Book trailer

Chốn cô độc của linh hồn: Khía cạnh lừa bịp của cô đơn

Tiểu thuyết “Chốn cô độc của linh hồn” của tác giả Yiyun Li là cuộc khảo sát tỉ mỉ về sự tác động của quá khứ lên cách con người vận hành cuộc sống hiện tại. Thông qua đó, tác giả vẽ nên bức tranh về một thế hệ trẻ lạc lõng giữa Bắc Kinh những năm đầu thập niên 90.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Một nhóm bạn ba người gồm Bá Dương, Mạc Lan, Như Ngọc cùng sống trong khu nhà tập thể kiểu cũ ở Bắc Kinh những năm cuối thập niên 80. Cuộc đời họ thay đổi hoàn toàn sau vụ đầu độc Tiểu Ái – người chị họ hàng xa của Như Ngọc, bậc tiền bối mà cả Bá Dương lẫn Mạc Lan đều ngưỡng mộ. Việc này xảy ra vài tháng sau sự kiện ở quảng trường Thiên An Môn mà Tiểu Ái cũng là sinh viên tham gia biểu tình. Không ai rõ đây là vụ mưu sát, tự sát hay chỉ đơn thuần là tai nạn. Bí ẩn này vừa đồng thời là điểm khởi nguồn, vừa giữ vị trí trung tâm trong toàn bộ tác phẩm được kể theo lối xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại.

Không sử dụng thời gian tuyến tính để kể chuyện là lựa chọn chính xác của Yiyun Li về mặt nghệ thuật. Nếu câu chuyện là đường thẳng một chiều, sự kiện Tiểu Ái bị đầu độc sẽ chỉ là một điểm nào đó nằm giữa tác phẩm, xảy ra một lần, không lặp lại và bị những sự kiện sau đó đẩy lùi. Nhưng vì tác phẩm phát triển theo lối đan xen giữa quá khứ và hiện tại, người đọc sẽ không ngừng được nhắc nhở lí do tại sao lại có sự đi về thường trực như thế: bởi vì cuộc đời của toàn bộ nhân vật đã bị chia cắt thành giai đoạn trước và sau sự kiện Tiểu Ái bị đầu độc, bởi vì họ không thể tiến đến tương lai với tâm thế rũ bỏ hoàn toàn quá khứ được nữa, quá khứ níu chân họ trong chuyển động xoay vòng của hồi tưởng.

Chất độc không giết Tiểu Ái ngay mà làm một điều tồi tệ hơn: rút dần sự sống của cô, giam cầm cô suốt hai mươi mốt năm trong cơ thể của mình cho đến khi hoàn thành nốt nhiệm vụ ban đầu. Nhưng nó không chỉ làm hao mòn thể chất của cô, nó còn làm hao mòn tinh thần của những người xung quanh cô. Bá Dương từ một chàng trai lém lỉnh, nhiệt thành tin vào tình yêu năm xưa trở thành một doanh nhân giàu có nhưng ngờ vực về sự tồn tại của thứ tình yêu thuần túy, không bị chi phối bởi vật chất. Mạc Lan từ một cô gái luôn quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ mọi người xung quanh trở thành kẻ thủ thế trong sự cô đơn của chính mình. Chỉ có mỗi Như Ngọc vẫn duy trì được vẻ điềm tĩnh, xa cách không thay đổi. Dù ở những nơi khác biệt địa lí khi trưởng thành – Như Ngọc và Mạc Lan sang Mỹ, Bá Dương ở lại Bắc Kinh; cả ba nhân vật chính đều sống vật vờ như những bóng ma. Họ không thực sự sống mà chỉ cố giữ mình tách biệt với cuộc đời: không yêu nó quá cuồng nhiệt, chỉ gắn bó vừa đủ ở bên lề để không hoàn toàn bị loại ra khỏi nó dù không thực sự ở trong nó.

Lí giải về tiêu đề Kinder than Solitude, Yiyun Li từng chia sẻ trên trang National Public Radio rằng: “Mạc Lan, cô gái đã rời Trung Quốc, luôn nghĩ sự cô đơn là bạn chí thân của cô. Nhưng ở cuối tác phẩm, cô nhận ra mình không sở hữu sự cô đơn, cái cô có được chỉ là sự cách li suốt đời với tình yêu và cuộc sống. Và đó là điều tôi đã học được, hoặc là điều tôi đã cố gắng thấu suốt qua những nhân vật của mình, sự cô đơn cố nhiên là quan trọng, nhưng đôi khi cô đơn cũng có khía cạnh lừa bịp. Mọi người thường sử dụng cô đơn như cái cớ để không kết nối với người khác. Và rốt cuộc, tôi đã thực sự thay đổi một chút quan niệm về cô đơn, đó là lí do tác phẩm này có tiêu đề Kinder than Solitude, bởi vì nỗi cô đơn có thể dịu dàng, nhưng ắt hẳn phải còn điều gì đó dịu dàng hơn cả nỗi cô đơn.”

Và có lẽ, chính tiểu thuyết Chốn cô độc của linh hồn cũng là một nỗ lực của Yiyun Li trong cuộc truy cầu điều gì đó dịu dàng hơn, đẹp đẽ hơn, tử tế hơn nỗi cô đơn.

Thông tin tác giả

Yiyun Li
Ảnh: The New York Times

Yiyun Li sinh ra và lớn lên ở Bắc Kinh, cô đến Mỹ vào năm 1996. Tập truyện ngắn đầu tay của cô – A Thousand Years of Good Prayers đã thắng giải thưởng Frank O’Connor International Short Story Award, PEN/Hemingway Award, Guardian First Book Award, và California Book Award cho hạng mục tác phẩm hư cấu đầu tay. Tiểu thuyết The Vagrants của cô đã đạt huy chương vàng của giải California Book Award cho hạng mục tiểu thuyết, và được đưa vào danh sách rút gọn của giải Dublin IMPAC Award. Gold Boy, Emerald Girl – tập truyện ngắn thứ hai của cô được đưa vào chung kết giải Story Prize và danh sách rút gọn của giải Frank O’Connor International Short Story Award. Kinder than Solitude, tiểu thuyết gần đây nhất của cô khi xuất bản đã nhận được phản hồi tích cực từ những nhà phê bình. Các tác phẩm của cô đã được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ.

Cô được tạp chí Granta bình chọn là một trong 21 Tiểu thuyết gia trẻ xuất sắc nhất của Mỹ dưới 35 tuổi, và được tạp chí The New Yorker vinh danh là một trong 20 nhà văn hàng đầu dưới 40 tuổi. Cô nằm trong ban giám khảo của những giải thưởng danh giá như Man Booker International Prize, National Book Award, PEN/Heminway Award… Cô hiện đang là biên tập viên cho tạp chí văn chương A Public Space có trụ sở đặt tại Brooklyn.

Cô sống ở Princeton, New Jersey với chồng và hai người con trai, giảng dạy tại trường đại học Princeton.

NHẬN XÉT BÁO CHÍ

Salman Rushdie, tác giả Nhà Golden

“Văn phong của Yiyun Li có vẻ tĩnh tại lừa dối bên ngoài, nhưng đằng sau lớp vỏ đó là nỗi buồn, niềm đau và bi kịch của ba cuộc đời bị cuốn vào thứ cô đơn có phần mang tính hủy diệt do những kí ức quá khứ gây ra. Những nhân vật của Yiyun Li được miêu tả với một vẻ đẹp tàn nhẫn, và những cảm xúc của họ gắn chặt với định mệnh cuộc đời họ, với bí ẩn trong vụ một người phụ nữ bị đầu độc, một tội ác đã định hình – có lẽ đã làm biến dạng – tất cả họ. Đây là một tiểu thuyết xuất sắc phi thường, và Yiyun Li đã trở thành một trong những tiểu thuyết gia quan trọng trong thời đại của chúng ta.”  

The New Yorker

“Yiyun Li đã biến một bí ẩn được cài đặt rối rắm thành thứ gì đó sâu sắc hơn, đòi hỏi sự chất vấn về ý nghĩa của tội ác và hình phạt trong bức tranh luân lí ảm đạm của xã hội Trung Quốc đương thời.”

The New York Times Book Review

“Trong lối viết của Yiyun Li có gì đó tự chủ, gọn gàng, điềm tĩnh không chút gắng sức khiến người ta dễ nhận thấy cô là một tác giả giống như Jhumpa Lahiri, biết cách sử dụng sự trung tính theo kiểu của Chekov để đem đến sự phức tạp, hỗn độn, có vẻ như là “nhiều màu sắc” khiến cuộc đời những nhân vật của cô phần nào mang không khí vô hại như những bức tranh màu nước.”

The Wall Street Journal

“Yiyun Li như một chuyên gia về nỗi cô đơn và niềm tuyệt vọng – trong lĩnh vực này, cô khiến chúng ta nhớ đến thi sĩ của nỗi cô đơn trước đây, William Trevor – và tác phẩm của cô cũng phong phú không kém gì ông trong sự tao nhã, trong những biểu hiện tế vi của niềm tuyệt vọng.”

Kirkus Review

“Lối kể chuyện sắc lạnh, triết lí của Yiyun Li mở ra những tầng lớp bất ổn nhưng đồng thời lại cho thấy cái nhìn thấu suốt đáng kinh ngạc về những di sản kế thừa từ gia đình và những ảnh hưởng văn hóa.”

Booklist

“Tác phẩm thứ tư của Yiyun Li đưa người đọc vào cái bẫy của một vụ án trinh thám mà không cần viện đến những công thức xoàng. Thay vào đó, cô đào sâu tâm lí nhân vật. Văn phong của cô lúc thì hoa mĩ, lúc thì giản dị nhưng lại cực kì chuẩn xác, dù là miêu tả nhà hỏa táng, khoai lang nướng, hay tuyết rơi vùng trung tây. Một tiểu thuyết ấn tượng, trầm buồn và bất khả dự đoán.”

The Washington Post

“Một tiểu thuyết tinh tế, đầy thuyết phục về chủ đề gánh nặng của kí ức, trọng lượng của sự mất mát và vô số phương thức quá khứ khả dĩ làm méo mó tâm hồn ta… Yiyun Li mang đến cho chúng ta tặng phẩm là những áng văn duyên dáng… Tiểu thuyết của Yiyun Li khéo léo dẫn dụ người đọc qua những nút thắt rối rắm của câu chuyện, qua những chuyển đổi xuôi ngược trong thời gian cũng như giữa Đông và Tây, xây dựng kịch tính tăng dần. Vẻ đẹp thanh thoát, sắc bén trong văn phong của cô cuốn chúng ta vào sâu thật sâu bên trong những nhân vật bị dày vò khốn cùng, phơi bày toàn diện bản ngã của họ và điều gì đã xảy ra giữa họ… Hiếm khi nào một người bình thường có thể tiếp nhận những quan sát sắc sảo như thế.”

Los Angeles Times

“Tác nhân khiến tiểu thuyết này có sự sống động như thế chính là tính nhân văn… Nó là sự truy vấn về cách thức quá khứ để lại những vết sẹo trong chúng ta, định hình hiện tại và tương lai, và một số tội lỗi, khi đã phạm phải, thì không bao giờ có thể xóa bỏ.

Chốn cô độc của linh hồn không phải là bi kịch, mặc dù bi kịch nằm ngay trung tâm của nó; thay vì vậy, nó là tiểu thuyết nói về sự tha hóa, mà chúng ta dễ hình dung là sự kết tội hay ân xá đều tan tành mây khói trước cả khi ta kịp chấp nhận. Đó là một thực tế trải nghiệm mà quyển sách này mang đến sự cộng hưởng cho tất cả chúng ta, với ý định phơi bày điều gì sẽ xảy ra sau khi sự ngây thơ bị mất đi. Tất cả chúng ta đều đã từng là trẻ thơ, và ta tham dự vào những việc, rồi hiểu ra những điều, sẽ theo cùng ta suốt quãng đời còn lại.”   

Chicago Tribune

“Chốn cô độc của linh hồn không phải là tiểu thuyết dễ đọc, hay nói thẳng ra thì, không phải là thứ dễ khiến ta thích thú, dù nó đầy ắp sự khẩn cấp và suy xét. Không chỉ là tiểu thuyết, nó còn là bức tranh biểu tượng được phác họa tinh tế về một Trung Quốc đang trên đà biến đổi, là câu chuyện cảnh báo được kể ra để chống lại sự bất công trong một thế giới mà phần lớn thời gian người ta cố gắng không can dự vào bất cứ việc gì.

Một số đoạn khiến người đọc suy ngẫm về thân phận con người, một số khác cuốn ta vào những bí ẩn thú vị. Chốn cô độc của linh hồn có cả hai phẩm tính đó và khiến ta tự hỏi phải chăng hố sâu ngăn cách chúng thực tế lại hẹp hơn ta tưởng tượng.”

The Boston Globe

“Tài năng thật sự của cô – được mài giữa bằng việc nghiên cứu kĩ lưỡng Ivan Turgenev và William Trevor – là lối kể chuyện theo kiểu xưa. Đặc tính của lối viết này là cảm thức có thể bắt trọn một cuộc đời, toàn vẹn một cuộc đời trên những trang giấy, và ý niệm về việc có những cuộc đời đã được định sẵn bi kịch. Từng chút một, những nhân vật của Yiyun Li rơi vào niềm tin đó, giống như những người sống lạc thời trong thế kỉ 21.

Nghệ thuật trong Chốn cô độc của linh hồn nằm ở cách Yiyun Li cho chúng ta thấy vì sao nhân vật của cô lại có góc nhìn như thế. Cô hoàn thành nhiệm vụ này với sự kiên nhẫn hiếm thấy, và đưa vào một ít sáng tạo cho tiếng Anh. Câu văn của cô như những viên đá nằm sâu dưới đáy hồ đã được gột rửa qua nhiều thập niên. Chúng trượt khoan khoái qua tâm trí ta khi lần giở từng trang sách.”

Press Citizen

“Những ai cảm thấy khó chịu với vẻ ngoài của những kẻ tự phụ xung quanh mình, thường cảm thấy khó lòng bước qua bức tường mà những nhân vật của Yiyun Li đã cố công dựng nên. Và với cả những ai đang cố kiềm nén những cảm xúc và dục vọng con người, quyển sách này dường như đang nói cùng họ nỗi khao khát phá vỡ những cổng thành đã giam giữ chính họ tách biệt khỏi mọi điều hứa hẹn và tình yêu.”

Toronto Star

“Yiyun Li giữ được khoảng cách vật lí và tinh thần để đứng vững giữa hai nền văn hóa rất khác biệt… Rất nhiều ẩn ý trong những câu văn trữ tình của Yiyun Li dẫn dụ người đọc bước vào một mạng lưới dày đặc những suy tưởng nội tâm. Nỗi buồn dai dẳng vẫn còn vương lại sau những câu chữ cuối cùng.” 

Newsday

“Yiyun Li sử dụng lối viết trực diện để bóc tách tầng tầng lớp lớp bi kịch tâm lí. Rất ít người viết giỏi trong việc phơi bày sự hỗn độn nằm ẩn sau những nỗ lực phóng chiếu vẻ điềm tĩnh ra ngoài.”

Mona Simpson, tác giả của tiểu thuyết My Hollywood

“Yiyun Li là một người rất hiện đại. Cô mang đến cho hình thức truyền thống vẻ đẹp tươi mới và chuẩn mực. Tiểu thuyết của cô sắc, gọn và khéo léo như một tuyệt tác nội thất theo phong cách mid-century, với cảm thức về sự bền bỉ và giá trị gia tăng.”

Hết.

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Book trailer

“Diary of a Wimpy Kid” phát hành tập 19 “Mớ bòng bong” tại Nhà Sách Phương Nam – cùng lúc với thế giới cho cả 2 ấn bản US UK

Published

on

By

Sau một năm chờ đợi, các độc giả yêu mến series Diary of a Wimpy Kid sẽ gặp lại cậu bé nhút nhát Greg Heffley qua tập truyện mới nhất có tựa đề “Mớ bòng bong” được phát hành vào sáng ngày 22.10.2024 – cùng thời điểm phát hành với thế giới. 

Diary of a Wimpy Kid (tựa tiếng Việt Nhật ký chú bé nhút nhát) là tập sách thiếu nhi ra đời vào năm 2004, nhiều lần lọt vào danh sách bán chạy của tạp chí USA Today, New York Times và Wall Street Journal. Số lượng tiêu thụ lên đến gần 300 triệu bản và là bộ sách luôn nằm trong Danh mục Sách khuyến đọc của học sinh các trường: Vinschool, Nguyễn Siêu, Archimedes, Ngôi Sao, Newton, Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Amsterdam, Chu Văn An.

Đúng như tên gọi, Diary of a Wimpy Kid là tập nhật ký của cậu bé Greg Heffley. Cuộc sống của Greg là sự xen kẽ giữa câu chuyện đời thường nơi gia đình và trường lớp, pha trộn với những sự kiện bất thường khó nhằn. Tiếp nối hành trình trưởng thành, trong tập mới nhất 19 “HOT MESS”, Greg Heffley biết rõ mười mươi rằng khi tất cà các thành viên trong đại gia đình cùng ở trong một ngôi nhà nhỏ bên bờ biển dưới cái nóng oi bức, ngột ngạt thì đó chính là công thức hoàn hào cho một thảm họa. Còn nói về công thức bí mật thì các nguyên liệu đằng sau món thịt viên trứ danh của bà ngoại đã được glữ kín trong nhiều năm. Liệu Greg có thể giải mã hết mọi bí mật của gia đình trước khi kỳ nghỉ kết thúc, hay cậu chỉ càng làm mọi chuyện rắc rối thêm?

Trải qua 19 tập sách và 20 năm xuất bản, Diary of a Wimpy Kid đã chứng minh sức hấp dẫn của mình với độc giả thiếu nhi trên toàn thế giới, được chuyển thể thành phim hoạt hình và điện ảnh. Thông qua những câu chuyện gần gũi, nét vẽ mộc mạc đáng yêu, tác giả kiêm họa sĩ Jeff Kinney đã tô vẽ nên bức chân dung chân thực của một cậu bé rất bình thường như rất nhiều đứa trẻ tuổi khác, nhút nhát nhưng luôn hiếu kỳ và hứng thú với cuộc sống. Thông qua những rắc rối nhỏ to, Greg dần học cách khôn lớn và đối phó với muôn màu cuộc sống. 

Diary of a Wimpy Kid chính là cuốn sách gối đầu giường dành cho những cô cậu bé đang dậy thì, giúp các em gỡ rối và lý giải những cảm xúc của mình, hướng dẫn các em học cách trưởng thành và tự lập. Là tập sách hỗ trợ phụ huynh thấu hiểu tâm lý của con em ở độ tuổi này. Tại Mỹ, bộ sách còn được giáo viên và phụ huynh sử dụng để giúp học sinh rèn luyện thói quen đọc sách. 

Nhiều năm nay, Phương Nam đã chủ động hợp tác với các nhà xuất bản nước ngoài để phân phối và phát hành sách ngoại văn tại hệ thống Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book City và được các nhà xuất bản tin tưởng để nhà sách phát hành cùng lúc với thế giới nhiều tựa sách bán chạy, đương cử là bộ sách thiếu nhi Diary of a Wimpy Kid, Guinness World Record, Nexus

🛒 Đặt hàng trước để nhận ưu đãi giảm 10% cho cả 2 phiên bản US-UK kèm quà tặng hấp dẫn (với số lượng có hạn) với mức giá chỉ còn 296,100 vnđ. Giá gốc: 329.000 vnđ

👉 Đặt hàng trước tại đây.

Ngoài ra tại hệ thống Nhà Sách Phương Nam và website nhasachphuongnam.com, series truyện Wimpy Kid luôn có đầy đủ phiên bản bìa cứng và bìa mềm cho các tập từ 1-18 trước đó và hiện đang được giảm đến 15% từ ngày 10.10 đến 10.11.2024

• Thời gian phát hành: Ngày 22.10.2024
Mua sách tại hệ thống Nhà Sách Phương Nam trên toàn quốc

Đọc bài viết

Book trailer

CHŌWA – Ổn định nội tâm sống cân bằng như người Nhật

Published

on

By

Việc giữ được sự tâm bình an giữa dòng đời vạn biến là điều không hề dễ dàng. Tác phẩm Chōwa – Ổn định nội tâm sống cân bằng như người Nhật của tác giả Akemi Tanaka vừa được Phương Nam Book phát hành, chính là lời giải cho bài toán cân bằng cuộc sống từ triết lý chōwa – tinh thần sống hài hòa của người Nhật.

Chōwa là một khái niệm quen thuộc trong văn hóa Nhật Bản. Khác với lối sống hướng đến thành tích, triết lý chōwa được xây dựng dựa trên sự dung hòa, cân bằng giữa những áp lực luôn hiện hữu trong cuộc sống như: môi trường gia đình, công việc, học tập cho đến các mối quan hệ cá nhân. Nắm vững tinh thần chōwa, người thực hành sẽ có thể tìm thấy điểm tựa vững chắc giữa sóng gió cuộc đời.

Hơn cả một khái niệm, chōwa là lối sống

Dòng sách lấy đề tài về văn hóa, triết lý sống của người Nhật đã xuất hiện nhiều trên thị trường và luôn được đông đảo độc giả quan tâm. Thế nhưng, tác phẩm Chōwa vẫn có vô số điểm độc đáo khi vừa kế thừa, vừa phá vỡ những công thức cũ. Tác giả Akemi Tanaka đã rất tài tình khi kết hợp những triết lý truyền thống cùng các quan sát sâu sắc và thực tế về xã hội Nhật Bản đương đại.

Ngay từ những trang đầu, Akemi Tanaka đã làm rõ: chōwa không đơn thuần là một khái niệm trừu tượng, mà là một triết lý sống được người Nhật vận dụng vào mọi mặt của đời sống, từ cách bài trí nhà cửa, cách họ tương tác với đồng nghiệp, đối tác cho đến cách họ gìn giữ các mối quan hệ gia đình.

Từ đó, tác giả khéo léo dẫn dắt người đọc bước vào thế giới quan của người Nhật để thấy rằng họ luôn đề cao sự cân bằng. Đó là sự cân bằng giữa con người với thiên nhiên, giữa cá nhân và tập thể, giữa công việc và nghỉ ngơi, giữa đời sống vật chất và tinh thần. Tác giả chỉ ra rằng, chính sự kết nối giữa các yếu tố tưởng chừng như đối lập này đã tạo nên một tổng thể hài hòa, giúp con người tìm thấy sự bình yên từ bên trong.

Xây dựng không gian sinh hoạt dựa trên triết lý cân bằng

Tác phẩm Chōwa được chia thành ba phần với các tiêu đề lần lượt là: Tìm kiếm sự cân bằng tự thân, Sống hòa hợp với người khác, Cân bằng điều quan trọng nhất. Từng chương nhỏ trong mỗi phần của cuốn sách đều mở đầu bằng trích dẫn từ các nhân vật lịch sử nổi tiếng, hoặc những câu ngạn ngữ quen thuộc ở Nhật, giúp độc giả nắm bắt được tinh thần khái quát của cả chương sách trước khi đọc. Kết thúc mỗi chương, tác giả còn đặt ra một loạt câu hỏi nhằm khuyến khích độc giả suy ngẫm và hình dung về quá trình phát triển bản thân để có thể áp dụng tinh thần chōwa vào cuộc sống của chính mình.

Phần đầu tiên của Chōwa giới thiệu về không gian sống. Thông qua hình ảnh ngôi nhà truyền thống – một biểu tượng văn hóa đặc trưng ở Nhật Bản – tác giả đã miêu tả chi tiết cấu trúc và phân tích ảnh hưởng của không gian này đến lối sống của người Nhật. Từ cách bố trí phòng ốc, lựa chọn vật liệu cho đến việc sử dụng ánh sáng tự nhiên, tất cả đều toát lên tinh thần chōwa, hướng đến sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Tuy nhiên, do áp lực của cuộc sống hiện đại, nhiều người đã lựa chọn rời bỏ làng quê để lên thành phố, khiến cho những ngôi nhà truyền thống dần trở nên mai một. Vì vậy, có thể nói hình ảnh ngôi nhà trong sách không còn phản ánh đúng với cuộc sống của người Nhật ở thành thị. Tuy nhiên, ngôi nhà của chính gia đình tác giả – vốn được xây dựng trên tinh thần chōwa – vẫn gợi lên vệt ký ức xa xăm về một nền văn hóa Nhật Bản truyền thống, khiến người đọc vừa cảm thấy ấm áp, gần gũi vừa có một cái nhìn thực tế về xã hội đương đại.

Cân bằng nội tâm trong một thế giới đầy biến động

Phần hai của Chōwa xoay quanh mối quan hệ giữa con người với xã hội, từ mối quan hệ trong gia đình đến địa vị cá nhân. Nhật Bản được biết đến là một xã hội tập thể, nơi mà tinh thần đồng lòng, tương trợ được đề cao. Tác giả minh họa rõ nét điều này qua những hoạt động cộng đồng đặc trưng, như bài tập thể dục buổi sáng – rajio taiso – được phát trên đài NHK từ năm 1928 cho mọi người cùng tập đã trở thành một nét đẹp văn hóa ở Nhật.

Đến phần cuối cùng của cuốn sách, Akemi Tanaka đặt ra những câu hỏi lớn hơn về cách chúng ta tồn tại trong một thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng... Từ đó, tác giả giới thiệu về văn hóa ẩm thực Nhật Bản – washoku – như một ví dụ điển hình cho tinh thần chōwa trong việc kết nối giữa con người và thiên nhiên. Washoku không chỉ đơn thuần là ẩm thực để sinh tồn, mà còn là một nghệ thuật tinh tế, thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên, với mùa màng và với chính những nguyên liệu tạo nên một món ăn.

Tuy nhiên, Akemi Tanaka đã chỉ ra rằng ngay cả ở Nhật Bản, nơi sinh ra triết lý chōwa, cũng không tránh khỏi những sai lầm trong việc ứng phó với các vấn đề môi trường. Thảm họa hạt nhân Fukushima là một bài học đắt giá cho thấy rằng việc phát triển kinh tế mà không cân nhắc đến yếu tố môi trường, không tôn trọng thiên nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Từ đó, cuốn sách truyền tải một thông điệp rất rõ ràng rằng: tinh thần sống hài hòa theo triết lý chōwa là chìa khóa để chúng ta tìm kiếm sự cân bằng trong một xã hội hiện đại đầy biến động.

Trích đoạn

“Ở Nhật, chúng tôi tin rằng mỗi lĩnh vực trong cuộc sống đều có những yêu cầu đặc trưng và điều này phần nào được phản ánh qua cung cách ăn mặc. Người phương Tây mặc vest và mang giày lịch sự khi đi làm ở văn phòng vào ban ngày và mặc đồ thoải mái hơn sau khi về nhà vào buổi tối, nhưng sự phân chia giữa các bộ trang phục cho những nhiệm vụ khác nhau, ở những nơi sinh sống khác nhau, đối với người Nhật lại có phần phức tạp hơn. Quần áo bảo hộ lao động thường nghiêm túc hơn. Quần áo mặc trong nhà được thiết kế thoải mái hơn. Tôi có thói quen thay quần áo ít nhất ba lần một ngày khi ở Nhật.”

***

“Trong lĩnh vực trang trí nội thất ở Nhật Bản, sự cân bằng là vấn đề sống còn thực sự. Tủ quần áo nặng và những ngăn kệ xếp chống chất lên nhau có thể đổ sụp xuống khi có động đất. Một chiếc gương treo hoặc khung tranh có thể rơi vỡ và các mảnh thủy tỉnh sẽ văng khắp phòng. Ngay cả khi chúng ta không cần phải chuẩn bị đối phó với thảm họa, tôi tin rằng việc suy nghĩ về sự cân bằng vật chất – trọng lượng và số lượng đồ gia dụng – có thể giúp ta ứng phó với nhiều thách thức và thay đổi hằng ngày dẫu có bất ngờ đến đâu chăng nữa.”

***

“Bạn có thể tự cho mình một đặc ân. Như mặt trời, mặt trăng nhìn mặt đất, bạn hãy thử lùi lại, tự tách ra để khách quan nhìn mình từ vị trí trên cao. Chỉ cần dành một chút thời gian để tưởng tượng lại cuộc sống, bạn sẽ dân cảm thấy bản thân bình tĩnh và tự chủ hơn. Bạn đã ngừng chiến đấu, ngừng đâm đầu vào ngõ cụt như con ếch ở đáy giếng, và bắt đầu thực sự nhận ra điều gì đang diễn tiến trong cuộc sống của mình.”

Nhận xét của báo chí

“Sâu sắc, trung thực và mạnh mẽ, Chōwa là một quyển sách đáng đọc. Mỗi chương đều chứa đựng những bài học có thể áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Sau khi đọc sách, tôi cảm thấy như thể mình đã nhìn ra một khía cạnh khác của nền văn hóa Nhật Bản mà trước đây tôi chưa từng biết đến.”

Book Reviews, Yamato Magazine

“Cách giản đơn để bắt đầu hành trình tự cân bằng cuộc sống là hãy làm theo những điều Tanaka khuyên bạn.”

The Independent

Về tác giả

Akemi Tanaka xuất thân từ gia đình có truyền thống võ sĩ đạo. Cô lớn lên ở Nhật Bàn, sau đó cùng con gái chuyển đến London. Akemi là người kết nối văn hóa có uy tín tại Anh, thường xuyên dẫn dắt các chương trình tìm hiểu văn hóa quê nhà, thuyết trình tại các trường, đại học và trung tâm văn hóa. Năm 2011, Akemi thành lập tổ chức Aid For Japan và đã nhận được giải thưởng của chính phủ Anh vinh danh hoạt động từ thiện của cô dành cho trẻ mồ côi sau thảm họa sóng thần. Bên cạnh đó, Akemi cũng là chuyên gia truyền đạt nghệ thuật trà đạo cổ điển thông qua các lớp học chuyên đề.

Mua ngay tại đây.

Đọc bài viết

Book trailer

HÃY KỂ TÔI NGHE SỰ THẬT VỀ TÌNH YÊU- Những RED FLAG điển hình qua 13 câu chuyện trị liệu cặp đôi

Published

on

By

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu – tác phẩm nghiên cứu vừa được Phương Nam Book phát hành – của nhà trị liệu tâm lý Susanna Abse là một chuyến du hành đầy mê hoặc vào thế giới nội tâm phức tạp của tình yêu và các mối quan hệ.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu xoay quanh chủ đề muôn thuở: tình yêu đôi lứa. Ngay từ những trang đầu tiên, Susanna Abse đã khẳng định một cách dứt khoát: Tình yêu đôi lứa là trọng tâm của đời sống con người. Bằng chứng là dù xã hội có phát triển hiện đại đến đâu, dù khoa học kỹ thuật có tiến xa đến nhường nào, thì bản năng khao khát kết nối, tìm kiếm một nửa yêu thương vẫn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Chúng ta sinh ra là để yêu và được yêu.

Bóc trần từng lớp mặt nạ của tình yêu để đối diện với sự thật

Chúng ta đều biết rằng tình yêu không chỉ có màu hồng lãng mạn. Song hành cùng những cảm xúc thăng hoa, hạnh phúc, tình yêu cũng ẩn chứa muôn vàn góc khuất, những tổn thương, thất vọng và cả những nỗi sợ hãi khó gọi tên.

Với kinh nghiệm hơn 35 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, chứng kiến vô số những cuộc tình đến rồi đi, Susanna Abse nhận ra rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mâu thuẫn, rạn nứt trong tình yêu đôi lứa phần lớn đều bắt nguồn từ những tổn thương thời thơ ấu, những khuôn mẫu nội tâm đã ăn sâu vào tiềm thức và chi phối cách chúng ta nhìn nhận bản thân, nhìn nhận tình yêu và cách chúng ta tương tác với người bạn đời của mình.

Trong tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu, Susanna Abse đã thuật lại nhiều câu chuyện được lấy cảm hứng từ chính những bệnh nhân bà từng tiếp xúc. Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép, góp phần phác họa bức tranh đa sắc màu về đời sống hôn nhân, phơi bày những tổn thương thầm kín và cả những khao khát thầm lặng của mỗi cá nhân. Tất cả đều như phản chiếu một ai đó trong chính chúng ta, những con người đã từng vấp ngã, lạc lối trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Khi truyện cổ tích gặp gỡ phân tâm học

Ngay từ mặt cấu trúc, tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu đã toát lên sự sáng tạo độc đáo, khác biệt. Mỗi chương trong sách đều lấy cảm hứng từ một câu chuyện cổ tích hay thần thoại quen thuộc, trở thành lăng kính để tác giả phân tích những khía cạnh khác nhau của tình yêu. Cách tiếp cận này không chỉ tạo sự gần gũi, dễ hiểu mà còn khơi gợi nhiều suy ngẫm sâu sắc.

Mười ba chương sách tựa như mười ba thước phim ngắn, lần lượt phác họa thế giới nội tâm của những cặp đôi đang vật lộn với những biến cố, thử thách trong tình yêu. Ta bắt gặp hình ảnh những bậc cha mẹ tự tay phá hủy rồi lại miệt mài xây dựng ngôi nhà rơm của mình, hay cô bé Khăn Đỏ cứ nhất quyết bảo vệ con sói đội lốt cừu, nàng Rapunzel khao khát tình yêu nhưng lại tự giam cầm trong chính tòa lâu đài cô độc của mình... Mỗi câu chuyện là một lăng kính soi rọi những vòng lặp hành vi, những bế tắc, những nỗi đau và khát khao yêu thương ẩn giấu sâu thẳm bên trong mỗi con người.

Từ đó, Susanna Abse đã không ngần ngại đưa người đọc đối diện với những góc tối, những mặt trái trong tình yêu như: sự phản bội, lừa dối, sự ích kỷ, chiếm hữu... Tuy nhiên, thay vì đánh giá hay phán xét, Abse lại dùng sự thấu hiểu, cảm thông để giúp người đọc nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và nhân văn hơn.

Hành trình khám phá bản thân và nghệ thuật yêu thương

Tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu còn là câu chuyện về chính Susanna Abse, về hành trình trưởng thành của bà trong suốt hơn 30 năm làm nghề trị liệu tâm lý đầy thử thách. Bà không ngần ngại chia sẻ những lúng túng, sai lầm non nớt thời mới vào nghề, hay cả những giằng xé nội tâm, những cảm xúc cá nhân khó tránh khỏi khi đối diện với những hoàn cảnh, những mảnh đời khác nhau. Chính sự chân thành, dám bộc lộ ấy đã phá vỡ bức tường vô hình giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, để từ đó, ta thêm tin tưởng vào quá trình trị liệu, hiểu rõ hơn về bản chất của sự đồng hành, thấu cảm trong hành trình chữa lành.

Bên cạnh đó, tác giả còn bộc bạch rằng bà không có ý định đưa ra những lời khuyên hạnh phúc sáo rỗng hay các giải pháp nhanh chóng, tức thời; bởi lẽ từng cá thể, từng cặp đôi không phải là những bản sao giống nhau để tuân theo một công thức chung nào đó. Thay vào đó, thông qua những câu chuyện, những chiêm nghiệm của bản thân, bà khích lệ sự tự vấn, thôi thúc người đọc dám đối diện với chính mình, đánh giá lại những mối quan hệ xung quanh với cái nhìn thấu đáo và bao dung hơn.

Dù tập trung chủ yếu vào tình yêu đôi lứa, nhưng những bài học từ Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều dạng kết nối khác, chẳng hạn như tình bạn, tình cảm gia đình. Tác giả nhấn mạnh rằng chính sự chấp nhận những khiếm khuyết, yếu đuối của bản thân và người khác mới là chìa khóa cho một mối quan hệ bền vững. Ta nhận ra rằng, không chỉ tình yêu đôi lứa, mà bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần sự vun đắp, chăm sóc và thấu hiểu lẫn nhau.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm khó tả. Đó là sự đồng cảm sâu sắc với những thân phận, những mảnh đời trong truyện. Đó là nỗi trăn trở, băn khoăn về bản chất của tình yêu, về cách ta yêu thương và vun vén hạnh phúc. Trên hết, đó là lời nhắc nhở rằng tình yêu là hành trình khám phá vô tận và chính sự không hoàn hảo mới khiến nó trở nên đẹp đẽ, đáng trân trọng.

Trích đoạn

“Trên hành trình khám phá các mối quan hệ yêu đương, có hai khía cạnh về ‘sự thật’ giữa một cặp đôi rất cần phải đặt ra nghi vấn: sự thật thứ nhất liên quan đến việc đối diện với cảm xúc của chính mình và tri nhận trải nghiệm của bản thân; cái thứ hai liên quan đến việc đối diện với cảm xúc của đối phương và thấu hiểu trải nghiệm của họ.”

***

“Jung rất thông thái – là một nhà trị liệu tâm lý, tôi học được rằng tất cả các trải nghiệm của ta được định hình và ngập tràn dấu vết bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Chúng ta tiếp cận mỗi một sự kiện hay mối quan hệ mới với tâm thế đầy định kiến – ta không bao giờ thoát khỏi những ảnh hưởng này; bất kể ta có ảo tưởng rằng mình là một chứng nhân khách quan và công minh với cuộc đời mình, nhưng thực tế không phải vậy. Quá khứ luôn sống trong hiện tại.

Nhận xét của báo chí

“Một cuốn sách lôi cuốn, thiết thực và nhân văn về những nỗi đau và hy vọng trong các mối quan hệ.”

Alain de Botton, Tácgiả nhiều đầu sách nổi tiếng về triết học thường thức

“Cuốn sách nên có trong tủ sách của bất kỳ ai muốn hiểu sâu hơn về những cung bậc cảm xúc trong tình yêu – từ khi say đắm đến lúc chia lìa.”

Philippa Perry, Nhà tâm lý trị liệu

“Mỗi trang sách đều mang đến cho tôi những kiến thức mới mẻ về con người, về các mối quan hệ và cuối cùng là về chính mình.”

Annalisa Barbieri, Nhà báo củatờ The Guardian      

Về tác giả

Susanna Abse

• Nhà trị liệu phân tâm học, với hơn 35 năm kinh nghiệm trong công tác trị liệu cá nhân, cặp đôi và phụ huynh.

• CEO của tổ chức thiện nguyện Tavistock Relationships (2006 - 2016).

• Chủ tịch Hội đồng Phân tâm học Anh (2018 - 2021).

• Tác giả của nhiều ấn phẩm về trị liệu cặp đôi, phương pháp nuôi dạy con, chính sách gia đình; cùng nhiều bài báo về các vấn đề chính trị và xã hội cho Guardian, New StatesmanOpen Democracy.

• Người dẫn chương trình “Britain on the Couch” năm 2019 trên kênh Channel 4 News.

• Đồng biên soạn The Library of Couple and Family Psychoanalysis của Routledge Books và là thành viên quản trị của Bảo tàng Freud ở London.

Đọc bài viết

Cafe sáng