Book trailer
Dòng đời: Lắng đọng với những trải lòng của danh ca Elvis Phương

Book trailer
Những thiên thần của người gác rừng: Chuyện bảo vệ môi trường dưới góc nhìn trẻ thơ

Những thiên thần của người gác rừng – câu chuyện thiếu nhi dễ thương, chứa nhiều thông điệp về yêu thương, bảo vệ môi trường của nhà văn Phương Huyền – vừa tái xuất bạn đọc trong một diện mạo mới với toàn bộ tranh minh họa được in màu, giúp tác phẩm dễ tiếp cận trẻ nhỏ hơn.
Những thiên thần của người gác rừng là chuyến nghỉ hè kỳ thú nơi miền quê của cô bé Mi cùng những bạn thú nhồi bông đáng yêu: Mèo Cà Chua và Bọt Biển. Bắt đầu từ lần dạo chơi ở bìa rừng, cả ba lạc bước đến một thế giới cổ tích kỳ lạ, nơi có những thiên thần bảo vệ rừng, có cả rừng kẹo đủ màu, dòng sông xi rô dâu ngọt lịm và cỏ cây, hoa lá, chim muông đều biết nói và hát rất hay.
Và rồi, chuyến phiêu lưu đưa cả ba đến một nơi khác lạ: khu rừng chết chóc, dòng sông bẩn thỉu đầy rác rưởi, và đàn cá không còn cất tiếng hát... Ôi không, chuyện gì xảy ra thế này? Xứ sở thần tiên tuyệt vời đâu mất rồi? Từ đó, các bạn nhỏ dần hiểu ra con người đã tàn phá thiên nhiên thế nào, và vì đâu rừng không còn xanh tươi như trước.
Đời sống miền quê hiện lên ngộ nghĩnh dưới góc nhìn của thú nhồi bông

Những thiên thần của người gác rừng được tác giả lấy cảm hứng từ chính con gái của mình khi cô quan sát con trong những sinh hoạt thường nhật, hoặc khi nhìn con trò chuyện với thú bông. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở nguồn cảm hứng, con gái của Phương Huyền còn trở thành người bạn đồng sáng tạo với mẹ trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Nhà văn chia sẻ: “Mi đã giúp tôi khiến cho tuổi thơ của con trở nên ‘dữ dội’ hơn khi vừa hóa thân vào nhân vật trong truyện vừa vẽ lên trong trí tưởng tượng của tôi cả một khu rừng bí mật. Chúng tôi đã có những lúc làm việc cùng nhau khi con trong vai trò người biên tập. Tôi đọc, con sửa; tôi kể, con góp ý; tôi bí, con khơi nguồn... Cuốn sách này được hình thành như thế, bằng tất cả tình yêu tôi dành cho con và cho cả những cô bé, cậu bé đã được sinh ra trên cuộc đời này.”
Câu chuyện mở đầu bằng đoạn đối thoại nhân hóa vui nhộn giữa Mèo Cà Chua và Mèo Tam Thể. Ở phần giới thiệu về Mèo Cà Chua, có thể thấy tác giả đã rất dụng công xây dựng hình tượng cho nhân vật đặc biệt này theo lối độc đáo, ngộ nghĩnh, hợp với tư duy và trí tưởng tượng phong phú của các bạn nhỏ. Cái tên Mèo Cà Chua có thể dễ gây hiểu nhầm nhân vật này là mèo. Nhưng thực tế, đây lại là một con hổ nhồi bông nhỏ xinh, được bé Mi gọi là mèo chỉ đơn thuần vì bé thích như thế, và hậu tố Cà Chua xuất hiện là vì hổ có cái mũi đỏ chót như trái cà chua.
Bối cảnh chính của tác phẩm diễn ra ở thôn quê nên những trang viết miêu tả đời sống sinh hoạt nơi đây có lẽ đặc biệt giá trị với những bạn nhỏ ở thành thị. Đó là các miêu tả về: chợ quê, cách người dân quê chào hỏi nhau, lúa vàng trên cánh đồng, những khu rừng, cây cỏ… Bọt Biển – một con rùa nhồi bông xanh, đồng thời cũng là người bạn thân thiết của bé Mi – đã có một nhận xét về chợ quê rất hóm hỉnh như sau: “Chợ gì mà nhỏ xíu xiu. Bán cái gì cũng chút chút. Mà mới hơn 7 giờ sáng đã hết người rồi. Có điều ra chợ vui lắm nha. Giống như cả chợ đều biết nhau vậy đó.”
Thông điệp ý nghĩa về tình bạn chân chính và quyền bình đẳng

Truyện còn gửi gắm nhẹ nhàng, thông điệp ý nghĩa về tình bạn, quyền bình đẳng qua cách Mèo Tam Thể – một con mèo thật – kết bạn với hai thú nhồi bông là Mèo Cà Chua và Bọt Biển:
“Tụi mình làm bạn ha.”
“Bạn là mèo thiệt, tụi tui là thú nhồi bông mà.”
“Có sao đâu. Mình vẫn hiểu nhau. Hiểu nhau thì là bạn rồi.”
Từ đó, các bạn nhỏ có thể nhận thấy tình bạn chân chính là tình bạn không có sự phân biệt giữa cao thấp, sang hèn, những khác biệt về địa vị hay chủng tộc. Điều này không chỉ thể hiện trong tình bạn giữa Mèo Tam Thể và Mèo Cà Chua, Bọt Biển; mà còn được thể hiện trong tình bạn giữa Mèo Cà Chua, Bọt Biển và bé Mi. Dù là động vật thật, thú nhồi bông hay con người, chỉ cần có thể hiểu nhau, biết cách lắng nghe và đối thoại với nhau là đã có thể trở thành bạn. Tình bạn thật cao quý mà cũng thật giản dị là như thế.
Trong truyện còn đề cập đến Bệnh viện Thiên Đường – đây là không gian mà bé Mi tạo nên để chăm sóc thú nhồi bông của mình: “Nghe mẹ chị nói thú bông từ hồi chị mới sinh ra tới giờ còn nguyên. Mỗi năm dân số vườn thú lại tăng. Vậy mà chị chẳng bỏ em nào hết. Em nào cũng cưng, cũng yêu. Rồi xong còn làm hẳn cái bệnh viện tên là Bệnh viện Thiên Đường cho cả đám ở.”
Chi tiết về Bệnh viện Thiên Đường không chỉ phản ánh góc nhìn dễ thương của trẻ thơ mà còn gián tiếp dạy trẻ cách trân quí những món đồ xung quanh dù là cũ hay mới; và những món đồ được đề cập ở đây lại là thú nhồi bông – vốn phần nào mô phỏng hình ảnh của thú thật – nên thông qua việc trân trọng thú nhồi bông, trẻ cũng sẽ học được cách yêu thương động vật.
Phương pháp giáo dục con độc đáo được truyền tải qua tranh minh họa bắt mắt

Những thiên thần của người gác rừng xuất bản lần đầu vào năm 2018. Sau 5 năm đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ bạn đọc, tác phẩm tái xuất trong một diện mạo mới với hình thức bắt mắt hơn khi toàn bộ tranh minh họa đều được in màu trên giấy couche, giúp câu chuyện càng dễ tiếp cận trẻ nhỏ. Bố cục tranh minh họa cho nội dung được trình bày phóng khoáng, phá cách với nhiều trang sử dụng khung tranh ngang tỉ lệ 16:9, hoặc khung vuông có phần thoại được đặt trong những hình oval mang phong cách manga – phiên bản bìa mềm của cuốn sách cũng thể hiện đúng tinh thần này. Đây là một nét độc đáo trong phần minh họa của tác phẩm vì thông thường ở những sách văn học thiếu nhi khác, phần tranh minh họa sẽ ở một trang riêng, tách bạch rõ ràng với nội dung.
Tác phẩm Những thiên thần của người gác rừng còn đưa ra nhiều phương pháp giáo dục lí thú, hữu ích để các bậc phụ huynh có thể áp dụng cho con. Chẳng hạn, khi dạy trẻ phải biết vâng dạ với người lớn thì ba lẫn mẹ bé Mi đều “dạ” khi nghe bé Mi gọi. Đây là cách ba mẹ tập cho Mi thói quen phải lễ phép ngay từ khi bé mới bập bẹ biết nói. Hoặc, trong truyện còn đề cập đến việc hai mẹ con đổi vai cho nhau khi nói chuyện: con trở thành mẹ, mẹ trở thành con. Nhờ đó, hai mẹ con không chỉ có nhiều cuộc trò chuyện hài hước, mà còn thấu hiểu nhau hơn khi diễn vai của người kia.
Những thiên thần của người gác rừng đưa ra nhiều hình ảnh tương phản về khu rừng bí mật kỳ diệu và khu rừng đã bị tàn phá trên thực tế. Khu rừng bí mật càng xinh đẹp, lung linh chừng nào thì khi đối diện với khu rừng đã bị hoang phế do con người cho nổ mìn để khai thác đá trên núi, các bạn nhỏ lại càng đau lòng chừng nấy. Từ đó, thông điệp về việc bảo vệ môi trường càng trở nên thống thiết hơn bao giờ hết.
Trích đoạn

Hãy giúp tôi chuyển đi những thông điệp yêu thương, giúp tôi truyền đi những năng lượng tích cực để bảo vệ môi trường sống của mình. Viết cho tuổi thơ các con, nhưng lòng tôi đầy băn khoăn, trăn trở về những khu rừng, những ngọn núi, những dòng sông... đang mỗi ngày bị tàn phá. Chỉ có các con, thế hệ tương lai của đất nước mới làm nên điều kỳ diệu. Bởi các con chính là “Những thiên thần của người gác rừng”.
Về tác giả

Phương Huyền là một nhà báo, biên tập viên, hiện đang phụ trách mảng văn học và tâm lý trên kênh FM99.9 Mhz. Đồng thời, chị còn là một nhà văn với hơn 10 đầu sách đã ra mắt bạn đọc, trong đó có hai tác phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi là Cái tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú và Những thiên thần của người gác rừng. Bên cạnh đó, bản thân chị Phương Huyền còn là một người mẹ có kinh nghiệm hình thành tình yêu đọc sách cho con từ rất sớm.
Book trailer
Hồi ức Phú Nhuận: Trải nghiệm hành trình đa chiều qua lịch sử của một quận đô thị độc đáo

Hồi ức Phú Nhuận – tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận – không dừng lại trong phạm vi ghi chép dáng dấp cơ bản của một vùng đất, mà còn phần nào đó giúp người đọc nhận diện đời sống đô thị đất Sài Gòn, trong trăm năm qua.
Trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận cố gắng ghi nhận dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và viết lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân Phú Nhuận qua các thế hệ.
Tinh thần Phú Nhuận xưa được tái hiện sống động

Phú Nhuận là một trong những quận nội thành quan trọng áp sát trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ xuất thân nhỏ bé là một vùng đất cằn cỗi, một gò đất hoang với vài hộ gia đình lưu dân tới khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã vươn mình trở thành một quận hoàn toàn đô thị hóa. Nơi đây có một cuộc sống đa dạng với nhiều sắc thái, có lịch sử ngang bằng với đô thị Sài Gòn, có một số nhân vật được trọng nể vì những đóng góp cho xã hội trên nhiều mặt và có những địa chỉ khiến người từ các nơi khác phải tìm đến…
Trong những bài viết của Hồi ức Phú Nhuận, tinh thần Phú Nhuận xưa hiện lên rõ nét qua những câu chuyện hoài niệm về các con đường ngày xưa, có con đường từng trải qua bảy lần thay tên (đường Nguyễn Văn Trỗi), có con đường từng đi ngang quán xá và trại lính (đường Võ Tánh ngày xưa, nay là Hoàng Văn Thụ); là những quán ăn, tiệm cà phê mà tác giả luôn mong “lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào” nhưng “không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian”...
Chính vì những lẽ đó, Hồi ức Phú Nhuận tuy là kí ức riêng của tác giả nhưng lại bắt được dòng hơi thở chung của đời sống đô thị Sài Gòn xưa và nay.
Những trang viết giàu cảm xúc, đầy ắp tư liệu

Hồi ức Phú Nhuận gồm 60 bài viết về Phú Nhuận theo trục thời gian trải dài từ xưa đến nay, bao quát đủ mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này, được tác giả chia thành chín phần: Mấy nẻo đường quen, Nơi chốn đi về, Dưới mái trường xưa, La cà quán xá, Giải trí và rèn luyện thân thể, Cơ sở làm ăn, Dập dìu tài tử giai nhân, Ôn chuyện xưa; và phần Phụ lục điểm qua sáu giai đoạn hình thành và phát triển của Phú Nhuận.
Với giọng văn trầm tĩnh, giàu cảm xúc và tư liệu đầy đặn, 60 bài viết như những thước phim ngắn được bật lên, lần lượt đưa người đọc tìm về những tinh túy đã từng hiện diện ở Phú Nhuận: có một số thứ dù còn tồn tại nhưng ít nhiều thay đổi qua thời gian, có một số thứ tuy đã biến mất nhưng vẫn ẩn tàng trong kí ức của người Phú Nhuận và trong những góc khuất của đời sống.
Tùy bút vốn là thể loại để người viết có thể tự do tung hứng theo cảm xúc. Nhưng ở Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận đã viết không chỉ dựa vào cảm xúc đơn thuần mà còn có sự nghiên cứu, phóng chiếu với những tư liệu thực tế đúng như thao tác thường thấy ở nhà báo chuyên nghiệp.
Bộ sưu tập công phu về đời sống Phú Nhuận

Phạm Công Luận khảo sát về Phú Nhuận ở đủ mọi khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, giải trí, kinh doanh… Qua đó, những giá trị Phú Nhuận đã từng tồn tại, nay trở lại trong ký ức và niềm thương cảm về thân phận một vùng đất mà mỗi người, mỗi thế hệ người dân đã gắn bó bằng những cách khác nhau.
Trong Hồi ức Phú Nhuận, tác giả còn cung cấp những thông tin thú vị mà nhiều khi chính người Phú Nhuận chưa hẳn đã biết: Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống ở Phú Nhuận những năm cuối đời, sau khi ông mất, con đường có ngôi nhà ông ở (trước đây vốn là con hẻm), đã được đặt lại theo tên ông, trở thành đường Hồ Biểu Chánh như ngày nay; tiệm phở Bắc Huỳnh thuộc hàng cao cấp, dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng rất tiếng tăm, khi đột nhiên đóng cửa năm 1982 đã khiến nhiều người vô cùng tiếc nuối; đầu thế kỉ 20, nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận là “nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương”…

Khi nhắc đến một vùng đất, không thể không đề cập đến những con người đã và đang gắn bó ở đó. Chính vì vậy, trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận dành hẳn hai phần để viết về những người đã chọn Phú Nhuận làm nơi an cư: phần Dập dìu tài tử giai nhân dành cho giới nghệ sĩ, phần Ôn chuyện xưa dành cho những người Phú Nhuận trong kí ức tác giả.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm, Trương Ánh Mai cùng ảnh tư liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau. Sự kết hợp hài hòa giữa những trang viết đa chiều, giàu cảm xúc và phần hình ảnh được đầu tư chăm chút khiến Hồi ức Phú Nhuận thực sự là món quà quý để người đọc tìm về di sản văn hóa của Phú Nhuận, để hòa điệu, tri ân những độc giả luôn nặng lòng với quận đô thị này.
Trích đoạn

Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi thành địa chỉ mới.
(Trích Cư xá của các nghệ sĩ)
Trong hơn 20 năm trước 1975, nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng tuy tọa lạc trên con đường nhỏ ở Phú Nhuận nhưng tiếng tăm vang ra khắp Sài Gòn – Gia Định. Nhiều người, nhất là giới văn nghệ sĩ biết tiếng nhà hàng này, đã từng đến thưởng thức bảy món bò của bà Tư Lái, bếp chính. Tuy vậy, không mấy ai biết gốc gác của nó.
(Trích Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài thành)
Về tác giả

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…
Book trailer
Nói sao khi trẻ không nghe lời: Các mẹo đối phó với những trẻ bướng bỉnh nhất

Bộ sách Nói sao khi trẻ không nghe lời cung cấp rất nhiều chiến lược giao tiếp hữu ích, hoàn toàn có thể vận dụng trong quá trình nuôi dạy con nhiều thách thức. Sách do hai chuyên gia về nuôi dạy con người Mỹ chấp bút là Joanna Faber và Julie King.
Nếu bạn luôn căng thẳng với việc hò hét bọn trẻ vào mỗi buổi sáng; mệt mỏi với việc các con luôn gấu ó, tranh giành, tị nạnh nhau; không ngừng tìm kiếm các phương pháp thiết thực để việc dạy con trở nên dễ dàng và thoải mái hơn thì Nói sao khi trẻ không nghe lời – tác phẩm mới nhất của bộ sách bán chạy Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói, và Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường – chính là một cuốn cẩm nang thiết thực bạn cần trang bị cho mình ngay lúc này.
Cẩm nang nuôi dạy con đắc lực cho các bậc cha mẹ trên toàn thế giới suốt hơn 40 năm

Trong suốt bốn mươi năm qua, từ lần đầu tiên xuất bản vào năm 1980, cuốn sách Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói của hai tác giả là Adele Faber và Elaine Mazlish đã luôn được đông đảo các bậc phụ huynh xem là “Thánh Kinh nuôi dạy con” với những chỉ dẫn theo hướng tiếp cận thực tiễn trong việc giao tiếp với trẻ sao cho trẻ cảm thấy được tôn trọng. Kế thừa tinh thần của tác phẩm này, Joanna Faber – con gái của Adele Faber và Julie King đã cùng viết tiếp phần thứ ba của bộ sách là Nói sao khi trẻ không nghe lời.
Ở lẩn trở lại này, Joanna và Faber khai thác chủ đề làm sao để xây dựng chiến lược giao tiếp hữu ích, hoàn toàn có thể vận dụng trong quá trình nuôi dạy con nhiểu thách thức. Nói sao khi trẻ không nghe lời cung cấp rất nhiều chiến lược cho cụ thể cho những tình huống nan giải: từ việc phải đối phó với cơn thịnh nộ của trẻ như thế nào, cho đến cách đề cập những vấn đề khó nói cho trẻ nghe như cha mẹ ly hôn, hay phổ cập kiến thức về chuyện tình dục.
Cung cấp những chiến lược thiết thực, sinh động, giàu tính ứng dụng

Nói sao khi trẻ không nghe lời hướng đến các bậc phụ huynh đang chăm sóc trẻ từ tuổi chập chững biết đi đến 12 tuổi. Sinh động và giàu tính ứng dụng, độc giả sẽ được trang bị các mẹo chiến lược khiến trẻ biết nghe lời cùng các kiến thức nuôi dạy khác nhằm giảm thiểu tối đa xung đột, tăng cường sự hợp tác và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gia đình sau khi đọc cuốn sách này.
Trong Phần I, sách trình bày khái quát các mẹo giao tiếp thiết yếu, sát sườn mà những bậc phụ huynh thường sẽ cần đến, để có thể sống sót qua ngày với đứa trẻ đang từ tuổi chập chững biết đi đến tuổi vị thành niên. Ở cuối mỗi chương, sách còn cung cấp cho bạn đọc các hoạt động, các kỹ năng thực hành trong trường hợp bản thân rơi vào trạng thái bức bối, bực dọc, không vui.
Trong Phần II, bạn đọc sẽ tìm thấy những chủ đề mang tính thời sự theo yêu cầu từ phía độc giả. Ở phần này, nhóm tác giả chia sẻ câu chuyện do các quý phụ huynh và giáo viên gửi đến, cũng như giải đáp thắc mắc về các tình huống éo le, dở khóc dở cười mà phụ huynh có thể gặp phải với đứa trẻ nhà mình.
Truyền tải sâu sắc phương pháp nuôi dạy con dựa trên lòng trắc ẩn

Nói sao khi trẻ không nghe lời là một cuốn sách nuôi dạy trẻ vừa hài hước, vừa sâu sắc. Điều ấn tượng nhất là cuốn sách đưa ra các chiến lược dựa trên nghiên cứu nhưng không nặng về lý thuyết. Thay vào đó, Nói sao khi trẻ không nghe lời đưa ra những ví dụ cụ thể thông qua câu chuyện của các bậc phụ huynh ngoài đời thực.
Dựa trên nền tảng của lòng trắc ẩn, Nói sao khi trẻ không nghe lời hướng dẫn phụ huynh các cách khéo léo nhất để đối phó với những lúc trẻ trở nên khó hiểu, qua các công cụ giao tiếp cơ bản như thừa nhận cảm xúc bằng lời nói và kể chuyện. Sách cũng gợi ý những phản ứng đối với các tình huống phổ biến: chẳng hạn như khi một đứa trẻ hậm hực nói chuyện phóng đại, cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc của trẻ thay vì phản đối bằng một thực tế phũ phàng.
Nói sao khi trẻ không nghe lời cũng bàn đến vấn đề trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ (cha mẹ có thể cho trẻ lựa chọn thời điểm được phép sử dụng thiết bị), gọi tên (khuyến khích cha mẹ cho trẻ biết những từ ngữ tiêu cực có thể đem lại cảm giác như thế nào) và hình phạt (để cùng nhau giải quyết vấn đề). Sách còn có một phần dành riêng cho “Những chủ đề nhạy cảm” đưa ra các chiến lược giúp trẻ vượt qua việc bố mẹ ly hôn, hoặc những tìm hiểu đầu đời về tình dục. Văn phong nhẹ nhàng của hai tác giả, kết hợp cùng hình vẽ minh họa hài hước, tiêu đề hấp dẫn, đã giúp cho những chủ đề phức tạp nhất cũng trở nên không quá nặng nề.
Trích đoạn

“Tại sao mỗi khi chúng ta cố dỗ bọn trẻ là y như rằng chúng nó càng làm dữ hơn? Rõ ràng ý định của chúng ta là vỗ về bọn trẻ. Để dạy chúng rằng chút xóc nảy tí tẹo trên đường đời vẫn có thể vượt qua mà không cần phải lao cả xe xuống mương. Mọi thứ rồi SẼ ỔN thôi! Ấy thế nhưng thông điệp lọt vào tai bọn trẻ lại rất khác: ‘Con đừng hòng có thứ con muốn và bố thì cóc quan tâm, bởi vì cảm xúc của con đâu quan trọng đến nỗi phải bận tâm.’ Thành ra, nỗi đau khổ tăng lên gấp bội.”
***
“Chúng ta sốt sắng muốn dạy trẻ hình thành một góc nhìn nào đó – rằng con không được suy sụp trước mỗi một điều bé tí ti trong cuộc sống. Chẳng phải một trong những nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con nhận ra điều quan trọng với điều không quan trọng sao? Đúng! Nhưng sai thời điểm! Thời điểm bạn buồn vì đôi giày mới mua bị đánh cắp không phải là thời điểm bạn muốn ai đó lên tiếng nhắc nhở rằng phải biết ơn vì bạn vẫn còn đôi chân. Đến khi bạn mất đôi chân vì bệnh tật, bạn càng không muốn người khác xuất hiện để nhắc nhở rằng bạn thật may vì có những người còn không có chân nào nữa kìa. Chắc chắn, sẽ có một thời điểm nào đó tốt hơn để nêu quan điểm, nhưng ngay lúc này, bạn sẽ đánh giá cao chút lòng thấu cảm chân thành hơn là một lời động viên sáo rỗng.”
***
“Thừa nhận cảm xúc không chỉ là một thủ thuật hay kỹ thuật. Đó là một công cụ có thể làm biến chuyển các mối quan hệ. Nó không đảm bảo rằng bọn trẻ sẽ vui vẻ dắt chó đi dạo, sẽ đánh răng hoặc đi ngủ đúng giờ, nhưng nó tạo ra bầu không khí thiện chí mà trong đó tất cả mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn và dễ chịu hơn. Nó cũng đặt nền tảng để con trẻ phát triển khả năng quan tâm và chấp nhận cảm xúc của người khác.”
Nhận xét của báo chí thế giới

“Truyền cảm hứng, vô vàn ý tưởng có thể áp dụng, những chỉ dẫn trong cuốn sách này sẽ giúp cho các bậc phụ huynh cảm thấy mình được trang bị sẵn sàng.”
– Publishers Weekly
“Các bậc phụ huynh đang muốn tìm kiếm một hướng tiếp cận thiết thực trong việc nuôi dạy con sẽ thấy cuốn sách này rất hữu ích.”
– Booklist
“Hãy chừa chỗ cho cuốn sách này trong tủ sách hay căn bếp nhà bạn! Đây là cuốn sách bạn sẽ muốn cầm lấy để đọc mỗi khi tự hỏi ‘Mình nên nói gì bây giờ?’ Sách sẽ khiến bạn bật cười thích thú và học được nhiều điều, đồng thời còn giúp không khí trong gia đình có sự chuyển biến từ mâu thuẫn căng thẳng sang ôn hòa hợp tác.”
– Adele Faber,
đồng tác giả của quyển sách Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói
Về tác giả

Joanna Faber & Julie King vừa là tác giả sách bán chạy vừa đồng sáng lập ứng dụng How To Talk: Parenting Tips in Your Pocket và ứng dụng Parenting Hero. Là những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực giao tiếp giữa người lớn và trẻ nhỏ, hai bà vừa viết lách vừa thường xuyên chủ trì các buổi hội thảo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn cho phụ huynh có con từ 2-12 tuổi qua điện thoại và video, đồng thời giao lưu nói chuyện tại các trường học, doanh nghiệp cũng như các nhóm phụ huynh trên khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Julie hiện sống ở Vịnh San Francisco còn Joanna sống ở vùng Thung lũng Hudson, New York.
Ghé thăm họ tại How-to-Talk.com; mạng xã hội Facebook @FaberandKing hoặc Instagram @HowtoTalk.forParents.
-
Cafe sáng4 tháng ago
Summer Big Sale 2023: Đón hè vui cùng nhiều ưu đãi mua sắm giảm đến 50% tại Nhà sách Phương Nam
-
Top sách hay4 tháng ago
Những tác phẩm thiếu nhi giúp trẻ tăng cường cả IQ lẫn EQ
-
Cafe sáng4 tháng ago
Đại tiệc sách hè: Các Nhà xuất bản đồng loạt tung ưu đãi
-
Trà chiều2 tháng ago
Trauma Bonding: Những soi chiếu từ văn học nghệ thuật để chiêm nghiệm cho cuộc đời
-
Trích đăng5 tháng ago
Con bướm mắc kẹt trong đĩa thủy tinh
-
Trích đăng1 tháng ago
Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài Thành
-
Book trailer3 tháng ago
Khám phá Sài Gòn và Đà Lạt qua hai tập tranh ký họa đẹp lung linh
-
Book trailer3 tháng ago
Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm: Nỗi niềm của những kẻ lạc loài