Top sách hay

An trú trong hiện tại với những tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Không phải quá khứ hay tương lai, hiện tại mới chính là thứ duy nhất chúng ta có thể nắm bắt. Vì vậy, việc an trú trong hiện tại là vô cùng quan trọng. Đây cũng là điều mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường nhấn mạnh trong những gì Thầy viết hay truyền đạt.

Đối với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngày sinh nhật của một người không đơn thuần là ngày đánh dấu thời điểm người ấy chào đời, nó mang một ý nghĩa đặc biệt hơn: ngày tiếp nối. Tiếp nối những kinh nghiệm, giá trị tinh thần của người được sinh ra vào ngày ấy đến những người khác. Mừng ngày tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm nay, Phương Nam Book gợi ý cho bạn đọc một số tác phẩm tiêu biểu để hiểu rõ hơn về những triết lí sâu sắc của Thầy.

Nghệ Thuật Thiết Lập Truyền Thông

Nghệ Thuật Thiết Lập Truyền Thông là tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một trong những vị thiền sư có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng tu tập Thiền trên toàn thế giới – nêu ra sự cần thiết của việc thiết lập truyền thông, trao đổi, giải tỏa những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người với nhau, và với cả bản thân mình. Từ đó, Thiền sư đề xuất các phương cách tạo lập truyền thông: thiền đi, thở, ôm trong chánh niệm; cách kiềm chế, chuyển hóa cơn giận… để mỗi người có thể lắng nghe cha mẹ, đồng nghiệp, và bản thân mình; hiểu rõ những khổ đau mà người khác phải chịu đựng, từ đó chữa lành những tổn thương trong quá khứ, vui sống với hiện tại, vị tha, bao dung hơn với mọi người. Hạnh phúc sẽ tỏa sáng khi con người hiểu biết và yêu thương nhau hơn.

Thả Một Bè Lau

Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy văn chương Việt Nam và đã dạy Truyện Kiều. Nhưng tâm thức của tôi lúc đó không được như bây giờ. Tôi đã dạy với tư cách một giáo sư văn chương mà chưa bao giờ dạy với tư cách một thiền sư. Nhìn với tư cách một thiền sư là nhìn sâu, nhìn kỹ, nhìn bằng sự khám phá của thiền quán mọi sự kiện qua những nhận thức, đau khổ, hạnh phúc, thành công, thất bại,…

Nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc, gian truân của mình ra đọc Truyện Kiều, chúng ta có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc Truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu. Nhìn như vậy trong khi đọc lại Truyện Kiều ta có thể thấy được những điều rất mới.

Nẻo Về Của Ý

Đọc Nẻo Về Của Ý ta như được thưởng thức một bài thơ tuyệt đẹp, trong bài thơ ấy hiện lên những nét vẽ đầy thơ mộng về cảnh núi rừng, ở trong đó cũng chứa đựng nguồn tuệ giác thâm sâu có được từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời thực của tác giả với những nhân vật có thực. Bằng một ngòi bút nhẹ nhàng, khoáng đạt, đầy yêu thương, tác giả nắm tay ta cùng bước trên những thảm cỏ xanh quanh chân núi rồi từng bước một, cùng ta đi rất thảnh thơi, an lạc theo vòng xoắn ốc lên tới tận đỉnh núi. Trên đường đi ngập tràn những kỳ hoa dị thảo, người bộ hành vừa đi vừa chơi, vừa thưởng thức những vẻ đẹp xung quanh và khi lên tới nơi mới ngỡ ngàng là mình đang ở trên đỉnh núi, vui sướng, khỏe nhẹ và bình an.

Đọc Nẻo Về Của Ý ban đầu ta thấy thích thú với những chuyện kể đời thường, vừa bình dị vừa sống động và dí dỏm. Qua những cái bình dị đời thường ấy, tác giả đã chỉ cho ta thấy ánh sáng chói ngời của chân lý tối thượng.

Cuốn sách này sau khi được cô Mobi Warren dịch ra tiếng Anh đã được các độc giả Tây Phương đón nhận một cách nồng nhiệt. Chỉ trong vòng năm năm, từ khi cuốn sách được dịch ra tiếng Anh, nó đã được dịch ra 12 thứ tiếng khác, tính đến nay nó đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Cô Rachel Neuman, biên tập viên của nhà xuất bản Parallax, trong lúc ngồi trên máy bay từ New York tới San Francisco đã đọc hết bản dịch của cuốn Nẻo Về Của Ý và nói đây là tác phẩm cô yêu thích nhất của tác giả Thích Nhất Hạnh.

Nhật Tụng Thiền Môn

Đã từ năm mươi năm nay, Phật tử Việt Nam, nhất là giới xuất gia, chờ đợi một cuốn Nhật Tụng Thiền Môn bằng Quốc Ngữ. Trong quá trình thực tập và hoằng pháp, tôi cũng đã từng nhiều lần cảm thấy nhu yếu cấp thiết này. Nay sách Nhật Tụng Thiền Môn của Đạo Tràng Mai Thôn được ấn hành, tôi hết sức vui mừng và xin trân trọng giới thiệu với các giới hành giả khắp nơi trong toàn quốc.

Sách Nhật Tụng Thiền Môn mà quý vị đang nâng trên tay quả là một pháp bảo, quý giá vô cùng. Các vị giáo thọ của Đạo Tràng Mai Thôn đã để ra mười lăm năm để soạn tập, phiên dịch và xây dựng lên nó. Văn dịch sáng sủa và đẹp đẽ, diễn đạt được ý kinh một cách rõ ràng và tự nhiên, rất dễ tụng đọc. Các kinh điển được chọn lọc trong kinh tạng lại là những kinh tiêu biểu và căn bản, kinh nào cũng thiết yếu cho công phu hành trì của người xuất gia. Những bài kệ tán và xướng tụng hay nhất trong sách Nhật Tụng Thiền Môn cũ đều đã được phiên dịch rất khéo léo, thêm vào đó còn có rất nhiều bài kệ tán, phát nguyện và sám nguyện mới rất thích hợp với căn cơ và thời đại.

Sách Nhật Tụng Thiền Môn này nếu được đem ra áp dụng sớm sẽ tạo ra rất nhiều sinh khí mới cho thiền môn và mở ra một kỷ nguyên mới cho sự thực tập.

Giận 

Giận là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nó mở ra cho ta những khả năng kỳ diệu, nhưng lại rất dễ thực hành để ta tự mình từng bước… thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.

Giận được xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 10.9.2001, trước biến cố 11.9.2001 có một ngày. Vì thế Giận đã trở thành quyển sách bán chạy nhất Hoa Kỳ – 50.000 bản mỗi tuần – trong vòng 9 tháng.

Tại Hàn Quốc, quyển sách này đã bán được 1 triệu bản trong vòng 11 tháng. Rất nhiều độc giả nhờ đọc sách này mà đã điều phục được tâm mình, sử dụng ái ngữ lắng nghe để hoà giải với người thân, đem lại hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đồng của họ.

Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức

Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là những phương pháp nhiệm mầu thực tập thiền quán trong đời sống hàng ngày. Đọc nó, chúng ta cảm nhận được từng sát na hạnh phúc trong cuộc sống. Từ một bác sĩ, một người công nhân, một thợ may, một người thợ tiện, một bà nội trợ đến một kỹ sư… Tất cả những công việc thường nhật đó bỗng trở nên phép lạ khi thắp lên ánh sáng chánh niệm.

Sách đã dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới, được mọi độc giả, mọi thành phần trong xã hội nhiệt liệt hoan nghênh. Có thể thấy rằng đây không chỉ là một cuốn sách mà là những chia sẻ kinh nghiệm nếp sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày, là bài học căn bản thực tập thiền quán của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Đường Xưa Mây Trắng

Đường Xưa Mây Trắng – Theo Gót Chân Bụt là một câu chuyện vô cùng lý thú về cuộc đời của Bụt được kể lại dưới ngòi bút hùng hồn đầy chất thơ của tác giả. Với văn phong nhẹ nhàng giản dị, với lối kể chuyện sinh động lôi cuốn, tác giả đã đưa chúng ta trở về tắm mình trong dòng sông Nguyên thỉ cách đây gần 2.600 năm, để được hiểu và gần gũi với một bậc giác ngộ mà cuộc đời của Ngài tỏa rạng nếp sống đầy tuệ giác và từ bi. Đọc Đường Xưa Mây Trắng cho chúng ta cảm tưởng như đang đọc một thiên tình sử, nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu lắng.

Sách Đường Xưa Mây Trắng – Theo Gót Chân Bụt đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được tái bản nhiều lần ở các nước và được xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20.

Hết.

Top sách hay

7 tựa sách nổi bật tôn vinh ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Published

on

7 tựa sách nổi bật tôn vinh ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bookish giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm nổi bật truyền tải thông điệp về sự biết ơn chân thành đến những người thầy, người cô của mình.

Nghề giáo là công việc cao quý của người thầy khơi dậy ngọn lửa tri thức cho học trò. Vì thế, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể làm trong ngành giáo dục, đồng thời là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô của mình. Những tác phẩm dưới đây đều thể hiện rõ tinh thần tôn sư trọng đạo.

Tình thầy - thiền sư Thích Nhất Hạnh

Cuốn sách ghi lại những khoảnh khắc gần gũi, niềm vui và hạnh phúc mà tác giả – Sư cô Chân Hội Nghiêm có được với thầy mình – Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó là những chuỗi ngày đẹp và thơ, những ngày tác giả được sống gần Thầy với tất cả sự hồn nhiên, vui tươi và trong sáng.


Những kỷ niệm đó không chỉ gói gọn trong tuổi thơ của một thời làm sa di, mà trải dài suốt hành trình trưởng thành trên con đường tu học, trở thành thị giả, cho đến lúc gánh vác công việc trụ trì sau này.

Sau mỗi câu chuyện được kể, ta thấy được tâm tình xúc động của tác giả dành cho người thầy kính yêu với lòng ngưỡng vọng và biết ơn vô hạn, nhận ra những bài học giản đơn nhưng có tác dụng nâng đỡ và nuôi dưỡng sâu sắc, đặc biệt hơn là có cơ hội tiếp xúc với chân dung đời thường của một vị thiền sư lỗi lạc, đầy hiểu biết và thương yêu.

Người thầy - Frank McCourt

Người thầy bắt đầu bằng câu chuyện giản dị của một giáo viên tập sự dạy đám học trò mười sáu tuổi. Một người thầy hơi nhút nhát, hơi căng thẳng, hơi mất bình tĩnh trước học sinh. Cũng như bao giáo viên khác, anh nhớ như in những điều cần phải làm để tạo một hình ảnh mực thước, xa cách và nghiêm khắc tới các học trò. Song McCourt đã không dấn sâu vào lối mòn mẫu mực ấy. Không phải vì anh là người quá can đảm, quá thông minh, dứt khoát phải đi trên con đường mới, mà điều đơn giản, McCourt muốn trở thành một người thầy như mình từng mong ước khi còn nhỏ, muốn tất tật các em học sinh đều thực sự quan tâm đến bài giảng tiếng Anh của mình.


Người kể chuyện hóm hỉnh, hài hước, đôi khi sâu cay và phần nào bất kính khi không thừa nhận những quy tắc có phần khiên cưỡng trong nghề giáo viên. Ở tuổi sáu mươi sáu, Frank McCourt được ví như loài hoa nở muộn khi cuốn hồi ký Angela’s Ashes ra mắt năm 1996 đã giành giải thưởng Pulitzer, giải thưởng của giới phê bình sách toàn quốc (National Book Critics Circle Award), và Thời báo L.A (L.A Times Book Award). Ba năm sau, cuốn Tis tiếp tục chinh phục độc giả viết về cuộc sống của tác giả trên đất Mỹ và việc ông trở thành thầy giáo như thế nào. Và giờ đây là Người thầy, quyển sách được McCourt mong đợi, giải thích vì sao mà sự nghiệp dạy học ba mươi năm quyết định “màn hai” của đời ông với tư cách là một nhà văn.

Tờ Publishers Weekly đã đánh giá về Người thầy: “Một cuốn sách cũng nên là tài liệu bắt buộc cho mọi giáo viên ở Mỹ.”

Ký ức người thầy – Nhiều tác giả

Ký ức người thầy tập hợp 26 truyện ngắn viết về những kỷ niệm đẹp giữa thầy cô với học trò qua các thế hệ nhà giáo. Các truyện ngắn như: Bốn câu chuyện về những học trò của tôi, cậu học trò đầu tiên của tôi, “Chị giáo” cô học trò nhỏ, cậu học trò áo trắng…

Trong câu chuyện “Người học trò tự kỷ” của cô giáo Nguyễn Thị Thành Luận. Rôm là học trò đầu tiên mà cô giáo Luận nhận gia sư. Bạn bè, cha mẹ can ngăn khi cô nhận Rôm là học trò, vì mọi người sợ rằng cô sẽ gặp nhiều khó khăn khi dạy cậu vì Rôm là một cậu bé tự kỷ. Nhưng sự yêu trẻ và lòng kiên trì đã giúp cô dạy dỗ Rôm tiến bộ. Rồi bệnh của cậu bé cũng dần tiến triển tốt, khi cô giáo ốm xin nghỉ cậu còn gọi điện và hỏi thăm sức khỏe của cô. Cũng có lần cô bị hỏng xe và cả điện thoại, hôm sau đến, Rôm thì thầm một câu gì đó, mọi người bảo Rôm đang giận, vì cô không đến dạy.


Cô giáo tâm sự: “Nhờ Rôm, tôi sẽ nhớ những năm tháng đại học, với công việc vừa kiếm tiền, vừa trải nghiệm trong môi trường tự giáo dục sớm và hơn hết, một kỷ niệm tôi không bao giờ quên, tôi cũng từng là “giáo viên” và tôi cũng đã từng có một “học sinh” cho mình. Con đường đến với nghề giáo, có thể sẽ không chỉ được dạy ở một trường học. Chính tôi cũng sẽ tự tạo ra một  “ngôi trường” cho mình. Cảm ơn em – người học trò tự kỷ của tôi!” Các con hãy tìm đọc trang 105 của cuốn sách để trải nghiệm những năm tháng gia sư bên cậu học trò tự kỷ của cô giáo Luận nhé.

Tình yêu thương của thầy cô giáo dành cho học trò của mình dù ở cấp học nào, lứa tuổi nào đều đáng trân trọng. Các thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy nghĩa để học trò mình nên người. Những câu chuyện trong cuốn sách này vừa là bài ca tri ân gửi đến những người “đưa đò” thầm lặng.

Những câu chuyện trong Ký ức người thầy là những mảng màu đa sắc của niềm vui buồn, nỗi day dứt, của giọt nước mắt nuối tiếc hay hạnh phúc trên con đường của những người đang và đã từng bước qua nghề giáo. Tình yêu, kỷ niệm trong những trang viết giản dị mà chân thành ấy là bài ca tri ân người đưa đò vừa là hành trang quý giá cho những học sinh, sinh viên đã, đang và sẽ chọn cho mình nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý: “Nghề trồng người”.

3 người thầy vĩ đại – Robin Sharma

Cuốn sách 3 người thầy vĩ đại của tác giả Robin Sharma nói về nhân vật có tên là Jack. Jack gặp 3 người thầy trên đường, đó là vị thánh, nữ CEO và người lướt sóng. Ba người thầy này có quan điểm, sở trường, cuộc sống khác nhau, tuy nhiên họ lại mang đến cho anh những bài học đắt giá. Jack cho rằng, con đường anh đang tìm không ở đâu xa mà chính là nơi trái tim của mình. Và cuốn sách viết về thầy cô này cũng là một người thầy dành cho ai đang khao khát đi tìm hạnh phúc đích thực. Dù được viết hư cấu tuy nhiên cuốn sách 3 người thầy vĩ đại này có lối kể rất chân thật, gần gũi, ý nghĩa.


Lồng ghép vào câu chuyện về những chuyến phiêu lưu của một con người dường như gặp phải những rắc rối trong đời. Robin Sharma đã đưa vào trong quyển sách 3 người thầy vĩ đại những triết lý sâu sắc về vũ trụ, tình yêu thương, hạnh phúc và thành công.

Tuy chỉ là 3 câu chuyện lớn hư cấu nhưng với những chất liệu rất thực tế là những vấn đề con người gặp phải hàng này, tác giả đã mang tới cho người đọc nhiều chiêm nghiệm, khơi gợi những khám phá về bản thể con người và vũ trụ rộng lớn ngoài kia.

Sao thầy không mãi teen teen – Lê Hoàng

Cuốn sách Sao thầy không mãi teen teen của đạo diễn Lê Hoàng dày khoảng 270 trang, khiến độc giả trẻ ngạc nhiên vì ông không cần lên gân mà vẫn "cực teen" trong văn phong hài hước, bay bổng, sinh động pha trộn với sự đanh đá – điều vốn tạo nên dấu ấn thú vị ở đạo diễn này. Thông qua nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết là cô gái 17 tuổi có nickname Ly Cún, tác giả vẽ nên thế giới học trò gần gũi, nghịch ngợm, hồn nhiên, ham học hỏi, khao khát những khám phá mới về bản thân cũng như thế giới xung quanh.


Sao thầy không mãi teen teen đề cao nhân cách, tính chủ động, đề cao cá tính, đề cao sự hiểu biết của lớp trẻ trong lứa tuổi bản lề của cuộc đời – tuổi teen. Ðây không phải sách về tình yêu, cũng không phải sách về tình cảm. Ðây cũng không phải sách học làm người. Tôi hy vọng đọc nó xong, mỗi đứa bé sẽ tự làm theo cách của riêng chúng.

Émile hay là về giáo dục

Jean-Jacques Rousseau là một triết gia vĩ đại thời khai sáng. Tư tưởng và tầm vóc ảnh hưởng của ông lớn tới nỗi sử gia lỗi lạc Will Durant (tác giả của bộ sử kinh điển “Lịch sử Văn minh Thế giới”) đã gọi thế kỷ thứ 18 (Thế kỷ Ánh sáng) là thời đại Rousseau.

Émile hay là về giáo dục là tác phẩm quan trọng nhất của ông về giáo dục và được xem là một kiệt tác về giáo dục. Những tư tưởng nhân văn cốt lõi nhất của ông về giáo dục trong tác phẩm này có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền giáo dục tiến bộ ngày nay trên khắp thế giới.


Do vậy, chúng ta không thể tìm hiểu hay thấu hiểu về nguồn gốc của những tư tưởng giáo dục tiến bộ trong lịch sử nhân loại mà lại bỏ qua kiệt tác này.

Vượt qua khoảng cách 260 năm, tưởng như Rousseau là người sống cùng thời với chúng ta, đang chia sẻ những nỗi lo âu và bất bình của những người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một nền giáo dục đang phạm nhiều sai lầm từ cơ sở triết lý, cách thiết kế cho đến phương pháp sư phạm với mọi hậu quả đáng sợ cho thầy cô lẫn học trò, phụ huynh lẫn con cái.

Chiến binh cầu vồng – Andrea Hirata

Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata là một trong những quyển sách truyền cảm hứng về tình bạn, tình thầy trò, ngôi trường thân yêu cùng cuộc sống nghèo khổ, cơ cực của tầng lớp lao động thấp.


Nội dung quyển sách được dựa trên một câu chuyện có thật ở vùng quê nghèo Indonesia, nơi 10 đứa trẻ phải vật lộn với cuộc sống, những định kiến chê cười của xã hội để được đến trường. Nhiều câu chuyện đáng nhớ được kể lại suốt quãng đời đi học, và cái kết cay đắng khiến nhiều độc giả phải suy ngẫm.

Đọc bài viết

Top sách hay

Tiểu thuyết kinh dị “Tết ở làng Địa Ngục” cán mốc 4.000 bản trong lần đầu xuất bản

Published

on

Tết ở làng Địa Ngục

Tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục của tác giả Thảo Trang đạt 4.000 bản trong lần xuất bản đầu, gấp 3 lần một cuốn sách thông thường. 

Quyển tiểu thuyết kinh dị tạo ra cơn sốt trên thị trường

Vào năm 2022, khi mới ra mắt sách Tết ở làng Địa Ngục đã lập tức tạo ra cơn sốt trên thị trường sách tiểu thuyết kinh dị với hàng loạt các thành tích ấn tượng: Sách được đánh giá là một trong những tiểu thuyết kinh dị ăn khách nhất trong năm 2022; Chạm mốc 4.000 bản trong lần xuất bản đầu, gấp 3 lần một cuốn sách thông thường; Sách được chuyển thể thành phim và đã công chiếu trên nền tảng nền tảng K+ và Netflix.

Sách Tết ở làng Địa Ngục. Ảnh: Đinh Tị Books

Theo nhà sản xuất Hoàng Quân, Tết ở làng Địa Ngục không chỉ lôi cuốn mà còn rất đầy đặn và đậm đà màu sắc tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam. Anh cho biết: “Chưa có một tác phẩm nào khiến tôi cảm thấy hứng thú và bị lôi cuốn đến thế”. 

Còn đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Tết ở làng Địa Ngục là cuốn tiểu thuyết kinh dị có nội dung kỳ lạ và thú vị nhất mà tôi từng đọc. Khác với các câu chuyện kinh dị thông thường, ở tiểu thuyết này, tác giả mô tả chi tiết các cái chết và sự độc ác của quỷ dữ thông qua những chi tiết đậm chất văn hóa dân gian và tâm linh miền cao”. 

Đom đóm cõng linh hồn - Chất liệu dân gian ly kỳ được “kinh dị hóa” qua những trang sách

Ở những vùng thôn quê, vùng núi, nơi cây cối um tùm, sum suê, sự xuất hiện của những con đom đóm là điều quá đỗi quen thuộc, bình thường. Và trong quan niệm của người dân quê hương tác giả Thảo Trang, từ ngày xưa, mỗi con đom đóm ở ngoài nghĩa địa, sẽ cõng theo một linh hồn người đã khuất.

Quan niệm ấy đã được "kinh dị hóa", được khéo léo biến tấu và đưa vào trong Tết ở làng Địa Ngục. Sự xuất hiện của đom đóm mang theo nỗi ám ảnh tang thương mà cả dân làng Địa Ngục phải kinh sợ, tìm đủ đường trốn tránh, vì chúng cõng trên lưng những oan hồn bị những tên cướp tàn bạo sát hại, đến đòi công đạo, mà người dân làng Địa Ngục lại chính là đảng cướp khét tiếng ác độc, nham hiểm thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong ấy.

Phân cảnh trong phim Tết ở làng Địa ngục. Ảnh: K+

Thuở đó, quan điểm của chúng là giết sạch, cướp sạch, không một ai sống sót. Phi vụ cuối cùng của lũ cướp là tấn công đoàn người giàu có đi qua nơi này, tổng cộng 193 mạng người, gần như bị giết sạch, ngoại trừ một bà mẹ mang bầu đứa con sắp sinh kịp trốn thoát. Sau đó đảng cướp bị quan quân truy sát, chỉ còn vài trăm người sống sót chạy trốn khắp nơi. Cuối cùng họ dừng chân tại một vùng đất cheo leo bên sườn núi, quanh năm có sương mù, và nghĩ rằng đây sẽ là nơi trú ẩn, sẽ là nơi nương náu để họ sống nốt phần đời còn lại.

Sẽ không có ai biết họ là hậu nhân của đảng cướp truông nhà Hồ khét tiếng năm xưa. Mặc cảm đeo bám từ những tội ác vấy máu của tổ tiên khiến dân làng đồng ý đặt tên cho làng là làng Địa Ngục. Mặc dù không người dân làng nào dám rời khỏi làng một bước, ngoại trừ ông Thập trưởng làng để mang lương thực về cho làng và không cho phép bất cứ người lạ nào được vào trong làng. Dù họ đã nghĩ rằng cuộc đời mình rồi sẽ cứ thế trôi đi như vậy. Thế nhưng có lẽ họ cũng không ngờ quả báo lại đến sớm và kinh hoàng như thế. 

Cái Tết định mệnh hay cơn thịnh nộ của ác quỷ mặt người?

Câu chuyện kể về một ngôi làng nằm trên một ngọn núi bí ẩn tách biệt hẳn khỏi nhân gian, mọi giao thương đều thông qua ông Thập - trưởng làng có tiếng nói nhất.

Tết sắp đến, ai cũng háo hức đón chờ một năm mới bình an như mọi khi. Nào ngờ giao thừa chưa đón mà họa đã đổ ập xuống mảnh đất nơi đây. Họ mơ thấy những giấc mộng kì quái và cái chết xảy ra quá thương tâm, thân mang trọng trách nặng nề nên ông quyết định tìm đủ mọi cách trước khi mọi sự quá trễ.

Việc phá lệ mang hai người lạ vào làng, nếu suôn sẻ thì đúng là lập công lớn, còn thất bại chính là hoạ chồng hoạ. Thế nhưng mọi chuyện cũng đã muộn màng, bởi mưu mô chước quỷ của hung thần đã thật sự biến ngôi làng nhỏ không khác gì thiên la địa võng. Tiết trời năm ấy không còn mang sắc thiên thanh bình yên vốn có mà như khóc ra màu máu đỏ…

Sách Tết ở làng Địa Ngục. Ảnh: Đinh Tị Books

Một chuỗi sự kiện tang tóc nhưng lại được sắp xếp lớp lang cực kỳ thuyết phục. Đi từ quá khứ làng Địa Ngục, tác giả cho thấy cái cốt lõi, tức nhân đầu tiên, kế tiếp là những quả đắng liên tục giáng xuống từng mái nhà nơi đây. Những bí ẩn không lời giải đáp và án mạng liên hoàn tưởng chừng như bất đắc kỳ tử nhưng đều có nguyên do của nó cả. Người thân láng giềng bàng hoàng than thân trách phận, nạn nhân đến giây phút hồn lìa khỏi xác lại càng không hiểu vì sao mình lại đi tới kết cục thảm như này. Nhưng rõ ràng, họ đang hứng chịu sự trừng phạt do tổ tiên và chính bản thân họ gây ra mà thôi.

Gieo nhân nào gặt quả đó, có nợ phải trả! Đây là triết lý đi xuyên suốt câu chuyện. Nhiều lần tác giả nhắc đi nhắc lại về tội ác bất nhơn của toán cướp truông nhà Hồ. Chúng cướp sạch tài sản của các đoàn đi buôn đã đành, ấy thế lại nhẫn tâm giày xéo con mồi xấu số đến nhìn không ra nhân dạng. Tội ác tày trời vẫn ngang nhiên diễn ra cho tới một ngày, công lý được thực thi khi chúng bị quét sạch. Tàn dư băng cướp chạy trốn và an cư lập nghiệp tại một ngọn núi hoang vu ít người biết tới. Họ sợ cái báo ứng, sợ điều ra tiếng vào của người đời làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tinh thần của con cháu sau này.

Con người là sinh vật lạ lùng nhất thế gian. Hậu quả nhãn tiền, nhưng vẫn cố chấp đâm đầu vào chỗ chết. Và cái nghiệp mà cha ông để lại cho dân làng, họ có chạy lên trời cũng không thoát được.

Trích đoạn

“Nơi đó tưởng chừng như chẳng có ai có thể sống được, ấy vậy mà hơn chục người của băng cướp vẫn sống, họ sinh con đẻ cái, dần dần thành một ngôi làng nhỏ sâu bên vực núi thăm thẳm. Người trong làng tự mặc định cho ngôi làng mình đương sống là chốn địa ngục giữa trần gian”.

***

“Làng Địa Ngục hiện lên bồng bềnh trong sương mù che phủ, tựa hồ như một ngôi làng bị bỏ hoang từ lâu lắm. Dân làng sống trên núi, ấy thế mà phong tục của làng lại tuân theo bản sắc của làng quê phong kiến Bắc Bộ. Người ta cũng đón tết cổ truyền vào ngày đầu năm, cũng dựng cây nêu vào ngày tết, cũng ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, và nhâm nhi chén rượu nồng. Có người giải thích rằng, băng cướp khi xưa vốn có gốc gác từ làng An Biên (Hải Phòng ngày nay), cho nên những người còn sót lại sinh hoạt theo dân xứ Bắc cũng không có gì lạ”. 

***

“Cái Tết đối với người dân nước Việt từ cổ chí kim đã quan trọng, thế nhưng với người làng Địa Ngục lại càng ý nghĩa hơn bội phần. Bởi lẽ dịp giáp tết là thời điểm người trong làng ngồi quây quần với nhau, được tận hưởng bầu không khí hân hoan trong tiết trời lạnh lẽo. Chuỗi ngày quỷ dị kinh hoàng ở làng Địa Ngục cũng bắt đầu vào một ngày giáp tết lạnh đến cắt da cắt thịt như thế…”.

Nhận xét của bạn đọc

“Ấn tượng đầu tiên của em về Tết ở làng Địa Ngục chính là chiếc bìa sách đậm chất văn hóa Việt với hình ảnh một hình nhân mặc chiếc áo dài đỏ truyền thống, vừa mang lại cảm giác hân hoan của ngày Tết, cũng vừa là cảm giác ghê rợn vốn có của những câu chuyện ma.

Tuy chưa đi được đến hồi kết của truyện nhưng em lại cực kỳ thích cái cách mà chị Thảo Trang lồng ghép những chi tiết nói về đời sống tâm linh của người Việt qua hàng trăm năm và vẫn còn lưu truyền như ông Táo, cúng giải hạn hay lễ công đức..vv.. Qua đó ta có thể thấy được tác giả đã rất dụng tâm trong việc tìm kiếm các ghi chép, tài liệu để đem đến cho độc giả một câu chuyện hấp dẫn, mới lạ nhưng cũng vô cùng gần gũi với mỗi người con đất Việt”. 

– Đinh Hiền.

“Điều khiến mình thích nhất trong bộ truyện này nói riêng, và bộ truyện khác của Thảo Trang ấy là bạn ấy không để câu truyện sa đà vào tâm linh ma quỷ thái quá. Tất cả từ tâm của con người mà ra, ma quỷ hay vu thuật cũng chỉ gói gọn trong tâm người.

Một câu chuyện tối tăm, khung cảnh ảm đạm, không khí ma mị với bầy đom đóm cứ nửa đêm lại lao ra như thể muốn giám sát người còn sống. Những ai thích kinh dị hẳn sẽ ngất ngây với bộ truyện này. Thịt người xiên nướng, cá rỉa thịt, người ăn thịt người trong này đều có cả. Thêm vào đó, tác giả còn khéo léo lồng ghép những chi tiết cực thuần Việt dù là nhỏ nhất vào khiến mạch truyện vừa hấp dẫn, vừa gần gũi.

– Nguyễn Phúc Miên Tông.

“Chưa đầy 20 trang giấy, nhưng không khí u uất và đen tối trong đấy đã khiến tôi sững sờ. Đám cướp ở truông nhà Hồ thật đáng sợ, bắt bớ, giết chóc, trấn lột của cải, đòi tiền mãi lộ, không gì không làm. Đến cả gia đình buôn tơ lụa người miền ngược đi ngang qua, nhân khẩu cũng phải lên đến hơn trăm người đều bị bọn cướp giết sạch một cách dã man, người bị chém lìa đầu, người bị đâm thấu tim, lại có người bị đâm lòi bụng. Sau cơn giết người tàn bạo ấy, máu nhuộm đỏ cả đất, đứng cách xa mấy dặm đường vẫn còn ngửi thoang thoảng mùi máu tanh… Một câu chuyện bắt đầu bằng một thảm kịch man rợ đến thế thì quá trình đi đến điểm kết chắc chắn sẽ rất nhiều bi kịch, thật đáng mong chờ”. 

– Bùi Bảo Minh. 

Về tác giả

Thảo Trang sinh năm 1991, cô là tác giả viết sách và cũng đồng thời là một doanh nhân trẻ. Khởi đầu từ văn học mạng, cuối năm 2021, Tết ở làng Địa Ngục chính thức ra mắt và đã nhanh chóng đạt được số lượng bản in ấn tượng. Một năm sau đó, tiểu thuyết Ngủ cùng người chết cũng được phát hành, tạo cơn sốt mạnh mẽ trong giới đọc sách. Cô được xem như một trong những cây viết ấn tượng của thế hệ nhà văn mới.

Đọc bài viết

Top sách hay

Khơi dậy nguồn cảm hứng từ những quyển sách hay – đáng đọc 2023

Published

on

những tựa sách đáng đọc

Trong khi nhiều độc giả lựa chọn việc trải nghiệm đọc các tác phẩm mới, những tựa sách kinh điển – đáng đọc vẫn nhận được sự yêu mến bất chấp thời gian. Trên tinh thần lan tỏa cảm hứng sách hay – hay đọc, Bookish.vn xin giới thiệu đến quý bạn đọc những tựa sách đẹp về hình thức lẫn nội dung.

Những tựa sách bàn về nhiếp ảnh và nghệ thuật

Một bức ảnh không đơn thuần là sự ghi chép lại bằng một thiết bị kỹ thuật mà nó còn là một kho tàng ký ức về con người và nơi chốn, một nguồn dữ liệu nhân học, nhân trắc học, xã hội học, sử liệu cộng đồng.

Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam – tác giả Terry Bennett

Quyển sách đầu tiên về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ đầu viết bằng Anh ngữ. Từ khối tư liệu khổng lồ nhưng phân tán trong các kho lưu trữ, bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân, trong đó có bộ sưu tập của riêng mình, Terry Bennett đã dựng lại con đường ra đời và phát triển của nhiếp ảnh tại Việt Nam kể từ khi những bức ảnh đầu tiên được chụp vào giữa thế kỷ XIX cho đến giữa những năm 1950.


Mặc dù phần lớn nội dung nói về sự nghiệp của các nhiếp ảnh gia người Pháp và các nước khác, những hình chụp và tiệm ảnh của họ tại Việt Nam, nhưng cũng liệt kê rất nhiều hình chụp cùng danh tính của các nhiếp ảnh gia người Việt và tiệm ảnh của họ.

Dựa trên kinh nghiệm tích lũy từ những quyển viết về nhiếp ảnh Nhật Bản và Trung Quốc thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam của Bennett sẽ là cẩm nang hỗ trợ quý báu cho những ai quan tâm đến lịch sử nhiếp ảnh hoặc những nhà sưu tầm tư liệu.

Bàn về nhiếp ảnh – tác giả Susan Sontag

Xuất phát từ quan điểm triết học của Plato coi tất cả những gì ta nhìn thấy đều chỉ là bóng đổ của hiện thực, Susan Sontag đã tìm hiểu vai trò, ý nghĩa và tác động của hình ảnh do con người sáng tạo ra, từ hội họa cho đến khi xuất hiện những hình ảnh do máy chụp ảnh và quay phim làm ra mà bà gọi là "photographic images" - hình ảnh nhiếp ảnh.

Sontag nhận ra một điều cực kỳ quan trọng, rằng khác hẳn với những hình ảnh do con người tạo ra bằng thủ công, như hội họa, có bản chất diễn giải hiện thực, những hình ảnh nhiếp ảnh – từ ảnh chụp cho đến phim điện ảnh, truyền hình và video ở đủ mọi định dạng – là những dấu vết và tiêu bản vật chất của hiện thực, tạo nên bởi những quy luật vật lý của thế giới khách quan.


Bản chất hiện thực ấy của nhiếp ảnh đã tạo nên một hiện thực khác song hành với hiện thực tự nhiên, và ngày càng lấn át hiện thực tự nhiên, khiến cho chúng ta ngày càng thích sống trong cái "thế giới hình ảnh" do chính mình tạo nên ấy, mất dần liên lạc với hiện thực tự nhiên, trở nên xa lạ với hiện thực tự nhiên.

Ký ức một ảnh viện Sài Gòn – Câu chuyện viễn kính – tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên

Ký ức một ảnh viện Sài Gòn hay Câu chuyện viễn kính có thể xem như một dự án du khảo được tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện trong suốt gần một năm. Cuốn sách hơn 220 trang là một câu chuyện đồ sộ về nhiếp ảnh, những hình ảnh quý giá một thời vàng son lẫn cay đắng của lịch sử.


Ông Đinh Tiến Mậu, nhân vật chính của câu chuyện – chủ hiệu ảnh Viễn Kính tiếng tăm của Sài Gòn, kể về sản nghiệp của một đời thợ ảnh cứ như không có chuyện vậy, nhẹ tênh, phẳng phiu, liền lạc. Như chẳng có chuyện gì, tay thợ ảnh ấy từng trở thành chứng nhân của lịch sử hay có ảnh đăng trên những trang báo hàng đầu. Như chẳng có chuyện gì, ảnh viện của ông là chỗ chụp chân dung của các ngôi sao hàng đầu làng giải trí miền Nam.

Nơi chốn thân quen, những người năm cũ… qua những trang sách

Kỷ niệm càng khai thác lại càng đầy và lộ ra những điều từng quen thuộc nhưng lạ lùng như chưa gặp lần đầu. Đó là vẻ hấp dẫn khi ta đào bới kho tàng ký ức. Xóm cũ, mùa cũ, những người năm cũ… mọi thứ đã thuộc về quá khứ nhưng rồi tất cả được trở lại sống động lung linh qua trí nhớ của con người. Kho tàng ấy vô giá, miễn nhiễm và là điểm tựa cuối cùng cho bất kỳ ai muốn nương nhờ, muốn tìm kiếm những gì đẹp nhất của đời mình.

100 năm phi trường Tân Sơn Nhất

Cuốn 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất của nhà báo Quốc Việt tái hiện một phần lịch sử ở miền Nam thế kỷ 20-21.

Sách gồm 15 phần chính, được đặt tên như: Những cánh bay đầu tiên trên nước Việt, Phi công Việt tham gia Đại chiến Thế giới thứ nhất, Tân Sơn Nhất bước vào kỷ nguyên phản lực. Phi trường rực lửa... Mỗi phần đầy ắp các thông tin về quá trình hình thành và phát triển của phi trường chứa đựng một thế kỷ lịch sử gắn với nhiều dấu mốc quan trọng của đất nước.

Ba năm trước, khi bắt tay thu thập tư liệu về Tân Sơn Nhất, Quốc Việt chỉ có ý định viết loạt bài báo về những vấn đề thời sự nóng bỏng của Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, càng đi sâu sưu khảo tư liệu, phỏng vấn nhiều nhân vật, anh càng bị cuốn hút vào đề tài hấp dẫn này và có cảm hứng thực hiện quyển sách.

Từ mùa thu 2015, tác giả bắt đầu hành trình góp nhặt tài liệu và phỏng vấn nhân chứng. "...Tôi luôn có niềm tin chúng ta phải thấu hiểu quá khứ mới đến được tương lai tốt đẹp. Trên từng tấc đất Tân Sơn Nhất là bao máu xương người Việt hôm qua. Trên từng đá sỏi rêu phong hay vỏ đạn còn chìm khuất đâu đó là bao chuyện lịch sử cần phải được kể lại, nhắc nhớ chân xác cho mai sau...", anh viết.

Những bức tranh phù thế – tác giả Phạm Công Luận

33 bài viết trong tạp bút Những bức tranh phù thế của anh đã đưa người đọc trở về quá khứ, khi lẫn trong ký ức của anh, những hồi ức về một Sài Gòn xưa, từ hơn nửa thế kỷ trước, cũng dần hiện lên.

Theo nhà báo Phạm Công Luận, viết về ký ức không đơn giản chỉ là sự trốn chạy thực tại: 'Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai... Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương'.

Cùng với những bức tranh của Sài Gòn qua nhiều góc nhìn, quan sát tinh tế của người lưu giữ ký ức phố thị – cái tên mà nhiều độc giả dành tặng cho anh, những câu chuyện cá nhân của chính tác giả, của gia đình anh... trong không gian nhuốm màu thời gian ấy, với đầy ắp tư liệu quý, cũng được “vẽ” nên, tạo cho Những bức tranh phù thếmột dư vị dịu ngọt, trữ tình.

Thành phố những lục địa bay – tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên

Một văn bản không định hình bởi những chuyện và truyện, bất phân sử liệu và hư cấu, huyền thoại và sự thật; ngôn ngữ tự do giao thoa, xóa mờ ranh giới thể loại để hướng tới truyền đạt một “hình thể” đô thị phía sau cái thấy của mắt thường: một lịch sử của những lục địa văn hóa xao động, chìm và nổi, ẩn và hiện, minh định và bất tường, giả lập và chân xác. Cuối cùng, như mọi thứ trên đời: có và không.

Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt. Với Thành phố của những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã giúp độc giả thấy được một Đà Lạt ảo ảnh, không dễ nắm bắt và luôn chuyển động như những sóng nước. Nó ôm vào trong mình những mảng lịch sử của quá khứ, huyễn hoặc, của hiện tại và sự biến đổi…

Lịch sử sống động qua những trang viết

Lịch sử ghi chép lại những sự kiện lôi cuốn và thông tin giá trị, đề cập đến những vấn để có tầm ảnh hưởng to lớn đến tiến trình phát triển của nhân loại. Việc xâu chuỗi và tìm hiểu mảng kiến thức lịch sử là chiếc chìa khóa để mở ra quá khứ và tiến bước về tương lai.

Sông Côn mùa lũ – tác giả Nguyễn Mộng Giác

Trong lịch sử Việt Nam, vua Quang Trung Nguyễn Huệ là vị anh hùng dân tộc gợi nhiều cảm hứng cho các nhà sách tác đưa vào tác phẩm văn học hay sân khấu hoá. Mặc dù triều đại Tây Sơn chỉ tồn tại vẻn vẹn khoảng 24 năm cho đến khi chúa Nguyễn Ánh tiến hành cuộc chiến tranh trên toàn quốc, thống nhất lãnh thổ lập ra nhà Nguyễn, nhưng cũng được lịch sử ghi nhận là một triều đại chính thống trong lịch sử Việt Nam.


Bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác được đánh giá là “hay và hấp dẫn”, “đáng mặt tiểu thuyết theo cái nghĩa cổ điển của từ này”. Với bề dày gần 2.000 trang sách, ông đã tái hiện huyền thoại lịch sử bằng cái nhìn văn hoá và thế sự. Những chuyện tình của Nguyễn Huệ, những bê bối của vương triều, những cưu mang nghĩa hiệp, những sóng gió của gia đình v.v… đã làm cho Nguyễn Huệ trở nên lớn lao, gần gũi hơn như một con người cụ thể đầy những lo toan như bao người khác và đầy thuỷ chung ân nghĩa.

Sông Côn mùa lũ với khoảng 100 chương, mở đầu từ năm 1765 khi hai anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ theo học giáo Hiến – một nhà Nho vừa trốn nạn Trương Phúc Loan chuyên quyền, từ Phú Xuân lánh vào quê vợ, và kết thúc năm 1792 khi Nguyễn Huệ mất. Có thể nói, tác phẩm đã tái hiện thăng trầm, sóng gió trong suốt gần ba mươi năm lịch sử của cuối thế kỷ 18 chứ không phải chỉ miêu tả cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công của Nguyễn Huệ.

Con đường thủy vào Trung Hoa – tác giả Milton Osborne

Cuối thế kỷ 19, sau khi thiết lập chế độ bảo hộ khắp xứ Đông Dương, người Pháp bắt đầu hướng mắt về Mê Kông – dòng Sông Mẹ của vùng đất này, với tham vọng xây dựng tuyến đường thủy nối liền các vùng thuộc địa trù phú. Được sự đồng thuận của giới chức chính phủ Pháp lúc bấy giờ, một đoàn thám hiểm gồm sáu thành viên trẻ tuổi và có học thức, cùng chung tham vọng mở mang thuộc địa và cả tin về vai trò khai hóa của nước Pháp đối với các dân tộc Á-Phi, đã khởi hành từ Sài Gòn, ngược dòng Mê Kông để tìm kiếm một thủy lộ mở hướng thông thương với miền Nam Trung Hoa giàu có, bắt đầu một sứ mạng lớn lao mà Ðô đốc hải quân Pháp Paul Reveillère gọi là “một nhiệm vụ cao cả có tầm vóc xứng đáng với đam mê của thế kỷ”.

Nắm bắt được tầm quan trọng của chuyến hành trình hào hùng nhưng không kém phần bi thảm của đoàn thám hiểm trong công tác nghiên cứu lịch sử các nước Đông Dương thế kỷ 19, nhà sử học Milton Osborne đã dành nhiều năm nghiên cứu và khảo sát để hoàn thành nên tác phẩm Con đường thủy vào Trung Hoa, nhằm giúp người đọc phần nào hình dung rõ hơn cục diện vừa toàn cảnh lại vừa có tính đối sánh giữa các xứ Đông Dương trong tiến trình thuộc địa hóa đầy ảo vọng của người Pháp.

Sứ đoàn Iwakura - Ian Nish

Như Ian Nish chia sẻ, tác phẩm này được tổng hợp từ hội nghị ba năm họp một lần của Hiệp hội Nghiên cứu Nhật Bản ở châu Âu diễn ra vào năm 1997, trùng đúng kỷ niệm 125 năm chuyến đi diễn ra. Tại đó nhiều nhà nghiên cứu đã tìm về các tư liệu vẫn còn lưu trữ tại các quốc gia phương Tây, như nhật ký của các chính khách, báo chí địa phương, những lá thư trao gửi nội bộ giữa các đại sứ quán… có so sánh với tác phẩm của Kume Kumitake và báo chí Nhật Bản. Qua đó nhìn lại cuộc du khảo này trên phương diện lịch sử, chính trị và quan hệ quốc tế, cũng như làm rõ vai trò của sứ đoàn và phản ứng của phương Tây đối với sự kiện này.


Có thể thấy rằng thách thức đặt ra tương đối lớn, bởi lẽ nhiệm vụ của sứ đoàn Iwakura có tầm quan trọng đối với Nhật Bản hơn là các nước mà họ đến thăm, nên nguồn tư liệu có thể là không đầy đủ. Vì vậy trừ các quốc gia có tầm vóc lớn như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức… thì những trải nghiệm tại các nước nhỏ hơn như: Hà Lan, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… gần như không được đề cập trong các văn kiện còn lại. Một điểm bất ngờ của cuốn sách này là bài nghiên cứu về cuộc viếng thăm Thụy Điển của đoàn thám hiểm, với những tiết lộ mới được bật mí, những tưởng đã không tồn tại trong suốt nhiều năm.

Qua cuốn sách này, thêm một lần nữa có thể khẳng định về tầm nhìn xa của riêng nước Nhật trong các chính sách canh tân thời Minh Trị, từ đó mở ra một chương sử mới trong lịch sử Nhật Bản. Không chỉ nhìn nhận từ phía chủ quan, Sứ đoàn Iwakura còn là góc nhìn đến từ khách quan để thêm lần nữa xóa tan huyền thoại về những vấn đề xoay quanh chuyến đi lịch sử, góp phần giải mã cho sự thành công cũng như tiến bộ một cách nhanh chóng của đất nước này đối với thế giới.

Đọc bài viết

Cafe sáng