Trích đăng

Gặp gỡ Zuckerberg – Trích “Always Day One”

Published

on

Always Day One là một ấn bản rất được mong đợi của Alex Kantrowitz. Cuốn sách đem lại một cái nhìn thú vị về phong cách lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp, quy trình và công nghệ của những gã khổng lồ công nghệ, thông qua cách viết và kể chuyện hấp dẫn, trực tiếp của tác giả. Những nhận định trong cuốn sách từng được dẫn lại trên nhiều nguồn uy tín như The New Yorker, The Wall Street Journal…

Tác giả Alex Kantrowitz là nhà báo kỳ cựu chuyên mảng công nghệ của BuzzFeed. Trang tin tức cá nhân Big Technology của ông thường tập trung phân tích cách thức vận hành của những gã khổng lồ gồm Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft. “Sách đem đến cái nhìn vào sâu bên trong nền văn hóa đã và đang giúp cho những gã khổng lồ đánh bại các đối thủ mới hình thành của mình trong cuộc chiến công nghệ. Thận trọng và đầy nghiêm khắc, Alex Kantrowitz nhắc chúng ta phải luôn lạc quan về một tương lai chung sống cùng những công ty công nghệ quyền lực nhất thế giới.” –  Scott Galloway, tác giả của The Four và The Algebra of Happiness

  • Trích từ: Always Day One
  • Tác giả: Alex Kantrowtiz
  • Phát hành: Tháng 12.2020
  • Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

*
Gặp gỡ Zuckerberg

Vào tháng Hai năm 2017, Mark Zuckerberg đã mời tôi tới trụ sở công ty của anh ấy ở Menlo Park, California. Đó là lần đầu tiên tôi trò chuyện với vị giám đốc điều hành của Facebook, và câu chuyện đã diễn ra không như dự đoán của tôi.

Công ty của Zuckerberg, như thường lệ, bị những tranh cãi bủa vây. Việc họ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nhưng lại miễn cưỡng kiểm duyệt nội dung đã để cho những thông tin sai lệch, giật gân, cùng các hình ảnh bạo lực xuất hiện tràn lan trên các sản phẩm đó. Zuckerberg dường như đã sẵn sàng chia sẻ về công ty, còn tôi thì rất háo hức lắng nghe.

Trụ sở chính của Facebook – một cấu trúc bê-tông mở và rất rộng lớn – là một nơi không dễ bước vào. Tòa nhà có chín hành lang cùng hai lớp bảo vệ, và các nhân viên an ninh sẽ yêu cầu bạn ký vào bản thỏa thuận không tiết lộ. Khi vào trong, tôi đi về phía một phòng hội nghị có tường bằng kính, nằm ngay giữa tòa nhà, nơi Zuckerberg tổ chức các cuộc họp. Sau khi nói gì đó với COO Sheryl Sandberg của công ty, anh ấy tiến về phía tôi và Mat Honan, biên tập viên của tôi, để bắt đầu cuộc trò chuyện ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Zuckerberg đã rất nỗ lực để đưa ra bản “Tuyên ngôn” của mình.[1] Đó là một bài đăng dài 5.700 từ, nói về quan điểm của Facebook, không chỉ đối với những nội dung đang gây rắc rối mà, rộng lớn hơn, là cả vai trò của họ trong cuộc sống của người dùng. Trước khi tới Melon Park, tôi đã hình dung về một cuộc gặp CEO điển hình: đầu tiên là một bài thuyết trình, rồi tới một chút thời gian ngắn ngủi cho các câu hỏi. Nhưng sau một phác thảo tổng quát ngắn gọn, Zuckerberg bắt đầu yêu cầu tôi cho ý kiến. “Ông thấy có gì không rõ ràng trong những thứ chúng ta đã nói tới không?’’, anh ấy hỏi, “Còn thiếu sót gì không?”.

Zuckerberg lắng nghe rất chăm chú những câu trả lời của tôi. Tư thế ngồi không thay đổi. Hoàn toàn tập trung. Và phản ứng của anh ấy – trước tiên là một cuộc tranh luận nhẹ nhàng về việc tôi muốn Facebook chú ý nhiều hơn tới quyền  lực của họ, và sau đó là một sự thừa nhận – cho thấy rõ việc anh ấy yêu cầu tôi cho ý kiến không phải để làm màu. Tôi chưa bao giờ thấy một CEO nào làm như vậy, nói gì tới một người có tiếng cố chấp như Zuckerberg. Có vẻ rất khác biệt đây, và cũng rất đáng để tìm hiểu nữa.

Sau cuộc gặp ấy, tôi đã hỏi tất cả những người tôi biết về sự khao khát phản hồi khá kỳ lạ của Zuckerberg. Điều đó có bình thường không? Có bao giờ anh ấy hỏi bạn chưa? Sau nhiều cuộc trò chuyện, tôi đã có câu trả lời: việc đặt câu hỏi chỉ đơn giản là một cái nhìn thoáng qua về cách anh ấy điều hành Facebook. Zuckerberg đã đưa sự phản hồi vào từng thớ thịt của Facebook. Các cuộc họp quan trọng kết thúc bằng các phản hồi về chính các cuộc họp đó. Những poster trong các văn phòng của Facebook thể hiện rõ rằng PHẢN HỒI LÀ MỘT MÓN QUÀ. Và không ai trong công ty quan trọng hơn phản hồi, kể cả chính Zuckerberg.

Là một phóng viên công nghệ ở Thung lũng Silicon, tôi đã trực tiếp dõi theo cuộc đua độc đáo để giành vị thế thống trị của những gã khổng lồ công nghệ. Thay vì đi theo vòng đời điển hình của một công ty – phát triển, chậm lại, vấp ngã và biến mất, những công ty như Apple, Amazon, Facebook, Google và Microsoft lại ngày càng lớn mạnh theo năm tháng. Và có lẽ ngoại trừ Apple (tôi sẽ đề cập nhiều hơn trong phần sau), các công ty đang có đôi chút dấu hiệu buông xuôi mà thôi.

Khi quan sát họ, tôi đã rất ấn tượng với cách các công ty này vận hành bộ máy của mình. Ví dụ như, sau rất nhiều lần phỏng vấn các giám đốc điều hành, tôi đã tin rằng các CEO hàng đầu thế giới chính là những người bán hàng bẩm sinh, những người đã sử dụng sức mạnh nhân cách của họ để tập hợp được những người khác dưới ngọn cờ của mình. Nhưng khi nhìn vào Zuckerberg và những người như Jeff Bezos của Amazon, Sundar Pichai của Google, Satya Nadella của Microsoft, bạn sẽ thấy họ là những kỹ sư được đào tạo háo hức với việc hỗ trợ hơn là ra lệnh cho người khác. Thay vì trả lời, họ đưa ra các câu hỏi. Thay vì nói nhiều, họ biết lắng nghe và học hỏi.

Sau cuộc gặp ở Menlo Park, tôi bắt đầu đào sâu, quan sát rộng hơn vào hoạt động nội tại của những gã khổng lồ công nghệ – các hoạt động lãnh đạo, văn hóa, công nghệ cùng các quy trình làm việc của họ, và tự hỏi liệu có mối liên hệ nào giữa thành công và cách vận hành độc đáo của họ hay không. Khi các mô hình phổ biến xuất hiện, mối liên hệ đó ngày càng trở nên không thể phủ nhận. Rồi tôi bị ám ảnh với việc phải phát hiện chính xác những gì họ đang làm, và tại sao chúng lại hiệu quả. Cuốn sách này là sản phẩm của cuộc hành trình dài hai năm và hơn 130 cuộc phỏng vấn sau đó.

Những gì bạn sắp đọc là công thức đã giúp những gã khổng lồ công nghệ đạt được và duy trì sự thống trị của họ. Đây là một cuốn sách nói về văn hóa và nghệ thuật lãnh đạo, nhưng rộng hơn, là về các ý tưởng và phát minh, cùng các mạch nối chúng lại với nhau. Cuốn sách này nói về một mô hình kinh doanh mới trong thời đại mà các công ty có thể tạo ra các sản phẩm mới chỉ trong chớp mắt, khi mà những thách thức luôn hiện hữu, và không một lợi thế nào là an toàn cả. Dựa vào một loạt các công nghệ nội bộ, mà phần lớn đều là tự tạo để vận hành công ty một cách khác biệt, những gã khổng lồ công nghệ đã phát hiện ra công thức mới này từ rất sớm. Và giờ là lúc tiết lộ nó cho tất cả mọi người.

Các công ty được miêu tả trong cuốn sách này không hoàn hảo – thậm chí còn xa mới đạt được mức đó. Trong nỗ lực không mệt mỏi để phát triển, họ đã khai thác nhân viên đến xương tủy, ngó lơ sự lạm dụng rõ ràng các công nghệ của mình, và có cả việc trả thù những người bất đồng nghiêm túc nhất trong nội bộ. Những hành vi thái quá như vậy đã khiến chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc việc siết chặt luật, và các chính trị gia kêu gọi họ giải thể. Phần lớn những chuyện đó đều có nguyên nhân cả. Vì vậy cần phải nói rõ rằng: cuốn sách này không đề cập tới sự phát triển, cách để phát triển, hay cách đánh bại các công ty nhỏ hơn. Cuốn sách này nói về việc xây dựng các nền văn hóa sáng tạo, mà tôi tin rằng mọi người đều có thể học hỏi được. Và đối với những người đang tìm cách chế ngự các công ty này, việc hiểu được cách hệ thống nội bộ của họ hoạt động cũng có thể là một lợi thế mang tính chiến lược. Để chẩn đoán bệnh một cách hiệu quả thì không chỉ cần phải xem xét các triệu chứng, mà còn cần nắm được sinh lý học của cơ thể.

Nếu tri thức của những gã khổng lồ công nghệ vẫn chỉ nằm trong tay họ, thì thế giới kinh doanh rộng lớn hơn, cùng các cơ quan quản lý, sẽ gặp bất lợi. Nhưng nếu nó nằm trong tay chúng ta, thì chúng ta sẽ có cơ hội cân bằng sân chơi.

Luôn là Ngày Đầu Tiên

Tại một cuộc họp toàn thể công ty Amazon vào tháng Ba năm 2017[2] , một Jeff Bezos chỉnh tề, đầy tự tin đang đứng trước hàng ngàn nhân viên của mình, lướt qua một chồng giấy nhỏ ghi các câu hỏi với vẻ mặt hơi thất vọng. “Được rồi, tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất quan trọng,” Bezos nói, “Ngày Thứ Hai sẽ như thế nào?”.

Trong suốt 25 năm qua, Bezos đã thúc giục nhân viên của mình làm việc mỗi ngày như thể đó là ngày đầu tiên của Amazon. Giờ đây, khi Amazon đang tiến tới mốc giá trị nghìn tỷ, với nhân sự tăng thêm khoảng 100.000 nhân viên mỗi năm, thì một nhân viên (có lẽ đang tràn đầy hy vọng) lại yêu cầu Bezos nghĩ về Ngày Thứ Hai.

“Ngày Thứ Hai sẽ như thế nào ư?”, Bezos hỏi lại. “Ngày Thứ Hai sẽ là sự trì trệ, là sự vô nghĩa, là sự tụt dốc đầy đau đớn, và sau đó là cái chết.”

Tiếng cười vang lên khắp hội trường. Đối với hàng ngàn nhân viên Amazon đang tham dự cuộc họp thì việc Bezos hủy diệt người đồng nghiệp ẩn danh của họ, người đã mạo hiểm đề cập tới một chủ đề nguy hiểm ở Amazon, là một sự kiện thú vị. Khi đám đông đang vỗ tay thì Bezos ra hiệu dừng lại, nở một nụ cười nửa miệng, rồi khép lại cuộc họp bằng câu nói: “Và đó là lý do tại sao phải luôn là Ngày Đầu Tiên.”

Khẩu hiệu “Day One” – “Ngày Đầu Tiên” – có mặt ở khắp mọi nơi trong Amazon. Nó là tên của một tòa nhà quan trọng, là tiêu đề cho trang blog của công ty, và là chủ đề được lặp đi lặp lại trong lá thư hàng năm của Bezos gửi cho các cổ đông. Và mặc dù việc đọc khẩu hiệu đó như một mệnh lệnh làm việc không ngừng nghỉ có vẻ hấp dẫn, đặc biệt là ở một nơi có tiếng khắc nghiệt như Amazon, nhưng ý nghĩa của nó lại ngày càng thấm sâu hơn.

Khẩu hiệu “Ngày Đầu Tiên” ở Amazon chính là mã khóa mở ra sự sáng tạo như một công ty khởi nghiệp mà không mấy bận tâm tới những gì đã có. Đó là một sự thừa nhận rằng, ngày nay, khi các đối thủ cạnh tranh có thể tạo ra các sản phẩm mới với tốc độ kỷ lục – đặc biệt là nhờ vào những tiến  bộ về trí thông minh nhân tạo (AI) và điện toán đám mây, bạn cũng có thể tạo dựng tương lai, thậm chí đánh đổi bằng hiện tại. Hãy bắt đầu bằng việc nhìn lại cách những công ty khổng lồ như GM và Exxon từng thống trị nền kinh tế của chúng ta: họ phát triển các lợi thế cốt lõi, trở nên thỏa mãn, và ra sức bảo vệ chúng bằng mọi giá. Cố gắng khai thác những lợi thế hiện tại của doanh nghiệp không còn là một sự lựa chọn nữa. Vào những năm 1920, trung bình một công ty trong danh sách Fortune 500 tồn tại trong 67 năm. Còn vào năm 2015, con số đó chỉ còn có 15.[3] Ngày Thứ Hai sẽ như thế nào? Nó chính là cái chết.

Với xuất phát điểm từ một nhà sách trực tuyến, Amazon đã tụng niệm câu thần chú “Ngày Đầu Tiên” của họ, và điên cuồng sáng tạo ra các mảng kinh doanh mới, gần như không quan tâm tới việc chúng có thể làm tổn hại các nguồn thu hiện có. Công ty vẫn bán sách trực tuyến, nhưng giờ đây họ cũng là một nhà thanh toán bù trừ (clearinghouse) cho hầu hết các sản phẩm bạn có thể tưởng tượng ra được, một chợ trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ, một dịch vụ chuyển phát đẳng cấp thế giới, một hãng phim đã giành Giải Oscar, một cửa hàng thực phẩm, một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, một hệ thống điện toán giọng nói, một nhà sản xuất phần cứng, và cũng là một công ty chế tạo robot nữa. Sau mỗi sáng tạo thành công, Amazon lại quay về với Ngày Đầu Tiên và tìm kiếm thứ tiếp theo.

Vào tháng Bảy năm 2019, nhà đầu tư Mark Cuban đã nói với tôi rằng: “Tôi đang sở hữu một lượng lớn cổ phiếu Amazon. Căn cứ vào những gì họ làm hôm nay thì thật sự lượng cổ phiếu đó có thể đáng giá hàng tỷ đô. Và tôi mua cổ phiếu của họ vì tôi thấy họ là công ty khởi nghiệp vĩ đại nhất thế giới.”

Nhìn vào những gã khổng lồ công nghệ ngày nay, bạn sẽ thấy họ cũng có một hành trình tương tự. Google bắt đầu như một trang web tìm kiếm, nhưng sau đó đã sáng tạo ra một tiện ích mở rộng trình duyệt (Stay Tuned), một trình duyệt (Chrome), một trợ lý ảo (Google Assistant), và một hệ điều hành di động hàng đầu (Android). Mỗi sản phẩm mới của Google đều thách thức chính những sản phẩm hiện có của họ. Nhưng bằng cách liên tục quay lại Ngày Đầu Tiên, Google vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu.

Facebook đã quay lại Ngày Đầu Tiên rất nhiều lần. Bắt đầu như một danh bạ trực tuyến, công ty đã tự sáng tạo lại bản thân với News Feed, và họ đang tái phát minh thời đại này bằng cách chuyển từ chia sẻ phạm vi rộng sang chia sẻ riêng tư: chuyển từ News Feed sang các Facebook Groups – một loạt các mạng lưới nhỏ hơn – và đặt việc nhắn tin vào vị thế hàng đầu. Trong lĩnh vực hay thay đổi nhất – truyền thông xã hội, Facebook vẫn đang dẫn đầu.

Cho đến gần đây, có vẻ như những ngày sáng tạo của Microsoft đã lụi tàn. Công ty đã quá phụ thuộc vào Windows đến nỗi họ gần như vuột mất tương lai. Nhưng với sự thay đổi vị trí lãnh đạo từ Steve Ballmer sang Satya Nadella, Microsoft đã trở lại Ngày Đầu Tiên và nắm lấy lĩnh vực điện toán đám mây dù nó là mối đe dọa đối với các hệ điều hành máy tính để bàn như Windows, và một lần nữa họ lại trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Apple dưới thời Steve Jobs đã phát minh ra iPhone, một thiết bị đã làm lu mờ những chiếc máy tính để bàn như Mac và máy nghe nhạc cầm tay như iPod, nhưng lại giúp công ty gặt hái được nhiều năm thành công. Giờ đây, Apple đang phải đối mặt với “khoảnh khắc Windows” của mình. Họ cần phải quên chiếc iPhone đi và sáng tạo lại chính bản thân mình để có thể cạnh tranh trong thời đại điện toán giọng nói.

Trong khuôn viên Amazon tại South Lake Union, Seattle, một trong các tòa nhà mới nhất được đặt tên là Reinvent (Tái phát minh). Đó là một cái tên khá kỳ quặc ở một trong những công ty thành công nhất thế giới. Nhưng trong thế giới kinh doanh ngày nay, nơi mà Ngày Thứ Hai chính là cái chết, thì đó là chìa khóa để tồn tại. Công việc Sáng tạo và Công việc Thực thi Điều hành một công ty sáng tạo cần nhiều thứ hơn các bài phát biểu và việc luân chuyển thông tin trong nội bộ.

Nó cần tới sự tái tưởng tượng cách bạn điều hành việc kinh doanh, mà điều này là hoàn toàn có thể nhờ vào một cuộc cách mạng trong cách chúng ta làm việc. Trên thực tế, có hai loại công việc: công việc sáng tạo và công việc thực thi.

  • Công việc sáng tạo là tất cả những gì liên quan tới việc tạo ra cái mới: mơ tưởng về những điều mới mẻ, tìm ra cách để hiện thực hóa chúng, công bố ý tưởng, và tạo ra sản phẩm.
  • Công việc thực thi là tất cả những gì hỗ trợ cho những việc kể trên một khi các ý tưởng trở thành hiện thực: đặt hàng, nhập liệu, quyết toán và bảo trì.

Trong nền kinh tế công nghiệp, hầu hết mọi công việc đều là công việc thực thi. Một người sáng lập công ty sẽ đưa ra một ý tưởng (Chúng ta hãy tạo ra các sản phẩm!) và sau đó tuyển dụng nhân viên chỉ với mục đích thực thi (họ sẽ làm trong nhà máy để chế tạo các sản phẩm). Sau đó, vào cuối những năm 1930, chúng ta bắt đầu chuyển từ nền kinh tế bị chi phối bởi các nhà máy sang nền kinh tế bị chi phối bởi ý tưởng, mà chúng ta hay gọi là “nền kinh tế tri thức”.

Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, các ý tưởng rất quan trọng, nhưng chúng ta vẫn dành phần lớn thời gian cho công việc thực thi. Chúng ta phát triển một sản phẩm hoặc một dịch vụ mới, rồi sau đó dành thời gian để hỗ trợ nó, thay vì chuyển sang một thứ khác. Ví dụ như nếu bạn bán váy thì việc hỗ trợ cho mỗi mẫu sẽ đòi hỏi vô số công việc thực thi: định giá, tìm nguồn nguyên liệu, quản lý hàng tồn kho, bán hàng, tiếp thị, vận chuyển và cả đổi trả hàng nữa. Công tác hỗ trợ cho các quy trình này còn có các nhiệm vụ cơ bản như nhân sự, kế toán và việc ký kết hợp đồng.

Gánh nặng của công việc thực thi đã khiến các công ty có một ngành kinh doanh cốt lõi gần như không thể phát triển và hỗ trợ cách ngành khác (Cố giáo sư Clayton Christensen đã gọi đây là “thế lưỡng nan của nhà cải tiến”). Những người đã từng thử sức gần như luôn bỏ cuộc, hoặc nhận thấy rằng họ không thể duy trì nhiều ngành kinh doanh cùng một lúc. “General Motors (GM) đã từng sản xuất nhiều thứ khác ngoài ô-tô như tủ lạnh và đầu máy xe lửa,” giáo sư Ned Hill, một nhà kinh tế học ở Đại học Bang Ohio, nói với tôi, “Họ như một con bạch tuộc, và họ đã không thể quản lý nổi.”

Ngập đầu trong công việc thực thi, vậy nên, các công ty ngày nay dành hết sức lực cho sự hoàn thiện, chứ không phải cho sự sáng tạo. Các nhà lãnh đạo có thể mong muốn vận hành một nền văn hóa sáng tạo, nhưng họ lại không có cơ sở hạ tầng. Và thế là họ đưa ra một số lượng rất hạn chế các ý tưởng sáng tạo từ thượng tầng xuống, còn nhân viên phía dưới chỉ thực thi và làm cho chúng bóng bẩy hơn.

Nhưng giờ đây, đột nhiên việc điều hành một công ty với nền văn hóa sáng tạo, chứ không phải với sự hoàn thiện, lại trở thành điều có thể. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cùng các công nghệ hỗ trợ sự hợp tác đã giúp giảm gánh nặng thực thi cho các doanh nghiệp hiện đại.

Điều đó mang tới cho các công ty nhiều nguồn lực hơn để biến những ý tưởng mới, đầy sáng tạo thành hiện thực và duy trì được chúng. Những công cụ này là bước phát triển tiếp theo của một sự bùng nổ các phần mềm hỗ trợ công việc từng giúp các công ty trở nên hiệu quả hơn, và AI đang làm cho chúng hoạt động hết công suất. Các chuyên gia cho rằng AI sẽ giải phóng con người để họ có thể thực hiện nhiều công việc “sáng tạo” và “mang tính người” hơn nữa. Nhưng nói chính xác hơn, AI đang cho phép các công ty làm nhiều công việc tân tiến hơn. Và tôi tin rằng đây là một nhân tố quan trọng đằng sau sự thành công của những gã khổng lồ công nghệ.

Thúc đẩy một làn sóng mới cho phép công nghệ tiến lên, những gã khổng lồ công nghệ đã tìm ra cách để giảm thiểu công việc thực thi. Việc này đã mang tới cơ hội cho những ý tưởng mới hình thành, và họ biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Do đó, văn hóa làm việc của họ là hỗ trợ sáng tạo chứ không hướng tới sự hoàn thiện. Họ loại bỏ các rào cản ngăn sự luân chuyển của các ý tưởng trong công ty, và đưa những ý tưởng tốt nhất vào cuộc sống. Nói thì đơn giản nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Và đó chính là điều giúp họ giữ được vị thế của mình.

Suốt một thời gian dài, tôi đã tin rằng trong nhiều năm nữa, những gã khổng lồ công nghệ vẫn có được lợi thế này so với tất cả chúng ta. Nhưng rồi một chuyến đi Miami đã làm thay đổi suy nghĩ đó.

Những điều kỳ diệu ở Miami

Có lẽ anh chàng ca sĩ có chất giọng cao vút Cee Lo Green chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trình diễn trong một sự kiện doanh nghiệp cho đến tháng Mười năm 2018, khi anh đứng trước 1.100 chuyên gia đang trò chuyện rì rầm, xem điện thoại, và cố gắng kết nối mạng trong hộp đêm LIV ở bãi biển Miami.

Green cảm thấy rất vui khi ngắm nhìn các vị khách đang tấn công những lát ức bò, món nui phô-mai với ớt jalapeño, risotto cua xanh, hưởng thụ sự vui vẻ trong không gian quầy bar mở. Anh đã biến tấu bản hit hàng đầu của mình, vốn có tên chính thức là Forget You khi được phát trên radio, thành F**k You. Trong bộ đồ bó màu trắng với cặp kính mát, chàng ca sĩ vừa di chuyển trên sân khấu, vừa nói tới những thành tựu của các vị khách: “Quý vị đang ăn mừng thành công trong cuộc đời mình, đúng không nào?”

Và những giai điệu đầu tiên của bản nhạc vang lên khắp LIV, đám đông bắt đầu tỏ ra phấn khích, và Green, cười toe, ngay lập tức tiếp thêm năng lượng cho họ. “Nếu quý vị muốn nói ‘f**k you’ vì một điều gì đó thì bây giờ chính là lúc nói to lên nào”, anh hét lên với đám đông và hàng loạt tiếng hét “f**k you” từ những vị khách đáp lời anh.

Tiết mục của Green ở LIV sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu không phải vì đó chính là màn khởi động cho một buổi liên hoan do UiPath, một công ty mà chẳng mấy người biết tới, tổ chức. UiPath sở hữu phần mềm có thể quan sát màn hình máy tính khi bạn làm việc và, với một vài động tác dán nhãn, sẽ tự động hóa các công việc đó cho bạn. UiPath và các đối tác của công ty đang hướng tới việc tự động hóa hàng triệu việc làm trong những năm tới, và sẽ làm cho những tiếng hô “f**k you” ngày càng vang xa hơn.

Nhiều tháng trước khi buổi liên hoan diễn ra, tôi đã nghe thấy những lời đồn đoán rằng UiPath có khả năng làm thay đổi sâu rộng phương pháp làm việc ở các doanh nghiệp, theo cách mà họ có thể đưa thế giới kinh doanh rộng lớn đến gần hơn với phương pháp làm việc của những gã khổng lồ công nghệ. Và sau khi các nhà đầu tư trao cho UiPath 225 triệu đô-la[4] vào đầu mùa thu năm đó, tôi quyết định đích thân tới South Beach để tìm hiểu cặn kẽ về họ.

-Còn tiếp-

Chú thích:

  1. Zuckerberg, Mark. “Building Global Community.” Facebook, 16/2/2017, https://www.facebook.com/notes/mark-zuckerberg/building-globalcommunity/10103508221158471.
  2. Amazon News. “Jeff Bezos on Why It’s Always Day 1 at Amazon.” YouTube, 19/4/2017, https://www.youtube.com/watch?v=fTwXS2H_iJo.
  3. Lam, Bourree. “Where Do Firms Go When They Die?” Atlantic. Atlantic Media Company, 12/4/2015. https://www.theatlantic.com/business/archive/2015/04/ where-do-firms-go-when-they-die/390249/.
  4. Winkler, Rolfe. “Software ‘Robots’ Power Surging Values for Three LittleKnown Startups.” Wall Street Journal. Dow Jones & Company, 17/9/2018. https://www.wsj.com/articles/software-robots-power-surging-values-forthree-little-known-startups-1537225425.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Ảnh đầu bài: The Washington Post

Trích đăng

Dòng dõi đại quý tộc – Trích “Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York”

Published

on

Trích từ: Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York - Cuộc Chiến Vương Quyền Anh Quốc

Tác giả: Alison Weir

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 12.2024

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

DÒNG DÕI ĐẠI QUÝ TỘC

Kể từ năm 1154, nước Anh nằm dưới quyền cai trị của nhà Plantagenet và việc kế vị ngai vàng đã diễn ra khá êm ả từ cha sang trưởng nam hoặc từ anh sang em trai. Các vị vua nhà Plantagenet, những người theo truyền thuyết được cho là hậu duệ của Quỷ vương, hầu hết là những người năng động và là những nhà lãnh đạo lỗi lạc, mạnh mẽ, hiếu chiến, dũng cảm, công bằng và khôn ngoan. Họ có chung những đặc điểm nổi bật là mũi khoằm, tóc hung và tính khí dữ tợn.

Edward III (1327-1377) là vị vua điển hình của nhà Plantagenet – cao lớn, kiêu hãnh, oai nghiêm và khôi ngô với nét mặt như tạc, mái tóc dài và bộ râu dài. Sinh năm 1312, ông mới chỉ mười bốn tuổi khi vua cha, Edward II, bị phế truất và sát hại, và đến năm mười tám tuổi, ông đã đích thân nắm quyền kiểm soát nước Anh.

Năm 1328, Edward kết hôn với Philippa xứ Hainault, người đã sinh cho ông mười ba người con. Những vụ ngoại tình không thường xuyên của nhà vua không mấy ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân hạnh phúc kéo dài bốn mươi năm này. Edward thừa hưởng tính khí nóng nảy khét tiếng của nhà Plantagenet, nhưng hoàng hậu đã cố gắng kiềm chế ông; trong một biến cố nổi tiếng vào năm 1347, bà đã ngăn cơn thịnh nộ của Edward để cứu mạng những tên trộm bị kết án ở Calais mà nhà vua bắt được sau một cuộc bao vây kéo dài.

Edward sống xa hoa trong các dinh thự hoàng gia mà ông đã mở rộng thêm, và triều đình của ông nổi tiếng với tinh thần hiệp sĩ. Edward đặc biệt sùng kính Thánh George, vị thánh bảo trợ của nước Anh, và đã thực hiện nhiều điều để thúc đẩy sự mộ đạo này. Năm 1348, ông lập ra tước vị cao nhất dành cho hiệp sĩ là Order of the Garter, để tôn vinh Thánh George.

Quan trọng hơn cả, Edward mong muốn giành được vinh quang bằng những chiến công lớn. Năm 1338, lo ngại Pháp xâm lược lãnh địa Aquitaine, trung tâm nghề buôn rượu phát đạt của nước Anh, ông tuyên bố nắm quyền nước Pháp, khẳng định mình là người thừa kế đích thực nhờ dòng dõi của người mẹ vốn là em gái vị vua cuối cùng của nhà Capet [vương triều cai trị nước Pháp từ 987 đến 1328]. Tuy nhiên, cổ luật Salic Franks vốn cấm phụ nữ kế vị hoặc truyền ngôi, và người Pháp đã trao vương miện cho em họ của Edward là Philip xứ Valois, người thừa kế nam của nhà Capet.

Việc Edward ghép biểu tượng hoa huệ của Pháp với con báo của Anh trên gia huy của mình đã dẫn đến cuộc xung đột mà sau này được gọi là Chiến tranh Trăm năm vì nó kéo dài liên tục trong hơn một thế kỷ. Dưới sự lãnh đạo của Edward, người Anh lúc đầu đã giành được một số thắng lợi: Sluys năm 1340, Crécy năm 1346 và Poitiers năm 1356. Đây là những trận chiến quan trọng đầu tiên mà các cung thủ người Anh thể hiện uy thế trước kỵ binh Pháp nặng nề giáp sắt. Tuy nhiên, những thành công ban đầu của người Anh không bền lâu, và vào năm 1360, Edward buộc phải trả lại một số vùng đất đã chiếm được theo các điều khoản của Hiệp ước Brétigny, kết thúc giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh này. Khi Edward qua đời, ngoài lãnh địa Aquitaine, lãnh thổ trên đất Pháp của ông chỉ có năm thành trấn và vùng đất xung quanh Calais mang tên Pale.

Triều đại của Edward III chứng kiến nhiều thay đổi. Nghị viện được chia thành viện Quý tộc và viện Thứ dân, bắt đầu tổ chức những cuộc họp thường xuyên và khẳng định quyền lực của mình thông qua các biện pháp kiểm soát tài chính. Chức năng chính của Nghị viện vào thời kỳ này là biểu quyết việc đánh thuế, và về mặt này, không phải lúc nào Nghị viện cũng thuận theo ý muốn của nhà vua. Năm 1345, các pháp viện được thiết lập cố định tại London chứ không còn lưu động theo nhà vua khắp vương quốc nữa. Năm 1352, lần đầu tiên tội phản nghịch được đưa vào luật. Năm 1361, cơ quan Tư pháp Trị an (Justice of the Peace) được thành lập – trong đó những người có địa vị và uy tín tốt ở địa phương được bổ nhiệm làm thẩm phán (magistrate) – và một năm sau, tiếng Anh thay thế tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức tại các pháp viện. Triều đại Edward cũng chứng kiến sự thịnh vượng của các tầng lớp thương nhân và sự khởi đầu của việc truyền bá giáo dục trong thường dân.

Vua Edward là nhà bảo trợ hàng đầu cho giới họa sĩ, văn sĩ và kiến trúc sư. Nguồn gốc của lối kiến trúc trực giao kiểu Anh (Perpendicular) có thể bắt nguồn từ triều đại này. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những tên tuổi tiên phong của nền văn học Anh như nhà thơ Richard Rolle, Geoffrey Chaucer, John Gower và William Langland. Trường ca Piers Plowman của Langland là bản cáo trạng về sự áp bức mà người nghèo phải gánh chịu sau đại dịch Cái Chết Đen, và về Alice Perrers, người tình tham lam khét tiếng đã thao túng Edward trong những năm tháng cuối đời.

Edward qua đời năm 1377. Khuôn mặt tượng gỗ, được rước trong tang lễ nhà vua hiện vẫn được lưu giữ ở tu viện Westminster, chính là chiếc mặt nạ đắp theo gương mặt Edward lúc băng hà, và qua khóe miệng xệ xuống ta có thể thấy được tác động của cơn đột quỵ khiến nhà vua qua đời.

Edward III có mười ba người con, trong đó có năm người con trai trưởng thành. Ông đã lo liệu cho họ bằng cách liên hôn với những nữ thừa kế người Anh và sau đó phong các con trai làm những công tước đầu tiên của nước Anh. Nhờ đó, ông đã tạo ra dòng dõi những đại quý tộc quyền lực có huyết thống hoàng gia, với những hậu duệ về sau sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh đoạt ngai vàng.

Edward thường bị chỉ trích vì đã ban cho các con trai mình quá nhiều quyền lực, nhưng vào thời đó, nhà vua đương nhiên sẽ phải dùng hết khả năng của mình lo liệu và chu cấp đầy đủ để các con ông có thể duy trì những cơ ngơi và đội ngũ tùy tùng xứng đáng với địa vị hoàng gia của họ. Trong cuộc đời Edward, việc ông để các con của mình liên kết hôn với giới quý tộc cấp cao và nhờ vậy bảo đảm cho họ có được khối tài sản thừa kế đáng kể, đồng thời mở rộng thế lực hoàng gia, được coi là một công cuộc rất thành công. Năm 1377, viên Đổng lý đã nói ở phiên họp Nghị viện cuối cùng của Edward về lòng yêu thương và tin cậy trong hoàng tộc rằng “không vị vua Thiên Chúa giáo nào có được những người con trai như đức vua đã có. Nhờ ngài và các con trai của ngài, vương quốc này đã được cách tân, rạng danh và giàu có hơn bao giờ hết”.

Con trai cả, Edward xứ Woodstock, từ thế kỷ 16 đã nổi tiếng với biệt danh Vương tử Đen. Mới mười sáu tuổi, ông hoàng này đã được phong tước hiệp sĩ tại Crécy, và nhờ những chiến tích lừng lẫy trong mười năm tiếp theo, ông nổi tiếng là hiệp sĩ tài giỏi nhất trong các nước Thiên Chúa giáo. Biệt danh của ông có thể xuất phát từ bộ giáp phục màu đen hoặc, có lẽ đúng hơn, là do tính khí hung tợn của ông. Những năm về sau, do đau yếu triền miên, ông đã làm hoen ố danh tiếng của mình khi ra lệnh tiến hành vụ thảm sát tai tiếng những công dân vô tội ở Limoges. Ông qua đời trước vua cha vào năm 1376, để lại một người thừa kế, cậu bé Richard chín tuổi ở Bordeaux, người sẽ kế vị ông nội vào năm 1377 với vương hiệu Richard II. Một trong những điều trớ trêu của lịch sử là người kế vị vua Edward III lắm con nhiều cháu lại không có hậu duệ nào, một tình huống đã gián tiếp dẫn đến Chiến tranh Hoa hồng nửa thế kỷ sau.

Đọc bài viết

Trích đăng

Lancaster và York: Giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng

Published

on

Trích từ: Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York - Cuộc Chiến Vương Quyền Anh Quốc

Tác giả: Alison Weir

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 12.2024

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

GIỚI THIỆU

Trong quá trình hoàn tất tác phẩm trước, cuốn The Princes in the Tower, tôi nhận ra rằng ở phương diện nào đó, tôi chỉ mới kể một nửa câu chuyện. Lúc ấy tôi đang viết về giai đoạn cuối của cuộc chiến mang cái tên hoa mỹ là Chiến tranh Hoa hồng, một cuộc xung đột kéo dài hơn ba mươi năm, từ 1455 đến 1487. Trên thực tế, có đến hai cuộc Chiến tranh Hoa hồng; lần đầu kéo dài từ 1455 đến 1471, giữa hai gia tộc Lancaster và York, và lần sau từ 1483 đến 1487, giữa nhà York và nhà Tudor. Giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng vốn chỉ được đề cập sơ lược trong The Princes in the Tower, cuốn sách mô tả khá chi tiết giai đoạn thứ hai của cuộc chiến này, thế nên tôi cảm thấy phần tiền truyện ấy vốn dĩ rất thú vị để viết tiếp. Vì vậy, cuốn sách này chính là câu chuyện xoay quanh hai gia tộc Lancaster và York thuộc giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi đã xem xét nhiều nguồn tài liệu, cả cổ xưa lẫn hiện đại, và tất cả những nguồn hiện đại hầu như đều chỉ tập trung vào các khía cạnh quân sự và thực tiễn về chủ đề tôi viết. Cuốn sách này đương nhiên sẽ đề cập đến những vấn đề đó, với khá nhiều đoạn đi sâu vào chi tiết, nhưng mục đích chính của tôi là khắc họa vai trò của con người trong lịch sử – những nhân vật có liên quan, những vai chính của một trong những mối hận thù kéo dài nhất và có sức hấp dẫn nhất lịch sử nước Anh.

Trung tâm của cuộc chiến phe phái đẫm máu này là hình ảnh đáng thương của nhà vua tâm thần bất ổn Henry VI, sự cai trị kém cỏi và trí lực thiểu năng của ông đã khiến chính trị rối ren, dân chúng ta thán, các đại quý tộc bất hòa với nhau, dẫn đến chiến loạn liên miên và một trận ác chiến tranh giành ngôi vua. Đối thủ chính của Henry là Richard Plantagenet, Công tước xứ York, người lẽ ra phải là vua, theo luật trưởng nam thừa kế thời đó. Sau cái chết của Công tước York, quyền thừa kế ngai vàng của ông được trao cho con trai, người về sau trở thành vua Edward IV, một bạo chúa háo sắc dẫn đến sự sụp đổ của nhà Lancaster.

Cuốn sách này cũng là câu chuyện về cuộc tranh đấu ác liệt và ngoan cường của một người phụ nữ vì quyền lợi của con trai mình. Bị kẻ thù buộc tội đã đem một đứa con hoang đặt vào chiếc nôi hoàng gia, vợ vua Henry – hoàng hậu Margaret xứ Anjou – đã đứng lên chiến đấu vì vương triều Lancaster trong suốt nhiều năm, chống lại những khó khăn dường như không thể vượt qua nổi để bảo vệ ngôi vua của chồng và con trai mình. Bản thân điều này rất đáng chú ý, vì bà là một người phụ nữ trong thế giới hung bạo của đàn ông, nơi hầu hết nữ giới đều bị coi là những món hàng hóa có thể trao tay, và không có tư cách tham chính.

Còn rất nhiều khuôn mặt người trong tấn tuồng phản trắc và xung đột sẽ diễn ra dưới đây. Con trai của Margaret, Edward xứ Lancaster, vốn tính hung bạo từ nhỏ, đã khiến những người cùng thời không khỏi bàng hoàng trước sự nhẫn tâm sớm bộc lộ của y. Richard Neville, Bá tước xứ Warwick – “Warwick Kẻ Buôn Vua” – là nguyên mẫu của dạng quyền thần hùng mạnh quá mức cuối thời Trung cổ, người đã dựng lên và phế truất các vị vua, thế nhưng lòng trung thành của ông ta, suy cho cùng, chỉ dành cho chính bản thân mình. Chiến tranh Hoa hồng không chỉ dẫn đến sự sụp đổ của một vương triều mà còn cả những đại quý tộc như Warwick.

Tôi đã cố gắng mô tả sâu sát các thành viên của hai gia tộc Lancaster và York như những con người thực sự, có thể nhận diện qua cá tính và điểm yếu của từng người, chứ không chỉ qua những cái tên trên cây gia phả rối rắm. Nhà Beaufort, những đứa con hoang của John xứ Gaunt, hống hách hệt như những ông hoàng trước triều đình và, theo một số người, trên chiếc giường của hoàng hậu. Nhà Tudor cũng là dòng dõi hoàng tộc đáng ngờ, và – giống như nhà Beaufort – trung thành hết mực với nhà Lancaster, gia tộc mà sau này họ nhận quyền thừa kế từ đó. Cuốn sách nhắc đến những vị vua – như Richard II loạn thần và ngông cuồng, kẻ soán ngôi Henry IV, triều đại của ông ta bị hủy hoại bởi các cuộc nổi loạn và bản thân ông thì bị bệnh tật hành hạ; hay chiến binh lạnh lùng Henry V, người hùng của dân chúng, người đã phán đoán sai chính sách đối ngoại dẫn đến đại họa cho con trai mình, Henry VI. Và những vị hoàng hậu: Katherine xứ Valois kiêu sa và vô luân, người tìm kiếm tình yêu với một cận vệ xứ Wales sau cái chết của chồng là vua Henry V; hay Elizabeth Wydville, với nhan sắc lạnh lùng che giấu lòng tham và sự tàn bạo. Bên cạnh những nhân vật này, câu chuyện của chúng ta còn tràn ngập những con người sinh động, bí ẩn hoặc bi thảm, từ Jack Cade khét tiếng, kẻ cầm đầu một cuộc dấy loạn, đến John Tiptoft tàn ác, Bá tước xứ Worcester; và từ rất nhiều lãnh chúa hùng mạnh cho đến hai cô con gái yếu đuối và xấu số của Warwick, Isabel và Anne Neville. Tất cả đều liên quan, bằng cách này hay cách khác, đến cuộc xung đột dữ dội này. Đây quả thực là trường đoạn lịch sử của các phe phái, nhưng chính những người tạo nên các phe phái đó đã khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn đến vậy.

Lịch sử Chiến tranh Hoa hồng đã được thuật lại vô số lần bởi nhiều sử gia, nhưng ngày nay, hẳn sẽ không còn hợp thời nếu nhìn theo quan điểm của nhà Tudor mà cho rằng nguồn gốc của Chiến tranh Hoa hồng nằm ở việc phế truất Richard II, sự kiện xảy ra từ hơn năm mươi năm trước khi cuộc chiến này bùng nổ. Tuy nhiên, thực sự thì nguồn gốc của cuộc xung đột có thể truy ngược đến tận thời điểm đó; để hiểu được các nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Hoa hồng và di sản triều đại của các nhân vật chính, ta cần ngược lại xa hơn nữa, đến thời kỳ dòng dõi đại quý tộc mang dòng máu hoàng gia được sáng lập bởi vị vua nhiều con cái nhất của vương triều Plantagenet, Edward III. Do đó, cuốn sách này không chỉ thuật lại câu chuyện về Chiến tranh Hoa hồng mà còn bàn về hai nhà Lancaster và York cho đến năm 1471.

Những nguồn sử liệu về thời kỳ này rất ít ỏi và thường không mấy rõ ràng, tuy nhiên, chừng đó nghiên cứu đã được thực hiện trong hàng trăm năm qua cũng đủ để soi sáng đôi chút cho chúng ta về giai đoạn thường được gọi là thời chạng vạng của thế kỷ 15. Nhiều ngộ nhận đã bị loại bỏ, nhưng dù vậy cuộc xung đột vương triều phức tạp này vẫn khiến nhiều người nhầm lẫn. Mục đích xuyên suốt của tôi là loại bỏ sự nhầm lẫn đó và cố gắng trình bày câu chuyện theo trình tự thời gian, nhằm làm rõ các vấn đề về việc kế vị ngai vàng vào thời đại mà không có quy tắc thừa kế nhất định nào được áp dụng triệt để. Tôi cũng cố gắng khiến cho giai đoạn thế kỷ 15 này trở nên sống động bằng cách đưa vào càng nhiều càng tốt những chi tiết về đời sống đương thời trong chừng mực khuôn khổ số trang cho phép, nhằm khiến cho chủ đề này phù hợp với mọi độc giả, dù có chuyên môn học thuật hay không. Nhưng chủ yếu là tôi cố gắng thuật lại một câu chuyện phi thường và tàn khốc về những cuộc tranh giành quyền lực ngôi cao có can dự đến một số nhân vật lôi cuốn nhất trong lịch sử nước Anh.

Câu chuyện này bắt đầu vào năm 1400 với vụ sát hại một vị vua và kết thúc vào năm 1471 với vụ sát hại một vị vua khác. Vụ giết người được cho là kết quả trực tiếp từ vụ kia. Câu chuyện về những gì đã xảy ra từ năm 1400 đến năm 1471, vốn được thuật lại trong cuốn sách này, sẽ là lời hồi đáp cho câu hỏi: Như thế nào?

Alison Weir

Surrey

tháng Hai 1995

Đọc bài viết

Trích đăng

Vào bếp nấu chè trôi nước ngũ sắc đưa ông Táo về trời – Trích “Thơm thảo xôi chè”

Published

on

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian cả việc tốt lẫn việc xấu và những gì chưa làm được. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình. Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công ông Táo về trời (hoặc gọi ngắn gọn là đưa ông Táo về trời) luôn được tiến hành trọng thể.

Trong ngày này, các gia đình thường làm lễ tiễn ông Táo về trời bằng cách thả cá chép. Ngoài ra, mọi người cũng làm mâm cỗ cúng để bày tỏ lòng thành kính với Táo Quân. Trong Thơm Thảo Xôi Chè, nghệ nhân bánh dân gian Trần Thị Hiền Minh đã khéo léo chia sẻ công thức nấu chè trôi nước ngũ sắc, một món ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng và rất thích hợp để bày mâm cỗ cúng ông Táo. Cùng Phương Nam Book tìm hiểu cách làm món này nhé!

CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU
500g bột nếp
100g khoai lang tím
150g bí đỏ
300g khoai lang trắng
Nước cốt lá dứa, nước lá cẩm
400g đậu xanh bóc vỏ
150g đường cát
10g muối
100ml nước cốt dừa
Phần nước cốt dừa:
300ml nước cốt dừa
700ml nước dão dừa
20g bột gạo
20g bột bắp
5g hành lá
800g đường cát (nấu chè)
150g đường cát (nấu nước cốt dừa)
100g mè trắng
3g muối
100g gừng sẻ

THỰC HIỆN

Sơ chế:
• Mè rửa sạch, rang hoặc nướng trong lò nướng nhiệt 150 độ C đến khi vàng thơm.
• Gừng gọt vỏ, rửa sạch, xắt khoanh mỏng.
• Khoai lang, bí đỏ luộc chín, giã nhuyễn, để riêng từng phần. Chia bột thành 5 phần bằng nhau. Mỗi phần nhồi khoai lang và màu tương ứng cho hòa quyện.
• Dùng nước ấm nhồi với bột nếp đã trộn kỹ theo từng màu, nhồi nhanh tay để bột dẻo. Khi bột gần mịn đều, thêm nước từ từ tránh làm nhão bột, rồi để bột nghỉ 30 phút.
• Đậu xanh vo sạch, ngâm nở 2 giờ, vo lại cho hết nước chua rồi nấu chín, giã nhuyễn. Xào đậu xanh với 100ml nước cốt dừa và 100g đường trên lửa vừa, thêm 10g muối vào cho đậu béo bùi, đậm vị hơn. Khi đậu xanh không dính tay thì tắt bếp, cho hành lá cắt nhuyễn vào trộn đều. Vo viên đậu bằng cỡ trái chanh nhỏ.

Gói viên chè:
• Chia đều bột nếp, mỗi viên khoảng 30g, gói nhân đã chuẩn bị sẵn.
• Bắc nồi nước sôi luộc các viên chè. Khi chín viên chè sẽ nổi lên mặt nước, nấu thêm 2 phút cho viên chè chín kỹ rồi vớt ra ngâm vào nước lạnh.

Nấu chè:
• Cho 2 lít nước vào nồi cùng với 600g đường và vài lát gừng, bắc lên bếp nấu sôi.
• Cho các viên chè vào nồi nấu sôi chừng 5 phút để viên chè thấm đường và vị gừng, nhắc xuống.

Nấu nước cốt dừa:
• Cho nước dão dừa, đường cát, bột gạo, bột bắp, muối và vài cọng lá dứa vào nồi khuấy đều rồi mở bếp ở mức lửa nhỏ, nấu đến khi sôi, khuấy đều tay.
• Tiếp theo chế thêm nước cốt dừa, để hỗn hợp sôi lại, tắt bếp liền.

YÊU CẦU THÀNH PHẨM
• Nước đường trong, ngọt thanh, thơm dịu mùi lá dứa.
• Các viên chè dẻo mềm, không bị nứt hay nhão bề mặt.

Khi ăn, múc chè ra chén, chan nước cốt dừa vào, rắc thêm ít mè rang.

Chè trôi nước ngũ sắc không chỉ đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đầy đủ, may mắn và sự hòa hợp của năm mới. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của đường, vị béo của nước cốt dừa và độ dẻo dai của vỏ bánh trôi kết hợp hài hòa với nhân đậu xanh thơm ngon.

Thơm Thảo Xôi Chè là món quà dễ thương dành tặng những ai đam mê nấu nướng bởi nó không chỉ đẹp về hình thức mà còn hấp dẫn về nội dung. Ngoài việc hướng dẫn tỉ mỉ các công thức nấu, tác giả còn khéo léo thuật lại cuộc phiêu lưu ẩm thực qua hành trình tìm kiếm các sản vật quý địa phương. Cuốn sách dù đơn sơ, mộc mạc nhưng đã phần nào truyền tải thành công tình yêu nghề của người đầu bếp và trên tất cả là sự tinh tế của nền ẩm thực nước nhà.

Mời bạn tìm mua sách tại đây. Nếu có làm theo các công thức trong sách thì bạn nhớ chia sẻ cho Bookish biết với nha!

Chúc bạn một mùa Tết bình an và sung túc bên gia đình.

Đọc bài viết

Cafe sáng