Cafe sáng

Giải thưởng văn học là ‘hoa tiêu’ của độc giả

Published

on

Nhiều giải thưởng văn chương nổi tiếng đã góp phần tôn vinh sự đóng góp của các tác giả cho nền văn học. Ngoài ra, đây còn là nơi phát hiện nhiều cây bút đầy triển vọng.

Hàng năm, độc giả trên khắp thế giới lại háo hức chờ đón xem ai là chủ nhân của những giải thưởng văn học uy tín trên thế giới như: Nobel Văn chương, Man Booker, Goncourt, Pulitzer. Điều đó chứng tỏ sức hút rất lớn từ các giải thưởng văn học. Nhiều cây bút sau khi giành được những giải thưởng uy tín về văn chương đã được độc giả tìm đọc nhiều hơn.

Tại buổi trò chuyện chuyên đề “Nói gì khi nói về giải thưởng văn học”, diễn ra vào ngày 23/4 tại Hà Nội, các diễn giả đã đi sâu phân tích tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của các giải thưởng văn học tới nhà văn và bạn đọc, đây là một sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023.

Nhờ có giải thưởng, đời sống văn chương trở nên sôi động hơn

Theo các diễn giả, ở các nước có nền văn học phát triển như Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Ba Lan… có rất nhiều giải thưởng văn học được trao thường niên. Ngoài các giải thưởng được trao bởi các tổ chức văn hóa thuộc quyền quản lý của chính phủ, còn có rất nhiều giải thưởng của nhiều công ty tư nhân, hay các cá nhân tâm huyết với sự phát triển của văn chương.

Dịch giả Lê Quang, người đã dịch hơn 40 tác phẩm văn học đương đại Đức sang tiếng Việt, cho biết ở Đức có tới hơn 1.300 giải thưởng văn học lớn, nhỏ. Một số giải thưởng không có giá trị về mặt vật chất, nhưng nó là món quà khích lệ tinh thần đối với tác giả.

Sau khi giành được các giải thưởng có tầm ảnh hưởng về văn chương, tác phẩm đó sẽ được độc giả chú ý nhiều hơn, được xuất bản với số lượng bản in lớn, có thể lên tới hàng trăm nghìn bản.

Theo tiến sĩ Quyên Nguyễn, để xây dựng được một giải thưởng văn học uy tín, cần có một khoảng thời gian dài, giải Nobel Văn chương là một ví dụ. Trải qua hơn một thế kỷ, giải thưởng này đã khẳng định được vị trí thượng tôn của nó trong lòng công chúng.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết ở các hội chợ sách lớn trên thế giới, các tác phẩm văn học giành được giải thưởng uy tín luôn có được vị trí trung tâm tại các gian trưng bày, từ đó chúng dễ dàng tiếp cận với các nhà phát hành nước ngoài, đẩy nhanh quá trình mua bản quyền và chuyển ngữ.

Văn học Việt khó tiếp cận các giải thưởng lớn trên thế giới

Số lượng nhà văn Việt Nam giành được các thưởng văn học quốc tế còn khá khiêm tốn. Theo dịch giả Lê Quang, để các tác phẩm văn học trong nước được biết tới nhiều hơn ở nước ngoài và có cơ hội tiếp cận các giải thưởng uy tín, cần đẩy mạnh việc chuyển ngữ, quảng bá chúng với bạn bè quốc tế.

Ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp, còn phải tăng cường việc dịch các tác phẩm đương đại nổi tiếng của Việt Nam sang nhiều ngôn ngữ khác. Ở Đức, các tác phẩm văn học Việt vẫn chưa có chỗ đứng. Khi nhắc tới nền văn học đương đại của chúng ta, người Đức chỉ biết tới một số tác phẩm viết về chiến tranh, mà tiêu biểu vẫn là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Nhưng nhiều tác phẩm văn học Việt vẫn được dịch sang tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha… qua bản dịch tiếng Anh. Việc chuyển ngữ qua bản dịch tiếng Anh, chứ không dịch trực tiếp từ tiếng Việt, khiến giá trị nội dung cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm bị ảnh hưởng lớn.

Không chỉ có vậy, chúng ta cần tăng cường quảng bá các tác phẩm đương đại của văn học Việt ở các hội chợ sách và bản quyền lớn trên thế giới. Đừng dừng lại ở con số vài chục, hãy giới thiệu tới độc giả quốc tế hàng trăm tác phẩm đương đại trong nước để họ có thể thoải mái lựa chọn cuốn sách phù hợp với thị hiếu của mình.

Nhiều độc giả vẫn coi các giải thưởng văn chương như “chiếc la bàn” để lựa chọn cuốn sách mình nên đọc trong số hàng nghìn đầu sách được phát hành mỗi năm. Theo các diễn giả, nếu coi các giải thưởng về văn học là một “hoa tiêu” để chọn lựa tác phẩm có chất lượng, các bạn nên tìm hiểu tiêu chí của giải thưởng đó.

Việc một tác phẩm giành được giải thưởng nổi tiếng về văn chương, nhưng không phù hợp với thị hiếu của một bộ phận độc giả là điều bình thường. Bởi mỗi giải thưởng đều có ưu và nhược điểm riêng, tiêu chí xét giải cũng được thay đổi theo từng thời kỳ, nên chúng chỉ có thể làm hài lòng một số lượng độc giả nhất định.

Mục đích của các giải thưởng về văn chương là để thu hút sự chú ý của độc giả tới một tác phẩm nào đó. Ngoài giá trị về vật chất, chúng còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với các cây bút, bởi sáng tạo nghệ thuật nói chung, và sáng tác văn chương nói riêng là một công việc rất cô đơn, đòi hỏi sự cần mẫn và nhiệt huyết lớn lao.

Nguồn: Zing News

Cafe sáng

Ngày hội đọc sách 2024: Phương Nam đón tiếp Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh

Published

on

Sáng 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 với chủ đề ‘Sách hay cần bạn đọc’.

Ban tổ chức công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2024-2025. Đồng thời, thành lập Câu lạc bộ (CLB) Đại sứ Văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh, trong đó, ông Lê Hoàng sẽ là Chủ nhiệm CLB. Câu lạc bộ sẽ là nơi tạo điều kiện sinh hoạt chung cho các Đại sứ Văn hóa đọc thành phố qua các nhiệm kỳ, đồng thời là nơi lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng.

10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM, nhiệm kỳ 2024-2025. Ảnh: BTC

Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Ban lãnh đạo Phương Nam - đại diện là Ông Nguyễn Hữu Hoạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị vinh dự đón tiếp Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành và Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, đã đến tham quan tại Nhà Sách Phương Nam.

Tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - chia sẻ, việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc năm 2024, Ban tổ chức khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Và điều căn cốt nhất là chúng tôi tôn vinh bạn đọc.

Bên cạnh đó, Ông Lâm Đình Thắng cũng bày tỏ, trong những năm qua, ngành xuất bản nói riêng và hoạt động phát triển văn hóa đọc của thành phố nói chung có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả rất đáng khích lệ, có dấu ấn, góp phần lan tỏa văn hóa đọc ngày càng sâu rộng trong người dân thành phố.

Cũng trong dịp này, Phương Nam mong muốn góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với chuỗi hoạt động bao gồm: chương trình khuyến mãi tại hệ thống nhà sách; tham gia Hội sách và sự kiện bán hàng tại nhiều trường học và trung tâm văn hóa; tổ chức các sự kiện giao lưu giới thiệu sách cùng nhiều hoạt động workshop, trải nghiệm dành cho độc giả.

Việc Phương Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao tri thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong nhân dân.

Phương Nam vinh dự đón tiếp 2 vị khách đặc biệt - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành và Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đến tham quan Nhà Sách Phương Nam nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3, năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đọc bài viết

Cafe sáng

Tác giả ‘Nhóc Miko – Cô bé nhí nhảnh’ đến tham quan Nhà Sách Phương Nam

Published

on

Trong lịch trình ngày 20/04/2024, tác giả best-seller của manga Nhật Bản - Ono Eriko đã dành thời gian đến tham quan Phương Nam Book City - Saigon Center (212 Nguyễn Trãi, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP Hồ Chí Minh).

Tác giả Ono Eriko sinh ngày 5-5-1962 ở Tokyo (Nhật Bản). Năm 1988, các mẩu truyện của Ono Eriko với Miko là nhân vật chính được đăng trên tạp chí Pyon Pyon, đến năm 1990 phát triển lên thành series Nhóc Miko. Sau khi chuyển sang tạp chí Ciao thì đổi thành Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh. Tính từ tháng 2-2008, Nhóc Miko đã bán được hàng triệu bản và được chuyển thể thành anime.

Tác giả Ono Eriko đã có buổi tham quan tại Phương Nam Book City - Saigon Center

Bộ truyện tranh Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh hướng tới đối tượng bé gái và thiếu nữ, xoay quanh cuộc sống đời thường, đây được xem là nhóm chủ đề và đối tượng tương đối hẹp. Tuy vậy, với nội dung lôi cuốn và nét vẽ dễ thương, Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh có lượng fan đông đảo, chỉ tính riêng tập 37 (bản tiếng Việt) đã được in hơn 50.000 bản. Trong bối cảnh thị trường Việt Nam đã và đang có hàng trăm tựa truyện tranh hấp dẫn khác thì đây là một con số ấn tượng.

Tác giả Ono Eriko sáng tác bộ truyện này suốt hơn 30 năm, từ khi cô chưa có con, đến khi có con gái và nuôi dạy con lớn lên. Có lẽ chính vì vậy mà bộ truyện bám sát những vấn đề rất cập thời của xã hội, kể cả những chuyện ba mẹ muốn chia sẻ cùng con nhưng khó nói như tình yêu tuổi mới lớn, dậy thì sớm, LGBT, con cái trong gia đình ly hôn, gia đình đơn thân… Cũng chính vì vậy, ngoài yếu tố giải trí, thư giãn, thì có thể xem bộ truyện tranh Nhóc Miko - Cô bé nhí nhảnh là một loại “sổ tay” hướng dẫn cho các bé gái và thiếu nữ cách ứng xử văn minh và cởi mở trước các vấn đề này.

Việc nữ tác giả Ono Eriko sang Việt Nam và đặc biệt là đến tham quan Nhà Sách Phương Nam nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3-2024 là một tín hiệu vui cho việc khuyến đọc, khẳng định vai trò của xuất bản Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Chuyến thăm của tác giả Ono Eriko và đại diện đơn vị NXB Trẻ tại Phương Nam Book City - Saigon Center, góp phần củng cố sự hợp tác, thắt chặt tình cảm, sự chân thành.

Các bên có thêm thời gian trao đổi, thấu hiểu lẫn nhau, từ đó, thúc tiến phát triển lĩnh vực xuất bản sách, các ấn phẩm chất lượng, góp phần cung cấp những đầu sách giá trị về mặt nội dung lẫn hình thức đến tay khách hàng thân yêu! 

Một số hình ảnh tác giả best-seller của manga Nhật Bản - Ono Eriko đã dành thời gian đến tham quan Phương Nam Book City - Saigon Center (212 Nguyễn Trãi, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP Hồ Chí Minh):





Đọc bài viết

Cafe sáng

Ngày hội đọc sách 2024: Làm bạn cùng sách với nhà văn Phương Huyền

Published

on

Sự kiện giao lưu “Làm bạn với sách cùng nhà văn Phương Huyền” (ngày 19/04/2024) đã diễn ra tại Đường Sách TP Hồ Chí Minh, nơi diễn ra các hoạt động chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3, năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện Làm bạn với sách cùng nhà văn Phương Huyền do Nhà Sách Phương Nam tổ chức, xoay quanh giới thiệu thông điệp đọc sách, sống xanh với hai tựa sách nổi bật của nhà văn Phương Huyền: Cái Tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú, Những thiên thần của người gác rừng.

Nhà văn Phương Huyền giao lưu với các bạn học sinh trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1, TP Hồ Chí Minh)

Trong chương trình, nhà văn Phương Huyền đã chia sẻ những kiến thức bổ ích về việc đọc sách với các bạn học sinh. Ai ai cũng hào hứng tham gia sôi nổi và nhận về những phần quà hấp dẫn. Nhà văn Phương Huyền đã giúp người nghe nhìn nhận rõ về tầm quan trọng của văn hóa đọc cũng như tác động của sách đến sự phát triển ngôn ngữ và tư duy, hoàn thiện tri thức lẫn tính cách của các bạn trẻ.

“Các bậc phụ huynh cần có phương pháp để khơi gợi tình yêu đọc sách cho các bạn nhỏ, làm sao để các bạn coi sách là bạn. Chúng ta luôn cần bạn. Chỉ cần là bạn thì sẽ kết nối, thấu hiểu và yêu thương”, nhà văn Phương Huyền chia sẻ trong buổi giao lưu.

Tác phẩm Những thiên thần của người gác rừng (Phương Nam Book phát hành) được nhà văn Phương Huyền kể chuyện bằng giọng đọc cuốn hút với các bạn nhỏ. Tác giả muốn các bạn cảm thấy việc đọc trở nên thú vị. Việc đọc đoạn trích và đặt các câu hỏi cũng gây sự tò mò với các bạn, giúp cho các bạn tăng trí tưởng tượng.

Bên cạnh đó, buổi giao lưu diễn ra trong không khí vui tươi, nhà văn Phương Huyền hào hứng chia sẻ thêm về niềm đam mê đọc sách, trải nghiệm viết sách của tác giả; tầm quan trọng của sách; phương pháp xây dựng thói quen đọc; tìm hiểu về thể loại sách đang được yêu thích trong giới trẻ; tìm hiểu về văn hóa đọc và định hướng đọc đúng đắn cho các bạn học sinh. Đồng thời, các bạn học sinh đã tương tác, đặt câu hỏi trực tiếp với nữ nhà văn về đam mê đọc và viết sách, cách nuôi dưỡng và hiện thực hóa ước mơ.

Trong lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần ba tại TP Hồ Chí Minh (19/04/2024), Nhà văn Phương Huyền vinh dự nhận lời mời từ Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh - trở thành 1 trong 10 đại sứ văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2024 - 2025. Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng ra mắt CLB Đại sứ Văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh, trong đó, Ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TP Hồ Chí Minh là chủ nhiệm CLB.

Nhà văn Phương Huyền là một nhà báo, biên tập viên, hiện chị đang phụ trách mảng văn học và tâm lý trên kênh FM99.9 Mhz (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM) và cũng là Trưởng ban truyền thông Hội Nhà văn TP.HCM khóa VIII (2021-2025).

Nhà văn Phương Huyền được bạn đọc yêu mến qua những trang viết nhẹ nhàng, tinh tế. Hơn 10 đầu sách ra mắt độc giả, trong đó, Phương Nam Book đã có thời gian kết nối hợp tác từ rất sớm và đã phát hành 3 tựa sách của Nhà văn Phương Huyền là: Cái Tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú, Những thiên thần của người gác rừng, Không gì là mãi mãi.

Tính đến tháng 4/2024, Nhà văn Phương Huyền đã đồng hành cùng Phương Nam trong chuỗi sự kiện tương tác với các bạn học sinh, chủ đề xuyên suốt ‘Làm bạn với sách cùng nhà văn Phương Huyền’. Cô dành nhiều thời giờ, tâm trí vào những trang sách và chia sẻ những câu chuyện thật đẹp, dồi dào trí tưởng tượng gửi gắm đến các bạn nhỏ.

Cũng trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 (do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức) tại Đường Sách TP Hồ Chí Minh, Nhà Sách Phương Nam tổ chức đợt hoạt động kéo dài từ ngày 12/4 - 1/5 tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác. Bên cạnh các hội sách, chương trình ưu đãi cùng những workshop trải nghiệm và sáng tạo cho các em nhỏ, đơn vị cũng tổ chức chuỗi giao lưu tại các trường học với các diễn giả là nhà văn - MC Phương Huyền và họa sĩ Eddy Coubeaux.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21.04) cùng với Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23.04) là một dịp quan trọng hàng năm của ngành xuất bản. Chính vì vậy, vào tháng Tư hằng năm, các đơn vị xuất bản, phân phối sách nói chung và Nhà Sách Phương Nam nói riêng tích cực tổ chức các chương trình khuyến mãi, sự kiện giao lưu – tọa đàm và chuỗi hội sách, sự kiện bán hàng trên cả nước để hòa cùng không khí rộn ràng lan tỏa trong cộng đồng yêu sách.

Việc Phương Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao tri thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong nhân dân.

Đọc bài viết

Cafe sáng