KOMOaudio

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm: Khi tưởng tượng là biện pháp cứu rỗi nỗi cô đơn

Published

on

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm – tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ Lê Thị Diễm Thúy – là một tác phẩm tràn ngập thi tính: thi tính trong văn phong, trong cách lựa chọn điểm nhìn để kể chuyện, trong cấu trúc truyện, trong những hình ảnh liên tưởng bất ngờ và thú vị.

Có lẽ, chính sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn xuôi và thơ là lí do khiến cho tác phẩm này khi vừa ra đời trên văn đàn quốc tế đã gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín như: Guggenheim Fellowship (2004), USA Fellowship (2008). Bài viết này sẽ tập trung đi sâu vào phân tích những nét độc đáo trong nghệ thuật kể chuyện của Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm.  

Tâm tư nhân vật hiện rõ từ những chi tiết nhỏ nhất

Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm rất đặc sắc. Đôi khi chỉ bằng cách miêu tả vài đặc điểm nhận dạng của nhân vật mà tác giả dường như khắc họa được cả con người, tâm tư của họ; điển hình là trong cảnh miêu tả chiếc chìa khóa của nhân vật bác Mel.

“Tại sân bay, khi bác Mel tiến lại gần, chúng tôi nghe thấy tiếng xủng xoẻng mơ hồ: thắt lưng bác đeo lủng lẳng một xâu đầy những chìa khóa vàng với bạc. Nó đung đưa và kêu xủng xoẻng bên hông bác theo mỗi bước chân. Đối với bác Mel, xâu chìa khóa là một thứ mới mẻ. Bác gầy gò và cao lêu nghêu, trong khi xâu chìa khóa lại nom phì nộn, đầy uy quyền. Bác tóm lấy xâu chìa khóa đút vào túi quần, bắt chúng nằm im trong giây lát.”

Có thể thấy, đây là một cảnh miêu tả đậm tính điện ảnh. Giả sử Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm được chuyển thể thành phim, đoạn văn này sẽ là một cảnh quay cận, đặc tả vào chiếc chìa khóa. Lê Thị Diễm Thúy rất biết cách chọn lọc chi tiết đắt giá để mô tả nhân vật. Không cần phải tả đầy đủ những chi tiết về họ như khuôn mặt, quần áo, giọng nói; ở đây, cô chỉ chọn vóc dáng của bác Mel để tạo ra tương quan đối lập thú vị với chiếc chìa khóa một đồ vật vốn có kích cỡ nhỏ hơn hẳn một con người vậy mà ở đây, chiếc chìa khóa thì to lớn còn con người lại nhỏ bé. Qua đồ vật một người sở hữu, cách họ tương tác với đồ vật cũng nói lên nhiều điều về chính con người họ. Đoạn văn này khiến người đọc có thể cảm nhận một sự phô trương quyền lực thầm lặng của bác Mel thông qua xâu chìa khóa đó; nhưng mặt khác, chính chi tiết này cũng lột tả được sự tự ti trong tâm lí nhân vật, như thể là khi bác Mel không có xâu chìa khóa đó, bác sẽ không có gì khác để tự tin về mình.

Tiếp theo, hãy cùng khảo sát một đoạn văn miêu tả giọng nói của Ba:

“Giọng Ba dội từ dưới sâu lên như tiếng ếch nhái rỉ rả nơi đáy giếng. Giọng Ba như tiếng nước chảy qua ống sáo sậy đang ngân nga một giai điệu não nề. Mà chất giọng sầu não ấy lúc nào cũng đặt ra câu hỏi rồi lại tự trả lời. Nó tuôn ra và sau đó chạy vào. Nó là tiếng lòng Ba trào dâng rồi lại lắng xuống. Khi lắng nghe giọng Ba, tôi trông thấy những con tàu đang dập dềnh quanh tâm trí ông. Những con thuyền chật ních người đang cố gắng cập vào bến bờ nào đó.”

Chỉ trong một đoạn văn ngắn miêu tả giọng nói, Lê Thị Diễm Thúy đã thết đãi cho độc giả nhiều hình ảnh so sánh hợp lí, liên tưởng thú vị bất ngờ. Đoạn văn này có thể xem như một thước phim montage chuyển nhanh nhiều cảnh: khởi đầu từ giọng nói, cho đến kết thúc ở khung cảnh con thuyền chật ních. Trong quá trình đó, tác giả đã chuyển từ đặc tả âm thanh sang đặc tả hình ảnh và hình ảnh đó lại chất chứa nhiều tâm tư, nỗi niềm trong kiếp sống lênh đênh của nhân vật với biết bao hình ảnh ùa về: đèn pin rọi, tiếng ếch nhái, đáy giếng, tiếng nước chảy, ống sáo sậy, giai điệu não nề, con thuyền, bến bờ.

Dưới đây là một đoạn văn khác, tiếp tục để minh họa thêm cho nghệ thuật so sánh với những liên tưởng chuyển cảnh bất ngờ của Lê Thị Diễm Thúy:

“Tôi mang đĩa về bàn và đặt nó lại phía bên trên chồng thư và biên lai tiền thuê nhà. Nó đè xuống đám giấy tờ như cách mái đầu nặng trĩu suy tư của Ba đè xuống gối mỗi đêm và kéo ông vào những cơn ác mộng, trong khi điều ông mong mỏi chỉ là một giấc mơ ngọt ngào và hạnh phúc như vị que kem mít.”

Đôi khi, sự chuyển cảnh bất ngờ của tác giả còn đi kèm với sự hài hước như trong câu văn sau đây:

“Người lớn bàn về công việc, xe cộ, những món đang bán ngoài cửa hàng, đứa bé mới sinh đã lớn thêm bao nhiêu và liệu chủ nhà có thay chiếc máy giặt hỏng hay lại cố sửa, dù rằng như một cô đã nhắc để mọi người nhớ lần cuối ông cố sửa, nó đã nhảy chồm chồm như một con ngựa đang nổi khùng.”

Bàn chân cũng là đối tượng thi vị để tác giả thực hiện phép so sánh:

“Khi Má nhìn vào bàn chân trần của Ba, bà thấy mười chiếc tàu đánh cá chia làm hai nhóm, mỗi nhóm gồm năm chiếc. Trong mỗi nhóm, chiếc tàu thứ hai mạo hiểm tiến về trước, dẫn dắt những chiếc khác. Bà sẽ trèo lên đứng trên cây, bấu chặt ngón chân vào cành cây và nhìn xuống những ngón chân ông. Bà bảo ông đứng trong vũng bùn. Ở đó, bà tưởng tượng những gì mình đang thấy là mười chiếc tàu nhỏ bị dòng nước đen bao quanh, một đội thuyền mành du hành trong bóng tối.”

Một ánh nhìn tĩnh lặng qua vai cũng gợi mở những hình ảnh thơ:

“Ông sẽ nhìn qua vai người ta như thể quan sát những đám mây bão đang tụ lại ở đường chân trời. Không níu mây lại cũng không mời chúng tiến lên, mắt ông đơn thuần chỉ ngắm nghía khi chúng lại gần. Hơn một lần tôi thấy những người đang nói chuyện với ông quay lại để xem có thứ gì ở đằng sau mình.”   

Sự im lặng cũng là một đối tượng để Lê Thị Diễm Thúy triển khai phép so sánh:

“Năm tôi rời nhà, vào các tối cha con tôi hay ngồi ở bàn bếp và chuyền qua chuyền lại sự im lặng, như một làn khói.”

Cả trong hành động ném đồ vật cũng có chất thơ:

“Má đang ở trong bếp, bà đã xé khung lưới khỏi cửa sổ và đang làm vung vãi vỉa hè với nào là chén, đĩa, cốc, bát ăn cơm. Bà liệng chúng ra ngoài như những con chim lướt qua bầu trời mà không có nơi nào cụ thể để đi, cho đến khi chúng rơi loảng xoảng.”

Và động tác cởi áo cũng không đơn thuần là một hành động trong chuỗi sinh hoạt thường nhật mà chất chứa bao tâm tư:

“Ông nóng lòng để lột phăng quần áo, rũ bỏ chúng cùng toàn bộ cuộc chiến và những năm tháng kể từ đó, như rũ bỏ một lớp da vô dụng.”

Chất thơ ủi an những phận đời trôi dạt

Văn phong của Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm có tính thơ và nhịp điệu phong phú. Ta có thể xem xét cách tác giả khai mở câu chuyện ở một trong những đoạn văn đầu tiên: dù cô chỉ đơn thuần miêu tả hành trình mà những con người xa lạ cùng nhau trải qua trên các phương tiện khác nhau nhưng thi tính dường như vẫn ẩn đâu đó dưới bề mặt hiện thực khắc nghiệt. Đoạn văn này đã trình hiện thật sinh động khung cảnh, dáng vẻ của nhân vật lẫn âm thanh.

“Chúng tôi cùng nhau bước vào các ô cửa quay ở mấy sân bay và lên xuống vài bận máy bay. Máy bay nhấc chúng tôi lên cao bên trên Thái Bình Dương. Nắm chặt tay nhau, chúng tôi di chuyển xuyên qua mây, các múi giờ và những quầng không khí hình thù ma quái. Bên kia đại dương, chúng tôi cùng nhau băng qua cơn mưa bóng mây rồi trèo lên một chiếc ô tô. Chúng tôi được chở ngang qua những con phố xa lạ rực rỡ ánh đèn, và xuống xe tại vỉa hè phía trước một căn nhà tối om. Chúng tôi cùng nhau leo lên năm bậc thang so le cao thấp trong cơn mưa như trút rồi bước qua cửa vào trong nhà.”

Trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm, Lê Thị Diễm Thúy còn tái hiện lại một trò chơi vừa thơ mộng vừa cô đơn, buồn bã của nhân vật “tôi”: trò chơi với những con thú thủy tinh và con bướm màu nâu vàng nằm trong dĩa thủy tinh.

“Tôi thấy con bướm màu nâu vàng vẫn nằm trên bàn bác Mel như trước, bên trong đĩa thủy tinh dày phía trên chồng thư và biên lai tiền thuê nhà. Khi nhấc đĩa lên, tôi thấy con bướm bị kẹt trong một vũng thạch màu vàng. Dù đã lật qua lật lại đĩa thủy tinh, tôi vẫn không tìm ra chỗ con bướm đã bay vào hay có thể thoát lại ra ngoài. Tôi giơ chiếc đĩa lên tai và lắng nghe. Thoạt tiên, tôi chỉ nghe thấy độc tiếng thở của chính mình, nhưng rồi tôi nghe một tiếng sột soạt mơ hồ, như tiếng đôi cánh chạm vào một ô kính cửa sổ. Tiếng sột soạt là một bài hát thầm thì. Đó là cách con bướm giao tiếp và tôi nghĩ mình hiểu được.”

Trong mắt trẻ thơ, họa tiết hình bướm dùng để trang trí lại là một con bướm thật bị mắc kẹt. Thay vì chạm vào lớp da của bướm, đứa bé chỉ có thể chạm vào mặt kính lạnh. Đây là một trò chơi mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng, đau đến nhói lòng. Đứa trẻ đã cô đơn đến mức phải chơi với con bướm trong dĩa – một con bướm được thổi hồn vào đời sống thuần túy bằng trí tưởng tượng. Cô bé đã luôn nghĩ rằng con bướm còn sống và chỉ bị mắc kẹt trong dĩa thủy tinh.

Ngoài con bướm màu nâu vàng, trong phòng của bác Mel còn có những con thú thủy tinh khác, chủ yếu là ngựa. Hãy thử đọc cách mà Lê Thị Diễm Thúy tả về đám thú thủy tinh trong mắt của cô gái bé nhỏ. Dường như, các con thú đó cũng là hiện thân cho sự đơn độc của cô bé nơi đất khách quê nhà khi không có bạn bè để vui chơi, và bị giam cầm trong một vài không gian cố định.

“Con bướm khóc nhè từng có thời bay lượn, nhưng bọn thú thủy tinh xếp cạnh nhau trên những ngăn tủ trưng bày của bác Mel chưa từng được chạy đi đâu cả. Chúng chưa từng có những móng guốc dày và nặng, loại có thể hất tung bụi và để lại vết hằn sâu hoắm trên những bờ sông ngập bùn. Chúng chưa từng đá bất cứ thứ gì hay cắn bất kỳ ai, dù chỉ để đùa vui. Chúng chưa từng cọ người vào thân cây hay lăn trên mặt đất với bốn chân quất vào không khí. Bọn chúng có những cái chân mà tôi có thể nhìn xuyên qua và những cái miệng thủy tinh nhỏ chưa từng hé ra để ăn hay uống. Bọn chúng chưa từng ngủ và chân chưa từng cong xuống. Bờm chúng cứng đờ. Một cơn gió nhẹ nhất cũng có thể xô chúng nghiêng ngả và trừ phi tôi sắp xếp lại, nếu không chúng vẫn sẽ nằm mãi như thế. Chúng là những con vật ngớ ngẩn nhất mà tôi từng gặp. Chúng thậm chí còn không biết mình đang bỏ lỡ những thứ gì.”

Chính vì nghĩ như thế, cô bé đã mở tủ kính để cho thú bên trong có thể hít thở; tuy nhiên, cái cô nhận được chỉ là sự thờ ơ, bất động của đồ vật vô tri:

Bọn thú thủy tinh không chớp mắt. Chúng không hề cười. Chúng không bao giờ nhướng một bên mày hay nghiêng đầu khi lắng nghe. Chúng không gật đầu đồng tình hay giậm chân xuống đất phản đối. Chúng không đặt câu hỏi. Chúng dường như không muốn biết bất cứ thứ gì. Tôi trở nên chán ngấy việc nói chuyện với chúng và cảm thấy rằng nếu bị phơi dưới nắng quá lâu, chúng có thể vỡ tan. Tôi đóng lại cửa chiếc tủ kính trưng bày với bọn thú thủy tinh đang nhìn về phía trước. Chúng không hề nhớ tôi là ai. Khi tôi trốn trong khoảng trống nhỏ giữa chiếc tủ và bức tường, chúng không một lần quay đầu lại hay ấn mặt vào cửa tủ kính để tìm tôi. Các chú không biết rằng không phải con bướm, mà đúng hơn là bọn thú thủy tinh mới không có hồn vía.”

Nhưng trước khi có trò chơi kì lạ với những con thú thủy tinh và con bướm màu nâu vàng nằm trong dĩa thủy tinh, cô bé đã có một trò chơi khác cũng cô độc không kém:

“Tôi bắt đầu chơi với trần nhà cái trò mà tôi từng chơi với bầu trời lúc nằm trong tàu đánh cá lênh đênh trên biển. Hồi đó, tôi tưởng tất cả những người và những thứ tôi nhung nhớ đều đang trôi lơ lửng phía sau bầu trời. Trò chơi liên quan đến việc tìm kiếm một đường may nối trên trời, một sợi chỉ mà tôi có thể rút. Tôi tự nhủ nếu có thể tìm ra sợi chỉ và chú mục vào nó đủ mãnh liệt, thì tôi có thể xé toạc bầu trời và rồi Má, anh trai, ông ngoại, đôi dép tông, những vỏ sò tôi yêu thích, tất thảy sẽ rơi xuống chỗ tôi.”

Và khi không có thú thủy tinh lẫn con bướm mắc kẹt trong dĩa, cô bé lại chơi trò chơi với chính đôi tay của mình:

“Ban đêm, tôi quan sát hình dáng tay mình thay đổi liên tục trong bóng tối. Đây là năm ngón tay. Tôi làm thành quả đấm. Tôi làm miệng con chim đang đói. Tôi làm cây kéo. Tôi giơ bàn tay ra trước mặt. Nó là trang giấy, bức tranh. Tôi rụt nó về, trở nó qua một bên rồi trở ngược lại. Nó trở thành trang giấy khác, bức tranh khác. Nó là cánh cửa. Tôi mở và đóng nó lại. Có một cái bản lề cót két. Tôi liếm mặt bên ngón út và mọi thứ yên lặng trở lại. Hai ngón tay trong không khí là bàn chân đang chạy lên đồi. Tay tôi cong về sau là một cú lặn sâu xuống nước.”

Có thể thấy, Lê Thị Diễm Thúy đã tài tình như thế nào khi chỉ đơn thuần miêu tả lại cảnh đứa bé chơi với đôi bàn tay của mình trong bóng đêm nhưng đoạn văn cũng tràn đầy những hình ảnh liên tưởng bất ngờ và âm thanh sống động; chuỗi thanh sắc nối liền nhau tạo ra thi tính cho cảnh miêu tả.

“Hai lòng bàn tay tôi trong bóng tối: những ngón tay trái cảm nhận đường chỉ tay trong lòng tay phải; những ngón tay phải vươn đến chạm đường chỉ tay trong lòng tay trái; tới và lui như thế trong bóng tối. Tôi mất khá lâu để lần theo một đường chỉ tay trong tối, đến nỗi nó dường như dài ra và sâu thêm, rồi trở thành dòng sông, đường hầm, con mương hay rễ những cái cây mà Má bảo đang mọc trong bụng tôi. Nếu nó là cái cây, nó vẫn chưa đâm lá hay sai quả, chỉ độc một cái thân với những cành nhánh khẳng khiu. Nếu nó là con mương, chưa có ai từng trốn ở đó. Nó mới được đào và còn trống rỗng. Nếu nó là đường hầm, tôi không chắc nó đang dẫn đến đâu. Và nếu nó là dòng sông, tôi không biết nó sẽ chảy theo hướng nào để hoà vào biển cả. Đường chỉ tay này đang rơi khỏi mặt bên lòng bàn tay tôi hay dẫn thẳng hướng về lại chỗ tôi? Đôi khi tôi không cảm nhận được đường chỉ tay nào trên tay mình, và đó là lúc tôi tưởng tượng lòng bàn tay tôi chỉ tuyền là cát, sa mạc; không sông, không hầm, không mương, không cây cối; không có gì giữa cát và bầu trời ngoại trừ một vùng không gian bao la trơn nhẵn.”

Không còn nguyên bản, cuộc sống chỉ là thứ phái sinh

Bên cạnh những nỗi buồn, niềm cô độc nên thơ, “đặc sản” của Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm còn là những câu chuyện nhỏ, bình dị trong cuộc sống, đôi khi thiếu hẳn kịch tính nhưng lại khiến ta không thể dứt ra vì nhận thấy một phần nào đó của mình. Chẳng hạn như, đối thoại của hai mẹ con khi xem phim Trung Quốc có thể khiến người đọc khẽ mỉm cười vì sự hài hước, gần gũi.

“Cứ vào cuối tuần, má con tôi sẽ đi bộ đến rạp chiếu bóng Trung Quốc trên Đại lộ El Cajon để xem phim võ thuật. Chúng tôi đẩy các cửa kính quay và tôi sẽ chạy qua tấm thảm đỏ đến chỗ một người đàn ông nhỏ thó có đôi mắt chậm chạp ngồi trong quầy bán vé và mua hai vé bất kỳ. Chúng tôi xem những bộ phim anh hùng, cốt truyện của chúng lê thê và rối rắm đến nỗi Má nói chúng tôi có thể quay lại vào mỗi cuối tuần đến hết đời mà vẫn chưa xem hết.

Trong những bộ phim này, các chiến binh có thể bay lượn. Vận áo choàng với gươm đeo ngang lưng và tóc chảy dài đến chân, họ sẽ chỉ các ngón tay hoặc quay cổ tay theo những cách vô cùng công phu và lướt qua mái nhà hoặc bay thẳng lên cành cây. Không có nhiều thoại trong những bộ phim này. Các chiến binh không nhiều lời. Má nói đó không phải bản chất của họ. Để biểu lộ bản thân, họ sẽ cầm kiếm hoặc gậy tre nhọn xông vào nhau và gào thét.

Má bảo tôi rằng những vết sẹo thủy đậu trên người tôi thực ra là kim cương và ngày tôi gặp một cậu bé nhận ra điều này, tôi sẽ lấy cậu ta. Tôi bảo bà mình không muốn lấy chồng; điều tôi muốn là biết bay như những người trong phim. Bà nói: ‘Nghe này. Má nói với con bao nhiêu lần rồi? Người ta trông như đang bay nhưng thực ra từ đầu chí cuối họ được kéo bằng những sợi dây không nhìn thấy được.’ Tôi đáp lại mình không tin và bà nói: ‘Được rồi. Có thể những người đó,’ và bà chỉ tay sang bên kia đường đến chỗ rạp chiếu bóng Trung Quốc, ‘có thể họ đang bay thật. Nhưng đó là thời xa xưa rồi.’ Và bà sẽ luyến dài từ ‘thời xa xưa rồi’ để chúng nghe như bốn hòn đá đang nối tiếp nhau rơi xuống giếng.”

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm còn miêu tả sâu sắc những khoảng cách tư tưởng giữa hai thế hệ thông qua việc tường thuật lại cụ thể những lời Má đã khuyên răn người con gái như thế nào:

“Lúc đó tôi không biết bơi nên Má dặn tôi không được bén mảng đến gần hồ bơi. Mùa hè đó, Má ném ra những lời răn đe khi tôi ngồi cạnh trong lúc bà làm việc. Liên quan đến hồ bơi, bà bảo tôi: ‘Nhìn con xem; con nhỏ thó như chuột nhắt. Nước sâu hơn con nghĩ nhiều.’ Liên quan đến xe hơi, bà bảo: ‘Chúng có thể cán con và cứ thế phóng đi.’ Liên quan đến kim khâu trên máy may, bà bảo: ‘Coi chừng mấy ngón tay; nó di chuyển nhanh hơn con chạy nhiều!’ Liên quan đến đám con trai, bà đe: ‘Bọn nó sẽ cố ép con làm chuyện đó’.”

Và tình yêu Má dành cho con được bày tỏ theo cách thật đơn giản, không cần những lời hoa mĩ:

“Sau khi bỏ nhà lang bạt, tôi chỉ gọi cho ba má vài lần để họ biết tôi vẫn ổn. Chúng tôi im lặng. Tôi lắng nghe tiếng bà thở. Rồi như thể tôi chưa từng gọi điện mà đã bước qua cửa chính và giờ đang đứng với bà trong bếp, Má hỏi tôi đã ăn gì chưa. Đây là một câu hỏi quen thuộc; nó là cách Má bày tỏ thay cho câu ‘Má yêu con’.”

Dù chỉ đơn thuần miêu tả những câu chuyện thường nhật trong cuộc sống; đôi khi Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm cũng có thể khiến người đọc đau lòng vì những chi tiết nhỏ. Chẳng hạn như, cách những người lạc loài phương xa nghĩ về hồ bơi:  

“Ba má không muốn tôi chơi đùa gần hồ bơi nhưng cả hai đều thích có hồ bơi trong sân. Má nói, chà, nó không phải biển nhưng mở cửa ra mà có chút nước nôi thì cũng thích.”

Lời nhận xét của Má về hồ bơi có phần nào đó giống như chính cuộc sống của họ, là một thứ phái sinh, không phải là nguyên bản, có vẻ gần giống nhưng thực ra không phải, chỉ là một tiêu bản thu nhỏ. Hồ bơi có thể xem như là tiêu bản của biển – một không gian nhân tạo thu hẹp hơn so với biển, và dù được cấu tạo dựa trên mục đích cho con người bơi lội, hồ bơi không bao giờ có thể trở thành biển, cũng giống như những con người ở đó.

Không chỉ có hồ bơi, ngôi nhà bỏ hoang trong truyện cũng là một tiêu bản đáng buồn khác. Tại nơi họ sinh sống, có một ngôi nhà bỏ hoang vì bị cháy vẫn còn sót lại những vật dụng cũ nửa dùng được, nửa hư hỏng như một tàn tích cho đời sống đã qua. Đó lại là ngôi nhà mà người dân xung quanh gọi là “nhà của bọn trẻ” vì bọn trẻ thường hay đến đây vui chơi. Trẻ em vốn được ví là “mầm non tương lai”, một đối tượng khiến người ta dễ nghĩ đến ngày mai, những gì tươi mới hơn là ngày hôm qua, những điều đã cũ. Vậy mà ở đây, bọn trẻ không có chỗ vui đùa, để rồi phải chơi với nhau trong một không gian xuống cấp, thuộc về thời quá vãng.

“Chúng tôi kéo tấm đệm bụi bặm ra giữa phòng khách và thay phiên nhau nhảy lên, giả vờ nó là bạt nhún lò xo có thể phóng chúng tôi qua các đại dương và vào vũ trụ nếu chúng tôi nhảy đủ mạnh. Chơi xong bạt nhún, chúng tôi nghía qua những tủ bếp rỗng và giả vờ tìm thấy khoai tây chiên, hamburger, gà rán và há miệng ngấu nghiến chúng ầm ĩ.”

Có thể thấy, mọi thứ diễn ra trong ngôi nhà hoang ấy là sự tưởng tượng giữa chốn điêu tàn. Ta luôn bắt gặp những cặp hình ảnh song trùng liên tục giữa thực tế và tưởng tượng, giữa một thứ phái sinh (tiêu bản mô phỏng) và nguyên bản. Trong đó, nguyên bản là thứ được thèm khát khi người ta chỉ có thể sống dựa trên những thứ được mô phỏng lại vốn nghèo nàn, ọp ẹp hơn qui mô của cái nguyên gốc: hồ bơi thay thế cho bãi biển, nhà hoang thay thế cho nhà ấm cúng. Dưới đây là một liệt kê sơ lược về những cặp hình ảnh giữa nguyên bản và tạo vật thường xuyên xuất hiện trong truyện:

  • Hình tượng mô phỏng thú thủy tinh – thú thật.
  • Bướm trong chiếc dĩa – bướm thực sự sống.
  • Hồ bơi – biển.
  • Người nhập cư – người bản địa.
  • Nhà hoang – nhà ấm cúng.

Không dừng lại ở đó, cách cô bé phản ứng với cuộc cãi vã của bố mẹ cũng là sự tưởng tượng thầm lặng về một thứ nguyên bản rộng lớn so với thứ mô phỏng nhỏ bé khi cô ngâm mình trong bồn tắm và tưởng tượng đó là biển:

“Ba đi làm về muộn và say nhè. Vì lý do đó nên Má không muốn ông hôn mình. Nhưng sau đó, trong bóng tối, bà nổi điên vì ông say đến nỗi không thể hôn bà. ‘Miệng em đâu?’ ông hỏi. ‘Đó là vai,’ bà nói. ‘Miệng em đâu?’ ‘Đó là trán. Đó là vai còn lại.’ ‘Miệng em đâu?’ ‘Làm ơn đi ngủ giùm!’ bà nói và xoay lưng về phía ông.

Sáng hôm sau, bà sẽ không bước xuống giường để làm đồ ăn sáng cho ông, và tối đến bà làm khét đồ ăn. Khi ông hỏi: ‘Cái này nghĩa là sao?’ thì bà chỉ vào môi mình và nói: ‘Miệng tôi đây. Anh có mù không? Đây là miệng tôi. Không phải ở đây,’ bà nói, vỗ vào vai, ‘Hay ở đây,’ bà chỉ vào một bên đầu…

Khi họ di chuyển từ phòng này sang phòng kia, la hét và đập đồ, thì tôi nhốt mình trong phòng tắm, đổ nước đầy bồn, cởi đồ lót và trèo vào trong, giả vờ như mình đang ở trên biển vào ngày nóng nhất thế giới. Nơi biển cả, với cơ thể được nước mặn bao phủ hoàn toàn, tôi có thể lắng nghe họ và rồi không lắng nghe họ. Tôi có thể di chuyển người xuống dưới để những con sóng cuộn lấy tai mình và rồi di chuyển người lên trên, đầu nhô khỏi nước mặn và bắt được tiếng bà nói: ‘Hồi trước anh từng,’ rồi lại chui xuống nước, không có gì khác ngoài tiếng sóng vỗ và sau đó trồi lên lại để nghe ông nói: ‘Mệt mỏi quá’ hay ‘Anh làm gì được chứ’ và rồi khi nhúng đầu xuống, tôi nghe bà cắt lời ông: ‘Thôi quên đi.’ Và khi im lặng rợn người tràn đến, tôi sẽ đập tan nó bằng cách đổ thêm thật nhiều nước vào bồn.”

Vật lí hóa cái tên để tạo niềm thân thương

Cái tên là một trong những chủ đề quan trọng, được nhắc đến nhiều lần trong truyện dưới những hoàn cảnh, hình thức và tâm trạng khác nhau.

“Ông thường đi quanh nhà và lẩm bẩm đánh vần tên mình trong tiếng Anh.

‘M-I-’

‘M-I-N-’

‘M-I-N-H’

Ông phát âm chữ ‘H’ như sự kết hợp giữa ‘ache’ và ‘ash’: ‘aycsh’. Ông sẽ chỉ tay vào không khí, như thể mỗi chữ cái đang thoáng xuất hiện trước mặt và lơ lửng một chốc trong lúc ông chờ chữ tiếp theo. Nhưng ông chưa kịp đánh vần trọn tên mình thì chữ cái đứng đằng trước chữ ông đang đánh vần đã mất dạng. Giống như một người mù lẩn quẩn trong căn phòng nhỏ, lùng tìm nhưng luôn bỏ qua cánh cửa dẫn ra hành lang, đường phố và ngoài trời, ông sẽ lặp đi lặp lại từng chữ cái trong tên mình, trong tiếng thều thào và ngắc ngứ hơn lần trước, cho đến khi ông không thể hoàn toàn tin đây chính là mình. Đây có phải những chữ cái không? Đây có phải tên ông không?”

Đôi khi, cái tên biến thành một thứ vật chất có thể chạm vào hoặc cảm nhận bằng xúc giác.

“Tôi đang băng qua đường thì người đàn ông gọi tôi, gọi tên tôi. Tôi để cái tên đó rơi thõng quanh mình, chưa từng một lần dính dấp đến tôi, thậm chí khi ông hét lên: “Đồ dối trá! Chú biết đó là con”. Tôi vẫn tiếp tục đi khi những âm tiết du dương trong chính cái tên mình rơi rụng xung quanh như những lưỡi lửa bị tắt ngấm khi chạm vào, không bao giờ bắt cháy.”

Đôi khi, cái tên trở thành một bài thơ kết tinh từ những gì ta yêu thương, yêu thương nhiều đến mức âm điệu cất lên khi gọi tên cũng trở thành thơ.

“Bà đang thầm thì tên ông và đây cũng là cách bà bày tỏ sự âu yếm với ông. Bà gọi tên ông, hết lần này đến lần khác: “Anh Minh, anh Minh”. Tên ông trở thành cái cây để bà áp người vào. Tiếng gọi thổi quanh họ như làn gió ấm và khi bà thốt ra tên chính mình, nó là nửa sau của câu thơ bắt đầu bằng tên ông. Bà thả tên mình như thả một viên sỏi xuống lòng giếng. Bà muốn mình được ông nhấn chìm: “Anh Minh, em My. Anh Minh, em My đây”.

Thơ đôi khi chỉ đơn giản là như thế. Và tình yêu đôi khi cũng đơn giản như thế – thầm lặng và dữ dội đến mức khi yêu, cả nắm sỏi bị người yêu ném vào cũng trở nên thơ mộng:

“Vì một nắm sỏi và tiểu sử yêng hùng của Ba, Má đã bỏ nhà đi và chưa thực sự trở về lần nào. Tưởng tượng một nắm sỏi. Tưởng tượng cái cảnh ông tùy tiện ném chúng vào bà khi bà đang cùng đám bạn gái đi học về. Ông làm vậy vì ông thích bà. Bọn con trai dớ dẩn như vậy đó, Má nói với tôi. Một nắm sỏi, ném trong cơn giận, trong niềm tuyệt vọng, trong nỗi hân hoan. Ba ném chúng trong tâm thế yêu đương. Má nói chúng chạm vào người bà như những nụ hôn ấm áp, những viên sỏi đó ông đã ôm giữ dưới ánh mặt trời. Những nụ hôn ấm áp trên đường cong của lưng bà, trượt xuống khuỷu cánh tay bà, sượt qua mắt cá chân và đáp xuống quanh chân bà trên cát bỏng.”

Và có lẽ, bằng chính động tác sáng tạo cuốn tiểu thuyết Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm, Lê Thị Diễm Thúy cũng đang làm công việc vật lí hóa những kỉ niệm thân thương trong miền kí ức để cô có thể mãi chạm vào nó bằng xúc giác khi lướt tay qua những trang sách; bằng thị giác khi nhìn những hình ảnh ùa về qua con chữ; bằng thính giác và bằng toàn bộ rung động trong tâm hồn phủ khắp châu thân khi mãi trìu mến gọi tên những người thân, những điều đã qua.

Hoàng Đức Nhiên

Cafe sáng

Nhà sách Phương Nam ra mắt nền tảng số tích điểm KOMO+ và ứng dụng sách nói bản quyền KOMOaudio

Published

on

nen-tang-so-KOMO

Trong tháng 10, Nhà Sách Phương Nam ra mắt nền tảng số KOMO với hai ứng dụng KOMO+ và KOMOaudio. Hiện tại, 2 ứng dụng đã có mặt trên Google Play và App Store, cung cấp cho người dùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Chỉ với chiếc điện thoại smartphone, khách hàng dễ dàng tích điểm đổi quà thông qua ứng dụng KOMO Plus và trải nghiệm 7 ngày nghe miễn phí sách nói có bản quyền với KOMOaudio.

Ứng dụng KOMO+ đáp ứng thói quen tích điểm, mua sắm thông minh từ khách hàng

KOMO+ (đọc là KOMO Plus) là ứng dụng khách hàng thân thiết, thay thế thẻ tích điểm. Khi cài đặt ứng dụng KOMO Plus, tất cả khách hàng của hệ sinh thái Phương Nam có thể tích điểm, đổi điểm nhận nhiều ưu đãi, các khuyến mãi hấp dẫn chỉ dành riêng cho thành viên KOMO.

Điểm thưởng tích lũy càng cao kèm theo quyền lợi thiết thực theo từng hạng: Hạng tiêu chuẩn (Classic); Hạng bạc; Hạng Vàng; Platinum; Diamond.

Quét mã QR tải ngay KOMOPlus.

Cứ mỗi hóa đơn thanh toán, khách hàng sẽ có thể tích lũy điểm và sử dụng đổi điểm rộng rãi trên các nền tảng của hệ sinh thái Phương Nam, với nhiều quyền lợi hấp dẫn: Sử dụng điểm để đổi lấy ebook, mua hàng trên website thương mại điện tử nhasachphuongnam.com.

Việc ra mắt ứng dụng tích điểm, đổi quà qua ứng dụng KOMO Plus là một trong những nỗ lực của Nhà sách Phương Nam nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm thông minh, giúp khách hàng có thể hưởng nhiều ưu đãi nhân dịp sinh nhật, KOMO Day hoặc các dịp lễ đặc biệt trong năm.

Trong thời gian sắp tới, khách hàng còn có thể trải nghiệm thêm tính năng mới trên KOMO Plus: đọc hàng ngàn ebook tiếng Việt và tiếng Anh có bản quyền, chơi game trúng thưởng 100%...

Quyền lợi khách hàng thành viên

  • Tích điểm khi mua hàng trong hệ sinh thái Phương Nam: 1%
  • Quyền lợi mua hàng với nhiều ưu đãi dành riêng cho từng hạng
  • Tích điểm để đổi ưu đãi, phiếu quà tặng để mua hàng tại hệ thống Nhà Sách Phương Nam, website nhasachphuongnam.com hoặc dùng điểm để mua ebook trên KOMO+, audiobook trên KOMOaudio.
  • Đọc ebook 100% bản quyền, nhiều ebook miễn phí với các tính năng hữu ích.
  • Tặng quà cho khách hàng nhân dịp sinh nhật hoặc các dịp đặc biệt…
  • KOMO Day vào thứ 7 tuần thứ 3 mỗi tháng với nhiều ưu đãi hấp dẫn

+ NHÂN 3 số điểm tích lũy

+ Mua hàng giảm giá THÊM đến 10%

+ Chơi game trên ứng dụng để nhận quà 100%.

Sử dụng điểm tích lũy

  • Dùng điểm để đổi lấy phiếu quà tặng và dùng PQT để mua hàng tại hệ thống nhà sách (https://nhasachphuongnam.com/he-thong-nha-sach-phuong-nam-vi.html) hoặc mua hàng tại website nhasachphuongnam.com
  • Dùng điểm để mua ebook trên KOMO+
  • Dùng điểm để mua audiobook trên ứng dụng KOMOaudio (dùng chung 01 số điện thoại để đăng ký app KOMO+ & KOMO Audio)

Điều kiện giữ hạng thẻ: Đảm bảo trị giá mua hàng theo điều kiện hạng thành viên

HạngĐiều kiệnTỉ lệ đổi điểmĐiểm bắt đầuĐiểm lên hạng
Classic – ChuẩnMua hàng từ 0 - dưới 2 triệu1%0Dưới 20.000
Silver – BạcMua hàng từ 2 triệu - dưới 10 triệu1%20.000Dưới 100.000
Gold – VàngMua hàng từ 10 triệu - dưới 20 triệu1%100.000Dưới 200.000
Platinum – Bạch KimMua hàng từ 20 triệu - dưới 50 triệu1%200.000Dưới 500.000
Diamond – Kim CươngMua hàng từ 50 triệu trở lên1%500.000Trên 500.000
  • Tăng hạng: Hệ thống sẽ tự động lên hạng khi đủ điều kiện tích lũy
  • Xuống hạng: Năm N+1

Ghi chú: N chi tiêu và tích điểm của khách hàng trong năm

N+1: thay đổi hạn mức dựa vào chi tiêu của năm N

Ứng dụng sách nói bản quyền, giọng đọc giàu cảm xúc KOMOaudio

Song hành với KOMO Plus, Nhà sách Phương Nam đã nghiên cứu và cho ra mắt ứng dụng KOMOaudio với danh mục sách đa dạng, phong phú, đầy đủ bản quyền. Đặc biệt, nội dung sách được đội ngũ sản xuất thực hiện kỹ lưỡng với âm thanh chất lượng, giọng đọc giàu cảm xúc của nhiều voice talent khác nhau, phục vụ nhu cầu nghe sách nói của người dùng Việt Nam.

Khách hàng có thể nghe chương đầu hoàn toàn miễn phí để trải nghiệm ứng dụng và đánh giá phần nào về tác phẩm trước khi quyết định mua sách.

Khách hàng có thể nghe miễn phí sách nói có bản quyền trên KOMOaudio.

Với một người yêu sách nhưng cuộc sống hiện đại bận rộn, KOMOaudio có thể đáp ứng nhu cầu giải trí, nghe sách nói không giới hạn, mọi lúc mọi nơi của bạn. Người dùng có thể nghe sách nói online hoặc offline vào bất kỳ thời gian nào và ở bất cứ đâu: lúc chờ và đi xe buýt, chạy bộ buổi sáng, nấu cơm, làm việc nhà, lái xe…

KOMOaudio còn có tính năng hẹn giờ, tự động tắt, đáp ứng nhu cầu người dùng có thói quen nghe sách trước khi ngủ. Ngoài ra, ứng dụng sẽ điều chỉnh chất lượng streaming dựa theo chất lượng mạng trong thời điểm nghe để đảm bảo không ngắt quãng do đường truyền.

Để thưởng thức những cuốn sách mới, được cộng đồng yêu thích nhất hiện nay trên ứng dụng KOMOaudio, khách hàng chỉ cần tải KOMOaudio trên Google Play/Appstore là đã có thể trải nghiệm nghe miễn phí tất cả các sách nói có bản quyền trong 7 ngày.

Ngay bây giờ, khách hàng có thể truy cập vào website: http://komo.vn/ để biết thêm thông tin về nền tảng số KOMO với hai ứng dụng KOMO Plus và KOMOaudio; hoặc tải trực tiếp ứng dụng trên Google Play/App Store theo link bên dưới:

- KOMO Plus: http://komo.vn/chuyen-de/komo+.html

- KOMOaudio: http://komo.vn/chuyen-de/komo_audio.html

Mọi thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số hotline: 1900 6656.

Hoặc inbox trực tiếp fanpage: Nhà Sách Phương Nam.

Đọc bài viết

KOMOaudio

Hành trình thay đổi đất nước của Sứ đoàn Iwakura

Published

on

By

Dựa trên chuyến đi của Đại đế Nga Peter đến các nước Tây Âu để học hỏi vào thế kỷ 19, Sứ mệnh Iwakura mở ra công cuộc Duy Tân Minh Trị đã làm thay đổi Nhật Bản một lần và mãi mãi với cuộc hành trình kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 – 1873).

Được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử châu Á cuối thế kỷ 19, sứ mệnh Iwakura chủ trương “Bunmei kaika” (văn minh khai sáng) đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm samurai sang năng lực của trí tuệ do công tước Iwakura Tomomi dẫn đầu, với khoảng 50 thành viên, gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp. Ngoài số kể trên còn có các du học sinh phục vụ cho việc thông dịch, thông tin. Họ đã đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu khác nhau, như: Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Nga.

Có tầm quan trọng bởi đây là lần đầu tiên mà một quốc gia phương Đông tự mình tham gia vào hệ thống thương lượng quốc tế, trong khi ở thời điểm đó vấn đề ngoại giao chỉ được giới hạn trong mối liên hệ giữa một nhóm người có chung một nền văn hóa hoặc về ngôn ngữ như Mỹ với bất cứ cường quốc châu Âu nào; hoặc các quốc gia nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, hay tiếng Tây Ban Nha với nhau, nơi ngôn ngữ quốc tế không gây ra những sự bất tiện.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Một góc nhìn mới

Nói về chuyến Tây du khảo cứu quan trọng này, tư liệu từ phía Nhật Bản tương đối đầy đủ, chủ yếu nằm trong 5 tập Beto Kairan Jikki (Báo cáo về chuyến đi của đoàn đại sứ đặc biệt đến Mỹ và châu Âu) do sử gia Kume Kumitake và cũng đồng thời là người trải nghiệm thực địa viết nên.

Nó là một sự tổng hợp giữa nhật ký, thông tin nghe được từ các chuyến thăm, nhưng cũng có phần hạn chế bởi các quan điểm của người chắp bút. Vì vậy, Sứ đoàn Iwakura do Ian Nish chủ biên như một mảng khác để hoàn thiện thêm hành trình quan trọng này, đến từ góc nhìn của phía Tây phương.

Học giả, nhà nghiên cứu về Nhật Bản Ian Nish.
Nguồn: The Telegraph

Như Ian Nish chia sẻ, tác phẩm này được tổng hợp từ hội nghị ba năm họp một lần của Hiệp hội Nghiên cứu Nhật Bản ở châu Âu diễn ra vào năm 1997, trùng đúng kỷ niệm 125 năm chuyến đi diễn ra. Tại đó nhiều nhà nghiên cứu đã tìm về các tư liệu vẫn còn lưu trữ tại các quốc gia phương Tây, như nhật ký của các chính khách, báo chí địa phương, những lá thư trao gửi nội bộ giữa các đại sứ quán… có so sánh với tác phẩm của Kume Kumitake và báo chí Nhật Bản. Qua đó nhìn lại cuộc du khảo này trên phương diện lịch sử, chính trị và quan hệ quốc tế, cũng như làm rõ vai trò của sứ đoàn và phản ứng của phương Tây đối với sự kiện này.

Có thể thấy rằng thách thức đặt ra tương đối lớn, bởi lẽ nhiệm vụ của sứ đoàn Iwakura có tầm quan trọng đối với Nhật Bản hơn là các nước mà họ đến thăm, nên nguồn tư liệu có thể là không đầy đủ. Vì vậy trừ các quốc gia có tầm vóc lớn như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức… thì những trải nghiệm tại các nước nhỏ hơn như: Hà Lan, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… gần như không được đề cập trong các văn kiện còn lại. Một điểm bất ngờ của cuốn sách này là bài nghiên cứu về cuộc viếng thăm Thụy Điển của đoàn thám hiểm, với những tiết lộ mới được bật mí, những tưởng đã không tồn tại trong suốt nhiều năm.

Qua đó các nhà nghiên cứu đã làm rõ được nhiều yếu tố, mà một trong số đó là các mục tiêu của phía Nhật Bản. Theo đó ngoài việc giới thiệu với phương Tây những gương mặt lãnh đạo mới, kết thân với giới lãnh đạo phương Tây, tìm hiểu và đánh giá sự phát triển, nhận thức, các bài học của họ trong mọi lĩnh vực để tìm ra mô hình khả thi chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời thành quốc gia hiện đại; thì mong muốn đàm phán lại những hiệp ước từng ký tương đối bất lợi cũng được coi là một trong những vai trò được đặt lên hàng đầu trong chuyến đi.

Bởi lẽ, trước khi lên đường, vào năm 1858, Nhật Bản đã phải ký các Hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Mỹ để mở cửa và thúc đẩy thêm giao thương thương mại. Sau đó Anh, Pháp theo chân và cũng đòi hỏi những điều tương tự. Các nước phương Tây như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch… cũng ký một hiệp ước chung, dẫn đến một trong những mục đích lớn được các nhà nghiên cứu đặt ra là liệu có phải nó nhằm hướng đến việc xem lại các hiệp ước sao cho phù hợp hơn trước bối cảnh chế độ phong kiến đã bị phế truất, và chế độ mới của giai đoạn Minh Trị vừa mới bắt đầu.

Phái đoàn Iwakura (cánh trái) trong buổi tiếp kiến Tổng thống Pháp. Tranh minh họa của James E. Taylor

Do đó, có thể khẳng định động cơ của sứ đoàn thay đổi theo thời gian và theo suy nghĩ của những người có liên quan. Ngay từ ban đầu khi ở nước Mỹ, có thể thấy Iwakura có lần đề cập đến việc đàm phán một hiệp định mới với Tổng thống Grant bằng việc kêu gọi một sự xem xét của toàn liên minh bao gồm châu Âu cũng như Mỹ. Chính việc khước từ lời kêu gọi này mà nhiều khả năng nhiệm vụ đàm phán ở các quốc gia châu Âu lui lại, để việc thu thập thông tin được đưa lên một vị trí cao hơn.

Vì thế ở Anh, sứ đoàn có đôi lần nhắc đến yếu tố chỉnh sửa hiệp định, nhưng họ không muốn bản thân quyết định, mà chỉ chủ yếu muốn nghe quan điểm từ phía nước Anh hơn là thúc đẩy đi đến cuối cùng. Tại đây họ cũng gặp phải một yêu cầu kép là phải mở rộng cảng hơn nữa cho các tàu châu Âu và nhanh chóng khoan dung tôn giáo, chấm dứt diệt đạo. Điều này rồi sẽ liên tục trở lại ở các nước khác, như Hà Lan – nơi họ chịu sự chỉ trích mạnh mẽ trong việc dập tắt tôn giáo, hay các cuộc gặp với Liên minh Phúc Âm ở Đức, Thụy Điển.

Những người phụ nữ ăn mặc theo kiểu phương Tây đến Hoa Kỳ vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura.
Nguồn ảnh: Kameda Kinuko.

Dẫu vậy cũng theo các nhà nghiên cứu, góc nhìn hậu thế không nên khắt khe nếu những bước đầu trên trường ngoại giao quốc tế của sứ đoàn Iwakura có phần loạng choạng, bởi họ gần như không có điểm chung nào đối với phương Tây. Trong khi tiếng Nhật không phải là ngôn ngữ quốc tế, hệ thống tương tác văn hóa của Nhật cũng không gắn bó (mà còn kình chống) với thế giới quan Latin - Thiên chúa giáo… Vì vậy thất bại hay việc chưa đạt được những mục tiêu chính trị có phần dễ hiểu.

Điều này còn chưa kể đến tình hình rắc rối trong nội bộ nước Nhật khi sứ đoàn tiến hành các chuyến du khảo, cũng như những sự đối lập về nền tảng tư duy giữa các thành viên khi buổi chuyển giao giữa chế độ Phong kiến và Minh Trị Duy Tân vừa mới xảy ra trong thời gian ngắn.

Thay đổi ở Nhật Bản

Các bài viết lớn và được nghiên cứu nhiều nhất là ở ba cường quốc của thời bấy giờ gồm Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Ở đó sứ đoàn nhìn thấy tinh thần tự do, phóng khoáng của Mỹ, sức mạnh từ cuộc cách mạng công nghiệp của Anh và sự phóng khoáng, tinh tế, thanh lịch tràn ngập nghệ thuật ở Pháp. Ở mỗi điểm dừng họ được chào đón một cách long trọng, được đón tiếp bởi những vị nguyên thủ hàng đầu đất nước, và quan trọng nhất là nhận ra được một thành công chung của các nước này dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, giáo dục, phát triển mạnh mẽ, và một thể chế chính trị dân chủ.

Phái đoàn Ngoại giao Nhật Bản trình tài liệu cho Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant. Tranh minh họa của James E. Taylor.

Ở các nước khác họ có những mối quan tâm riêng biệt hơn. Chẳng hạn ở Đức và Bỉ, sứ đoàn Iwakura quan tâm nhiều hơn đến sức mạnh quân sự cũng như cơ sở hạ tầng giao thông. Trong khi ở Ý, nghệ thuật và các nghệ nhân lại khiến cho họ mê mẩn hơn cả. Đây là tương quan có tính hai chiều, khi Bỉ cũng muốn Nhật Bản trở thành đối tác về mặt quân sự, để xuất khẩu vốn và làm giảm xuống ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 1867. Cùng trong lúc đó, Ý muốn Nhật Bản mở rộng đường hơn cho những thương nhân ngành lụa, vì ý thức được vai trò quan trọng của vấn đề này…

Từ đó sau khi trở về phương Tây từ năm 1868, Nhật Bản đã có những bước tiến lớn mang tính nhảy vọt. Một trong số đó là việc coi trọng giáo dục kỹ thuật. Theo các thống kê, từ năm 1868 đến năm 1902, Nhật Bản đã cấp hơn 11.000 visa du học, biến đây trở thành “đợt thủy triều du học” đầu tiên đến từ châu Á.

Không ngừng ở đó, họ cũng thuê thêm hai vị chuyên gia xây dựng kế hoạch giáo dục tổng quát, từ đó hình thành đại học kỹ thuật. Vào giai đoạn này, chính quyền Minh Trị cũng thuê từ 500 cho đến 600 những người từ nước ngoài về làm việc cho chính phủ mình. Tính đến năm 1890, Nhật để thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật ở mọi lĩnh vực cũng như ngành nghề.

Hình minh họa châm biếm một samurai chui đầu vào nòng súng tại buổi đến thăm nhà máy sản xuất súng của Krupp. Hình ảnh Peter Pantzer cung cấp.

Những gì có được từ cuộc du khảo cũng có ảnh hưởng đến các quan điểm về mặt chính trị một cách sâu sắc. Theo đó, sau chuyến viếng thăm nước Nga, họ sớm nhận ra nếu Nhật Bản phải liên quan tới một quốc gia khác thì đó không phải là Triều Tiên mà chính là Nga. Vì vậy khi việc tranh cãi ác liệt về việc có nên tấn công nhắm vào Triều Tiên, phái chủ hòa gồm những thành viên đã từng tham dự chuyến du khảo này đã kịch liệt phản đối, từ đó thay đổi quan điểm của riêng chính phủ trong việc can dự vào các vấn đề mang tính bành trướng.

Điều này không chỉ đến từ nước Nga và các dự cảm bị xâm lược của những người Nhật, mà còn đến từ nước Pháp trước đó, khi họ nhận ra đế quốc lớn này thu được nhiều nguồn nguyên liệu lớn đến từ thuộc địa, nhưng còn quá sớm để đánh giá được tính hiệu quả của bước đi này. Chuyến thăm viếng này cũng làm thay đổi nhận thức về tự do tôn giáo, từ đó tạo những điều kiện thuận lợi để mở cửa Nhật Bản.

Bởi lẽ một trong những lý do ban đầu cho việc bức hại Kitô giáo ở Nhật là các nhà lãnh đạo lo sợ nó sẽ cho phép các nước phương Tây xâm chiếm Nhật Bản để bảo vệ những người đồng đạo. Thế nhưng bằng việc sứ đoàn không bị tổn hại khi mạo hiểm đi vào đất nước có tôn giáo đối nghịch, thì chính phủ Nhật Bản đã yên tâm rằng Kitô giáo không phải là đoàn quân tiên phong xảo quyệt của một cường quốc phương Tây. Từ đó tháo gỡ nút thắt của cả hai bên vốn đã tồn tại từ lâu.

Quãng đường đã đi của Sứ đoàn Iwakura. Nguồn Digital Museum of the History of Japanese in New York.

Qua cuốn sách này, thêm một lần nữa có thể khẳng định về tầm nhìn xa của riêng nước Nhật trong các chính sách canh tân thời Minh Trị, từ đó mở ra một chương sử mới trong lịch sử Nhật Bản. Không chỉ nhìn nhận từ phía chủ quan, Sứ đoàn Iwakura còn là góc nhìn đến từ khách quan để thêm lần nữa xóa tan huyền thoại về những vấn đề xoay quanh chuyến đi lịch sử, góp phần giải mã cho sự thành công cũng như tiến bộ một cách nhanh chóng của đất nước này đối với thế giới. 

Nguồn: Người Đô Thị | Minh Anh

Đọc bài viết

Book trailer

Hồi ức Phú Nhuận: Trải nghiệm hành trình đa chiều qua lịch sử của một quận đô thị độc đáo

Published

on

By

Hồi ức Phú Nhuận – tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận – không dừng lại trong phạm vi ghi chép dáng dấp cơ bản của một vùng đất, mà còn phần nào đó giúp người đọc nhận diện đời sống đô thị đất Sài Gòn, trong trăm năm qua.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận cố gắng ghi nhận dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và viết lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân Phú Nhuận qua các thế hệ.

Tinh thần Phú Nhuận xưa được tái hiện sống động

Phú Nhuận là một trong những quận nội thành quan trọng áp sát trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ xuất thân nhỏ bé là một vùng đất cằn cỗi, một gò đất hoang với vài hộ gia đình lưu dân tới khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã vươn mình trở thành một quận hoàn toàn đô thị hóa. Nơi đây có một cuộc sống đa dạng với nhiều sắc thái, có lịch sử ngang bằng với đô thị Sài Gòn, có một số nhân vật được trọng nể vì những đóng góp cho xã hội trên nhiều mặt và có những địa chỉ khiến người từ các nơi khác phải tìm đến…

Trong những bài viết của Hồi ức Phú Nhuận, tinh thần Phú Nhuận xưa hiện lên rõ nét qua những câu chuyện hoài niệm về các con đường ngày xưa, có con đường từng trải qua bảy lần thay tên (đường Nguyễn Văn Trỗi), có con đường từng đi ngang quán xá và trại lính (đường Võ Tánh ngày xưa, nay là Hoàng Văn Thụ); là những quán ăn, tiệm cà phê mà tác giả luôn mong “lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào” nhưng “không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian”...

Chính vì những lẽ đó, Hồi ức Phú Nhuận tuy là kí ức riêng của tác giả nhưng lại bắt được dòng hơi thở chung của đời sống đô thị Sài Gòn xưa và nay.

Những trang viết giàu cảm xúc, đầy ắp tư liệu

Hồi ức Phú Nhuận gồm 60 bài viết về Phú Nhuận theo trục thời gian trải dài từ xưa đến nay, bao quát đủ mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này, được tác giả chia thành chín phần: Mấy nẻo đường quen, Nơi chốn đi về, Dưới mái trường xưa, La cà quán xá, Giải trí và rèn luyện thân thể, Cơ sở làm ăn, Dập dìu tài tử giai nhân, Ôn chuyện xưa; và phần Phụ lục điểm qua sáu giai đoạn hình thành và phát triển của Phú Nhuận.

Với giọng văn trầm tĩnh, giàu cảm xúc và tư liệu đầy đặn, 60 bài viết như những thước phim ngắn được bật lên, lần lượt đưa người đọc tìm về những tinh túy đã từng hiện diện ở Phú Nhuận: có một số thứ dù còn tồn tại nhưng ít nhiều thay đổi qua thời gian, có một số thứ tuy đã biến mất nhưng vẫn ẩn tàng trong kí ức của người Phú Nhuận và trong những góc khuất của đời sống.

Tùy bút vốn là thể loại để người viết có thể tự do tung hứng theo cảm xúc. Nhưng ở Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận đã viết không chỉ dựa vào cảm xúc đơn thuần mà còn có sự nghiên cứu, phóng chiếu với những tư liệu thực tế đúng như thao tác thường thấy ở nhà báo chuyên nghiệp.

Bộ sưu tập công phu về đời sống Phú Nhuận

Phạm Công Luận khảo sát về Phú Nhuận ở đủ mọi khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, giải trí, kinh doanh… Qua đó, những giá trị Phú Nhuận đã từng tồn tại, nay trở lại trong ký ức và niềm thương cảm về thân phận một vùng đất mà mỗi người, mỗi thế hệ người dân đã gắn bó bằng những cách khác nhau.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, tác giả còn cung cấp những thông tin thú vị mà nhiều khi chính người Phú Nhuận chưa hẳn đã biết: Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống ở Phú Nhuận những năm cuối đời, sau khi ông mất, con đường có ngôi nhà ông ở (trước đây vốn là con hẻm), đã được đặt lại theo tên ông, trở thành đường Hồ Biểu Chánh như ngày nay; tiệm phở Bắc Huỳnh thuộc hàng cao cấp, dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng rất tiếng tăm, khi đột nhiên đóng cửa năm 1982 đã khiến nhiều người vô cùng tiếc nuối; đầu thế kỉ 20, nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận là “nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương”…    

Khi nhắc đến một vùng đất, không thể không đề cập đến những con người đã và đang gắn bó ở đó. Chính vì vậy, trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận dành hẳn hai phần để viết về những người đã chọn Phú Nhuận làm nơi an cư: phần Dập dìu tài tử giai nhân dành cho giới nghệ sĩ, phần Ôn chuyện xưa dành cho những người Phú Nhuận trong kí ức tác giả.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm, Trương Ánh Mai cùng ảnh tư liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau. Sự kết hợp hài hòa giữa những trang viết đa chiều, giàu cảm xúc và phần hình ảnh được đầu tư chăm chút khiến Hồi ức Phú Nhuận thực sự là món quà quý để người đọc tìm về di sản văn hóa của Phú Nhuận, để hòa điệu, tri ân những độc giả luôn nặng lòng với quận đô thị này.

Trích đoạn

Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi thành địa chỉ mới.

(Trích Cư xá của các nghệ sĩ)

Trong hơn 20 năm trước 1975, nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng tuy tọa lạc trên con đường nhỏ ở Phú Nhuận nhưng tiếng tăm vang ra khắp Sài Gòn – Gia Định. Nhiều người, nhất là giới văn nghệ sĩ biết tiếng nhà hàng này, đã từng đến thưởng thức bảy món bò của bà Tư Lái, bếp chính. Tuy vậy, không mấy ai biết gốc gác của nó.

(Trích Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài thành)

Về tác giả

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…

Đọc bài viết

Cafe sáng