Trích đăng

Gieo trồng điều tốt – Trích “Lập trình hạnh phúc”

Published

on

Dựa trên nền tảng khoa học về bộ não, Tiến sĩ Rick Hanson – tác giả có lượng sách bán chạy nhất New York Times đã viết quyển sách Lập trình hạnh phúc vô cùng thiết thực này với đầy đủ các phương pháp dễ thực hành để phát triển cảm giác cân bằng, ổn định, nhận thức giá trị bản thân và đạt được sự bình an nội tâm.

“Tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm sao biến các khoảnh khắc tốt đẹp thành một bộ não vĩ đại, tin tưởng vào giá trị bản thân và cảm giác được quan tâm. Đây chẳng phải những giây phút đáng giá triệu đô gì cả. Chỉ đơn giản là cảm giác dễ chịu khi mặc vào chiếc áo len ưa thích, thưởng thức một tách cà phê, cảm nhận sự ấm áp từ một người bạn, hài lòng sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, hay là cảm nhận được tình yêu từ người bạn đời.”

  • Trích từ: Lập trình hạnh phúc
  • Tác giả: Rick Hanson
  • Phát hành: Tháng 10.2020
  • Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

*

CHƯƠNG 1
Gieo trồng điều tốt

Lúc còn đi học, tôi nhỏ hơn mấy đứa bạn cùng lớp một, hai tuổi, một cậu bé nhút nhát, gầy gò, ngốc nghếch đeo kính. Chẳng có gì tệ hại xảy ra với tôi cả, nhưng tôi có cảm giác như là mình đang quan sát người khác qua một bức tường bằng kính. Như một kẻ lạc loài, bị phớt lờ, bị coi thường, không ai muốn ở gần. Vấn đề của tôi nếu so với người khác thì không có gì to tát. Nhưng tất cả chúng ta về cơ bản đều mong muốn được cảm thấy mình hiện diện và có giá trị với người khác, đặc biệt khi còn là con trẻ. Khi những nhu cầu này không được thỏa mãn, ta cảm giác như thể đang sống nhờ xúp loãng. Bạn sẽ sống sót, nhưng không bao giờ cảm thấy mình có đầy đủ dinh dưỡng. Với tôi, đó là cảm giác như thể có một lỗ hổng to lớn bên trong, một khoảng trống trong tim.

Nhưng khi lên đại học, tôi chạm đến một điều gì đó có vẻ như rất đặc biệt vào lúc đó, và đến giờ vẫn có giá trị đáng kể với tôi. Một điều nhỏ bé nào đó đã xảy ra. Có lẽ là vài cậu bạn đã bảo “Đi nào, mình cùng đi ăn pizza”, hay một cô gái nào đó đã mỉm cười với tôi. Không quan trọng. Nhưng tôi phát hiện ra nếu tôi để sự kiện tốt đẹp ấy trở thành một trải nghiệm thú vị, chứ không phải chỉ là một ý tưởng, và lưu lại nó ít nhất trong vài hơi thở, chứ không vội vàng phủi đi hay xoay qua thứ khác thật nhanh, thì nó tạo cảm giác như thể điều tốt đẹp đã thấm vào bên trong tôi, trở thành một phần của tôi. Thực tế là tôi đã tiếp nhận điều tốt đẹp – khoảng chục giây vào lúc ấy. Nó nhanh chóng, dễ dàng mà lại rất dễ chịu. Tôi bắt đầu cảm thấy khá hơn.

Lúc ban đầu, khoảng trống trong tim tôi có vẻ to như một chiếc hồ bơi rỗng tuếch. Nhưng khi tôi bắt đầu thu nhận mỗi ngày một vài trải nghiệm được đón nhận, được cảm kích,
được quan tâm, thì tôi cảm thấy như mình đang đổ vài xô nước vào chiếc hồ. Từng ngày một, từng xô một, từng tháng một trôi qua. Tôi dần lấp đầy khoảng trống ấy trong lòng mình. Cách làm này đã nâng tinh thần tôi lên và giúp tôi cảm thấy càng lúc càng dễ chịu, tươi vui và tự tin.

Nhiều năm sau đó, sau khi đã trở thành nhà tâm lý học, tôi hiểu ra vì sao cách làm này tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại có thể tạo nên khác biệt lớn lao đến vậy đối với mình. Tôi đã đan kết được sức mạnh bên trong với tấm thảm tâm trí mình, bộ não cũng như đời sống của bản thân – đó là ý tôi muốn trình bày khi nói đến “lập trình hạnh phúc”.

Sức mạnh nội tại

Tôi hay đi leo núi và thường phải phụ thuộc vào những thứ có trong ba-lô của mình. Sức mạnh nội tại chính là nguồn dự trữ bạn có trong ba-lô trên hành trình bạn vượt qua các bước ngoặt và thường là những đoạn đường khó đi trong đời. Chúng gồm có tâm trạng tích cực, kiến thức cơ bản, lòng chính trực, bình an nội tại, lòng quyết tâm và một trái tim ấm áp. Các nhà nghiên cứu còn xác định thêm các sức mạnh khác nữa, chẳng hạn như lòng trắc ẩn với bản thân, sự gắn kết an toàn, trí tuệ cảm xúc, tính lạc quan học được, phản xạ thư giãn, lòng tự trân trọng, khả năng dung nạp căng thẳng, khả năng tự điều hòa, năng lực phục hồi, và năng lực thực thi. Tôi sử dụng từ sức mạnh với nghĩa rộng để bao gồm cả các cảm giác tích cực như bình tâm, sự mãn nguyện, và sự quan tâm, cũng như các kỹ năng, các xu hướng và góc nhìn hữu ích, cộng với các đặc tính được biểu hiện ra ngoài như sinh khí hay sự thư thái. Không giống như các trạng thái tinh thần thoáng qua, sức mạnh nội tại là các nét đặc trưng ổn định, là nguồn sống khỏe mạnh bền vững, là hành động cũng như đóng góp hữu hiệu và thông thái cho mọi người.

Ý tưởng về sức mạnh nội tại có thể ban đầu nghe có vẻ trừu tượng. Nào ta hãy đưa nó xuống mặt đất với vài ví dụ cụ thể sau. Báo thức vang lên và bạn muốn ngủ nướng – thế là bạn tìm đến sức mạnh ý chí để rời giường. Giả dụ bạn có con nhỏ, lũ trẻ đang cãi vã bực dọc – thay vì quát thét thì bạn tìm về nơi nào đó bên trong, vững vàng thay vì giận dữ. Bạn bối rối với một sai sót trong công việc – thế là bạn gợi nhớ lại cảm giác mình có giá trị từ các thành quả trước đây. Bạn căng thẳng với những cạnh tranh xung quanh – thế là bạn tìm đến sự bình yên trong vài hơi thở ra thật sâu. Bạn thấy buồn vì không có ai đồng hành – thế là bạn tìm sự ủi an khi nghĩ đến những người bạn mình đang có. Trong suốt ngày dài của bạn, các sức mạnh nội tại vẫn luôn vận hành tự động bên trong tâm trí, chẳng hạn như cảm giác về tầm nhìn, về lòng tin, hay là cảm giác tự nhận thức về bản thân.

Có một ý tưởng nổi tiếng trong y khoa và tâm lý học rằng cách bạn cảm nhận và hành động – cả trong hành trình đời mình cũng như trong hoàn cảnh hay các mối quan hệ đặc thù – được quyết định bởi ba yếu tố: thách thức bạn đối mặt, điểm yếu ớt mà các thử thách này gây ra, và các sức mạnh bạn có để xử lý được các thử thách này và bảo vệ được điểm yếu ớt của mình. Ví dụ, thách thức từ một người chủ hay chỉ trích có thể bị phóng đại lên nhiều lần bởi điểm yếu hay lo âu của một người, nhưng người này hoàn toàn có thể đương đầu bằng cách tìm đến sức mạnh bên trong của mình, tự xoa dịu bản thân và cảm giác được tôn trọng từ người khác.

Tất cả chúng ta đều có những điểm yếu ớt dễ bị tổn thương. Cá nhân tôi ước gì mình không quá dễ bị lo âu và tự chỉ trích bản thân như vậy. Và cuộc sống thì không bao giờ thiếu thử thách, từ chuyện vặt như cuộc gọi nhỡ cho đến những vấn đề lớn hơn như tuổi già, bệnh tật và cái chết. Bạn cần có sức mạnh đương đầu với khó khăn và những điểm yếu ớt, và khi một trong hai điều này phát triển lên, thì sức mạnh của bạn cũng phải tiến triển tương ứng với chúng. Nếu bạn muốn cảm thấy ít căng thẳng hơn, ít lo âu, bực dọc, khó chịu, ít cảm thấy trầm uất, thất vọng, cô đơn hơn, ít cảm giác tội lỗi, bị tổn thương, hay cảm giác thiếu thốn, thì sức mạnh bên trong sẽ giúp được bạn.

Sức mạnh nội tại là nền tảng cho một cuộc đời hạnh phúc, hiệu quả và tràn đầy yêu thương. Ví dụ, nghiên cứu trên một sức mạnh – cảm xúc tích cực – đã cho thấy nó có thể giảm bớt căng thẳng và tính phản ứng thụ động, giúp chữa lành các vết thương tâm lý và cải thiện năng lực phục hồi, tình trạng khỏe mạnh nói chung, và mức độ mãn nguyện trong cuộc sống. Cảm xúc tích cực khuyến khích ta tìm kiếm cơ hội, tạo ra những vòng lặp tích cực và thúc đẩy thành công. Chúng còn làm tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trái tim của chúng ta, và nuôi dưỡng một cuộc đời lành mạnh dài lâu.

Trung bình có khoảng một phần ba sức mạnh của một người là bẩm sinh, được tích hợp sẵn vào trong tính khí di truyền, tài năng, khí sắc và nhân cách của họ. Hai phần ba kia được phát triển theo thời gian. Bạn có được bằng cách nuôi trồng chúng. Đối với tôi đây là tin tốt, bởi lẽ điều đó có nghĩa là chúng ta có thể phát triển hạnh phúc và các sức mạnh nội tại có lợi cho sự hài lòng, tình yêu, và tính hiệu quả, cũng như sự thông tuệ và bình an nội tâm. Tìm hiểu cách làm thế nào để nuôi trồng các sức mạnh bên trong này có lẽ là điều quan trọng nhất bạn từng học. Quyển sách này viết về điều đó.

Trong khu vườn

Hãy hình dung tâm trí bạn như một khu vườn. Bạn có thể đơn giản là ở cùng nó, nhìn ngắm các thảm cỏ và hoa, không cần phải phán xét hay thay đổi gì cả. Hoặc là, bạn có thể nhổ vài cọng cỏ bằng cách giảm bớt một số cái tiêu cực trong đầu mình. Hoặc bạn còn có thể trồng thêm hoa bằng cách tăng thêm điều tích cực trong tâm mình. (Hãy xem quan niệm của tôi về tích cực và tiêu cực ở ô trong trang 26.) Về cơ bản bạn có thể quản lý tâm trí mình theo ba cách chính: để nó diễn ra như thế, buông bỏ, tiếp nhận. Quyển sách này viết về cách thứ ba, gieo trồng sức mạnh nội tại: gieo trồng những bông hoa trong khu vườn tâm trí. Để giúp bạn làm được điều này hiệu quả nhất, tôi muốn liên hệ nó với hai cách thức tiếp cận tâm trí.

Ở cùng tâm trí của mình

Hãy để tâm trí của ta như vậy, đơn giản chỉ cần quan sát trải nghiệm của mình, cho phép bản thân khuây khỏa và nhìn toàn cảnh, như thể bạn bước ra khỏi màn hình chiếu phim và quan sát mọi thứ từ đằng sau cách đó hai mươi hàng ghế.

THẾ NÀO LÀ TÍCH CỰC?

Với từ tích cực và tốt, ý tôi là những thứ dẫn đến hạnh phúc cũng như tạo ra lợi ích cho bản thân người đó và người khác. Tiêu cực và xấu nghĩa là những gì dẫn đến đau khổ và tổn hại. Tôi đang nói về mặt ngữ nghĩa thực dụng, không bàn trên khía cạnh đạo đức hay tín ngưỡng.

Trải nghiệm tích cực thường tạo cảm giác tốt đẹp. Bên cạnh đó, một số trải nghiệm gây cảm giác tồi tệ nhưng lại đưa đến kết quả tốt đẹp, cho nên tôi cũng gọi đó là tích cực. Ví dụ, cơn đau do vết bỏng trên tay khi chạm vào lò nóng, cơn lo âu khi không tìm thấy con ở công viên, và nỗi hối hận khiến ta quyết tâm cư xử cao thượng, có thể gây ra cảm giác khó chịu bây giờ nhưng sẽ có ích và giúp ta cảm thấy tốt hơn về sau.

Tương tự, trải nghiệm tiêu cực thường gây cảm giác tồi tệ. Cũng vậy, có những trải nghiệm tạo cảm giác tốt đẹp nhưng lại có hậu quả xấu, nên tôi cũng cho đó là tiêu cực. Sự hưng phấn sau ba cốc bia hay cảm giác trả đũa có được khi ngồi buôn chuyện về người vừa đối xử tệ với bạn có thể tạo ra cơn khoái chí tạm thời, thế nhưng lợi bất cập hại bạn ạ! Những trải nghiệm như vậy làm ta dễ chịu tức thời nhưng sau đó thì rất tệ.

Để cho dòng ý thức chạy tự do có thể giúp bạn ngừng đuổi theo những điều dễ chịu cũng như thôi vật vã với những thứ khó chịu. Bạn có thể trải nghiệm đời sống của mình với niềm hứng thú và (mong là) với sự tử tế với bản thân, và có thể kết nối với các tầng lớp mềm mại hơn, dễ bị tổn thương hơn và hẳn là non nớt hơn bên trong tâm trí mình. Khi xét đến khả năng nhận thức có tính chấp nhận và bớt tính phản ứng thụ động thì suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của ta đôi lúc có thể tan ra ngay lập tức như sương sớm trong một ngày đầy nắng.

Làm việc với tâm trí

Nhưng mà chỉ ở cùng với tâm trí thôi chưa đủ. Bạn còn cần phải làm việc với nó, tạo ra các nỗ lực khôn ngoan, nhổ cỏ và trồng hoa. Chỉ thuần quan sát căng thẳng, lo âu, bực dọc
hay một tâm trạng buồn bã sẽ không đào được tận gốc những vấn đề này. Như bạn sẽ thấy trong chương tiếp theo, não ta tiến hóa để học hỏi rất tốt từ các trải nghiệm tiêu cực, và nó lưu trữ chúng trong các cấu trúc thần kinh bền vững. Cũng vậy, chỉ ở đó với tâm trí sẽ không phát triển được lòng biết ơn, nhiệt huyết, lòng chân thật, tính sáng tạo hay nhiều sức mạnh nội tại khác. Các phẩm chất tinh thần này được đặt nền tảng trên các cấu trúc thần kinh sâu bên trong, chúng sẽ không nảy nòi và phát triển một cách tự thân. Thêm nữa, để có thể hoàn toàn ở đó cùng khu vườn tâm trí, bạn cần phải hợp tác với nó để phát triển các sức mạnh nội tại như sự bình tâm và năng lực tự soi chiếu để có thể giúp bản thân bạn cảm nhận toàn bộ cảm xúc của mình cũng như đối mặt với những góc tối bên trong ngay cả khi khó khăn nhất. Bằng không, mở lòng với trải nghiệm sẽ tựa như đang mở ra chiếc nắp hầm dẫn đến Địa ngục.

Giữ tâm tỉnh thức

Bất kể là bạn đang để mọi chuyện như thế, đang buông bỏ hay đang tiếp nhận, hãy luôn tỉnh thức, đơn giản nghĩa là hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại từng giây từng phút. Tự thân sự tỉnh thức vốn chỉ có quan sát, nhưng việc quan sát ấy có thể đi kèm nỗ lực có chủ đích hướng tới mục tiêu định hướng tâm trí ta theo hướng này hay hướng khác. Làm việc với tâm trí không mâu thuẫn với sự tỉnh thức. Thực tế là, bạn cần phải làm việc với tâm trí mình mới có thể dựng xây nên sức mạnh nội tại của sự tỉnh thức.

Hãy tỉnh táo với thế giới bên ngoài lẫn thế giới nội tâm của bạn, với cả sự vật sự việc xảy ra chung quanh lẫn cái cách bạn cảm nhận chúng. Tỉnh thức không đơn thuần chỉ là tự nhận thức bản thân. Khi leo núi đá, tôi cực kỳ ý thức về việc người bạn đồng hành hãm dây bảo hộ cho mình và luôn ngoái đầu tìm kiếm tôi đang ở tít bên dưới!

Hệ quả tự nhiên

Khi điều gì đó vất vả hay khó chịu xảy ra – khi một cơn bão ập tới khu vườn của bạn – thì có ba cách vận động tâm trí của mình, giúp đem đến cho bạn một hệ quả từng bước hữu dụng. Đầu tiên, hãy ở đó với trải nghiệm của mình. Quan sát và chấp nhận nó như bản chất của nó, cho dù đau đớn đến mức nào. Thứ hai, khi đến thời điểm – có thể tính bằng giây với một cơn lo âu quen thuộc hay tính bằng tháng bằng năm khi mất đi một người thân yêu – hãy bắt đầu buông bỏ những điều tiêu cực. Ví dụ, hãy thư giãn cơ thể mình để giảm bớt căng thẳng. Thứ ba, một lần nữa khi đến thời điểm, sau khi đã giải tỏa một phần hay toàn bộ sự tiêu cực, hãy thay thế nó với điều gì đó tích cực. Ví dụ, bạn có thể nhớ đến lúc có ai đó trân trọng mình thì cảm giác như thế nào, và ở lại với trải nghiệm ấy chừng mười đến hai mươi giây. Bên cạnh cảm giác tốt đẹp vào lúc đó, bước thứ ba này còn có các ích lợi lâu dài, vì khi bạn đang thu nhận các trải nghiệm tích cực vào trong thì bạn không chỉ đang trồng hoa trong tâm trí mình đâu. Bạn đang gieo trồng các luồng thần kinh mới trong não mình. Bạn đang lập trình hạnh phúc.

Tính mềm dẻo thần kinh dựa trên trải nghiệm

Não bộ là một cơ quan có khả năng học hỏi, cho nên nó được thiết kế để thay đổi bởi trải nghiệm. Điều này đến nay vẫn còn làm tôi kinh ngạc, nhưng mà đó là sự thật: bất cứ điều gì chúng ta cảm giác, cảm nhận và mong muốn cũng như suy nghĩ lặp đi lặp lại, dù là chậm nhưng chắc chắn rằng chúng đang khắc nên một cấu trúc thần kinh. Trong khi bạn đang đọc, một khối mô nặng khoảng 1,5kg trông giống đậu hũ bên trong đầu bạn, bao bọc trong một nghìn tỷ tế bào nâng đỡ, có từ 80 đến 100 tỷ nơ-ron đang phát tín hiệu cho một tế bào khác trong một mạng lưới với nửa triệu tỷ liên kết, được gọi là các khớp thần kinh synapse. Toàn bộ hoạt động thần kinh phức tạp, nhanh chóng và nhộn nhịp này vẫn luôn đang điều chỉnh não bạn liên tục. Các khớp thần kinh năng động trở nên nhạy cảm hơn, các khớp thần kinh mới bắt đầu phát triển chỉ trong vài phút, các trung khu bận rộn được nhận nhiều máu hơn bởi chúng cần nhiều oxy và đường glucose hơn để công tác, và bộ gien bên trong tế bào thần kinh sẽ tắt bật tùy theo nhu cầu. Trong khi đó, các kết nối ít năng động hơn thì bắt đầu tàn lụi đi trong một quá trình mà đôi khi được gọi là thuyết Darwin thần kinh: kẻ sống sót là kẻ bận rộn nhất.

Tất cả hoạt động của tâm trí – hình ảnh và âm thanh, suy nghĩ và cảm giác, ý thức và vô thức – đều đặt nền tảng trên hoạt động thần kinh bên dưới. Quá nhiều hoạt động thần kinh ào ạt chảy qua não như những gợn sóng lăn tăn trên dòng sông, không để lại mấy tác động trên dòng chảy của mình. Nhưng một hoạt động thần kinh có cường độ mạnh, kéo dài hoặc là lặp đi lặp lại – đặc biệt khi nó có tính ý thức – sẽ để lại một dấu ấn lâu bền trong cấu trúc thần kinh, giống như một dòng chảy mạnh mẽ trào dâng làm biến dạng lòng sông vậy. Như người ta bảo trong khoa học thần kinh: tế bào thần kinh nào bắn tín hiệu cho nhau thì liên kết với nhau. Trạng thái tinh thần trở thành nét đặc trưng thần kinh. Từng ngày trôi qua, tâm trí đang đắp nặn bộ não của bạn.

Các nhà khoa học gọi đây là tính mềm dẻo thần kinh dựa trên trải nghiệm, một lĩnh vực nghiên cứu mới khá nổi bật hiện nay. Lấy ví dụ, các tài xế taxi ở London có khả năng ghi nhớ mạng lưới đường sá rối rắm như đĩa mì spaghetti sẽ có những lớp thần kinh dày đặc trong khu hồi hải mã, vùng não giúp hình thành trí nhớ không gian-thị giác; như thể họ đang tập luyện để lên cơ bắp, các tài xế này vận động rèn luyện một vùng não của mình và phát triển mô mới ở đó. Đó là câu chuyện về các tài xế taxi; lại nói về những người thiền tỉnh thức, họ có trong não mình vùng chất xám rất phát triển – nghĩa là một vỏ não dày hơn – trong ba khu vực chính: vỏ não trán trước đằng sau trán kiểm soát sự tập trung; thùy đảo, được dùng để thấu hiểu bản thân và người khác; và hồi hải mã. Trải nghiệm của ta không chỉ phát triển khớp thần kinh mới, vốn đã vô cùng đáng nể, mà một cách nào đấy còn vươn vào trong bộ gien của ta – đến các dải nguyên tử nhỏ bé trên chiếc thang xoắn phân tử DNA bên trong hạt nhân của các tế bào thần kinh – và thay đổi cách chúng vận hành. Ví dụ, nếu bạn thường kỳ luyện tập thư giãn, thì hoạt động của gien có chức năng điều hòa phản ứng căng thẳng sẽ gia tăng, khiến bạn dẻo dai hơn và có năng lực phục hồi tốt hơn.

Thay đổi não bộ theo chiều hướng tốt hơn

Nếu bạn lui một bước để nhìn bao quát các chi tiết khoa học này, sẽ có một thực tế nổi bật lên trước mắt: trải nghiệm của ta có giá trị quan trọng. Không chỉ trong cách chúng ta cảm thấy như thế nào vào thời điểm ấy mà còn trong các dấu hằn bền vững chúng để lại trên não bộ chúng ta. Trải nghiệm của ta về hạnh phúc, phiền muộn, tình yêu, và lo âu có thể tạo nên thay đổi thực thụ trong mạng lưới thần kinh của mình. Quá trình xây dựng cấu trúc hệ thần kinh này được tiếp thêm năng lượng bởi trải nghiệm có ý thức, và đặc biệt bởi những gì hiện diện nổi bật nhất trước nhận thức của bạn. Sự chú ý của bạn giống như là sự kết hợp của đèn pha và máy hút bụi: nó làm bật lên những thứ nó bắt thấy trước mắt và sau đó hút tọt vào não bạn – theo chiều hướng tốt hơn hoặc tệ hơn.

Dân gian có câu rằng tâm trí ta sẽ định hình từ cái mà nó tựa vào. Dựa trên những gì ta học được về tính mềm dẻo thần kinh dựa trên trải nghiệm, một phiên bản hiện đại có thể phát biểu rằng, bộ não ta định hình từ cái mà nó tựa vào. Nếu bạn vẫn tiếp tục đặt tâm trí trên các nền tảng như tự chỉ trích, lo âu, căng thẳng, tổn thương, oán thán người khác, thì não bạn rồi sẽ định hình theo cách thức phản ứng thụ động nhiều hơn, yếu ớt trước lo âu và trầm uất nhiều hơn, tâm trí bạn rồi sẽ chỉ còn tập trung rất hẹp vào các mối nguy hại và mất mát, và có xu hướng thiên về giận dữ, buồn đau và cắn rứt. Ngược lại, nếu bạn đặt tâm trí mình vào những hoàn cảnh và sự kiện tốt đẹp (ai đó tử tế với bạn, bạn vẫn còn nhà để về), cảm giác dễ chịu, những điều bạn đã làm được, những niềm vui về thân thể hay vật chất, và các dự định hay phẩm chất tốt đẹp, thì theo thời gian bộ não của bạn sẽ nhận lấy một hình dạng khác, một hình dạng có sức mạnh và khả năng phục hồi được lập trình, cũng như một cái nhìn lạc quan thực tế, một tâm trạng tích cực, và một cảm giác về giá trị nội tại. Hãy nhìn lại tuần vừa qua hay trước đó nữa, bạn đã đặt tâm trí mình dựa vào đâu là chủ yếu?

Trên thực tế, cái mà bạn chú tâm vào – cái mà bạn đặt tâm trí mình vào – chính là yếu tố định dạng chính cho não bạn. Đúng là có một số thứ tự động bắt lấy sự chú ý của một người – chẳng hạn như một rắc rối ở chỗ làm, một cơn đau trên cơ thể, hay một cơn lo âu nghiêm trọng – nhưng nhìn chung thì bạn có nhiều ảnh hưởng lên những điều mà tâm trí mình để tâm. Điều này có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể chủ động kéo dài hay thậm chí là tạo ra các trải nghiệm có khả năng định hình lại não bạn theo cách tốt hơn.

Tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm chi tiết, bắt đầu từ Chương 4. Trong khi đó, hãy thoải mái thu nhận điều tốt đẹp vào lòng ngay bây giờ. Phương pháp này, kết hợp với một trải nghiệm tích cực, được cô đọng chỉ trong bốn chữ: có nó, và tận hưởng (nó). Và hãy tự mình chứng kiến điều gì sẽ xảy ra khi bạn làm được.

Các trải nghiệm có lợi cho bạn nhất

Ngẫm thật kỹ về khu vườn tâm trí của mình lúc này, bạn thấy hoa nào nên được gieo trồng? Một số loại trải nghiệm nhất định sẽ có lợi cho bạn nhiều hơn những cái khác.

Đúng là trải nghiệm tiêu cực có thể có giá trị cho một người. Lấy ví dụ, làm việc ca đêm ở nhà máy đóng chai vào một mùa hè khi còn học đại học đã trui rèn tôi thành một người kiên cường. Thế nhưng trải nghiệm tiêu cực tự thân nó mang theo tác dụng phụ tiêu cực, chẳng hạn như sự bực bội về tâm lý hay hệ quả căng thẳng kéo theo về sức khỏe. Chúng còn có thể tạo ra xung đột với người khác, hay làm tệ hơn các xung đột này. Khi vợ chồng tôi mệt mỏi và kiệt sức trong việc nuôi dạy hai đứa con nhỏ, chúng tôi quát nạt nhau thường xuyên hơn. Cái giá của trải nghiệm tiêu cực thường kỳ vượt quá giá trị của nó, và thường thì chẳng có lợi ích gì cả, chỉ toàn là đau đớn chứ không được lợi gì. Cũng bởi tế bào thần kinh nào bắn tín hiệu cho nhau thì liên kết với nhau, cho nên nếu bạn ở lại với trải nghiệm tiêu cực mà đã vượt quá giá trị hữu dụng của nó thì đồng nghĩa với việc chạy đua nhiều vòng ở Địa ngục: bạn đào cái rãnh trong não mỗi lúc một sâu hơn mỗi khi bạn chạy qua nó một vòng lại một vòng.

Ngược lại, trải nghiệm tích cực thì luôn luôn có lợi và ít khi đau đớn. Chúng thường tạo cảm giác tốt đẹp tại thời điểm đó. Thêm nữa, cách trực tiếp nhất để phát triển các sức mạnh nội tại như lòng kiên tâm, cảm giác về bức tranh toàn cảnh, cảm xúc tích cực, và lòng trắc ẩn, đó là có được các trải nghiệm về các sức mạnh này ngay từ đầu. Nếu bạn muốn phát triển lòng biết ơn, hãy đặt tâm trí bạn vào cảm giác biết ơn. Nếu bạn muốn cảm thấy được yêu thương nhiều hơn, hãy tìm kiếm và ở lại với trải nghiệm mà trong đó bạn cảm thấy mình được đón nhận, nhìn nhận, công nhận, được yêu mến, và được bảo bọc. Câu trả lời cho câu hỏi về việc làm thế nào để gieo trồng điều tốt trong tâm trí nằm ở đây: tiếp nhận các trải nghiệm về chúng. Việc ấy sẽ đan bện chúng vào trong não bạn, hình thành các dòng thần kinh về chúng, giúp bạn mang chúng theo bên mình đến mọi nơi.

Bên cạnh việc gieo trồng các sức mạnh nội tại đặc hiệu cho bản thân, việc tiếp nhận điều tốt có những lợi ích tổng quát đi kèm như tính chủ động thay vì bị động, cư xử với bản thân như một người có giá trị, và tăng cường sức tập trung của mình. Thêm nữa, ta sẽ đọc thấy trong Chương 3, theo thời gian bạn có thể dần dần khiến bộ não mình nhạy cảm hơn với trải nghiệm tích cực để chúng trở thành các sức mạnh nội tại nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Tính mềm dẻo thần kinh tự định hướng

Một nhà thần kinh học bạn tôi từng mô tả não bộ như một cái “bánh pudding bằng bột năng”. Trông như một đốm nhơm nhớp không có gì hấp dẫn. Thế nhưng nó là cơ quan chủ lực trong cơ thể người và là nguồn lực chính bên trong cho tình trạng lành mạnh của bạn, tính hiệu quả mỗi ngày, sự chữa lành về tâm lý, phát triển cá nhân, tính sáng tạo, và thành công. Bất kể bạn cảm thấy giận dữ hay đang thư giãn, bực bội hay mãn nguyện, cô đơn hay được yêu, tất cả đều phụ thuộc vào mạng lưới thần kinh của bạn. Xa hơn nữa, cách bộ não tương tác chính là cơ sở cho các mối quan hệ đủ đầy, các tổ chức thành công, các quốc gia thịnh vượng, và đích đến sau cùng, là cơ sở cho việc liệu ta có sống trong một thế giới hòa bình và phát triển bền vững hay không.

Khoa học về tính mềm dẻo dựa trên trải nghiệm cho thấy mỗi người đều có năng lực thay đổi bộ não của chính mình theo chiều hướng tốt hơn – và đó được Jeffrey Schwartz gọi là tính mềm dẻo thần kinh tự định hướng. Nếu bạn không lợi dụng sức mạnh này cho mình, thì các thế lực khác sẽ định hình não bạn thay cho bạn, chẳng hạn như áp lực ở chỗ làm hay ở nhà, công nghệ và truyền thông, những người hay thúc ép, tác dụng dai dẳng từ các trải nghiệm đau thương trong quá khứ và kể cả, như ta sẽ xem xét trong chương tới, Mẹ Thiên Nhiên nữa.

Mặt khác, với những cách nhanh, dễ làm và thú vị, trong dòng chảy cuộc sống đời thường của mình, bạn có thể sử dụng quyền năng của tính mềm dẻo thần kinh tự định hướng để xây nên một cảm giác lâu dài về sự thư thái, tự tin, chấp nhận bản thân, lòng tử tế, cảm giác được yêu thương, mãn nguyện, và bình an nội tâm. Về cốt lõi, việc bạn cần làm với những phương pháp trong sách này thực ra rất đơn giản: biến các trải nghiệm tốt đẹp mỗi ngày thành một cấu trúc thần kinh tích cực. Nói một cách công nghệ hơn, đó là: bạn sẽ kích hoạt các trạng thái tinh thần và rồi cài đặt chúng thành các nét đặc trưng thần kinh. Khi cần đến, bạn sẽ có thể rút ra sử dụng các đặc trưng này, khi chúng đã trở thành sức mạnh nội tại của bạn, khi ấy điều tốt đẹp đã được cấy vào tâm trí bạn.

Bạn sẽ sử dụng tâm trí mình để thay đổi não bộ và rồi để não bộ thay đổi tâm trí bạn theo hướng tốt hơn. Từng mẩu một, từng khớp thần kinh một, bạn hoàn toàn có thể xây dựng hạnh phúc vào trong não bộ của mình.

Và bằng cách này, bạn sẽ vượt qua được thiên kiến tiêu cực: não bộ giỏi học hỏi từ trải nghiệm xấu, nhưng kém cỏi trong việc học từ trải nghiệm tốt. Khi bạn đọc chương tiếp theo, bạn sẽ thấy nếu tâm trí là một khu vườn thì “đất” của bộ não sẽ màu mỡ dinh dưỡng cho cỏ hơn là hoa. Vì thế, điều vô cùng quan trọng là ta phải gieo trồng hạt giống sức mạnh nội tại bằng cách liên tục thu nhận điều tốt vào lòng.

THẤM NHẬP VÀO LÒNG

  • Sức mạnh nội tại của một người bao gồm sự bình yên, sự mãn nguyện, và tình yêu, cũng như khả năng phục hồi, tự tin, lòng kiên tâm và tri kiến nội tại. Các sức mạnh này giúp bạn đương đầu với những khó khăn trong đời, hồi phục lại từ căng thẳng, hàn gắn các đau thương cũ, duy trì thể trạng và tinh thần khỏe mạnh, hoàn thành được những điều muốn làm ở nhà cũng như chỗ làm, cũng như có thể nhẫn nại và quan tâm đến người chung quanh.
  • Phần lớn các sức mạnh nội tại được hình thành phát triển theo thời gian. Quyển sách này viết về công cuộc gieo trồng các sức mạnh bên trong thông qua trải nghiệm tích cực, đó chính là lập trình hạnh phúc.
  • Đơn giản quan sát tâm trí của mình đã là một việc cực kỳ hữu ích, nhưng bạn còn cần phải giảm bớt những tiêu cực và gia tăng điều tích cực. Tôi tập trung vào việc gia tăng điều tích cực: trồng hoa trong khu vườn tâm trí. Đồng nghĩa với thay đổi cấu trúc não bộ của bạn.
  • Tất cả hoạt động của tâm trí – hình ảnh và âm thanh, suy nghĩ và cảm giác, ý thức và vô thức – đều đặt nền tảng trên hoạt động thần kinh bên dưới. Hoạt động thần kinh/ tinh thần lặp đi lặp lại đều để lại các thay đổi bền vững trong cấu trúc thần kinh: đó được gọi là tính mềm dẻo thần kinh dựa trên trải nghiệm. Điều này nghĩa là bạn có thể sử dụng tâm trí mình để thay đổi não bộ, và rồi bộ não sẽ thay đổi tâm trí bạn theo hướng tốt hơn.
  • Cách tốt nhất để phát triển niềm hạnh phúc to lớn hơn và các sức mạnh nội tại khác là hãy có trải nghiệm về chúng, sau đó giúp các trạng thái tinh thần tốt đẹp này trở thành các nét đặc trưng thần kinh. Đây chính là nguyên lý của tiếp nhận điều tốt: kích hoạt một trải nghiệm tích cực và cài đặt nó vào trong não bạn.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trích đăng

Ngoài Covid, còn có những cuộc khủng hoảng thầm lặng khác

Ta mang khẩu trang để bảo vệ chính mình và người khác khỏi một con vi rút mà ta không thấy được. Nhưng còn tất cả những con vi rút vô hình khác mà ta cũng cần tránh thì sao?

Published

on

By

Trích từ: Hãy cùng ước mơ
Tác giả: Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 10.2022

Tôi thấy thời đại này giống như một cuộc tính sổ. Nó khiến tôi nghĩ tới điều mà Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô trong Phúc Âm Luca (Lc 22,31) – ma quỷ muốn sàng ông như sàng gạo. Bước vào cuộc khủng hoảng là để cho bản thân được sàng lọc. Các phạm trù và cách suy nghĩ của bạn bị lung lay, các giá trị ưu tiên và phong cách sống của bạn bị thách thức. Bạn bước qua một ngưỡng cửa, hoặc là do chính bạn chọn lựa, hoặc do hoàn cảnh đòi buộc; vì sẽ có những cuộc khủng hoảng, như những gì chúng ta đang phải trải qua đây, mà bạn không cách chi né tránh được.

Câu hỏi được đặt ra là liệu bạn có vượt qua cơn khủng hoảng này không, và nếu có thể, thì bằng cách nào? Quy luật cơ bản của một cuộc khủng hoảng là bạn sẽ không thoát khỏi nó mà không thay đổi gì. Khi bạn vượt qua thách đố, bạn hoặc sẽ trở nên tốt hơn hoặc là tệ đi; nhưng chắc chắn sẽ không còn là con người cũ nữa.

Chúng ta đang sống trong thời đại đầy những thử thách. Kinh Thánh nói về việc băng qua lửa để mô tả những thử thách như thế, có thử lửa mới biết bình thợ gốm (Hc 27,5). Chúng ta sẽ luôn gặp khó khăn trong cuộc sống, nhờ đó mà ta được lớn lên.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Các thử thách trong cuộc sống sẽ giúp bạn bộc lộ trái tim mình: Trái tim bạn vững chãi thế nào, biết thương xót ra sao, và nó lớn hay nhỏ. Thường thường, trong những cảnh huống xã hội bình thường, bạn chẳng khi nào bộc lộ bản thân. Bạn cười, bạn nói những điều đúng đắn, và bạn bình an vô sự vượt qua các tình huống mà không phải thể hiện mình như chính-bạn-là. Nhưng khi bước vào khủng hoảng thì hoàn toàn trái ngược. Bạn phải chọn lựa. Và trong quá trình chọn lựa, bạn bộc lộ trái tim mình.

Hãy nghĩ về những gì xảy ra trong lịch sử. Khi trái tim bị thử thách, con người ta trở nên ý thức về điều khiến họ chùn bước. Họ cũng cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng Trung Tín và hằng đáp lại tiếng than khóc của dân Người. Cuộc gặp gỡ sau đó mở ra một tương lai mới.

Hãy nghĩ về những gì chúng ta thấy trong đại dịch Covid-19. Kìa các vị tử đạo: Những người nam người nữ đã hy sinh mạng sống mình để phục vụ những ai cần họ nhất. Hãy nghĩ tới các nhân viên y tế, các y bác sĩ, những người chăm sóc, cũng như các vị tuyên úy và tất cả những ai đã chọn đồng hành với người khác trong nỗi đau của họ. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết, họ tìm cách hỗ trợ và an ủi người khác. Họ là chứng nhân của tình thân và sự dịu dàng. Đau lòng thay, nhiều người trong số họ đã ra đi. Để tôn vinh những gì họ đã làm chứng và nỗi đau của biết bao người, chúng ta phải xây dựng ngày mai bằng cách đi theo con đường mà họ đã thắp sáng.

Tuy nhiên – tôi nói điều này trong đau đớn và xấu hổ chúng ta cũng hãy nghĩ đến những người cho vay nóng, cho vay nặng lãi, kẻ đã xuất hiện trước cửa nhà của những người đang tuyệt vọng. Giả như họ có đưa tay ra thì cũng là để cho vay những khoản tiền không thể nào trả nổi, và những ai chấp nhận đề nghị đó cuối cùng sẽ trở thành con nợ vĩnh viễn. Đây là những người làm giàu trên nỗi khốn cùng của người khác.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Trong thời điểm khủng hoảng, bạn sẽ bắt gặp cả điều tốt lẫn điều xấu: Người ta bộc lộ mình như chính-họ-là. Có những người quên mình phục vụ kẻ khó nghèo, cũng có những người làm giàu trên nỗi đau của người khác. Có những người bước ra để đến với tha nhân – bằng những cách thức mới đầy sáng tạo mà không cần rời khỏi nhà – trong khi số khác lại rút lui phía sau tấm áo phòng bị. Trái tim của ta vì thế mà tỏ lộ.

Không chỉ một vài cá nhân nào đó bị thử thách, mà là toàn thể nhân loại. Hãy nghĩ đến việc các chính phủ phải đưa ra chọn lựa trong đại dịch. Điều gì quan trọng hơn: Chăm sóc con người hay đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính? Chăm lo cho người dân, hay thí mạng họ để đảm bảo lợi ích của thị trường chứng khoán? Tạm ngưng cỗ máy thịnh vượng, dù biết rằng điều này có thể ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng phải chăng đó cũng chính là cách chúng ta có thể cứu sống nhiều mảnh đời? Có những trường hợp, chính phủ chọn bảo vệ nền kinh tế trước, có thể vì họ đã không hiểu mức độ trầm trọng của dịch bệnh, hoặc do họ thiếu nguồn lực. Những chính quyền này đã “thế chấp” người dân của họ. Khi chọn lựa như thế, thứ tự ưu tiên của họ bị thử thách và giá trị thật của họ cũng bị phơi bày.

Trong cơn khủng hoảng, luôn có điều cám dỗ ta rút lui. Tất nhiên, có những lúc chúng ta cần phải lùi lại vì lý do chiến thuật – như trong Kinh Thánh đề cập: “Rồi Israel rút về lều” (1 V 12,16) - nhưng có những tình huống mà rút lui không phải việc đúng đắn và cũng chẳng nhân văn. Chúa Giêsu đã làm rõ điều này trong dụ ngôn về người Samari nhân hậu. Khi thầy Lêvi và thầy tư tế bỏ lại người đàn ông bê bết máu vì bị băng cướp đánh nhừ tử, họ đang rút lui “theo chức năng”. Một hành động tuy hợp lý và đúng luật dạy, nhưng chẳng hợp tình người. Khi gặp thách đố, điều họ cố gắng bảo vệ là địa vị, vai trò và hình tượng của bản thân, chứ không phải vì người khác.

Trong một cuộc khủng hoảng, chủ nghĩa chức năng của ta bị lung lay, đó là lý do ta phải xem lại cũng như điều chỉnh vai trò và thói quen để biến mình thành những người tử tế hơn. Một cuộc khủng hoảng luôn đòi buộc toàn thể con người ta hiện diện, không cho phép ta thoái lui hay trở về với những đường lối và vai trò cũ. Hãy nghĩ về người Samari: Anh ta đã dừng lại, nâng đỡ người gặp nạn, đã hành động và bước vào thế giới của nạn nhân, đã đặt mình vào tình huống để chia sớt đau khổ với nạn nhân, rồi từ đó, tạo nên một tương lai mới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Hành động theo cách của người Samari trong cơn khủng hoảng nghĩa là để cho bản thân được tác động bởi những gì mà ta nhìn thấy, với ý thức rằng những khổ đau này sẽ biến đổi cuộc đời ta. Chúng ta, những người Kitô hữu, nói về điều này như là đón nhận và ôm lấy thập giá Đức Kitô. Với niềm xác tín rằng những gì sẽ xảy đến là cuộc sống mới, việc ôm lấy thập giá cho chúng ta can đảm để ngừng than vãn và dũng khí để ra đi phục vụ. Từ đó, chúng ta được biến đổi, và sự biến đổi này chỉ đến từ lòng trắc ẩn và sự phục vụ quên mình.

Một số người đáp lại những khổ đau mà cơn khủng hoảng đem đến chỉ bằng cái nhún vai. Họ nói, “Thượng đế đã tạo dựng thế giới như thế, bản chất nó là vậy rồi”. Nhưng, nhìn nhận như thế là đã hiểu sai về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi đây là một tiến trình năng động, không phải tĩnh tại. Thế giới vẫn luôn được tạo dựng. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma đã nói: Muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở (Rm 8,22). Thiên Chúa muốn cùng chúng ta, các cộng sự của Ngài, không ngừng dựng xây thế giới. Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài ngay từ thuở ban đầu, trong mọi lúc, cả những thời khắc bình yên hay trong cơn khủng hoảng. Thiên Chúa không trao thế giới cho ta như một món đồ đã được đóng gói và niêm phong, rồi nói rằng: “Thế giới đây, hãy đón nhận”.

Trong sách Sáng Thế (Book of Genesis), Thiên Chúa ra lệnh cho Adam và Eva sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất. Nhân loại có nhiệm vụ thay đổi, xây dựng, làm chủ công trình sáng tạo theo nghĩa tích cực: sáng tạo từ nó và cùng với nó. Vì vậy, những gì sắp xảy đến không phụ thuộc vào các cơ chế vô hình hay một tương lai mà nhân loại chỉ là khán giả thụ động. Không, chúng ta là nhân vật chính, hay cụ thể hơn, là những người đồng sáng tạo. Khi Chúa bảo chúng ta ra đi và sinh sôi nảy nở để làm chủ Trái Đất, Ngài đang nói: Hãy là những người kiến tạo tương lai của chính mình.

Từ cuộc khủng hoảng này, chúng ta có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ đi. Ta có thể trượt dài về sau, hoặc có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ. Hiện tại, điều ta cần là cơ hội để thay đổi và tạo không gian cho những điều mới. Điều này tương tự điều Chúa phán với tiên tri Isaia: Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Nếu con sẵn sàng lắng nghe, chúng ta sẽ có một tương lai tuyệt vời. Nhưng nếu con từ chối lắng nghe, con sẽ bị ăn gươm giáo (Is 1, 18-20).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Có rất nhiều lưỡi gươm đang hòng tiêu diệt chúng ta.
Cuộc khủng hoảng Covid trông có vẻ đặc biệt vì nó ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, nhưng nó chỉ đặc biệt vì ta có thể nhìn thấy được. Trong khi có hàng ngàn cuộc khủng hoảng khác cũng thảm khốc không kém, nhưng đủ khuất tầm nhìn để nhiều người vờ như chúng chẳng hề hiện hữu. Chẳng hạn, hãy nghĩ về những cuộc chiến tranh diễn ra đó đây trên thế giới; về việc sản xuất và buôn bán vũ khí; về hàng trăm ngàn người tị nạn đang chạy trốn khỏi sự đói nghèo, thiếu thốn cơ hội; và cả biến đổi khí hậu. Những bi kịch này có vẻ xa vời với chúng ta, chúng chỉ là một phần của tin tức hằng ngày, và đáng buồn thay, nó không đủ sức để thúc đẩy ta thay đổi lịch trình và giá trị ưu tiên. Nhưng cũng như đại dịch Covid, những khủng hoảng này tác động đến toàn nhân loại.

Chỉ cần nhìn những con số trong ngân sách mà một quốc gia chi cho việc trang bị vũ khí thôi cũng đủ làm bạn lạnh người. Rồi hãy so sánh các số liệu trên với số liệu thống kê của UNICEF về số trẻ em không được đến trường, phải lên giường với cái bụng đói, khi đó, bạn sẽ hiểu được ai đang phải trả giá cho việc trang bị vũ khí. Trong bốn tháng đầu năm nay, có đến 3,7 triệu người chết vì đói. Và có bao nhiêu người chết vì chiến tranh? Chi phí quân sự hủy diệt loài người. Có thể nói đây là một chủng vi rút corona đáng sợ, nhưng vì không nhìn thấy các nạn nhân của nó nên chúng ta chẳng mấy để tâm.

Tương tự vậy, một số người không nhìn thấy được thế giới tự nhiên đang bị tàn phá. Chúng ta nghĩ rằng điều này sẽ không ảnh hưởng tới mình vì nó xảy ra tận đấu tận đâu. Nhưng rồi đột nhiên ta nhìn thấy, ta hiểu được: Một chiếc thuyền băng qua Bắc Cực lần đầu tiên, và ta nhận ra rằng những trận lũ lụt và cháy rừng ở đâu xa lại là một phần của cuộc khủng hoảng chung mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt.

Hãy nhìn chúng ta lúc này: Ta mang khẩu trang để bảo vệ chính mình và người khác khỏi một con vi rút mà ta không thấy được. Nhưng còn tất cả những con vi rút vô hình khác mà ta cũng cần tránh thì sao? Chúng ta sẽ phải đối phó với những đại dịch tiềm ẩn của thế giới này bằng cách nào – đại dịch của đói nghèo, bạo lực và biến đổi khí hậu?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Nếu muốn bước ra khỏi cuộc khủng hoảng này và bớt ích kỷ hơn so với khi bước vào, hãy để cho bản thân được lay động bởi nỗi đau của người khác. “Nơi nào có hiểm nguy, nơi đó cũng trổ sinh nguồn năng lượng cứu rỗi”. Câu thơ trong tác phẩm Hyperion của Friedrich Hölderlin như muốn nói với tôi rằng những hiểm nguy đe dọa chúng ta trong một cuộc khủng hoảng không phải là tất cả; luôn luôn có một lối ra. Đó chính là nguồn cảm hứng trong câu chuyện của loài người: Luôn có cách để ta thoát khỏi sự suy tàn. Con người phải hành động ngay trong chính những thách thức, cũng là nơi mà cánh cửa được mở ra. Câu nói ấy đã đồng hành với tôi trong nhiều thời điểm khác nhau của cuộc sống.

Đây là thời điểm để ta mơ lớn, để suy nghĩ lại các giá trị ưu tiên, những điều ta coi trọng, mong muốn và kiếm tìm, và cũng để cam kết hành động trong mỗi ngày sống vì những điều ta mơ ước. Điều tôi nghe được lúc này cũng giống những gì Thiên Chúa đã nói với tiên tri Isaia: Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Chúng ta hãy dám ước mơ.

Thiên Chúa mời gọi ta dám sáng tạo những điều mới lạ. Chúng ta không thể trở về tình trạng tưởng chừng như yên ổn của hệ thống chính trị và kinh tế trước khủng hoảng. Chúng ta cần những nền kinh tế cho phép mọi người tiếp cận với thành quả của công trình sáng tạo cùng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống: đất đai, nhà ở và công việc. Chúng ta cần những nền chính trị có thể hòa nhập và đối thoại với người nghèo, những người bị loại trừ và dễ bị tổn thương, giúp họ có tiếng nói trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chúng ta cần chậm lại, cân nhắc và thiết kế ra cách thức tốt hơn để có thể cùng nhau sống trên mặt đất này.

Đó là nhiệm vụ mà từng người chúng ta được mời gọi để cộng tác. Nhưng đây là thời điểm đặc biệt dành cho những con tim thao thức, sự thao thức lành mạnh thôi thúc ta hành động. Hơn bao giờ hết, các lý lẽ ngụy biện cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên lý vận hành xã hội đang bị phơi bày. Vậy đâu sẽ là nguyên tắc mới của chúng ta?

Chúng ta cần một nhóm những người biết rằng chúng ta cần nhau, những người có tinh thần trách nhiệm với người khác và với thế giới. Chúng ta cần cho thấy rằng việc sống tử tế, có niềm tin, và làm việc vì lợi ích chung là những mục tiêu tuyệt vời – điều đòi hỏi nơi ta lòng can đảm và nghị lực; trong khi sự hào nhoáng hời hợt và nhạo báng đời sống đạo đức chẳng giúp ích gì. Kỷ nguyên hiện đại, vốn đã phát huy sự bình đẳng và tự do như một xác quyết, giờ đây cần phải tập trung vào tình anh em bạn hữu với cùng chí hướng và sự bền bỉ để đương đầu với các thử thách phía trước. Tình anh em bạn hữu sẽ tạo điều kiện cho bình đẳng và tự do chiếm vị trí tương xứng trong bản giao hưởng cuộc sống.

Hàng triệu người đã tự hỏi mình và người khác rằng họ có thể tìm thấy Thiên Chúa ở đâu trong cuộc khủng hoảng này. Những gì hiện lên trong tâm trí tôi là sự đầy tràn. Tôi nghĩ tới những dòng sông lớn nhẹ nhàng vỗ bờ, một cách chậm rãi đến độ bạn khó lòng nhận ra, nhưng đến đúng thời điểm, chúng vỡ bờ và tràn ra. Trong xã hội chúng ta, lòng thương xót của Chúa cũng tuôn tràn như “thời khắc vỡ bờ”: Bùng nổ, phá vỡ mọi giới hạn truyền thống vốn cản trở nhiều người khỏi những gì họ xứng đáng được nhận, làm lung lay vai trò và cách suy nghĩ của ta. Sự đầy tràn ân sủng được tìm thấy nơi những đau khổ mà cuộc khủng hoảng này đã phơi bày, và trong cách đáp trả sáng tạo của hàng bao người.

Tôi thấy có rất nhiều tình thương chảy tràn giữa chúng ta. Nhiều con tim đã và đang phải chịu các thách đố. Cuộc khủng hoảng đã khơi dậy nơi nhiều người sự can đảm và lòng trắc ẩn mới. Một vài người trong số đó khi bị thách đố sàng lọc, đã đáp lại bằng khát khao kiến tạo lại thế giới; số khác thì quyết định giúp người thân cận đang gặp túng thiếu bằng các hành động thiết thực để họ có thể vượt qua nỗi đau.

Tôi tràn ngập hy vọng rằng chúng ta sẽ trở nên tốt hơn khi bước ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Nhưng để làm được như thế, chúng ta cần phải quan sát kỹ càng, lựa chọn sáng suốt và hành động đúng đắn.

Hãy cùng nói về cách thức để làm điều đó. Hãy để cho lời Chúa phán với tiên tri Isaia cũng vang vọng trong ta: Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Chúng ta hãy dám ước mơ.

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Tại sao “Tôi” phải tồn tại ngay từ đầu?

Cuộc sống trưởng thành là thỏa hiệp giữa việc được làm những điều bạn muốn và tuân theo chuẩn mực chung của xã hội, giữa cái “Tôi” là trung tâm vũ trụ và cái “Tôi” chỉ như một mắt xích nhỏ nhoi trong guồng máy xã hội khổng lồ.

Published

on

By

Trích từ: Metahuman – Siêu Nhân Loại
Tác giả: Deepak Chopra
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 12.2022

Có nhiều cách hiểu từ ảo tưởng. Xã hội không chấp nhận bất kỳ ai có ảo tưởng rằng những cá thể khác không quan trọng; chúng ta gọi đây là thói tự đại hoặc duy ngã. Nhưng ảo tưởng rằng tình yêu có thể chinh phục tất cả, niềm tin mà con người rất dễ lậm vào nếu đang say sưa trong men tình, là loại ảo tưởng ai cũng sẵn lòng sa chân. Vậy nên thật đau đớn khi tình yêu tan vỡ, nghĩa là mang hiện thực đến thế chỗ cho ảo tưởng.

Sự pha trộn giữa niềm vui và đau khổ tạo nên đặc trưng tiêu biểu của “Tôi”. Ở mặt tích cực, việc khám phá ra danh tính bản thân có thể khiến trẻ con vui sướng tột cùng. Nhưng chẳng lâu sau, “khủng hoảng tuổi lên hai” sẽ bắt đầu phô bày những dấu hiệu vị kỷ, khi trẻ biết khẳng định với thế giới, “Đây là tôi! Chú ý vào nhé. Tôi ở đây này!” Khủng hoảng tuổi lên hai là giai đoạn thách thức với các bậc cha mẹ bởi lối đòi hỏi vô lối của bản ngã, rất đáng ghét. Trên hết, hành vi này không thực tế. Bạn không thể tồn tại trong xã hội mà cứ đòi thế giới phải thường xuyên xoay quanh mình, thậm chí luôn luôn xoay quanh mình. Cuộc sống trưởng thành là thỏa hiệp giữa việc được làm những điều bạn muốn và tuân theo chuẩn mực chung của xã hội, giữa cái “Tôi” là trung tâm vũ trụ và cái “Tôi” chỉ như một mắt xích nhỏ nhoi trong guồng máy xã hội khổng lồ. Sự cân bằng rất khó đạt được, và vô số người đã rơi thẳng vào cái bẫy mặc cảm cá nhân, trong khi số ít còn lại giành quyền bước lên đàn áp luật chơi.

Các nhà tâm lý học dành cả sự nghiệp để chữa lành những cảm xúc bị hư hại của con người về Cái Tôi, nhưng trên hành trình siêu nhân, chúng ta phải đặt ra một câu hỏi cấp tiến hơn: Tại sao “Tôi” phải tồn tại ngay từ đầu? “Tôi” vẽ ra một cuộc đời sướng – khổ không thể tiên liệu. “Tôi” cách ly chúng ta khỏi thế giới và hạn chế những điều ta có thể cảm nhận, suy nghĩ, phát ngôn và hành động. Có phải chúng ta thường ngăn mình làm những chuyện bốc đồng bởi ý nghĩ tự động này – “Tôi không phải loại người làm chuyện X”? Chuyện X có thể là bất cứ gì, từ một trò chơi khăm vui vẻ đến phô trương thu nhập hay bỏ việc để đầu quân cho rạp xiếc. Mọi hạn chế do “Tôi” áp đặt đều vô nghĩa. Khuôn mẫu đó chỉ có ích cho những điều kiện xã hội đã lỗi thời. Khi chúng ta nhận ra “Tôi” chỉ là một mô hình tinh thần – và còn là một mô hình rất rung lắc – con đường thay đổi sẽ rộng mở. Một khi mô hình này mất đi sức mạnh cố hữu, chúng ta có thể quyết định hành động mà không còn phụ thuộc vào “Tôi”.

“Tôi” tồn tại để thuyết phục bạn rằng bạn là tạo vật của bầu thực tế ảo này, và việc vượt lên khỏi môi trường mô phỏng là không tưởng, cũng như một tấm ảnh không thể nhảy ra khỏi cái khung chứa nó được. Nguyên nhân khiến con người vướng víu trong ảo ảnh là vì chúng ta bị cái “Tôi” cùng mọi thứ “Tôi” đại diện trói chặt. Có rất nhiều việc phải làm để “Tôi” ngừng chi phối cuộc đời con người. Từ những ký ức đầu tiên của chúng ta về bản thân, “Tôi” đã là người bạn đồng hành thân cận nhất, và “Tôi” dành mọi khoảnh khắc tỉnh táo để bám lấy những trải nghiệm nó cho là đáng mơ ước, đồng thời loại bỏ các trải nghiệm khó chịu. “Tôi” không muốn từ bỏ sức mạnh chi phối chúng ta, vì lý do chính đáng. Có ai đó đặc biệt yêu thương bạn và chỉ riêng bạn khiến cuộc đời đáng sống hơn. Khi “Tôi” phai mờ, còn ai để ta yêu và được yêu nữa? Nhưng đó không phải nguy cơ duy nhất. Mọi điều con người suy nghĩ, phát ngôn và hành động đều nhằm mục đích khiến “Tôi” mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn và tốt đẹp hơn. Vậy thì hành trình siêu nhân không thể thành công nếu không mang lại cho chúng ta những giá trị viên mãn hơn điều mà cái “Tôi” đang làm.

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Ảo tưởng giữa đời thường

Thế giới hữu hình gây khó chịu đến mức trẻ em và người lớn mới được chữa thị lực thường thích ngồi trong bóng tối để trấn an mình.

Published

on

By

Trích từ: Metahuman – Siêu Nhân Loại
Tác giả: Deepak Chopra
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 12.2022

Ai cũng đồng ý sống chân chạm đất tốt hơn là mơ mộng. Vậy nên hẳn sẽ là cú sốc với bạn nếu vỡ lẽ ra rằng bấy lâu nay mình vẫn sống trong ảo mộng. Bạn đã bám víu lấy khối ảo ảnh ấy ngay từ thời thơ ấu. Đến cả những người thực tế, lý trí nhất cũng thường xuyên đắm chìm trong ảo mộng. Tôi không chỉ bàn tới những ảo vọng hoang đường hay tưởng tượng dục tình, hoặc giấc mơ trở thành tỷ phú sau một đêm. Chẳng có gì bạn thấy thực chất như vậy cả. Tất cả đều là ảo ảnh từ chân tới đầu. Lấy điện thoại của bạn ra và xem bất cứ hình ảnh nào mới được lưu đi. Bức ảnh có chiều ngang vài centimet, bất kể là ảnh chụp Grand Canyon, con chuột hay vi trùng. Mắt bạn vẫn cách màn hình điện thoại một khoảng như nhau, nhưng bạn nhận biết Grand Canyon, con chuột và vi trùng với những kích thước hoàn toàn khác biệt. Bằng cách nào chúng ta có thể tự động điều chỉnh kích thước của hình ảnh trên màn hình vậy? Chẳng ai trả lời được, và tình hình càng bí ẩn hơn nếu bạn nhớ ra rằng võng mạc phía sau nhãn cầu là mặt cong và ảnh chiếu lên đó còn bị lộn ngược. Tại sao thế giới quanh ta lại không bị bóp méo như trong nhà gương cười? Bạn có thể nhún vai mà đẩy hết bí mật cho não bộ, cơ quan nhào nặn dữ liệu thô từ mắt và tạo thành bức tranh thế giới thực cho ta. Nhưng làm thế chỉ càng khiến ảo ảnh ăn sâu hơn. Khi nói mắt phản ứng với “ánh sáng thấy được”, ta đã bỏ qua sự thực là các hạt cơ bản của ánh sáng – photon – vốn không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Photon không có độ sáng, độ bóng, màu sắc hay bất kỳ đặc tính nào liên hệ tới ánh sáng. Giống như bộ đếm Geiger nháy đèn liên tục khi phát hiện mức phóng xạ cao và ngược lại, võng mạc cũng “nhấp nháy” liên tục khi hàng triệu photon kích hoạt các tế bào nón và que trong nó, nếu mức sáng giảm xuống (tức là chuyển thành tối) sẽ nháy thưa dần đi. Dù sao thì mọi hình ảnh bạn nghĩ mình nhìn thấy đều đã được xử lý trong não, ở một vùng cụ thể có tên là vỏ não thị giác, nơi hoàn toàn tối. Một bóng đèn chớp làm chói mắt bạn khi đi vào não cũng tối như ánh mờ của những ngôi sao trên trời đêm mà thôi. Các tín hiệu truyền đến vỏ não thị giác không tạo ra hình ảnh, chưa nói tới ảnh 3-D. Bức ảnh bạn ghi lại để hình dung về thế giới thực ra là do não bạn thêu dệt nên. Tương tự, bốn giác quan còn lại cũng chỉ là những “nhấp nháy” trên bề mặt của các tế bào khác. Không ai giải thích được tại sao các dây thần kinh trong mũi lại biến sự bùng nổ của những phân tử đang trôi nổi thành hoa hồng thơm hay đống rác thối. Toàn bộ thế giới ba chiều được thiết lập bằng một ẩn số ma thuật, nhưng đó chắc chắn không phải là khung cảnh thật của hiện thực. Tất cả đều là sản phẩm của tâm trí.

Một nhà khoa học thần kinh sẽ chỉnh đốn tôi, khẳng định thế giới chúng ta nhận thức là sản phẩm của não bộ mới đúng. Song chỉ một vài ví dụ đơn giản cũng có thể lật đổ luận điểm ấy. Theo cơ chế của não bộ, những ký tự trên trang sách này chỉ là đốm đen, không khác gì mấy đốm mực bạn chấm đại ra bằng cọ vẽ. Trước khi bạn học đọc bảng chữ cái, các ký tự chỉ là những đốm đen vô nghĩa, chỉ khi bạn học xong chúng mới trở nên có ý nghĩa. Tuy nhiên về mặt xử lý thông tin, bộ não bạn hiện nay vẫn y như từ lúc ba tuổi trở đi. Tâm trí ta học cách đọc chữ, không phải bộ não. Tương tự vậy, bất cứ điều gì bạn thấy xung quanh – một cây du, thanh chocolate Bỉ, nhà thờ hay nghĩa trang – đều có ý nghĩa là bởi tâm trí đã gán ý nghĩa cho chúng. Một ví dụ khác: Khi trẻ em mù bẩm sinh được trị liệu y tế để có thể nhìn, các em sẽ lúng túng trước những điều mà chúng ta thấy bình thường. Kích thước con bò đằng xa ngang với một con mèo sát bên. Cầu thang trông như được vẽ trên tường; cái bóng là một mảng đen huyền bí cứ bám theo các em khắp nơi. Điều mà trẻ mù bẩm sinh đã bỏ lỡ – và cần bắt kịp – là đường cong lĩnh hội (the learning curve) mà ai ai cũng phải học để định hình hiện thực đời thường. (Thế giới hữu hình gây khó chịu đến mức trẻ em và người lớn mới được chữa thị lực thường thích ngồi trong bóng tối để trấn an mình.) Đường cong lĩnh hội cần thiết để bạn sống trong thế giới này, nhưng bạn cũng tự thích nghi theo những cách rất riêng và đáng ngạc nhiên. Hãy thử nhìn từ góc độ của bạn. Nếu bạn đang nằm trên giường và có ai đó chạm vai để đánh thức bạn, nhìn người đó không to bè ra với cái đầu nho nhỏ tít bên trên. Nhưng hãy nằm đúng vị trí ấy và thử chụp một bức ảnh, hiện thực sẽ bị bóc trần. Thân người ngang tầm mắt bạn trông to lớn lạ thường, trong khi cái đầu ở xa tầm mắt hơn lại nhỏ xíu. Tương tự vậy, khi bạn ngồi bên cạnh nói chuyện với một người, mũi anh ta như phổng hẳn lên, và nếu đối chiếu với ảnh chụp, đôi mắt anh ta trông còn to hơn bàn tay đang đặt trên đùi. Chúng ta tự động che đi hình thù thực tế của sự vật trong góc nhìn cá nhân, và biến đổi dữ liệu bằng năng lực tâm trí. Thông tin đến mắt chỉ cho thấy căn phòng bạn đang ngồi có những bức tường tụ vào nhau ở góc phòng, nhưng bạn biết căn phòng này hình vuông, vì vậy bạn nắn chỉnh dữ liệu cho khớp với hiểu biết đó. Bạn biết cái mũi nhỏ hơn bàn tay, thế nên ở đây cũng cần có sự điều chỉnh dữ liệu hợp lý. Sự thật gây sốc chính là mọi thứ bạn nhận thức đều đã được điều chỉnh. Các phân tử lơ lửng trong vườn được chuyển thành mùi hương. Các tần số rung động được chuyển thành âm thanh để bạn nghe thấy và định dạng. Không có lối thoát khỏi thế giới do tâm trí nhào nặn này. Đây vừa là vinh quang vừa là hiểm họa với nhân loại. Tản bộ trên đường phố London hai trăm năm trước, nhà thơ uyên bác William Blake cảm thán cho những điều trông thấy:

“Trên từng vết sẹo mặt người
Sẹo yếu nhược, sẹo khổ đau.
Trong tiếng nhân loại than van,
Tiếng ỉ ôi của bầy trẻ nhỏ,
Trong mọi âm thanh: mọi điều cấm kỵ,
Tôi nghe thấy gông cùm tâm trí.”

Đó là một khung cảnh đáng buồn, vậy mà vẫn tiếp diễn mãi tới tận ngày nay. Con người cứ loay hoay trong bể khổ và sóng gió với niềm tin sâu sắc rằng chúng ta đã được định trước số phận ấy. Sẽ không gì thay đổi cho đến ngày bạn chấp nhận là nếu tâm trí có thể tạo ra hiện thực thì cũng có thể phá hủy chúng.

- Còn tiếp -

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Cafe sáng