Book trailer

Khát khao cây cỏ: Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và thiên nhiên dưới góc nhìn thực vật

Published

on

khat-khao-cay-co

Dưới ngòi bút cô đọng, trang nhã của Michael Pollan, tác phẩm Khát khao cây cỏ (Phương Nam Book, NXB Thế Giới) đã trình bày nhiều kiến thức khoa học chuyên sâu và những tham khảo đa ngành sống động. Tất cả đều góp phần soi sáng quan điểm cốt lõi của ông, đó là: con người và thiên nhiên luôn gắn liền với nhau trong sự tiến hóa chung của dòng chảy lịch sử tự nhiên.

Tác phẩm Khát khao cây cỏ mang tầm nhìn bao quát, nêu bật quá trình đồng tiến hóa của chúng ta đã len lỏi vào thiên nhiên. Bốn ham muốn của con người thể hiện qua bốn loài thực vật, đó là: vị ngọt trong câu chuyện về cây táo, tình yêu cái đẹp dành cho hoa tulip, ham muốn sự say sưa (thoát tục) ẩn chứa trong cây cần sa, khả năng kiểm soát thông qua cây khoai tây. Đọc những lời văn của Michael Pollan, bạn sẽ nhận thấy rằng cây cối không chỉ là giống loài của rừng rậm hoang sơ, mà còn là sinh vật gần gũi, có thể điều khiển cảm xúc con người.

Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và thiên nhiên từ góc nhìn thực vật

Từ xưa đến nay, cây cối và con người luôn học cách tương hỗ nhau: Mỗi bên thực hiện cho bên còn lại những điều tự thân không thể làm, và quá trình thương thảo ấy đã biến đổi cũng như cải thiện số mệnh chung của cả hai. Mở đầu chương 1, Michael Pollan ngược dòng ngược thời gian và chia sẻ với độc giả câu chuyện về người nông dân huyền thoại nước Mỹ – John Chapman, ông đã gieo trồng những cây táo – loài thực vật đại diện cho vị ngọt trong quần thể cây cối.

John Chapman sống từ cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, là một nhà cách mạng và đồng thời cũng là một người làm vườn. Ông được ca ngợi vì có nhiều đức tính tốt, và niềm đam mê bất tận với nhiều chủng loại táo khác nhau. Được mệnh danh là người nông dân tiên phong gieo trồng táo, những năm 1830, John Chapman đã đi chu du và vận hành một chuỗi vườn ươm hạt táo trải dài khắp các bang nước Mỹ từ bắc Pennsylvania, qua miền trung Ohio, đến tận Indiana. Ông già chân đất với bộ trang phục vải bố đã qua đời vào năm 1845, để lại khối tài sản kếch xù.

Từ câu chuyện về nhân vật huyền thoại John Chapman, tác giả Michael Pollan đã diễn tả đậm nét những đặc điểm sinh học tiến hóa của cây táo – vị ngọt. Ông có đoạn viết: “Bằng cách bao bọc hạt trong lớp thịt quả ngọt ngào giàu dinh dưỡng, những cây ăn trái như cây táo đã khéo léo lợi dụng việc mê vị ngọt của các loài thú có vú để đổi lấy đường trong quả. Các loài thú đã vận chuyển hạt đi xa, giúp mở rộng biên độ lãnh thổ của cây táo. Sự hợp tác trong cuộc thương thảo lớn nhằm cùng nhau tiến hóa, các loài thú mê ăn ngọt và những loài cây cho ra quả to, ngọt đã sánh vai nhau nhân giống, phát triển, tiến hóa thành những giống loài như ngày nay, trong đó có cả loài người chúng ta”.

Trong tác phẩm Khát khao cây cỏ của Michael Pollan, cây cối và con người được đặt trong mối quan hệ phụ thuộc đôi bên. Trước khi đưa ra kết luận này, tác giả chỉ ra rằng, chúng ta thường chia thế giới thành chủ thể và mục tiêu. Và trong khu vườn, cũng như tự nhiên nói chung, loài người thường giữ vai trò chủ thể. Ngay cả trong ngôn ngữ mà chúng ta dùng để miêu ta mối quan hệ này cũng rất rõ ràng: tôi chọn cây, tôi nhổ cỏ, tôi thu hoạch. Nhưng theo Michael Pollan, con người cũng như các loài động vật khác, khi xét trong mối quan hệ đối với cây cối thì đều có tính chất đồng tiến hóa, tương hỗ lẫn nhau.

Khát khao cây cỏ, tác giả Michael Pollan đã so sánh mối quan hệ đồng hưởng lợi giữa con người và các loài thực vật cũng có phần tương tự như mối quan hệ giữa con ong và loài hoa. Ong thu phấn hoa để làm mật, cùng lúc đó gieo rắc phấn đến các nơi khác, giúp cây mẹ duy trì nòi giống. Bắt nguồn từ ý tưởng này, tác giả kết nối các nhu cầu, cũng là ham muốn chính yếu của con người: vị ngọt, cái đẹp, say sưa và kiểm soát – với những loài cây có thể thỏa mãn các nhu cầu ấy: cây táo, hoa tulip, cây cần sa và cây khoai tây.

Bằng cách kể câu chuyện về bốn loài thực vật này, Michael Pollan cho thấy cây cối đã cố gắng tiến hóa như thế nào để đáp ứng các nhu cầu căn cốt của con người. Về phía con người, nhờ được hưởng lợi từ cây mà càng ra sức nhân giống, giúp cây phát triển thuận lợi. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, trong mối quan hệ giữa người và cây – ai mới là kẻ nắm giữ vai trò chủ chốt, và ai đã thực sự thuần hóa ai?

Đáp án của Michael Pollan là: “Tôi nhận ra rằng vấn đề giữa tôi và củ khoai đang trồng cũng chẳng khác là bao nhiêu. Cả hai đều là cộng sự trong mối quan hệ đồng tiến hóa, và vẫn luôn như thế kể từ buổi bình minh của nền nông nghiệp từ 10.000 năm về trước”.

Xuyên suốt quyển sách, Michael Pollan gợi ý những phương thức để con người có thể bày tỏ lòng quý trọng với tự nhiên. Vì chỉ có như thế, ta mới đủ rung động để cảm nhận được những thanh âm, sắc màu, hương vị đẹp đẽ muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Sức sống của cây cối, những kết nối tuyệt diệu, giúp chúng ta biết cách sinh tồn trong nhịp điệu hài hòa giữa các mối quan hệ bắt nguồn từ bản chất cốt lõi và vẻ đẹp của cuộc đời

Con người có thể kiểm soát thiên nhiên hoang dã, nhưng tính hoang dã thì không

Trong chương 4 có tiêu đề là Ham muốn kiểm soát, Michael Pollan đã chỉ ra mặt trái của nông nghiệp biến đổi gene. Tác giả dẫn chứng rằng, hơn 20 triệu héc-ta đất nông nghiệp ở Mỹ đã được dùng để trồng hoa màu biến đổi gene, chủ yếu là bắp (ngô), đậu nành, bông và khoai tây. Tất cả đều được biến đổi để sản sinh ra chất diệt côn trùng, kháng thuốc diệt cỏ. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ nhìn thấy giống khoai tây được biến đổi gene để hút ít dầu mỡ hơn khi rán, giống ngô chịu hạn, giống cỏ phủ vườn không cần cắt xén, giống gạo vàng giàu vitamin A, giống chuối và khoai tạo ra nguồn vaccine…

Khi con người tiến đến mục tiêu ham muốn kiểm soát trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, họ đã tạo nên một sự hỗn loạn mới. Thiên nhiên hoang dã có thể kiểm soát nhưng tính hoang dã thì không. Mỗi lớp đất cày xới lại nảy sinh một loài cỏ dại mới, mỗi loại thuốc trừ sâu lại kích thích sự kháng cự của sâu bệnh. “Nông nghiệp về bản chất là sự tinh giản đến thô bạo, thâu vén thiên nhiên hỗn tạp thành thứ nằm trong tầm kiểm soát; bắt đầu từ việc lọc ra một số ít giống cây để trồng thành luống đều đặn”, tác giả Khát khao cây cỏ viết.

Tự nhiên có tiếng nói đầy quyền năng. Và tự nhiên không tồn tại riêng lẻ. Cây, cỏ, đất, nước, không khí, hệ sinh vật, phân bón, chất mùn, nấm… và con người nói chung lẫn người làm vườn nói riêng đã liên kết lại với nhau một cách tinh tế và kỳ diệu để tạo nên những bông hoa tinh khôi, những luống rau xanh tươi, các loại hoa quả ngọt… Và từ đó, mỗi chúng ta vừa làm vườn, vừa quan sát lắng nghe để góp vào một đôi tay hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái bền vững.

Michael Pollan cũng chia sẻ những năng lượng tích cực từ việc tự trồng khoai tây tại vườn nhà của mình rằng: “Tôi yêu phút giây đầu tiên khi vừa xới đất, trông thấy những củ khoai màu nâu sáng lăn mình khỏi lớp đất đen. Sau khi đã nhặt hết những củ dễ thu hoạch nằm ở lớp đất trên, bạn nên để xẻng qua một bên. Nếu đào không cẩn thận bạn sẽ xắn xẻng và làm nát những củ mọc sâu bên dưới. Hãy đào lên bằng tay, thọc những ngón tay vào sâu trong thớ đất mịn, cảm nhận những hình khối ngủ yên trong lòng đất. Việc ngửi một củ khoai tây sống cũng chính là cách ta đánh dấu đường biên giữa tính thuần hóa và tính hoang dã”.

Sự sinh tồn của cây cỏ là thứ ngọt ngào nhất, đẹp đẽ nhất, hay gây say mê nhất – một sự cho và nhận giữa ham muốn của con người và các cá thể trong vũ trụ thực vật. Quá trình này đòi hỏi cả hai bên cùng tham gia, mặc dù vô thức hay ý thức, con người và thiên nhiên luôn “cùng hội cùng thuyền”, gắn bó với nhau trong sự tiến hóa chung của dòng chảy lịch sử tự nhiên. Michael Pollan tâm sự: “Tôi hy vọng rằng, khi gấp cuốn sách này, bạn sẽ nhìn những thứ ngoài kia theo cách khác đi, cụ thể, khi bạn nhìn thấy một cây táo bên đường hay một bông hoa tulip trên bàn, chúng sẽ không còn xa lạ hay tách biệt nữa. Việc nhìn chúng như đồng đội sẵn lòng cùng nhau phát triển đồng nghĩa với việc ta tự nhìn mình khác đi: Con người cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng của những ham muốn và dự định của loài khác…”.

Trích đoạn

“Chúng ta đã đối xử tử tế với hoa. Đổi lại, hẳn ta nhận được thú vui về giác quan, nguồn dinh dưỡng từ quả và hạt, và một bầu trời mới các ẩn dụ thi ca. Nhưng khi nhìn sâu hơn vào một bông hoa chớm nở, ta tìm thấy nhiều hơn thế: Lò luyện cái đẹp, nếu không nói là nghệ thuật, thậm chí thi thoảng là cái nhìn thoáng qua về bản chất cuộc sống. Khi ngắm một bông hoa, bạn thấy điều gì? Hãy nhìn sâu vào bản chất hai mặt của tự nhiên – năng lượng cạnh tranh giữa sự sáng tạo và phân hủy, xu hướng tìm đến hình thái phức tạp và lực kéo hướng tới sự giản đơn.”

“Chỉ những bông hoa khỏe nhất mới nở tưng bừng nhất và có mật ngọt nhất, qua đó đảm bảo lượng ong ghé thăm đông nhất – nên cũng có số lần thụ phấn và sinh sản cao nhất. Theo cách hiểu ấy, hoa vẫn chọn ‘bạn tình’ dựa trên sức khỏe, chỉ là thông qua trung gian loài ong mà thôi.”

“Bước chân vào vườn hoa, thậm chí chỉ là một bãi cỏ hoa nở rộ, là khung cảnh thay đổi ngay tức khắc. Này, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Có cái gì đó mà ngay cả con ong hay chú bé khù khờ nhất cũng nhận ra, một cái gì đó đặc biệt. Ta tạm gọi cái gì đó là sự khuấy động của cái đẹp. Cái đẹp trong tự nhiên thường song hành với tính dục – hãy thử nghĩ đến bộ lông của chim chóc hay nghi thức giao hợp của thế giới loài vật.”

“Làm thế nào ta phân biệt được những cây nguy hiểm và cây nuôi sống chúng ta? Vị giác là gợi ý đầu tiên. Những cây nào không muốn bị con vật khác ăn sẽ tiết ra chất alkaloid đắng ngắt; tương tự, những cây muốn bị ăn như cây táo sẽ tạo ra một lượng đường dồi dào trong lớp thịt quả.”

“Vị ngọt là thứ đam mê khởi phát nơi đầu lưỡi nhờ vào vị giác, nhưng nó không dừng lại ở đó. Hoặc chí ít nó đã không dừng lại ở đó, vào cái thời mà việc thưởng thức vị ngọt đặc biệt đến nỗi cụm từ đó trở thành ẩn dụ cho cái gì đó hoàn hảo.”

Đánh giá về sách

“Dưới ngòi bút có đọng, trang nhã của Pollan, các kiến thức khoa học chuyên sâu và những tham khảo đa ngành trở nên sống động hơn bao giờ hết. Tất cả đều góp phần soi sáng quan điểm cốt lõi của ông, đó là con người và thiên nhiên ‘mãi luôn cùng hội cùng thuyền’”Publishers Weekly

“… Vốn tri thức sâu rộng, tài nắm bắt nhanh nhạy về sinh học tiến hóa và thêm chút cá tính nổi loạn đã thúc đẩy Pollan ‘đào bới’ những quan điểm đầy mâu thuẫn. Ông cũng có lối viết thật lung linh, sắc bén và biệt tài tìm kiếm lời trích dẫn hoàn hảo tại nhiều nơi chốn lạ lùng…” –  The New York Times Book Review

“Pollan là người làm vườn và nhà văn tài hoa. Ông trình bày quan điểm từ góc nhìn của cây cối, đồng thời thách thức một số giả định căn bản nhất của tôi về việc làm vườn, đặc biệt là việc liệu tôi kiểm soát cây hoa ly mình trồng hay ngược lại. Pollan đã giúp tôi thoát khỏi sự ngu muội của chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm” – The Wall Street Journal

“Một quyển sách bạn chẳng thể đặt xuống, sẽ tháo gỡ những vướng mắc về tác động của chính trị xã hội, kinh tế và lịch sử đến quá trình trồng trọt bốn loại cây. Pollan thật sự là bậc thầy khám phá mối quan hệ, có thể tìm thấy điểm liên hệ giữa các khía cạnh riêng biệt trong công việc làm vườn phức tạp, kể cả chúng thuộc lĩnh vực chính trị, văn học, kinh tế xã hội, thậm chí là tính dục” – Chicago Tribune

Về tác giả

Tác giả Michael Pollan. Ảnh: azcentral

Michael Pollan là tác giả của bảy đầu sách nổi tiếng bao gồm Cooked, Food Rules, In Defense of Food, The Omnivore’s DilemmaThe Botany of Desire… hầu hết đều lọt vào danh sách bán chạy nhất của tạp chí New York Times. Ngoài vai trò cộng tác viên lâu năm của New York Times, ông còn dạy viết văn tại Đại học Harvard và Đại học California, Berkeley.

Năm 2010, tạp chí Time đã vinh danh ông là một 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới.

Giới thiệu sách

Đường xưa mây trắng: Bản giao hưởng giữa văn thơ và thiền quán

Published

on

Tháng Tư âm lịch, mùa sen nở, mùa người ta thường tìm về với sự tĩnh lặng. Đây cũng là lúc những trang sách mang hương thiền và tinh thần tỉnh thức trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Giữa dòng sách Phật học vốn phong phú và đôi khi hàn lâm, Đường Xưa Mây Trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh nổi lên như một dòng suối lặng, nhẹ nhàng và đầy sức lay động. Không ồn ào giáo lý, không ngôn từ thuyết pháp, cuốn sách là một cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa người đọc và Đức Phật - không phải trong điện thờ, mà trong một không gian đời thường, chan chứa từ bi và thấm đẫm trí tuệ. Nhân Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025, đây là lúc nên ngồi lại, dành thời gian lật giở từng trang trong tác phẩm kinh điển này của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bước vào nơi giao thoa giữa tâm linh, lịch sử và nghệ thuật kể chuyện.

Một bản giao hưởng giữa tiểu sử và thiền truyện

Không phải ngẫu nhiên mà Đường Xưa Mây Trắng được xem là tác phẩm kinh điển nhập môn cho bất kỳ ai muốn bước chân vào đạo Bụt bằng cánh cửa văn chương. Cuốn sách là tiểu sử của Đức Phật Thích Ca, nhưng không được kể bằng giọng văn sử thi hay ngôn ngữ Phật pháp. Thay vào đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một người kể chuyện và bậc thầy chánh niệm - đã tái hiện cuộc đời Đức Phật bằng văn xuôi dung dị, giàu nhạc tính, pha chất thơ và chất thiền.

Điều đặc biệt là câu chuyện được kể lại từ góc nhìn của chú bé chăn trâu Svasti, sau trở thành đệ tử của Đức Phật. Nhờ vào ống kính trong trẻo ấy, Đức Phật hiện lên không phải là một nhân vật siêu hình, mà là một con người trọn vẹn: biết yêu thương, biết đau, biết trăn trở, biết chọn con đường từ bỏ để đi đến giác ngộ. Chính sự gần gũi, chân thực này khiến người đọc không chỉ ngưỡng vọng Đức Phật, mà còn thấy được bóng dáng của mình - một người đang đi, đang tìm, và đôi khi lạc lối - trong từng bước chân của Ngài.

Triết lý ẩn tàng trong từng câu văn

Một trong những thành tựu lớn của Đường Xưa Mây Trắng là khả năng đưa những giáo lý cốt lõi của đạo Bụt - từ Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, đến duyên sinh, vô ngã - vào mạch truyện một cách tự nhiên và mềm mại. Không rao giảng. Không giáo điều. Chỉ là những cuộc đối thoại, những câu hỏi tưởng như rất ngây thơ mà thấm đẫm trí tuệ, những tình huống đời thường nhưng ẩn chứa cả vũ trụ quan Phật giáo:

Sa môn, ông có thấy một cô gái mới chạy ngang qua đây không? Bụt hỏi lại:

Các bạn tìm cô gái ấy để làm gì?

Này các bạn, trong giờ phút này các bạn nên đi tìm cô gái hay là nên đi tìm chính các bạn?

Bạch sa môn, có lẽ chúng con nên đi tìm chúng con trước.

(Trích Chương 25 - "Đỉnh cao của nghệ thuật")

Nhiều người đọc lần đầu có thể không nhận ra rằng họ vừa đi qua một bài giảng Phật học. Họ chỉ cảm được một điều: lòng mình chậm lại, ánh nhìn dịu xuống, một suy nghĩ nào đó dường như vừa được tháo gỡ. Và chính trong khoảnh khắc ấy, chánh niệm bắt đầu khởi sinh. Chỉ với một đoạn văn ngắn nhưng có thể mở ra một cánh cửa lớn trong tâm hồn người đọc:

Trong đạo lý giác ngộ, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết. Thương yêu chính là hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu.”

(Trích Chương 42 - "Không hiểu biết thì không thể thương yêu")

Đây không chỉ là một lời dạy của Bụt, mà là nguyên lý sống có thể ứng dụng trong mọi mối quan hệ hiện đại - từ tình thân, tình yêu đến quan hệ xã hội. Thấu cảm là nền tảng của yêu thương. Yêu thương không có hiểu biết chỉ dẫn đến ràng buộc, khổ đau. Đọc đến đây, người đọc không cần phải theo đạo mới thấy lòng mình mở ra.

Bút pháp tài hoa của một vị Thiền sư

Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ là một hành giả. Ông là một nhà văn đích thực, với ngôn ngữ trong sáng, tiết chế, gợi mở. Có lúc ông viết như một nhà thơ, có lúc như một người thầy, có lúc như một người bạn đường. Dù ở vai nào, văn phong ấy luôn mang một đặc điểm nhất quán: không hấp dẫn theo kiểu kích thích giác quan, mà lan tỏa bằng sự tĩnh tại.

Trăng, sao, sông núi, ánh sáng mặt trời, tiếng chim hót, tiếng suối reo... tất cả những biểu hiện đó của vũ trụ đều mầu nhiệm, đều đẹp đẽ, đều có thể cho ta những nguồn vui bất tận.”

(Trích Chương 23 - "Những giọt nước cam lộ")

Chất thơ thấm trong từng câu chữ, nhưng không để phô diễn. Nó là kết tinh của một đời sống tu tập sâu lắng. Và chính điều đó khiến Đường Xưa Mây Trắng không lỗi thời mà càng đọc lại càng thấm nhuần.

Mỗi chương sách Đường Xưa Mây Trắng chính là một mảnh ghép kể về hành trình tìm cầu chân lý, sự giác ngộ, và quá trình hoằng pháp của Đức Phật. Ở đó, Phật không phải là huyền thoại xa vời, mà là một con người biết thương, biết khổ, biết tu tập. Thiền sư đã cởi bỏ lớp sương mù huyền bí để đưa Đức Phật trở về với đúng nghĩa của Ngài – một con người giác ngộ, với trái tim từ bi và trí tuệ lớn lao, nhưng rất gần gũi, biết lắng nghe, biết cảm thông, và không xa rời cuộc sống trần thế.

Xuyên suốt tác phẩm là lời mời gọi sống trong chánh niệm: thở trong chánh niệm, bước đi trong chánh niệm, nói năng, ăn uống, suy nghĩ cũng trong chánh niệm. Đó là nền tảng giúp con người tiếp xúc được với sự sống sâu sắc trong từng khoảnh khắc, thay vì chạy theo ảo tưởng và khổ đau. Đồng thời, “Không có hiểu biết, sẽ không thể có thương yêu chân thật.” Chánh pháp không nhằm giáo điều hóa, mà để giúp con người hiểu sâu vào bản chất của khổ đau, từ đó mới có thể thương yêu, tha thứ và chuyển hóa. Đặc biệt, không chỉ trong thiền viện, mà giữa chợ đời, giữa những mối quan hệ, bất hòa, giận dữ, người ta vẫn có thể thực hành Phật pháp. Đức Phật trong sách không dạy đệ tử rời bỏ cuộc đời, mà mời họ quay về sống đời chánh hạnh giữa cuộc đời đầy thử thách. Tác phẩm cho thấy rõ: con đường của Phật không phải là đi tìm một nơi bình an tách biệt, mà là quán chiếu để hiểu rõ bản chất của khổ đau, từ đó không còn sợ hãi. Bình an là kết quả của sự nhìn sâu, không phải của sự né tránh.

Đọc để sống sâu hơn

Những độc giả mới tiếp xúc với Đường Xưa Mây Trắng có thể cảm thấy bối rối về thể loại sách khi tác phẩm là tổng hòa giữa sách truyện, tiểu sử, tôn giáo. Có lẽ sẽ dễ hơn khi hình dung đây là một thiên tình sử nhẹ nhàng, sâu lắng, mang giá trị bền vững theo thời gian. Không để học thuộc. Không để ghi nhớ. Mà để đọc khi lòng hoang mang. Đọc khi thấy mất phương hướng. Đọc khi muốn trở về.

Cuốn sách giống như một người bạn hiền không lên tiếng khi bạn vội vã, nhưng luôn ở đó khi bạn cần một điểm tựa. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Khi chúng ta đi trong chánh niệm thì chân chúng ta trở thành chân Bụt.” Đọc Đường Xưa Mây Trắng cũng là một hành trình đi trong chánh niệm - từng dòng chữ là một bước chân, từng trang sách là một hơi thở.

Ấn bản mới nhất của Đường Xưa Mây Trắng do Phương Nam Book liên kết xuất bản với thiết kế bìa cứng trang nhã là món quà tinh thần đầy thiền vị trong dịp lễ Phật Đản năm nay. Nhưng giá trị thật sự của cuốn sách không nằm ở hình thức. Nó nằm ở sự rung động âm thầm mà người đọc có thể cảm nhận được khi ngồi xuống, mở sách, và để cho từng câu chữ dắt mình đi.

Không cần đợi đến khi khổ đau mới tìm về những lời dạy của Bụt. Không cần phải hiểu hết Phật pháp mới bước chân vào thế giới của Đường Xưa Mây Trắng. Chỉ cần một lòng muốn sống sâu hơn. Bắt đầu bằng một hơi thở. Một trang sách. Một ý nguyện trở về.

Nhân dịp Đại lễ Vesak 2025, tìm về tủ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Với hơn 100 đầu sách được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt, Tủ sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trải rộng xuyên suốt nhiều thể loại khác nhau: thiền hành, thiền tọa, chữa lành cảm xúc, nuôi dưỡng tình thương, giáo dục thanh thiếu niên và cả hoạt động xã hội. Những tựa sách nổi bật, được tái bản đều đặn mỗi năm như: Phép lạ của sự tỉnh thức, Giận, Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, Bước tới thảnh thơi, Rong chơi trời phương ngoại, Nói với tuổi hai mươi, Làng Mai nhìn núi Thứu, Hạnh phúc mộng và thực... Đặc biệt, bộ sách Nhật tụng Thiền môn giảng giải - Công phu nở đóa sen ngàn cánh gồm 4 tập (Công phu từ ngày thứ Hai đến thứ Năm) là một đóng góp đặc biệt cho đời sống tu học hằng ngày. Mỗi bài tụng, mỗi lời giảng đều như giọt nước tưới tẩm hạt giống tỉnh thức trong tâm hồn người đọc.

Trong kỷ nguyên công nghệ, khi các dòng tin tức chảy tràn, những xao động tâm lý ngày một phổ biến, thì sự hiện diện của tủ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là một “nơi nương tựa” về tinh thần. Mỗi cuốn sách không chỉ là văn bản in trên giấy, mà còn là pháp thoại, là tiếng chuông tỉnh thức, là bàn tay dắt người đọc trở về với chính mình.

Nguyệt Vũ

Đọc bài viết

Book trailer

Fuzz – Nhật ký điều tra những vụ án “dở khóc dở cười” của thiên nhiên hoang dã

Gấu đen đột nhập nhà dân, cây cối bị tình nghi gây ra án mạng, con nai băng qua đường không đúng luật – khi thiên nhiên trở thành “tội phạm”, ai sẽ là người điều tra? Những vấn đề xoay quanh câu hỏi đó đã được tác giả Mary Roach giải đáp thật tài tình trong cuốn sách “Fuzz – Khi tự nhiên phạm luật” vừa được Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Published

on

Trong thế giới ngày càng đô thị hóa, ranh giới giữa lãnh địa con người và thiên nhiên hoang dã trở nên mong manh hơn bao giờ hết, dẫn đến những cuộc “chạm trán” dở khóc dở cười nhưng cũng đầy phức tạp. Mary Roach, bậc thầy kể chuyện khoa học thường thức với lối viết dí dỏm đặc trưng, đã quay trở lại cùng Fuzz – Khi tự nhiên phạm luật, một tác phẩm khám phá thế giới kỳ thú nơi luật pháp con người giao thoa (và xung đột) với bản năng tự nhiên. Cuốn sách không chỉ mang đến tiếng cười sảng khoái mà còn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về vị trí của con người trong bức tranh lớn của hệ sinh thái, mời gọi chúng ta nhìn nhận lại mối quan hệ phức tạp và đầy thách thức với thế giới tự nhiên xung quanh.

Trong Fuzz – Khi tự nhiên phạm luật, Mary Roach không đưa ra những giải pháp đơn giản hay những lời phán xét đạo đức dễ dãi. Thay vào đó, bà dẫn dắt độc giả vào một hành trình khám phá thực tế, gặp gỡ những chuyên gia, nhà khoa học, nhân viên kiểm lâm – những người trực tiếp đối mặt với “vấn nạn” do động thực vật gây ra hàng ngày. Từ việc điều tra hiện trường một vụ “gấu đột nhập” đến tìm hiểu công nghệ pháp y thực vật để xác định “hung thủ” trong một vụ cây đổ, Roach hé lộ bức tranh đa chiều về xung đột người-thiên nhiên. Bà chỉ ra rằng, nếu nhìn từ góc độ lịch sử, con người từng đưa cả động vật ra tòa xét xử vì những “tội lỗi” của chúng. Nhưng ngày nay, khoa học hiện đại – từ sinh thái học, tập tính động vật đến di truyền học bảo tồn – mới là chìa khóa để hiểu và tìm cách hóa giải những xung đột này, thay vì áp đặt những quy chuẩn luật pháp vốn chỉ dành cho xã hội loài người.

Khi tự nhiên vượt rào: Hành trình điều tra đầy hấp dẫn của Mary Roach

Mary Roach mở đầu Fuzz bằng cách đặt ra một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại khơi gợi vô số vấn đề phức tạp: Điều gì xảy ra khi thiên nhiên “phạm luật”? Không chỉ là những con thú lớn như gấu hay báo sư tử gây rắc rối ở vùng ngoại ô, danh sách “tội phạm tự nhiên” của Roach còn bao gồm cả những loài chim ăn trộm nông sản, những con khỉ tinh ranh ở Ấn Độ, những hạt đậu độc gây chết người, hay thậm chí là những cái cây vô tri bị xem là mối nguy hiểm tiềm tàng. Điểm đặc biệt trong cách tiếp cận của Roach là bà không ngồi yên trong phòng viết mà xông pha thực địa. Bà tham dự một khóa học về an toàn khi gặp thú dữ, theo chân các nhà khoa học điều tra hiện trường các vụ tấn công của động vật hoang dã, tìm hiểu về các phương pháp xua đuổi từ truyền thống đến hiện đại, thậm chí còn nếm thử các loại thực vật bị xem là “có vấn đề”. Chính sự dấn thân này mang lại cho cuốn sách tính chân thực và sống động hiếm có, biến những khái niệm khoa học trừu tượng thành những câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn người đọc vào từng trang sách.

Hành trình của Roach không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các vụ việc. Bà còn đào sâu vào lịch sử, nhắc lại những giai đoạn kỳ lạ khi con người thực sự tin rằng có thể áp dụng hệ thống luật pháp của mình lên thế giới tự nhiên. Việc động vật bị triệu tập ra tòa, bị kết án và thi hành án nghe có vẻ phi lý trong thế giới hiện đại, nhưng nó phản ánh một khát vọng kiểm soát và áp đặt trật tự lên một thế giới vốn vận hành theo những quy luật hoàn toàn khác. Roach khéo léo sử dụng những mẩu chuyện lịch sử này không phải để chế giễu quá khứ, mà để làm nổi bật sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận vấn đề ngày nay. Thay vì dùng luật pháp để “trừng phạt”, chúng ta đang dần chuyển sang sử dụng khoa học để “hiểu”. Tại sao con gấu lại vào nhà dân? Tại sao đàn chim lại phá hoại mùa màng? Tại sao cái cây đó lại đổ? Câu trả lời không nằm trong bộ luật hình sự, mà nằm trong các nghiên cứu về tập tính, sinh thái, môi trường sống bị thu hẹp và tác động của chính con người.

Điểm làm nên thương hiệu của Mary Roach chính là khả năng biến những chủ đề khoa học phức tạp, thậm chí có phần rùng rợn hoặc khó chịu, trở nên dễ tiếp cận và đầy hài hước. Trong Fuzz, bà tiếp tục phát huy thế mạnh này một cách xuất sắc. Từ việc mô tả chi tiết cách các nhà khoa học pháp y phân tích mẫu lông gấu để xác định “thủ phạm” cho đến việc kể lại những nỗ lực đôi khi rất kỳ quặc của con người để ngăn chặn động vật “phạm tội” (như dùng hình nộm đáng sợ hay phát những âm thanh kỳ dị), Roach luôn tìm thấy sự dí dỏm trong những tình huống oái oăm nhất. Bà không ngại tự giễu bản thân trong các chuyến đi thực địa, chia sẻ những suy nghĩ cá nhân và những cuộc đối thoại chân thật với các chuyên gia. Chính sự kết hợp giữa thông tin khoa học đáng tin cậy, góc nhìn nhân văn và giọng văn hài hước, thông minh này đã khiến Fuzz trở thành một cuốn sách khoa học thường thức độc đáo, vừa cung cấp kiến thức, vừa mang lại những phút giây giải trí thú vị.

Giải mã tội áccủa thiên nhiên bằng lăng kính khoa học

Trọng tâm của Fuzz không phải là việc kết tội thiên nhiên, mà là nỗ lực giải mã những hành vi bị xem là “phạm luật” ấy dưới góc độ khoa học. Mary Roach đưa độc giả đi sâu vào thế giới của sinh thái học hành vi, di truyền học bảo tồn, khoa học pháp y động thực vật và quản lý động vật hoang dã. Bà cho thấy rằng, những gì con người coi là “phá hoại” hay “gây rối” thực chất thường chỉ là những hành vi bản năng của các loài sinh vật nhằm sinh tồn trong một môi trường ngày càng bị con người xâm lấn và thay đổi. Một con gấu vào khu dân cư tìm thức ăn không phải vì nó “xấu tính”, mà có thể vì nguồn thức ăn tự nhiên của nó bị suy giảm, hoặc vì thùng rác của con người quá hấp dẫn và dễ tiếp cận. Một đàn chim ăn hạt giống trên cánh đồng không phải để “chọc tức” người nông dân, mà đơn giản là chúng đang tìm kiếm nguồn dinh dưỡng cần thiết.

Cuốn sách giới thiệu hàng loạt các phương pháp khoa học đang được áp dụng để hiểu và quản lý những xung đột này. Roach mô tả cách các nhà khoa học sử dụng DNA thu thập từ nước bọt trên vết cắn hay lông còn sót lại để xác định chính xác cá thể động vật nào đã gây ra vụ việc – một kỹ thuật tương tự như trong điều tra tội phạm ở người. Bà khám phá lĩnh vực pháp y thực vật, nơi các chuyên gia có thể xác định nguyên nhân một cái cây đổ (do bệnh tật, do tác động bên ngoài, hay do yếu tố tự nhiên) để phân định trách nhiệm trong các vụ tai nạn. Roach cũng tìm hiểu về các nghiên cứu tập tính, nhằm hiểu rõ hơn về cách động vật di chuyển, kiếm ăn, và phản ứng với sự hiện diện của con người, từ đó xây dựng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn, như thiết kế hàng rào chống gấu, tạo hành lang di chuyển an toàn cho động vật hoang dã, hay sử dụng các chất xua đuổi dựa trên cơ sở khoa học.

Qua những câu chuyện về các nhà khoa học và chuyên gia mà Roach gặp gỡ, Fuzz cũng phác họa bức tranh về những con người đang ngày đêm làm việc ở tiền tuyến của cuộc xung đột người-thiên nhiên. Họ là những nhà sinh vật học phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc di dời hay tiêu diệt một con vật “có vấn đề”, những nhân viên kiểm lâm phải đối mặt với sự giận dữ của người dân khi tài sản bị phá hoại, hay những nhà nghiên cứu cố gắng tìm ra giải pháp cân bằng giữa nhu cầu của con người và sự tồn tại của các loài hoang dã. Roach không né tránh những khía cạnh gai góc và gây tranh cãi của công việc này. Bà thể hiện sự phức tạp trong việc quản lý động vật hoang dã, nơi không có câu trả lời nào là hoàn hảo và mọi giải pháp đều có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn. Sự tận tâm, kiến thức chuyên môn và đôi khi cả sự mệt mỏi của những con người này được Roach khắc họa một cách chân thực và đầy tôn trọng.

Khi chính con người trở thành tâm điểm của vấn đề

Một trong những thông điệp ngầm nhưng mạnh mẽ xuyên suốt Fuzz chính là sự tự vấn về vai trò của con người trong các cuộc xung đột với thiên nhiên. Thay vì chỉ tập trung vào hành vi của động thực vật, Mary Roach liên tục đặt câu hỏi: Liệu có phải chính chúng ta mới là nguyên nhân sâu xa của vấn đề? Việc mở rộng đô thị, phá hủy môi trường sống tự nhiên, thay đổi cảnh quan và thậm chí cả những hành động như để thức ăn ngoài trời hay vứt rác không đúng cách đã vô tình “mời gọi” động vật hoang dã vào những tình huống rắc rối. Roach không đổ lỗi một cách cực đoan, nhưng bà khéo léo chỉ ra rằng, nhiều “tội ác” của thiên nhiên thực chất là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành động của con người. Chúng ta muốn sống gần gũi với thiên nhiên, nhưng lại không chấp nhận những phiền phức đi kèm với sự gần gũi đó.

Cuốn sách không ngần ngại đề cập đến những tình huống tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức và thực tiễn trong việc quản lý xung đột. Phải làm gì với một con báo sư tử liên tục tấn công gia súc? Di dời nó đến một nơi khác liệu có hiệu quả, hay chỉ đơn giản là chuyển vấn đề đi nơi khác hoặc đẩy con vật vào chỗ chết? Việc sử dụng các biện pháp gây chết có phải là lựa chọn duy nhất trong một số trường hợp? Roach trình bày các quan điểm khác nhau, từ những người ủng hộ biện pháp cứng rắn để bảo vệ tài sản và tính mạng con người, đến những nhà bảo tồn nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhân đạo hơn. Bà không đưa ra câu trả lời cuối cùng, mà để độc giả tự suy ngẫm về sự phức tạp của việc tìm kiếm điểm cân bằng. Làm thế nào để vừa bảo vệ lợi ích của con người, vừa tôn trọng quyền sống và không gian sinh tồn của các loài khác? Đây là câu hỏi cốt lõi mà Fuzz đặt ra.

Cuối cùng, Fuzz – Khi tự nhiên phạm luật không chỉ là một cuốn sách khoa học thường thức đơn thuần. Nó là một lời nhắc nhở sâu sắc về mối liên kết mật thiết và không thể tách rời giữa con người và thế giới tự nhiên. Bằng cách vén màn những cuộc xung đột tưởng chừng vụn vặt hàng ngày, Mary Roach đã vẽ nên một bức tranh lớn hơn về những thách thức của việc chung sống trên cùng một hành tinh. Cuốn sách khuyến khích sự tò mò, lòng trắc ẩn và một cái nhìn thực tế hơn về thiên nhiên – không phải là thế giới thần tiên huyền bí, cũng không phải là kẻ thù đáng sợ, mà là một hệ thống phức tạp với những quy luật riêng, đòi hỏi sự tôn trọng và thấu hiểu từ phía con người.

Trích đoạn

“Nguy thay, voi cũng thích chè chén. Ở Bắc Bengal, voi uống thứ mà dân làng thường uống: haaria, loại rượu pha chế tại nhà được lên men và dự trữ với số lượng đủ để làm say một con voi. (Vì voi thiếu enzyme chính để phân hủy ethanol nên cần lượng ít hơn bạn nghĩ). Theo Sĩ quan Raj, có hai điều xảy ra khi voi say xỉn. Hầu hết chỉ lạc đàn và ngủ quên. Nhưng dường như mọi đàn đều có một kẻ say xỉn hung hăng – thường là con đầu đàn hoặc voi đực đang trong kỳ musth. Trên đời, dù bạn có muốn mạo hiếm thế nào chăng nữa thì cũng phải tránh xa một con voi đực say xin.”

***

“Tính toán lượng chất thải mỗi ngày của một loài cũng có thách thức riêng. Một số nhà nghiên cứu đã thử tạo ra một ‘đai phân’ và mặc cho một số động vật. (Đai đặt ở vị trí của ‘túi phân’ – hoạt động ngược với túi đựng thức ăn.) Kết quả sai lệch đến khó lường. Đai đeo cho dê chăn thả bụi của một nhà nghiên cứu có vẻ hạn chế; các con vật không thể đứng ở tư thế ăn vặt bằng hai chân ưa thích của mình, tư thế giúp chúng với đến tầng lá cao hơn. Một nhà nghiên cứu chế độ ăn cho dê sau đó đã công bố bản thiết kế dây đai cải tiến, dù có đến 19 quai da, nhưng con dê vẫn có thể đứng rướn trên hai chân. Một nhược điểm nhỏ, vài con dê không bị đeo đai, đúng như tập tính dê, đã ăn dây đai của bè bạn. Làm khoa học không hề đơn giản.”

***

“Khi động vật đối mặt với kẻ săn mồi, chạy trốn chỉ là một lựa chọn. Động vật có vú dựa vào nhiều đặc điểm và hành vi khác nhau mà qua hàng thiên niên kỷ đã giúp chúng tăng khả năng sống sót đủ lâu để truyền lại trong gene. Chồn hôi phun ra mùi hôi thối, nhím khoác trên mình bộ phi tiêu. Khi ‘kẻ săn mồi’ là ô tô đang chạy quá tốc độ, những chiến thuật này có thể không hiệu quả hoặc kém thích ứng đến bi thảm. Rùa dừng lại trên đường đi của mình (và của bạn) rồi rút đầu vào mai. Hươu có thể đứng hình để tránh bị phát hiện giữa những tán cây. Sóc và thỏ chạy ngoằn ngoèo giữa đường. Khi sát thủ là diều hâu đã tính toán trước điểm giao nhau giữa đường đi của mình và con mồi, đột ngột thay đổi đường đi có thể cứu mạng bạn. Khi sát thủ là phương tiện trên đất liền, chiến thuật này sẽ cản trở nỗ lực tránh con vật của người cầm lái.”

Nhận xét của báo chí

“Lời văn của Roach hiện lên như một niềm hân hoan – một sự hòa trộn đầy hứa hẹn của giai thoại, nghiên cứu và suy ngẫm… Mary Roach là cây viết khoa học dũng cảm nhất – và giàu lòng thấu cảm nhất – mà chúng ta có được.”

Emily Rapp Black, Boston Globe

“Đầy những sự thật kỳ lạ và những thông tin hoang dã ghi nhận tận-hiện-trường… Trong suốt hành trình của mình, Roach đã ghi lại phản ứng của con người đối với hành vi ‘phạm tội’ của các loài động thực vật, từ những phản ứng hài hước đến những phản ứng khác đáng lo ngại hơn, khiến người đọc đôi khi choáng váng song luôn thích thú.”

Joe Spring, Smithsonian

Về tác giả

Mary Roach là tác giả của 5 tựa sách bestseller thể loại phi hư cấu, gồm: STIFF, SPOOK, BONK, GULP, GRUNT và mới đây nhất là FUZZ. Các cuốn sách của Roach đã được xuất bản sang 21 ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các bài viết của bà cũng được đăng trên National Geographic, New York Times Magazine, Wired, Journal of Clinical Anatomy… cùng các ấn bản khác.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Hướng về ngày vui thống nhất: 7 tác phẩm không thể bỏ qua nhân dịp đại lễ 30/4

Published

on

Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), đây là thời điểm ý nghĩa để cùng suy ngẫm về một giai đoạn lịch sử trọng đại, đầy biến động và giàu cảm xúc của dân tộc. Và trong hành trình khám phá lại chiều sâu của cuộc chiến, cùng những diễn biến phức tạp trước, trong và sau cột mốc lịch sử này, sách chính là người dẫn đường đáng tin cậy, mở ra nguồn tri thức và những góc nhìn vô giá. Các cuốn sách được giới thiệu sau đây, từ lịch sử một phi trường trọng yếu, sự thật trần trụi về tội ác chiến tranh, di chứng chất độc màu da cam, cuộc đấu tranh thầm lặng trong lòng đô thị, đến bằng chứng chủ quyền biển đảo hay hành trình của người lính, sẽ góp phần mang đến cho độc giả cái nhìn đa chiều và chân thực hơn về quá khứ hào hùng nhưng cũng lắm đau thương này. 

***

100 Năm Phi Trường Tân Sơn Nhất

"100 năm phi trường Tân Sơn Nhất" của nhà báo Quốc Việt là hành trình khám phá lịch sử đầy biến động của sân bay quan trọng bậc nhất Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở lai lịch một sân bay, cuốn sách – kết quả của hơn 3 năm nghiên cứu công phu, còn mở ra bức tranh rộng lớn về lịch sử miền Nam, đất nước và ngành hàng không Việt Nam qua hai thế kỷ. 

Từ những phi công Việt đầu tiên thời Pháp thuộc sang giai đoạn chiến tranh khốc liệt, đến nỗ lực vươn mình của Vietnam Airlines sau năm 1975 và cả những vấn đề xã hội nóng bỏng tưởng chừng rất mới nhưng đã mang gốc rễ từ quá khứ... tất cả đều được tái hiện một cách sống động. Sách hé lộ nhiều câu chuyện và sự thật bất ngờ, khẳng định việc thấu hiểu quá khứ sân bay Tân Sơn Nhất – nơi thấm đẫm ký ức và máu xương người Việt – là chìa khóa để soi chiếu hiện tại và định hình tương lai. Một cuốn sách giàu thông tin và vô cùng đáng đọc cho những ai yêu Sài Gòn và lịch sử Việt Nam.

Lực Lượng Mãnh Hổ

"Lực lượng Mãnh Hổ" là công trình điều tra không khoan nhượng của hai nhà báo đoạt giải Pulitzer, Michael Sallah và Mitch Weiss, về tội ác chiến tranh gây rúng động của một đơn vị tinh nhuệ Mỹ tại miền Trung Việt Nam. Cuốn sách phơi bày câu chuyện về "Tiger Force", một trung đội viễn thám thuộc Sư đoàn Dù 101 đã gây ra nhiều hành vi tàn bạo đối với dân thường ở vùng Quảng Ngãi - Quảng Tín trong suốt năm 1967.

Dựa trên loạt bài báo đoạt giải Pulitzer, các tư liệu từ hồ sơ mật bị chôn vùi suốt 30 năm cùng lời kể của các cựu binh, cuốn sách phơi bày chân thực sự tha hóa của đơn vị và nỗ lực điều tra bị cản trở sau đó. Với lối viết tường thuật khách quan, mạnh mẽ như một cuốn phim tài liệu, "Lực lượng Mãnh Hổ" buộc người đọc phải đối mặt với sự thật trần trụi, đau đớn về chiến tranh, đặt ra những câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm, nhân quyền và mặt tối của con người. Một tác phẩm quan trọng để chiêm nghiệm lại cuộc chiến Việt Nam từ một góc nhìn gai góc và ít được biết đến.

Đặc Khảo Về Hoàng Sa - Trường Sa

"Đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa" là toàn văn nội dung chuyên đề đặc khảo Hoàng Sa - Trường Sa trên tập san Sử Địa, do Tiến sĩ Nguyễn Nhã chủ biên. Cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu nền tảng và công phu của nhiều học giả uy tín như Hoàng Xuân Hãn, Thái Văn Kiểm, Võ Long Tê...

Nội dung sách cung cấp những bằng chứng vững chắc về chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, dựa trên sử liệu cổ Việt Nam, tài liệu phương Tây, phân tích địa danh học và các hoạt động thực thi chủ quyền thực tế. Việc tái bản công trình khoa học nghiêm túc này không chỉ mang nguồn tư liệu quý giá trở lại với độc giả đương đại mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Biển Đông hiện nay. Đây là tài liệu tham khảo thiết yếu, góp phần khẳng định sự thật lịch sử và củng cố cơ sở pháp lý trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mùa Xuân Vắng Lặng - Mùa Thu Chết Chóc Của Chiến Tranh Việt Nam

"Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam" của cựu binh Mỹ Patrick Hogan không chỉ là một cuốn hồi ký cá nhân. Đó còn là một hành trình điều tra sâu sắc, vạch trần sự thật bị che giấu về hậu quả tàn khốc của chất độc da cam đối với chính những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Sách phơi bày nghịch lý đau lòng: nhiều cựu binh sống sót qua bom đạn nhưng lại phải đối mặt với hàng loạt bệnh tật nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ do phơi nhiễm hóa chất độc hại, để lại di chứng kéo dài sang các thế hệ con cháu.

Xuất phát từ chính trải nghiệm bệnh tật của bản thân và chứng kiến sự ra đi của bạn bè, cùng sự thôi thúc sau khi nghe bài phát biểu của Tổng thống Obama năm 2012, Hogan quyết tâm theo đuổi cuộc điều tra. Ông đã đương đầu với hệ thống quan liêu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (DVA), khai thác kỹ năng cảnh sát và lật lại hồ sơ mật để tìm kiếm sự thật, truy đòi công lý. Được ví như "viên đạn bạc đấu tranh cho lẽ phải", cuốn sách là lời trần thuật chân thực về những vết sẹo thể chất, tinh thần và cuộc chiến dai dẳng của các cựu binh Mỹ sau cuộc chiến. 

Đường 20 Quyết Thắng: Lịch Sử, Địa Danh, Sự Tích Và Tri Ân

"Đường 20 quyết thắng: Lịch sử, địa danh, sự tích và tri ân" là một lát cắt đặc biệt trong bức tranh kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Cuốn sách không chỉ ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng, mà còn là lời tri ân sâu sắc đến những người con của đất nước đã để lại tuổi thanh xuân trên những cung đường máu lửa.

Từ những địa danh trọng điểm như Ngầm Ta Lê, Hang Tám Cô, Dốc Ba Thang,… đến các câu chuyện đầy xúc động về những người lính, thanh niên xung phong, công binh từng bám trụ nơi rừng sâu nước độc – tất cả đều được tái hiện bằng lời văn chân thực và giàu cảm xúc. Mỗi trang sách như một dấu chân lặng lẽ trên con đường lịch sử, nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau về cái giá của độc lập, tự do.

Hồi Ức Sài Gòn Thời Chiến Tranh

"Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh" mang đến một góc nhìn đặc biệt về thành phố trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, qua lời kể của Luật sư Triệu Quốc Mạnh – người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn và là một nhân vật then chốt trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Cuốn sách là tâm huyết của một người từng giữ vị trí thẩm phán, sau đó bí mật hoạt động cách mạng và được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đô thành Sài Gòn - Gia Định vào tháng 4/1975.

Tác phẩm khắc họa Sài Gòn như một "tuyến đầu vĩ đại", nơi người dân vừa đấu tranh kiên cường, vừa đùm bọc lẫn nhau, làm nên những phong trào phản chiến mạnh mẽ. Cuốn sách tái hiện các giai đoạn lịch sử từ 1874 đến 1975, lý giải "tinh thần dân Sài Gòn" đã góp phần giữ gìn thành phố nguyên vẹn. Sách cung cấp tư liệu quý giá, giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn về sức mạnh nội tại và cuộc đấu tranh anh hùng của Sài Gòn, thành phố "hiếu hòa nhưng rất cương quyết chống lại áp bức".

Bút Ký Lính Tăng: Hành Trình Đến Dinh Độc Lập

Không chỉ là một tập hồi ký thông thường, "Bút ký lính tăng: Hành Trình Đến Dinh Độc Lập" còn là một  minh chứng sống động cho chặng đường đầy gian nan của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Được viết bởi một chiến sĩ xe tăng trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử, tác phẩm là lời kể chân thành từ người trong cuộc về hành trình hàng nghìn cây số, qua bao ngày đêm khốc liệt để đến ngày chiến thắng.

Tác giả không né tránh hiện thực nghiệt ngã, khắc họa đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc và trải nghiệm của người lính: từ mất mát, hy sinh đến vinh quang; từ sự anh hùng, cao thượng đến cả những phút giây yếu lòng hay thấp hèn. Cuốn sách đập tan những suy nghĩ giản đơn về chiến tranh, phơi bày chiều dài không gian, thời gian và cái giá phải trả cho hòa bình.

Với tấm lòng thành kính, tác phẩm như một "nén tâm nhang" dâng lên những đồng đội đã ngã xuống, đồng thời là món quà tinh thần ý nghĩa gửi tặng những người lính năm xưa. Họ, những người lính đã rời quân ngũ, đã tiếp tục "chiến đấu" kiên cường trên mặt trận đời thường, mang theo ký ức và nghị lực không bao giờ tắt từ những năm tháng hào hùng ấy. 

Hoàng Thảo

Đọc bài viết

Cafe sáng