Trích đăng
Kiến trúc hiện đại Việt Nam cần được thế giới công nhận
Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam lấp đầy khoảng trống giữa chủ nghĩa công năng của Phong cách Quốc tế và nhiệm vụ tìm kiếm bản sắc, tinh thần vốn bị khuyết thiếu trong kiến trúc hiện đại trên toàn thế giới.

Trích đăng
Voi trong căn phòng – Trích “Fuzz – Khi tự nhiên phạm luật”

Trích từ: Fuzz - Khi Tự Nhiên Phạm Luật
Tác giả: Mary Roach
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 04.2025
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.
./.
Ngộ sát nơi đường cùng
Ở Ấn Độ có cái gọi là “trại nâng cao nhận thức”. Lần đầu tiên tôi nghe được từ này là từ một nhà nghiên cứu tại Viện Động vật Hoang dã của Ấn Độ, người điều hành các trại nâng cao nhận thức về voi và báo hoa mai. Tôi tưởng tượng ra đấy là một khu trại kiểu Mỹ, với giường tầng và kẹo dẻo, và cố gắng liên tưởng điều này trong đầu với những con vật to lớn, nguy hiểm. Theo lẽ tự nhiên, tôi muốn đến đó. Hóa ra, trại nâng cao nhận thức này giống với ngày nhận thức toàn dân hơn. Tôi từng thấy danh sách các trại nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết, trại nâng cao nhận thức về bệnh tiểu đường, trại nâng cao nhận thức về an toàn giao thông và ít nhất một trại nâng cao nhận thức về chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ, nghe khá giống phòng ngủ nhà tôi. Đó là những buổi họp mặt cung cấp thông tin nhằm nâng cao nhận thức về những nguy hiểm mà mọi người có thể không biết rõ hoặc không muốn nghĩ đến và đưa ra hướng dẫn về cách tốt nhất để tránh hoặc sống sót qua các tình huống đó.
Mỗi năm cứ đến tháng Mười hai, Dipanjan Naha, nhà nghiên cứu vừa nhắc ở trên lại khóa cửa văn phòng mình ở Dehradun, dán tấm thẻ THI HÀNH CÔNG VỤ của Chính phủ Ấn Độ trên chiếc xe thuê bốn bánh, rồi bắt đầu chuyến đi trại-nâng-cao-nhận-thức. Năm nay, người em họ Aritra sẽ đi cùng anh với tư cách là trợ lý, và tôi cũng có mặt trong chuyến đi này. Chúng tôi đang khởi hành từ Bắc Bengal – thật khó hiểu, lại là khu vực thuộc Tây Bengal – nơi mỗi năm, voi hoang dã giết chết trung bình 47 người và làm bị thương 164 người khác. Bốn mươi bảy người mỗi năm, trong khu vực có diện tích bằng Connecticut (Khoảng 13.000 km2 - ND). Cơ quan lâm nghiệp Ấn Độ sẽ cho kiểm lâm viên can thiệp các trường hợp này, nhưng họ không giết con voi. Một số kiểm lâm viên sẽ có mặt tại trại nâng cao nhận thức đầu tiên của Naha, ở làng Bamanpokhri. Tôi háo hức muốn biết các hoạt động sẽ diễn ra thế nào.
Bên ngoài cửa kính ô tô là cảnh quan nông nghiệp: đồn điền chè, trang trại cúc vạn thọ, những hàng lúa thẳng tắp cắm sâu vào lòng đất như lông bàn chải đánh răng xơ cứng. Những ngôi làng nhỏ nằm xen kẽ với cánh đồng và khoảnh đất – những ngôi nhà bằng tôn và mái tranh, một ngôi đền, một vài cửa hàng rượu lộ thiên. Đàn bò lang thang trên đường và mấy con dê đen nhỏ đi song song dọc hai bên, nhưng tôi không thấy con vật nào khác, bối cảnh này không hợp lý với lũ voi.
Voi! Naha đảm bảo với tôi rằng chúng không ở đâu xa. Đang là mùa đông, thời điểm các đàn di chuyển trong năm. Chúng kiếm ăn vào ban đêm và ngủ vào ban ngày trong các mảnh gỗ tếch và lal – tàn tích của những khu rừng từng trải dài từ bang Assam của Ấn Độ qua Bắc Bengal đến tận biên giới phía đông của Nepal. Sau đó, “hành lang voi” này bị đứt gãy và thu nhỏ lại, đầu tiên là do nhiều đồn điền chè rộng lớn của người Anh và gần đây là do các căn cứ quân sự và khu định cư của người tị nạn và người nhập cư từ Nepal và Bangladesh. Ngày càng nhiều người đến các khu rừng này để đốn gỗ và chăn thả gia súc, biến môi trường sống của voi thành của người. Trong nỗ lực đi qua vùng đất này, voi phải đối mặt với các rào cản, nguy hiểm, ngõ cụt. Hành lang giờ đã thành trò bắn đạn. Đàn có thể bị cô lập trong một khoảnh rừng sâu biệt lập. Chúng trở thành “những con voi cô lập”. Để voi sống trong một vùng biệt lập là không nên. Vốn gene sẽ bị thoái hóa và mật độ dân số tăng đột biến. Chẳng bao lâu sẽ không có đủ nguồn thức ăn cho chúng nữa. Chúng lang thang vào các ngôi làng để ăn những gì có thể tìm thấy, và đó chính là mùa màng và kho thóc của người dân. Khởi nguồn của xung đột giữa người và voi.
Aritra chỉ ra ngoài cửa sổ khi chúng tôi ngang qua một lối rẽ. “Đi thêm 2 cây số lên con đường đó là nơi voi đã giết chết một người đàn ông. Vào vài ngày trước. Ba người đang làm việc trên đường. Họ bỏ chạy khi nhìn thấy voi, rồi một người bị tách ra, và con voi đi theo anh ta”.
Tôi thấy điều này thật khó tưởng tượng. Tôi lớn lên cùng với chú voi Babar và chương trình National Geographic. Voi là loài hiền lành và chậm chạp. Chúng đi tất và mặc phục trang màu xanh tươi sáng. Chúng chưa bao giờ là loài đáng sợ. Điều này gây ra sự mất kết nối nhỏ giữa tôi và những người tiếp đón mình. Đêm đầu tiên trên đường, chúng tôi ngụ trong ngôi nhà gỗ thuộc sở hữu của chính phủ trong khu rừng tếch ngay dưới đường từ biển báo đánh dấu khu vực voi băng qua. Đầu bếp của ngôi nhà nói rằng anh đã nhìn thấy một con gần cổng vào đêm trước khi chúng tôi đến đây. Phản ứng với thông tin này, tôi thông báo ý định đi dạo. Lúc đó khoảng 7 giờ tối, cách hai tiếng sau khi voi ra ngoài tìm thức ăn và Dipanjan Naha cùng em họ mình dừng lại gần cánh rừng.
“Đừng đi xa quá, Mary”, Aritra nói. Chúng tôi ngồi ngoài hiên uống trà cùng tắc kè và bướm đêm. Aritra có khuôn đầu tròn và tính cách thân thiện, hay cười. Anh dễ dàng chuyển từ vai trợ lý của Naha sang vai người em họ thân thuộc.
Naha cũng không thích kế hoạch của tôi. “Xin hãy hết sức cẩn thận”.
Họ nhìn nhau, rồi đặt cốc xuống và đứng dậy đi theo tôi.
Chúng tôi đi xa đến tận đường ray xe lửa ở cuối đường lái xe. Naha kể đôi lời về lịch sử đường sắt khổ hẹp ở Ấn. Chúng tôi đứng lại vài phút, như thể đợi một chuyến tàu. Aritra dùng chân mân mê hòn sỏi giữa các thanh ray. “Hãy trở lại bên trong”.
--
Để đánh giá đúng hơn mức độ nguy hiểm của cuộc đụng độ ngoài ý muốn với voi, hãy ngồi lại với người điều tra các vụ tử vong. Saroj Raj là sĩ quan kiểm lâm của Bamanpokhri Beat – cơ quan lâm nghiệp địa phương, nơi mỗi năm kể từ năm 2016 đều có người bị voi giết chết.
Sĩ quan Raj đã đến nhà cộng đồng chỉ gồm một căn phòng của Bamanpokhri – địa điểm của trại nâng cao nhận thức hôm nay – để nói chuyện với mọi người và trả lời các câu hỏi. Cho đến giờ chỉ có mình tôi đặt câu hỏi. Có vẻ những người có mặt đúng giờ ở đây đều do buộc phải đến. Người tham dự gồm một nhóm học sinh mặc đồng phục kẻ sọc và nửa tá kiểm lâm viên đến từ các đội động vật hoang dã địa phương. Naha không bận tâm. Đang là kỳ Diwali – tuần nghỉ lễ – và bây giờ đang là giờ sau bữa trưa. “Nên họ rất miễn cưỡng phải đến đây”.
Sĩ quan Raj cho tôi biết chi tiết về những trường hợp tử vong gần đây nhất. Mỗi lần anh đều bắt đầu với ngày chính xác. Cảm giác rằng có rất nhiều giấy tờ. “Ngày 31 tháng Mười năm 2018. Ba công nhân đang làm đường.” Nơi chúng tôi đã đi qua trước đó. “Đột nhiên một con voi xuất hiện.”
Một con voi có thể đáng sợ hơn nhiều con. Đàn voi gồm những con cái trưởng thành và voi con, những người bạn to xác yêu hòa bình của tuổi thơ tôi. Voi sống cô độc thường là voi đực và voi đực có thể gây rắc rối. Voi đực trải qua giai đoạn rối loạn nội tiết tố định kỳ gọi là musth, khi mức testosterone của chúng tăng cao gấp mười lần so với những thời điểm khác. Điều này mang lại cho chúng lợi thế cạnh tranh với những con đực khác và với voi cái đầu đàn, nhưng cũng có một mức độ thất thường nào đó. Theo cách nói của chuyên gia về voi châu Á Jayantha Jayewardene, trạng thái musth trải dài gồm “dễ nổi cáu” đến “khuynh hướng tấn công hay phá hoại” đối với những con voi khác và con người, “thậm chí cả những vật vô tri vô giác”. Dân làng biết điều này. Sĩ quan Raj nói: “Những người đàn ông đã cố trốn vào bụi rậm. “Một người không may bị ngã.”
Sĩ quan Raj cung cấp chi tiết mà Aritra đã cẩn thận bỏ qua. Con voi giẫm lên đầu người đàn ông. Với cân nặng 3 tấn, con voi chỉ cần giẫm hoặc quỳ lên một người – hay (vào năm 1992) trong trường hợp voi diễn xiếc nổi giận thực hiện động tác trồng cây chuối lên nạn nhân – thì đúng là cách giết người hiệu quả. Nhưng dựa trên dấu chân và sự xáo trộn của thảm thực vật xung quanh trong trường hợp này, quyết định của Sĩ quan Raj chính là chết do tai nạn.
“Ngày 16 tháng Mười năm 2016. Cũng là một tai nạn.” Một người đàn ông đang trèo lên bờ sông thì gặp một con voi. Sĩ quan Raj nhớ lại: “Chỗ đó trơn trượt. Cả hai đều trượt xuống bờ sông. Con voi lăn qua người anh ta.” Đôi khi voi giết người y như cách của ô tô: một thứ to lớn lao tới hoặc cán qua thứ gì đó nhỏ hơn nhiều. (Những người chăm sóc voi cố gắng không chen vào giữa bức tường và con voi.) (Tại sở thú nơi tôi làm việc ở độ tuổi 20, mức lương cho người trông giữ voi cao hơn một chút so với những người chăm sóc các động vật khác – mặc dù không phải vì rủi ro. Cô ấy được trả một khoản “bồi thường phân” vì phải xúc phân quá nhiều. Như thế cũng đúng. Theo tài liệu Smithsonian Contributions to Zoology (Cống hiến Smithsonian cho ngành Động vật học) năm 1973, một con voi châu Á đi vệ sinh 18 đến 20 lần trong ngày, thải ra “4 đến 7 cục phân” nặng khoảng 1,8kg mỗi lần, với sản lượng hằng ngày hơn 180kg. - TG)
Sĩ quan Raj nói: “Những con voi này không có ý định giết người.” Làm sao anh biết được? Bởi vì xác còn nguyên vẹn. “Nếu voi thật sự tức giận, cái xác sẽ không còn nguyên mà sẽ bị xé nát thành nhiều mảnh.” Một cuốn sách của Jayantha Jayewardene liệt kê danh sách ghi lại chín cách thức mà một con voi giận dữ hoặc hung hãn giết người. “Đặt một chân trước lên một chi của nạn nhân và dùng vòi xé toạc chân kia” là cách số 3. (Voi sử dụng kỹ thuật neo và kéo tương tự khi tước cành lá một bụi cây bị bật gốc để ăn.) Người ta cho rằng tầng lớp cai trị ở Tích Lan (nay là Sri Lanka) vào những năm 1600 đã tận dụng hành vi tự nhiên này nhằm huấn luyện voi làm đao phủ. Bản in khắc từ cuốn Mối quan hệ lịch sử của Đảo Ceylon đã mô tả một con voi như vậy. Một chân trước đặt trên thân của nạn nhân, còn vòi quấn quanh chân trái đang giơ lên của người đàn ông. Nếu không có chú thích (“Cuộc hành quyết bởi một con voi”) và cánh tay nát tả tơi ở phía trước, bạn có thể lầm tưởng rằng các quốc vương Tích Lan đã huấn luyện voi phục vụ như hộ vệ.
Phần trình bày nâng cao nhận thức của Naha sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh khiến cho một con voi khó chịu. Điều này được tóm tắt trong mục 20 trên áp phích “Những phương pháp tốt nhất để giảm thiểu xung đột giữa người và voi” mà Aritra vừa treo trên tường của nhà cộng đồng: “Không được hành động theo kiểu Rambo!”. Bắn voi không chỉ bất hợp pháp mà còn vô nghĩa, tùy thuộc vào cỡ nòng của vũ khí. Tại Palm Bay, Florida, voi Janet đã chịu được 55 phát đạn bắn ra từ khẩu súng lục ổ quay 9mm của các sĩ quan cảnh sát cũng như loạt súng đầu tiên do một sĩ quan SWAT đang ngoài giờ thi hành nhiệm vụ bắn với loại đạn thiết kế nhằm xuyên thủng cả xe bọc thép. (Loạt đạn thứ hai đã khuất phục con voi này.) (Vào ngày 1/2/1992 tại rạp xiếc Great American ở Palm Bay, Florida, một con voi tên Janet đã mất kiểm soát khi đang chở một người mẹ cùng hai đứa con của bà và ba đứa trẻ khác. - ND)
Khi nhìn thấy một con voi hoặc đàn voi trong khu vực, điều an toàn mà dân thường có thể làm là gọi đến đường dây nóng 24/7 để đội chuyên trách về voi của Sĩ quan Raj xử lý. Đội biết voi là động vật có tính xã hội nên chúng sẽ bình tĩnh hơn nếu bị dồn đi theo đàn. Các kiểm lâm viên dồn chúng vào từ các phía, giống như người chăn bò, di chuyển cả nhóm về hướng khu rừng nơi chúng sinh sống. Lúc này, động vật trong rừng đã nhận ra âm thanh của đoàn xe lùa voi. “Chúng tôi lái xe vào khu vực, và chúng rời đi.” Sĩ quan Raj khẽ mỉm cười. Anh không phải người hay cười. “Điểm này có lợi cho chúng tôi.”
Sĩ quan Raj khiến việc tuần tra voi nghe như kiểm soát an ninh ở trung tâm thương mại, nhưng rõ ràng có nhiều rủi ro. Một sĩ quan tuần tra ngồi cùng chúng tôi đã bị buộc tội bốn lần. “Họ nói bạn không được chạy,” anh nói. “Và phải nói thật với cô, rất khó làm thế khi con voi đang lao thẳng vào mình!” Đề nghị đi cùng của tôi bị từ chối, và lần thứ hai cũng vậy. Vẻ mặt của Sĩ quan Raj cho thấy tôi đã trở thành một “chuyện phiền toái”, nên tôi đành từ bỏ.
Nếu có, thương vong thường xảy ra trong nửa giờ hoặc hơn trước khi đội đến nơi. Khi phát hiện voi phá hoại mùa màng của mình, dân làng chạy ra khỏi nhà, la hét, ném đá, đốt đuốc và đốt pháo (Lửa thường làm voi hoảng sợ và bom đạn đã hạn chế tính hữu dụng của voi trong chiến tranh. Mặc dù nhìn từ xa, hình ảnh những “chiến tượng” mặc áo giáp với thanh kiếm buộc vào vòi mang lại lợi thế về mặt tâm lý, nhưng điều này nhanh chóng biến mất khi hai bên xích lại gần nhau hơn. Các tài liệu ghi chép rằng voi quay đầu và bỏ đội hình khi nghe tiếng súng hỏa mai hoặc thấy những mũi tên rực lửa. Một con voi bỏ chạy, vung kiếm xông vào đội quân của chính mình có thể gây ra nhiều thương vong tương tự điều chúng có thể gây ra cho kẻ thù. - TG). Một ngôi làng có thể có những “người chăn voi” tự do chuyên dùng chày và thực hiện các biện pháp dân gian không được khuyến khích khác. Voi đực và voi cái đầu đàn có thể lao vào phòng thủ, còn các con voi cái và voi con bình thường vốn điềm tĩnh thì có thể hoảng sợ và giẫm đạp. Trong bóng tối của cánh đồng, con người dễ vấp ngã và voi lại không thấy đường để chạy và, như mẹ tôi thường nói, sẽ có ai đó bị thương.
Sĩ quan Raj nói: “Dẫn voi là việc dễ dàng. Hướng dẫn mọi người mới là việc khó khăn. Họ không để tâm lắng nghe.” Họ khó chịu và điều đó cũng dễ hiểu. Nông dân trong làng làm việc quần quật và không dư dả nhiều. Một con voi châu Á có thể tiêu thụ đến 136 kg thực vật trong ngày. Trong lúc đột kích và giẫm đạp, một đàn voi nhỏ có thể nhanh chóng ngốn hết công sức lao động và sinh kế cả một vụ mùa.
Một con voi giữa cánh đồng là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy hành động thiếu khôn ngoan. Naha cho biết, đưa ra phán đoán lung tung và thiếu khả năng kiểm soát xung lực của cơn cuồng loạn có thể dẫn đến kết cục rất thảm khốc. Anh ngồi xổm trước cái loa, gỡ một đống dây điện. “Đây là những gì chúng tôi thấy. Một nhóm người say rượu. Có người muốn làm anh hùng nên đi tới trước mặt con vật, quấy rối nó và để tự vệ, con vật đó...” Naha cũng tránh động từ giết khi hạ giọng đầy ngụ ý. “Tai nạn đã xảy ra”. Theo dữ liệu của anh, 36% số người bị voi giết ở Bắc Bengal từ năm 2006 đến năm 2016 là lúc đang say rượu. Về sau, tôi thấy dòng tiêu đề này trên tờ Hindustan Times: “Người đàn ông say rượu thách thức đàn voi, bị giẫm chết ở Jharkhand” (Jharkhand giáp Tây Bengal). “Anh ta đã cố gắng chiến đấu với chúng”, một nhân viên kiểm lâm nói với phóng viên. “Chúng” ở đây là mười tám con voi.
Nguy thay, voi cũng thích chè chén. Ở Bắc Bengal, voi uống thứ mà dân làng thường uống: haaria, loại rượu pha chế tại nhà được lên men và dự trữ với số lượng đủ để làm say một con voi. (Vì voi thiếu enzyme chính để phân hủy ethanol nên cần lượng ít hơn bạn nghĩ). Theo Sĩ quan Raj, có hai điều xảy ra khi voi say xỉn. Hầu hết chỉ lạc đàn và ngủ quên. Nhưng dường như mọi đàn đều có một kẻ say xỉn hung hăng – thường là con đầu đàn hoặc voi đực đang trong kỳ musth. Trên đời, dù bạn có muốn mạo hiểm thế nào chăng nữa thì cũng phải tránh xa một con voi đực say xỉn.
Có dữ liệu củng cố cho các nhận xét của Sĩ quan Raj. Năm 1984, trong một nghiên cứu tại Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi Sinh học UCLA, ba con voi châu Á “không có tiền sử sử dụng rượu” và bảy con voi châu Phi từ Lion Country Safari đã được phục vụ một “thùng phuy lớn” nước có cồn. Các con vật này sau đó có xu hướng đi lang thang, rời xa đàn. Chúng đứng hoặc nghiêng mình, nhắm mắt lại hoặc “quấn vòi quanh mình”. Chúng bỏ bữa. Chúng không buồn tắm. Voi cái đầu đàn trở nên to tiếng và hung dữ hơn, cũng như con voi đực tên Congo.
Để ngăn voi uống rượu và say xỉn, có thể dân làng sẽ kéo rượu mạnh vào trong nhà. Một ý tưởng khủng khiếp. Vì giờ người ta không phải lo lắng về những con voi say xỉn mà là những con voi quyết tâm say xỉn – tức là những con voi ngửi thấy mùi rượu trong nhà và thấy chẳng có lý do gì lại không đập bỏ một bức tường để vào uống. Trong khảo sát của Naha, trong các vụ thương vong do voi gây ra, 8% người dân Bắc Bengal bị giết khi đang ngủ.
Ghế ngồi đã được lấp đầy gần hết và Naha cầm micro lên để bắt đầu bài nói của mình. Tất nhiên, anh nói bằng tiếng Hindi nên Aritra sẽ phiên dịch, thỉnh thoảng cúi sang và khum tay vào tai tôi để nói một câu đơn với nhịp điệu dứt khoát, bí hiểm. “Đã say thì không nên đi trước voi”. “Luôn luôn phải đi phía sau voi.”
Naha là một diễn giả biểu cảm với vốn từ vựng trôi chảy về cử chỉ tay. Tôi không ngờ tới điều này. Ngoài sân khấu, anh là người tiết kiệm cả chuyển động lẫn lời nói. Anh đứng với đôi vai vuông vức và bàn chân hướng ra ngoài như để tạo một chỗ dựa vững chắc. Anh giống người đàn ông tôi vẫn thường thấy trên các biển quảng cáo Xi măng Ambuja, dáng đứng vững vàng và bình thản với cả đập thủy điện ầm ầm trong tay. Tôi đã nghe anh nói “Tôi từng bị một con hổ đuổi theo” với giọng điệu như thường ngày bạn hay tôi vẫn nói “Tôi từng ở Omaha”.
Triết lý đằng sau trại nâng cao nhận thức rất đơn giản. Nếu muốn tiếp cận ai đó, hãy nói chuyện với họ khi họ đang thoải mái và tỉnh táo. Cho họ ngồi xuống và để Aritra phục vụ họ một tách trà và samosa. Mọi người càng hiểu rõ về đặc điểm sinh học của voi và hành vi của đàn voi thì các cuộc chạm trán càng an toàn. Mấu chốt là phải giữ bình tĩnh và cho con vật không gian. Đặc biệt là voi mẹ đi cùng con, đặc biệt hơn nữa là voi đực đơn độc, và đặc biệt hơn hơn nữa là voi đực đang kỳ musth. (Một số đặc điểm nổi bật của kỳ musth, nhờ được Jayantha Jayewardene hỗ trợ thông tin: các tuyến trên thái dương tiết rỉ nhiều, cương cứng thường xuyên và “đôi mắt yêu tinh mở to hoàn toàn với nhãn cầu di chuyển”.)
Có một điểm khác cần phải nhấn mạnh với mọi người. Sĩ quan Raj đã đề cập đến trước đó, khi chúng tôi trò chuyện: “Con người chúng ta, đang làm phiền chúng.”
Bối rối thay, điều này bao gồm cả công việc chuyên môn của các chuyên gia như Sĩ quan Raj. Chăn dẫn voi về khu rừng gần nhất mang lại lợi ích tức khắc cho dân làng nhưng về lâu dài, Naha nói với tôi, việc này khiến vấn đề trầm trọng hơn. Vì điều này chọc tức voi. Chúng bắt đầu gán con người với nỗi lo lắng và thiếu thốn khi bị đuổi đi đương lúc kiếm ăn. Chúng bắt đầu kiên quyết hơn để bảo vệ mình. Báo cáo từ các khu vực có xung đột ở bang Assam lân cận cho biết voi cái đang bắt đầu trở nên hung dữ y như voi đực.
Naha tin rằng một hệ thống tốt hơn sẽ kết hợp các cảm biến để phát hiện đàn voi đang tiếp cận. Cảnh báo được gửi tới các trưởng làng và các đội phản ứng địa phương đã qua đào tạo, họ sẽ theo dõi tình hình và cố gắng can thiệp trước khi ruộng nương bị giẫm đạp và sự hỗn loạn nổ ra. Naha không có ý nhắc đến cảm biến chuyển động hay cảm biến nhiệt, cả hai đều kích hoạt với các động vật hữu nhũ khác. Ý anh là cảm biến địa chấn: loại được kích hoạt bởi các rung động mạnh đến mức chỉ có tiếng bước chân của một con voi (hoặc động đất nhỏ) mới làm được. Trong khi đó, điều bạn có thể làm để giảm bớt gánh nặng cho nhân loại: tiếp tục nỗ lực khôi phục rừng và để yên cho các khu bảo tồn.
--
Phó quản lý của đồn điền trà Gopalpur mặc quần short dài gọn gàng và đi giày thể thao phồng màu neon. Đầu nghiêng ra sau khiến anh trông có vẻ xa cách, hoặc chỉ vì anh cần một cặp kính mới. Anh ra chào khi chúng tôi lái xe vào. Trại nâng cao nhận thức dành cho công nhân, điểm dừng chân thứ hai của chúng tôi trong tuần này, dự kiến sẽ bắt đầu sau nửa giờ nữa. Nhưng trước tiên phải làm một tách trà đã.
Phó quản lý là dạng người của những con số. Anh nói, khu đất này rộng 1.200 mẫu Anh và đặt các tách trà trước mặt chúng tôi. Hai nghìn một trăm công nhân thu hoạch lá trà. Chúng tôi vừa lắng nghe vừa nhấm nháp, rồi anh dẫn chúng tôi ra khỏi cửa và băng qua đường, đến một cái rạp mở nơi Naha sẽ diễn thuyết.
Công nhân đã đến rồi. Họ xem qua tờ rơi để trên mỗi cái ghế, đặt trong loại túi nhựa trong có thể đóng lại được (tên thương hiệu: My Clear Bag). Phụ nữ ngồi một bên, tách biệt với nam giới. Naha loay hoay với hệ thống âm thanh, cửu vật từ thời xưa trước khi có phim phát trực tuyến, khi điền trang này mời đến các ban nhạc sống phục vụ hoạt động giải trí cuối tuần.
Trời nóng và ẩm ướt. Các quản lý đồn điền đến muộn. Công nhân dùng cái túi trong suốt của mình để quạt. Thời gian trôi qua. Có người từ nhà phó quản lý mang khay tới. Thêm trà! Phần của chúng tôi được phục vụ trong cốc sứ có kèm đĩa. Các công nhân thì nhấp từng ngụm từ cốc giấy – loại cốc nhỏ không lớn hơn ly uống rượu. Tôi chỉ muốn nói, Gì vậy trời, các vị có đến 1.200 mẫu đất cơ mà.
Các quản lý đã đến! Những chiếc SUV như xe biệt đội, lao nhanh và phanh gấp. Cửa xe mở ra và đóng sầm lại, và các quản lý, tổng cộng năm người, bước vào hiện trường. Các công nhân đồng loạt đứng dậy khỏi chỗ ngồi. Thay vì ngồi cùng Aritra và tôi trên ghế khán giả, các quản lý lại bước lên một dãy bàn đặt trên sân khấu. Họ mở những chai nước được đặt ở chỗ ngồi của mình cùng sổ ghi chú và bút. Trên sân khấu đa dạng đến ngạc nhiên các bộ ria mép.
Các quản lý lần lượt cầm micro. Aritra hét lên phần dịch của mình át hẳn tiếng loa âm lượng cỡ sảnh khiêu vũ. Người quản lý đầu tiên nhấn mạnh các công nhân phải chú ý, vì ta ở gần sông và rừng nên sẽ gặp vấn đề với voi. Anh đưa mic cho quản lý bên cạnh, người này vạch ra chiến lược ngăn chặn voi hiện tại của đồn điền: một đội tuần tra bằng máy kéo, đốt pháo khi cần thiết. Micro tiếp tục chuyến hành trình của mình. Quản lý tiếp theo lại là anh chàng của các con số. Trong 12 năm anh ta làm việc ở đây, có bảy hay tám người đã bị voi giết chết.
Cuối cùng micro được trao cho Naha. Trên thực tế, các công nhân rất chú ý lắng nghe, chăm chú đến mức tôi tự hỏi liệu họ có bị phạt nếu nhìn đi chỗ khác hay không. Còn các quản lý lại thì thầm với nhau và lén nhìn điện thoại đặt trong lòng. Một người nhận cuộc gọi, đưa tay che ngang điện thoại như thể, giống như ợ hơi, hành vi đó sẽ đỡ thô lỗ hơn.
Khi phần trình bày kết thúc, Naha mời các công nhân tham gia đặt câu hỏi và nhận xét. Một người hái trà ngay lập tức đứng dậy khỏi ghế. Cô ấy lớn tuổi hơn nhiều người, có lẽ đã 50 và ăn mặc giống mọi phụ nữ ở đây, bộ sari có hoa văn sặc sỡ như khi làm việc trên đồng. Aritra nhảy lên định đưa mic cho cô nhưng cô không cần. Sự tức giận của cô đủ biến thành một bộ khuếch đại. Bộ sậu ria mép ngồi không yên trên ghế.
Aritra tiếp tục dịch. “Các vị bảo chúng tôi thay đổi cây trồng,” người phụ nữ nói, ám chỉ những khu vườn nhỏ của công nhân. “Từ ngô, gạo thành gừng, ớt, những thứ voi không thích. Nhưng chúng tôi trồng ngô và lúa để nuôi sống chính mình. Ngoài ra, khi máy kéo đi rồi, voi sẽ quay lại, lần nữa, lần nữa. Voi cần rất nhiều thức ăn.” Người phụ nữ lại ngồi xuống. “Ta cần các biện pháp khác.”
Cô ấy nói đúng, nhưng giải pháp tốt thường khó thi hành. Trên thực tế, các biện pháp mà trực giác thấy hiển nhiên lại bị hạn chế do chi phí và các vấn đề có thể phát sinh. Hàng rào điện là một ví dụ. Cần đủ lượng để xua đuổi các đàn voi, nhưng không được quá nhiều đến mức cản trở quá trình di cư của chúng. Việc duy trì và sửa chữa các dải hàng rào dài rất tốn thời gian, tốn tiền và thường không hoàn thiện. Hoặc thực hiện sai. Điện áp phải đủ cao để khiến voi nản lòng nhưng không cao đến mức khiến nó bị điện giật. Trung bình mỗi năm có 50 con voi bị điện giật chết ở Ấn Độ.
Và một thách thức đáng kể là trí thông minh của loài voi. Một con voi Ấn Độ khi đối mặt với hàng rào điện có thể sẽ sớm tìm ra cách vượt qua mà không bị điện giật. Nó sẽ nhận ra rằng gỗ không dẫn điện. Nó sẽ đẩy cột xuống hoặc sẽ nhặt một khúc gỗ và dùng nó để đè dây xuống cho con khác bước qua.
Không phải lúc nào trí thông minh cũng có lợi cho voi. Trong lịch sử, voi đã luôn bị bắt làm việc cho quân đội Ấn và gần đây là ngành công nghiệp khai thác gỗ. Chúng được đối đãi như các nhân viên, theo đó Sở lâm nghiệp ghi lại số giờ làm việc của chúng vào sổ đăng ký công việc. Những “công nhân voi” này tất nhiên không được trả lương, nhưng Naha nói với tôi, ở tuổi 50, chúng được hưởng “lương hưu” dưới hình thức chỗ nghỉ hưu tại một pikhana (chuồng voi) với ba bữa ăn và tắm rửa mỗi ngày, kèm theo xoa bóp bằng dầu.
Khi mọi người đứng dậy khỏi ghế để rời đi, tôi nhờ Aritra giới thiệu mình với người phụ nữ đã dám lên tiếng lúc nãy. Tên cô ấy là Padma. Cô phiền muộn là có lý do. Một tuần trước, cô thức dậy lúc 4h30 sáng và thấy một con voi đã dỡ tường và ăn hết số ngũ cốc cô bán trong một quán rượu nhỏ ở khu công nhân. Cô vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ điền trang.
Một nhóm nhỏ các quản lý lượn lờ trong tầm nghe. Một người đứng ra đánh lạc hướng cuộc trò chuyện. “Xin chào, cô đến từ Mỹ, con trai tôi làm việc ở Memphis, khách sạn hạng nhất, cô có biết khách sạn Memphis không?” Quả thực tôi biết khách sạn này, những con vịt đi xuống cầu thang ở sảnh mà không vì lý do rõ ràng nào liên quan đến vịt hay khách sạn. Tôi tập trung vào Padma. (Truyền thống về những chú vịt ở đài phun nước The Peabody: Những năm 1930, Frank Schutt, Tổng giám đốc của The Peabody và một người bạn, Chip Barwick, trở về sau chuyến đi săn cuối tuần đến Arkansas. Họ đã uống quá nhiều rượu whisky và nghĩ rằng sẽ rất buồn cười nếu đặt một số mồi nhử vịt sống của họ (lúc đó những người thợ săn sử dụng mồi nhử sống là hợp pháp) trong đài phun nước Peabody xinh đẹp. Ba chú vịt nhỏ được chọn làm “chuột lang” và phản ứng không kém phần nhiệt tình. Từ đó bắt đầu một truyền thống đã trở nên nổi tiếng trên thế giới. Năm 1940, Bellman Pembroke, cựu huấn luyện viên động vật ở rạp xiếc, đã đề nghị giúp đưa những con vịt đến đài phun nước mỗi ngày và dạy chúng trò diễu hành Vịt Peabody nổi tiếng hiện nay. Ông Pembroke trở thành Peabody Duckmaster, phục vụ với cương vị đó trong 50 năm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1991. Gần 90 năm sau cuộc tuần hành khai mạc, đàn vịt vẫn ghé thăm đài phun nước ở sảnh từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày. - ND)
Aritra tiếp tục dịch. “Đây là lần thứ hai chuyện này xảy ra với cô ấy.”
Người quản lý vẫn tiếp tục: “Năm giờ vịt đi xuống...”
Naha tham gia cùng chúng tôi. Anh đề xuất chúng tôi lái xe đến khu công nhân để xem đống đổ nát ở cửa hàng của Padma. Các quản lý trao nhau những cái nhìn cấp thiết, nhưng đã quá muộn. Chúng tôi chen vào xe với Padma và quay đi.
Tiệm tạp hóa nhỏ bé không hẳn bị cướp phá mà bị san bằng. Một bức tường tôn nằm ọp ẹp bên dưới dầm đỡ bằng bê tông. Lần trước, một con voi đột nhập vào nhà Padma khi cô đang ngủ. Đây là ví dụ khi “con voi trong phòng” không phải là phép ẩn dụ; khi chuyện đùa về voi không phải là chuyện đùa. Voi “đậu” trên hàng rào nhà bạn lúc mấy giờ? Có lẽ là khoảng 11 giờ đêm.
Voi là loài ăn thực vật nhưng chúng không hề kén ăn. Chúng sẽ ăn hầu hết các bộ phận của cây – hạt, cỏ và lá, thân, cành, vỏ cây. Năm 2017, tại một đồn điền trà ở Sonitpur thuộc quận Assam, ba con voi hoang dã đột nhập vào cửa hàng của công nhân vào lúc 2 giờ sáng và lấy sản phẩm làm từ sợi bông có tên là rupee. Chúng đập hộp đựng tiền và ăn sạch 26.000 rupee mệnh giá lớn.
Một thứ mà voi Ấn Độ không ăn là lá trà. Ai ở đây cũng thích uống trà nhưng rất ít ai, dù là người hay thú, thích ăn trà. Lá trà quá đắng. Các thiệt hại nhỏ về mùa màng xảy ra khi voi giẫm nát cây cối lúc đi qua khu đất, nhưng nhìn chung, người chịu thiệt là công nhân chứ không phải chủ sở hữu và quản lý.
Tuy nhiên, Padma và các đồng nghiệp nói rằng họ không tức giận những con voi. Bảy mươi lăm phần trăm số người được Naha phỏng vấn về việc voi đến làng mình đều có cảm xúc tích cực với chúng. Với số lượng thương vong và phá hoại do voi gây ra ở Bắc Bengal, số lượng các vụ giết voi trả thù lại hiếm tới mức ngạc nhiên. Naha cho biết chỉ có 3-5 con voi bị vậy mỗi năm.
Với sự giúp đỡ của Aritra, tôi kể cho Padma nghe điều xảy ra với thú có vú lớn ở Hoa Kỳ khi chúng gây thương tích cho con người hoặc dám đột nhập vào nhà. Tôi hỏi cô ấy liệu những người cô biết có bao giờ bày tỏ mong muốn giết một con voi đột nhập vào nhà hoặc cửa hàng của mình không. “Sao bạn lại giết một vị thần?” cô ấy nói, ám chỉ vị thần Hindu đầu voi Ganesh. “Chúng tôi chỉ nói, ‘Namaste và làm ơn đi đi.’”
Padma dẫn chúng tôi ra cánh đồng trà hiện đang mùa thu hoạch. Công nhân hái trà trải dọc theo các hàng, làm việc trên những bụi cây cao ngang lưng. Chỉ lá non xanh tươi mới được hái. Các công nhân làm tôi nhớ đến những người đánh trống, đứng yên với cánh tay di chuyển nhanh như điện. Họ buộc phải nhanh như vậy. Nếu không đáp ứng được hạn ngạch đã đặt ra, họ sẽ bị trừ lương.
Naha cúi xuống chỉ cho tôi khoảng trống bên dưới bụi trà. Người hái trà đôi khi gây bất ngờ cho một con báo cái đang nằm trong bóng râm cùng đàn con. Có thể con vật hoảng sợ thức dậy và nếu cảm thấy bị dồn vào chân tường hoặc bị đe dọa, nó sẽ lao vào người công nhân. Hiếm có ai tử vong, nhưng vẫn có thương tích. Chín mươi phần trăm các cuộc tấn công của báo hoa mai ở Bắc Bengal xảy ra trong các đồn điền trà.
Chúng tôi quan sát cánh phụ nữ làm việc. Khi hái đầy tay, họ thò tay ra sau đầu để nhét lá vào bao vải đeo trên trán. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao Padma trước đó lại rất quan tâm đến chiếc ba lô của tôi. Bạn sẽ thấy rằng các quản lý có thể tìm mua những chiếc túi chuyên dụng phù hợp hơn cho nhiệm vụ của họ. Tôi nói điều này với Naha.
Anh xắn tay áo lên. “Họ được trả 150 rupee một ngày.” Số tiền này thấp hơn giá một ly cà phê cappuccino tại sân bay Delhi. “Đây là tâm lý thuộc địa. Họ chính là những người lao động thuộc bộ lạc mà người Anh đã mang đến từ miền trung Ấn Độ. Người ta thuê họ vì cho rằng họ chăm chỉ và ngoan ngoãn.”
Khi Naha kể cho tôi nghe về sổ đăng ký công việc dành cho động vật, về những chú voi đã nghỉ hưu và chế độ tắm cho chúng, ban đầu tôi rất ấn tượng. Chính phủ ở đây đảm bảo cho động vật làm việc hưởng một số lợi ích tương tự như người lao động bình thường. Bây giờ, nhìn cách người ta đối xử với người hái trà, lối đối xử hợp pháp, thì đánh giá của tôi không còn lạc quan nữa. Tùy thuộc vào giống loài, tôn giáo, giới tính và đẳng cấp của mình, có thể Ấn Độ là nơi làm động vật tốt hơn làm người. Vào năm 2019, chính quyền Delhi công bố kế hoạch cải tạo một trong năm khu bảo tồn mà họ duy trì dành cho những con bò linh thiêng vốn được thả rông, cản trở giao thông của thành phố. Có lẽ để đáp lại chỉ trích rằng thành phố chăm sóc bò tốt hơn người dân, Sở trưởng Sở Chăn nuôi của thành phố đã thông báo: “Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một chương trình chung sống độc đáo, nơi người già sẽ được phép ở cùng đàn bò”.
Gần đây mọi chuyện đã trở nên cực đoan hơn. Thủ tướng hiện tại, Narendra Modi lên nắm quyền nhờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Hindu. Đây là người đã ban tặng địa vị nhân cách (tư cách pháp nhân) cho sông Hằng. Một dòng sông được bảo vệ nhân quyền, trong khi phụ nữ như Padma kiếm được 150 rupee mỗi ngày và người Hồi giáo bị hành hình vì bán thịt bò.
Khi chúng tôi lên xe để đi, phó quản đốc chạy tới hai tay ôm đầy những chiếc túi Mylar: nửa cân trà cho mỗi người chúng tôi. Aritra cảm ơn anh rồi quay sang Naha khi xe đang chạy. “Đó là CTC.” (Từ viết tắt chỉ một phương pháp xử lý trà.) Với tôi, anh giải thích, “Loại rẻ nhất.”
--
Động vật hoang dã là chủ đề của Khu du lịch Jaldapara thuộc sở hữu của chính phủ, nơi tôi sẽ ở lại tối nay. Khuôn viên gồm mô hình thạch cao kích thước thật các loài động vật hoang dã địa phương. Nhiều tượng đã đổ hoặc có bộ phận bị gãy nằm ngay chỗ đã rơi xuống, trên bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận đến phi lý. Toàn bộ khoảng sân mang đến cảm giác một sân gôn thu nhỏ sau khi có một băng say rượu đến chơi gôn, đánh bại những con vật kỳ quái bằng bóng hoặc gậy đánh gôn.
Tôi yêu nơi này, yêu sự suy tàn siêu thực của nó, yêu người nhân viên không biết bữa sáng được phục vụ ở đâu hay ngay cả chuyện có bữa sáng hay không, thực sự yêu mọi thứ, ngoại trừ phân chuột trên ban công phòng mình. Tôi cố gắng tưởng tượng điều gì có thể thu hút chuột, nơi ban công không có thức ăn và bất cứ gì để làm tổ và thậm chí không có cả tầm nhìn rộng. Dường như lũ chuột chỉ đến để thải ra. Nhà vệ sinh chuột Jaldapara.
Đã có kế hoạch tu sửa khu nghỉ dưỡng này vì Bộ trưởng Lâm nghiệp Tây Bengal đang làm việc với Tổng công ty Phát triển Du lịch Tây Bengal nhằm thiết lập một khu bảo tồn tê giác ở khu rừng lân cận. Đây chính là khu rừng mà Naha, Aritra và tôi sắp tới. Chúng tôi sẽ theo dõi một “con báo thử nghiệm xung đột” đeo vòng cổ sóng vô tuyến – con báo số 26279 – đã được chuyển đến đây một năm rưỡi trước, khi người ta quyết định vùng đất này trở thành khu bảo tồn động vật hoang dã. Khi đó con vật vẫn chưa trưởng thành và Naha muốn kiểm tra để chắc chắn rằng nó không lớn quá cỡ vòng cổ vô tuyến.
Trong lúc ở đây, Naha sẽ diễn thuyết trước những thôn dân sống ở bìa rừng. Vòng cổ vô tuyến chỉ ra các điểm trên bản đồ, nhưng không trả lời các câu hỏi đặt ra khi thả kẻ săn mồi vào sân sau nhà con người. Có phải con báo đã bắt dê của bạn không? Mọi người có thấy ổn với việc nó ở đây không? Naha đã theo dõi, như một nhân viên xã hội đang sắp xếp việc nhận nuôi. Anh đã luôn theo dõi con báo từ xa và gọi điện cảnh báo nếu nhận thấy nó đang di chuyển về phía nhà họ.
Sáng nay chúng tôi có tài xế mới, Ashok. Anh hiếm khi tham gia vào cuộc trò chuyện, chỉ hoàn toàn tập trung lái xe. Một khác biệt so với người tiền nhiệm – anh này để tránh ngủ gật đã đính điện thoại thông minh của mình vào bên trong kính chắn gió và phát một bộ phim hài. (Naha không hề hoảng sợ. “Một mắt nhìn điện thoại, một mắt nhìn đường.”)
Chúng tôi rẽ khỏi đường nhựa để vào một đường đất xuyên qua những bụi cây ngày càng dày đặc. Cành cây cào xước hai bên hông xe. Ashok ngày càng im lặng. Anh có vẻ căng thẳng. Tôi đã nói gì sai sao? Anh đang lo lớp sơn xe sẽ bị trầy sao?
Vừa qua một dãy nhà, chúng tôi tấp vào lề đường bên cạnh một người đàn ông đang phun thuốc trừ sâu từ chiếc can đeo trên lưng cho luống súp lơ của mình. Naha xuống xe và ông tắt vòi phun. Một mắt bị đục. Ba người đàn ông khác đi loanh quanh đó. Aritra lắng nghe. Không có gì để báo cáo. Đã một thời gian họ không nhìn thấy con báo nữa.
Chúng tôi lái xe tiếp. Chúng tôi đi ngang qua một tháp canh các đội chống săn trộm thường sử dụng. Naha yêu cầu Ashok dừng lại để anh có thể leo lên và bắt được tín hiệu tốt hơn. Aritra bảo tôi ở lại trong xe với anh.
Naha bước xuống cầu thang của tòa tháp và quay lại xe. Anh bảo rằng chúng tôi hiện chỉ cách con báo 300m.
Chúng tôi cho xe đi tiếp. Đường cụt dẫn đến một con sông rộng. Naha lại bước ra ngoài. Anh đi dọc bờ sông đầy cát, tay cầm ăng-ten phía trên như ngọn đuốc. Phía bên kia, một nhóm đàn ông đang ngâm mình trong nước sâu đến thắt lưng để dọn sạch đám lục bình mọc um tùm.
Naha thò vào cửa sổ ô tô để cho biết rằng chúng tôi hiện đang cách con báo 150m. Tút-tút-tút-tút, có tín hiệu. Chúng tôi không thể đến gần hơn vì “con mèo” to xác đang ở bên kia sông. Anh chỉ tay. “Ngay sát phía trên những người đó.”
Gần đó không có cây cầu nào nên chúng tôi quay lại. Trên vài dặm cuối của chuyến đi, Ashok phá vỡ sự im lặng của mình. Anh và Naha nói chuyện bằng tiếng Hindi. Sau khi Ashok thả chúng tôi xuống, tôi hỏi Naha họ đã nói gì.
“Cha anh ấy đã bị báo hoa mai giết chết.”
Cha anh đi nhặt củi. Không thấy cha về, Ashok, lúc đó mới 12 tuổi đã cùng vài người bạn đi tìm. Họ tìm thấy ông, vẫn còn sống, dưới lòng sông. Giống nơi những người đàn ông khi nãy làm việc, cách con báo vài chục mét. “Họ đưa ông đến bệnh viện,” Naha nói, “nhưng ông không qua khỏi. Ông bị thương quá nhiều. Mắt, và mọi chỗ. Hẳn ông đã bị tấn công tới tấp”.
Ashok sẽ không làm tài xế chặng tiếp theo và như vậy là tốt nhất. Chúng tôi đang hướng về Pauri Garhwal, điểm nóng có nhiều vụ tấn công của báo hoa mai. Không phải kiểu chạm trán diễn ra trên đồn điền trà khi công nhân bất thình lình nhìn thấy con báo ngủ dưới gốc cây. Đó là những vụ rình rập, giết người được thực hiện có chủ ý.
Trích đăng
Dòng dõi đại quý tộc – Trích “Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York”

Trích từ: Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York - Cuộc Chiến Vương Quyền Anh Quốc
Tác giả: Alison Weir
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 12.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.
./.
DÒNG DÕI ĐẠI QUÝ TỘC
Kể từ năm 1154, nước Anh nằm dưới quyền cai trị của nhà Plantagenet và việc kế vị ngai vàng đã diễn ra khá êm ả từ cha sang trưởng nam hoặc từ anh sang em trai. Các vị vua nhà Plantagenet, những người theo truyền thuyết được cho là hậu duệ của Quỷ vương, hầu hết là những người năng động và là những nhà lãnh đạo lỗi lạc, mạnh mẽ, hiếu chiến, dũng cảm, công bằng và khôn ngoan. Họ có chung những đặc điểm nổi bật là mũi khoằm, tóc hung và tính khí dữ tợn.
Edward III (1327-1377) là vị vua điển hình của nhà Plantagenet – cao lớn, kiêu hãnh, oai nghiêm và khôi ngô với nét mặt như tạc, mái tóc dài và bộ râu dài. Sinh năm 1312, ông mới chỉ mười bốn tuổi khi vua cha, Edward II, bị phế truất và sát hại, và đến năm mười tám tuổi, ông đã đích thân nắm quyền kiểm soát nước Anh.
Năm 1328, Edward kết hôn với Philippa xứ Hainault, người đã sinh cho ông mười ba người con. Những vụ ngoại tình không thường xuyên của nhà vua không mấy ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân hạnh phúc kéo dài bốn mươi năm này. Edward thừa hưởng tính khí nóng nảy khét tiếng của nhà Plantagenet, nhưng hoàng hậu đã cố gắng kiềm chế ông; trong một biến cố nổi tiếng vào năm 1347, bà đã ngăn cơn thịnh nộ của Edward để cứu mạng những tên trộm bị kết án ở Calais mà nhà vua bắt được sau một cuộc bao vây kéo dài.
Edward sống xa hoa trong các dinh thự hoàng gia mà ông đã mở rộng thêm, và triều đình của ông nổi tiếng với tinh thần hiệp sĩ. Edward đặc biệt sùng kính Thánh George, vị thánh bảo trợ của nước Anh, và đã thực hiện nhiều điều để thúc đẩy sự mộ đạo này. Năm 1348, ông lập ra tước vị cao nhất dành cho hiệp sĩ là Order of the Garter, để tôn vinh Thánh George.
Quan trọng hơn cả, Edward mong muốn giành được vinh quang bằng những chiến công lớn. Năm 1338, lo ngại Pháp xâm lược lãnh địa Aquitaine, trung tâm nghề buôn rượu phát đạt của nước Anh, ông tuyên bố nắm quyền nước Pháp, khẳng định mình là người thừa kế đích thực nhờ dòng dõi của người mẹ vốn là em gái vị vua cuối cùng của nhà Capet [vương triều cai trị nước Pháp từ 987 đến 1328]. Tuy nhiên, cổ luật Salic Franks vốn cấm phụ nữ kế vị hoặc truyền ngôi, và người Pháp đã trao vương miện cho em họ của Edward là Philip xứ Valois, người thừa kế nam của nhà Capet.
Việc Edward ghép biểu tượng hoa huệ của Pháp với con báo của Anh trên gia huy của mình đã dẫn đến cuộc xung đột mà sau này được gọi là Chiến tranh Trăm năm vì nó kéo dài liên tục trong hơn một thế kỷ. Dưới sự lãnh đạo của Edward, người Anh lúc đầu đã giành được một số thắng lợi: Sluys năm 1340, Crécy năm 1346 và Poitiers năm 1356. Đây là những trận chiến quan trọng đầu tiên mà các cung thủ người Anh thể hiện uy thế trước kỵ binh Pháp nặng nề giáp sắt. Tuy nhiên, những thành công ban đầu của người Anh không bền lâu, và vào năm 1360, Edward buộc phải trả lại một số vùng đất đã chiếm được theo các điều khoản của Hiệp ước Brétigny, kết thúc giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh này. Khi Edward qua đời, ngoài lãnh địa Aquitaine, lãnh thổ trên đất Pháp của ông chỉ có năm thành trấn và vùng đất xung quanh Calais mang tên Pale.

Triều đại của Edward III chứng kiến nhiều thay đổi. Nghị viện được chia thành viện Quý tộc và viện Thứ dân, bắt đầu tổ chức những cuộc họp thường xuyên và khẳng định quyền lực của mình thông qua các biện pháp kiểm soát tài chính. Chức năng chính của Nghị viện vào thời kỳ này là biểu quyết việc đánh thuế, và về mặt này, không phải lúc nào Nghị viện cũng thuận theo ý muốn của nhà vua. Năm 1345, các pháp viện được thiết lập cố định tại London chứ không còn lưu động theo nhà vua khắp vương quốc nữa. Năm 1352, lần đầu tiên tội phản nghịch được đưa vào luật. Năm 1361, cơ quan Tư pháp Trị an (Justice of the Peace) được thành lập – trong đó những người có địa vị và uy tín tốt ở địa phương được bổ nhiệm làm thẩm phán (magistrate) – và một năm sau, tiếng Anh thay thế tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức tại các pháp viện. Triều đại Edward cũng chứng kiến sự thịnh vượng của các tầng lớp thương nhân và sự khởi đầu của việc truyền bá giáo dục trong thường dân.
Vua Edward là nhà bảo trợ hàng đầu cho giới họa sĩ, văn sĩ và kiến trúc sư. Nguồn gốc của lối kiến trúc trực giao kiểu Anh (Perpendicular) có thể bắt nguồn từ triều đại này. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những tên tuổi tiên phong của nền văn học Anh như nhà thơ Richard Rolle, Geoffrey Chaucer, John Gower và William Langland. Trường ca Piers Plowman của Langland là bản cáo trạng về sự áp bức mà người nghèo phải gánh chịu sau đại dịch Cái Chết Đen, và về Alice Perrers, người tình tham lam khét tiếng đã thao túng Edward trong những năm tháng cuối đời.
Edward qua đời năm 1377. Khuôn mặt tượng gỗ, được rước trong tang lễ nhà vua hiện vẫn được lưu giữ ở tu viện Westminster, chính là chiếc mặt nạ đắp theo gương mặt Edward lúc băng hà, và qua khóe miệng xệ xuống ta có thể thấy được tác động của cơn đột quỵ khiến nhà vua qua đời.
Edward III có mười ba người con, trong đó có năm người con trai trưởng thành. Ông đã lo liệu cho họ bằng cách liên hôn với những nữ thừa kế người Anh và sau đó phong các con trai làm những công tước đầu tiên của nước Anh. Nhờ đó, ông đã tạo ra dòng dõi những đại quý tộc quyền lực có huyết thống hoàng gia, với những hậu duệ về sau sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh đoạt ngai vàng.
Edward thường bị chỉ trích vì đã ban cho các con trai mình quá nhiều quyền lực, nhưng vào thời đó, nhà vua đương nhiên sẽ phải dùng hết khả năng của mình lo liệu và chu cấp đầy đủ để các con ông có thể duy trì những cơ ngơi và đội ngũ tùy tùng xứng đáng với địa vị hoàng gia của họ. Trong cuộc đời Edward, việc ông để các con của mình liên kết hôn với giới quý tộc cấp cao và nhờ vậy bảo đảm cho họ có được khối tài sản thừa kế đáng kể, đồng thời mở rộng thế lực hoàng gia, được coi là một công cuộc rất thành công. Năm 1377, viên Đổng lý đã nói ở phiên họp Nghị viện cuối cùng của Edward về lòng yêu thương và tin cậy trong hoàng tộc rằng “không vị vua Thiên Chúa giáo nào có được những người con trai như đức vua đã có. Nhờ ngài và các con trai của ngài, vương quốc này đã được cách tân, rạng danh và giàu có hơn bao giờ hết”.
Con trai cả, Edward xứ Woodstock, từ thế kỷ 16 đã nổi tiếng với biệt danh Vương tử Đen. Mới mười sáu tuổi, ông hoàng này đã được phong tước hiệp sĩ tại Crécy, và nhờ những chiến tích lừng lẫy trong mười năm tiếp theo, ông nổi tiếng là hiệp sĩ tài giỏi nhất trong các nước Thiên Chúa giáo. Biệt danh của ông có thể xuất phát từ bộ giáp phục màu đen hoặc, có lẽ đúng hơn, là do tính khí hung tợn của ông. Những năm về sau, do đau yếu triền miên, ông đã làm hoen ố danh tiếng của mình khi ra lệnh tiến hành vụ thảm sát tai tiếng những công dân vô tội ở Limoges. Ông qua đời trước vua cha vào năm 1376, để lại một người thừa kế, cậu bé Richard chín tuổi ở Bordeaux, người sẽ kế vị ông nội vào năm 1377 với vương hiệu Richard II. Một trong những điều trớ trêu của lịch sử là người kế vị vua Edward III lắm con nhiều cháu lại không có hậu duệ nào, một tình huống đã gián tiếp dẫn đến Chiến tranh Hoa hồng nửa thế kỷ sau.
Trích đăng
Lancaster và York: Giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng

Trích từ: Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York - Cuộc Chiến Vương Quyền Anh Quốc
Tác giả: Alison Weir
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 12.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.
./.
GIỚI THIỆU
Trong quá trình hoàn tất tác phẩm trước, cuốn The Princes in the Tower, tôi nhận ra rằng ở phương diện nào đó, tôi chỉ mới kể một nửa câu chuyện. Lúc ấy tôi đang viết về giai đoạn cuối của cuộc chiến mang cái tên hoa mỹ là Chiến tranh Hoa hồng, một cuộc xung đột kéo dài hơn ba mươi năm, từ 1455 đến 1487. Trên thực tế, có đến hai cuộc Chiến tranh Hoa hồng; lần đầu kéo dài từ 1455 đến 1471, giữa hai gia tộc Lancaster và York, và lần sau từ 1483 đến 1487, giữa nhà York và nhà Tudor. Giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng vốn chỉ được đề cập sơ lược trong The Princes in the Tower, cuốn sách mô tả khá chi tiết giai đoạn thứ hai của cuộc chiến này, thế nên tôi cảm thấy phần tiền truyện ấy vốn dĩ rất thú vị để viết tiếp. Vì vậy, cuốn sách này chính là câu chuyện xoay quanh hai gia tộc Lancaster và York thuộc giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi đã xem xét nhiều nguồn tài liệu, cả cổ xưa lẫn hiện đại, và tất cả những nguồn hiện đại hầu như đều chỉ tập trung vào các khía cạnh quân sự và thực tiễn về chủ đề tôi viết. Cuốn sách này đương nhiên sẽ đề cập đến những vấn đề đó, với khá nhiều đoạn đi sâu vào chi tiết, nhưng mục đích chính của tôi là khắc họa vai trò của con người trong lịch sử – những nhân vật có liên quan, những vai chính của một trong những mối hận thù kéo dài nhất và có sức hấp dẫn nhất lịch sử nước Anh.

Trung tâm của cuộc chiến phe phái đẫm máu này là hình ảnh đáng thương của nhà vua tâm thần bất ổn Henry VI, sự cai trị kém cỏi và trí lực thiểu năng của ông đã khiến chính trị rối ren, dân chúng ta thán, các đại quý tộc bất hòa với nhau, dẫn đến chiến loạn liên miên và một trận ác chiến tranh giành ngôi vua. Đối thủ chính của Henry là Richard Plantagenet, Công tước xứ York, người lẽ ra phải là vua, theo luật trưởng nam thừa kế thời đó. Sau cái chết của Công tước York, quyền thừa kế ngai vàng của ông được trao cho con trai, người về sau trở thành vua Edward IV, một bạo chúa háo sắc dẫn đến sự sụp đổ của nhà Lancaster.
Cuốn sách này cũng là câu chuyện về cuộc tranh đấu ác liệt và ngoan cường của một người phụ nữ vì quyền lợi của con trai mình. Bị kẻ thù buộc tội đã đem một đứa con hoang đặt vào chiếc nôi hoàng gia, vợ vua Henry – hoàng hậu Margaret xứ Anjou – đã đứng lên chiến đấu vì vương triều Lancaster trong suốt nhiều năm, chống lại những khó khăn dường như không thể vượt qua nổi để bảo vệ ngôi vua của chồng và con trai mình. Bản thân điều này rất đáng chú ý, vì bà là một người phụ nữ trong thế giới hung bạo của đàn ông, nơi hầu hết nữ giới đều bị coi là những món hàng hóa có thể trao tay, và không có tư cách tham chính.
Còn rất nhiều khuôn mặt người trong tấn tuồng phản trắc và xung đột sẽ diễn ra dưới đây. Con trai của Margaret, Edward xứ Lancaster, vốn tính hung bạo từ nhỏ, đã khiến những người cùng thời không khỏi bàng hoàng trước sự nhẫn tâm sớm bộc lộ của y. Richard Neville, Bá tước xứ Warwick – “Warwick Kẻ Buôn Vua” – là nguyên mẫu của dạng quyền thần hùng mạnh quá mức cuối thời Trung cổ, người đã dựng lên và phế truất các vị vua, thế nhưng lòng trung thành của ông ta, suy cho cùng, chỉ dành cho chính bản thân mình. Chiến tranh Hoa hồng không chỉ dẫn đến sự sụp đổ của một vương triều mà còn cả những đại quý tộc như Warwick.
Tôi đã cố gắng mô tả sâu sát các thành viên của hai gia tộc Lancaster và York như những con người thực sự, có thể nhận diện qua cá tính và điểm yếu của từng người, chứ không chỉ qua những cái tên trên cây gia phả rối rắm. Nhà Beaufort, những đứa con hoang của John xứ Gaunt, hống hách hệt như những ông hoàng trước triều đình và, theo một số người, trên chiếc giường của hoàng hậu. Nhà Tudor cũng là dòng dõi hoàng tộc đáng ngờ, và – giống như nhà Beaufort – trung thành hết mực với nhà Lancaster, gia tộc mà sau này họ nhận quyền thừa kế từ đó. Cuốn sách nhắc đến những vị vua – như Richard II loạn thần và ngông cuồng, kẻ soán ngôi Henry IV, triều đại của ông ta bị hủy hoại bởi các cuộc nổi loạn và bản thân ông thì bị bệnh tật hành hạ; hay chiến binh lạnh lùng Henry V, người hùng của dân chúng, người đã phán đoán sai chính sách đối ngoại dẫn đến đại họa cho con trai mình, Henry VI. Và những vị hoàng hậu: Katherine xứ Valois kiêu sa và vô luân, người tìm kiếm tình yêu với một cận vệ xứ Wales sau cái chết của chồng là vua Henry V; hay Elizabeth Wydville, với nhan sắc lạnh lùng che giấu lòng tham và sự tàn bạo. Bên cạnh những nhân vật này, câu chuyện của chúng ta còn tràn ngập những con người sinh động, bí ẩn hoặc bi thảm, từ Jack Cade khét tiếng, kẻ cầm đầu một cuộc dấy loạn, đến John Tiptoft tàn ác, Bá tước xứ Worcester; và từ rất nhiều lãnh chúa hùng mạnh cho đến hai cô con gái yếu đuối và xấu số của Warwick, Isabel và Anne Neville. Tất cả đều liên quan, bằng cách này hay cách khác, đến cuộc xung đột dữ dội này. Đây quả thực là trường đoạn lịch sử của các phe phái, nhưng chính những người tạo nên các phe phái đó đã khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn đến vậy.
Lịch sử Chiến tranh Hoa hồng đã được thuật lại vô số lần bởi nhiều sử gia, nhưng ngày nay, hẳn sẽ không còn hợp thời nếu nhìn theo quan điểm của nhà Tudor mà cho rằng nguồn gốc của Chiến tranh Hoa hồng nằm ở việc phế truất Richard II, sự kiện xảy ra từ hơn năm mươi năm trước khi cuộc chiến này bùng nổ. Tuy nhiên, thực sự thì nguồn gốc của cuộc xung đột có thể truy ngược đến tận thời điểm đó; để hiểu được các nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Hoa hồng và di sản triều đại của các nhân vật chính, ta cần ngược lại xa hơn nữa, đến thời kỳ dòng dõi đại quý tộc mang dòng máu hoàng gia được sáng lập bởi vị vua nhiều con cái nhất của vương triều Plantagenet, Edward III. Do đó, cuốn sách này không chỉ thuật lại câu chuyện về Chiến tranh Hoa hồng mà còn bàn về hai nhà Lancaster và York cho đến năm 1471.
Những nguồn sử liệu về thời kỳ này rất ít ỏi và thường không mấy rõ ràng, tuy nhiên, chừng đó nghiên cứu đã được thực hiện trong hàng trăm năm qua cũng đủ để soi sáng đôi chút cho chúng ta về giai đoạn thường được gọi là thời chạng vạng của thế kỷ 15. Nhiều ngộ nhận đã bị loại bỏ, nhưng dù vậy cuộc xung đột vương triều phức tạp này vẫn khiến nhiều người nhầm lẫn. Mục đích xuyên suốt của tôi là loại bỏ sự nhầm lẫn đó và cố gắng trình bày câu chuyện theo trình tự thời gian, nhằm làm rõ các vấn đề về việc kế vị ngai vàng vào thời đại mà không có quy tắc thừa kế nhất định nào được áp dụng triệt để. Tôi cũng cố gắng khiến cho giai đoạn thế kỷ 15 này trở nên sống động bằng cách đưa vào càng nhiều càng tốt những chi tiết về đời sống đương thời trong chừng mực khuôn khổ số trang cho phép, nhằm khiến cho chủ đề này phù hợp với mọi độc giả, dù có chuyên môn học thuật hay không. Nhưng chủ yếu là tôi cố gắng thuật lại một câu chuyện phi thường và tàn khốc về những cuộc tranh giành quyền lực ngôi cao có can dự đến một số nhân vật lôi cuốn nhất trong lịch sử nước Anh.
Câu chuyện này bắt đầu vào năm 1400 với vụ sát hại một vị vua và kết thúc vào năm 1471 với vụ sát hại một vị vua khác. Vụ giết người được cho là kết quả trực tiếp từ vụ kia. Câu chuyện về những gì đã xảy ra từ năm 1400 đến năm 1471, vốn được thuật lại trong cuốn sách này, sẽ là lời hồi đáp cho câu hỏi: Như thế nào?
Alison Weir
Surrey
tháng Hai 1995
-
Cafe sáng4 months ago
Đón Tết Ất Tỵ rộn ràng cùng chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Nhà Sách Phương Nam
-
Cafe sáng4 months ago
Lịch hoạt động Tết 2025 Nhà Sách Phương Nam
-
Cafe sáng2 months ago
Nhiều ưu đãi cực hời đang chờ bạn tại BANDAI NAMCO ASIA POP UP 2025 @ VIETNAM
-
Phía sau trang sách2 months ago
Thế giới nội tâm u uẩn của những người phụ nữ dưới ngòi bút Dazai Osamu
-
Book trailer4 months ago
F5 bản thân năm 2025 cùng những cuốn sách giúp bạn khai mở tiềm năng
-
Cafe sáng2 months ago
Lần đầu tiên tại Việt Nam: BANDAI NAMCO ASIA POP UP 2025 – Sự kiện đỉnh cao dành cho fan manga-anime
-
Giới thiệu sách4 months ago
Có một thời ở Chợ Lớn: Ký ức vàng son về Chợ Lớn qua lăng kính của Phạm Công Luận
-
Trà chiều4 months ago
“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát