bao giờ từ chối cho chúng ở trọ vì dân số quá đông đúc. Những tờ giấy lau kính Muji cần được mua để nếu bạn không may bị cận thì còn có giải pháp lau sạch những vết bụi bẩn, hơi sương mờ bám trên kính, để bạn có thể nhìn rõ thế giới xung quanh như nó là. Những suy nghĩ cần được tỏ bày thành từng câu chữ cụ thể phơi mình nằm xuống một văn bản – bất kể nó là tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi kí, tản văn, abc… xyz… – để bạn có thể hiểu được chính bạn, biết bạn là ai. Xin lỗi vì tôi lại đột ngột đổi ngôi viết như vậy, tôi đâu chắc bạn có nhu cầu đó hay không – đây có lẽ là một thói quen nghề nghiệp mang tính nâng quan điểm vấn đề. Vậy nên, tôi sẽ viết lại, không dùng bạn làm bia đỡ đạn nữa.

Những suy nghĩ cần được tỏ bày thành từng câu chữ cụ thể phơi mình nằm xuống một văn bản – bất kể nó là tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi kí, tản văn, abc… xyz… – để tôi có thể hiểu được chính tôi, biết tôi là ai.

Diễn giải một cách khác, có lẽ tôi đang gặp vấn đề khủng hoảng căn cước một cách trầm trọng – trầm trọng hơn tôi tưởng vì tôi vốn dĩ nghĩ rằng cuộc khủng hoảng chỉ mang tính cách trang nhã văn chương, là từ ngữ quen thuộc một nhà phê bình văn học thường dùng khi bàn đến các tác phẩm được viết bởi những con người sống trong/ và bị ảnh hưởng giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, có khi hòa hợp, có khi xung đột. Nhưng không, cảm giác khủng hoảng căn cước tuy âm thầm nhưng thực sự có thể diễn ra với bất kì ai, cả những ai chưa bao giờ tha hương và có lẽ nó có thể gây ra những tổn thương thực sự nghiêm trọng về tinh thần khi ta sống giữa cuộc đời.

Dù sao thì, hôm nay tôi đã mua hai mươi gói khăn lau kính ở Muji. Tại sao lại là hai mươi? Có lẽ chỉ đơn giản là để tròn số cho đẹp. Hatachi. Tuổi hai mươi của tôi đã qua từ rất lâu. Mười một năm.

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Sáng tác

Thơ: Lau nước mắt và lại đi… (Lavender So Blue)

Published

on

Em có biết không?
Tự do từ đâu mà có
Câu chuyện từ đâu mà được kể
Những bài báo vui buồn từ đâu mà viết ra
Em có biết không?
Niềm tin từ đâu mà có
Mảnh đất này còn bao sự diệu kỳ
Đâu phải chỉ có những xót xa
Lấy trời làm nhà
Đất làm chăn ấm
Gió gội mái đầu xanh và biển bạc tắm ướt đẫm da vàng
Chốn thị phi
Người cô độc than khóc
Kẻ lỡ làng đi tìm tri kỷ
Còn ta chỉ là người hay khóc
Lau nước mắt và lại đi…

Lavender So Blue

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Những chiếc lá zombie (Điển Tuyết)

Published

on

Tôi quyết định đổi nơi làm việc, dù Wyandotte là một nơi chốn vô cùng bình yên suốt 5 năm qua. Tôi không định nói lời chia tay đồng nghiệp. Bọn họ quá bận rộn để đọc và hồi đáp một email chia tay giữa mùa Covid. Ai cần tôi thì họ sẽ vẫn liên lạc thôi.

Trong căn hộ này, mỗi một inch đều chất chứa nhiều kỉ niệm, kỉ niệm của tôi những năm tháng hậu chia tay Stovall. Lúc này là vào cuối đông, nhưng cây phong ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên những chiếc lá khô cong như hồi cuối thu. Gió vùng này thổi rất mạnh, nhưng lạ lùng làm sao, những chiếc lá phong khô héo, chết lâu ngày kia vẫn không chịu lìa cành. Cứ như thể chúng vẫn đang sống, sống đời zombie của giống loài thực vật. Màu nâu, màu nâu cong, là màu mới của sự sinh tồn chăng?

Căn hộ của tôi chất đầy thùng các tông để mở. Thật khó quyết định những gì cần mang theo đến nơi ở mới. Mất cả tuần liền, tôi chỉ ngồi phân loại mọi thứ ra thành hai loại: cần và rất cần. Thật, có thứ gì trong căn hộ này mà tôi không cần đâu?

Soạn mãi soạn mãi, rồi không rõ thế nào mà tôi vớ phải tập ảnh Stovall chụp khi chúng tôi còn chung sống. Mới chừng hai chục năm trước đây thôi. Có một tấm tôi mỉm cười với khuôn miệng rộng, gương mặt rạng rỡ, phía sau là vườn mai vàng lộng lẫy. Lúc đó, chúng tôi vừa cưới xong, đang bắt tay vào trang trí căn nhà đầu tiên của cả hai. Stovall chụp lại mọi thứ trong nhà, kể cả những vật dụng bình thường nhất, chẳng hạn như chiếc bàn chải đánh răng bằng gỗ tre của tôi. Cảm giác hạnh phúc chầm chậm dâng lên trong tôi, Stovall luôn luôn đáng tin cậy, luôn luôn hết lòng yêu thương tôi. Làm sao tôi có thể bỏ đi kỉ niệm đầu tiên êm ấm này? Đã bao lần, tôi đã định bỏ tập ảnh nhưng...

Năm năm trước, chúng tôi ly hôn. Stovall hỏi tôi liệu có cách nào khác không vì chuyện đâu có đến nỗi nào, tình yêu của chúng tôi chỉ nhạt đi như bất kỳ đôi lứa nào, rồi sẽ ấm áp lại nhanh thôi mà.

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, trả lời: “Em biết điều anh muốn là gì.” Và tôi dọn ra khỏi nhà, mặc cho Stovall ôm đầu đau khổ. Anh vẫn gọi cho tôi thường xuyên trong năm đầu tiên, cố thuyết phục tôi quay trở lại, ngay cả khi biết tôi đã có mối quan hệ mới. Anh thôi làm chuyện vô vọng khi tôi qua lại đến người đàn ông thứ ba. Dù vậy, mỗi khi cần nhau tư vấn về thiết kế mĩ thuật, chúng tôi vẫn ôm điện thoại sôi nổi như không hề có bất kỳ xáo trộn gì trong đời sống tình cảm. Chúng tôi rất hòa hợp với nhau trong nghề nghiệp. À, kỳ thực là trong hầu như tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc tôi không thể...

Stovall vừa lấy vợ hồi năm ngoái. Họ kết hôn khi bé Hermes vừa chập chững bước đi. Tôi đã bật khóc như mưa khi biết tin anh yêu Ariana, một người bạn thân thiết của cả hai. Tôi thấy tim mình đau đớn đến không khóc được khi Hermes ra đời, và phải nói là tận cùng của sụp đổ khi nhận được thiệp cưới của hai người họ.

Rất nhanh, tôi chúc mừng Stovall. Anh và Ariana không thể tìm thấy người bạn nào tốt hơn tôi nữa, tôi chứng minh cho cả thế giới thấy mình là một người cũ văn minh. Tôi thậm chí còn tay trong tay với Greg, người tình thứ 6, thứ 7 gì đó, đến dự đám cưới của Stovall và vẽ các họa tiết trên váy cưới giúp Ariana.

Tập ảnh này là thứ duy nhất còn sót lại về cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của tôi. Chỉ cần bỏ nó vào trong đống lửa dưới sân chung cư thì tôi có thể thực sự kết thúc cơn đau kéo dài suốt 20 năm của mình rồi.

Nhưng không, không, Stovall và tôi của ngày xưa không có tội tình gì để bị đốt cháy thành than tro như vậy cả. Ký ức đó vẫn có đời sống riêng của nó, như những chiếc lá phong khô đét trên cành kia, tuy khô tàn héo rũ nhưng thượng đế vẫn xót thương gìn giữ chúng bình yên xuyên suốt mùa đông dập dìu mưa tuyết và gió bão. Vào mùa thu, bằng một phép màu nào đó, những chiếc lá sẽ lại xanh tươi, sẽ lại đỏ rực trên cành. Chỉ là không biết những chiếc lá nâu khô cong kia sẽ biến đi đâu và biến đi vào lúc nào mà thôi.

Khi dọn đến nơi ở mới, Boize, tôi tìm mãi không thấy tập ảnh cũ của Stovall, dù đã lục tung tất cả các thùng các-tông và cẩn thận bài trí lại mọi thứ y nguyên như trong căn hộ cũ ở Wyandotte.

Bằng một phép màu nào đó, tập ảnh đã không cánh mà bay. Tôi chắc chắn mình không vì say khướt mà ném nó vào đống lửa ngoài sân. Chỉ nhớ mang máng vào buổi chiều cuối cùng tôi đã ngồi tựa đầu vào cây phong lộng gió rất lâu. Với tập ảnh trong tay.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Hồi ức (Điển Tuyết)

Published

on

Đôi mắt của Hắc Ám không rõ đang buồn hay đang vui. Bầu trời từ từ sầm tối. Âm nhạc của những buổi chiều muộn nhân lên nỗi niềm trong cô. Những thước phim buồn trong đời chiếu lại trong tâm trí. Cuộc đời nhiều phút bất ngờ quá, và lòng người, như ngàn năm vẫn vậy, là thứ ẩn tiềm nhiều bất trắc.

Một cuộc gọi. Phía đầu dây bên kia là một khách hàng cần sự giúp đỡ.

“Cảm ơn cô! Không có cô tôi không biết làm sao!” Người khách hàng trẻ tuổi nói sau khi xong việc.

Hắc Ám vui nhẹ, tạm quên những đau đớn hằn sâu trong lòng. Tình người của những năm tháng này xa xôi như vậy đó, xa như một ngọn nến leo lét cháy trong đêm mịt mù, chỉ nhoi nhói lên chút hy vọng.

Một cuộc gọi khác. Phía đầu dây bên kia là một người quen cần nói một điều gì đó. Những lời nói như cứa vào lòng Hắc Ám, khiến cô toàn thân run rẩy. Cô bấm nút tắt, chặn và không quên xóa luôn số của người ta.

Danh bạ của cô bây giờ chỉ còn những cuộc gọi của khách hàng và những số điện thoại tiếp thị. Cô đã đến tình trạng bất kỳ lời nói chớm trách hờn, chớm mỉa mai, chớm châm chọc nào cũng làm cho bản thân thấy phẫn uất.

“Sao ngươi ghét người quá vậy?” Ai đó hiện ra trong giấc mơ.

“Ừ! Kệ đi!” Hắc Ám buồn rầu.

Nếu sự im lặng có tác dụng làm cho ai đó đỡ phải ngại ngùng mở lời hoặc đỡ phải ngượng ngùng nhận sai, nó có tác dụng hủy diệt đi tình thương và niềm tin của Hắc Ám – người phải chịu đựng sự im lặng phi lý và đôi khi, cả những lời lẽ không thể tàn nhẫn hơn mà con người đã dành cho nhau.

Điều khủng khiếp nhất chưa dừng lại đó. Hắc Ám của những năm tháng về sau này cũng lấy phương thức tệ hại đó để áp dụng với người khác. Còn tàn nhẫn hơn.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Cafe sáng