Book trailer

Lực lượng Mãnh Hổ: Cuộc điều tra không khoan nhượng về tội ác chiến tranh năm 1967

Published

on

Tác phẩm Lực lượng Mãnh Hổ là một cuộc điều tra không khoan nhượng về tội ác chiến tranh năm 1967 ở miền Trung Việt Nam. Hai nhà báo thực hiện phóng sự này là Michael Sallah và Mitch Weiss đã được trao giải Pulitzer 2004.

Lực lượng Mãnh Hổ nằm trong danh sách những tác phẩm hay nhất năm 2006 theo bình chọn của các tờ báo như: Washington Post Book World, San Francisco Chronicle, Pittsburgh Post-Gazette và St. Louis Post-Dispatch.  

Tội ác bị chôn vùi suốt 30 năm của Lực lượng Mãnh Hổ

Vào buổi đầu của chiến tranh Việt Nam, năm 1965 Quân đội Mỹ đã thành lập một đơn vị chiến đấu có tính chất thử nghiệm với tên gọi “Lực lượng Mãnh Hổ,” tập hợp những người lính tinh nhuệ và gan dạ nhất.

Là trung đội viễn thám thuộc Sư đoàn Dù 101, Mãnh Hổ được trao rất nhiều quyền tự do, ít bị giám sát. Nhiệm vụ của họ là tìm nơi kẻ thù ẩn nấp để quân đội dội bom trúng mục tiêu. Họ được phép đến những nơi mà không có đội nào đến được, hòa làm một với rừng sâu, quên đi chính mình để thâm nhập vào tâm trí kẻ thù. Mỗi lần hành quân trong rừng của họ có thể kéo dài nhiều tuần liền.

Cuộc thử nghiệm này đã dẫn đến hậu quả khôn lường.

Những chuyện xảy ra trong suốt bảy tháng Mãnh Hổ sa chân xuống vực sâu là một cơn ác mộng. Lực lượng Mãnh Hổ đã gây ra vô số tội ác ghê gớm đối với dân thường ở vùng Quảng Ngãi – Quảng Tín trong suốt năm 1967. Lục quân Mỹ bắt đầu điều tra về tội ác chiến tranh của đơn vị này từ năm 1971. Cuộc điều tra kéo dài 4 năm sau đó và hồ sơ cho thấy lính Mãnh Hổ đã giết ít nhất 81 dân thường, vi phạm nhiều quy định quân đội. Cục điều tra của Lục quân Mỹ đã đề nghị kết án nhiều thành viên Mãnh Hổ. Nhưng tập hồ sơ bị lờ đi và rơi vào quên lãng suốt gần 30 năm.

Hai nhà báo đoạt giải Pulitzer vạch trần tội ác của Lực lượng Mãnh Hổ bằng nhiều nguồn tài liệu phong phú

Lực lượng Mãnh Hổ là thành quả của phóng viên Michael Sallah, Mitch Weiss và John Mahr từ nhiều năm điều tra, lần giở lại hồ sơ tuyệt mật, phỏng vấn những cựu thành viên Lực lượng Mãnh Hổ. Nhiều sự thật ghê gớm đã được tiết lộ trong loạt bài Buried Secrets, Brutal Truths (Bí mật chôn vùi, Sự thật tàn bạo) trên tờ Toledo Blade. Loạt bài này đã được trao giải thưởng Pulitzer hạng mục Báo chí năm 2004; từ nền tảng đó, Sallah và Weiss lại tiếp tục viết thêm quyển sách Lực lượng Mãnh Hổ đầy ắp tư liệu, giàu sức thuyết phục.

Xét về mặt nội dung, Lực lượng Mãnh Hổ có thể được chia làm hai phần. Phần đầu tiên thuật lại quá trình sa đọa của Mãnh Hổ khi trở thành đơn vị vô tổ chức và tàn nhẫn bậc nhất. Một cựu thành viên đã thuật lại với phóng viên rằng mục tiêu lúc bấy giờ của Mãnh Hổ là “hễ thấy gì động tĩnh là giết.”

Đến phần hai, cuốn sách thuật lại quá trình điều tra không khoan nhượng của sĩ quan Gustav Apsey sau 5 năm xảy ra cuộc thảm sát. Công việc của ông gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở dữ liệu. Thêm vào đó, do qui định của luật pháp, những người lính tàn bạo nhất lại là những người không phải chịu tố tụng vì họ đã rời khỏi quân đội. Lời khai của những thành viên miễn cưỡng chấp nhận trả lời trong cuộc điều tra cũng làm dấy lên sự nghi ngờ về mức độ tin cậy, một phần lí do là vì họ đã phải chịu di chứng hậu chấn thương về tinh thần. Khi phỏng vấn những cựu thành viên trong Lực lượng Mãnh Hổ và các nhân chứng người Việt, Sallah và Weiss đã cố gắng tìm hiểu lí do tại sao cuộc điều tra trước đây bị ngăn chặn, tại sao không có ai bị xét xử vì tội giết người.

Lực lượng Mãnh Hổ đặt ra nhiều câu hỏi nhân quyền đau đớn

Nhiều người lính trong Lực lượng Mãnh Hổ đã xuống tay giết người không chút nao núng khi cố gắng “giảm thiểu tối đa cảm xúc liên quan đến những sự kiện đang diễn ra.” Một người lính còn phát biểu rằng: “Vùng thung lũng này là nơi tồi tệ với tất cả chúng ta. Nhưng ta không cẩn phải chăm chăm nhìn thường dân để chọn mục tiêu. Chúng ta là Mãnh Hổ. Chúng ta thượng đẳng hơn.”  

Những thành viên trong Lực lượng Mãnh Hổ đều có số phận khác nhau, tất cả đều chỉ có điểm chung là thiện chiến. Sau khi rời khỏi Mãnh Hổ, có nhiều người vào tù ra khám, có nhiều người chết trẻ vì bị ung thư hay sơ gan, hoặc tự sát; một trong những người tàn ác nhất được miêu tả trong sách đã qua đời ở tuổi 34.

Lực lượng Mãnh Hổ được viết theo lối tường thuật ở ngôi thứ ba, kể lại những sự việc đã xảy ra như đang ở thì hiện tại mà không có bất kì bình luận xen giữa nào của phóng viên. Điều này đem lại cảm giác sống động, khách quan cho người đọc tương tự như trải nghiệm khi xem phim tài liệu không có lời bình theo phong cách direct cinema. Tuy vậy, khi các sự kiện càng được kể đơn giản thì càng có sức lay động.

Những câu chuyện thương tâm trong Lực lượng Mãnh Hổ có thể khiến người đọc bứt rứt; nhưng đồng thời, lại khó lòng buông sách xuống vì phải suy tư miên man về nhiều câu hỏi nhân quyền được đặt ra.   

Nhận xét của báo chí thế giới

“Hấp dẫn… Sallah và Weiss đã hoàn thành xuất sắc công việc khi kể lại không chỉ tổng quan câu chuyện chiến đấu mà còn cả những nỗi đau thường trực của các cá nhân.”

– Roger K. Miller | Pittsburgh Post-Gazette

“Tôi đã tường thuật về cuộc chiến kéo dài và chắc chắn rằng lời kể của các tác giả là đáng tin cậy… Lực lượng Mãnh Hổ bổ sung khía cạnh đáng sợ và sống động vào kiến thức của chúng ta về thảm kịch xảy ra ở Việt Nam cũng như sự hiểu biết của chúng ta về chính mình. Nhất định sẽ được đón nhận trong tương lai.”

– Stanley Karnow | Washington Post Book World

“Sallah và Weiss góp tiếng nói của họ cùng với những người lính Mãnh Hổ, người dân Việt Nam và những người thân yêu của họ. Thành quả là một câu chuyện hấp dẫn trải dài gần bốn thập kỷ và giúp định nghĩa lại Chiến tranh Việt Nam.”

– Bill Frogameni | Salon

“Mạnh mẽ… Cấu trúc xuất sắc và thật đáng kinh ngạc… Với Lực lượng Mãnh Hổ, Sallah và Weiss đã giành được vị trí bên cạnh Seymour Hersh (Chain of Command), Michael Herr (Dispatches) và Mark Bowden (Black Hawk Down) trong vai trò những nhà biên niên sử chiến tranh… Ngay lập tức thu hút sự chú ý và công bằng… Một bài thuyết trình xuất sắc và đầy đau đớn.”

– Joel Turpinseed | Minneapolis Star-Tribune

“Mạnh mẽ… Câu chuyện này được thể hiện lần đầu tiên dưới dạng loạt bài trên Toledo Blade, đã giành được giải Pulitzer cho Michael Sallah và Mitch Weiss. Quyển sách xứng đáng nhân đôi thành tích.”

– Ike Seamans | Miami Herald

“Đáng suy nghĩ… Sallah và Weiss đã cung cấp cho công chúng Mỹ câu chuyện được ráp nối này và bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những người lính bị treo cổ đã phải chịu toàn bộ trách nhiệm về các sự kiện… Đây là một ví dụ sáng giá về cách báo chí có thể hoàn thành mục đích cao quý nhất là thông báo và vì thế đã trao quyền phán xét lại cho công chúng.”

– Edward Nawotka | San Francisco Chronicle

“Một câu chuyện hấp dẫn, một câu chuyện sẽ khiến người đọc vừa kinh hoàng vừa xấu hổ.”

– William Wineke | Wisconsin State Journal

“Một sự trình bày tuy rắc rối nhưng hấp dẫn về những gì có thể xảy ra khi một đơn vị quân đội tinh nhuệ chịu sự lãnh đạo kém và có mức độ thương vong cao… Các tác giả kể lại những chi tiết phức tạp theo phong cách báo chí trực diện khiến độc giả khó lòng đặt sách xuống”

– Robert Ruth | Columbus Dispatch

“Vừa nghiêm túc vừa xác đáng… Các tác giả đã truyền tải rất sinh động môi trường khắc nghiệt nơi những người lính bắt buộc phải tồn tại. Lực lượng Mãnh Hổ xuất hiện thật kịp thời.”

– Jack Kelly | American Heritage

“Rất lôi cuốn.”

– Dylan Foley | Denver Post

“Một câu chuyện hấp dẫn về con người trong chiến tranh, đúng thời điểm để nhìn lại các sự kiện ngày nay vì nó dẫn tới sự lo ngại sâu sắc.”

– George Herring, tác giả của Americas Longest War: The United States and Vietnam, 1950-1975

Về tác giả

Michael Sallah
Mitch Weiss

Hai tác giả Michael Sallah & Mitch Weiss được trao giải thưởng Pulitzer, thể loại Phóng sự Điều tra vào năm 2004 cho loạt bài về Lực lượng Mãnh Hổ trên tờ Toledo Blade. Họ cũng đã nhận được nhiều giải thưởng tiểu bang và quốc gia trong sự nghiệp.

Sallah từng được Hiệp hội các Nhà báo Chuyên nghiệp vinh danh là Phóng viên xuất sắc nhất ở bang Ohio. Ông hiện là biên tập viên mảng điều tra cho tờ Miami Herald.

Weiss đã cộng tác nhiều năm với Associated Press. Ông hiện là biên tập viên của tờ Charlotte Observer.

Book trailer

Niên lịch miền gió cát bàn cách sống hòa hợp thiên nhiên

Published

on

Sách Niên lịch miền gió cát là ghi chép của Aldo Leopold - nhà sinh thái học hoang dã - về các con người tôn trọng thiên nhiên.

Aldo Leopold là nhà địa chất học, nhà môi trường học. Năm 1935, gia đình ông mua một trang trại cũ gần sông Wisconsin (Mỹ), trồng cây và cứu sống cánh đồng đã chết. Ông ghi nhận những thay đổi của sinh, thực vật trong quá trình phục hồi. Các bản thảo sau đó được tập hợp thành quyển Niên lịch miền gió cátxuất bản tháng 4/1948, một tuần sau khi tác giả mất do đau tim.

Niên lịch miền gió cát do Dương Mạnh Hùng chuyển ngữ. Sách Phương Nam phát hành. Ảnh: Phương Nam Book.

Sách gồm ba phần. Phần một là quan sát sinh vật thay đổi theo từng tháng tại trang trại ở Wisconsin. Phần hai là ghi chép hành trình khám phá đời sống hoang dã của ông trong 40 năm. Phần cuối là nhận định về việc bảo tồn thiên nhiên. Thông qua thể văn xuôi đậm chất hóm hỉnh kết hợp yếu tố lịch sử, khoa học, Leopold truyền tải ý nghĩa về mối liên hệ giữa con người với môi trường, hy vọng độc giả yêu, tôn trọng thiên nhiên.

Ông đề ra đạo đức môi trường tự nhiên (land ethic): "Một hành động là đúng đắn là khi hướng tới bảo tồn tính toàn vẹn, ổn định của cộng đồng sinh vật". Leopold viết: "Con người sẽ có ý thức bảo tồn khi tiếp xúc, hiểu, cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên". Khi sống gần các sinh, thực vật, mỗi người sẽ hình thành đạo đức - cơ chế tự kiểm duyệt trước khi hành động tổn hại môi trường. Con người cần khám phá, kết nối với tự nhiên để có lòng yêu thương, quan tâm thế giới tạo hóa ban tặng.

Theo Buddy Huffaker, chủ tịch của Aldo Leopold Foundation (tổ chức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường dựa trên lý luận của Leopold): "Nhờ lập luận về đạo đức môi trường tự nhiên nên Niên lịch miền gió cát được săn đón vào năm 1970 - lần đầu tiên tổ chức Ngày Trái đất. Các ghi chép về đạo đức của tác giả được áp dụng rộng rãi và vô tình trở thành chuẩn mực ứng xử với thiên nhiên". The Boston Globe nhận định sách là "một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào môi trường".

Aldo Leopold là nhà khoa học, nhà địa chất học, nhà triết học, nhà môi trường học người Mỹ. Ảnh: aldoleopold.

Aldo Leopold (1887-1948) trải qua thời thơ ấu tại Burlington, gần dòng sông Mississippi - nơi dấu chân của ông trải khắp các khu rừng, đồng cỏ. Leopold học lâm nghiệp tại trường dạy về rừng của Yale. Sau khi tốt nghiêp năm 1909, ông làm việc tại Cục Kiểm lâm Mỹ, đồng thời nghiên cứu sinh thái học, đề ra đạo đức môi trường tự nhiên. Năm 1933, tập sách về quản lý động vật hoang dã Game Management được xuất bản. Năm 1982, vợ và năm người con thành lập The Aldo Leopold Foundation nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường hoang dã dựa trên di sản trí tuệ tác giả để lại.

Theo VNexpress

Đọc bài viết

Book trailer

Người đẹp ngủ mê – tiểu thuyết kinh điển về nỗi buồn

Published

on

Người đẹp ngủ mê của nhà văn Nhật Kawabata Yasunari khắc họa nỗi buồn qua những suy nghĩ về sự sống và hoài niệm.

Người đẹp ngủ mê do dịch giả Quế Sơn chuyển ngữ, tái bản trong nước cuối tháng 11. Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1961, dựa trên kịch bản sân khấu kabuki Những mỹ nữ, công diễn vào khoảng thế kỷ 17 ở Nhật Bản.

Bìa sách Người đẹp ngủ mê. Tác phẩm dày 160 trang, tái bản trong nước cuối tháng 11. Ảnh: Phương Nam Book
Bìa sách Người đẹp ngủ mê. Tác phẩm dày 160 trang, tái bản trong nước. Ảnh: Phương Nam Book

Tác phẩm xoay quanh năm lần ông lão Eguchi ghé thăm ngôi nhà của những trinh nữ xinh đẹp tuổi chưa đầy 20. Họ bị gây mê bằng thuốc ngủ liều cao, khỏa thân trong tình trạng ngủ say. "Nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà này đâu còn gì bí ẩn nữa. Các vị khách đến đây 'giống như ngủ với một ông Bụt vô hình'. Đối với các ông già, ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được", tác giả viết.

Mỗi chương là một lần Eguchi đến ngôi nhà ngủ cùng cô gái khác nhau. Khi màn đêm buông xuống, nhiều tiếng động kết hợp tạo nên bản nhạc của thiên nhiên, con người. Hơi thở của những cô gái, cộng với tiếng gió thổi qua mái nhà và âm thanh sóng biển đập vào vách đá. Từ đó, Eguchi hồi tưởng quá khứ, nhớ về những người đàn bà đi qua đời ông.

Tác giả lấy những hoài niệm để ẩn dụ cho sự tiếc nuối vẻ đẹp văn hóa Nhật Bản. Kỷ niệm tái hiện qua không gian, hình ảnh thiên nhiên xung quanh ngôi nhà của các mỹ nữ. Việc ngủ cạnh những cô gái khiến Eguchi khám phá nhiều cung bậc cảm xúc, đồng thời nhận ra sự cô đơn của mình. "Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông", Kawabata viết.

Tác phẩm không chỉ tràn ngập những mỹ từ, như "bàn tay mịn và đẹp, mái tóc trinh trắng, đôi má ửng đỏ, cổ và vai trông tươi và trẻ", mà còn suy tưởng về quy luật của thời gian, sự sống và cái chết, nỗi hoài niệm quá khứ, khao khát tương lai. Đời sống xã hội mang nhiều tổn thương, khiến con người dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, tiếc nhớ những tháng ngày quá khứ.

Bìa trong của tác phẩm Người đẹp ngủ mê năm 2023. Ảnh: Phương Nam Book
Bìa trong của tác phẩm Người đẹp ngủ mê năm 2023. Ảnh: Phương Nam Book

Càng về cuối, Kawabata càng đào sâu ký ức của nhân vật chính, nhằm giúp Eguchi tìm lại được cảm xúc thuần túy nhất. Eguchi tin những lão già như mình, khi có dịp trú ngụ tại ngôi nhà của các mỹ nữ, không chỉ nhìn lại thời trai trẻ mà cố quên đi những việc tiêu cực xảy ra trong cuộc đời. Từ khía cạnh này, Eguchi liên tưởng những người đẹp ngủ mê là hiện thân của thần tiên trong các truyền thuyết.

"Cô gái ngủ mê man như chết nhưng thời gian sinh tồn của nàng đâu có ngưng chảy, vậy nàng có giữ được thời gian đó không hay là nó chảy tuột vào một vực sâu không đáy? Nàng không phải là một búp bê sống, vì không thể có búp bê sống trên thế gian này; nàng được biến thành một đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ. Không, không phải một đồ chơi: đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được, một cách tự tin", Kawabata nhận định.

Trong một số tác phẩm, Kawabata thường lồng ghép quan điểm của mình để gợi nhớ cuộc sống mồ côi và những khó khăn thời trẻ tuổi trẻ. Đồng thời, nhà văn để lại nhiều khoảng trống để độc giả tự khám phá. Bằng sự khéo léo biến hóa ngôn từ, Kawabata dẫn dắt người đọc qua nhiều tình huống, tạo nên cảm nhận khác nhau khi đọc tác phẩm.

Tác phẩm được giới chuyên môn và nhiều độc giả đánh giá cao. Năm 1968, Người đẹp ngủ mê giúp Kawabata Yasunari trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận xét: "Tác giả tôn vinh cái đẹp hư ảo, đồng thời khắc họa nỗi buồn hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và định mệnh con người".

Trên trang đánh giá sách Goodreads, độc giả Jim Fonseca viết: "Những dòng văn mở đầu câu chuyện góp phần che đậy nỗi khao khát và ký ức tình yêu trong quá khứ của nhân vật. Tác phẩm có chút kinh dị nhưng hấp dẫn, khắc sâu vào tâm trí tôi".

Nhà văn Kawabata Yasunari. Ảnh: Estate of Yousuf Karsh
Nhà văn Kawabata Yasunari. Ảnh: Estate of Yousuf Karsh

Kawabata Yasunari (1899-1972) sinh ra ở Osaka, mồ côi năm lên hai tuổi. Từ đó, ông và người chị ruột sống cùng ông bà ngoại và gia đình người dì. Qua thời gian, những sáng tác văn chương, tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata vẫn luôn hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu văn học khắp thế giới, do phản ánh nhiều phương diện văn hóa và đề cao tinh thần người Nhật. Nhiều tác phẩm của Kawabata từng xuất bản trong nước, gồm: Đẹp và buồnHồTiếng núiXứ tuyếtBồ công anh.

Theo Vnexpress

Đọc bài viết

Book trailer

Quán thiền trong Đường xưa mây trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Đường xưa mây trắng là tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách kể về cuộc đời Đức Phật, mà ai đọc vào cũng cảm nhận được điều hay lẽ phải. Giáo lý nhà Phật được tác giả phân tích dễ hiểu, dễ nắm bắt.

Thầy Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926, tại Huế). Ông là Thiền sư nổi tiếng người Việt Nam. Ông hiện là nhà sư có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo trên toàn thế giới. Không những là nhà tu hành, Thích Nhất Hạnh còn hiện diện là một nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu. Đến nay, ông đã viết được hơn 100 cuốn sách.

Hầu như tác phẩm nào của ông cũng gây được sự chú ý không chỉ ở những người theo Phật giáo, mà ở nhiều độc giả, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, tôn giáo khác. Tác phẩm Đường xưa mây trắng của Thầy Thích Nhất Hạnh có thể được coi như là một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời Đức Phật, mà trong sách, tác giả gọi là Bụt. Bụt là phiên âm từ âm Buddha trong tiếng Phạn.

Quán thiền trong Đường xưa mây trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tác phẩm Đường xưa mây trắng - Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Cuộc đời Đức Phật được kể qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Svasti từng cúng dường cỏ bồ đề cho cho Đức Phật suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Đây có thể là góc nhìn khác lạ của tác giả so với nhiều người kể về Đức Phật.

Qua đôi mắt đứa trẻ, mọi sự vật, sự việc sẽ được kể chân thật, hồn nhiên, không có gì phải giấu diếm. Đức Phật hiện diện lên trước hết, không phải là một thần linh, mà là một con người giản dị, có cuộc sống và mơ ước như bao người. Mơ ước của Đức Phật là làm lợi cho muôn loài.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tác phẩm Đường xưa mây trắng được chia làm 81 chương, trong mỗi chương là những cảnh xưa, người xưa được hiện diện lên sống động. Giáo lý nhà Phật được nói dễ hiểu, gọn gàng. Những tập tục của người xuất gia xưa, hay cách quán thiền cũng được tác giả lồng ghép vào khéo léo.

Câu chuyện diễn ra tự nhiên, không có một gượng ép nào. Tác giả cho thấy sức tưởng tượng thiên tài của mình, người đọc có thể tưởng rằng, tác giả phải là người sống bên cạnh Đức Phật mới có thể viết tỉ mỉ, lý thú như vậy, nếu như không đọc tên người viết.

Tâm sự về cuốn sách này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: “Tôi còn nhớ là tôi đã viết Đường xưa mây trắng ở trong cái quán của Xóm Thượng. Hồi đó chưa có lò sưởi trung ương, trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi thôi và trời rất lạnh. Tay phải tôi viết còn tay trái thì đưa ra hơ trên lò sưởi. Tôi đã viết những chương của Đường xưa mây trắng với rất nhiều hạnh phúc.

Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường Xưa Mây Trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá. Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ cho ba anh em ông Ca Diếp.

Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài, nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy. Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông? Và tôi có một niềm tin rất vững chắc là mình sẽ viết được chương đó. Chương này là một trong những chương khó nhất của Đường Xưa Mây Trắng nhưng cuối cùng tôi đã thành công. Chương khó thứ hai là chương nói về cuộc trở về của Bụt để thăm gia đình. Ngài đã thành Phật rồi, Ngài đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình thì Ngài vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của các em.

Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công. Quý vị đọc lại, sẽ thấy Bụt về thăm nhà rất tự nhiên. Cách Ngài nắm tay vua cha đi từ ngoài vào, cách Ngài đối xử với em gái, cách Ngài đối xử với Yasodhara và Rahula, rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng là có chư Tổ gia hộ nên tôi mới viết như vậy được. Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh”.

Một trích dẫn hay trong tác phẩm Đường xưa mây trắng - Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đường xưa mây trắng được biết đến là cuốn sách đã bán được nhiều triệu bản, được dịch ra hơn 20 tiếng trên thế giới. Sau khi đọc được cuốn sách này, nhà tỉ phú Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi đã quyết định tài trợ 120 triệu USD để các nhà làm sản xuất dựa theo Đường Xưa Mây Trắng dựng thành phim.

Qua cuốn sách Đường xưa mây trắng, thầy Thích Nhất Hạnh đã vẽ lại phần nào khung cảnh xưa: “Trong bóng me im mát vị khất sĩ Svastika đang thực tập phép quán niệm hơi thở. Chú ngồi trong tư thế hoa sen. Từ hơn một tiếng đồng hồ, chú đã ngồi thực tập như thế một cách chăm chú. Đó đây trong tu viện Trúc Lâm, hàng trăm vị khất sĩ cũng đang ngồi thực tập thiền quán, hoặc trong bóng tre, hoặc tron những chiếc am lá nhỏ đựng rải rác khắp nơi trong tu viện, xen lẫn giữa những bụi tre xanh tươi và khỏe mạnh”.

Đọc cuốn sách này, chúng ta học được nhiều điều hay của Đức Phật, đó là cách nói chuyện, cách hành động, cách lý giải cuộc sống. Và đặc biệt, là cách quán thiền, cách tĩnh tâm trước những biến động của đời người.

Theo báo Pháp luật

Đọc bài viết

Cafe sáng