Trích đăng

Chương 1 “Bẻ khóa sinh học trong 90 ngày” – Đóng lại khoảng hở trong nhân cách

Published

on

Mệt mỏi và trầm cảm, Ben Angel quyết định bỏ ra 90 ngày đi tìm nguồn cơn của những triệu chứng tinh thần nhằm giải quyết chúng một cách triệt để. Theo tác giả, phần lớn sách về self-help đều tập trung giải quyết các vấn đề tâm lý, tinh thần hoặc thái độ, trong khi nguyên nhân lại nằm ở khía cạnh hóa sinh của cơ thể. Ben Angel đề cập đến việc “biohack” cơ thể và tâm trí, thông qua một chương trình dinh dưỡng phù hợp, kết hợp thiền tập, đồng thời áp dụng những thiết bị kỹ thuật hiện đại. Nếu cơ thể được bẻ khóa sinh học đúng cách, vấn đề tâm lý sẽ được giải quyết, từ đó con người phá được thói quen xấu, tạo được thói quen tốt, giải quyết được tâm bệnh, có được năng lượng mới và đạt được hiệu quả mong muốn trong cuộc sống và công việc.

Trích từ: Bẻ khóa sinh học trong 90 ngày

Tác giả: Ben Angel

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Tái bản: tháng 9.2020

*

CHƯƠNG 1
Một sự chuyển đổi mô hình trong nhiều thập kỷ: Đóng lại khoảng hở trong nhân cách

Đang trên bờ vực suy sụp thần kinh, bắt đầu có ý nghĩ tự tử, không còn chỗ nào bấu víu, cuộc sống của tôi tại thời điểm đó hoàn toàn là một lời nói dối. Tôi được quảng cáo là “Người gây ảnh hưởng” đến hàng trăm ngàn doanh nhân và công ty, vậy mà tôi thậm chí không thể tạo động lực cho bản thân hướng tới mục tiêu tiếp theo. Tôi giận dữ.

Ước mơ của tôi là chuyển đến New York và tiếp tục sự nghiệp viết lách. Đã bao nhiêu lần tôi hình dung về mục tiêu này. Tôi tưởng tượng cảnh mình đi dạo trên những con đường thành phố náo nhiệt, đi đến quán cà-phê và nhà hàng, và, vâng, thậm chí có khoảnh khắc sến súa y như nhân vật nữ chính Carrie Bradshaw trong loạt phim Sex and the City, tư lự ngồi viết bài bên cửa sổ một ngôi nhà phố cổ điển đắt tiền ở New York (Độc giả đừng phán xét tôi nhé!). Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, tôi thậm chí không dám nhìn vào danh sách việc cần làm; thật quá sức. Tôi đang nhanh chóng trở thành kẻ hết thời, đó là những gì mà những người trong ngành này nhìn nhận. Ước mơ của tôi ngày càng xa tầm với, và việc tôi cố gắng thuyết phục bản thân rằng mình vẫn ổn chẳng có nghĩa lý gì nữa. Sự thật là tôi không ổn, nhưng không ai trả lời cho tôi biết tại sao.

Có lẽ bạn hiểu được điều tôi nói. Bạn biết mình có khả năng, nhưng vì lý do nào đó bạn không thể mở khóa tài năng này, thể hiện nó triệt để bằng mục đích, tầm nhìn và mục tiêu của bạn. Bạn luôn cảm thấy ước mơ của mình ngoài tầm với. Và dù có cố gắng nắm lấy nó bao nhiêu, giấc mơ đó vẫn luôn tuột qua tay bạn. Bạn cố gắng thuyết phục bản thân rằng sẽ dậy sớm hơn, làm việc chăm chỉ hơn và làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được mục tiêu của mình, nhưng hết lần này đến lần khác, bạn thất bại. Chúng ta là như vậy sao? Có phải chỉ vì chúng ta có thái độ kém? Chúng ta chỉ cần cứng rắn lên? Những người siêu thành công đang làm điều gì mà chúng ta không làm được? Tôi đã làm theo chiến lược của họ, nhưng tôi không nhận được kết quả giống họ. Tại sao?

Chúng ta được dạy rằng để hết buồn thì cần suy nghĩ tích cực lên. Nếu tức giận, bạn cần tìm sự bình yên. Nếu bạn hay trì hoãn, bạn là kẻ lười biếng. Nếu bạn kiếm cớ, bạn yếu đuối. Mọi thứ đều ở trong đầu bạn thôi. Hãy cầm lấy một quyển sách dạy cách tự lực và vượt lên chính mình đi.

Hoặc nếu đến chỗ bác sĩ để phàn nàn về các triệu chứng tương tự, bạn sẽ được chẩn đoán y khoa là bị trầm cảm và được kê đơn thuốc chống trầm cảm để khắc phục sự mất cân bằng hóa học trong não bộ. Ngay cả khi đó, do những hạn chế trong đào tạo, thái độ và thời gian của mình, bác sĩ cũng không thể dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân sự xuống dốc của bạn.

Tệ hơn là ngành công nghiệp sách tự lực cũng nhìn vào cùng những triệu chứng này, và họ tin rằng tiêm cho bạn một liều động lực và một câu chuyện truyền cảm hứng sẽ chữa được cho bạn. Những quyển sách đó cũng không quan tâm đến việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ.

Nhận thức này khiến tôi phải đặt câu hỏi: Nếu đây là những triệu chứng của tôi, vậy nguyên nhân đằng sau đó là gì?

Tất cả chúng ta đều trải qua những thất bại ở các mức độ khác nhau trong suốt cuộc đời của mình, một số người gặp những thất bại lớn hơn người khác. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến qua Facebook vào năm 2018 mà nhóm của tôi đã thực hiện với 2.000 doanh nhân trên khắp thế giới, chúng tôi đã có những phát hiện sau:

  • 75% từng bị chứng “sương mù não” hay chứng đờ đẫn, mất tập trung.
  • 82% cũng hay trì hoãn.
  • 82% dễ bị phân tâm.
  • 65% dễ cảm thấy quá tải.
  • 71% trải qua mức độ căng thẳng cao.
  • 58% không cảm thấy sảng khoái khi thức dậy buổi sáng.
  • 47% cảm thấy buồn bã.
  • 62% có năng lượng lên xuống thất thường trong suốt cả ngày.
  • 65% mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực.

Những con số này đáng kinh ngạc ở chỗ chúng chứng minh một tỷ lệ lớn trong những người này đều gặp phải các triệu chứng có thể liên quan đến trầm cảm. Mà những đối tượng cụ thể này, hầu hết là những người có động lực cao, những người say sưa với mục tiêu của họ và tham gia vào một lực lượng lao động gồm những con người năng động, có tầm ảnh hưởng trong thế giới kinh doanh, ấy vậy mà một lượng lớn những người này lại không hoàn toàn vui vẻ khi nói đến sức khỏe tinh thần của mình. Do những nhân tố sinh học, bao nhiêu người trong số họ sẽ kiệt sức trước khi có thể đạt được giấc mơ của mình?

Bằng cách xem xét kỹ hơn, chúng ta có thể thấy rằng có một nguyên nhân cơ bản gây ra các triệu chứng này. Tôi tin chắc rằng chúng ta có thể tự chữa khỏi “căn bệnh” khỏe mạnh ảo tưởng này. Đặc biệt là tại Hoa Kỳ, chúng ta đang chứng kiến việc sử dụng thuốc tràn lan nhằm chữa trị các triệu chứng này và ngành y tế chưa sẵn sàng thay các đơn thuốc bằng những bảng câu hỏi để khám phá nguyên nhân gốc rễ cho sự tuột dốc tinh thần của chúng ta.

Thu hẹp khoảng cách với con người thật của mình

Câu chuyện của tôi không phải là ngoại lệ của quy tắc; đó là quy tắc. Đây là tất cả các triệu chứng thể hiện ra ngoài của một vấn đề cơ bản ẩn bên dưới, một vấn đề đã bị ngành công nghiệp phát triển bản thân và ngành y tế hoàn toàn ngó lơ.

Giống như con ếch chết dần khi được cho vào nước ấm sau đó đun sôi dần dần, chúng ta cũng sẽ thích nghi với sự đau khổ của mình mà không nhận thức được cho đến khi các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện và cần phải can thiệp y tế. Và đến lúc đó, ta lo đi chữa bằng một biện pháp quyết liệt nào đó, thay vì sử dụng một biện pháp mang tính phòng ngừa ngay từ đầu.

Tất cả các triệu chứng này làm đầu óc ta giảm khả năng xử lý thông tin mới, gây ra hậu quả nguy hiểm khi nói đến việc thu hẹp khoảng hở nhân cách giữa bản thân hiện tại của chúng ta với người mà chúng ta cần trở thành để đạt được mục tiêu. Cụ thể, nó giới hạn niềm tin của ta về bản thân, giới hạn khả năng nhận thức cần thiết để hiện thực hóa những viễn cảnh ta tưởng tượng về cuộc sống của mình. Ngay cả khi những triệu chứng này chỉ ở thể nhẹ, chúng vẫn có thể khiến chúng ta lâm vào tình trạng tồi tệ nhất.

Mãi cho đến khi gặp một bác sĩ tại thành phố nông thôn Dubbo ở New South Wales, Úc, sau buổi nói chuyện với điệu bộ trịch thượng của người bác sĩ này thì lần đầu tiên tôi mới mở mắt.

Nhìn vào câu hỏi hóc búa

Tôi không mệt mỏi vì tôi bị trầm cảm; mà tôi trầm cảm vì tôi mệt mỏi. Tôi muốn biết tại sao tôi mệt mỏi! Bị trầm cảm do mệt mỏi là điều đầu tiên trong nhiều phát hiện giúp tôi khám phá ra giải pháp, không chỉ giải pháp cho các triệu chứng của tôi, mà còn là giải pháp để đạt được mục tiêu và viết lại mô hình thành công đi từ nền tảng. Nếu tôi có thể khám phá lý do tại sao tôi mệt mỏi, tại sao tôi lại kiếm cớ và chần chừ, mọi thứ khác sẽ quay lại đâu vào đó. Cuối cùng tôi sẽ lại có được động lực của mình, thôi kiếm cớ, và thắp lên lại nguồn năng lượng và niềm đam mê cho các dự án tôi từng yêu thích.

Giống như hàng triệu người khác, lúc bắt đầu tôi bị các triệu chứng nhẹ mà tôi nhanh chóng quy kết là do làm việc quá sức, thái độ tinh thần yếu đuối hoặc thức khuya và căng thẳng với những thời hạn sít sao. Tôi đã tán thành triết lý “cứ làm đi” mà không nhận thức được đầy đủ về hậu quả khi làm theo triết lý đó.

Khi lực bất tòng tâm, cơ thể không thể hoàn thành nhiệm vụ mà linh hồn đặt ra. Linh hồn thì lúc nào cũng sẵn sàng, sẵn lòng. Mặc dù đã đọc vô số sách tự lực, tham dự nhiều hội thảo, và đắm mình trong các chiến lược tạo động lực cho bản thân trong suốt 15 năm qua nhưng rốt cuộc tôi nhận ra rằng những thông tin mình có không hề đầy đủ.

Chúng ta đã được dạy rằng tâm lý của mình là chìa khóa số một để thành công; các chức năng sinh hóa của chúng ta không được đề cập đến trừ khi bạn là một vận động viên ưu tú hoặc gặp các triệu chứng thể chất nghiêm trọng mà ai cũng thấy. Nhưng ngay cả các vấn đề sinh hóa nhẹ cũng có thể ngăn cản bạn đạt được mục tiêu của mình.

Lập kế hoạch chiến lược, chuẩn bị tinh thần và ý chí là điều cần thiết để có được khả năng suy nghĩ và cạnh tranh trong công việc và cuộc sống. Những yếu tố này có thể giúp ta trở thành một đối thủ mạnh. Tuy nhiên, các cơ chế hóa sinh, những chức năng tạo ra sức bền và khả năng chịu đựng của một người, chính là thứ tạo ra vận tốc đạt tới thành công.

Chúng ta có xu hướng tự động cho rằng mình cũng có cơ chế sinh hóa ngang bằng với diễn giả Tony Robbins, doanh nhân Richard Branson, Đức Đạt Lai Lạt Ma hay những người đỉnh cao khác. Nhưng chúng ta không biết nhiều người trong số đó tích cực làm việc để nâng cao cơ chế sinh hóa của mình. Những người khác, thông qua sự kết hợp của các yếu tố mà chúng ta sẽ nói trong cuốn sách này, đã gặp may mắn; cơ chế sinh hóa của họ tự nhiên làm cho họ ít bị căng thẳng, đờ đẫn và buồn bã, giúp dọn đường cho sự thành công của họ.

Điều đó không có nghĩa là họ không trải qua những tình trạng này; họ có bị chứ nhưng ở những mức độ nhẹ hơn, kiểm soát được. Cũng không phải để nói rằng họ không làm việc chăm chỉ; chỉ là với họ không quá khó khăn như những người khác vì họ có cơ chế sinh hóa ổn định hơn, đây là một nền tảng vững chắc để từ đó mọi thứ khác có thể phát triển.

Chúng ta bắt chước chiến lược của họ. Chúng ta muốn biết họ thức dậy mấy giờ, họ ăn gì, họ nghĩ như thế nào, niềm tin cốt lõi và thói quen đọc sách của họ là gì, nhưng không một giây nào chúng ta nhìn ra một điều: mỗi người là một hệ thống sinh hóa độc nhất vô nhị không ai giống ai. Mỗi người chúng ta xử lý thức ăn, suy nghĩ và cảm xúc rất khác nhau do nhiều yếu tố – các yếu tố mà chúng ta bỏ qua trong quá trình tìm kiếm thành công cá nhân, trừ khi một trong những mục tiêu của chúng ta là giảm cân.

Bất cứ ai cũng có thể áp dụng các nguyên tắc tâm lý giống như những người siêu thành công, nhưng nếu bạn bị suy giảm nghiêm trọng những thứ như vitamin D, omega-3, vitamin C, vitamin B12, dopamine, serotonin hoặc thậm chí là testosterone (cả ở phụ nữ và nam giới), bạn có thể bị đờ đẫn từ nhẹ đến nặng, mệt mỏi, thờ ơ, lo lắng, căng thẳng và trầm cảm, tất cả những điều này sẽ cản trở nghiêm trọng khả năng duy trì sự tập trung và đạt được mục tiêu của bạn. Nó giống như trồng cây trong đất độc hại rồi lại mong nó lớn lên được. Bất kể bạn có nói với nó là nó có khả năng làm được mọi điều thì cái cây xui xẻo đó kiểu gì cũng sẽ chết mà thôi!

Sự thiếu hiểu biết về cơ chế hóa sinh làm suy yếu các nguyên tắc tâm lý mà chúng ta được dạy để áp dụng. Đó là yếu tố vô hình làm chúng ta trật đường ray, một bàn tay vô hình giữ bạn lại không cho vượt qua vạch đích. Không có thông tin này, bất kỳ chiến lược nâng cao năng suất và hiệu suất nào cũng không đầy đủ và không hiệu quả.

Thay vì nhận ra cơ chế hóa sinh bất ổn của mình, chúng ta gắn một trạng thái tinh thần cảm xúc tiêu cực vào các mục tiêu của mình và tự quyết định mục tiêu đó là quá khó hoặc quá cao. Rốt cuộc chúng ta tự hình thành những suy nghĩ thối chí, chẳng hạn như “Tôi quá mệt mỏi”, “Tôi không có thời gian cho việc này”, “Làm điều đó rồi được gì?” hay “Tôi căng thẳng quá”. Để tránh viễn cảnh đó, có lẽ chúng ta nên tự hỏi bản thân một vài câu:

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì chỉ nghiên cứu thói quen của những người thành công, những bộ óc sáng tạo nhất, những tư tưởng triệu đô, chúng ta dành tâm sức đó để soạn một cơ sở dữ liệu y tế của họ để kiểm tra mức serotonin, dopamine và cơ cấu hệ vi sinh vật cơ thể của họ và so sánh với những người thường xuyên bỏ cuộc, kiếm cớ hoặc trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực dữ dội hơn?
  • Liệu cơ chế hóa sinh kém có ảnh hưởng đến khả năng của họ, ngăn họ về đích? Những mức độ sinh hóa này có ảnh hưởng đến khả năng của những người thành công cao để giúp họ vượt qua những thất bại và cán đích? Những quá trình sinh học này có giúp chúng ta hiểu đúng, hiểu đầy đủ tại sao những người thành công lại cư xử theo một cách cụ thể nào đó chứ không chỉ dựa trên thái độ tinh thần và giáo dục?
  • Giả sử một người suy giảm mức độ dopamine và serotonin, hành vi của họ sẽ thay đổi như thế nào?
  • Liệu một người thành công, tự tin có thể bị mất khả năng về thể chất và tinh thần nếu thiếu hụt dinh dưỡng?
  • Nếu nhìn vào mức độ sinh hóa khi họ gặp phải một trở ngại lớn, chúng ta sẽ khám phá ra điều gì?
  • Bằng việc xem xét các khía cạnh khác của cuộc sống khi một người gặp một trở ngại lớn về thể chất và cảm xúc, chúng ta sẽ tìm thấy gì? Họ đã ăn gì vào thời điểm đó? Hành vi của họ đã thay đổi như thế nào? Điều gì xảy ra trong cơ thể chứ không chỉ trong thái độ của họ?

(Tất nhiên ở đây ta đang bỏ qua những nan giải về đạo đức khi thu thập một cơ sở dữ liệu như vậy; những câu hỏi này hoàn toàn là giả thiết.) Lần duy nhất chúng ta xem xét cơ chế hóa sinh là khi chúng ta suy nhược hoặc cố gắng giảm cân, chứ không phải khi chúng ta cố gắng trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Khi không đạt được mục tiêu của mình, điều đó ngụ ý rằng chúng ta có một thái độ tinh thần yếu đuối chứ không phải một điểm yếu sinh hóa có thể nhanh chóng được khắc phục nếu có sự giúp đỡ đúng đắn. Quá trình cải biến cá nhân đúng đắn đòi hỏi thay đổi ở cả mặt sinh hóa lẫn tâm lý mới có thể duy trì được sự thay đổi đó về lâu dài. Nếu không, chúng ta sẽ quay trở lại ngay với những gì dễ dàng.

Khi tâm trí yếu đuối, bạn sẽ chẳng làm được việc gì ra hồn. Một phát hiện trong cuộc khảo sát 2.000 doanh nhân khiến chúng tôi khá bất ngờ, nhưng khi nhìn lại thì rõ ràng: 57 đến 65% những người bị “sương mù não” hay đờ đẫn là những người dễ bị phân tâm, thường trì hoãn, mất đi dòng suy nghĩ, cảm thấy quá tải và buồn bã, và cũng cảm thấy thèm ăn. Đây là một yếu tố sinh hóa chính yếu giải thích tại sao họ dễ đi chệch hướng và tại sao họ có xu hướng bỏ cuộc. Khám phá này càng khiến tôi tin rằng thành công không chỉ ở trong tâm trí hay cơ thể; nó ở trong cả hai nơi.

Để thực sự thành công có nghĩa là không chỉ bẻ khóa tâm trí mà còn phải bẻ khóa cả cơ chế hóa sinh của bản thân nữa. Nhìn nhận câu hỏi hóc búa này từ một quan điểm mới đã thách thức mọi thứ tôi từng tin về sự tự lực. Tôi, cũng như những người khác, đã bị thuyết phục rằng mình có thể dùng ý chí để thoát khỏi những lý do, sự trì hoãn, sự đờ đẫn, suy nghĩ tiêu cực và nỗi buồn, nhưng khi bị trầm cảm bạn lại cần uống thuốc.

Nhưng nếu điều đó không đúng thì sao?

Tâm lý đóng vai trò như thế nào trong thành công của bạn, còn cơ chế sinh hóa đóng vai trò bao nhiêu?

Thực tế là bạn không thể sử dụng khả năng tinh thần để bù đắp cho một cơ chế sinh hóa yếu kém. Tinh thần tốt có thể hỗ trợ, nhưng nếu không hiểu và giải quyết được các vấn đề tiềm ẩn, bạn sẽ tiếp tục tránh né và trì hoãn. Những hoạt động thực hành phát triển cá nhân của bạn sẽ chỉ có hiệu quả khi cơ chế hóa sinh của bạn hoạt động với hiệu quả cao nhất và hỗ trợ cơ thể bạn hoạt động ở mức tối đa.

Cách tiếp cận mới đối với các vấn đề cũ

Bạn giải quyết vấn đề gì trước tiên, tâm lý hay sinh lý của mình? Trước đây, chúng ta sẽ chọn một cuốn sách tự lực hoặc tìm kiếm một nhà trị liệu, người có thể hoặc không thể giải quyết sự thiếu hụt dinh dưỡng của chúng ta.

Nếu là một thập kỷ trước, cách này có thể hiệu quả, vì đó là trước khi có những thay đổi lớn diễn ra trong môi trường và nguồn cung thực phẩm, trước khi ô nhiễm ánh sáng và tác động tâm lý của phương tiện truyền thông xã hội bắt đầu ảnh hưởng đến hành vi hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, bộ não thời tiền sử của chúng ta đã không bắt kịp những tiến bộ công nghệ ngày nay; hệ thống sinh hóa của chúng ta bị mắc kẹt trong quá khứ tiến hóa. Do đó, chúng ta dán mắt vào màn hình máy tính, điện thoại và máy tính xách tay 24/7, và việc nghiện công nghệ này đang có tác động sâu sắc đến cách chúng ta cư xử.

Các nghiên cứu cho thấy các công ty phát triển ứng dụng và mạng xã hội đang sử dụng công nghệ của họ để tạo ra những nền tảng gây nghiện mà chúng ta vô tình phải trả giá.[1] Họ sử dụng những biểu tượng cảm xúc dễ thương và theo dõi số lần chúng ta sử dụng ứng dụng của họ, do đó tạo ra thói quen truyền thông xã hội gây nghiện. Những thói quen này thỏa mãn người dùng, tạo ra cho họ nhu cầu phải lặp lại hành vi đó một lần nữa để có được niềm vui thích ngắn ngủi như thế. Facebook đúng là đã tấn công một trong những chất dẫn truyền thần kinh của chúng ta, dopamine, để thu lợi tài chính. Dopamine, hay còn được gọi là “hormone khen thưởng” do nó chịu trách nhiệm về hệ thống khen-thưởng-gợi-cảm-giáchài-lòng (pleasure-reward system) của não bộ, mang lại cho chúng ta động lực và sự tập trung mà chúng ta cần để làm việc hiệu quả. Thật không may, chúng ta luôn luôn không nhận thức rằng điều này đang xảy ra, cho đến khi chúng ta cảm thấy nó ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Dopamine là thành tố quan trọng tham gia vào nhiều chức năng khác nhau của não bộ, liên quan đến giấc ngủ, học tập, điều khiển vận động, trí nhớ làm việc, khả năng tập trung và chú ý.[2] Trong phổ nồng độ dopamine từ thấp tới cao, các bệnh như Parkinson, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và các tình trạng bệnh khác nằm ở phân cực nồng độ dopamine thấp. Nói cách khác, nghiện mạng xã hội có phải là kết quả của mức độ dopamine thấp hơn do tình trạng căng thẳng và thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống? Những lời bào chữa, tính chần chừ và tình trạng đờ đẫn là những triệu chứng có thể do mức độ thiếu hụt dopamine gây ra, chứ chúng không phải là nguyên nhân gây thiếu dopamine.

Bạn không phải là một người giống như trong những cái cớ bạn đưa ra; cái nguyên cớ đúng lý ở đây chính là cơ chế hóa sinh của bạn.


Đó chính là khi một tia sáng chói lóa giúp tôi nhận ra: Những lời bào chữa của tôi, những suy nghĩ tiêu cực, sự thiếu động lực và tinh thần không chỉ đơn giản là kết quả của một thái độ tinh thần yếu đuối. Vấn đề nằm ở sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh kết hợp với nhiều yếu tố khác. Vốn dĩ không ai là không xứng đáng, vô dụng hoặc yếu đuối; tất cả chúng ta luôn thay đổi trong suốt cuộc đời của mình. Cuộc sống, như bạn sẽ tìm hiểu trong suốt cuốn sách này, không phải là một thử nghiệm có kiểm soát. Suy nghĩ tích cực không thể thay thế cho sự thiếu hụt dinh dưỡng. Thật không may, chúng ta không liên kết các triệu chứng mơ hồ như lòng tự trọng thấp, tức giận, cơn thèm carbohydrate, rối loạn tiêu hóa, cảm thấy quá tải, mất ngủ, không vui, đờ đẫn, chức năng nhận thức kém với mức độ serotonin thấp. Thay vào đó, chúng ta tự hành hạ bản thân vì không giỏi được như những người khác.[3]

Khi nghĩ đến điều đó, liệu cơ chế hóa học bên trong có phải là yếu tố kích hoạt sự trì hoãn, sợ hãi, lo lắng, muốn bỏ cuộc không? Trong quá khứ, tôi đã từng trải nghiệm những điều này nhưng chúng chỉ thoáng qua và luôn lắng xuống. Còn lần này chúng đã cắm rễ, tôi phải đào lên. Câu trả lời ngắn gọn là một tiếng CÓ vang vọng.

“Chẩn đoán” sự thất bại

Vấn đề lớn nhất với cách tiếp cận cũ về thành công là nó không thể thu hẹp khoảng cách giữa cơ chế hóa sinh và tâm lý học. Cả hai hòa quyện đến mức không thể tách rời, tuy nhiên hệ thống y tế của chúng ta, lĩnh vực phát triển cá nhân, nhà tâm lý học, những người tin tưởng liệu pháp chữa bệnh tự nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng và nhà trị liệu đã phân tách các phương pháp của họ trong nhiều thập kỷ, dẫn đến việc tâm lý học được nhấn mạnh hơn sinh hóa hoặc ngược lại chứ không kết hợp cả hai.

Sự tiến hóa thực sự sẽ xảy ra khi chúng ta có sự hội tụ của tất cả các ngành y học. Điều này đang bắt đầu xảy ra trong lĩnh vực dược chức năng, và nó sẽ cách mạng hóa việc chăm sóc sức khỏe và cách chúng ta nghĩ về bản thân, về khoa học của sự thành công. Nhưng trước khi nói về thành công, hãy nói về thất bại.

Tại sao chúng ta thực sự thất bại

Thất bại không chỉ do mức độ dopamine thấp. Đó còn là vấn đề làm chủ phản ứng “chiến đấu hay trốn chạy” của chúng ta. Khi chúng ta bị căng thẳng, hệ thống thần kinh soma của cơ thể (hệ thần kinh thân thể) sẽ kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc trốn chạy. Cơ thể rơi vào trạng thái tập trung cao độ và dồn các nguồn năng lượng của nó vào việc chống lại mối đe dọa hoặc chạy trốn khỏi kẻ thù.

Phản ứng chiến đấu hay trốn chạy giải phóng các hormone adrenaline và cortisol, tạo ra một loạt các quá trình bên trong, bao gồm hô hấp nhanh, tim đập nhanh và mạch máu giãn ra ở tay và chân, kích hoạt hệ thống tiêu hóa tăng mức đường huyết để đối phó với tình huống khẩn cấp. Một khi tình trạng khẩn cấp kết thúc, mọi thứ trở lại bình thường.[4]

Tuy nhiên, nếu điều này tiếp tục trong một thời gian dài, căng thẳng mãn tính có thể gây ra các vấn đề từ suy giảm nhận thức và mất ổn định cảm xúc cho tới bệnh tật thể chất. Các triệu chứng cảm xúc bao gồm kích động, ủ rũ, cảm thấy quá tải, không có khả năng thư giãn, lòng tự trọng thấp, cảm giác vô dụng, trầm cảm và cô lập. Các triệu chứng thể chất có thể bao gồm đau đầu, năng lượng thấp, đau dạ dày, căng cơ, đau ngực, mất ngủ, cảm lạnh và nhiễm trùng, mất ham muốn, hồi hộp, run rẩy hoặc khó nuốt. Căng thẳng cũng có thể dẫn đến các triệu chứng nhận thức: suy nghĩ lướt qua nhanh, hay quên, vô tổ chức, không có khả năng tập trung, đờ đẫn, phán đoán kém, bi quan và lo lắng liên tục.[5]

Căng thẳng, thèm ăn và không có khả năng tập trung vào những gì quan trọng

Căng thẳng có tác động rất lớn. Một tỷ lệ đáng kinh ngạc 71% trong số 2.000 người được hỏi cho biết họ đã trải qua mức độ căng thẳng cao, và điểm thú vị là: Căng thẳng gây ra cảm giác thèm ăn, đặc biệt thèm đường và thực phẩm chế biến nhiều lần. Quá trình tiêu hóa loại thực phẩm này giải phóng chất dẫn truyền thần kinh serotonin, mang lại cho chúng ta làn sóng bình tĩnh và thư giãn, cho phép chúng ta lấy lại sự tập trung tạm thời, cho đến khi mức serotonin giảm dần.

Từ 57 đến 65% số người đang bị đờ đẫn, cảm thấy choáng ngợp, lo lắng và buồn bã cũng trải qua cảm giác thèm ăn.

Cảm giác thèm ăn carbohydrate có thể là do mức serotonin thấp vì loại “hormone hạnh phúc” này được tiết ra trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn khi người ta tiêu thụ lượng carbohydrate quá mức nhằm cảm thấy vui vẻ hơn. Những cảm giác thèm ăn này thường thấy ở những cá nhân phải chịu mức độ căng thẳng cao.[6]

Mối liên hệ với việc chúng ta không có khả năng thành công nằm ở hai yếu tố đang diễn ra hàng ngày. Khi cảm thấy thèm ăn hoặc căng thẳng, phản ứng chiến đấu hay trốn chạy của chúng ta được kích hoạt lên. Quá trình này dẫn máu ra khỏi vỏ não trước, nơi điều khiển vô số chức năng điều hành, bao gồm các hành vi phức tạp như phối hợp, kiểm soát xung lực, phản ứng cảm xúc, tính cách, tập trung, tổ chức, lập kế hoạch phức tạp và ưu tiên thông tin đồng thời.[7]

Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn khó chịu: Lượng đường trong máu của chúng ta giảm, cảm giác thèm ăn của chúng ta tăng lên và lượng cortisol tăng, làm hạn chế khả năng kiểm soát các xung động, sự chú ý và phản ứng cảm xúc của chúng ta. Chúng ta tìm đến carbohydrate ngọt hoặc tinh chế cao và lượng đường trong máu tăng lên, sau đó là sự sụt giảm đột ngột, dẫn đến sự đờ đẫn, không thể tập trung, mất động lực, mất khả năng đạt được mục tiêu.

Chúng ta cố gắng giải quyết vòng luẩn quẩn này ở con cái bằng cách hạn chế lượng đường của chúng, nhưng lại không kiểm soát nó vì sức khỏe tâm lý của chính mình. Chúng ta cũng đã bị bịt mắt bởi các công ty nói rằng họ đang đưa “nhân tố lành mạnh” vào sản phẩm, mặc dù nhiều sản phẩm trong số đó có nhiều đường, chất làm ngọt nhân tạo sucralose, carbohydrate tinh chế, caffeine và chất bảo quản, tất cả đều ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ thông suốt của chúng ta.

Khi lượng đường trong máu của bạn giảm hoặc bạn gặp phải mức độ căng thẳng cao, não của bạn sẽ chuyển sang chế độ sinh tồn, thúc đẩy bạn liều lĩnh hơn và đưa bộ não nguyên thủy của bạn vào trạng thái hưng phấn kích thích cao độ. Sự thay đổi này khiến tính cách, tâm trạng và bản sắc của bạn dao động suốt cả ngày. Động lực của bạn có thể cao vào buổi sáng, nhưng vào buổi chiều, bạn thà ngồi trên ghế và xem tivi còn hơn vì bạn đã sử dụng hết khả năng tinh thần của mình trong ngày.

Trong trạng thái nguyên thủy này, mục đích chính của bộ não là duy trì sự sống chứ không phải để khiến bạn tập trung vào việc đạt được mục tiêu của mình. Não bộ thậm chí còn không xếp việc “đạt được mục tiêu” vào danh sách các chức năng quan trọng cần thiết để duy trì cuộc sống. Trong trạng thái này, còn được gọi là chế độ tự bảo tồn, não bộ mặc định duy trì hiện trạng của bạn chứ không làm thêm gì khác.

Vấn đề là hầu hết chúng ta không thể tắt chế độ này đi, hoặc nếu chúng ta làm vậy, nó sẽ nhanh chóng quay trở lại sau đó, tạo ra một chuyến tàu lượn đầy cung bậc cảm xúc và cảm giác bất lực không thể hoàn thành các dự án đúng hạn. Sự xáo trộn cảm xúc này dễ dàng diễn ra như vậy là do ảnh hưởng trực tiếp của quá trình chúng ta học cách xử lý các mối đe dọa tiềm tàng. Quá trình đó dựa trên nhiều yếu tố như giáo dục, di truyền và cả mức độ các hormone như serotonin và dopamine. Nếu mức serotonin hoặc dopamine của bạn thấp, bạn sẽ khó đương đầu với những thất bại, và nhiều khả năng có tâm thế thụ động thay vì chủ động.

Ngày qua ngày, lối sống hiện tại tàn phá chúng ta bằng các yếu tố căng thẳng, bắt đầu từ một yếu tố nhỏ nào đó tưởng chừng vô hại. Ví dụ về các yếu tố căng thẳng này có thể là phản ứng với thực phẩm không lành mạnh, dị ứng, tin xấu, mất ngủ, ô nhiễm, đồng nghiệp thù địch, căng thẳng tài chính, quá nhiều caffeine, xung đột trong các mối quan hệ, vấn đề gia đình, căng thẳng liên tục hoặc đơn giản là ai đó trên đường nhìn bạn đầy soi mói. Sự căng thẳng bắt đầu tăng tốc và kết quả là các vấn đề khác xuất hiện. Quá trình này xảy ra chậm đến mức ban đầu chúng ta không nhận ra cho đến khi mọi nỗ lực thoát ra đều trở nên vô ích vì các chức năng nhận thức của chúng ta đã bị vô hiệu hóa; nó giống như đi tìm chìa khóa trong một căn phòng tắt đèn tối om vậy.

Để tìm ra công tắc bật đèn, chúng ta phải thay đổi nhân cách và nguồn nhiên liệu, ngay cả khi chỉ trong chốc lát, để khởi động lại tinh thần, cơ thể và tâm trí của chúng ta cùng một lúc.

Các mô hình điều trị cũ

Khi nói chuyện với các chuyên gia trong lĩnh vực y học, tâm thần học, phát triển cá nhân, bẻ khóa sinh học, phản hồi thần kinh, phản hồi sinh học và khoa học thần kinh, tôi phát hiện ra một điều thú vị. Mỗi người trong số họ đều có công thức riêng để thành công, nhưng họ hiếm khi hợp nhất chúng thành một khuôn khổ gắn kết để tạo ra sự thay đổi lâu dài cho chúng ta, những người đang đòi hỏi nhiều hơn từ chính mình. Một số khung này bao gồm:

  • Mô hình y tế: chẩn đoán và điều trị bệnh, kê đơn thuốc để kiểm soát các triệu chứng mà thường không phát hiện và giải quyết nguyên nhân gốc rễ, dẫn đến các tác dụng phụ có thể xảy ra. Mô hình này xem cơ thể như một tập hợp các cơ quan độc lập được phân chia theo các chuyên ngành y tế.
  • Mô hình tự lực: thúc đẩy nhận thức, khám phá hành vi tự phá hoại, truyền cảm hứng thông qua cách kể chuyện, khuyến khích khách hàng thay đổi niềm tin của họ và noi gương những người thành công, có bàn luận thêm các yếu tố tâm lý. Thật không may, phương pháp này không xác định được bất kỳ sự thiếu hụt dinh dưỡng nào có thể góp phần vào những hành vi này, những thiếu hụt dinh dưỡng vẫn tạo ra được thành công nhưng chỉ trong ngắn hạn chứ không thể tạo được sự thay đổi lâu dài. Khách hàng được “tiêm” một luồng ý chí, nhưng khi hết, họ mặc định trở lại chế độ cài đặt trước đây của mình.
  • Các mô hình trị liệu: gồm nhiều liệu pháp như nhận thức, chánh niệm, liệu pháp hành vi và liên nhân. Tương tự như mô hình tự lực, những liệu pháp này có thể khiến bệnh nhân không thực hiện những thay đổi cơ bản trong cơ chế sinh hóa của họ mà chỉ đưa cho họ một mảnh ghép về lý do tại sao họ lại thiếu động lực, thiếu tinh thần, thiếu tập trung, thiếu bình tĩnh.

Lĩnh vực y học chức năng đang thay đổi cách thức điều trị bệnh tật. Nó tìm kiếm và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bệnh. Không giống như y học truyền thống vốn xem cơ thể là một tập hợp các cơ quan độc lập, y học chức năng xem cơ thể như một hệ thống tích hợp. Mục tiêu của nó là điều trị toàn bộ cơ thể, không chỉ các triệu chứng.

Những hiểu biết tôi nhận được từ các chuyên gia mà tôi đã nói chuyện và từ vô số các thực phẩm chức năng, chế độ ăn uống, chiến lược chánh niệm và các thiết bị đeo tôi thử nghiệm trong thời gian 90 ngày này dẫn đến việc tôi suy ngẫm lại toàn bộ ngành khoa học về thành công, nhìn nhận lại đâu là gốc rễ để đạt được thành công đó. Tôi đã thử nghiệm một phương pháp y học chức năng hoàn chỉnh để đạt hiệu suất cao nhất và giờ tôi sẽ hướng dẫn bạn bắt đầu từ việc tìm ra khoảng hở trong nhân cách cho đến trở thành người dẫn đầu, thành người không thể cản ngăn. Hãy cùng tìm hiểu nào.

-Còn tiếp-

Chú thích:

  1. Eva Ritvo, “Facebook and Your Brain: The Inside Dope on Facebook” (Facebook và bộ não của bạn: Thuốc mê trên Facebook), Psychology Today, 24/5/2012, www.psychologytoday.com/us/blog/vitality/201205/facebook-and-your-brain.
  2. Deane Alban, “Dopamine Deficiency, Depression and Mental Health” (Thiếu hụt dopamine, trầm cảm và sức khỏe tâm thần), Be Brain Fit, https://bebrainfit. com/dopamine-deficiency/.
  3. Deane Alban, “Serotonin Deficiency: Signs, Symptoms, Solutions” (Thiếu hụt serotonin: Dấu hiệu, triệu chứng, giải pháp), Be Brain Fit, https://bebrainfit. com/serotonin-deficiency/.
  4. “Stress Effects on the Body” (Tác động của căng thẳng đến cơ thể), Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, www.apa.org/helpcenter/stress-body.aspx.
  5. “Stress Symptoms” (Các triệu chứng căng thẳng), WebMD, 11/7/2017, www.webmd. com/balance/stress-management/stress-symptoms-effects_of-stress-on-the-body#2.
  6. R.J. Wurtman, “Brain serotonin, carbohydrate-craving, obesity and depression” (Serotonin của não, thèm carbohydrate, béo phì và trầm cảm), 3/11/1995, www. ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8697046.
  7. “Prefrontal Cortex” (Vùng vỏ não trước trán), GoodTherapy.org, www. goodtherapy.org/blog/psychpedia/prefrontal-cortex.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Trích đăng “Hành trình người viết” – Christopher Vogler

Published

on

Trích từ: Hành Trình Người Viết
Tác giả: Christopher Vogler
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH

“Loài người thật ra chỉ có tầm hai hay ba câu chuyện thôi,

và chúng được lặp đi lặp lại mải miết cứ như lần đầu được kể.”

— Willa Cather, trong O Pioneers!

Về lâu dài mà nói, Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt của Joseph Campbell là một trong những quyển sách có sức ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

Những tư tưởng mà quyển sách truyền tải đang ảnh hưởng to lớn tới cách thức kể chuyện. Các tay viết đang dần nhận thức rõ hơn về các hình mẫu trường tồn mà Campbell đã đưa ra, và góp phần làm giàu thêm bằng chính công sức của họ.

Hiển nhiên Hollywood cũng đã nhận ra công trình của Campbell hữu ích thế nào. Những nhà làm phim như George Lucas và George Miller đều bày tỏ lòng biết ơn tới Campbell, tầm ảnh hưởng của ông còn được thể hiện trong các phim của Steven Spielberg, John Boorman, Francis Coppola, Darren Aronofsky, Jon Favreau, và nhiều người khác.

Không có gì ngạc nhiên khi Hollywood rất ưng các tư tưởng mà Campbell trình bày trong tác phẩm của mình. Những khái niệm ông đưa ra như hộp dụng cụ vào nghề cho biên kịch, nhà sản xuất, nhà thiết kế… Chúng ẩn chứa đầy đủ các công cụ chắc chắn để phục vụ hoàn hảo cho mục đích sáng tác. Những công cụ này cho phép người dùng dựng nên câu chuyện đáp ứng đủ loại tình huống, một câu chuyện vừa có thể ẩn chứa bi kịch, lại vừa mang tính giải trí, và còn chuẩn xác về mặt tâm lý. Chúng cho phép người dùng chẩn đoán mọi vấn đề ẩn chứa trong các kịch bản khó nhằn, cũng như cung cấp giải pháp chỉnh sửa để đưa kịch bản lên tới tầm khả thi đỉnh cao của nó.

Thời gian là bảo chứng rõ ràng nhất cho tác dụng của hộp đồ nghề này. Chúng tồn tại lâu đời hơn cả những kim tự tháp, vòng tròn đá Stonehenge hay những hình vẽ sơ khai trên vách hang động.

Bộ công cụ này được Joseph Campbell hoàn thành khi ông bỏ công sức góp nhặt và quy mọi nhánh tư tưởng về một mối, sau đó nhìn nhận, diễn giải, đặt tên, và sắp xếp lại toàn bộ. Chính ông là người đầu tiên đem những hình mẫu chứa đựng trong các câu chuyện ra ánh sáng.

Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt là bản báo cáo của Campbell về cấu trúc bền vững nhất trong văn học, xét cả văn nói lẫn văn viết: thần thoại về người anh hùng. Trong nghiên cứu của mình về thế giới thần thoại, Campbell nhận ra rằng về bản chất mọi câu chuyện đều y hệt nhau, một cấu trúc lặp đi lặp lại bất tận với vô hạn biến thể.

Ông nhận ra rằng trong mọi cách kể chuyện, dù vô tình hay hữu ý, thì cũng theo các khuôn mẫu cổ đại từ thần thoại. Và mọi câu chuyện, từ những chuyện đùa thô thiển nhất cho tới đỉnh cao văn học, đều có thể diễn giải dựa trên Hành Trình Anh Hùng: vòng lặp hành trình cùng các nguyên tắc của nó.

Các hình mẫu trong Hành Trình Anh Hùng mang tính chung nhất, áp dụng ở bất kỳ nền văn hóa, bất kỳ thời điểm nào. Hệt như chính loài người chúng ta, khả năng biến thể tái lặp của các hình mẫu là vô hạn, dẫu cho bản chất nguyên thủy không hề thay đổi. Hành Trình Anh Hùng là một chuỗi các yếu tố bền bỉ bật lên từ sâu thẳm nhất trong tâm trí con người, có khác biệt qua các nền văn hóa, nhưng về bản chất vẫn là một.

Suy nghĩ của Campbell cũng song hành với nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Carl G. Jung, người từng viết về các cổ mẫu (hoặc nguyên mẫu) như sau: chúng là những nhân vật hoặc nguồn năng lượng được lặp lại, liên tiếp, xuất hiện trong giấc mơ của mọi người và các câu chuyện thần thoại trong mọi nền văn hóa. Jung cũng gợi ý rằng những nguyên mẫu trên phản ánh những khía cạnh khác nhau của tâm trí con người, rằng bản dạng của chúng ta được phân thành nhiều tính cách để đối ứng với những thăng trầm khác nhau của cuộc đời. Ông nhận ra có sự tương thích mạnh mẽ giữa các hình ảnh trong giấc mơ của bệnh nhân mình chăm sóc với các cổ mẫu trong thần thoại. Ông cho rằng cả hai đều xuất phát từ những nguồn sâu thẳm hơn: vô thức tập thể (collective unconscious) của loài người.

Những nhân vật được lặp đi lặp lại trong thế giới thần thoại cũng chính là những thứ thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ và tưởng tượng của chúng ta: các anh hùng trẻ tuổi, những bô lão thông thái, người biến hình, và các nhân vật phản diện núp trong bóng tối. Điều đó lý giải tại sao thần thoại và các câu chuyện được dựng nên từ hình mẫu của chúng đều chứa đựng triết lý về tâm lý.

Các câu chuyện như thế là những hình mẫu chính xác cho việc khai thác tâm trí con người, bản đồ chân thực của tâm hồn. Chúng chính xác về mặt tâm lý, và đưa ra cảm xúc chân thật ngay cả khi được dùng để diễn giải các sự kiện siêu phàm, phi thường, phi thực tế.

Vì lẽ đó, các câu chuyện trên đều sở hữu tính phổ quát. Bất cứ ai cũng có thể cảm thụ được sức hấp dẫn của những câu chuyện dựa trên mô hình Hành Trình Anh Hùng, chính bởi nguồn gốc phổ quát và phản ánh được vạn vật tự nhiên.

Chúng giải thích những câu hỏi phổ biến thuở còn trẻ thơ của mọi người: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Khi chết rồi tôi sẽ tới đâu? Thiện ác là gì? Tôi phải đối phó với chúng ra sao? Ngày mai sẽ thế nào? Ngày hôm qua đã trôi về đâu? Bên ngoài kia còn ai không?

Những tư tưởng được lồng vào trong thần thoại, sau đó được Campbell định dạng lại trong tác phẩm Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có thể được dùng để thấu hiểu hầu hết vấn đề nhân sinh. Chúng là chìa khóa hữu ích cho cuộc sống, cũng như công cụ hiệu quả để lôi cuốn đám đông khán giả.

Nếu bạn muốn hiểu rõ các tư tưởng đằng sau Hành Trình Anh Hùng, chẳng có cách nào khác ngoài việc tìm đọc tác phẩm của Campbell. Đó sẽ là trải nghiệm thay đổi đời người.

Đọc nhiều thần thoại cũng là ý hay, nhưng đọc sách của Campbell thì hiệu quả cũng chẳng khác là bao bởi lối kể chuyện bậc thầy, và ông cũng thích minh họa những luận điểm bằng ví dụ lấy từ chính kho tàng thần thoại đồ sộ.

Trong Chương 4 của Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có tên “Những Chiếc Chìa Khóa”, Campbell đã đưa ra dàn bài cho Hành Trình Anh Hùng. Tôi đã mạn phép thay đổi dàn bài một chút, cố gắng phản ánh thêm về các chủ đề phổ biến trong điện ảnh bằng các minh họa trích từ các bộ phim đương đại, và cả một vài phim cổ điển khác. Độc giả có thể so sánh hai dàn bài và các thuật ngữ thông qua Bảng 1 ngay dưới đây.

HÀNH TRÌNH NGƯỜI VIẾTNGƯỜI HÙNG MANG NGÀN GƯƠNG MẶT
HỒI MỘTKHỞI HÀNH, LY BIỆT
Thế Giới Bình Phàm
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Gặp Gỡ Sư Phụ
Vượt Ải Đầu Tiên
Thế Giới Thường Nhật
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Sự Trợ Giúp Siêu Nhiên
Vượt Ải Đầu Tiên
Bụng Cá Voi
HỒI HAIDẤN THÂN, KHỞI ĐẦU, VƯỢT QUA
Thử Thách, Đồng Minh, Kẻ Thù
Tiếp Cận Hang Động Trong Cùng
Khổ Hình   



Phần Thưởng
Con Đường Thử Thách 

Gặp Gỡ Nữ Thần
Ải Mỹ Nhân
Chuộc Tội Cùng Thánh Thần
Sự Sùng Bái
Ân Huệ Tối Thượng
HỒI BATRỞ VỀ
Con Đường Trở Về




Hồi Sinh
Quay Về Cùng Thần Dược
Từ Chối Trở Về
Hành Trình Kì Diệu
Sự Giải Cứu
Vượt Qua Thử Thách
Trở Về
Bậc Thầy Ở Hai Thế Giới
Tự Do Để Sống
BẢNG 1
So sánh dàn bài và thuật ngữ

Tôi sẽ kể lại giai thoại Anh Hùng theo cách riêng mình, và độc giả cũng nên làm tương tự. Mọi tay viết đều có thể nhào nặn các hình mẫu thần thoại theo mục đích riêng, hoặc theo nhu cầu của một nền văn hóa cụ thể nào đó.

Đó là lý do tại sao người hùng lại có muôn vàn gương mặt.

Một chú thích về thuật ngữ “anh hùng” được dùng ở đây, cũng tương tự như “bác sĩ”, hay “nhà thơ”, hoàn toàn có thể chỉ bất kỳ giới tính nào.

HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

Dẫu cho có muôn vàn biến thể, bản chất câu chuyện về Anh Hùng luôn là một hành trình. Họ từ bỏ cuộc sống dễ chịu quen thuộc cố hữu để dấn thân vào thế giới xa lạ đầy thử thách. Đó có thể là một hành trình hướng ngoại đến một địa điểm cụ thể nào đó: một mê cung, một khu rừng, hay một hang động, một thành phố, một quốc gia xa lạ, một địa điểm mới toanh, nơi sẽ trở thành võ đài cho chính họ chiến đấu với những thế lực phản diện khó nhằn.

Nhưng cũng có nhiều câu chuyện đưa ra hành trình hướng nội, tìm về tâm trí, trái tim, linh hồn của con người. Trong bất kỳ câu chuyện hấp dẫn nào cũng chứa đựng hành trình trưởng thành và thay đổi của nhân vật chính: từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ yếu ớt đến mạnh mẽ, từ điên cuồng đến khôn ngoan, từ yêu thành hận, và ngược lại. Những hành trình đầy cảm xúc này mê hoặc khán giả và tăng cường giá trị theo dõi của chính câu chuyện.

Có thể nhận ra các chặng đường trên Hành Trình Anh Hùng ở khắp mọi câu chuyện, không chỉ gói gọn trong các phiên bản phiêu lưu hành động nảy lửa. Nhân vật chính luôn là người hùng trong mọi hành trình, dù cho con đường phiêu lưu kia chỉ xoay quanh tâm lý hay những mảng quan hệ của họ.

Các chặng trong Hành Trình Anh Hùng xuất hiện và liên kết theo một lẽ tự nhiên, ngay cả khi người viết chẳng hề để ý tới, nhưng những kiến thức góp nhặt từ kho tàng xa xưa này vẫn chứng tỏ độ hữu dụng trong việc nhìn nhận vấn đề và cải thiện cách kể chuyện. Hãy xem 12 chặng đường này như một địa đồ cho Hành Trình Anh Hùng, không chỉ để soi rọi đường đi, mà còn là con đường bền bỉ, linh hoạt, và đáng tin cậy bậc nhất.

CÁC CHẶNG ĐƯỜNG TRONG HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

1. THẾ GIỚI BÌNH PHÀM

2. TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU

3. LỜI TỪ CHỐI

4. GẶP GỠ SƯ PHỤ

5. VƯỢT ẢI ĐẦU TIÊN

6. THỬ THÁCH, ĐỒNG MINH, KẺ THÙ

7. TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG

8. KHỔ HÌNH

9. PHẦN THƯỞNG (ĐOẠT LẤY GƯƠM BÁU)

10. CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ

11. HỒI SINH

12. QUAY VỀ CÙNG THẦN DƯỢC

Đọc bài viết

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Cafe sáng