Phía sau trang sách

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya – Vượt thời gian để tìm một lời khuyên nhiệt thành

Có thể bạn chưa biết: phim điện ảnh Trung Quốc chuyển thể từ bản gốc “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” đã ra rạp vào năm 2017 và được đề cử giải Cây Chổi Vàng (giải Mâm Xôi Vàng của Trung Quốc) cho hạng mục Phim tệ nhất năm. Vậy nên mới nói, cứ không phải truyện hay là phim cũng hay nốt ╮( ̄▽ ̄)╭

Published

on

Chi tiết Tác phẩm

Vào những năm 1980, tại thành phố XX thuộc ngoại ô Tokyo, có một lời truyền miệng rằng: Ai có tâm sự hoặc thắc mắc, hãy viết một lá thư giãi bày gửi cho tiệm tạp hóa Namiya. Dù vấn đề có nít ranh hay trái khoáy như thế nào, chủ tiệm là cụ già Namiya Yuji sẽ vui vẻ lắng nghe và gỡ rối hộ bạn. Sáng hôm sau, bạn sẽ nhận được thư giải đáp đặt trong hộp nhận sữa sau nhà.

Ba mươi năm sau thời điểm cụ Yuji qua đời, ba cậu bé Atsuya, Shota và Kouhei tình cờ chạy trốn vào tiệm Namiya sau một phi vụ trộm cắp. Cả ba cậu đều mồ côi, học hành làng nhàng, quá khứ toàn những “thành tích” đập phá và đột nhập trái phép, hiện đang vô công rồi nghề. Cứ tưởng chỉ cần ngủ tạm một đêm trong tiệm Namiya, nào ngờ ba cậu bé đột nhiên nhận được những lá thư nhờ gỡ rối. Đêm hôm khuya khoắt, tiệm thì đã bị bỏ hoang hơn chục năm, ai mà mò đến cái xứ này để gửi thư cơ chứ?

Thì ra những người gửi thư có một thân phận đặc biệt: họ là người từ quá khứ – vâng, bạn không đọc nhầm đâu, họ sống ở thập niên 80 thế kỷ trước, say mê âm nhạc của Beatles, không dùng điện thoại di động và chẳng hề biết đến sự tồn tại của máy tính để bàn. Bằng một phương thức kỳ diệu nào đó, những lá thư nhờ gỡ rối của họ đã vượt thời gian để đến được tay ba cậu bé đang sống tại năm 2012.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya tương tự như nhật ký hoạt động của chương trình “Tâm sự đêm khuya” trên radio, nhưng cái chương trình Namiya này thật sự rất kỳ quái, từ MC đến khách mời. Điều kỳ diệu nhất là, cái tổ hợp lạ lùng này sẽ giúp giải đáp những khúc mắc mà bạn đang gặp phải, vì nỗi lòng của những người sống giữa năm 1980 cũng giống như những người sống ở năm 2018 mà thôi.

Cảnh báo: Nội dung dưới đây sẽ tiết lộ một vài tình tiết quan trọng trong truyện, hãy cân nhắc trước khi đọc và đọc rồi thì cấm ném đá. Tui vô tội (づ ̄ ³ ̄)づ

“Nhạc sĩ cửa hàng cá”: khi Ước mơ đối chọi với Trách nhiệm

Ai cũng có một nghìn lẻ một rắc rối. Nhưng rắc rối lớn nhất thường xuất phát từ hai chữ “lựa chọn”.

Gửi tiệm Namiya,

Tôi tên là Matsuoka Katsuro. Tôi đang gặp phải một nan đề khó giải cần sự tư vấn của tiệm. Từ nhỏ đến lớn, tôi đã luôn mơ ước trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Tôi đã bỏ rất nhiều tâm huyết thuyết phục bố mình để ông đồng ý cho tôi học ghi ta, thậm chí tôi bỏ ngang Đại học để cống hiến hết mình cho âm nhạc. Bản thân tôi thấy mình cũng có chút tài năng, nhưng không đủ nổi trội, thứ hào quang tôi sở hữu không đủ rực rỡ và độc nhất để chuyên gia chú ý đến tôi.

Gia đình tôi có một cửa hàng cá truyền thống ba đời, bề ngang rộng 3,64m. Là con trai cả, mọi người kỳ vọng tôi trở về gánh trọng trách tiếp nối cửa hàng, chăm sóc cha mẹ và em gái. Hơn nữa, bà nội tôi vừa mất, cha tôi vì chịu quá nhiều áp lực nên đã lên cơn đau tim. Tôi không biết mình nên phải làm gì, từ bỏ để chịu trách nhiệm với gia đình hay bất chấp tất cả kiên trì với giấc mơ làm nhạc. Tiệm tạp tóa Namiya xin hãy cho tôi một lời khuyên.

Kí tên: “Nhạc sĩ cửa hàng cá” Matsuoka Katsuro.

Cái này quả nhiên là phim giờ vàng Việt Nam.

Phim giờ vàng thường sến súa và phóng đại, nhưng có thể thu hút một lượng lớn khán giả vì từ đấy chúng ta nhìn thấy những rắc rối của chính mình. Ước mơ cá nhân và trách nhiệm gia đình là một nghịch lý lựa chọn của người trẻ tuổi. Ở tuổi 18, chúng ta ngẩng đầu nhìn vùng trời xanh ngắt với ánh mắt hí hửng và ngông nghênh. Ở tuổi 24, sau khi ăn một chút “bánh khổ” rồi, ta vẫn tràn đầy tình yêu và sự lạc quan trước cuộc sống. Ở tuổi 28, ta đột nhiên chững bước và tự hỏi: đâu là vị trí của ta, con đường ta theo đuổi đích đến là gì? Ta có nên cất đi giấc mộng thành thị để quay đầu về quê hương, xây dựng một gia đình nhỏ hay không?

Tôi mới 24 tuổi, tôi không biết trước tương lai của mình. Nhưng bây giờ, tôi vẫn muốn sải cánh bay xa lắm.

Katsuro cũng giống như tôi, thứ nâng cánh cho anh bay xa là đam mê nghệ thuật. Mà đam mê nghệ thuật là một thứ hàng hóa hết sức xa xỉ. Thượng Đế không đánh thuế ước mơ, nhưng nếu bạn mơ sống bằng cây ghi ta hay đầu bút cọ thì Ngài sẽ thu một chút phí trà nước đấy!

Nan đề của Katsuro còn khó khăn hơn nữa khi anh phải đưa ra quyết định ngay lập tức. Cửa hàng cá nhà anh nếu không có người sớm tiếp quản sẽ nhanh chóng suy tàn. Sức khỏe của cha anh đang dần xuống dốc, thời gian không còn nhiều. Katsuro đã suýt thỏa hiệp để từ bỏ.

“Nghĩ lại thì hình như tôi đã ngoan cố theo đuổi giấc mơ. Phần nào đã đi quá xa. […] Tôi nghĩ từ lâu tôi đã biết mình nên làm gì. Chỉ là tôi không đủ quyết tâm để từ bỏ ước mơ thôi. Nói ví von thì đây giống như trạng thái yêu đơn phương. Biết là tình yêu sẽ không thành nhưng lại không thể quên được người ấy.”

Thật may mắn cho Katsuro, vì anh có một người cha hiểu anh còn hơn chính anh.

“Nói thẳng cho mày biết là bố không có ý định để mày tiếp quản cửa hàng đâu. Nếu mày muốn làm nghề cá thì lại là chuyện khác. Nhưng mày đâu có muốn. Tiếp quản với tâm trạng như vậy thì sao có thể làm nghề cá cho tử tế được. Vài năm nữa lại tiếc biết thế theo âm nhạc còn hơn. Đến lúc đó, mày sẽ viện đủ lý do bào chữa rằng tại bố ốm nên mới phải tiếp quản cửa hàng, rằng mày đã hy sinh vì gia đình, mày sẽ đổ lỗi hết cho mọi người mà không chịu chút trách nhiệm nào hết. […] Nếu mày quyết định dành tâm huyết cho một việc đến mức bỏ ngoài tai cả lời bố mẹ thì hãy tạo ra thành quả đi. Việc đó còn chưa làm được mà lại nghĩ có thể bán cá thì đúng là xúc phạm tao quá.”

Katsuro đã đưa ra một lựa chọn đúng. Câu chuyện của anh không có một kết thúc có hậu hoàn toàn, nhưng đối với chính anh, cuộc đời anh đã vẹn tròn.

“Vậy thì bố ơi, con sắp để lại được dấu ấn rồi. Dù chỉ là một trận thua…”

“Thỏ Ngọc cung trăng”: khi Sự sợ hãi thất bại làm chùn bước Lý tưởng

Đôi khi, trái tim ta biết mình muốn gì sớm hơn cả khối óc.

Gửi tiệm Namiya,

Tôi là Kitazawa Shizuko, hiện là một trong số những vận động viên được cân nhắc đưa vào đội tuyển đấu kiếm quốc gia, tham dự Thế Vận Hội sắp tới. Đây là thời điểm hết sức quan trọng trong sự nghiệp, đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Nhưng tôi vừa nhận tin dữ: người yêu tôi – huấn luận viên của tôi, người luôn ở bên ủng hộ tôi – vừa nhập viện vì căn bệnh ung thư vô phương cứu chữa.

Khi luyện tập, tôi không thể ngừng lo lắng cho anh ấy, tôi bắt đầu nghĩ đến việc từ bỏ Thế Vận Hội, nhưng người yêu tôi van nài tôi tiếp tục chiến đấu vì ước mơ và lý tưởng, hãy mang về tấm huy chương để làm rạng danh đất nước, khiến anh ấy tự hào. Tôi rối rắm quá, tôi muốn ở bên chăm sóc anh trong những giây phút cuối, nhưng tôi cũng không muốn làm anh buồn và thất vọng. Xin tiệm cho tôi biết, tôi phải làm thế nào đây?

Kí tên: “Thỏ Ngọc cung trăng” Kitazawa Shizuko.

Ôi trời, lại một bộ phim giờ vàng khác.

Thời điểm Shizuko gửi thư là năm 1979, một năm trước Thế Vận Hội Moscow 1980 – năm mà Nhật Bản từ chối tham gia vì mâu thuẫn chính trị với Liên Xô. Lúc viết thư Shizuko vẫn chưa biết chuyện này, tuy nhiên ba cậu nhỏ Atsuya, Shota và Kouhei hiện sống ở năm 2012 nên biết rất rõ. Lời tư vấn của ba cậu hiển nhiên là: đừng có lo đấu kiếm đấu kiếc gì nữa, mau về chăm sóc người yêu đi, luyện tập đến tê chân mòn tay cũng chẳng được tham dự Olympic đâu!

Shizuko không chấp nhận câu trả lời này. Hiểu đơn giản là vì cô chưa biết việc Nhật Bản sẽ tẩy chay Thế Vận Hội. Hiểu sâu xa, cô đang nói dối. Đây không phải là lựa chọn giữa thời gian dành cho người yêu và vinh quang từ tấm huy chương vàng. Đây là sự lựa chọn giữa lý tưởng của chính cô và nỗi sợ thất bại.

“Thú thật lúc mới nhờ tiệm tư vấn, tôi đã nghiêng về phương án từ bỏ Thế Vận Hội. Tất nhiên là vì tôi muốn ở bên cạnh người yêu, chăm sóc anh ấy đến phút cuối, nhưng không chỉ có vậy.

Bản thân tôi hồi đó đã cảm nhận được những bế tắc trong luyện tập.

Khi mãi không đạt được thành tích tốt, tôi mới thấm thía sự hạn chế trong năng lực của mình. Mệt mỏi vì phải ganh đua với đối thủ, không chịu nổi áp lực buộc phải có suất tham dự Thế Vận Hội, tôi đã muốn chạy trốn.”

Shizuko – cũng như rất nhiều người trong số chúng ta – không thích và không muốn thừa nhận rằng, sự sợ hãi thất bại là lý do chúng ta từ bỏ mục tiêu, từ bỏ lý tưởng.

Ồ, hôm nay em không đi tập pilates giảm cân nữa à? – Vâng, dạo này em bận rộn quá, công việc chất đống làm em chẳng có thời gian.

Ồ, chẳng phải hôm trước mày bảo là sẽ viết một cái blog review sách thật là cool ngầu sao? – À, bão Damrey vào đất liền, mưa gió làm ướt hết tủ sách của tao rồi.

Cái chúng ta thực sự sợ hãi là thất bại, là phải đối mặt với những thiếu sót và yếu kém của mình. Vậy nên chúng ta vin vào những cái cớ dễ tin nhất. Vì chúng ta không có thời gian. Vì bão Damrey vào. Và với Shizuko, cái cớ để cô từ bỏ luyện tập cho Thế Vận Hội là vì người yêu cô mắc bệnh hiểm nghèo.

Người cô yêu đã nhìn thấu hết thảy. Anh nhận ra sự yếu đuối và sự chống chế của cô. Cô dùng căn bệnh của anh để chạy trốn. Anh dùng căn bệnh của anh để buộc cô phải đối mặt với nỗi sợ thất bại.

“Dù xa nhau nhưng trái tim chúng ta luôn ở cạnh nhau. Em không phải lo lắng gì hết. Anh muốn em theo đuổi ước mơ để sau này không hối hận.”

Tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta đều có một người đặc biệt, một người có thể nhìn thấu được cái cớ chúng ta đưa ra để lừa dối chính mình. Ta chỉ cần tin rằng, yêu thương của họ đủ mạnh để buộc ta phải thừa nhận và đối mặt với nỗi sợ hãi. Chỉ như thế, chúng ta mới chạm đến lý tưởng.

“Paul McCartney”: Cơn giận nhất thời và Yêu thương vĩnh viễn

Động lực của bạn có thể là niềm vui, là nỗi buồn, nhưng tuyệt đối không thể là tức giận.

Gửi tiệm Namiya,

Cháu là Wagu Kousuke, một “thiếu gia” độc nhất trong một gia đình giàu có. Cháu hiện đang học cấp hai, ba cháu là thương nhân, mẹ cháu làm nội trợ. Từ nhỏ đến lớn, cháu hầu như không thiếu thốn thứ gì, ba mẹ rất cưng chiều và tạo điều kiện cho cháu được học tập và phát triển trong môi trường tốt nhất. Thế nhưng, cách đây vài hôm, cháu đã phát hiện một chuyện động trời: ba cháu làm ăn thua lỗ, đám dân anh chị đang tịch thu tài sản gia đình cháu để bù nợ nhưng có vẻ sẽ không đủ. Ba cháu quyết định sẽ dẫn cả nhà cháu đi trốn.

Cháu không muốn bỏ trốn. Cháu muốn gia đình mình trụ lại quê hương, đương đầu với sóng gió và gây dựng lại từ đầu, nhưng đối với ba mẹ cháu, có lẽ đây là một ước muốn ngây thơ và ngu ngốc. Ba cháu hình như chẳng có kế hoạch gì chắc chắn cho tương lai cả, ông ấy trông mệt mỏi, cáu gắt, thi thoảng sẽ mắng mỏ cháu vì chuyện tiền bạc. Cháu bắt đầu mất lòng tin vào ông. Giờ cháu phải làm gì đây, nên thuận theo kế hoạch của ba hay thuyết phục ba mẹ cháu ở lại?

Kí tên: “Paul McCartney” Wagu Kousuke.

Lại một kịch bản phim giờ vàng, nhưng chuyển bối cảnh sang xã hội đen Đài Loan rồi.

Người tư vấn cho cậu bé Kousuke khốn khổ là cụ Namiya Yuji – chủ nhân đời đầu tiên của tiệm tạp hóa Namiya. Cụ đã đưa ra lời khuyên “chừng nào gia đình còn ở trên cùng một con thuyền thì vẫn còn khả năng cả gia đình trở về con đường đúng”.

Kousuke, trong một phút tức giận, đã làm trái ngược lời khuyên của cụ. Cậu bé đã bỏ trốn một mình, sau đó bị đưa vào trại trẻ mồ côi và thất lạc tin tức với gia đình trong hơn 40 năm trời.

Đối với tôi, câu chuyện của Kousuke là câu chuyện buồn và để lại nhiều dấu chấm hỏi nhất. Thậm chí, chính Kousuke phải dựng nên một kết thúc có hậu để hoàn thiện câu chuyện dang dở của mình. Trong tưởng tượng, cậu vẫn luôn ở cạnh gia đình, cả nhà sẽ đoàn tụ và cùng nhau vượt qua cơn bão.

Quyết định của Kousuke được đưa ra trong một phút tức giận nhất thời, nhưng nó làm cậu đánh mất đi yêu thương vĩnh viễn.

Đã bao nhiêu lần bạn trong lúc nóng máu đã nói một lời làm tổn thương ba mẹ bạn, rồi sau một phút hả hê là nhiều năm hối hận? Đã bao giờ một tình bạn đẹp đẽ bị kết thúc bằng một dấu chấm đen đặc vì một cuộc cãi vã vô nghĩa? Cơn giận là một thứ xung lực đáng sợ, dù nó được tích tụ trong thời gian dài hay chỉ bùng nổ trong tích tắc, sức tàn phá của nó vô cùng khủng khiếp. Thứ nó tàn phá là một điều xinh đẹp mà đáng nhẽ chúng ta phải hết sức giữ gìn: yêu thương. Một mối quan hệ chấm dứt bằng cơn giận sẽ mất rất lâu để hàn gắn. Thậm chí sau đó, nó vẫn có những vết nứt được viết bởi u buồn, hối hận và nghi ngờ.

Vậy nên, quyết định có thể xuất phát từ nhiều cảm xúc: vui vẻ, buồn bã, thất vọng, nhưng tuyệt đối không thể xuất phát từ cơn giận.

Cụ Namiya Yuji đã sống trên đời 72 năm nên cụ hiểu rõ chân lý này. Kousuke 14 tuổi không thể biết được. Chỉ bốn mươi năm sau, Kousuke 50 tuổi mới thấm thía.

“Cậu bé 100 điểm”: khoảng cách giữa Ngớ ngẩn và Đốm sáng thiên tài

Dù bạn là ai, bạn muốn gì, bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn.

“Đây là câu nhờ tư vấn của cháu: Cháu muốn 100 điểm bài kiểm tra mà không phải học hay làm trò gian lận như quay cóp. Cháu phải làm thế nào?”

Ơn trời, cuối cùng mới có một câu hỏi không xuất phát từ phim giờ vàng.

Đây là câu trả lời của cụ Namiya Yuji:

“Cháu hãy xin cô giáo cho làm bài kiểm tra về cháu. Bài kiểm tra về cháu nên lời giải của cháu sẽ đúng hết. Chắc chắn cháu sẽ được 100 điểm.”

Thật là một câu hỏi ngớ ngẩn và tầm thường, xứng đáng nhận được một câu trả lời ngớ ngẩn và tầm thường không kém.

Ba mươi năm sau, “Cậu bé 100 điểm” năm nào nay viết một lá thư gửi cho cụ Yuji, với giọng điệu hớn hở và đáng yêu tựa ngày xưa:

“Vâng, tôi đã trở thành giáo viên.

Đứng trên bục giảng chưa được bao lâu, tôi gặp một trở ngại lớn. Các em trong lớp không chịu mở lòng với tôi, không chịu nghe tôi nói. Ngay cả tình bạn giữa các em với nhau cũng không thể gọi là tốt, tôi có làm gì thì tình hình cũng không cải thiện. Tâm tư mỗi đứa một khác, ngoại trừ một số ít bạn bè thân ra thì chúng chẳng quan tâm đến ai.

Tôi đã thử rất nhiều cách. Nào là tạo cơ hội để các em cùng nhau chơi thể thao, chơi trò chơi, các buổi thảo luận. Nhưng tất cả đều thất bại. Chẳng đứa nào tỏ ra hào hứng.

Thế rồi có một đứa nói: Em không muốn làm mấy việc này, em muốn thầy giúp em đạt 100 điểm trong bài kiểm tra.

Nghe vậy, tôi giật nảy mình và nhớ ra một điều quan trọng.

Đến đây chắc tiệm đã hiểu, tôi đã cho bọn trẻ làm một bài kiểm tra viết với tiêu đề là ‘Bài kiểm tra bạn bè’. Tôi chọn ngẫu nhiên một em trong lớp và đặt các câu hỏi khác nhau về em đó. Từ ngày tháng năm sinh, địa chỉ, có anh chị em hay không, nghề nghiệp của bố mẹ cho tới sở thích, sở trường, diễn viên yêu thích. Hết giờ làm bài, tôi sẽ để chính em đó nêu đáp án. Các em học sinh sẽ tự chấm bài của mình.

Ban đầu các em còn khá bỡ ngỡ nhưng sau vài ba lần, các em bắt đầu hào hứng hơn. Bí quyết duy nhất để đạt được điểm cao trong bài kiểm tra là phải biết rõ bạn cùng lớp. Các em bắt đầu giao tiếp với nhau nhiều hơn, đến nỗi tôi còn tưởng mình đang nhìn nhầm.”

Ai mà ngờ được, cái lời đáp vớ vẩn ngày ấy lại là lời giải cho một vấn đề nhức nhối trong tình hình giáo dục tiểu học Nhật Bản chứ.

Sự thật mà chúng ta có thể thấy rõ rành rành là, lời giải thích của cụ Namiya Yuji không phải là thứ khiến cho lớp học đoàn kết hơn, mà chính là sự thông minh và sáng tạo của “Cậu bé 100 điểm”.

Khoảng cách giữa một điều ngớ ngấn và giải pháp thiên tài là chính bạn. Là sự tháo vát, năng nổ, là sự kiên trì và can đảm của bạn. Tương tự, khoảng cách giữa lời khuyên tệ hại đến hậu quả nghiêm trọng cũng là bạn. Là sự cân nhắc, chính kiến và quyết định của bạn. Người khác có thể khuyên bạn bỏ vợ, nhưng bạn là đặt bút ký giấy ly hôn. Người khác có thể khuyên bạn thử đổi gió đi phượt, nhưng bạn là người muốn tìm đến những thử thách mới lạ ở châu Phi. Vậy nên nếu bạn bị thổ phỉ đánh cướp giữa đường thì bạn hoàn toàn không có quyền trách móc người đã khuyên bạn.

Đổ lỗi là một trò chơi rất nguy hiểm, nó giao quyền cầm trịch cuộc đời bạn sang tay một người khác. Như cụ Namiya Yuji đã nói, “câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi”.

Nhưng tôi chẳng có gì cần gỡ rối cả. Đời tôi là một nhúm vô định, gió đẩy đi đâu thì đi thôi

Lời khuyên mà cụ Namiya Yuji dành tặng cho những người cảm thấy không mục tiêu, không phương hướng, đang sống cuộc đời của một miếng bèo trôi sông:

“Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số họ ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc không biết vị trí hiện tại của mình.

Nhưng có lẽ bạn không thuộc loại nào trong hai loại này. Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng không biết đường đi nằm ở đâu.

Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.

Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”

Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya chứa những câu hỏi về sự lựa chọn trái khoáy và phức tạp, nhưng có lẽ vì thân phận đặc biệt của những chuyên gia tư vấn mà câu chuyện có những nét mộc mạc và dịu dàng rất đáng yêu. Dẫu là cụ Namiya già cả, hiền lành và tận tâm, hay bộ ba Atsuya, Kouhei hay Shota láu táu, thẳng như ruột ngựa, những lời khuyên họ đưa ra vẫn rất đỗi chân thành. Và tôi tin rằng, trong cuộc sống này, chân thành chính là thứ gia vị giao tiếp khó tìm nhất.

“Tiệm Namiya à, cảm ơn tiệm đã lắng nghe điều phiền muộn của tôi. Chỉ cần trút được nỗi lòng qua thư thế này tôi cũng thấy nhẹ nhõm đi nhiều.”

Còn bạn, nếu bạn có một cơ hội để gửi thư đến tiệm Namiya, bạn sẽ nói điều gì?

Mèo Heo

Phía sau trang sách

Những thương hiệu quốc dân ‘vang bóng một thời’

Theo VnExpress – Xà bông Cô Ba, máy may Sinco, nước ngọt Con Cọp, kem đánh răng Hynos và Dạ Lan từng là những cái tên dẫn đầu thị trường, nhưng dần sa sút khi công ty chủ quản bỏ thương hiệu hoặc bán vốn cho đối tác.

Published

on

Xà bông Cô Ba là nhãn hiệu do ông Trương Văn Bền thành lập năm 1932 ở khu vực chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TP HCM).

Trong cuốn Sài Gòn tạp pín lù, học giả Vương Hồng Sển nói rằng hình ảnh in trên bao bì viên xà bông là cô Ba Thiệu, con thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh. Bà là người đăng quang cuộc thi hoa hậu đầu tiên tổ chức năm 1865 ở Sài Gòn. Tuy nhiên, cũng có thông tin khác cho rằng người phụ nữ này là vợ ông Trương Văn Bền. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Xà bông Cô Ba được ưa chuộng khắp miền Nam lúc bấy giờ nhờ chất lượng tốt, giá thành phải chăng. Theo lời học giả Vương Hồng Sển, xà bông "bán chạy vo vo", sản xuất đến đâu hết đến đó. Thương hiệu này có giai đoạn đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille (Pháp).

Đất nước thống nhất, công ty của ông Trương Văn Bền hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam, sau đó đổi tên thành Công ty Sản xuất và Thương mại Phương Đông. Sản phẩm xà bông Cô Ba dần vắng bóng khỏi thị trường. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Cuối năm 2017, Công ty Bất động sản An Dương Thảo Điền mua 48,68% cổ phần Công ty Phương Đông. Lãnh đạo công ty nói rằng Xà bông Cô Ba vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nên sẽ khôi phục dây chuyền sản xuất với sản lượng ước tính vài chục tấn mỗi năm, chủ yếu để bảo tồn thương hiệu gần trăm tuổi.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo An Dương Thảo Điền từng nói: "Tham gia ngành hàng tiêu dùng nhanh là cuộc chơi đòi hỏi vốn lớn và nhiều rủi ro, trong khi đây không phải thế mạnh của chúng tôi nên phương án được ưu tiên là hợp tác với các nhà sản xuất, phân phối có kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ đóng góp công thức, bản quyền thương hiệu... để thành lập một liên doanh khôi phục Xà bông Cô Ba".

Trong ảnh là tòa nhà từng là trụ sở của xà bông Cô Ba nằm ở số 20 đường Kim Biên, bên hông chợ Kim Biên.

Nước ngọt Con Cọp có mặt ở hầu hết hàng quán ăn uống trước năm 1975 do tập trung vào phân khúc tiêu dùng bình dân, trong khi Coca-Cola thời đó ở phân khúc cao hơn. Đây là sản phẩm của Usine Belgique, nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam, thuộc tập đoàn BGI (Pháp). Nhà máy này cũng là nơi ra đời của bia Lade trái thơm và bia 33 Export.

Tờ áp phích có dòng chữ "nước ngọt Con Cọp mỗi chai, là nguồn vui mạnh kéo dài tuổi xuân" quen thuộc với người tiêu dùng. Ảnh tư liệu

Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, Tập đoàn BGI chuyển quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương. Nhãn hiệu Con Cọp biến mất từ đó, thay bằng các dòng sản phẩm xá xị mang thương hiệu Chương Dương. Ảnh lật sau là vị trí Công ty nước ngọt BIG nay là trụ sở công ty nước giải khát Chương Dương, 606 Võ Văn Kiệt.

Máy may Sinco ban đầu được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, sau đó có nhà máy lắp ráp và đặt trụ sở chính trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1 ngày nay). Nơi đây từng là biểu tượng quen thuộc của người dân Sài Gòn với biểu tượng máy may bàn đạp trên nóc tòa nhà. Hiện nay, tòa nhà đang được sử dụng làm cơ sở cho một phòng khám. Ảnh: Lynn Roylance

Trước ngày đất nước thống nhất, Sinco có đại lý phân phối khắp nội thành Sài Gòn và các tỉnh. Trong các tờ rơi quảng cáo, thương hiệu này giới thiệu ưu điểm chính là "may khéo, thêu đẹp, sửa chữa miễn phí" và cam kết bảo hành 20 năm. Sinco nổi tiếng với độ bền cao, thao tác đơn giản nên được nhiều gia đình và xưởng dạy nghề may ưa dùng.

Sau giải phóng, Sinco được quốc hữu hóa và trở thành Xí nghiệp liên hiệp Máy may Sinco. Doanh nghiệp này được cổ phần hóa những năm đầu 2000 và chuyển hướng sản xuất máy móc phục vụ công nghiệp và nông nghiệp như dây chuyền giết mổ gia cầm, chế biến lúa gạo, tiêu… Trụ sở công ty cũng được dời về huyện Bến Lức, Long An. Ảnh tư liệu

Hynos là hãng kem đánh răng do một người Mỹ gốc Do Thái thành lập và chuyển giao cho ông Huỳnh Đạo Nghĩa sau khi về nước.

Ông chủ mới nhanh chóng cải tiến mẫu mã và đưa Hynos tới gần người tiêu dùng bằng phương thức tiếp thị độc lạ thời đó: phát nhạc quảng cáo ra rả trên loa phóng thanh gần các cửa hàng bách hóa và đặt biển quảng cáo ở những vị trí đắc địa của Sài Gòn.

"Nụ cười anh Bảy Chà" và đoạn quảng cáo "trồng lúa mới có gạo mà ăn, thế mà có người đã phải trồng răng mới có răng mà ăn" làm nên thời kỳ hoàng kim của Hynos vào những năm cuối thập niên 60. Ảnh: Sách Made in Sài Gòn/Phương Nam Book

Không chỉ nổi tiếng trong nước, Hynos còn được bán sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và Hong Kong, trở thành một trong những biểu tượng thương mại đương thời.

Thực hiện chính sách quốc hữu hóa sau ngày giải phóng, Hynos được nhà nước tiếp quản và sáp nhập với một công ty cùng lĩnh vực thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan, sau đó đổi tên thành Công ty Hóa phẩm P/S. Công ty có giai đoạn chiếm tới 60% thị phần kem đánh răng ở miền Nam. Ảnh: Bill Mullin

Giữa năm 1997, Tập đoàn Unilever đề nghị lập liên doanh trên tinh thần "win-win" với tổng vốn đầu tư hơn 17 triệu USD.

Trong thời gian hợp tác, Hóa phẩm P/S chỉ đảm nhận việc gia công vỏ hộp bằng nhôm mà không được sản xuất kem đánh răng như trước. Sáu năm sau ngày bắt tay, công ty bị đánh bật khỏi liên doanh kèm cam kết về sau không được sử dụng thương hiệu nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ trên bất kỳ sản phẩm nào.

Đầu năm 2007, những lãnh đạo cũ thành lập Công ty cổ phần P/S để gầy dựng lại hoạt động kinh doanh. Công ty ban đầu gia công vỏ nhôm cho các doanh nghiệp dược phẩm, sau đó sản xuất kem đánh răng mang dòng chữ Hynos cùng hình ảnh quen thuộc "nụ cười anh Bảy Chà". Hàng hóa được tiêu thụ trong các khách sạn, resort và cũng xuất hiện rải rác trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Tommy Japan/Flickr

Tương tự Hynos, kem đánh răng Dạ Lan cũng có một thời lừng lẫy đầu thập niên 90 khi chiếm tới 90% thị phần từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc. Thương hiệu này từng có lợi nhuận vài lượng vàng mỗi ngày.

Ông Trịnh Thành Nhơn, người sáng lập Dạ Lan, tự nhận thương hiệu của mình thời đó "là con gái đang độ tuổi xuân sắc" nên được nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Colgate, Unilever, P&G đặt vấn đề hợp tác.

Năm 1995, Dạ Lan ký hợp đồng liên doanh với Colgate - thương vụ mà ông Nhơn gọi là "sai lầm lớn nhất cuộc đời". Thương hiệu khi đó được định giá 3,2 triệu USD và ông nắm 30%, đồng thời giữ chức phó tổng giám đốc trong công ty liên doanh.

Chưa đầy một năm hợp tác, Colgate bảo Dạ Lan càng kinh doanh càng lỗ nên cần nhường chỗ cho sản phẩm mang nhãn hiệu của họ. Colgate sau đó thông báo đã dùng hết vốn góp và vay ngân hàng. Khi ông Nhơn đồng ý góp thêm 10 triệu USD với điều kiện được làm tổng giám đốc, có toàn quyền điều hành, đối tác bác bỏ và khơi mào việc phá sản. Ảnh: Ông Trịnh Thành Nhơn cung cấp

Sau vài lần đàm phán căng thẳng, Colgate mua lại cổ phần của ông Nhơn với giá 5 triệu USD kèm điều kiện ông không được tham gia ngành hàng này trong 5 năm tiếp theo.

Ông Nhơn nỗ lực vực dậy thương hiệu Dạ Lan từ khoảng 2016, nhưng tự thừa nhận khoảng cách với những đơn vị dẫn đầu như P/S hay Colgate còn rất xa.

Ông cho biết mỗi ngày đều cố gắng phát triển lại Dạ Lan để bàn giao cho thế hệ sau này. "Tôi không can tâm nhìn con cái tiếp quản một công ty thua lỗ triền miên do mình gây nên. Khi tiền bạc bây giờ không phải là ưu tiên hàng đầu, tôi có một điều bất di bất dịch là không được để mất thương hiệu Dạ Lan bằng bất cứ giá nào", ông nói. Ảnh: Anh Nguyên

Phương Đông - Quỳnh Trần (Theo VnExpress)

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Thế giới nội tâm u uẩn của những người phụ nữ dưới ngòi bút Dazai Osamu

Published

on

Thường người ta vẫn nghĩ rằng có phụ nữ mới hiểu nhau. Ít khi nào mà một người đàn ông có thể hiểu rõ chân tơ kẽ tóc người phụ nữ, đặc biệt là những rung động thầm kín tế vi hay những khát khao mãnh liệt. Trong chừng mực nào đó, một Don Juan hay Casanova có thể trở thành bậc thầy trong việc am hiểu tâm lý người phụ nữ để chinh phục, ghi dấu tình trường. Nhưng đặt mình vào thế đứng, vị trí của những người phụ nữ để cùng họ đồng cảm, đấu tranh vượt lên trên số phận đến mức viết được những tác phẩm kinh điển thì những văn hào đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ta có thể kể đến Nguyễn Du khi sáng tác “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều), Tào Tuyết Cần viết “Hồng lâu mộng”, Gustave Flaubert viết “Bà Bovary”, Tolstoy viết “Anna Karenina” và Dazai Osamu khi viết “Tà dương” hay “Nữ sinh”.

Dazai Osamu (1909-1948) là một nhà văn nổi tiếng của văn học Nhật Bản hiện đại. Kiệt tác “Thất lạc cõi người” của ông đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản với hơn mười triệu bản in. Tuy cuộc đời 39 năm ngắn ngủi của Dazai trải qua nhiều nỗi bi kịch với năm lần tự sát, nghiện thuốc giảm đau, ly dị vợ…nhưng tác phẩm của ông luôn chan chứa cái nhìn ấm áp trân trọng về những người phụ nữ. Những tác phẩm xuất sắc của Dazai như “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”, “Người vợ Villon” mà chúng tôi dịch là “Vợ gã hoang đàng” đều được dựng thành phim. Trong đó “Nhân gian thất cách” (Thất lạc cõi người) đã được nhiều lần chuyển thể điện ảnh. Vì đây là tiểu thuyết tự thuật về cuộc đời Dazai nên thường cuộc đời Dazai được lồng ghép vào trong phim. Mới đây nhất bộ phim “Nhân gian thất cách và 3 người đàn bà trong cuộc đời Dazai” (人間失格 太宰治と3人の女たち) do nam diễn viên Oguri Shun đóng vai chính mới được công chiếu vào tháng 9 năm 2019 đã gây một làn sóng đồng cảm với Dazai trên toàn cõi Á Châu.

Như chúng tôi đã nhận định trong bài “Mưa trên thánh giá” (Lời tựa cho “Nữ sinh” lần tái bản thứ sáu, Nxb Hội nhà văn và Công ty Sách Phương Nam, trang 9):

“Con chim trước khi bay vào khu rừng sâu âm u hoang phế trong ánh chiều tà sắp tắt còn để lại một tiếng kêu thương ngân dài. Dazai đúng là như vậy. Từ mảnh tàn dư của văn chương vô mệnh (“Độc tiểu thanh ký” của Nguyễn Du “chi phấn hữu thần liên tử hậu, văn chương vô mệnh lụy phần dư”), cả một thế giới nội tâm u uẩn hiện ra không riêng gì Dazai mà của cả tinh thần Nhật Bản. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông từ thiếu nữ mười bốn tuổi nhẫn nhục cam chịu rồi phản kháng đến những người phụ nữ trung niên vẫy vùng giữa buổi tà dương đều không thoát ly khỏi dòng lịch sử với những buộc ràng thân phận gần như đến mức phi nhân. Với chính bản thân Dazai nữa, công cuộc sinh tồn đã là một trường đấu tranh mà để sống còn được đã là một chiến công hiển hách. Nhưng niềm trân trọng cùng sự xót xa thương cảm của Dazai đưa vào văn chương đã làm cho những dáng hình bé nhỏ kia và chính mình trở nên bất tử. Đó cũng chính là ân sủng của đau thương dành cho một đời văn ngắn ngủi. Nỗ lực âm thầm và đầy đau đớn của Dazai đã làm chúng ta nhận ra cả tiếng dế hắt hiu vọng lên từ xương cốt, những tiếng thét gào nhẫn nhục trong đêm câm, những giọt rượu mềm môi chát đắng và những giọt lệ nhỏ trên máu xương đều là lời ru ngọt của đoạn trường”.

Ngoài tiểu viết tiểu thuyết tự thuật (tư tiểu thuyết – 私小説) miêu tả trải nghiệm cá nhân, Dazai còn nổi tiếng về những tác phẩm xuất sắc miêu tả tâm lý và khắc họa tâm tình thời đại của người phụ nữ, từ một cô bé nữ sinh đến một người vợ đảm của nhà thơ nghèo. Tất nhiên không có một tác phẩm hư cấu nào gây đồng cảm và kinh ngạc cho độc giả mà không dựa vào trải nghiệm có thật. Như tác phẩm “Nữ sinh” được sáng tác dựa trên nhật ký của một độc giả nữ tên là Ariake Shizu (lúc bấy giờ 19 tuổi) gửi cho Dazai vào tháng 9 năm 1938, Dazai đã viết lại thành một truyện vừa nói về biến chuyển nội tâm của một nữ sinh 14 tuổi gói gọn trong vòng một ngày từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ. Tâm lý bi quan trầm uất của một thiếu nữ tuổi dậy thì được ngòi bút xuất sắc của Dazai khắc họa bằng một văn phong vô cùng tinh tế. Ngay cả văn hào Kawabata Yasunari (người được giải thưởng Nobel văn chương đầu tiên của Nhật Bản với các kiệt tác “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Cố đô”…) cũng không tiếc lời khen ngợi. Và chính nhật ký của Ariake cũng đã trở thành một tư liệu văn học quý và được trưng bày tại bảo tàng văn học cận đại Aomori vào tháng 2 năm 2000. Cô bé nữ sinh trong tác phẩm vẫn mơ ước sống một cuộc đời đẹp đẽ mặc dù bắt đầu dần dần nhận thấy cuộc đời có nhiều cảnh trái ngang. “Cái lối giáo dục đạo đức ở trường lớp với những luật lệ của cuộc đời này vốn khác nhau quá xa, mà tôi biết rằng dần dần sự khác biệt này còn trở nên rộng lớn hơn nữa. Nếu như tuyệt đối tuân thủ theo những bài học đạo đức ở trường người đó sẽ bị xem là kẻ ngu ngốc lập dị, không thể thành đạt và trở nên bần cùng…Tôi muốn cái thứ đạo đức này nhanh chóng thay đổi. Nếu được vậy thì tôi sẽ không còn phải đê tiện và sống nhỏ giọt từ ngày này qua tháng khác không phải vì mình mà để chiều lòng người”…Đến tận bây giờ câu nói này vẫn gợi cho chúng ta suy ngẫm nhiều điều về giáo dục, nơi cách biệt giữa giáo điều và thực tiễn ngày càng sâu xa hơn.

Tà dương” được bình chọn là tác phẩm hay nhất của văn học Nhật Bản viết về thời hậu chiến nói về một gia đình quý tộc sa sút và sự can đảm đấu tranh để sống còn. Người mẹ quý tộc chết đi như chấm dứt tất cả sự đẹp đẽ của thời vàng son dĩ vãng. Chỉ còn lại Naoji ngập ngụa trong sự tự hủy lưu đày để cố gắng xóa nhòa đi cốt cách quý tộc nơi mình nhưng cuối cùng cũng phải tự sát vì “cuối cùng em vẫn là quý tộc”. Chỉ riêng Kazuko khi thức tỉnh rằng “con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng” mới quyết tâm sinh con với nhà văn Uehara, can đảm sống tiếp dù chỉ là một “nạn nhân” trong thời đại mới. Trong bức thư cuối cùng gửi Uehara, Kazuko đã viết: “Cuối cùng em đã hiểu tại sao có hòa bình, chiến tranh, các nghiệp đoàn, thương mại, chính trị trong cuộc đời này. Chắc là ông không biết đâu, phải không? Vì thế mà ông cứ bất hạnh mãi. Để em nói cho ông biết nhé. Đó là vì phụ nữ đẻ ra những đứa con ngoan”.

(Tất cả những trích dẫn được lấy từ tác phẩm “Tà dương” và “Nữ sinh” của Dazai Osamu, Hoàng Long dịch, nxb Phương Nam tái bản năm 2023 và 2024.)

Những đứa con ngoan đó chăm chỉ học hành trở thành những người con ưu tú của gia đình và dân tộc. Chính người con ngoan đó mới trở thành chính trị gia, nhà kinh doanh lỗi lạc và rồi từ đó chiến tranh, các cuộc chiến thương mại châm ngòi cho máu xương và hoang tàn đổ nát trên mặt đất này. Từ đó mặt đất chỉ còn đầy “nạn nhân”. Những người như Uehara tuy phóng đãng mà vô hại. Một đứa con ngoan nào đó có thể trở thành tội đồ cho cả nhân gian. Biết làm sao mà nói. Cuối cùng như nữ nhà văn Kakuta Mitsuyo trong bài cảm nhận về tác phẩm “Tà dương” đã phải thở than “đúng là cuộc đời này không có đạo lý nào cả”. Câu nói của Kazuko thật táng đởm kinh hồn, đủ khiến cho bao nhiêu tư tưởng gia phải ôm đầu xiểng liểng. Cái niềm kiêu hãnh ngất trời đó thật đúng là một bài ca nữ quyền chói lọi.

Bộ phim “Tà dương” với nữ diễn viên Miyamoto Mayu đóng vai Kazuko

Độc giả lúc mới đọc tác phẩm của Dazai thường cảm thấy sự suy sụp tự hủy và nhu nhược ủy mị. Có lẽ vì cái bóng quá lớn của đời tư được phản ánh trong “Thất lạc cõi người” đã khiến chúng ta trở nên thiên kiến. Nhưng khi đã đủ trải nghiệm cuộc đời để bình tâm đọc lại chúng ta sẽ nhận ra được hai điều cốt tủy.

Thứ nhất là tuy cuộc đời đầy đau thương và nhiều lần tìm đến cái chết nhưng tác phẩm của Dazai luôn mạnh mẽ đến mức ngạc nhiên. Như nhà văn Kakuta Mitsuyo đã nhận ra lúc mới đọc thì thấy có vẻ ủy mị yếu đuối nhưng khi đã từng trải đọc lại đều thấy tê người. Như câu kết truyện “Vợ gã hoang đàng”: “Nửa người nửa ngợm cũng không sao. Miễn mình còn sống là được rồi anh ạ”*. Câu nói này phải chăng hàm nghĩa dù bị đày đọa đau thương, dù nhân gian chối bỏ thì cuối cùng sự sống còn luôn là một chiến công hiển hách, đầy kiêu hãnh phẩm giá mà những con người yếu đuối tuyệt đối không thể hình dung.

(*Nguyên văn “人非人でもいいじゃないの。私たちは、生きていさえすればいいのよ”. Từ “nhân phi nhân” (人非人) nghĩa là tuy mang hình dáng con người nhưng đi chệch khỏi con đường làm người, nửa người nửa ngợm, không có phẩm giá con người)

Phim “Vợ gã hoang đàng” với nữ diễn viên Takako Matsu đóng vai chính

Như câu thơ của Ibaraki Noriko, một nhà thơ nữ Nhật Bản:

Cho dù vấp ngã bao lần

Tôi cũng phải tiếp tục sống

Dù không biết vì sao

Nhưng sống mới có thể bênh vực loài đang sống

この失敗にもかかわらず
私もまた生きてゆかねばならない
なぜかは知らず
生きている以上 生きものの味方をして

Thứ hai là tác phẩm của Dazai luôn khắc họa vẻ đẹp tâm hồn những người phụ nữ Nhật Bản với lòng trân trọng cảm thông. Điều lạ lùng là tất cả những nhân vật nhà thơ, họa sĩ, nhà văn trong tác phẩm Dazai vốn là những kẻ được trời ban cho khả năng thiên phú tìm kiếm cái đẹp và sống vì nó thì lại hết sức tầm thường dung tục, ham luyến hư danh còn những người phụ nữ của họ thì lại vô cùng đẹp đẽ dù trong hoàn cảnh giản dị hay cao sang. Trong “Tà dương” Naoji đã nhìn thấy nét đẹp dịu dàng đời thường của vị phu nhân họa sĩ “Bầu trời chiều mùa đông Tokyo xanh ngắt, nàng ôm con gái ngồi bên cửa sổ như chẳng để làm gì. Cái gương mặt nghiêng nghiêng đoan chính với những đường nét thanh tú nổi bật lên nền trời, đẹp như một bức tranh chân dung thời Phục Hưng”. Ngoài ra cung cách hành xử của người vợ của nhà thơ Otani trong truyện “Vợ gã hoang đàng” lúc nghe tin chủ quán rượu đến đòi nợ, khi đút khoai cho con ăn nơi chiếc ghế đá sứt mẻ bên bờ ao công viên Inokashira cho đến khi trả hết nợ và chờ chồng mình trở về hay phu nhân của nhà văn trong tác phẩm “Một ngày trọng đại”, vợ của ký giả trong truyện “Người vợ”…đều được khắc họa cao quý vô song. Đặc biệt là người vợ họa sĩ trong tác phẩm “Tiếng dế nỉ non” đã không chịu nổi sự thay đổi biến chất vì hư vinh của chồng mình đã quyết tâm chia tay “Vì em cảm thấy rằng tự sát chính là thứ tội lỗi ghê gớm nhất cho nên em nghĩ sau khi chia tay anh mình sẽ cố gắng sống thử cách sống mà mình cho là đúng đắn một thời gian xem sao. Anh làm cho em hãi sợ. Có lẽ trên thế gian này, cách sống của anh là đúng đắn đấy. Tuy nhiên em không thể nào tiếp tục sống như vậy được nữa”.

Tại sao những người phụ nữ trong tác phẩm của Dazai lại đẹp đến thế? Có lẽ vì trong sâu thẳm tim mình họ luôn có một thứ ánh sáng dù hiu hắt chiếu soi, trong tâm tư mình có một tiếng lòng đẹp đẽ không bao giờ tắt đi bất chấp hoàn cảnh, thời đại. Như câu kết của tác phẩm “Tiếng dế nỉ non”:

Khi em tắt đèn nằm ngửa nhìn lên trần nhà thì nghe dưới lưng em có tiếng dế kêu rền rĩ. Tiếng dế kêu ở dưới hành lang bên ngoài nhưng nghe vang vọng ngay từ dưới lưng em khiến em cảm thấy tiếng dế như nỉ non từ trong xương sống của em vậy. Em định sẽ sống cả đời với tiếng kêu hiu hắt nhỏ bé kia cất giữ mãi trong xương cốt. Có lẽ trên thế gian này, anh đã làm đúng còn em mới là người sai chăng? Thế nhưng em lại không biết mình sai ở đâu, sai như thế nào và tại sao mình sai nữa”.

Có lẽ cuộc đời này không có đúng sai. Chỉ có những gã đàn ông dung tục, những đứa con ngoan và những người phụ nữ đẹp đẽ đang cùng nhau tranh đấu và sống theo kiểu của riêng mình thôi chăng? Không có một đáp án chung cho tất cả mọi người. Như thế chúng ta phải dùng chính đôi mắt của mình để phân biệt giá trị xem điều gì là phù hợp hay không phù hợp. Từ đó mà tiếp tục hiên ngang sống. Sự mạnh mẽ quyết đoán đó ngạc nhiên thay lại toát ra từ những con người nhỏ bé, yếu đuối, “dù biết thua cuộc nhưng vẫn không ngừng đấu tranh”.

Đó có lẽ là điều Dazai Osamu muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Và độc giả chúng ta cũng cần đọc kỹ để tìm ra những câu văn ngời sáng chứa đựng tiếng lòng đẹp đẽ của những người phụ nữ nói riêng và thân phận con người nói chung để khích lệ chính mình bước tiếp. Ý chí sống truyền đời đó sẽ không bao giờ tắt nghỉ và chỉ duy nhất văn chương mới có thể gọi tên. Ngay cả trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt, thách thức và cải hoán các giá trị cũ hôm nay, khi con thuyền cuộc đời chới với biển sâu thì chúng ta vẫn luôn có thể tìm thấy ánh sáng niềm tin nơi ngọn hải đăng từ những tác phẩm văn học chân chính.

Sài Gòn, ngày 6/3/2025

Hoàng Long

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Có một thời ở Chợ Lớn: Những gam màu ký ức

Published

on

Có một thời ở Chợ Lớn là một trong hai tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book liên kết xuất bản dịp năm mới Ất Tỵ 2025. Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, sách sớm nhận được tình cảm của độc giả và lọt vào top sách bán chạy trong tuần tại Nhà Sách Phương Nam. Bên cạnh bản thân tác giả Phạm Công Luận, góp phần vào sự thành công của Có một thời ở Chợ Lớn không thể không kể đến họa sĩ Phạm Công Tâm với nhiều hình ảnh minh họa đẹp và đầy tinh tế, cũng như đội ngũ Phương Nam Book đã biên tập, thiết kế nhằm đưa tác phẩm đến tay độc giả theo cách chỉn chu nhất.

Chịu trách nhiệm thiết kế bìa và trình bày sách Có một thời ở Chợ Lớn là họa sĩ t.hờ. Trong bài phỏng vấn hôm nay, Bookish sẽ cùng anh t.hờ chia sẻ với bạn đọc về quá trình "lên đồ" cho Có một thời ở Chợ Lớn cũng như những câu chuyện bên lề thú vị trong quá trình sản xuất cuốn sách này.

  • Bookish: Anh có thể chia sẻ điều gì đã dẫn đến quyết định lựa chọn hình ảnh chùa Ôn Lăng và chợ Bình Tây làm ảnh bìa sách ở 2 phiên bản bìa mềm và bìa cứng?

Họa sĩ t.hờ: Nhắc đến Chợ Lớn, chắc hẳn 9 trên 10 người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của chùa bà Ôn Lăng và chợ Bình Tây – hai công trình kiến trúc đặc trưng nhất của mảnh đất Chợ Lớn Sài Thành.

Đối với chùa bà Ôn Lăng, đây có thể coi là công trình mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa nhất giữa lòng Sài Gòn. Không chỉ là nơi chiêm bái của người dân địa phương và du khách gần xa, chùa bà Ôn Lăng còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và tôn giáo như lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Trung Thu, lễ hội Thanh Minh, lễ hội Tết Nguyên Đán,… Chùa bà Ôn Lăng là một trong những ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và mảnh đất Chợ Lớn nói riêng.

Còn về chợ Bình Tây, đây không chỉ là một ngôi chợ sở hữu lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hoá Á Đông của người châu Á ở đất Sài Thành, mà còn là nơi được biết tới là nơi trao đổi đồ cổ và buôn bán sỉ lớn nhất của người dân gốc Hoa ở Chợ Lớn. Dù hiện tại chợ Bình Tây đã có nhiều sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nhưng những giá trị tinh thần, lịch sử và văn hoá vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Chính vì lẽ đó, chùa bà Ông Lăng và chợ Bình Tây đã được mình chọn lựa để đưa lên 2 phiên bản bìa của Có một thời ở Chợ Lớn.

  • 2 ấn bản bìa mềm và bìa cứng có sự khác biệt gì về hình ảnh minh họa trong sách không?

Để đảm bảo sự chính xác về thông tin của các bài viết thì phần hình ảnh và nội dung bên trong của 2 phiên bản không có gì thay đổi.

  • Liệu có ẩn ý nào phía sau việc sử dụng 2 tông màu nóng - lạnh cho 2 phiên bản bìa sách?

Nhắc đến Chợ Lớn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tone màu rực rỡ như chính sắc màu chủ đạo trong cuộc sống của người dân nơi này – màu đỏ rực của những chiếc đèn lồng gốc Hoa, màu đỏ thẫm của những lớp mái ngói vươn màu thời gian hay màu đỏ tươi của những chú lân trong các lễ hội,… Bên cạnh đó, ta không thể không nhắc tới sắc vàng của những bức tường vững chải chạy dọc các con phố, của những món đồ trang trí bóng bẩy mỗi dịp Tết đến xuân về.

Thế nhưng, không vì thế mà Chợ Lớn vắng đi những phút giây lắng đọng. Dạo quanh Chợ Lớn, người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những tòa chung cư lâu đời trên đại lộ Trần Hưng Đạo hay từ chính trong nét kiến trúc phương Đông được tạo nên từ kỹ thuật xây dựng của Tây phương trong lối kiến trúc độc đáo của ngôi chợ Bình Tây xuất hiện trên bản bìa mềm.

  • Có câu chuyện ngoài lề nào thú vị trong quá trình thiết kế cho cuốn sách này mà anh ấn tượng không?

Mình cho rằng đó là một “bài học” thú vị nhiều hơn.

Như các bạn cũng biết, trước khi “Có một thời ở Chợ Lớn” ra đời, tác giả Phạm Công Luận đã từng cho ra mắt một quyển sách cùng chủ đề đó là “Hồi ức Phú Nhuận”. Do cả 2 quyển một chủ đề nên với vai trò là người thiết kế bìa cho cả hai, mình mong muốn tạo được nét tương đồng trên bìa khi 2 quyển sách được đặt cạnh nhau để nhấn mạnh “tính chất văn hóa” của 2 quyển sách này. Chính vì vậy, mình đã chủ đích đem cái gần gũi, thân thương nhưng cũng mang trong mình những lắt cắt lịch sử mà mình từng thể hiện trong bìa của”Hồi ức Phú Nhuận” mang vào quyển “Có một thời ở Chợ Lớn” lần này.

Nhưng rồi mình nhận ra, mỗi vùng đất sẽ mang trong mình một vẻ đẹp riêng. Nếu như Phú Nhuận là mảnh đất của những ký ức tuổi thơ thân thương, của những giai kỳ hào nhoáng của một Sài Thành hoa lệ, thì Chợ Lớn sẽ là những đất của những khu mua sắm xa hoa, của những quán ăn nức tiếng, và của sự hào sảng, phóng khoáng của người dân Chợ Lớn Sài Gòn.

Vậy nên, mình cho rằng đó là bài học mình của bản thân mình: Để nhấn mạnh, nếu không thể tương-đồng thì chúng ta có thể chọn tương-phản.

Bookish xin cảm ơn họa sĩ t.hờ vì đã dành thời gian chia sẻ. Chúc anh nhiều sức khỏe và đạt được thành công trong năm mới Ất Tỵ 2025.

Đọc bài viết

Cafe sáng