Trích đăng

Chương 1 “Trở về không” – Joe Vitale

Published

on

Nếu Không giới hạn (Zero Limit) là sự bắt đầu của phương pháp Ho’oponopono thì Trở về không (At Zero) chính là sự nối tiếp thông điệp với những phương thức nâng cao bí truyền, mở đường cho phép mầu xảy đến trong thực tại.

Quyển sách giúp bạn nắm bắt những bí mật cao thâm của Ho’oponopono, khai phóng chính mình đề tỉnh thức, để được hạnh phúc, và cho phép Siêu nhiên (Zero) truyền hứng khởi hoặc thậm chí thức tỉnh bạn. Đây là chiếc vé để đạt đến sự viên mãn. Những lợi lạc khác sẽ đến cùng, hầu như một cách bí ẩn và siêu phàm. Hãy tạo ra thực tại của chính mình!

  • Trích từ: Trở về không
  • Tác giả: Joe Vitale
  • Phát hành: Tháng 9.2020
  • Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

*

CHƯƠNG 1
Gặp rắc rối

“Không có cái gọi là bản ngã. Chỉ là dữ liệu, dữ liệu và dữ liệu.” – Tiến sĩ Ihaleakala Hew Len.

Tôi gửi bản thảo cuốn Không giới hạn cho nhà xuất bản trong dịp diễn ra khóa Không giới hạn lần thứ hai, tổ chức tại Maui vào cuối năm 2006. Đây là quãng thời gian hưng phấn với tôi. Cơ bản mà nói, cuốn sách này tự nó viết ra. Tôi đã chấp bút chỉ trong hai tuần, một tốc độ đáng kinh ngạc. Các cuốn sách khác của tôi đều mất hàng tháng cho đến hàng năm trời để hoàn thành. Hai tuần ư? Quả là một phép lạ. Tiến sĩ Hew Len, đồng tác giả với tôi, đã ưng ý sau khi đọc vài trang. Ông nói, “Siêu nhiên bảo ổn rồi”.

Tôi thấy tự hào. Tại sao lại không chứ? Tôi chẳng hề biết rằng những gì tồi tệ nhất chưa xảy đến.

Trong suốt khóa học lần thứ hai ấy, Tiến sĩ Hew Len bảo tôi rằng khi cuốn sách ra mắt, “Mọi chuyện sẽ be bét cho mà xem.” Tôi không biết ông nói gì, nhưng tôi không lo lắng. Tôi cảm thấy được dẫn dắt và che chở. Tinh thần của tôi phấn chấn, và niềm tin đang dâng cao. Tôi sẽ tiếp tục thanh tẩy. Sẽ không có chuyện gì khiến tôi hoang mang.

Tôi đã sai lầm.

Buổi tối đầu tiên trong khóa học, ngay trước bữa ăn tối để gặp gỡ và giao lưu, tôi nhận được một cú điện thoại đầy tức giận từ một tác giả kiêm bậc thầy tinh thần mà tôi xem như thần tượng. Bà đã viết lời ủng hộ bản thảo cuốn sách tôi gửi đến nhưng dường như chưa đọc cuốn sách. Sau khi đọc, bà đã phản đối vài điều trong đó, mà một trong số chúng có đề cập đến bà mặc dù không nêu danh. Khi nhận ra chính mình, bà bực dọc với tôi – và đã gọi cho tôi để phản ứng.

Tôi không có ý hại ai. Phần nội dung đó bàn đến việc ngay cả những người thành công cũng có những điểm mù và tự chuốc lấy sự nhiễu loạn. Tôi đã dùng bà như một ví dụ, nhưng không nêu tên. Tôi rất ngạc nhiên khi bà thịnh nộ vì bà thường dùng những thử thách trong cuộc sống cá nhân làm bài học giảng dạy trong các cuốn sách của chính bà. Điều đó chẳng phải là một bí mật. Nhưng mọi người thường gắn mọi thứ, kể cả những cuốn sách, với các ngụ ý và cảm giác bất an của mình. Bà nhìn thấy một điều gì đó bà không ưng, và thay vì chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì nhìn thấy (vốn là toàn bộ ý niệm của Ho’oponopono và Không giới hạn), bà đã phản ứng với tôi.

Bởi vì tôi đã (và vẫn là) một người hâm mộ bà, chuyện này làm tôi tổn thương nặng nề. Tôi đã sửa lại bản thảo để không nhắc đến bà nữa, nhưng sự thương tổn vẫn còn. Sau đó, tôi gọi cho bà để giải quyết vấn đề, nhưng tôi vẫn cảm thấy chao đảo. Làm thế nào lại xảy ra chuyện này? Nếu đây là những gì Tiến sĩ Hew Len dự báo và cuốn sách thậm chí còn chưa xuất bản, thì chuyện gì đang chờ đợi tôi? Giá mà tôi biết được. Rõ ràng là đã có chuyện – và một khi cuốn sách ra đời, mọi chuyện mới thực sự bắt đầu be bét.

Như tôi đã đề cập trong phần giới thiệu, cả những người trước đó chưa đọc cuốn sách (vì sách chưa được phát hành) cũng lên án cuốn sách và tôi. Họ nói rằng tôi đã bịa ra mọi chuyện, cả về Tiến sĩ Hew Len lẫn câu chuyện ông đã giúp chữa lành cho các bệnh nhân tại bệnh viện tâm thần hình sự Hawaii ra sao. Một số người lên án cuốn sách là không đầy đủ, và những người khác thì công kích tôi về việc đã không tiết lộ hết những bí mật trong khóa học về Ho’oponopono. Họ cáo buộc tôi đã tìm cách đề cập các sản phẩm khác của tôi trong cuốn sách. Một số còn cho rằng nếu Tiến sĩ Hew Len có thật thì ông ta là người điên có thể được cấp giấy xác nhận.

Phải nói rằng mọi chuyện quả thật là điên đầu và khó chịu. Làm thế nào một cuốn sách lại có thể khích bác nhiều người đến thế, nhất là khi nó không những được viết bằng sự yêu thương mà còn dạy về tình yêu thương và sự tha thứ?

Trong khi đó, hàng ngàn độc giả đã được chuyển hóa. Tôi đã nhận được các cuộc gọi, thư từ, và email từ những người thật lòng tri ân. Họ đã tìm thấy niềm hy vọng, sự chữa lành và cứu rỗi. Quả thật đáng khích lệ, nhưng những vết thương đâm trên lưng tôi vẫn đau nhói.

Mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn nữa trước khi khá lên. Tôi có một người bạn thân mà tôi đã truyền dạy, trợ giúp, đỡ đần, tư vấn và truyền cảm hứng, một người khổ sở về mặt tiền bạc. Anh không có nhiều kỹ năng kinh doanh trực tuyến, nhưng tôi thích con người anh, sự sáng tạo và óc hài hước của anh. Tôi nhìn thấy tiềm năng khi giúp đỡ và làm việc với anh.

Tôi đã trao tặng mọi thứ, miễn phí, để giúp anh có thể tự lực. Tôi giúp anh tạo dựng một doanh nghiệp trực tuyến và một danh sách email các khách hàng. Tôi giúp anh về sản phẩm và tiếp thị. Tôi trả thù lao cho anh vì đã giúp tôi trong các sự kiện đặc biệt, ngay cả khi tôi bị lỗ trong việc tổ chức. Anh biết ơn và bày tỏ điều đó bằng cách thường hôn lên má tôi khi chia tay và nói, “Thương lắm, Joe”.

Năm 2009, tôi đến Nga để dự một loạt các buổi thuyết trình và mời anh đi cùng. Anh được chu du một chuyến bằng vé hạng nhất miễn phí, còn tôi thì có một người bạn đồng hành. Anh cũng đồng ý giúp tôi trên sân khấu vì nói chuyện nhiều ngày liên tục là một việc dễ kiệt sức. Đó là một giao ước cả hai cùng có lợi. Mặc dù cả hai đều e sợ Nga (từ bao câu chuyện về các cuộc tấn công hạt nhân mà chúng tôi được nghe khi lớn lên – nếu nhìn từ góc độ dữ liệu), chúng tôi cũng đã thu xếp hành trang, chuẩn bị tinh thần và bay sang phía bên kia bán cầu. Chuyến đi Nga không phải là một dịp dã ngoại. Lịch trình rất khốc liệt, gần như tra tấn. Vừa hạ cánh, tôi được đưa thẳng đến một chương trình truyền hình tại Moscow mà chẳng kịp tắm táp hoặc cạo râu. Tôi choáng váng đến độ không nói nên lời bởi vì theo hợp đồng, tôi biết tôi phải làm tất cả mọi chuyện mà người Nga yêu cầu ở tôi. Tôi tham gia chương trình truyền hình. Sau đó cũng trong đêm, tôi ký tặng sách mấy giờ liền tại một hiệu sách. Chương trình không ngơi trong suốt hai tuần tiếp theo. Mặc dù đi theo để trợ giúp, anh bạn của tôi thường ở lại phòng để ngủ, trong khi tôi đi ra ngoài để tiếp tục nói chuyện, thuyết trình, dự phỏng vấn, ký sách và làm nhiều việc khác nữa. Tôi không phiền gì. Tôi thấy nhẹ nhõm khi anh được nghỉ ngơi. Anh xứng đáng được như vậy.

Thậm chí việc rời khỏi nước Nga cũng là một chuyến đào thoát khỏi địa ngục.

Chúng tôi phát hiện ra thị thực của mình đã hết hạn trước khi chuyến đi kết thúc. Ai đó đã làm sai giấy tờ của chúng tôi. Thị thực du lịch của chúng tôi không hợp lệ. Tôi cảm thấy như chúng tôi đang rơi vào một bộ phim chiến tranh thế giới. Như một tình cảnh không có thật. Các viên chức lãnh sự Mỹ bảo người bạn của tôi hãy “Làm mọi cách để ra khỏi quốc gia này trước lúc nửa đêm”.

Thật là khốn khổ. Chúng tôi được đưa đi trên những con đường hẻo lánh, băng qua các trạm gác quân sự ở Nga, liên tục xuất trình hộ chiếu, và cuối cùng được thả xuống trong rừng ở Phần Lan – ngay trước lúc nửa đêm, chỉ vài phút trước khi thị thực hết hạn. Chúng tôi vẫn phải đến Helsinki và tìm chuyến bay mới để trở về Hoa Kỳ (với một khoản tốn kém lớn cho tôi). Ôi chao ơi, câu chuyện thật trần ai.

Nhưng chuyện đó vẫn chưa phải là tệ lắm.

Khi chúng tôi về đến nhà an toàn, người bạn của tôi đã bị khủng hoảng. Trong vòng 72 tiếng sau khi về, anh đã gửi cho tôi một bức email với một hóa đơn các khoản kê bất ngờ và hoàn toàn thêu dệt về công sức trong hai năm trước đó. Mọi việc anh đã làm miễn phí cho tôi với tư cách bạn bè hay vì tri ân tôi, đều được nêu trên hóa đơn. Anh nói rằng tôi nợ anh và nợ rất nhiều tiền. Tôi không tin nổi.

Mặc dù chưa bao giờ thỏa thuận sẽ trả thù lao cho anh về chuyến đi Nga, khi sang đến đó tôi cũng đã hứa sẽ cho anh ta một khoản. Tôi không hề được thanh toán đầy đủ cho công việc ở nước ngoài, và tốn đến 10.000 đô la để cả hai có thể bay về nhà vào phút chót. Tuy nhiên, sự trợ giúp của anh ở Nga đã giúp tôi trụ được trước áp lực công việc. Tôi định tặng cho anh một chiếc xe mà tôi biết anh yêu thích như một món quà bất ngờ, thế mà anh đã giận dữ với tôi, trong vòng chưa đến ba ngày sau khi trở về, khiến tôi chưng hửng. Tôi kinh ngạc. Tôi bị chấn động đến tận tâm can. Tôi không thể hiểu được hành vi của anh.

Tôi đã tìm cách gặp anh. Tôi gọi anh. Tôi để lại thư thoại. Tôi nghĩ rằng nếu cùng ngồi xuống để nói chuyện, chúng tôi có thể hình dung ra điều gì trục trặc. Có lúc tôi đã ngỏ lời trả thù lao cho anh, để mối quan hệ được yên lành. Anh viết một cách tức giận, “Hãy quên đi”. Anh tiếp tục trút giận, viết những điều khủng khiếp về tôi trên mạng. Anh viết riêng cho những người tôi biết – thậm chí cả nhân viên của tôi – nhằm lôi kéo họ về phe anh để chống lại tôi. Hành động của anh đầy thủ đoạn, xấu xa, quỷ quyệt và nham hiểm nhằm hủy hoại thanh danh của tôi.

Không có cách nào lột tả được hết nỗi đau qua sự việc này. Cứ như ta thức dậy và phát hiện ra người bạn đời hoặc người bạn chí cốt đã đi mất hoặc mất đi. Tôi đau buồn. Tôi tổn thương. Làm thế nào mà người bạn thân thiết nhất của tôi lại có thể hành động một cách độc ác và lạnh lùng như vậy? Tôi không hiểu nổi. Có phải chỉ là chuyện tiền bạc? Có phải anh ta vứt bỏ một tình bạn, một quan hệ cộng tác kinh doanh, một giao ước tâm linh, chỉ vì tiền bạc? Tâm linh nằm đâu? Ho’oponopono mà tôi đã giúp anh học nằm đâu? Con tim của anh nằm đâu?

Điều trớ trêu là chính do anh mà tôi đã quan tâm đến Ho’oponopono. Anh đã nghe một câu chuyện và đọc một cuốn sách nhỏ, và kể lại với tôi. Anh không hề biết Ho’oponopono là gì. Tôi thấy đề tài này hấp dẫn và muốn tìm hiểu nhiều hơn, nên đã bắt đầu truy tìm xuất xứ câu chuyện, về nhân vật và sự việc trong đó. Cuối cùng tôi đã được dẫn dắt đến gặp Tiến sĩ Hew Len và viết cuốn Không giới hạn.

Tôi nghĩ bạn tôi hiểu các nguyên tắc về trách nhiệm cá nhân, tình yêu và sự tha thứ. Dù gì, tôi cũng đã trả phí để anh tham dự khóa học Ho’oponopono đầu tiên của anh trong đời, nhưng khi bị chạm vào khía cạnh nhạy cảm, từ vết thương của chuyến đi Nga hay từ điều gì đó, anh đã không chịu trách nhiệm. Anh đổ lỗi cho tôi và đã đi quá xa. Trong Ho’oponopono người ta gọi thể loại trả đũa này là ino, có nghĩa là hành động cố ý làm tổn hại với lòng thù hận. Đó là một trong những tội lỗi nghiêm trọng nhất có thể tưởng tượng.

Và anh đã làm điều đó với tôi.

Tôi đã thanh tẩy, cứ thanh tẩy… và thanh tẩy.

Tôi nhìn vào sự can dự của mình trong tấn kịch này ở cấp độ năng lượng, cố gắng để hiểu làm thế nào tôi lại thu hút nó. Tôi biết cuộc sống của chúng ta đan xen với nhau. Chúng ta là một vũ điệu của năng lượng. Chẳng có điều gì xảy ra trong chân không. Bạn tôi và tôi đã cùng chia sẻ một chương trình – virus của tâm trí. Tôi đã làm hết sức để nhớ lại tất cả những gì Tiến sĩ Hew Len từng dạy tôi, để biết rằng cách thoát ra duy nhất là thanh tẩy, thanh tẩy và thanh tẩy.

Tôi bắt đầu cảm thấy buồn cho anh bạn của mình. Tôi bắt đầu hiểu rằng bằng cách nào đó anh ta đã thu nạp một chương trình khống chế tâm trí của anh. Tôi biết anh từng có những cơn xung đột với gia đình và bạn bè trước kia. Tôi đã từng chứng kiến những chuyện đó. Có điều tôi không bao giờ ngờ chuyện đó xảy đến với mối quan hệ của chúng tôi hoặc nhắm vào tôi. Cứ như có một chương trình đã chiếm hữu và sai khiến anh. Tôi muốn giúp anh, chữa lành cho anh bằng cách nào đó. Tôi đã không ngừng thanh tẩy để xóa sạch chuyện này trong tôi, hy vọng nó cũng sẽ được xóa bên trong anh.

Trong thực tại theo Ho’oponopono, đó không phải là chuyện của anh. Đó là chuyện của tôi.

Nếu ai đó có quyền cảm thấy mình là nạn nhân, thì đó là tôi. Nếu ai đó có chứng cứ rằng người bạn đã phản bội mình, thì đó là tôi. Tôi vẫn còn giữ các email liên lạc giữa chúng tôi và các email từ những người anh đã liên lạc, chứng tỏ mọi chuyện anh đã làm cả công khai lẫn riêng tư. Một người khác có thể dùng tất cả những thứ đó để phản đòn. Tôi thì không.

Như Tiến sĩ Hew Len thường dạy tôi, “Chẳng có gì ngoài kia cả”. Tất cả ở bên trong. Tôi đã buộc chính mình phải nhận trách nhiệm hoàn toàn cho mọi thứ bạn của tôi đã làm, tìm kiếm chương trình bên trong tôi và chúng tôi đã tạo ra, thu hút, và thị hiện thành toàn bộ tấn tuồng này.

Bạn tôi đã dời đi nơi khác, khiến tôi cảm nhận anh muốn làm lại từ đầu. Có phải anh đã tạo ra tình cảnh ác mộng này để cắt đứt mối quan hệ làm ăn với tôi? Tôi đoán anh có vấn đề về tiền bạc. Có phải anh cần một vật tế thần? Nếu vậy, chắc chắn tôi là mục tiêu thích đáng. Tôi nói ra điều này không nhằm đổ lỗi cho anh, bởi vì đổ lỗi không phải là cách của Ho’oponopono, mà để thấy tâm trí con người luôn cố gắng ra sao để biện minh cho sự phi lý. Tôi không biết mình nghĩ đúng hay sai về động cơ của anh, mà điều đó cũng không thành vấn đề. Vấn đề thực sự ở đây là Tiến sĩ Hew Len đã nói đúng. Mọi chuyện đã be bét.

Tôi đã làm gì để xử lý cuộc khủng hoảng đã được kích hoạt bởi chương trình chung trong anh và trong tôi? Không làm gì cả.

Tôi không thuê luật sư hoặc liên hệ với bất kỳ cơ quan chính quyền nào. Hành động đó không cho cảm giác yêu thương và tha thứ như Ho’oponopono thực thụ. Thậm chí dù anh bạn của tôi đã làm một số chuyện tệ hại nhằm hủy hoại thanh danh của tôi (mà thậm chí tôi còn tổn thương nặng nề hơn vì anh hiểu rõ về việc nhận trách nhiệm hoàn toàn và thanh tẩy), tôi cũng đã không trả đũa.

Thay vào đó, tôi thanh tẩy – tôi cảm nhận nỗi đau thấm thía của mình, sự phản bội và sự bất công, và tôi dâng trọn cho Siêu nhiên. Tôi áp dụng chính quy trình mà Tiến sĩ Hew Len đã dạy. Tôi nhận trách nhiệm. Tôi gánh lấy hoàn cảnh. Tôi đã không nói ra bất cứ điều gì tiêu cực, và tôi chỉ chia sẻ câu chuyện trong lúc này để có một bài học lớn hơn (sắp được trình bày). Tôi đã đón nhận tấn tuồng vào bên trong, và tại đó tôi thanh tẩy.

Tôi cũng áp dụng một hình thức Ho’oponopono cao cấp, mà tôi sẽ chia sẻ sau với các bạn trong cuốn sách này. Sự kết hợp tất cả những phương pháp ấy rốt cục cho phép tôi phóng thích năng lượng từ sự nhận thức về người bạn trước đây. Tấn tuồng lắng dịu. Anh dừng chiến dịch bôi nhọ. Cát bụi lắng xuống. Cuộc sống tiếp diễn. Việc kinh doanh vẫn diễn ra như thường lệ, chỉ có điều không có anh trong cuộc sống của tôi. Tôi vẫn nhớ mối quan hệ thân tình đã có, nhưng tôi thà được tự do hơn phải phát điên.

Thật thú vị, anh đã liên lạc với tôi trong khi tôi đang viết cuốn sách này để hỏi liệu tôi có muốn tổ chức một khóa Ho’oponopono cùng anh. Đó có phải là một dấu hiệu cho thấy sự thanh tẩy của tôi đã có tác dụng và chúng tôi giờ đây đã an hòa? Vâng. Nhưng tôi đã từ chối lời đề nghị của anh. Anh là quá khứ, và tôi đã dọn sạch để nó đi qua. Tôi thương anh, tha thứ cho anh, và cầu chúc anh điều tốt lành.

Chúng ta hãy đi về phía trước.

Bài học lớn ở đây là gì?

Hãy hiểu rằng tấn tuồng này không hề là lỗi của bạn tôi, cũng không phải là lỗi của bất kỳ ai. Không ai là người có lỗi. Nguyên nhân là một chương trình. Đây là điều thiết yếu phải hiểu. Tôi đã nhận toàn bộ trách nhiệm đối với chương trình mà tôi nhận thức được trong chính bản thân mình. Khi tôi thanh tẩy chương trình đó, hoàn cảnh được giải quyết.

Đó là bài học trước tiên. Đó là lý do tôi chia sẻ câu chuyện này. Ngay cả với các tác giả và các đạo sư, vấn đề cốt lõi là thực hành Ho’oponopono để xóa các chương trình, ký ức và dữ liệu khác hầu trở lại với trạng thái yêu thương thuần khiết. Như Tiến sĩ Hew Len vẫn thường nói, “Tôi có mặt chỉ để dọn dẹp”.

Như bạn sẽ thấy qua sách này, cuộc sống luôn đưa đến những thách thức. Đó là bản chất của cuộc sống. Bí quyết để thoát khỏi ngục tù là thực hành Ho’oponopono. Trong khi tâm niệm bốn mệnh đề – Thương lắm, tôi xin lỗi, hãy tha thứ cho tôi, cảm ơn – ta đã xóa các chương trình và niềm tin bên trong mà không hề nhận biết, làm cho hành trình cuộc sống dễ dàng hơn. Ta càng thanh tẩy thì càng xóa nhiều dữ liệu và đến càng gần hơn với Siêu nhiên tức Zero.

Có thật dễ dàng như thế không? Phương cách này liệu có tác dụng luôn luôn? Tại sao cuộc sống dường như cứ tệ hại rồi mới trở nên tươi đẹp hơn?

Hãy đi cùng tôi, và chúng ta sẽ dấn sâu hơn vào cuộc phiêu lưu này…

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Dòng dõi đại quý tộc – Trích “Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York”

Published

on

Trích từ: Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York - Cuộc Chiến Vương Quyền Anh Quốc

Tác giả: Alison Weir

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 12.2024

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

DÒNG DÕI ĐẠI QUÝ TỘC

Kể từ năm 1154, nước Anh nằm dưới quyền cai trị của nhà Plantagenet và việc kế vị ngai vàng đã diễn ra khá êm ả từ cha sang trưởng nam hoặc từ anh sang em trai. Các vị vua nhà Plantagenet, những người theo truyền thuyết được cho là hậu duệ của Quỷ vương, hầu hết là những người năng động và là những nhà lãnh đạo lỗi lạc, mạnh mẽ, hiếu chiến, dũng cảm, công bằng và khôn ngoan. Họ có chung những đặc điểm nổi bật là mũi khoằm, tóc hung và tính khí dữ tợn.

Edward III (1327-1377) là vị vua điển hình của nhà Plantagenet – cao lớn, kiêu hãnh, oai nghiêm và khôi ngô với nét mặt như tạc, mái tóc dài và bộ râu dài. Sinh năm 1312, ông mới chỉ mười bốn tuổi khi vua cha, Edward II, bị phế truất và sát hại, và đến năm mười tám tuổi, ông đã đích thân nắm quyền kiểm soát nước Anh.

Năm 1328, Edward kết hôn với Philippa xứ Hainault, người đã sinh cho ông mười ba người con. Những vụ ngoại tình không thường xuyên của nhà vua không mấy ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân hạnh phúc kéo dài bốn mươi năm này. Edward thừa hưởng tính khí nóng nảy khét tiếng của nhà Plantagenet, nhưng hoàng hậu đã cố gắng kiềm chế ông; trong một biến cố nổi tiếng vào năm 1347, bà đã ngăn cơn thịnh nộ của Edward để cứu mạng những tên trộm bị kết án ở Calais mà nhà vua bắt được sau một cuộc bao vây kéo dài.

Edward sống xa hoa trong các dinh thự hoàng gia mà ông đã mở rộng thêm, và triều đình của ông nổi tiếng với tinh thần hiệp sĩ. Edward đặc biệt sùng kính Thánh George, vị thánh bảo trợ của nước Anh, và đã thực hiện nhiều điều để thúc đẩy sự mộ đạo này. Năm 1348, ông lập ra tước vị cao nhất dành cho hiệp sĩ là Order of the Garter, để tôn vinh Thánh George.

Quan trọng hơn cả, Edward mong muốn giành được vinh quang bằng những chiến công lớn. Năm 1338, lo ngại Pháp xâm lược lãnh địa Aquitaine, trung tâm nghề buôn rượu phát đạt của nước Anh, ông tuyên bố nắm quyền nước Pháp, khẳng định mình là người thừa kế đích thực nhờ dòng dõi của người mẹ vốn là em gái vị vua cuối cùng của nhà Capet [vương triều cai trị nước Pháp từ 987 đến 1328]. Tuy nhiên, cổ luật Salic Franks vốn cấm phụ nữ kế vị hoặc truyền ngôi, và người Pháp đã trao vương miện cho em họ của Edward là Philip xứ Valois, người thừa kế nam của nhà Capet.

Việc Edward ghép biểu tượng hoa huệ của Pháp với con báo của Anh trên gia huy của mình đã dẫn đến cuộc xung đột mà sau này được gọi là Chiến tranh Trăm năm vì nó kéo dài liên tục trong hơn một thế kỷ. Dưới sự lãnh đạo của Edward, người Anh lúc đầu đã giành được một số thắng lợi: Sluys năm 1340, Crécy năm 1346 và Poitiers năm 1356. Đây là những trận chiến quan trọng đầu tiên mà các cung thủ người Anh thể hiện uy thế trước kỵ binh Pháp nặng nề giáp sắt. Tuy nhiên, những thành công ban đầu của người Anh không bền lâu, và vào năm 1360, Edward buộc phải trả lại một số vùng đất đã chiếm được theo các điều khoản của Hiệp ước Brétigny, kết thúc giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh này. Khi Edward qua đời, ngoài lãnh địa Aquitaine, lãnh thổ trên đất Pháp của ông chỉ có năm thành trấn và vùng đất xung quanh Calais mang tên Pale.

Triều đại của Edward III chứng kiến nhiều thay đổi. Nghị viện được chia thành viện Quý tộc và viện Thứ dân, bắt đầu tổ chức những cuộc họp thường xuyên và khẳng định quyền lực của mình thông qua các biện pháp kiểm soát tài chính. Chức năng chính của Nghị viện vào thời kỳ này là biểu quyết việc đánh thuế, và về mặt này, không phải lúc nào Nghị viện cũng thuận theo ý muốn của nhà vua. Năm 1345, các pháp viện được thiết lập cố định tại London chứ không còn lưu động theo nhà vua khắp vương quốc nữa. Năm 1352, lần đầu tiên tội phản nghịch được đưa vào luật. Năm 1361, cơ quan Tư pháp Trị an (Justice of the Peace) được thành lập – trong đó những người có địa vị và uy tín tốt ở địa phương được bổ nhiệm làm thẩm phán (magistrate) – và một năm sau, tiếng Anh thay thế tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức tại các pháp viện. Triều đại Edward cũng chứng kiến sự thịnh vượng của các tầng lớp thương nhân và sự khởi đầu của việc truyền bá giáo dục trong thường dân.

Vua Edward là nhà bảo trợ hàng đầu cho giới họa sĩ, văn sĩ và kiến trúc sư. Nguồn gốc của lối kiến trúc trực giao kiểu Anh (Perpendicular) có thể bắt nguồn từ triều đại này. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những tên tuổi tiên phong của nền văn học Anh như nhà thơ Richard Rolle, Geoffrey Chaucer, John Gower và William Langland. Trường ca Piers Plowman của Langland là bản cáo trạng về sự áp bức mà người nghèo phải gánh chịu sau đại dịch Cái Chết Đen, và về Alice Perrers, người tình tham lam khét tiếng đã thao túng Edward trong những năm tháng cuối đời.

Edward qua đời năm 1377. Khuôn mặt tượng gỗ, được rước trong tang lễ nhà vua hiện vẫn được lưu giữ ở tu viện Westminster, chính là chiếc mặt nạ đắp theo gương mặt Edward lúc băng hà, và qua khóe miệng xệ xuống ta có thể thấy được tác động của cơn đột quỵ khiến nhà vua qua đời.

Edward III có mười ba người con, trong đó có năm người con trai trưởng thành. Ông đã lo liệu cho họ bằng cách liên hôn với những nữ thừa kế người Anh và sau đó phong các con trai làm những công tước đầu tiên của nước Anh. Nhờ đó, ông đã tạo ra dòng dõi những đại quý tộc quyền lực có huyết thống hoàng gia, với những hậu duệ về sau sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh đoạt ngai vàng.

Edward thường bị chỉ trích vì đã ban cho các con trai mình quá nhiều quyền lực, nhưng vào thời đó, nhà vua đương nhiên sẽ phải dùng hết khả năng của mình lo liệu và chu cấp đầy đủ để các con ông có thể duy trì những cơ ngơi và đội ngũ tùy tùng xứng đáng với địa vị hoàng gia của họ. Trong cuộc đời Edward, việc ông để các con của mình liên kết hôn với giới quý tộc cấp cao và nhờ vậy bảo đảm cho họ có được khối tài sản thừa kế đáng kể, đồng thời mở rộng thế lực hoàng gia, được coi là một công cuộc rất thành công. Năm 1377, viên Đổng lý đã nói ở phiên họp Nghị viện cuối cùng của Edward về lòng yêu thương và tin cậy trong hoàng tộc rằng “không vị vua Thiên Chúa giáo nào có được những người con trai như đức vua đã có. Nhờ ngài và các con trai của ngài, vương quốc này đã được cách tân, rạng danh và giàu có hơn bao giờ hết”.

Con trai cả, Edward xứ Woodstock, từ thế kỷ 16 đã nổi tiếng với biệt danh Vương tử Đen. Mới mười sáu tuổi, ông hoàng này đã được phong tước hiệp sĩ tại Crécy, và nhờ những chiến tích lừng lẫy trong mười năm tiếp theo, ông nổi tiếng là hiệp sĩ tài giỏi nhất trong các nước Thiên Chúa giáo. Biệt danh của ông có thể xuất phát từ bộ giáp phục màu đen hoặc, có lẽ đúng hơn, là do tính khí hung tợn của ông. Những năm về sau, do đau yếu triền miên, ông đã làm hoen ố danh tiếng của mình khi ra lệnh tiến hành vụ thảm sát tai tiếng những công dân vô tội ở Limoges. Ông qua đời trước vua cha vào năm 1376, để lại một người thừa kế, cậu bé Richard chín tuổi ở Bordeaux, người sẽ kế vị ông nội vào năm 1377 với vương hiệu Richard II. Một trong những điều trớ trêu của lịch sử là người kế vị vua Edward III lắm con nhiều cháu lại không có hậu duệ nào, một tình huống đã gián tiếp dẫn đến Chiến tranh Hoa hồng nửa thế kỷ sau.

Đọc bài viết

Trích đăng

Lancaster và York: Giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng

Published

on

Trích từ: Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York - Cuộc Chiến Vương Quyền Anh Quốc

Tác giả: Alison Weir

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 12.2024

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

GIỚI THIỆU

Trong quá trình hoàn tất tác phẩm trước, cuốn The Princes in the Tower, tôi nhận ra rằng ở phương diện nào đó, tôi chỉ mới kể một nửa câu chuyện. Lúc ấy tôi đang viết về giai đoạn cuối của cuộc chiến mang cái tên hoa mỹ là Chiến tranh Hoa hồng, một cuộc xung đột kéo dài hơn ba mươi năm, từ 1455 đến 1487. Trên thực tế, có đến hai cuộc Chiến tranh Hoa hồng; lần đầu kéo dài từ 1455 đến 1471, giữa hai gia tộc Lancaster và York, và lần sau từ 1483 đến 1487, giữa nhà York và nhà Tudor. Giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng vốn chỉ được đề cập sơ lược trong The Princes in the Tower, cuốn sách mô tả khá chi tiết giai đoạn thứ hai của cuộc chiến này, thế nên tôi cảm thấy phần tiền truyện ấy vốn dĩ rất thú vị để viết tiếp. Vì vậy, cuốn sách này chính là câu chuyện xoay quanh hai gia tộc Lancaster và York thuộc giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi đã xem xét nhiều nguồn tài liệu, cả cổ xưa lẫn hiện đại, và tất cả những nguồn hiện đại hầu như đều chỉ tập trung vào các khía cạnh quân sự và thực tiễn về chủ đề tôi viết. Cuốn sách này đương nhiên sẽ đề cập đến những vấn đề đó, với khá nhiều đoạn đi sâu vào chi tiết, nhưng mục đích chính của tôi là khắc họa vai trò của con người trong lịch sử – những nhân vật có liên quan, những vai chính của một trong những mối hận thù kéo dài nhất và có sức hấp dẫn nhất lịch sử nước Anh.

Trung tâm của cuộc chiến phe phái đẫm máu này là hình ảnh đáng thương của nhà vua tâm thần bất ổn Henry VI, sự cai trị kém cỏi và trí lực thiểu năng của ông đã khiến chính trị rối ren, dân chúng ta thán, các đại quý tộc bất hòa với nhau, dẫn đến chiến loạn liên miên và một trận ác chiến tranh giành ngôi vua. Đối thủ chính của Henry là Richard Plantagenet, Công tước xứ York, người lẽ ra phải là vua, theo luật trưởng nam thừa kế thời đó. Sau cái chết của Công tước York, quyền thừa kế ngai vàng của ông được trao cho con trai, người về sau trở thành vua Edward IV, một bạo chúa háo sắc dẫn đến sự sụp đổ của nhà Lancaster.

Cuốn sách này cũng là câu chuyện về cuộc tranh đấu ác liệt và ngoan cường của một người phụ nữ vì quyền lợi của con trai mình. Bị kẻ thù buộc tội đã đem một đứa con hoang đặt vào chiếc nôi hoàng gia, vợ vua Henry – hoàng hậu Margaret xứ Anjou – đã đứng lên chiến đấu vì vương triều Lancaster trong suốt nhiều năm, chống lại những khó khăn dường như không thể vượt qua nổi để bảo vệ ngôi vua của chồng và con trai mình. Bản thân điều này rất đáng chú ý, vì bà là một người phụ nữ trong thế giới hung bạo của đàn ông, nơi hầu hết nữ giới đều bị coi là những món hàng hóa có thể trao tay, và không có tư cách tham chính.

Còn rất nhiều khuôn mặt người trong tấn tuồng phản trắc và xung đột sẽ diễn ra dưới đây. Con trai của Margaret, Edward xứ Lancaster, vốn tính hung bạo từ nhỏ, đã khiến những người cùng thời không khỏi bàng hoàng trước sự nhẫn tâm sớm bộc lộ của y. Richard Neville, Bá tước xứ Warwick – “Warwick Kẻ Buôn Vua” – là nguyên mẫu của dạng quyền thần hùng mạnh quá mức cuối thời Trung cổ, người đã dựng lên và phế truất các vị vua, thế nhưng lòng trung thành của ông ta, suy cho cùng, chỉ dành cho chính bản thân mình. Chiến tranh Hoa hồng không chỉ dẫn đến sự sụp đổ của một vương triều mà còn cả những đại quý tộc như Warwick.

Tôi đã cố gắng mô tả sâu sát các thành viên của hai gia tộc Lancaster và York như những con người thực sự, có thể nhận diện qua cá tính và điểm yếu của từng người, chứ không chỉ qua những cái tên trên cây gia phả rối rắm. Nhà Beaufort, những đứa con hoang của John xứ Gaunt, hống hách hệt như những ông hoàng trước triều đình và, theo một số người, trên chiếc giường của hoàng hậu. Nhà Tudor cũng là dòng dõi hoàng tộc đáng ngờ, và – giống như nhà Beaufort – trung thành hết mực với nhà Lancaster, gia tộc mà sau này họ nhận quyền thừa kế từ đó. Cuốn sách nhắc đến những vị vua – như Richard II loạn thần và ngông cuồng, kẻ soán ngôi Henry IV, triều đại của ông ta bị hủy hoại bởi các cuộc nổi loạn và bản thân ông thì bị bệnh tật hành hạ; hay chiến binh lạnh lùng Henry V, người hùng của dân chúng, người đã phán đoán sai chính sách đối ngoại dẫn đến đại họa cho con trai mình, Henry VI. Và những vị hoàng hậu: Katherine xứ Valois kiêu sa và vô luân, người tìm kiếm tình yêu với một cận vệ xứ Wales sau cái chết của chồng là vua Henry V; hay Elizabeth Wydville, với nhan sắc lạnh lùng che giấu lòng tham và sự tàn bạo. Bên cạnh những nhân vật này, câu chuyện của chúng ta còn tràn ngập những con người sinh động, bí ẩn hoặc bi thảm, từ Jack Cade khét tiếng, kẻ cầm đầu một cuộc dấy loạn, đến John Tiptoft tàn ác, Bá tước xứ Worcester; và từ rất nhiều lãnh chúa hùng mạnh cho đến hai cô con gái yếu đuối và xấu số của Warwick, Isabel và Anne Neville. Tất cả đều liên quan, bằng cách này hay cách khác, đến cuộc xung đột dữ dội này. Đây quả thực là trường đoạn lịch sử của các phe phái, nhưng chính những người tạo nên các phe phái đó đã khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn đến vậy.

Lịch sử Chiến tranh Hoa hồng đã được thuật lại vô số lần bởi nhiều sử gia, nhưng ngày nay, hẳn sẽ không còn hợp thời nếu nhìn theo quan điểm của nhà Tudor mà cho rằng nguồn gốc của Chiến tranh Hoa hồng nằm ở việc phế truất Richard II, sự kiện xảy ra từ hơn năm mươi năm trước khi cuộc chiến này bùng nổ. Tuy nhiên, thực sự thì nguồn gốc của cuộc xung đột có thể truy ngược đến tận thời điểm đó; để hiểu được các nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Hoa hồng và di sản triều đại của các nhân vật chính, ta cần ngược lại xa hơn nữa, đến thời kỳ dòng dõi đại quý tộc mang dòng máu hoàng gia được sáng lập bởi vị vua nhiều con cái nhất của vương triều Plantagenet, Edward III. Do đó, cuốn sách này không chỉ thuật lại câu chuyện về Chiến tranh Hoa hồng mà còn bàn về hai nhà Lancaster và York cho đến năm 1471.

Những nguồn sử liệu về thời kỳ này rất ít ỏi và thường không mấy rõ ràng, tuy nhiên, chừng đó nghiên cứu đã được thực hiện trong hàng trăm năm qua cũng đủ để soi sáng đôi chút cho chúng ta về giai đoạn thường được gọi là thời chạng vạng của thế kỷ 15. Nhiều ngộ nhận đã bị loại bỏ, nhưng dù vậy cuộc xung đột vương triều phức tạp này vẫn khiến nhiều người nhầm lẫn. Mục đích xuyên suốt của tôi là loại bỏ sự nhầm lẫn đó và cố gắng trình bày câu chuyện theo trình tự thời gian, nhằm làm rõ các vấn đề về việc kế vị ngai vàng vào thời đại mà không có quy tắc thừa kế nhất định nào được áp dụng triệt để. Tôi cũng cố gắng khiến cho giai đoạn thế kỷ 15 này trở nên sống động bằng cách đưa vào càng nhiều càng tốt những chi tiết về đời sống đương thời trong chừng mực khuôn khổ số trang cho phép, nhằm khiến cho chủ đề này phù hợp với mọi độc giả, dù có chuyên môn học thuật hay không. Nhưng chủ yếu là tôi cố gắng thuật lại một câu chuyện phi thường và tàn khốc về những cuộc tranh giành quyền lực ngôi cao có can dự đến một số nhân vật lôi cuốn nhất trong lịch sử nước Anh.

Câu chuyện này bắt đầu vào năm 1400 với vụ sát hại một vị vua và kết thúc vào năm 1471 với vụ sát hại một vị vua khác. Vụ giết người được cho là kết quả trực tiếp từ vụ kia. Câu chuyện về những gì đã xảy ra từ năm 1400 đến năm 1471, vốn được thuật lại trong cuốn sách này, sẽ là lời hồi đáp cho câu hỏi: Như thế nào?

Alison Weir

Surrey

tháng Hai 1995

Đọc bài viết

Trích đăng

Vào bếp nấu chè trôi nước ngũ sắc đưa ông Táo về trời – Trích “Thơm thảo xôi chè”

Published

on

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian cả việc tốt lẫn việc xấu và những gì chưa làm được. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình. Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công ông Táo về trời (hoặc gọi ngắn gọn là đưa ông Táo về trời) luôn được tiến hành trọng thể.

Trong ngày này, các gia đình thường làm lễ tiễn ông Táo về trời bằng cách thả cá chép. Ngoài ra, mọi người cũng làm mâm cỗ cúng để bày tỏ lòng thành kính với Táo Quân. Trong Thơm Thảo Xôi Chè, nghệ nhân bánh dân gian Trần Thị Hiền Minh đã khéo léo chia sẻ công thức nấu chè trôi nước ngũ sắc, một món ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng và rất thích hợp để bày mâm cỗ cúng ông Táo. Cùng Phương Nam Book tìm hiểu cách làm món này nhé!

CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU
500g bột nếp
100g khoai lang tím
150g bí đỏ
300g khoai lang trắng
Nước cốt lá dứa, nước lá cẩm
400g đậu xanh bóc vỏ
150g đường cát
10g muối
100ml nước cốt dừa
Phần nước cốt dừa:
300ml nước cốt dừa
700ml nước dão dừa
20g bột gạo
20g bột bắp
5g hành lá
800g đường cát (nấu chè)
150g đường cát (nấu nước cốt dừa)
100g mè trắng
3g muối
100g gừng sẻ

THỰC HIỆN

Sơ chế:
• Mè rửa sạch, rang hoặc nướng trong lò nướng nhiệt 150 độ C đến khi vàng thơm.
• Gừng gọt vỏ, rửa sạch, xắt khoanh mỏng.
• Khoai lang, bí đỏ luộc chín, giã nhuyễn, để riêng từng phần. Chia bột thành 5 phần bằng nhau. Mỗi phần nhồi khoai lang và màu tương ứng cho hòa quyện.
• Dùng nước ấm nhồi với bột nếp đã trộn kỹ theo từng màu, nhồi nhanh tay để bột dẻo. Khi bột gần mịn đều, thêm nước từ từ tránh làm nhão bột, rồi để bột nghỉ 30 phút.
• Đậu xanh vo sạch, ngâm nở 2 giờ, vo lại cho hết nước chua rồi nấu chín, giã nhuyễn. Xào đậu xanh với 100ml nước cốt dừa và 100g đường trên lửa vừa, thêm 10g muối vào cho đậu béo bùi, đậm vị hơn. Khi đậu xanh không dính tay thì tắt bếp, cho hành lá cắt nhuyễn vào trộn đều. Vo viên đậu bằng cỡ trái chanh nhỏ.

Gói viên chè:
• Chia đều bột nếp, mỗi viên khoảng 30g, gói nhân đã chuẩn bị sẵn.
• Bắc nồi nước sôi luộc các viên chè. Khi chín viên chè sẽ nổi lên mặt nước, nấu thêm 2 phút cho viên chè chín kỹ rồi vớt ra ngâm vào nước lạnh.

Nấu chè:
• Cho 2 lít nước vào nồi cùng với 600g đường và vài lát gừng, bắc lên bếp nấu sôi.
• Cho các viên chè vào nồi nấu sôi chừng 5 phút để viên chè thấm đường và vị gừng, nhắc xuống.

Nấu nước cốt dừa:
• Cho nước dão dừa, đường cát, bột gạo, bột bắp, muối và vài cọng lá dứa vào nồi khuấy đều rồi mở bếp ở mức lửa nhỏ, nấu đến khi sôi, khuấy đều tay.
• Tiếp theo chế thêm nước cốt dừa, để hỗn hợp sôi lại, tắt bếp liền.

YÊU CẦU THÀNH PHẨM
• Nước đường trong, ngọt thanh, thơm dịu mùi lá dứa.
• Các viên chè dẻo mềm, không bị nứt hay nhão bề mặt.

Khi ăn, múc chè ra chén, chan nước cốt dừa vào, rắc thêm ít mè rang.

Chè trôi nước ngũ sắc không chỉ đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đầy đủ, may mắn và sự hòa hợp của năm mới. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của đường, vị béo của nước cốt dừa và độ dẻo dai của vỏ bánh trôi kết hợp hài hòa với nhân đậu xanh thơm ngon.

Thơm Thảo Xôi Chè là món quà dễ thương dành tặng những ai đam mê nấu nướng bởi nó không chỉ đẹp về hình thức mà còn hấp dẫn về nội dung. Ngoài việc hướng dẫn tỉ mỉ các công thức nấu, tác giả còn khéo léo thuật lại cuộc phiêu lưu ẩm thực qua hành trình tìm kiếm các sản vật quý địa phương. Cuốn sách dù đơn sơ, mộc mạc nhưng đã phần nào truyền tải thành công tình yêu nghề của người đầu bếp và trên tất cả là sự tinh tế của nền ẩm thực nước nhà.

Mời bạn tìm mua sách tại đây. Nếu có làm theo các công thức trong sách thì bạn nhớ chia sẻ cho Bookish biết với nha!

Chúc bạn một mùa Tết bình an và sung túc bên gia đình.

Đọc bài viết

Cafe sáng