Top sách hay

Hồ sơ mật: Danh sách xếp hạng văn học 2020

Published

on

2020 là một năm đầy khó khăn. Hẳn nhiên đó là điều ta dễ và phải chấp nhận. Thế nhưng trong cơn bĩ cực của ánh sáng tối tăm, một vài cánh tay vẫn đang nhoài ra cố gắng kết nối với nhau, giữa người với người, cho những điều tốt đẹp. Nhưng nếu chưa gặp đúng cánh tay của riêng bản thân mình thì 15 cánh cửa văn học sau đây hy vọng sẽ là nơi trú ngụ cho những đôi cánh đã quá rã rời, từ nhẹ đô nhất đến nặng lòng nhất, với một tiêu chí chấm hạng không thể free-style hơn nữa. Xin mời bước vào hành trình đi đến tận cùng đêm tối.

*

15. Phố Hoài (Trần Thị Trường)

Nhà văn của phụ nữ – Trần Thị Trường – đã trở lại với Phố Hoài sau hơn 10 năm ấp ủ. Có thể nói với cuốn sách này, Trần Thị Trường lần đầu tiên thiết lập nên kho từ điển về thời bao cấp bằng chính các nhân vật, câu chuyện và đủ thứ thượng vàng hạ cám hiện diện trong này. Thông qua những nhân vật gặp nhiều trắc trở và đầy biến động theo suốt chiều dài lịch sử, Trần Thị Trường, như người canh gác khu phố hoài niệm, lắng nghe tiếng gió một buổi chiều xưa để ghi chép lại, để tưởng nhớ lại một thời gian khó mà cũng đẹp đẽ với sự sẻ chia.

Phố Hoài (Trần Thị Trường)
Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam

Cũng chính như nơi tên gọi của cuốn sách này, Phố Hoài sẽ mãi còn đó, vọng mãi, vọng hoài, vọng dài đến độ phức tạp trở thành yếu điểm. Để nói về cái chưa được nhất của cuốn sách này thì đó là độ lê thê, thế nhưng bởi ai cũng thích giật gân những trò cấm cản, nên nó đứng đó và là chứng nhân cho thói buôn chuyện chưa khi nào ngơi. Bởi lẽ, mượn một câu từ Trần Thùy Mai, có ai buôn nhân nghĩa mà trông có lời hay không?

14. Phong cảnh bên này (Vương Mông)

Là một trong những tác gia Trung Quốc được in nhiều nhất ở tại Việt Nam từ tiểu thuyết đến sách nghiên cứu sử học, triết học, Vương Mông từ lâu cho thấy văn nghiệp trải dài với nhiều đỉnh cao, mà một trong số đó không thể không nhắc đến Phong cảnh bên này – bộ thiên trường tiểu thuyết về đời sống tộc người Tân Cương ở thời giao hòa hậu Cách mạng văn hóa, phong trào Tứ Thanh. Bởi lối tuyên truyền đi từ mặt xấu và cái phiến diện mà Phong cảnh bên này đã phải đắp chăn lên bờ xuống ruộng đến hơn 40 năm mới được xuất bản. Tuy thế ở thời điểm này ngay khi ra mắt, giới độc giả trẻ đã đón nhận vô cùng nồng nhiệt và ngay lập tức đoạt giải Mâu Thuẫn lần 9 năm 2015.

Phong cảnh bên này (Vương Mông)
Ảnh: minh.

So sánh một cách không hề khập khiễng, những ai yêu quý Sông đông êm đềm chắc hẳn sẽ thích Phong cảnh bên này như cuộc đối thoại của hai tư tưởng, hai nền văn hóa. Nhưng xét hơn 40 năm vụt qua như một ánh chớp, Phong cảnh bên này vẫn không thoát khỏi bàn tay của sự lỗi thời với lối tuyên truyền đậm chất Cách mạng. Nhưng về tài năng và những kỹ nghệ của chính Vương Mông từ thời kỳ ấy, hiếm có một ai tỉ mỉ mà đầy Dumas một cách như thế.

13. Biên sử nước (Nguyễn Ngọc Tư)

Là một trong những nhà văn Việt Nam “bán vạn bản”, Nguyễn Ngọc Tư từ lâu đã chứng minh được vị thế độc tôn của mình ở dòng văn học sông nước đậm tính miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, không dừng ở đó, với cuốn tiểu thuyết thứ hai (sau Sông) như khởi đầu cho một lãnh địa mới, nhà văn đoạt giải Liberaturpreis 2018 đã kịp làm mới và thay máu văn chương chính mình.

Review Biên sử nước: Tới thời thoát thai
Ảnh: Nhà Sách Phương Nam

Với cuộc hành trình đi tìm trái tim Đức ngài trong hơn hai ngàn không trăm bốn mươi sáu ngày và những hệ lụy sau đó, Biên sử nước tiếp nối những di sản trước khi một lần nữa viết tiếp những thân phận đàn bà long đong chìm nổi trong cái mặn mòi của xứ cù lao bằng một thể nghiệm không mới, nhưng rất cần thiết cho chính tác giả. Dũng cảm, súc tích mà đầy cảm xúc, Biên sử nước như một nhận định, là cú thăng hạng cần thiết cho sự nghiệp của Nguyễn Ngọc Tư. Thế nhưng nhìn nhận một mặt khách quan, Biên sử nước rõ ràng là mới với Nguyễn Ngọc Tư, nhưng không hề lạ với giới độc giả. Chiều sâu, tưởng tượng, đối thoại, kích thích là thứ mà Biên sử nước cần; để không hòa mình, hòa tan, lợn cợn và bì bõm trong dòng sáng tạo của văn học mới Việt Nam.

12. Vòm rừng (Richard Powers)

Với chuẩn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer, Vòm rừng ẩn chứa trong mình độ dày tuyệt đối, tính chính trị dằng dai và khả năng bị cắt rất cao từ (những) tiến sĩ văn chương thích ngồi cào phím khua môi múa mép và bầy tùy tùng lúc nhúc theo sau nếu có cơ may Powers là người Việt Nam. Thế nhưng khác với Donna Tartt khi những chiêm nghiệm mỗi người mỗi khác, Richard Powers lần này đã chạm được tay vào vấn đề nhức nhối không thể không thấy khi kết hợp được lĩnh vực sinh thái cùng với văn chương dựa trên thần thoại, mà ở đây là thần thoại Bắc Âu.

Review Vòm rừng: “Bản hùng ca Moby Dick trên cạn”
Ảnh: I Love Books

Vòm rừng vĩ đại như một cái cây, từ đó tỏa ra nhiều nhánh là nhiều nhân vật – nơi họ gặp nhau, tụ lại, phân chia, tách dòng rồi sẽ phong môi một kiếp nào đó. Lối viết của Richard Powers vốn dĩ loằng ngoằng, đặc biệt như những dây leo vươn ra mọi phía đón lấy ánh sáng; thế nên chuyển ngữ là việc khó khăn, vì những dây leo vốn khó đánh bại, dịch thuật như cách đè nén – cương quá hóa gãy, nhu quá hóa lìa; và bản Việt ngữ là nạn nhân tiếp theo của lối kháng cự tầng tháp Babel. Có những cuốn sách rất khó hoặc không thể dịch (một cách trọn vẹn) và tin chắc rằng Vòm rừng thuộc về phe đó. Nhưng cũng nên nhớ bất toàn vẫn đẹp. Chí ít đã đẹp một cách nào đó.

11. Mình cần nói chuyện về Kevin (Lionel Shriver)

Tuy không thuộc thể loại trinh thám – kinh dị thế nhưng tác phẩm quan trọng nhất của Lionel Shriver này có thể khiến bất cứ ai rùng mình chỉ sau một nửa cuốn sách. Được viết dưới hình thức trao đổi thư từ của cặp vợ chồng sau ngày thứ 5 bi kịch tìm tới; cuốn sách kỳ lạ, hung hăng mà đầy sắc bén này kể về mối quan hệ đối nghịch giữa mẹ và con trai trong những khúc mắt lớn lên từ từ. Liệu người mẹ thành công và có mọi thứ để rồi mang thai chỉ như nghĩa vụ có thể truyền đi cảm nhận hay mã di truyền nào đó cho cậu con trai để sự căm ghét, lạnh lùng ngày càng đến gần trở nên bộc phát?

Review Mình cần nói chuyện về Kevin và công cuộc trả đũa bạo tàn
Ảnh: BachvietBooks

Mình cần nói chuyện về Kevin là cuốn tiểu thuyết tâm lý, sắc sảo, ngộp thở và đầy choáng váng – một lần xuất hiện rồi sủi bọt tăm, để đến sau này khó ai tả được cái vỏ lạnh lùng mà đầy thách thức như cuốn sách này một lần đã từng. Từng chiến thắng giải Orange năm 2003, được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2011 với nhiều đề cử danh giá cho giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes, giải BAFTA, giải Quả cầu vàng… Mình cần nói chuyện về Kevin quan trọng và là độc nhất cho đến ngày nay.

10. Tuổi thơtừ bộ trilogy Những cảnh đời tỉnh lẻ (J. M. Coetzee)

Được biết đến như một trong những nhà văn mai danh ẩn tích nhất trên thế giới, bộ ba Những cảnh đời tỉnh lẻ là cơ hội hiếm hoi mà một J. M. Coetzee yếm thế, xanh xao và có phần nào bạc nhược lần đầu tiên hiện lên tỏ tường trước mắt người đọc. Bộ ba lướt ngang lần lượt từ khi còn nhỏ nơi bình nguyên Karoo với nhiều biến động trong Tuổi thơ để đến với khoảng thời gian chạy sang nước Anh vòng tránh chiến tranh và giảng dạy tại đại học Buffalo trong Tuổi trẻ. Mùa hè khép lại một vòng tuần tự bằng sự kiện phản đối Chiến tranh Việt Nam và Coetzee bị buộc trở về Nam Phi vào năm 71, 72; mở đầu cho một văn nghiệp hoàng huy với hai giải Booker và Nobel Văn chương.

Review Những cảnh đời tỉnh lẻ: Tự vạch trần nội tâm của người đàn ông yếm thế
Ảnh: Nhà Sách Phương Nam

Có thể nói trong bộ trilogy này, Tuổi thơ là cuốn hay nhất và kỳ lạ nhất bởi nó vượt thoát khỏi những motif nhân vật thường thấy của vị giáo sư nơi trường đại học hay một lão già ở vùng biên giới; để đến với cái yếm thế trong một vỏ bọc vô cùng ẩn danh, đến với bản nguyên lạ kỳ mà đầy sức hút – từ cuộc trốn chạy làn sóng hư danh mà Pychon ơi, hãy đến và bắt tay đi – chính kẻ đồng mộng dị sàng đầy trân quý này.

9. Những thứ trong suốt (Vladimir Nabokov)

Một cuốn sách lãng mạn, mơ màng và rất đỗi trong trẻo. Tiếp nối sự thành công nội vi của các cuốn tiểu thuyết Nabokov mà ông đã dịch trước đó, trong năm nay Thiên Lương có dịch thêm hai cuốn của thi hào Nga: Phòng thủ Luzhin Những thứ trong suốt.

Những thứ trong suốt (Vladimir Nabokov)
Ảnh: Thiên Lương

Với dung lượng ngắn và cốt truyện không có trình tự làm cuốn sách trở nên dễ dàng và hữu tình đến lạ, Những thứ trong suốt kể về bốn cuộc viếng thăm một ngôi làng nhỏ ở Thụy Sĩ của Hugh Person – bốn câu chuyện hoàn toàn khác nhau với mục tiêu và thủ đoạn hoàn toàn khác biệt. So với người anh em của mình, Phòng thủ Luzhin có những thứ mà cuốn tiểu thuyết nhỏ này không làm được: một cấu trúc hoàn hảo và hình thức luận siêu hình thông qua bộ môn cờ vua và chuyện tình yêu của Luzhin cũng rất xuất sắc, nhưng Những thứ trong suốt có những thứ lóng lánh khác, đó là một áng văn nguy hiểm, lập dị và cơ hội để ngôn từ của Nabokov về đúng sự lãng mạn của nó. Thiên Lương là một người dịch biến động, nhưng với những cuốn mỏng như Pnin Mây, hồ, tháp, ông có một sự kìm hãm mình nhất định, thứ văn chương ông dịch ra bớt khó hiểu hơn, từ đó làm cho ta gần Nabokov hơn, không phải là Nabokov gần ta, theo một cách nào đó.

8. Người đến từ Mariupol (Natascha Wodin)

Là một tiểu thuyết – bán tự thuật dựa trên những sự kiện có thật trong gia đình nhà văn người Đức gốc Ukraine – Natascha Wodin – cuốn tiểu thuyết nổi bật này đi qua như cơn bão quấy làm tan tác một cây gia phả. Như lời trần tình khi viết cuốn sách này của chính tác giả “Nạn nhân sống sót từ trại tập trung trở về đã viết nên hàng loạt tác phẩm văn chương mang tầm quốc tế, sách họ viết về nạn diệt chủng đối với người Do Thái xếp đầy thư viện, thế nhưng những công nhân không phải Do Thái hồi đó bị bắt đi cưỡng bức lao động, lại im lặng, chẳng ai viết lách gì”, vì thế nó cũng quan trọng như Svetlana một lần đã từng.

Người đến từ Mariupol (Natascha Wodin)
Ảnh: minh.

Với Người đến từ Mariupol, Natascha đã viết về một thế hệ người Ukraine chịu ách gông kìm của hai nền độc tài chính trị đồng thời, về những vô luân họ đã gặp phải – thế hệ mất đi tiếng nói, niềm tin, và sẽ chẳng bao giờ trở lại như trước. Dữ dội mà xót xa, hùng hồn mà đầy cảm xúc; Người đến từ Mariupol là một tiểu thuyết dũng cảm. Thế nhưng nhỏ bé ở một góc độ, Natascha Wodin vẫn chưa phân loại được tiểu thuyết này để biến nó ra sống đời riêng lẻ, tách bạch khỏi dòng ghi chép về Holocaust ngập tràn kệ sách.

7. Jude – Kẻ vô danh (Thomas Hardy)

Một sự bắt đầu và là kết thúc. Kết thúc sự nghiệp viết tiểu thuyết của Thomas Hardy và mở ra một thế giới tiểu thuyết hiện đại mới. Guardian viết như thế trong bài đánh giá 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất mọi thời đại. Và Jude đứng thứ 26, trên cả Bà Dalloway. Với một giọng văn mẫu mực, đậm chất hiện thực, Hardy tiếp tục sử dụng cấu trúc nhân vật chính để kể về địa hạt Wassex tưởng tượng, nơi xuất hiện trong cả Far From the Madding Crowd Tess of the d’Urbervilles.

Jude – Kẻ vô danh (Thomas Hardy)
Ảnh: ELLE

Cũng với một câu chuyện ấy, về Jude Fawley và rất nhiều nhân vật nữ và sự cởi về câu chuyện tình dục không làm xóa nhòa đi chất hiện thực và mở lối cho tiểu thuyết một con đường mới, song chấm dứt sự giáo điều của phong cách cũ giữa lòng thời đại Victoria, một nước Anh cũ xưa nghèo khổ. Không có những kịch tính như Far From the Madding Crowd, Jude là một thước truyện thể nghiệm bằng cách cắt ngắn những xung đột để đi vào thể hiện nội tâm và phản tỉnh của tác giả với cái nhìn hiện thực cuối cùng của mình, một hiện thực bẻ vỡ bằng tình dục và những danh tiếng. Kết cục vẫn như cũ, con nòng nọc trong ao tù vẫn không kịp hóa ếch mà tan với sự suy đồi nhân tính của mình. Nguyễn Thành Nhân là một người dịch tốt, trung thành, một cuốn sách an toàn, đúng như tinh thần cổ điển của nó.

6. Người giao sữa (Anna Burns)

Thật kỳ lạ (hay không lạ kỳ) khi một tác gia người Ireland có thể am hiểu về vòng bát quái một cách trọn vẹn như Anna Burns, bởi lẽ trong cuốn sách đoạt giải Booker này, có một vòng tròn với hai đầu xoáy đi ngược vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau, không có điểm dừng là điều hiển hiện. Ít ra bằng sự loạn trí (hay cũng có thể bởi do hormone của tuổi mới lớn hoặc Alzheimer đang tiêu hóa dần những tế bào não) mà Burns đã bày ra được thế cờ với 64 quân hầu đằng đằng sát khí mà đạn đã sẵn lên nòng chỉ còn chờ bắn vào ai dũng cảm đọc nó. Quân vương luôn luôn nấp sau ả hậu, cũng là chính trị nấp sau văn chương, là duy ý niệm nấp sau vô phương ngàn hướng, là cái giả khờ nấp sau khôn ngoan…

Người giao sữa (Anna Burns)
Ảnh: ictvietnam.vn

Người giao sữa là áng văn như thế, là bức màn chia hai, là phông nền hắt bóng – là nó nhưng không phải nó – là người giao sữa nhưng không phải người giao sữa. Ai như đang muốn vào trại tế bần hãy đi vào đây với bầu không khí ngập tràn cổ tích – nơi mà tiên tử được gắn súng ống còn kẻ phàm trần trở nên ngu ngơ. Rất Anna Karenina – ngoại tình tiên phong. Rất Burns – nhiều kiểu bùng cháy.

5. Trường ca Achilles (Madeline Miller)

Mất hơn 10 năm để hoàn thành một áng sử thi thoát xác ra khỏi cốt truyện đã quá quen thuộc của Odyssey. Với Trường ca Achilles, Madeline Miller đã chọn con đường không mấy dễ dàng. Một điều phải khẳng định rằng, đây không phải là một fan-fic bắt nguồn từ trong Homer, mà nó độc lập, có chỗ đứng, có ảnh hưởng và tầm quan trọng riêng. Từ việc tách Achilles khỏi những điển tích vốn dĩ quen thuộc đến việc đẩy Patroclus thành nhân vật chính; Madeline từng bước khử đi dáng vẻ bao trùm ở nơi tổng thể, mang đến người đọc một lãnh địa riêng với cuộc tình đẹp đến vô tường tận của hai anh hùng vượt thoát khỏi những số mệnh, bi kịch, trả thù, tỵ hiềm, tai ương.

Trường ca Achilles (Madeline Miller)
Ảnh: minh.

Có những tác gia trong suốt sự nghiệp loanh quanh tìm tiếng nói riêng, tìm gió phong môi phôi thai ý niệm; nhưng Madeline Miller dường như không cần điều đó, vì vốn dĩ Trường ca Achilles đã là quá nhiều và là tất cả. Từng chiến thắng giải Orange năm 2012, Trường ca Achilles đến nay vẫn chứng tỏ sức hút của bản thân mình khi một lần nữa quay trở lại danh sách bán chạy của tờ The New York Times đầu tháng 12 năm nay sau hơn 10 năm phát hành.

4. Tuyển tập Modiano (Patrick Modinano)

Nếu Séc là nền văn chương được giới thiệu nhiều nhất trong năm vừa qua, thì Modiano lại là tác gia được dịch nhiều nhất với 4 đầu sách – những trước tác tiêu biểu cho sự nghiệp lãng quên. Rõ ràng rằng ai cũng có thể tuyên bố Modiano một màu, nhưng sự một màu đó ẩn chứa ngập tràn sắc độ. Ông một màu nhưng không một màu mà một màu đó vận động trong chính khoảng không chỉ có một màu, với những nhân vật không hơn một màu nối dài như chuỗi những phim âm bản để màu lãng quên thành ra nhiều màu, thành khoảng ombre đầy tràn sắc độ, mà “trường đoạn đau đớn ở ga tàu điện ngầm George-V” hay “cuộc truy hoan bi thảm” là những cấp độ bị lỗi kỹ thuật khi những màu sắc đè chồng lên nhau, bởi sự đãng trí, cái lãng quên, người mẹ Bắc Phi, người cha cách mệnh, người em đã xa.

Tuyển tập Modiano (Patrick Modinano)
Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Cũng giống như bộ trilogy từ Coetzee, Những đại lộ vành đai, Kho đựng nỗi đau, Hoa của phế tíchCon chó mùa xuân là những phong hóa của xứ Paris đã thành rêu phủ, với chuỗi nhân vật work-in-progress không ngừng kết thúc từ cuốn sách này đến cuốn sách kia. Ai không ngại cuộc đời hai màu, xin vào cửa này!

3. Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông (Jan Neruda)

Chưa khi nào văn học Séc được mùa như năm vừa qua. Việc in tiếp tục Čapek, Kundera, tái bản Kafka hay giới thiệu mới Hašek đã cho thấy sức sống mãnh liệt của nền văn học này, mà một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 19 – Jan Neruda cũng đã kịp đến với độc giả Việt Nam.

Tương tự Sue với bộ Bí mật thành Paris hay Zola với bộ Ba thành phố, Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông cùng kết cấu đơn giản, các nhân vật mới lạ trong sự quan sát đầy tự nhiên đã khắc họa thành công một xã hội đương thời đầy tỵ hiềm, ganh ghét, ích kỷ, vụ lợi; nhưng cũng đồng thời qua đó, sự yêu thương, nỗi đồng cảm và những cánh tay dang rộng vẫn luôn chào đón. Một tập truyện ngắn vô cùng quan trọng. Và tác phẩm của Neruda như một hí trường ngập tràn tính cách từ những nhân vật – ta cứ vào đấy và hãy dạo chơi; mua vé, đến cửa và ngồi nghe hát – cả một xã hội đầy những drama (karma) sẽ đến bên bạn.

2. Hồ sơ Rachel (Martin Amis)

Cuốn tiểu thuyết đầu tay hoang dã và đầy thô vụn của Martin Amis – một trong 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945 đến nay – đã khắc họa được một tuổi trẻ bật tung nội lực trong những biến động vô cùng cá nhân: về cuộc sống, sự trưởng thành, những khám phá dục tính và những trách nhiệm đầu đời.

Hồ sơ Rachel (Martin Amis)
Ảnh: Báo Sinh viên Việt Nam

Tiếp nối thế hệ Beat nhưng đã thoát khỏi con đường ngự trị của thời kỳ jazz vàng son mà Kerouac là một đại diện xuất sắc; với Hồ sơ Rachel, nhân vật Charles Highway của Amis biến thân trở thành một trong những tượng đài châm biếm xã hội trong nét thô vụng, kệch cỡm, gợi tình mà đầy sức hút. Một tác phẩm không thể bỏ qua. Nào, Kerouac! Hãy bỏ chiếc xe cà tàng chạy suốt mùa đông mùa hạ, những cảnh trần truồng, những ngôi nhà chứa ở Mễ Tây Cơ – lại đây mà ngồi với nhau, hai ta sẽ có một cuộc đời khác – mở toang, phóng túng, hư hao, chơi bời nhưng đầy e sợ trong trái tim kia – nếu gặp Amis, cho tôi gởi lời chào, đến Kerouac.

1. Người trong gương (Will Eaves)

Người trong gương là một tiểu thuyết mê lộ tuôn trào đa góc nhìn, một vùng không gian thấm đẫm tính Kafka dàn phẳng. Với tác phẩm này, tiểu thuyết gia người Anh Will Eaves đã dựa trên câu chuyện có thật vào những ngày cuối đời của nhà toán học, logic học và mật mã học Alan Turing để khắc họa nên một tâm hồn cô độc, một số phận đã quá mỏi mệt cho những trầm kha ông phải gắng chịu.

Review Người trong gương: Những siêu hình tâm trí
Ảnh: I Love Books

Đây rõ ràng là một tác phẩm không hề dễ đọc khi cấu trúc thường thấy nơi tiểu thuyết hiện đại bị phá vỡ để đến với những ảo ảnh đan chồng, những dằn xé nội tâm để rồi mắc kẹt trong mê cung của đêm trường tăm tối. Kết hợp giữa hiệu ứng màn trập chuyển cảnh với tốc độ nhanh, những miêu tả đẹp đẽ vô song cùng những hình tượng đậm tính thần thoại; một khi đã hòa vào đây, đã sống một cuộc đời khác cùng Alan Turing, người đọc sẽ như Theseus cùng sợi chỉ đỏ bước ra về phía ánh sáng khỏi hang quái vật.

*

Ngoài ra do bức tường chữ của top 15, những cuốn sách như Chiếc xe đạp bị mất cắp từ Ngô Minh Ích, Nàng tóc đỏ của Orhan Pamuk, Trong khi chờ Bojangles của Olivier Bourdeaut hay Kho báu bị nguyền rủa của Michel Bussi là không thể không gọi tên và rất xứng đáng để được ghi nhận. Những tên tuổi sau đây cũng rất ngang sức nhưng không có trong danh sách chỉ bởi tác giả vẫn chưa đọc xong, hoặc chưa có cơ hội đọc. Bao gồm Những cậu bé kẽm của Svetlana, Châu Phi nghìn trùng của Isak Dinesen, Chết giữa mùa hè của Yukio Mishima, Căn phòng Giovanni của James Baldwin, Chuyện trẻ con của A. S. Byatt…  Ngoài ra những tên tuổi hot nhưng đầy thất vọng cũng đã không thể góp mặt trong này, mà hiển hình là 2666 trước một Đêm Chile đầy ngập hào quang. Xin cúi đầu nhận lỗi.

Hết.

minh.

Book trailer

HÃY KỂ TÔI NGHE SỰ THẬT VỀ TÌNH YÊU- Những RED FLAG điển hình qua 13 câu chuyện trị liệu cặp đôi

Published

on

By

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu – tác phẩm nghiên cứu vừa được Phương Nam Book phát hành – của nhà trị liệu tâm lý Susanna Abse là một chuyến du hành đầy mê hoặc vào thế giới nội tâm phức tạp của tình yêu và các mối quan hệ.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu xoay quanh chủ đề muôn thuở: tình yêu đôi lứa. Ngay từ những trang đầu tiên, Susanna Abse đã khẳng định một cách dứt khoát: Tình yêu đôi lứa là trọng tâm của đời sống con người. Bằng chứng là dù xã hội có phát triển hiện đại đến đâu, dù khoa học kỹ thuật có tiến xa đến nhường nào, thì bản năng khao khát kết nối, tìm kiếm một nửa yêu thương vẫn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Chúng ta sinh ra là để yêu và được yêu.

Bóc trần từng lớp mặt nạ của tình yêu để đối diện với sự thật

Chúng ta đều biết rằng tình yêu không chỉ có màu hồng lãng mạn. Song hành cùng những cảm xúc thăng hoa, hạnh phúc, tình yêu cũng ẩn chứa muôn vàn góc khuất, những tổn thương, thất vọng và cả những nỗi sợ hãi khó gọi tên.

Với kinh nghiệm hơn 35 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, chứng kiến vô số những cuộc tình đến rồi đi, Susanna Abse nhận ra rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mâu thuẫn, rạn nứt trong tình yêu đôi lứa phần lớn đều bắt nguồn từ những tổn thương thời thơ ấu, những khuôn mẫu nội tâm đã ăn sâu vào tiềm thức và chi phối cách chúng ta nhìn nhận bản thân, nhìn nhận tình yêu và cách chúng ta tương tác với người bạn đời của mình.

Trong tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu, Susanna Abse đã thuật lại nhiều câu chuyện được lấy cảm hứng từ chính những bệnh nhân bà từng tiếp xúc. Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép, góp phần phác họa bức tranh đa sắc màu về đời sống hôn nhân, phơi bày những tổn thương thầm kín và cả những khao khát thầm lặng của mỗi cá nhân. Tất cả đều như phản chiếu một ai đó trong chính chúng ta, những con người đã từng vấp ngã, lạc lối trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Khi truyện cổ tích gặp gỡ phân tâm học

Ngay từ mặt cấu trúc, tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu đã toát lên sự sáng tạo độc đáo, khác biệt. Mỗi chương trong sách đều lấy cảm hứng từ một câu chuyện cổ tích hay thần thoại quen thuộc, trở thành lăng kính để tác giả phân tích những khía cạnh khác nhau của tình yêu. Cách tiếp cận này không chỉ tạo sự gần gũi, dễ hiểu mà còn khơi gợi nhiều suy ngẫm sâu sắc.

Mười ba chương sách tựa như mười ba thước phim ngắn, lần lượt phác họa thế giới nội tâm của những cặp đôi đang vật lộn với những biến cố, thử thách trong tình yêu. Ta bắt gặp hình ảnh những bậc cha mẹ tự tay phá hủy rồi lại miệt mài xây dựng ngôi nhà rơm của mình, hay cô bé Khăn Đỏ cứ nhất quyết bảo vệ con sói đội lốt cừu, nàng Rapunzel khao khát tình yêu nhưng lại tự giam cầm trong chính tòa lâu đài cô độc của mình... Mỗi câu chuyện là một lăng kính soi rọi những vòng lặp hành vi, những bế tắc, những nỗi đau và khát khao yêu thương ẩn giấu sâu thẳm bên trong mỗi con người.

Từ đó, Susanna Abse đã không ngần ngại đưa người đọc đối diện với những góc tối, những mặt trái trong tình yêu như: sự phản bội, lừa dối, sự ích kỷ, chiếm hữu... Tuy nhiên, thay vì đánh giá hay phán xét, Abse lại dùng sự thấu hiểu, cảm thông để giúp người đọc nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và nhân văn hơn.

Hành trình khám phá bản thân và nghệ thuật yêu thương

Tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu còn là câu chuyện về chính Susanna Abse, về hành trình trưởng thành của bà trong suốt hơn 30 năm làm nghề trị liệu tâm lý đầy thử thách. Bà không ngần ngại chia sẻ những lúng túng, sai lầm non nớt thời mới vào nghề, hay cả những giằng xé nội tâm, những cảm xúc cá nhân khó tránh khỏi khi đối diện với những hoàn cảnh, những mảnh đời khác nhau. Chính sự chân thành, dám bộc lộ ấy đã phá vỡ bức tường vô hình giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, để từ đó, ta thêm tin tưởng vào quá trình trị liệu, hiểu rõ hơn về bản chất của sự đồng hành, thấu cảm trong hành trình chữa lành.

Bên cạnh đó, tác giả còn bộc bạch rằng bà không có ý định đưa ra những lời khuyên hạnh phúc sáo rỗng hay các giải pháp nhanh chóng, tức thời; bởi lẽ từng cá thể, từng cặp đôi không phải là những bản sao giống nhau để tuân theo một công thức chung nào đó. Thay vào đó, thông qua những câu chuyện, những chiêm nghiệm của bản thân, bà khích lệ sự tự vấn, thôi thúc người đọc dám đối diện với chính mình, đánh giá lại những mối quan hệ xung quanh với cái nhìn thấu đáo và bao dung hơn.

Dù tập trung chủ yếu vào tình yêu đôi lứa, nhưng những bài học từ Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều dạng kết nối khác, chẳng hạn như tình bạn, tình cảm gia đình. Tác giả nhấn mạnh rằng chính sự chấp nhận những khiếm khuyết, yếu đuối của bản thân và người khác mới là chìa khóa cho một mối quan hệ bền vững. Ta nhận ra rằng, không chỉ tình yêu đôi lứa, mà bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần sự vun đắp, chăm sóc và thấu hiểu lẫn nhau.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm khó tả. Đó là sự đồng cảm sâu sắc với những thân phận, những mảnh đời trong truyện. Đó là nỗi trăn trở, băn khoăn về bản chất của tình yêu, về cách ta yêu thương và vun vén hạnh phúc. Trên hết, đó là lời nhắc nhở rằng tình yêu là hành trình khám phá vô tận và chính sự không hoàn hảo mới khiến nó trở nên đẹp đẽ, đáng trân trọng.

Trích đoạn

“Trên hành trình khám phá các mối quan hệ yêu đương, có hai khía cạnh về ‘sự thật’ giữa một cặp đôi rất cần phải đặt ra nghi vấn: sự thật thứ nhất liên quan đến việc đối diện với cảm xúc của chính mình và tri nhận trải nghiệm của bản thân; cái thứ hai liên quan đến việc đối diện với cảm xúc của đối phương và thấu hiểu trải nghiệm của họ.”

***

“Jung rất thông thái – là một nhà trị liệu tâm lý, tôi học được rằng tất cả các trải nghiệm của ta được định hình và ngập tràn dấu vết bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Chúng ta tiếp cận mỗi một sự kiện hay mối quan hệ mới với tâm thế đầy định kiến – ta không bao giờ thoát khỏi những ảnh hưởng này; bất kể ta có ảo tưởng rằng mình là một chứng nhân khách quan và công minh với cuộc đời mình, nhưng thực tế không phải vậy. Quá khứ luôn sống trong hiện tại.

Nhận xét của báo chí

“Một cuốn sách lôi cuốn, thiết thực và nhân văn về những nỗi đau và hy vọng trong các mối quan hệ.”

Alain de Botton, Tácgiả nhiều đầu sách nổi tiếng về triết học thường thức

“Cuốn sách nên có trong tủ sách của bất kỳ ai muốn hiểu sâu hơn về những cung bậc cảm xúc trong tình yêu – từ khi say đắm đến lúc chia lìa.”

Philippa Perry, Nhà tâm lý trị liệu

“Mỗi trang sách đều mang đến cho tôi những kiến thức mới mẻ về con người, về các mối quan hệ và cuối cùng là về chính mình.”

Annalisa Barbieri, Nhà báo củatờ The Guardian      

Về tác giả

Susanna Abse

• Nhà trị liệu phân tâm học, với hơn 35 năm kinh nghiệm trong công tác trị liệu cá nhân, cặp đôi và phụ huynh.

• CEO của tổ chức thiện nguyện Tavistock Relationships (2006 - 2016).

• Chủ tịch Hội đồng Phân tâm học Anh (2018 - 2021).

• Tác giả của nhiều ấn phẩm về trị liệu cặp đôi, phương pháp nuôi dạy con, chính sách gia đình; cùng nhiều bài báo về các vấn đề chính trị và xã hội cho Guardian, New StatesmanOpen Democracy.

• Người dẫn chương trình “Britain on the Couch” năm 2019 trên kênh Channel 4 News.

• Đồng biên soạn The Library of Couple and Family Psychoanalysis của Routledge Books và là thành viên quản trị của Bảo tàng Freud ở London.

Đọc bài viết

Book trailer

5 tựa sách cho ngày hè nhàn rỗi

Published

on

By

5-tua-sach-cho-ngay-he-nhan-roi

Từ những cuốn sách phơi bày hậu chứng chiến tranh cho đến những cuốn tiểu thuyết ghi lại thân phận nhỏ bé, mong manh, trôi dạt của con người... Các tác phẩm sau là lựa chọn tuyệt vời cho một ngày hè nhàn rỗi, để tìm thêm lại những phong vị mới.

Đuổi theo ánh sáng – Oliver Stone

Là biên kịch và đạo diễn từng 3 lần đoạt giải Oscar với những tác phẩm nổi tiếng như Express Midnight, Scarface, Salvador, Platoon... cũng như những người ngoại đạo, hành trình vươn đến đỉnh cao trong môn nghệ thuật thứ 7 của Oliver Stone luôn không dễ dàng. Đuổi theo ánh sáng là cuốn hồi ký được ông chắp bút, đưa ta đi từ những ngày đầu tiên ở nước Mỹ huyền diệu, đến tuổi trưởng thành nhiều mới mẻ trong chiến tranh Việt Nam và hành trình nếm mật nằm gai để vươn đến hào quang của Hollywood.

Trong cuốn sách này, ta sẽ thấy bên cạnh một cái tên được ngợi ca cũng là một con người bất toàn, mắc nhiều tội lỗi và cũng có lúc tưởng chừng buông xuôi. Thế nhưng chính quyết tâm, nỗ lực và sức mạnh nội tại đã giúp cho ông vẫn luôn duy trì tình yêu với quỹ đạo đời mình. Đó cũng là một bài học xoay quanh thông điệp luôn luôn vươn lên, từ đó tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Với cách viết chân thành, gần gũi, đan kết với nhiều hình tượng, cảnh huống được lấy ra từ các thần thoại cũng như tác phẩm văn chương, phim ảnh nổi tiếng... Đuổi theo ánh sáng không chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký, mà cũng đồng thời là một tác phẩm văn xuôi hấp dẫn về một thời đoạn của tuổi trẻ lạc lối và tuổi trưởng thành không ngừng bỏ cuộc. Một tác phẩm vượt ra khỏi biên giới thể loại để mang đến câu chuyện phổ quát và thông điệp ý nghĩa cho những cá nhân vẫn đang chật vật trên con đường sự nghiệp của bản thân mình.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm – Le Thi Diem Thuy

Thuộc thế hệ thứ 2 của những cây bút “di dân”, Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm tuy có dung lượng tương đối khiêm tốn, nhưng nội dung mà nó truyền tải lại vô cùng lớn về mặt cảm xúc cũng như ấn tượng đến từ người đọc. Đó là hành trình tìm lại cội nguồn, xác định bản lai diện mục của một cá nhân với lai lịch “dị thường” qua thứ văn chương đẹp đẽ, thơ mộng với nhiều hình ảnh ám ảnh nối nhau cho đến vô cùng. Le Thi Diem Thuy sở hữu ma thuật của từ ngữ, để nhào nặn nó thành những ấn tượng không thể nào phai.

Cõi người và thân phận ấy cũng mong manh như con bướm suốt đời lưu cữu trong thứ thủy tinh trong suốt và nhìn thấu được. Kiếp người di dân cũng mãi tạc ghi vào mã gene mình ám ảnh về nước, dẫu là cái hồ trong khu dân cư hay thứ nước biển mặn chát của những con thuyền lênh đênh trên biển... thì cũng hình thành ở họ nỗi sợ nguyên thủy về số phận mình và thân phận mình giữa dòng chìm nổi. Le Thi Diem Thuy nắm bắt được chúng một cách tinh tế, và dàn trải ra giữa các trang viết một cách chân thành mà không lên gân.

Về mặt văn chương, Le Thi Diem Thuy cùng Ocean Vuong là 2 nhà văn đại diện cho khả năng nắm bắt được từng khoảnh khắc và cấp đông nó cho đến vĩnh cửu. Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm hay Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là các tác phẩm có nhiều tầng nghĩa, làm xúc động cả những ký ức cá nhân hay nỗi đau cộng đồng. Và sức ám ảnh ấy sẽ lại khởi đầu mỗi khi những dòng chữ đầu tiên hiện ra và người đọc bị cuốn theo dòng nước ấy.

Những kẻ tuyệt vọng – Minh Tran Huy

Văn chương di dân khắc ghi trong lòng người đọc rất nhiều ấn tượng xoay quanh chủ nghĩa hiện thực, thế nhưng với Minh Tran Huy, cô đã làm điều đó một cách văn chương và vị nghệ thuật đến không ngờ đến. Ở Những kẻ tuyệt vọng ta sẽ không tìm thấy những gia đình tan nát của các thuyền nhân, ta cũng không thấy những chật vật hòa nhập với cuộc sống mới một cách hiển hình... mà thay vào đó là sự giao hòa của những tâm thức với các câu chuyện mang tính đại diện khác lạ.

Cuốn sách kể về chuyện tình vô cùng tươi đẹp của Lise và chàng Louis đầy những khát khao nhưng hành trình đến được với nhau cũng đã trải qua không ít khó khăn cũng như thách thức. Từ Việt Nam đến những lâu đài nước Pháp, từ những công viên bên bờ sông vắng lặng đến tàn tích lâu đài của thời Trung cổ... Cuốn sách xé toạc những đường biên không – thời gian để mang đến một tác phẩm lạ lẫm, thách thức, không ngừng chờ được giải đáp.

Điều ta tìm thấy trong tiểu thuyết này là sự giao thoa của Đông với Tây, của quá khứ với hiện đại, của Á và Âu trong sự tương đồng và phát triển thêm từ Trọng Thủy – Mỵ Châu đến Tristan - Iseult, hay bộ tứ Tấm Cám – Lọ Lem – Bạch Tuyết – Công chúa ngủ trong rừng.... Mang đậm màu sắc của Angela Carter trong không khí Gothic được phối trộn với trọng tâm di dân, đây là cuốn tiểu thuyết được đẩy đến đường biên của những thể nghiệm, đòi hỏi một sự truy tầm giá trị sâu xa hơn việc thưởng thức. Có thể nói Minh Tran Huy đã viết nên một tác phẩm ấn tượng, độc đáo và không thể quên.

Khát khao cây cỏ - Michael Pollan

Từ trước đến nay, trong các tác phẩm nghiên cứu, con người luôn chứng minh mình là chủ nhân của mọi thứ, là đối tượng tác động, là tác nhân chủ chốt... Nhưng với Khát khao cây cỏ, Michael Pollan đã thực hiện điều ngược lại, khi đặt ra một câu hỏi vô cùng thách thức, rằng thực vật nghĩ gì về ta, liệu con người có thật là phía nắm chuôi, quyết định mọi thứ cho giống loài vốn được ngầm hiểu là không có trí thông minh hay nhạy bén này?

Câu hỏi nói trên đã được giải đáp qua 4 phần lớn xoay quanh loài táo, tulip, cần sa và khoai tây, gắn với khát khao vị ngọt, vẻ đẹp, niềm hứng thú và sự an toàn. Từ các rừng táo ở nước Mỹ đến các thùng container trồng cần sa nhân tạo ở Amsterdam, từ ngày hiện tại trong công nghệ biến đổi gen ở khoai tây cho đến nhiều thế kỷ trước khi cơn sốt tulip vẫn còn là thứ gì đó cực kỳ bùng nổ... Pollan từng bước dẫn ta vào mạng lưới gắn kết đặc biệt, để biết con người xét cho đến cùng chỉ là một cực của các mối quan hệ, trong tính chủ động cũng như bị động.

Những câu chuyện về Johnny Hạt Táo, đặc tính có kế hoạch theo trường phái Apollo hay hoang dã của Dionysus... đã đưa người đọc không chỉ lướt qua lịch sử mà các loài cây gắn liền, mà cũng đồng thời là một biên niên sử về các khao khát và niềm đắm say của nhân loại này. Có thể xem đây là một tác phẩm rực rỡ, bao quát và choáng ngợp về mối gắn kết giữa con người cùng tự nhiên.

Con đường thủy vào Trung Hoa - Milton Osborne

Những ngày gần đây câu chuyện xoay quanh sông Mekong bỗng nóng trở lại trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam và những được – mất sau đó. Chính điều này cũng đưa ta về lại với quá khứ của hơn 100 năm trước, khi những người Pháp tiên phong đã cố gắng tìm con đường thủy cho việc giao thương nối liền từ điểm tận cùng đổ ra biển Đông trên đất An Nam với thượng nguồn từ dãy Himalaya ở nơi đầu mút Trung Quốc.

Con sông hùng vĩ phần nào dự báo tầm vóc của cuộc thám hiểm, và quả đúng như thế, những gì được Milton Osborne kể lại có thể được xem như một bằng chứng lịch sử, nhưng cũng có thể quan niệm đó là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nói gót những Thuyền trưởng Corcoran hay tác phẩm của Conrad danh tiếng... Những khó khăn, thách thức; sự thịnh vượng, trù phú nhưng cũng nguy hiểm chết người của miền nhiệt đới... cho ta thấy rằng con đường khai sáng của nơi mẫu quốc chưa khi nào là dễ, chưa cần bàn đến niềm tin, ý dân hay là những thứ thuộc về tư tưởng.

Bằng việc khai thác nguồn sử liệu phong phú và cách kể chuyện cuốn hút, Con đường thủy vào Trung Hoa là một tác phẩm đáng đọc, nên đọc, để biết về những khó khăn của con đường khai sáng văn minh, cũng như sự huyền diệu của miền nhiệt đới từ trăm năm trước hay trăm năm sau vẫn mãi như vậy.

Đọc bài viết

Top sách hay

Ngày hội đọc sách 2024: Top 5 tựa sách đáng đọc của những chủ nhân giải Nobel Văn học

Published

on

Giải Nobel Văn học là giải thưởng cao quý đối với người theo nghiệp văn chương và các tác phẩm đoạt giải thưởng sẽ là những cuốn sách nên-đọc-một-lần trong đời.

05 tác phẩm này được Nhà Sách Phương Nam lựa chọn kỹ lưỡng, như một gợi ý để bạn đọc dễ dàng tìm đến những tác phẩm đỉnh cao.

Nhà Sách Phương Nam xin điểm danh 5 tác phẩm tiêu biểu, do Phương Nam Book phát hành, từ 5 tác giả nổi tiếng là những chủ nhân giải Nobel Văn học. Đặc biệt, 5 tác phẩm của những tác giả đoạt giải Nobel văn học đang được giảm giá đậm sâu trong chương trình Ngày Hội Đọc Sách – Enjoy Reading More.

1. Vỡ Tổ - Rabindranath Tagore

Cuốn tiểu thuyết ngắn Vỡ Tổ của tác giả Rabindranath Tagore ra mắt lần đầu năm 1901 và được đăng nhiều kỳ trên tờ tạp chí Bharāti. Năm 1909, ông đưa truyện này vào một tập truyện ngắn chọn lọc, và năm 1926, lần đầu tiên ‘Vỡ Tổ’ có mặt trong tuyển tập chính thức các tiểu thuyết ngắn của ông. Đây là một trong những tác phẩm hư cấu hay nhất của Rabindranath Tagore.

Cuốn truyện lại càng nổi bật hơn nữa vì lần đầu tiên nó xuất hiện bằng tiếng Bengal tại một thời điểm mà truyện ngắn hiện đại như một hình thức văn học đặt ra những câu hỏi sâu xa mà không nhất thiết đưa ra câu trả lời, một thể loại tương đối mới cả ở Ấn Độ lẫn phương Tây. Trong lúc đó, tiếng Bengal đang có nguy cơ thất bại trong cuộc đấu tranh để được thừa nhận như một phương tiện ngữ ngôn văn học nghệ thuật nghiêm túc.

2. Nắng Tháng Tám - William Faulkner

Dù biết rằng trong bóng tối mọi sự đều có thể, từ những nỗi ham muốn bí ẩn đến những tội lỗi khó thú nhận, và ngay cả những tội ác hung hãn, Faulkner vẫn thường để cho bi kịch bao giờ cũng thắt nút và gỡ nút giữa ban ngày, và vào mùa hè, tức tháng sáu, bảy, tám hay bắt sang tháng chín một chút.

Đọc Nắng Tháng Tám (William Faulkner) sẽ thấy rõ thiên nhiên và mặt trời tác động gần như định mệnh lên các nhân vật của ông, những con người sống một đời sống quẩn quanh ở miền nam nước Mỹ.

3. Kinh Cầu Nguyện Kaddis Dành Cho Đứa Trẻ Không Ra Đời - Kertész Imre

Mở đầu "Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời" (Kertész Imre) là một chữ: "Không" và chữ đó cứ trở đi trở lại da diết, dai dẳng suốt toàn bộ cuốn sách, tạo ra sự lôi cuốn kỳ lạ, như một tứ thơ, với ý nghĩa cho dù cuộc đời bi thương đến mấy thì nó vẫn rất nên thơ.

"Việc luôn nói không của Kertész Imre không có nghĩa là một thái độ bi quan mà là sự phản kháng, tự phủ nhận - ý thức cao nhất của người trí thức…"

4. Những cảnh đời tỉnh lẻ - J.M.Coetzee

Vẫn lối hành văn giản dị mà chất chứa sức nặng của cả cuộc đời, nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 2003 - J. M. Coetzee mang đến cho độc giả những áng văn chao đảo giữa thực tại và hư cấu.

Bộ ba tiểu thuyết ‘Những cảnh đời tỉnh lẻ‘ là một bức chân dung hài hước mà đau đớn về cuộc đời người nghệ sĩ, dưới ngòi bút của một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới.

5. Người đẹp ngủ mê - Kawabata Yasunari 

Trong tác phẩm ‘Người đẹp ngủ mê’, Kawabata nhận định: “Trên thế gian không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người không có gì vinh dự bằng thân thể trong trắng của người nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó, người ta phải phá hủy sự trinh khiết đó”.

‘Người đẹp ngủ mê’ (Kawabata Yasunari) chính là thứ cảm giác không thể nhầm lẫn mách bảo ta rằng Kawabata đã khéo léo sử dụng vẻ đẹp của ngôn từ cần thiết cho tác phẩm. 

Đọc bài viết

Cafe sáng