Trích đăng
Ngoài Covid, còn có những cuộc khủng hoảng thầm lặng khác
Ta mang khẩu trang để bảo vệ chính mình và người khác khỏi một con vi rút mà ta không thấy được. Nhưng còn tất cả những con vi rút vô hình khác mà ta cũng cần tránh thì sao?

Trích đăng
Lancaster và York: Giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng

Trích từ: Chiến Tranh Hoa Hồng Giữa Lancaster Và York - Cuộc Chiến Vương Quyền Anh Quốc
Tác giả: Alison Weir
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 12.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.
./.
GIỚI THIỆU
Trong quá trình hoàn tất tác phẩm trước, cuốn The Princes in the Tower, tôi nhận ra rằng ở phương diện nào đó, tôi chỉ mới kể một nửa câu chuyện. Lúc ấy tôi đang viết về giai đoạn cuối của cuộc chiến mang cái tên hoa mỹ là Chiến tranh Hoa hồng, một cuộc xung đột kéo dài hơn ba mươi năm, từ 1455 đến 1487. Trên thực tế, có đến hai cuộc Chiến tranh Hoa hồng; lần đầu kéo dài từ 1455 đến 1471, giữa hai gia tộc Lancaster và York, và lần sau từ 1483 đến 1487, giữa nhà York và nhà Tudor. Giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng vốn chỉ được đề cập sơ lược trong The Princes in the Tower, cuốn sách mô tả khá chi tiết giai đoạn thứ hai của cuộc chiến này, thế nên tôi cảm thấy phần tiền truyện ấy vốn dĩ rất thú vị để viết tiếp. Vì vậy, cuốn sách này chính là câu chuyện xoay quanh hai gia tộc Lancaster và York thuộc giai đoạn đầu của Chiến tranh Hoa hồng.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi đã xem xét nhiều nguồn tài liệu, cả cổ xưa lẫn hiện đại, và tất cả những nguồn hiện đại hầu như đều chỉ tập trung vào các khía cạnh quân sự và thực tiễn về chủ đề tôi viết. Cuốn sách này đương nhiên sẽ đề cập đến những vấn đề đó, với khá nhiều đoạn đi sâu vào chi tiết, nhưng mục đích chính của tôi là khắc họa vai trò của con người trong lịch sử – những nhân vật có liên quan, những vai chính của một trong những mối hận thù kéo dài nhất và có sức hấp dẫn nhất lịch sử nước Anh.

Trung tâm của cuộc chiến phe phái đẫm máu này là hình ảnh đáng thương của nhà vua tâm thần bất ổn Henry VI, sự cai trị kém cỏi và trí lực thiểu năng của ông đã khiến chính trị rối ren, dân chúng ta thán, các đại quý tộc bất hòa với nhau, dẫn đến chiến loạn liên miên và một trận ác chiến tranh giành ngôi vua. Đối thủ chính của Henry là Richard Plantagenet, Công tước xứ York, người lẽ ra phải là vua, theo luật trưởng nam thừa kế thời đó. Sau cái chết của Công tước York, quyền thừa kế ngai vàng của ông được trao cho con trai, người về sau trở thành vua Edward IV, một bạo chúa háo sắc dẫn đến sự sụp đổ của nhà Lancaster.
Cuốn sách này cũng là câu chuyện về cuộc tranh đấu ác liệt và ngoan cường của một người phụ nữ vì quyền lợi của con trai mình. Bị kẻ thù buộc tội đã đem một đứa con hoang đặt vào chiếc nôi hoàng gia, vợ vua Henry – hoàng hậu Margaret xứ Anjou – đã đứng lên chiến đấu vì vương triều Lancaster trong suốt nhiều năm, chống lại những khó khăn dường như không thể vượt qua nổi để bảo vệ ngôi vua của chồng và con trai mình. Bản thân điều này rất đáng chú ý, vì bà là một người phụ nữ trong thế giới hung bạo của đàn ông, nơi hầu hết nữ giới đều bị coi là những món hàng hóa có thể trao tay, và không có tư cách tham chính.
Còn rất nhiều khuôn mặt người trong tấn tuồng phản trắc và xung đột sẽ diễn ra dưới đây. Con trai của Margaret, Edward xứ Lancaster, vốn tính hung bạo từ nhỏ, đã khiến những người cùng thời không khỏi bàng hoàng trước sự nhẫn tâm sớm bộc lộ của y. Richard Neville, Bá tước xứ Warwick – “Warwick Kẻ Buôn Vua” – là nguyên mẫu của dạng quyền thần hùng mạnh quá mức cuối thời Trung cổ, người đã dựng lên và phế truất các vị vua, thế nhưng lòng trung thành của ông ta, suy cho cùng, chỉ dành cho chính bản thân mình. Chiến tranh Hoa hồng không chỉ dẫn đến sự sụp đổ của một vương triều mà còn cả những đại quý tộc như Warwick.
Tôi đã cố gắng mô tả sâu sát các thành viên của hai gia tộc Lancaster và York như những con người thực sự, có thể nhận diện qua cá tính và điểm yếu của từng người, chứ không chỉ qua những cái tên trên cây gia phả rối rắm. Nhà Beaufort, những đứa con hoang của John xứ Gaunt, hống hách hệt như những ông hoàng trước triều đình và, theo một số người, trên chiếc giường của hoàng hậu. Nhà Tudor cũng là dòng dõi hoàng tộc đáng ngờ, và – giống như nhà Beaufort – trung thành hết mực với nhà Lancaster, gia tộc mà sau này họ nhận quyền thừa kế từ đó. Cuốn sách nhắc đến những vị vua – như Richard II loạn thần và ngông cuồng, kẻ soán ngôi Henry IV, triều đại của ông ta bị hủy hoại bởi các cuộc nổi loạn và bản thân ông thì bị bệnh tật hành hạ; hay chiến binh lạnh lùng Henry V, người hùng của dân chúng, người đã phán đoán sai chính sách đối ngoại dẫn đến đại họa cho con trai mình, Henry VI. Và những vị hoàng hậu: Katherine xứ Valois kiêu sa và vô luân, người tìm kiếm tình yêu với một cận vệ xứ Wales sau cái chết của chồng là vua Henry V; hay Elizabeth Wydville, với nhan sắc lạnh lùng che giấu lòng tham và sự tàn bạo. Bên cạnh những nhân vật này, câu chuyện của chúng ta còn tràn ngập những con người sinh động, bí ẩn hoặc bi thảm, từ Jack Cade khét tiếng, kẻ cầm đầu một cuộc dấy loạn, đến John Tiptoft tàn ác, Bá tước xứ Worcester; và từ rất nhiều lãnh chúa hùng mạnh cho đến hai cô con gái yếu đuối và xấu số của Warwick, Isabel và Anne Neville. Tất cả đều liên quan, bằng cách này hay cách khác, đến cuộc xung đột dữ dội này. Đây quả thực là trường đoạn lịch sử của các phe phái, nhưng chính những người tạo nên các phe phái đó đã khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn đến vậy.
Lịch sử Chiến tranh Hoa hồng đã được thuật lại vô số lần bởi nhiều sử gia, nhưng ngày nay, hẳn sẽ không còn hợp thời nếu nhìn theo quan điểm của nhà Tudor mà cho rằng nguồn gốc của Chiến tranh Hoa hồng nằm ở việc phế truất Richard II, sự kiện xảy ra từ hơn năm mươi năm trước khi cuộc chiến này bùng nổ. Tuy nhiên, thực sự thì nguồn gốc của cuộc xung đột có thể truy ngược đến tận thời điểm đó; để hiểu được các nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Hoa hồng và di sản triều đại của các nhân vật chính, ta cần ngược lại xa hơn nữa, đến thời kỳ dòng dõi đại quý tộc mang dòng máu hoàng gia được sáng lập bởi vị vua nhiều con cái nhất của vương triều Plantagenet, Edward III. Do đó, cuốn sách này không chỉ thuật lại câu chuyện về Chiến tranh Hoa hồng mà còn bàn về hai nhà Lancaster và York cho đến năm 1471.
Những nguồn sử liệu về thời kỳ này rất ít ỏi và thường không mấy rõ ràng, tuy nhiên, chừng đó nghiên cứu đã được thực hiện trong hàng trăm năm qua cũng đủ để soi sáng đôi chút cho chúng ta về giai đoạn thường được gọi là thời chạng vạng của thế kỷ 15. Nhiều ngộ nhận đã bị loại bỏ, nhưng dù vậy cuộc xung đột vương triều phức tạp này vẫn khiến nhiều người nhầm lẫn. Mục đích xuyên suốt của tôi là loại bỏ sự nhầm lẫn đó và cố gắng trình bày câu chuyện theo trình tự thời gian, nhằm làm rõ các vấn đề về việc kế vị ngai vàng vào thời đại mà không có quy tắc thừa kế nhất định nào được áp dụng triệt để. Tôi cũng cố gắng khiến cho giai đoạn thế kỷ 15 này trở nên sống động bằng cách đưa vào càng nhiều càng tốt những chi tiết về đời sống đương thời trong chừng mực khuôn khổ số trang cho phép, nhằm khiến cho chủ đề này phù hợp với mọi độc giả, dù có chuyên môn học thuật hay không. Nhưng chủ yếu là tôi cố gắng thuật lại một câu chuyện phi thường và tàn khốc về những cuộc tranh giành quyền lực ngôi cao có can dự đến một số nhân vật lôi cuốn nhất trong lịch sử nước Anh.
Câu chuyện này bắt đầu vào năm 1400 với vụ sát hại một vị vua và kết thúc vào năm 1471 với vụ sát hại một vị vua khác. Vụ giết người được cho là kết quả trực tiếp từ vụ kia. Câu chuyện về những gì đã xảy ra từ năm 1400 đến năm 1471, vốn được thuật lại trong cuốn sách này, sẽ là lời hồi đáp cho câu hỏi: Như thế nào?
Alison Weir
Surrey
tháng Hai 1995
Trích đăng
Vào bếp nấu chè trôi nước ngũ sắc đưa ông Táo về trời – Trích “Thơm thảo xôi chè”

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian cả việc tốt lẫn việc xấu và những gì chưa làm được. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình. Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công ông Táo về trời (hoặc gọi ngắn gọn là đưa ông Táo về trời) luôn được tiến hành trọng thể.
Trong ngày này, các gia đình thường làm lễ tiễn ông Táo về trời bằng cách thả cá chép. Ngoài ra, mọi người cũng làm mâm cỗ cúng để bày tỏ lòng thành kính với Táo Quân. Trong Thơm Thảo Xôi Chè, nghệ nhân bánh dân gian Trần Thị Hiền Minh đã khéo léo chia sẻ công thức nấu chè trôi nước ngũ sắc, một món ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng và rất thích hợp để bày mâm cỗ cúng ông Táo. Cùng Phương Nam Book tìm hiểu cách làm món này nhé!

CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU
500g bột nếp
100g khoai lang tím
150g bí đỏ
300g khoai lang trắng
Nước cốt lá dứa, nước lá cẩm
400g đậu xanh bóc vỏ
150g đường cát
10g muối
100ml nước cốt dừa
Phần nước cốt dừa:
300ml nước cốt dừa
700ml nước dão dừa
20g bột gạo
20g bột bắp
5g hành lá
800g đường cát (nấu chè)
150g đường cát (nấu nước cốt dừa)
100g mè trắng
3g muối
100g gừng sẻ

THỰC HIỆN
Sơ chế:
• Mè rửa sạch, rang hoặc nướng trong lò nướng nhiệt 150 độ C đến khi vàng thơm.
• Gừng gọt vỏ, rửa sạch, xắt khoanh mỏng.
• Khoai lang, bí đỏ luộc chín, giã nhuyễn, để riêng từng phần. Chia bột thành 5 phần bằng nhau. Mỗi phần nhồi khoai lang và màu tương ứng cho hòa quyện.
• Dùng nước ấm nhồi với bột nếp đã trộn kỹ theo từng màu, nhồi nhanh tay để bột dẻo. Khi bột gần mịn đều, thêm nước từ từ tránh làm nhão bột, rồi để bột nghỉ 30 phút.
• Đậu xanh vo sạch, ngâm nở 2 giờ, vo lại cho hết nước chua rồi nấu chín, giã nhuyễn. Xào đậu xanh với 100ml nước cốt dừa và 100g đường trên lửa vừa, thêm 10g muối vào cho đậu béo bùi, đậm vị hơn. Khi đậu xanh không dính tay thì tắt bếp, cho hành lá cắt nhuyễn vào trộn đều. Vo viên đậu bằng cỡ trái chanh nhỏ.
Gói viên chè:
• Chia đều bột nếp, mỗi viên khoảng 30g, gói nhân đã chuẩn bị sẵn.
• Bắc nồi nước sôi luộc các viên chè. Khi chín viên chè sẽ nổi lên mặt nước, nấu thêm 2 phút cho viên chè chín kỹ rồi vớt ra ngâm vào nước lạnh.
Nấu chè:
• Cho 2 lít nước vào nồi cùng với 600g đường và vài lát gừng, bắc lên bếp nấu sôi.
• Cho các viên chè vào nồi nấu sôi chừng 5 phút để viên chè thấm đường và vị gừng, nhắc xuống.
Nấu nước cốt dừa:
• Cho nước dão dừa, đường cát, bột gạo, bột bắp, muối và vài cọng lá dứa vào nồi khuấy đều rồi mở bếp ở mức lửa nhỏ, nấu đến khi sôi, khuấy đều tay.
• Tiếp theo chế thêm nước cốt dừa, để hỗn hợp sôi lại, tắt bếp liền.
YÊU CẦU THÀNH PHẨM
• Nước đường trong, ngọt thanh, thơm dịu mùi lá dứa.
• Các viên chè dẻo mềm, không bị nứt hay nhão bề mặt.
Khi ăn, múc chè ra chén, chan nước cốt dừa vào, rắc thêm ít mè rang.

Chè trôi nước ngũ sắc không chỉ đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đầy đủ, may mắn và sự hòa hợp của năm mới. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của đường, vị béo của nước cốt dừa và độ dẻo dai của vỏ bánh trôi kết hợp hài hòa với nhân đậu xanh thơm ngon.
Thơm Thảo Xôi Chè là món quà dễ thương dành tặng những ai đam mê nấu nướng bởi nó không chỉ đẹp về hình thức mà còn hấp dẫn về nội dung. Ngoài việc hướng dẫn tỉ mỉ các công thức nấu, tác giả còn khéo léo thuật lại cuộc phiêu lưu ẩm thực qua hành trình tìm kiếm các sản vật quý địa phương. Cuốn sách dù đơn sơ, mộc mạc nhưng đã phần nào truyền tải thành công tình yêu nghề của người đầu bếp và trên tất cả là sự tinh tế của nền ẩm thực nước nhà.
Mời bạn tìm mua sách tại đây. Nếu có làm theo các công thức trong sách thì bạn nhớ chia sẻ cho Bookish biết với nha!
Chúc bạn một mùa Tết bình an và sung túc bên gia đình.
Trích đăng
Trích đăng “Hành trình người viết” – Christopher Vogler

Trích từ: Hành Trình Người Viết
Tác giả: Christopher Vogler
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.
./.
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH
“Loài người thật ra chỉ có tầm hai hay ba câu chuyện thôi,
và chúng được lặp đi lặp lại mải miết cứ như lần đầu được kể.”
— Willa Cather, trong O Pioneers!
Về lâu dài mà nói, Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt của Joseph Campbell là một trong những quyển sách có sức ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.
Những tư tưởng mà quyển sách truyền tải đang ảnh hưởng to lớn tới cách thức kể chuyện. Các tay viết đang dần nhận thức rõ hơn về các hình mẫu trường tồn mà Campbell đã đưa ra, và góp phần làm giàu thêm bằng chính công sức của họ.
Hiển nhiên Hollywood cũng đã nhận ra công trình của Campbell hữu ích thế nào. Những nhà làm phim như George Lucas và George Miller đều bày tỏ lòng biết ơn tới Campbell, tầm ảnh hưởng của ông còn được thể hiện trong các phim của Steven Spielberg, John Boorman, Francis Coppola, Darren Aronofsky, Jon Favreau, và nhiều người khác.
Không có gì ngạc nhiên khi Hollywood rất ưng các tư tưởng mà Campbell trình bày trong tác phẩm của mình. Những khái niệm ông đưa ra như hộp dụng cụ vào nghề cho biên kịch, nhà sản xuất, nhà thiết kế… Chúng ẩn chứa đầy đủ các công cụ chắc chắn để phục vụ hoàn hảo cho mục đích sáng tác. Những công cụ này cho phép người dùng dựng nên câu chuyện đáp ứng đủ loại tình huống, một câu chuyện vừa có thể ẩn chứa bi kịch, lại vừa mang tính giải trí, và còn chuẩn xác về mặt tâm lý. Chúng cho phép người dùng chẩn đoán mọi vấn đề ẩn chứa trong các kịch bản khó nhằn, cũng như cung cấp giải pháp chỉnh sửa để đưa kịch bản lên tới tầm khả thi đỉnh cao của nó.
Thời gian là bảo chứng rõ ràng nhất cho tác dụng của hộp đồ nghề này. Chúng tồn tại lâu đời hơn cả những kim tự tháp, vòng tròn đá Stonehenge hay những hình vẽ sơ khai trên vách hang động.
Bộ công cụ này được Joseph Campbell hoàn thành khi ông bỏ công sức góp nhặt và quy mọi nhánh tư tưởng về một mối, sau đó nhìn nhận, diễn giải, đặt tên, và sắp xếp lại toàn bộ. Chính ông là người đầu tiên đem những hình mẫu chứa đựng trong các câu chuyện ra ánh sáng.
Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt là bản báo cáo của Campbell về cấu trúc bền vững nhất trong văn học, xét cả văn nói lẫn văn viết: thần thoại về người anh hùng. Trong nghiên cứu của mình về thế giới thần thoại, Campbell nhận ra rằng về bản chất mọi câu chuyện đều y hệt nhau, một cấu trúc lặp đi lặp lại bất tận với vô hạn biến thể.
Ông nhận ra rằng trong mọi cách kể chuyện, dù vô tình hay hữu ý, thì cũng theo các khuôn mẫu cổ đại từ thần thoại. Và mọi câu chuyện, từ những chuyện đùa thô thiển nhất cho tới đỉnh cao văn học, đều có thể diễn giải dựa trên Hành Trình Anh Hùng: vòng lặp hành trình cùng các nguyên tắc của nó.
Các hình mẫu trong Hành Trình Anh Hùng mang tính chung nhất, áp dụng ở bất kỳ nền văn hóa, bất kỳ thời điểm nào. Hệt như chính loài người chúng ta, khả năng biến thể tái lặp của các hình mẫu là vô hạn, dẫu cho bản chất nguyên thủy không hề thay đổi. Hành Trình Anh Hùng là một chuỗi các yếu tố bền bỉ bật lên từ sâu thẳm nhất trong tâm trí con người, có khác biệt qua các nền văn hóa, nhưng về bản chất vẫn là một.
Suy nghĩ của Campbell cũng song hành với nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Carl G. Jung, người từng viết về các cổ mẫu (hoặc nguyên mẫu) như sau: chúng là những nhân vật hoặc nguồn năng lượng được lặp lại, liên tiếp, xuất hiện trong giấc mơ của mọi người và các câu chuyện thần thoại trong mọi nền văn hóa. Jung cũng gợi ý rằng những nguyên mẫu trên phản ánh những khía cạnh khác nhau của tâm trí con người, rằng bản dạng của chúng ta được phân thành nhiều tính cách để đối ứng với những thăng trầm khác nhau của cuộc đời. Ông nhận ra có sự tương thích mạnh mẽ giữa các hình ảnh trong giấc mơ của bệnh nhân mình chăm sóc với các cổ mẫu trong thần thoại. Ông cho rằng cả hai đều xuất phát từ những nguồn sâu thẳm hơn: vô thức tập thể (collective unconscious) của loài người.
Những nhân vật được lặp đi lặp lại trong thế giới thần thoại cũng chính là những thứ thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ và tưởng tượng của chúng ta: các anh hùng trẻ tuổi, những bô lão thông thái, người biến hình, và các nhân vật phản diện núp trong bóng tối. Điều đó lý giải tại sao thần thoại và các câu chuyện được dựng nên từ hình mẫu của chúng đều chứa đựng triết lý về tâm lý.
Các câu chuyện như thế là những hình mẫu chính xác cho việc khai thác tâm trí con người, bản đồ chân thực của tâm hồn. Chúng chính xác về mặt tâm lý, và đưa ra cảm xúc chân thật ngay cả khi được dùng để diễn giải các sự kiện siêu phàm, phi thường, phi thực tế.
Vì lẽ đó, các câu chuyện trên đều sở hữu tính phổ quát. Bất cứ ai cũng có thể cảm thụ được sức hấp dẫn của những câu chuyện dựa trên mô hình Hành Trình Anh Hùng, chính bởi nguồn gốc phổ quát và phản ánh được vạn vật tự nhiên.
Chúng giải thích những câu hỏi phổ biến thuở còn trẻ thơ của mọi người: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Khi chết rồi tôi sẽ tới đâu? Thiện ác là gì? Tôi phải đối phó với chúng ra sao? Ngày mai sẽ thế nào? Ngày hôm qua đã trôi về đâu? Bên ngoài kia còn ai không?
Những tư tưởng được lồng vào trong thần thoại, sau đó được Campbell định dạng lại trong tác phẩm Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có thể được dùng để thấu hiểu hầu hết vấn đề nhân sinh. Chúng là chìa khóa hữu ích cho cuộc sống, cũng như công cụ hiệu quả để lôi cuốn đám đông khán giả.
Nếu bạn muốn hiểu rõ các tư tưởng đằng sau Hành Trình Anh Hùng, chẳng có cách nào khác ngoài việc tìm đọc tác phẩm của Campbell. Đó sẽ là trải nghiệm thay đổi đời người.
Đọc nhiều thần thoại cũng là ý hay, nhưng đọc sách của Campbell thì hiệu quả cũng chẳng khác là bao bởi lối kể chuyện bậc thầy, và ông cũng thích minh họa những luận điểm bằng ví dụ lấy từ chính kho tàng thần thoại đồ sộ.
Trong Chương 4 của Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có tên “Những Chiếc Chìa Khóa”, Campbell đã đưa ra dàn bài cho Hành Trình Anh Hùng. Tôi đã mạn phép thay đổi dàn bài một chút, cố gắng phản ánh thêm về các chủ đề phổ biến trong điện ảnh bằng các minh họa trích từ các bộ phim đương đại, và cả một vài phim cổ điển khác. Độc giả có thể so sánh hai dàn bài và các thuật ngữ thông qua Bảng 1 ngay dưới đây.
HÀNH TRÌNH NGƯỜI VIẾT | NGƯỜI HÙNG MANG NGÀN GƯƠNG MẶT |
HỒI MỘT | KHỞI HÀNH, LY BIỆT |
Thế Giới Bình Phàm Tiếng Gọi Phiêu Lưu Lời Từ Chối Gặp Gỡ Sư Phụ Vượt Ải Đầu Tiên | Thế Giới Thường Nhật Tiếng Gọi Phiêu Lưu Lời Từ Chối Sự Trợ Giúp Siêu Nhiên Vượt Ải Đầu Tiên Bụng Cá Voi |
HỒI HAI | DẤN THÂN, KHỞI ĐẦU, VƯỢT QUA |
Thử Thách, Đồng Minh, Kẻ Thù Tiếp Cận Hang Động Trong Cùng Khổ Hình Phần Thưởng | Con Đường Thử Thách Gặp Gỡ Nữ Thần Ải Mỹ Nhân Chuộc Tội Cùng Thánh Thần Sự Sùng Bái Ân Huệ Tối Thượng |
HỒI BA | TRỞ VỀ |
Con Đường Trở Về Hồi Sinh Quay Về Cùng Thần Dược | Từ Chối Trở Về Hành Trình Kì Diệu Sự Giải Cứu Vượt Qua Thử Thách Trở Về Bậc Thầy Ở Hai Thế Giới Tự Do Để Sống |
So sánh dàn bài và thuật ngữ
Tôi sẽ kể lại giai thoại Anh Hùng theo cách riêng mình, và độc giả cũng nên làm tương tự. Mọi tay viết đều có thể nhào nặn các hình mẫu thần thoại theo mục đích riêng, hoặc theo nhu cầu của một nền văn hóa cụ thể nào đó.
Đó là lý do tại sao người hùng lại có muôn vàn gương mặt.
Một chú thích về thuật ngữ “anh hùng” được dùng ở đây, cũng tương tự như “bác sĩ”, hay “nhà thơ”, hoàn toàn có thể chỉ bất kỳ giới tính nào.

HÀNH TRÌNH ANH HÙNG
Dẫu cho có muôn vàn biến thể, bản chất câu chuyện về Anh Hùng luôn là một hành trình. Họ từ bỏ cuộc sống dễ chịu quen thuộc cố hữu để dấn thân vào thế giới xa lạ đầy thử thách. Đó có thể là một hành trình hướng ngoại đến một địa điểm cụ thể nào đó: một mê cung, một khu rừng, hay một hang động, một thành phố, một quốc gia xa lạ, một địa điểm mới toanh, nơi sẽ trở thành võ đài cho chính họ chiến đấu với những thế lực phản diện khó nhằn.
Nhưng cũng có nhiều câu chuyện đưa ra hành trình hướng nội, tìm về tâm trí, trái tim, linh hồn của con người. Trong bất kỳ câu chuyện hấp dẫn nào cũng chứa đựng hành trình trưởng thành và thay đổi của nhân vật chính: từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ yếu ớt đến mạnh mẽ, từ điên cuồng đến khôn ngoan, từ yêu thành hận, và ngược lại. Những hành trình đầy cảm xúc này mê hoặc khán giả và tăng cường giá trị theo dõi của chính câu chuyện.
Có thể nhận ra các chặng đường trên Hành Trình Anh Hùng ở khắp mọi câu chuyện, không chỉ gói gọn trong các phiên bản phiêu lưu hành động nảy lửa. Nhân vật chính luôn là người hùng trong mọi hành trình, dù cho con đường phiêu lưu kia chỉ xoay quanh tâm lý hay những mảng quan hệ của họ.
Các chặng trong Hành Trình Anh Hùng xuất hiện và liên kết theo một lẽ tự nhiên, ngay cả khi người viết chẳng hề để ý tới, nhưng những kiến thức góp nhặt từ kho tàng xa xưa này vẫn chứng tỏ độ hữu dụng trong việc nhìn nhận vấn đề và cải thiện cách kể chuyện. Hãy xem 12 chặng đường này như một địa đồ cho Hành Trình Anh Hùng, không chỉ để soi rọi đường đi, mà còn là con đường bền bỉ, linh hoạt, và đáng tin cậy bậc nhất.
CÁC CHẶNG ĐƯỜNG TRONG HÀNH TRÌNH ANH HÙNG
1. THẾ GIỚI BÌNH PHÀM
2. TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU
3. LỜI TỪ CHỐI
4. GẶP GỠ SƯ PHỤ
5. VƯỢT ẢI ĐẦU TIÊN
6. THỬ THÁCH, ĐỒNG MINH, KẺ THÙ
7. TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG
8. KHỔ HÌNH
9. PHẦN THƯỞNG (ĐOẠT LẤY GƯƠM BÁU)
10. CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ
11. HỒI SINH
12. QUAY VỀ CÙNG THẦN DƯỢC
-
Cafe sáng2 months ago
Đón Tết Ất Tỵ rộn ràng cùng chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Nhà Sách Phương Nam
-
Cafe sáng3 months ago
Lịch hoạt động Tết 2025 Nhà Sách Phương Nam
-
Cafe sáng3 weeks ago
Nhiều ưu đãi cực hời đang chờ bạn tại BANDAI NAMCO ASIA POP UP 2025 @ VIETNAM
-
Book trailer3 months ago
F5 bản thân năm 2025 cùng những cuốn sách giúp bạn khai mở tiềm năng
-
Cafe sáng4 months ago
Sonny Angel & Smiski lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội
-
Cafe sáng5 months ago
Khai trương Nhà Sách Phương Nam tại TTTM Crescent Mall
-
Giới thiệu sách3 months ago
Có một thời ở Chợ Lớn: Ký ức vàng son về Chợ Lớn qua lăng kính của Phạm Công Luận
-
Trà chiều3 months ago
“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát