KOMOaudio

5 cuốn sách giúp bạn lấy lại thói quen tốt để cân bằng sức khỏe trong mùa hè này

Published

on

Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng kèm theo những cơn mưa bất chợt, độ ẩm không khí thay đổi thất thường dễ khiến cơ thể chúng ta không thích ứng kịp. Nhức mỏi cơ, đau đầu, uể oải, viêm xoang mũi, dị ứng thời tiết dường như ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày của nhiều người, đặc biệt là những ai có cơ địa nhạy cảm. Nhưng thay vì đổ lỗi cho thời tiết và cơ địa, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng sức khỏe của mình bằng những thói quen rất đơn giản, đơn giản đến nỗi ai trong chúng ta cũng từng nghĩ điều đó không quan trọng.

Loạt sách dưới đây sẽ nhắc nhở bạn về những thói quen đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích, giúp bạn cân bằng sức khỏe trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè năm nay.

1. Khỏe hơn 10 tuổi nhờ uống nước đúng cách

Nếu vẫn nghĩ uống nước là một việc đơn giản thì chúng ta đã bỏ qua một cách chăm sóc sức khỏe vô cùng hiệu quả. Vì thiếu 1-2% thì cơ thể sẽ bị khát cháy, các cơ quan nội tạng đều sẽ bị thiếu độ ẩm lẫn dinh dưỡng, dẫn đến không thể thực hiện được chức năng của mình, dễ tổn thương, kéo theo đó là bệnh tật, lão hoá, thiếu sinh lực, bất an, dễ căng thẳng. Việc uống nước, bổ sung và đảm bảo độ ẩm vô cùng quan trọng cho cả thể chất lẫn tinh thần của chúng ta, nhưng có vẻ như chúng ta đều chưa làm đúng.

Không chỉ trang bị những hiểu biết cơ bản như trên cho bạn đọc, Khỏe Hơn 10 Tuổi Nhờ Uống Nước Đúng Cách còn chia sẻ thêm nhiều phân tích chuyên sâu được đúc kết sau nhiều năm hành nghề của bác sĩ Seung-Nam Lee. Từ những phương pháp bổ sung nước, tăng cường độ ẩm cho cơ thể đúng đắn, mở rộng hơn chúng ta có thể thay đổi cả thói quen sinh hoạt của mình. Khi ăn thức ăn ta sẽ lựa chọn và điều chỉnh các loại thực phẩm phù hợp để bổ sung oxy và nước, khi uống cà phê, rượu bia, ta sẽ biết cách làm thế nào để cân bằng độ ẩm và ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc.

Khỏe Hơn 10 Tuổi Nhờ Uống Nước Đúng Cách là một cuốn cẩm nang toàn diện về chăm sóc sức khỏe thông qua yếu tố cơ bản nhất: nước. Với cách viết đơn giản, dễ hiểu, thông tin ngắn gọn cùng với những kiến thức bổ sung thú vị, bác sĩ Seung-nam Lee hy vọng sẽ giúp cho tất cả mọi người trong hành trình thay đổi thói quen và chăm sóc sức khỏe một cách đúng đắn nhất để phòng trừ bệnh tật, chống lão hoá và luôn giữ một tinh thần tươi trẻ.

2. Lưu Thông Máu Tốt Hóa Giải Bách Bệnh

“Việc lưu thông máu có thể hoá giải bách bệnh” – điều đó có thật không? Liệu rằng dòng chảy âm thầm của máu có thật sự tạo ra tác động ở cả mặt thể chất lẫn tinh thần? Trong suốt quá trình tích góp kinh nghiệm chậm rãi và phong phú trong hơn một thập kỷ, Akiyoshi Horie nhận ra được sự liên hệ mật thiết giữa cơ thể với tinh thần và việc lưu thông máu thật sự ảnh hưởng triệt để đến thân-tâm ta mỗi ngày.

Lưu Thông Máu Tốt Hóa Giải Bách Bệnh sẽ mang lại cho người đọc những phương pháp cải thiện lượng máu trong cơ thể. Tác giả cũng đồng thời chỉ ra những sai lầm thường mắc phải của mọi người về vấn đề này. Lấy ví dụ như khi nghĩ đến “lưu thông máu tốt” mọi người thường nghĩ đến việc máu chảy đều, nhưng thật ra đó chính là cải thiện chất lượng máu. Tương tự, mục đích của cuốn sách không phải là để “máu chảy thông thuận” mà là “lượng máu tràn trề”. Chính vì vậy, qua từng chương được xây dựng rõ ràng, có sự phát triển dần từ đơn giản đến nâng cao, người đọc sẽ đi qua những khái niệm căn bản nhất, các thiên kiến cần được thay đổi đến những thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống để hỗ trợ máu lưu thông tốt, cơ thể tràn trề sinh lực và khỏe mạnh.

Không có một phương thuốc nào, từ Đông y đến Tây y có thể chữa lành bách bệnh. Cơ thể là sự hiện diện trung thực nhất. Tinh thần và thể trạng hiện tại của bạn là hệ quả tích luỹ suốt từ chuỗi ngày sinh hoạt thường nhật. Vậy nên bên cạnh việc đưa ra thông tin hữu ích cùng những phương pháp y học được chắt lọc từ phương Đông ngàn năm lẫn hiện đại để giúp gia tăng chất lượng máu lưu thông, tác giả còn động viên và tạo động lực để mỗi người chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Akiyoshi Horie đã cho chúng ta phương tiện, điều cần thiết ở đây chính là mỗi người hãy cố gắng áp dụng triệt để và sống thật mạnh khỏe, tươi trẻ, vượt qua bệnh tật và tận hưởng hạnh phúc gia đình tròn đầy.

3. Vận Động Đúng Cách Cơ Thể Không Mệt Mỏi

Phần lớn mọi người đều cảm thấy càng lớn tuổi cơ thể càng “dễ mệt mỏi”, “mãi không hết mệt” và đa phần đều từ bỏ ý định cải thiện tình trạng ấy vì cảm thấy đây là vấn đề tuổi tác. Tuy nhiên, sự mệt mỏi đó là do chúng ta đang lựa chọn “cách hoạt động gây mệt mỏi” thông qua những “ngộ nhận” mà ta không thể ý thức được và những “cách sử dụng cơ thể” thiếu chuyên nghiệp vẫn được áp dụng trong vô thức.

Trong cuốn sách này, tác giả đề cập tới những hành động mà mọi người thường cảm thấy “Khó khăn = Mệt mỏi” trong cuộc sống thường ngày, đồng thời đối chiếu với cấu tạo vốn có của cơ thể và giới thiệu những “cách sử dụng cơ thể không mệt mỏi”. Hy vọng thông qua cuốn sách nay, bạn có thể làm dịu bớt dù chỉ là chút ít những “mệt mỏi” của bản thân.

4. Muốn Sống Lâu Đừng Ngồi Quá Nhiều

Cứ mỗi 1 tiếng đồng hồ ngồi, tuổi thọ của bạn sẽ giảm đi 22 phút! Ngồi ăn. Ngồi làm việc. Ngồi xem ti vi, đọc sách. Ngồi trò chuyện với gia đình và bạn bè… Tất cả những việc đó diễn ra trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, chẳng khi nào chúng ta nghĩ nó đặc biệt. Tuy nhiên, ngồi chính là một tác nhân gây ra nhiều bệnh tật và rút ngắn tuổi thọ.

Nói một cách chính xác, việc ngồi quá nhiều sẽ gây tổn hại tới sức khỏe của chúng ta. Nhưng vấn đề là ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian trong ngày ở tư thế ngồi. Chỉ cần bạn đứng dậy khỏi ghế, tuổi thọ sẽ được kéo dài!

Tác giả Koichiro Oka – một chuyên gia nghiên cứu về Khoa học Sức khỏe hành vi và Dịch tễ học hành vi sẽ giải thích cho các bạn hiểu được tầm quan trọng của việc đứng dậy và đi lại sau mỗi lần ngồi quá lâu. Với các phương pháp khắc phục, hướng dẫn luyện tập các bài tập đơn giản và dễ thực hiện, hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp nhiều người nhận ra vấn đề của thói quen ngồi quá nhiều và quyết định đứng lên để thay đổi.

5. Sống Xanh Như Những Lá Trà

Trong cuốn sách thú vị này, bạn sẽ được khám phá kho tàng ý tưởng về sự đơn giản, tiết kiệm, các phương pháp tự chế và cả trí tuệ của người Nhật. Chính tác giả đã áp dụng điều mà cô gọi là ‘Green tea living’ – gồm ăn thực phẩm ít calo, tập thể dục và thiền định… vào cuộc sống. Cô cũng đưa ra lời khuyên về việc thường xuyên ăn súp miso, sử dụng phương pháp bấm huyệt, thử dùng dầu ô-liu cho da khô, massage da mặt bằng thìa và các gợi ý để sống cuộc sống thanh đạm.

Trong cuốn sách thú vị này, bạn sẽ được khám phá kho tàng ý tưởng về sự đơn giản, tiết kiệm, các phương pháp tự chế và cả trí tuệ của người Nhật. Chính Kayaki đã áp dụng điều mà cô gọi là ‘Green tea living’ – gồm ăn thực phẩm ít calo, tập thể dục và thiền định… vào cuộc sống. Cô cũng đưa ra lời khuyên về việc thường xuyên ăn súp miso, sử dụng phương pháp bấm huyệt, thử dùng dầu ô-liu cho da khô, massage da mặt bằng thìa và các gợi ý để sống cuộc sống thanh đạm.

Trà xanh không chỉ có lợi cho tim mạch, nó còn có thể được dùng như một loại mỹ phẩm chống lão hóa, như biện pháp ngừa sâu răng và loại bỏ mùi hôi miệng, như công cụ làm sạch, làm phân bón cho cây, và còn là chiến thuật giảm cân (bằng cách uống một cốc trà trước bữa tối). Sống Xanh Như Những Lá Trà của Kayaki quả thật vô cùng hữu ích và sáng tạo cho một cuộc sống thân thiện với môi trường.

Hi vọng rằng qua gợi ý trên đây, bạn có thêm lý do để dành thời gian quan tâm đến cơ thể để sống vui khỏe, tận hưởng mùa hè cùng người thân và gia đình.

KOMOaudio

Hành trình thay đổi đất nước của Sứ đoàn Iwakura

Published

on

By

Dựa trên chuyến đi của Đại đế Nga Peter đến các nước Tây Âu để học hỏi vào thế kỷ 19, Sứ mệnh Iwakura mở ra công cuộc Duy Tân Minh Trị đã làm thay đổi Nhật Bản một lần và mãi mãi với cuộc hành trình kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 – 1873).

Được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử châu Á cuối thế kỷ 19, sứ mệnh Iwakura chủ trương “Bunmei kaika” (văn minh khai sáng) đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm samurai sang năng lực của trí tuệ do công tước Iwakura Tomomi dẫn đầu, với khoảng 50 thành viên, gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp. Ngoài số kể trên còn có các du học sinh phục vụ cho việc thông dịch, thông tin. Họ đã đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu khác nhau, như: Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Nga.

Có tầm quan trọng bởi đây là lần đầu tiên mà một quốc gia phương Đông tự mình tham gia vào hệ thống thương lượng quốc tế, trong khi ở thời điểm đó vấn đề ngoại giao chỉ được giới hạn trong mối liên hệ giữa một nhóm người có chung một nền văn hóa hoặc về ngôn ngữ như Mỹ với bất cứ cường quốc châu Âu nào; hoặc các quốc gia nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, hay tiếng Tây Ban Nha với nhau, nơi ngôn ngữ quốc tế không gây ra những sự bất tiện.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Một góc nhìn mới

Nói về chuyến Tây du khảo cứu quan trọng này, tư liệu từ phía Nhật Bản tương đối đầy đủ, chủ yếu nằm trong 5 tập Beto Kairan Jikki (Báo cáo về chuyến đi của đoàn đại sứ đặc biệt đến Mỹ và châu Âu) do sử gia Kume Kumitake và cũng đồng thời là người trải nghiệm thực địa viết nên.

Nó là một sự tổng hợp giữa nhật ký, thông tin nghe được từ các chuyến thăm, nhưng cũng có phần hạn chế bởi các quan điểm của người chắp bút. Vì vậy, Sứ đoàn Iwakura do Ian Nish chủ biên như một mảng khác để hoàn thiện thêm hành trình quan trọng này, đến từ góc nhìn của phía Tây phương.

Học giả, nhà nghiên cứu về Nhật Bản Ian Nish.
Nguồn: The Telegraph

Như Ian Nish chia sẻ, tác phẩm này được tổng hợp từ hội nghị ba năm họp một lần của Hiệp hội Nghiên cứu Nhật Bản ở châu Âu diễn ra vào năm 1997, trùng đúng kỷ niệm 125 năm chuyến đi diễn ra. Tại đó nhiều nhà nghiên cứu đã tìm về các tư liệu vẫn còn lưu trữ tại các quốc gia phương Tây, như nhật ký của các chính khách, báo chí địa phương, những lá thư trao gửi nội bộ giữa các đại sứ quán… có so sánh với tác phẩm của Kume Kumitake và báo chí Nhật Bản. Qua đó nhìn lại cuộc du khảo này trên phương diện lịch sử, chính trị và quan hệ quốc tế, cũng như làm rõ vai trò của sứ đoàn và phản ứng của phương Tây đối với sự kiện này.

Có thể thấy rằng thách thức đặt ra tương đối lớn, bởi lẽ nhiệm vụ của sứ đoàn Iwakura có tầm quan trọng đối với Nhật Bản hơn là các nước mà họ đến thăm, nên nguồn tư liệu có thể là không đầy đủ. Vì vậy trừ các quốc gia có tầm vóc lớn như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức… thì những trải nghiệm tại các nước nhỏ hơn như: Hà Lan, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… gần như không được đề cập trong các văn kiện còn lại. Một điểm bất ngờ của cuốn sách này là bài nghiên cứu về cuộc viếng thăm Thụy Điển của đoàn thám hiểm, với những tiết lộ mới được bật mí, những tưởng đã không tồn tại trong suốt nhiều năm.

Qua đó các nhà nghiên cứu đã làm rõ được nhiều yếu tố, mà một trong số đó là các mục tiêu của phía Nhật Bản. Theo đó ngoài việc giới thiệu với phương Tây những gương mặt lãnh đạo mới, kết thân với giới lãnh đạo phương Tây, tìm hiểu và đánh giá sự phát triển, nhận thức, các bài học của họ trong mọi lĩnh vực để tìm ra mô hình khả thi chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời thành quốc gia hiện đại; thì mong muốn đàm phán lại những hiệp ước từng ký tương đối bất lợi cũng được coi là một trong những vai trò được đặt lên hàng đầu trong chuyến đi.

Bởi lẽ, trước khi lên đường, vào năm 1858, Nhật Bản đã phải ký các Hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Mỹ để mở cửa và thúc đẩy thêm giao thương thương mại. Sau đó Anh, Pháp theo chân và cũng đòi hỏi những điều tương tự. Các nước phương Tây như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch… cũng ký một hiệp ước chung, dẫn đến một trong những mục đích lớn được các nhà nghiên cứu đặt ra là liệu có phải nó nhằm hướng đến việc xem lại các hiệp ước sao cho phù hợp hơn trước bối cảnh chế độ phong kiến đã bị phế truất, và chế độ mới của giai đoạn Minh Trị vừa mới bắt đầu.

Phái đoàn Iwakura (cánh trái) trong buổi tiếp kiến Tổng thống Pháp. Tranh minh họa của James E. Taylor

Do đó, có thể khẳng định động cơ của sứ đoàn thay đổi theo thời gian và theo suy nghĩ của những người có liên quan. Ngay từ ban đầu khi ở nước Mỹ, có thể thấy Iwakura có lần đề cập đến việc đàm phán một hiệp định mới với Tổng thống Grant bằng việc kêu gọi một sự xem xét của toàn liên minh bao gồm châu Âu cũng như Mỹ. Chính việc khước từ lời kêu gọi này mà nhiều khả năng nhiệm vụ đàm phán ở các quốc gia châu Âu lui lại, để việc thu thập thông tin được đưa lên một vị trí cao hơn.

Vì thế ở Anh, sứ đoàn có đôi lần nhắc đến yếu tố chỉnh sửa hiệp định, nhưng họ không muốn bản thân quyết định, mà chỉ chủ yếu muốn nghe quan điểm từ phía nước Anh hơn là thúc đẩy đi đến cuối cùng. Tại đây họ cũng gặp phải một yêu cầu kép là phải mở rộng cảng hơn nữa cho các tàu châu Âu và nhanh chóng khoan dung tôn giáo, chấm dứt diệt đạo. Điều này rồi sẽ liên tục trở lại ở các nước khác, như Hà Lan – nơi họ chịu sự chỉ trích mạnh mẽ trong việc dập tắt tôn giáo, hay các cuộc gặp với Liên minh Phúc Âm ở Đức, Thụy Điển.

Những người phụ nữ ăn mặc theo kiểu phương Tây đến Hoa Kỳ vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura.
Nguồn ảnh: Kameda Kinuko.

Dẫu vậy cũng theo các nhà nghiên cứu, góc nhìn hậu thế không nên khắt khe nếu những bước đầu trên trường ngoại giao quốc tế của sứ đoàn Iwakura có phần loạng choạng, bởi họ gần như không có điểm chung nào đối với phương Tây. Trong khi tiếng Nhật không phải là ngôn ngữ quốc tế, hệ thống tương tác văn hóa của Nhật cũng không gắn bó (mà còn kình chống) với thế giới quan Latin - Thiên chúa giáo… Vì vậy thất bại hay việc chưa đạt được những mục tiêu chính trị có phần dễ hiểu.

Điều này còn chưa kể đến tình hình rắc rối trong nội bộ nước Nhật khi sứ đoàn tiến hành các chuyến du khảo, cũng như những sự đối lập về nền tảng tư duy giữa các thành viên khi buổi chuyển giao giữa chế độ Phong kiến và Minh Trị Duy Tân vừa mới xảy ra trong thời gian ngắn.

Thay đổi ở Nhật Bản

Các bài viết lớn và được nghiên cứu nhiều nhất là ở ba cường quốc của thời bấy giờ gồm Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Ở đó sứ đoàn nhìn thấy tinh thần tự do, phóng khoáng của Mỹ, sức mạnh từ cuộc cách mạng công nghiệp của Anh và sự phóng khoáng, tinh tế, thanh lịch tràn ngập nghệ thuật ở Pháp. Ở mỗi điểm dừng họ được chào đón một cách long trọng, được đón tiếp bởi những vị nguyên thủ hàng đầu đất nước, và quan trọng nhất là nhận ra được một thành công chung của các nước này dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, giáo dục, phát triển mạnh mẽ, và một thể chế chính trị dân chủ.

Phái đoàn Ngoại giao Nhật Bản trình tài liệu cho Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant. Tranh minh họa của James E. Taylor.

Ở các nước khác họ có những mối quan tâm riêng biệt hơn. Chẳng hạn ở Đức và Bỉ, sứ đoàn Iwakura quan tâm nhiều hơn đến sức mạnh quân sự cũng như cơ sở hạ tầng giao thông. Trong khi ở Ý, nghệ thuật và các nghệ nhân lại khiến cho họ mê mẩn hơn cả. Đây là tương quan có tính hai chiều, khi Bỉ cũng muốn Nhật Bản trở thành đối tác về mặt quân sự, để xuất khẩu vốn và làm giảm xuống ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 1867. Cùng trong lúc đó, Ý muốn Nhật Bản mở rộng đường hơn cho những thương nhân ngành lụa, vì ý thức được vai trò quan trọng của vấn đề này…

Từ đó sau khi trở về phương Tây từ năm 1868, Nhật Bản đã có những bước tiến lớn mang tính nhảy vọt. Một trong số đó là việc coi trọng giáo dục kỹ thuật. Theo các thống kê, từ năm 1868 đến năm 1902, Nhật Bản đã cấp hơn 11.000 visa du học, biến đây trở thành “đợt thủy triều du học” đầu tiên đến từ châu Á.

Không ngừng ở đó, họ cũng thuê thêm hai vị chuyên gia xây dựng kế hoạch giáo dục tổng quát, từ đó hình thành đại học kỹ thuật. Vào giai đoạn này, chính quyền Minh Trị cũng thuê từ 500 cho đến 600 những người từ nước ngoài về làm việc cho chính phủ mình. Tính đến năm 1890, Nhật để thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật ở mọi lĩnh vực cũng như ngành nghề.

Hình minh họa châm biếm một samurai chui đầu vào nòng súng tại buổi đến thăm nhà máy sản xuất súng của Krupp. Hình ảnh Peter Pantzer cung cấp.

Những gì có được từ cuộc du khảo cũng có ảnh hưởng đến các quan điểm về mặt chính trị một cách sâu sắc. Theo đó, sau chuyến viếng thăm nước Nga, họ sớm nhận ra nếu Nhật Bản phải liên quan tới một quốc gia khác thì đó không phải là Triều Tiên mà chính là Nga. Vì vậy khi việc tranh cãi ác liệt về việc có nên tấn công nhắm vào Triều Tiên, phái chủ hòa gồm những thành viên đã từng tham dự chuyến du khảo này đã kịch liệt phản đối, từ đó thay đổi quan điểm của riêng chính phủ trong việc can dự vào các vấn đề mang tính bành trướng.

Điều này không chỉ đến từ nước Nga và các dự cảm bị xâm lược của những người Nhật, mà còn đến từ nước Pháp trước đó, khi họ nhận ra đế quốc lớn này thu được nhiều nguồn nguyên liệu lớn đến từ thuộc địa, nhưng còn quá sớm để đánh giá được tính hiệu quả của bước đi này. Chuyến thăm viếng này cũng làm thay đổi nhận thức về tự do tôn giáo, từ đó tạo những điều kiện thuận lợi để mở cửa Nhật Bản.

Bởi lẽ một trong những lý do ban đầu cho việc bức hại Kitô giáo ở Nhật là các nhà lãnh đạo lo sợ nó sẽ cho phép các nước phương Tây xâm chiếm Nhật Bản để bảo vệ những người đồng đạo. Thế nhưng bằng việc sứ đoàn không bị tổn hại khi mạo hiểm đi vào đất nước có tôn giáo đối nghịch, thì chính phủ Nhật Bản đã yên tâm rằng Kitô giáo không phải là đoàn quân tiên phong xảo quyệt của một cường quốc phương Tây. Từ đó tháo gỡ nút thắt của cả hai bên vốn đã tồn tại từ lâu.

Quãng đường đã đi của Sứ đoàn Iwakura. Nguồn Digital Museum of the History of Japanese in New York.

Qua cuốn sách này, thêm một lần nữa có thể khẳng định về tầm nhìn xa của riêng nước Nhật trong các chính sách canh tân thời Minh Trị, từ đó mở ra một chương sử mới trong lịch sử Nhật Bản. Không chỉ nhìn nhận từ phía chủ quan, Sứ đoàn Iwakura còn là góc nhìn đến từ khách quan để thêm lần nữa xóa tan huyền thoại về những vấn đề xoay quanh chuyến đi lịch sử, góp phần giải mã cho sự thành công cũng như tiến bộ một cách nhanh chóng của đất nước này đối với thế giới. 

Nguồn: Người Đô Thị | Minh Anh

Đọc bài viết

Book trailer

Hồi ức Phú Nhuận: Trải nghiệm hành trình đa chiều qua lịch sử của một quận đô thị độc đáo

Published

on

By

Hồi ức Phú Nhuận – tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận – không dừng lại trong phạm vi ghi chép dáng dấp cơ bản của một vùng đất, mà còn phần nào đó giúp người đọc nhận diện đời sống đô thị đất Sài Gòn, trong trăm năm qua.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận cố gắng ghi nhận dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và viết lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân Phú Nhuận qua các thế hệ.

Tinh thần Phú Nhuận xưa được tái hiện sống động

Phú Nhuận là một trong những quận nội thành quan trọng áp sát trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ xuất thân nhỏ bé là một vùng đất cằn cỗi, một gò đất hoang với vài hộ gia đình lưu dân tới khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã vươn mình trở thành một quận hoàn toàn đô thị hóa. Nơi đây có một cuộc sống đa dạng với nhiều sắc thái, có lịch sử ngang bằng với đô thị Sài Gòn, có một số nhân vật được trọng nể vì những đóng góp cho xã hội trên nhiều mặt và có những địa chỉ khiến người từ các nơi khác phải tìm đến…

Trong những bài viết của Hồi ức Phú Nhuận, tinh thần Phú Nhuận xưa hiện lên rõ nét qua những câu chuyện hoài niệm về các con đường ngày xưa, có con đường từng trải qua bảy lần thay tên (đường Nguyễn Văn Trỗi), có con đường từng đi ngang quán xá và trại lính (đường Võ Tánh ngày xưa, nay là Hoàng Văn Thụ); là những quán ăn, tiệm cà phê mà tác giả luôn mong “lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào” nhưng “không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian”...

Chính vì những lẽ đó, Hồi ức Phú Nhuận tuy là kí ức riêng của tác giả nhưng lại bắt được dòng hơi thở chung của đời sống đô thị Sài Gòn xưa và nay.

Những trang viết giàu cảm xúc, đầy ắp tư liệu

Hồi ức Phú Nhuận gồm 60 bài viết về Phú Nhuận theo trục thời gian trải dài từ xưa đến nay, bao quát đủ mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này, được tác giả chia thành chín phần: Mấy nẻo đường quen, Nơi chốn đi về, Dưới mái trường xưa, La cà quán xá, Giải trí và rèn luyện thân thể, Cơ sở làm ăn, Dập dìu tài tử giai nhân, Ôn chuyện xưa; và phần Phụ lục điểm qua sáu giai đoạn hình thành và phát triển của Phú Nhuận.

Với giọng văn trầm tĩnh, giàu cảm xúc và tư liệu đầy đặn, 60 bài viết như những thước phim ngắn được bật lên, lần lượt đưa người đọc tìm về những tinh túy đã từng hiện diện ở Phú Nhuận: có một số thứ dù còn tồn tại nhưng ít nhiều thay đổi qua thời gian, có một số thứ tuy đã biến mất nhưng vẫn ẩn tàng trong kí ức của người Phú Nhuận và trong những góc khuất của đời sống.

Tùy bút vốn là thể loại để người viết có thể tự do tung hứng theo cảm xúc. Nhưng ở Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận đã viết không chỉ dựa vào cảm xúc đơn thuần mà còn có sự nghiên cứu, phóng chiếu với những tư liệu thực tế đúng như thao tác thường thấy ở nhà báo chuyên nghiệp.

Bộ sưu tập công phu về đời sống Phú Nhuận

Phạm Công Luận khảo sát về Phú Nhuận ở đủ mọi khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, giải trí, kinh doanh… Qua đó, những giá trị Phú Nhuận đã từng tồn tại, nay trở lại trong ký ức và niềm thương cảm về thân phận một vùng đất mà mỗi người, mỗi thế hệ người dân đã gắn bó bằng những cách khác nhau.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, tác giả còn cung cấp những thông tin thú vị mà nhiều khi chính người Phú Nhuận chưa hẳn đã biết: Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống ở Phú Nhuận những năm cuối đời, sau khi ông mất, con đường có ngôi nhà ông ở (trước đây vốn là con hẻm), đã được đặt lại theo tên ông, trở thành đường Hồ Biểu Chánh như ngày nay; tiệm phở Bắc Huỳnh thuộc hàng cao cấp, dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng rất tiếng tăm, khi đột nhiên đóng cửa năm 1982 đã khiến nhiều người vô cùng tiếc nuối; đầu thế kỉ 20, nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận là “nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương”…    

Khi nhắc đến một vùng đất, không thể không đề cập đến những con người đã và đang gắn bó ở đó. Chính vì vậy, trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận dành hẳn hai phần để viết về những người đã chọn Phú Nhuận làm nơi an cư: phần Dập dìu tài tử giai nhân dành cho giới nghệ sĩ, phần Ôn chuyện xưa dành cho những người Phú Nhuận trong kí ức tác giả.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm, Trương Ánh Mai cùng ảnh tư liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau. Sự kết hợp hài hòa giữa những trang viết đa chiều, giàu cảm xúc và phần hình ảnh được đầu tư chăm chút khiến Hồi ức Phú Nhuận thực sự là món quà quý để người đọc tìm về di sản văn hóa của Phú Nhuận, để hòa điệu, tri ân những độc giả luôn nặng lòng với quận đô thị này.

Trích đoạn

Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi thành địa chỉ mới.

(Trích Cư xá của các nghệ sĩ)

Trong hơn 20 năm trước 1975, nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng tuy tọa lạc trên con đường nhỏ ở Phú Nhuận nhưng tiếng tăm vang ra khắp Sài Gòn – Gia Định. Nhiều người, nhất là giới văn nghệ sĩ biết tiếng nhà hàng này, đã từng đến thưởng thức bảy món bò của bà Tư Lái, bếp chính. Tuy vậy, không mấy ai biết gốc gác của nó.

(Trích Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài thành)

Về tác giả

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…

Đọc bài viết

KOMOaudio

Trò chuyện cùng tác giả “Ga thiền” về cách giúp trẻ giải tỏa căng thẳng

Published

on

Một mùa tựu trường nữa lại chuẩn bị bắt đầu. Bên cạnh việc sắm sửa sách giáo khoa, học cụ cho con; chuyện giúp con rèn luyện những kĩ năng về sức khỏe tinh thần có lẽ cũng là một trong những vấn đề được phụ huynh quan tâm hàng đầu.

Nắm bắt được nhu cầu đó, Phương Nam Book đã phát hành bộ sách “Giúp trẻ làm quen với thiền” để hướng dẫn bé cách giải tỏa căng thẳng. Và Ga thiền là một tác phẩm nằm trong bộ sách này.

Ga thiền lấy ý tưởng về chuyến tàu của nội tâm mà thông qua đó, trẻ có thể học cách quan sát những toa tàu cũng chính là quan sát những suy nghĩ bận rộn, những cảm giác khó chịu và thất vọng của bản thân mình.

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà báo Deborah Kalb thực hiện với Susan B. Katz – tác giả phần lời cho Ga thiền sẽ giúp bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn những điều đặc biệt của tác phẩm cũng như phương pháp giúp trẻ giải tỏa căng thẳng.

Từ đâu cô có ý tưởng viết Ga thiền?

Trong khoảng 20 năm vừa qua, tôi đã tham dự các khóa tu thiền tại Trung tâm Thiền Spirit Rock với nhiều giáo viên khác nhau, trong đó có cô Sylvia Boorstein. Cách đây vài năm, trong một buổi pháp thoại, cô Sylvia có giảng là nên để những ý nghĩ trôi qua như đám mây.

Là một tác giả viết sách cho trẻ em, tôi quyết định truyền đạt lại khái niệm đó sao cho gần gũi với các em. Thế rồi, ý tưởng về một nhà ga xe lửa và cách vận dụng những từ ngữ để giảm tốc cho “chuyến tàu nội tâm” đến với tôi. Sau đó, tôi cũng nghĩ ra được tiêu đề Ga thiền bởi tôi thích âm điệu của nó (tiêu đề tiếng Anh của tác phẩm này là Meditation Station, có vần ở -tation – chú thích của người dịch).

Tôi đã có dịp làm việc với các sư thân cận thầy Thích Nhất Hạnh khi còn là Giám đốc Đối tác Chiến lược tại Facebook; nhờ đó, tôi quen được một sư cô trong đội ngũ của thầy; về sau, cô đã tham gia làm biên tập viên cho tờ tạp chí Shambhala. Thế là, tôi đưa bản thảo này cho cô và cô rất thích.  

Theo cô, những phương pháp nào là tốt nhất để dạy trẻ em về chánh niệm?

Chánh niệm có nghĩa là có mặt trong giây phút hiện tại, bất kể lúc đó bạn đang rửa chén, ăn uống, đi bộ hay nói chuyện với ai đó.

Một số phương pháp đơn giản nhất có thể áp dụng cho trẻ là:

1. Thở bụng:

Đặt tay lên bụng và hít hơi vào trong 3 giây, từ từ để không khí làm căng phồng bụng như quả bóng. Tạm dừng một giây trước khi thở ra, sau đó thở ra trong năm giây. Điều quan trọng là thời gian thở ra phải dài hơn thời gian hít vào vì nghiên cứu cho thấy chu trình này sẽ làm dịu hệ thần kinh giao cảm và làm nhịp tim chậm lại. Tóm lại, quá trình này giúp giảm mức độ căng thẳng;

2. Trò chuyện với trần nhà:

Các nhà giáo dục cho rằng khi đặt tên những cảm xúc của chúng ta rồi xem chúng là bạn, ta sẽ có thể làm giảm tác dụng của hiệu ứng “bộ lọc xúc cảm”.  Theo lí thuyết, khi ta làm bạn với cảm xúc của mình, ta sẽ có khả năng vượt qua nỗi lo lắng; đồng thời, tinh thần sẵn sàng chấp nhận những rủi ro cũng được nâng lên. Tôi bảo các bé nói với trần nhà (hoặc, với những bé nhút nhát hơn thì cứ thì thầm vào khuỷu tay), những câu nói như: “Xin chào, Nỗi Sợ, người bạn thân mến của tôi!”, hoặc “Chào buồi sáng, Quý Ngài U buồn.” Còn Chán Nản thì là một anh bạn to con. “A, cậu đã trở lại rồi, Cậu bạn Chán Nản, mừng cậu đến!” Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng một nửa trận chiến là dạy trẻ gọi tên và thừa nhận cảm xúc của mình. Không phán xét hay kháng cự. Trẻ càng nhận thức được những gì mình đang cảm thấy, thì kỹ năng sống sẽ càng được tăng cường để đối mặt trực diện với cảm xúc và những trải nghiệm thay đổi. Tóm lại, hãy làm bạn với những cảm xúc của mình và rồi những cảm xúc đó sẽ ít tác động đến bạn hơn.

3. Ở lại sân ga:

Phương pháp này lấy từ chính cuốn sách Ga thiền của tôi. Hãy bảo bé tưởng tượng rằng bé đang ở trong một nhà ga xe lửa. Khi có một ý nghĩ xuất hiện trong đầu cố lôi kéo bé đi, hãy cứ nhìn ý nghĩ ấy trôi qua. Vẫy chào tạm biệt chuyến tàu/ dòng suy nghĩ. Cảm nhận mặt đất bên dưới đang nâng đỡ bé. Hít vào và thở ra thật sâu. Chạm đầu ngón tay. Ngoe nguẩy ngón chân. Nương tựa vào chính cơ thể và hơi thở của mình sẽ giúp bé có thể nhẹ nhàng quan sát dòng suy nghĩ đang ngược xuôi trên đường ray mà không bị cuốn vào. Và ở đây, phương pháp nói xin chào (hay tạm biệt) một ý nghĩ cũng khá hữu dụng. Chẳng hạn như: “Chào cơn mộng tưởng dạo chơi công viên.”

4. Vận động:

Trẻ em vốn cần vận động. Khi ở nhà, trẻ có một lợi thế là có nhiều cơ hội để đứng dậy đi đây đó, chơi đùa. Tuy nhiên, những lúc trẻ cứ ngồi nhìn chăm chăm vào một thiết bị suốt khoảng thời gian dài, rất cần phải cho trẻ đứng dậy vận động. Trẻ có thể đã biết những tư thế yoga căn bản, bạn có thể chỉ thêm cho trẻ một số bài tập giãn cơ hay cân bằng để trẻ tập luyện. Có rất nhiều tư thế được đặt theo tên động vật càng khiến cho quá trình vận động trở nên hứng thú. Bé có biết đứng thăng bằng như một cái cây, hai tay dang ra làm cành không? Bé có biết vòng cánh tay để làm tư thế chim đại bàng? Rồi còn có tư thế mèo/ bò, cá heo, rắn hổ mang nữa. Danh sách vẫn còn rất dài. Một bài tập yoga/ giãn cơ đơn giản cho “não nghỉ giải lao” có thể sẽ giúp trẻ tập trung trở lại. 

5. Bé đang cảm thấy gì?

Phương pháp này khuyến khích trẻ vận động năm giác quan quay trở lại thời điểm hiện tại. Không cần phải lo lắng về câu hỏi kiểm tra ngày mai (ý tôi là vẫn cần học bài, nhưng đừng lo sợ) hay nghĩ ngợi về khoảnh khắc xấu hổ khi học online trên Zoom vào ngày hôm qua. Ngay bên ngoài, có thể là trong vườn nhà bạn hay công viên địa phương, hãy chơi trò săn tìm những âm thanh tự nhiên. Bạn cũng có thể chơi trò “Tôi thấy” với trẻ để trẻ rời mắt khỏi màn hình và tương tác với gia đình. Trẻ có thể nhắm mắt lại và đoán những mùi hương quen thuộc trong bình (hoặc trên bông gòn) không? Những mùi dễ sẽ là: quế, thông, chocolate hoặc bỏng ngô. Tiếp đến là vị giác, hãy đặt một viên M&M hoặc nho khô lên lòng bàn tay trẻ. Trẻ có thể ngửi nhưng chưa được nếm. Sau đó, bảo trẻ cho thức ăn vào miệng và để hương vị được vị giác hấp thu từ từ. Nhai thật chậm, tận hưởng hương vị. Chánh niệm vốn đòi hỏi chúng ta phải dừng chậm lại, để trở thành một phần của trải nghiệm.

Thực hiện phỏng vấn: Deborah Kalb
Hoàng Đức Nhiên dịch

Đọc bài viết

Cafe sáng