Trà chiều

Một lít nước mắt: Những khác biệt giữa phim và đời thực

Trong bản phim Một lít nước mắt, Aya không bị mất ba cái răng. Khi ngã xuống đất, Aya chỉ bị trầy trán. Khuôn mặt cô vẫn xinh tươi. Nếu trong phim làm thực tế hơn, khi nhìn thấy cảnh Aya mất ba cái răng có lẽ tôi sẽ khóc rất nhiều.

Published

on

Hôm qua lại tiếp tục hủy hoại sức khỏe. Thức trắng đêm để đọc cho hết 44 trang A4 quyển nhật kí 1 Litre of Tears của Aya. Nhức đầu gần chết. Hôm nay tỉnh dậy, tôi vẫn còn thấy mệt mỏi. Nhưng bản dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh của Kiwi rất truyền cảm. Dù sao, bản tiếng Anh cũng mới đi được đến gần cuối chương ba của cuốn nhật kí thôi. Còn đến những năm chương mà các fan chưa dịch xong. Ôi! Muốn đọc tiếp quá. Trong thời gian chờ đợi các fan quốc tế dịch, tôi sẽ dịch ra tiếng Việt trước những gì đã có trong tiếng Anh cho mọi người đọc và tranh thủ xem một vài phim Sawajiri Erika đóng.

Chị hai đã quá khinh thường trình độ đọc của tôi. Hôm qua, lúc thấy tôi cầm xấp giấy chị mới in xong để tôi dịch, chị đã nói:

“Sao em không đọc trực tiếp trên máy tính luôn?”
“Để chi? Đọc trên máy tính nhức mắt lắm. Giờ in ra giấy rồi, em đọc cái này đỡ hơn chứ.”
“Nhưng mà trên máy tính thì dò từ điển cũng tiện lợi hơn. Chứ còn đọc như vậy mà cầm cuốn từ điển dò thì mệt lắm đó.”
“Òa. Chị khinh thường em quá à. Em tự biết lượng sức mình. Em sẽ đọc một mạch luôn, không dò gì cả đâu vì những từ trong này chủ đề chính cũng chỉ xoay quanh cuộc sống hằng ngày thôi. Đâu phải từ chuyên môn về một lĩnh vực nào đó hay là từ cổ. Cỡ như Angel Sanctuary thì mới khiến em phải bó tay và ngồi dò chứ cái này thì em sẽ đọc ngon ơ cho mà xem.”

Nói là làm. Hôm qua, tôi ngồi đọc một mạch hết 44 trang A4 luôn. Tính ra A5 là 88 trang. Không ngờ tôi đã đọc nhiều như thế. Đó là lần đầu tiên tôi đọc được chừng đó trang tiếng Anh trong vòng ba tiếng đồng hồ. Hơi chậm hơn so với đọc tiếng Việt. Nếu đọc tiếng Việt mà trong ba tiếng đồng hồ thì chắc sẽ nhiều hơn. Dù sao, tôi cũng vui vì như thế là đã cải thiện hơn được rất nhiều về trình độ đọc so với một năm trước đây. Phải cố gắng hơn nữa. Phấn đấu để làm dịch giả mà. Vậy nên, tôi đã cố gắng để không cần dò từ điển dù cũng có một vài từ không hiểu nhưng nhìn chung tôi vẫn nắm được nội dung. Và tôi thật sự sốc sau khi đọc ba chương đầu tiên. Phim hư cấu nhiều chi tiết không có trong nhật kí. Khi phát hiện ra điều đó, tôi lại càng thương Aya hơn. Tội nghiệp Aya quá. Dưới đây là một số điểm khác biệt mà tôi đã lưu ý:

1.

Không hề có Asou Haruto. Lúc xem phim, tôi thấy chuyện tình của hai người thật đẹp. Nhưng thực ra, chuyện này tôi cũng đã phát hiện ngay từ khi xem phim rồi. Vì trong phim có đoạn trích lại nhật kí Aya:

“Nếu như không có căn bệnh này thì tôi đã biết được tình yêu như thế nào rồi. Tôi chỉ muốn yêu và được yêu một ai đó. Tôi muốn có một ai đó để dựa vào. Chẳng lẽ tôi lại không có cả quyền tự do để yêu thương sao?”

Nếu như Asou-kun là có thật thì sao Aya phải viết như thế. Các nhà làm phim tạo ra Asou như một sự an ủi cho Aya. Nếu có thật thì đỡ khổ cho Aya nhiều hơn vì trước khi chết đã biết được cảm giác yêu một người là như thế nào. Nhưng tiếc rằng… đó chỉ là hư cấu. Tội nghiệp Aya quá. Trong phim, nghe cách hai người gọi tên nhau cũng đau lòng. Lúc đầu thì Asou gọi Aya là Ikeuchi còn Aya gọi Asou là Asou-kun. Gọi bằng họ thật khách sáo. Lúc sau, khi đã thân nhau rồi thì Asou gọi Aya là Aya nhưng Aya vẫn mặc cảm, vẫn gọi Asou là Asou-kun mà không dám gọi là Haruto. Thật đau lòng. Đến khi gần chết, cô vẫn cương quyết giữ khoảng cách như thế.

2.

Không hề có Kawamoto-senpai. Chuyện này không biết là vui hay buồn. Theo cảm nhận cá nhân của tôi thì có lẽ sẽ đỡ đau lòng hơn cho Aya rất nhiều. Kawamoto là senpai kiểu gì kì cục quá. Lúc Aya bị ngã cứ trơ mắt ra mà nhìn. Đáng lẽ chỉ cần một cái ôm là xong chuyện. Đã vậy, hẹn người ta đi chơi mà sau khi biết người ta bị bệnh thì thất hứa.

3.

Aya không hề giỏi bóng rổ. Điểm này trong phim cố tình sửa lại có lẽ là để khán giả cảm thấy bi đát hơn khi Aya bị bệnh. Aya vốn học rất yếu môn thể dục. Điểm thể dục trong lớp luôn bị tụt. Năm lớp 8 thì B, lớp 9 thì C và lớp 10 là D. Nhưng trong phim không đề cập đến điều này: Aya thích môn Anh văn. Thực tế, vì không giỏi thể thao nên Aya rất chăm học và có tiếng là thông minh. Điểm môn Nhật ngữ và Anh văn bao giờ cũng đứng đầu lớp.

4.

Aya thích đọc sách. Điểm này trong phim cũng không đề cập đến. Và Aya có ước mơ trở thành nhà văn. Nhưng tội nghiệp Aya quá khi phải thốt lên câu: “Con muốn làm nhà văn nhưng vốn kiến thức của con về xã hội ít quá thì làm sao con có thể viết một cuốn tiểu thuyết được hả mẹ?” Khi đọc đến đoạn ấy, tôi tự nhủ với lòng là vì tôi có sức khỏe nên sẽ cố gắng chăm chỉ tìm hiểu cuộc đời này, cố gắng để thực hiện ước mơ của tôi và của cả Aya nữa.

Sau đó, mẹ Aya mới bảo: “Con hãy nghĩ đến những công việc nào có thể làm ngay tại nhà được. Chẳng hạn như dịch thuật.” Càng đọc, tôi càng phát hiện nhiều điểm giống nhau giữa tôi và Aya. Do đó, phần nào tôi cảm thấy tội lỗi, trong khi Aya cầm bút còn khó khăn, tôi thì gõ máy lia lịa… thế mà cũng lười viết. Từ sau khi viết xong truyện dài gần đây nhất, tôi cảm thấy hơi nản một chút. Tôi đã nói với mọi người là sẽ gác bút để thi đại học, sau đó nếu thi đậu, tôi sẽ viết tiếp. Tôi đã nghĩ ra được thêm nhiều cốt truyện lắm rồi, có nhiều cảm hứng lắm rồi, nhưng lại lười. Một phần nữa cũng vì tôi cảm thấy còn phải đọc thêm nhiều sách để cải thiện trình độ viết văn và truyền tải tư tưởng đến người đọc. Nói chung, tôi nghĩ là mình cần phải học hỏi thêm nhiều nữa rồi hẵng viết. Bên cạnh đó, bây giờ tôi cũng muốn chuyển qua viết review phim, truyện để rèn luyện cách cảm nhận, cách nhập tâm vào cảm xúc cùng nhân vật. Có như vậy thì khi viết truyện chính thức tôi mới thấu hiểu được cảm xúc của nhân vật do tôi tạo ra chứ không chỉ đơn thuần là lớp vỏ bề ngoài. Sẵn đây, tôi cũng giải thích với mọi người luôn vì cũng có nhiều người hỏi tôi rằng: “Sao em siêng viết blog thế?” Thực ra, không phải là tôi thích blog hay thích viết blog. Tôi cũng không tâm niệm blog là để liên kết tâm tư mọi người lại với nhau. Chỉ đơn thuần là tôi xem blog giống như nơi lưu trữ lại những gì mình đã viết.

5.

Không hề có buổi hoà nhạc chung với cả lớp, buổi Aya đi xem Hiroki đá bóng… rất nhiều thứ phim đã hư cấu thêm. Đọc nhật kí rồi mới thấy, phim dựng từ nhật kí như thế là quá hay. Tuy những tình tiết trong phim không có thực nhưng rất cảm động, rất hợp lí. Yêu các nhà làm phim của 1 Litre of Tears quá. Ở đây, hư cấu nhưng không bóp méo sự thật mà là để an ủi và tôn vinh sự thật.

6.

Có một chi tiết rất quan trọng trong nhật kí nhưng các nhà làm phim đã không đưa vào. Lúc đọc nhật kí, tôi đã bàng hoàng. Đó là chi tiết Aya bị mất ba cái răng lớn ở đằng trước. Thử nghĩ xem, một cô gái khi đang băng qua đường, đập mặt trực tiếp xuống đất, máu chảy từ trên trán rất nhiều mà không bị gãy cái răng nào mới là chuyện lạ. Lúc phát hiện mình đã vĩnh viễn mất ba cái răng, Aya buồn vô cùng:

“Căn bệnh của tôi còn tệ hại hơn cả ung thư nữa.
Nó hủy hoại đi sắc đẹp tuổi trẻ của tôi.
Tôi muốn nhanh chóng quay trở lại là Aya trước kia. Tôi cất gương soi vẫn thường hay để trên bàn. Như vậy thì tôi sẽ không nhìn thấy tôi xấu xí của bây giờ nữa…”

Người con gái nào lại chẳng tự soi gương để chăm sóc vẻ đẹp của mình. Thế mà… Aya phải cất gương đi để trốn tránh sự thật khi cô mới 16 tuổi – cái tuổi còn quá trẻ mà thân thể đã như một “người già 50 tuổi” (theo lời Aya).

Trong phim, Aya không bị mất ba cái răng. Khi ngã xuống đất, Aya chỉ bị trầy trán. Khuôn mặt cô vẫn xinh tươi. Nếu trong phim làm thực tế hơn, khi nhìn thấy cảnh Aya mất ba cái răng có lẽ tôi sẽ khóc rất nhiều.

Hết.

Kodaki

Book trailer

5 tựa sách cho ngày hè nhàn rỗi

Published

on

By

5-tua-sach-cho-ngay-he-nhan-roi

Từ những cuốn sách phơi bày hậu chứng chiến tranh cho đến những cuốn tiểu thuyết ghi lại thân phận nhỏ bé, mong manh, trôi dạt của con người... Các tác phẩm sau là lựa chọn tuyệt vời cho một ngày hè nhàn rỗi, để tìm thêm lại những phong vị mới.

Đuổi theo ánh sáng – Oliver Stone

Là biên kịch và đạo diễn từng 3 lần đoạt giải Oscar với những tác phẩm nổi tiếng như Express Midnight, Scarface, Salvador, Platoon... cũng như những người ngoại đạo, hành trình vươn đến đỉnh cao trong môn nghệ thuật thứ 7 của Oliver Stone luôn không dễ dàng. Đuổi theo ánh sáng là cuốn hồi ký được ông chắp bút, đưa ta đi từ những ngày đầu tiên ở nước Mỹ huyền diệu, đến tuổi trưởng thành nhiều mới mẻ trong chiến tranh Việt Nam và hành trình nếm mật nằm gai để vươn đến hào quang của Hollywood.

Trong cuốn sách này, ta sẽ thấy bên cạnh một cái tên được ngợi ca cũng là một con người bất toàn, mắc nhiều tội lỗi và cũng có lúc tưởng chừng buông xuôi. Thế nhưng chính quyết tâm, nỗ lực và sức mạnh nội tại đã giúp cho ông vẫn luôn duy trì tình yêu với quỹ đạo đời mình. Đó cũng là một bài học xoay quanh thông điệp luôn luôn vươn lên, từ đó tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Với cách viết chân thành, gần gũi, đan kết với nhiều hình tượng, cảnh huống được lấy ra từ các thần thoại cũng như tác phẩm văn chương, phim ảnh nổi tiếng... Đuổi theo ánh sáng không chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký, mà cũng đồng thời là một tác phẩm văn xuôi hấp dẫn về một thời đoạn của tuổi trẻ lạc lối và tuổi trưởng thành không ngừng bỏ cuộc. Một tác phẩm vượt ra khỏi biên giới thể loại để mang đến câu chuyện phổ quát và thông điệp ý nghĩa cho những cá nhân vẫn đang chật vật trên con đường sự nghiệp của bản thân mình.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm – Le Thi Diem Thuy

Thuộc thế hệ thứ 2 của những cây bút “di dân”, Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm tuy có dung lượng tương đối khiêm tốn, nhưng nội dung mà nó truyền tải lại vô cùng lớn về mặt cảm xúc cũng như ấn tượng đến từ người đọc. Đó là hành trình tìm lại cội nguồn, xác định bản lai diện mục của một cá nhân với lai lịch “dị thường” qua thứ văn chương đẹp đẽ, thơ mộng với nhiều hình ảnh ám ảnh nối nhau cho đến vô cùng. Le Thi Diem Thuy sở hữu ma thuật của từ ngữ, để nhào nặn nó thành những ấn tượng không thể nào phai.

Cõi người và thân phận ấy cũng mong manh như con bướm suốt đời lưu cữu trong thứ thủy tinh trong suốt và nhìn thấu được. Kiếp người di dân cũng mãi tạc ghi vào mã gene mình ám ảnh về nước, dẫu là cái hồ trong khu dân cư hay thứ nước biển mặn chát của những con thuyền lênh đênh trên biển... thì cũng hình thành ở họ nỗi sợ nguyên thủy về số phận mình và thân phận mình giữa dòng chìm nổi. Le Thi Diem Thuy nắm bắt được chúng một cách tinh tế, và dàn trải ra giữa các trang viết một cách chân thành mà không lên gân.

Về mặt văn chương, Le Thi Diem Thuy cùng Ocean Vuong là 2 nhà văn đại diện cho khả năng nắm bắt được từng khoảnh khắc và cấp đông nó cho đến vĩnh cửu. Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm hay Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là các tác phẩm có nhiều tầng nghĩa, làm xúc động cả những ký ức cá nhân hay nỗi đau cộng đồng. Và sức ám ảnh ấy sẽ lại khởi đầu mỗi khi những dòng chữ đầu tiên hiện ra và người đọc bị cuốn theo dòng nước ấy.

Những kẻ tuyệt vọng – Minh Tran Huy

Văn chương di dân khắc ghi trong lòng người đọc rất nhiều ấn tượng xoay quanh chủ nghĩa hiện thực, thế nhưng với Minh Tran Huy, cô đã làm điều đó một cách văn chương và vị nghệ thuật đến không ngờ đến. Ở Những kẻ tuyệt vọng ta sẽ không tìm thấy những gia đình tan nát của các thuyền nhân, ta cũng không thấy những chật vật hòa nhập với cuộc sống mới một cách hiển hình... mà thay vào đó là sự giao hòa của những tâm thức với các câu chuyện mang tính đại diện khác lạ.

Cuốn sách kể về chuyện tình vô cùng tươi đẹp của Lise và chàng Louis đầy những khát khao nhưng hành trình đến được với nhau cũng đã trải qua không ít khó khăn cũng như thách thức. Từ Việt Nam đến những lâu đài nước Pháp, từ những công viên bên bờ sông vắng lặng đến tàn tích lâu đài của thời Trung cổ... Cuốn sách xé toạc những đường biên không – thời gian để mang đến một tác phẩm lạ lẫm, thách thức, không ngừng chờ được giải đáp.

Điều ta tìm thấy trong tiểu thuyết này là sự giao thoa của Đông với Tây, của quá khứ với hiện đại, của Á và Âu trong sự tương đồng và phát triển thêm từ Trọng Thủy – Mỵ Châu đến Tristan - Iseult, hay bộ tứ Tấm Cám – Lọ Lem – Bạch Tuyết – Công chúa ngủ trong rừng.... Mang đậm màu sắc của Angela Carter trong không khí Gothic được phối trộn với trọng tâm di dân, đây là cuốn tiểu thuyết được đẩy đến đường biên của những thể nghiệm, đòi hỏi một sự truy tầm giá trị sâu xa hơn việc thưởng thức. Có thể nói Minh Tran Huy đã viết nên một tác phẩm ấn tượng, độc đáo và không thể quên.

Khát khao cây cỏ - Michael Pollan

Từ trước đến nay, trong các tác phẩm nghiên cứu, con người luôn chứng minh mình là chủ nhân của mọi thứ, là đối tượng tác động, là tác nhân chủ chốt... Nhưng với Khát khao cây cỏ, Michael Pollan đã thực hiện điều ngược lại, khi đặt ra một câu hỏi vô cùng thách thức, rằng thực vật nghĩ gì về ta, liệu con người có thật là phía nắm chuôi, quyết định mọi thứ cho giống loài vốn được ngầm hiểu là không có trí thông minh hay nhạy bén này?

Câu hỏi nói trên đã được giải đáp qua 4 phần lớn xoay quanh loài táo, tulip, cần sa và khoai tây, gắn với khát khao vị ngọt, vẻ đẹp, niềm hứng thú và sự an toàn. Từ các rừng táo ở nước Mỹ đến các thùng container trồng cần sa nhân tạo ở Amsterdam, từ ngày hiện tại trong công nghệ biến đổi gen ở khoai tây cho đến nhiều thế kỷ trước khi cơn sốt tulip vẫn còn là thứ gì đó cực kỳ bùng nổ... Pollan từng bước dẫn ta vào mạng lưới gắn kết đặc biệt, để biết con người xét cho đến cùng chỉ là một cực của các mối quan hệ, trong tính chủ động cũng như bị động.

Những câu chuyện về Johnny Hạt Táo, đặc tính có kế hoạch theo trường phái Apollo hay hoang dã của Dionysus... đã đưa người đọc không chỉ lướt qua lịch sử mà các loài cây gắn liền, mà cũng đồng thời là một biên niên sử về các khao khát và niềm đắm say của nhân loại này. Có thể xem đây là một tác phẩm rực rỡ, bao quát và choáng ngợp về mối gắn kết giữa con người cùng tự nhiên.

Con đường thủy vào Trung Hoa - Milton Osborne

Những ngày gần đây câu chuyện xoay quanh sông Mekong bỗng nóng trở lại trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam và những được – mất sau đó. Chính điều này cũng đưa ta về lại với quá khứ của hơn 100 năm trước, khi những người Pháp tiên phong đã cố gắng tìm con đường thủy cho việc giao thương nối liền từ điểm tận cùng đổ ra biển Đông trên đất An Nam với thượng nguồn từ dãy Himalaya ở nơi đầu mút Trung Quốc.

Con sông hùng vĩ phần nào dự báo tầm vóc của cuộc thám hiểm, và quả đúng như thế, những gì được Milton Osborne kể lại có thể được xem như một bằng chứng lịch sử, nhưng cũng có thể quan niệm đó là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nói gót những Thuyền trưởng Corcoran hay tác phẩm của Conrad danh tiếng... Những khó khăn, thách thức; sự thịnh vượng, trù phú nhưng cũng nguy hiểm chết người của miền nhiệt đới... cho ta thấy rằng con đường khai sáng của nơi mẫu quốc chưa khi nào là dễ, chưa cần bàn đến niềm tin, ý dân hay là những thứ thuộc về tư tưởng.

Bằng việc khai thác nguồn sử liệu phong phú và cách kể chuyện cuốn hút, Con đường thủy vào Trung Hoa là một tác phẩm đáng đọc, nên đọc, để biết về những khó khăn của con đường khai sáng văn minh, cũng như sự huyền diệu của miền nhiệt đới từ trăm năm trước hay trăm năm sau vẫn mãi như vậy.

Đọc bài viết

Trà chiều

Thế giới viễn tưởng độc đáo trong bốn bộ phim mang đậm tính thể nghiệm

Published

on

Thế giới của phim khoa học viễn tưởng không phải lúc nào cũng chỉ có AI, robot, hay du hành không gian mà còn vô vàn những điều đặc biệt khác có thể bạn chưa biết.

Năm 2023 vừa qua đã ghi nhận sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của AI. Điều đó khiến cho dòng phim khoa học viễn tưởng nhận được nhiều sự quan tâm trở lại. Nhắc đến dòng phim này, người ta vẫn thường đóng khung nó với vài yếu tố tiêu biểu thường gặp như: AI, robot, du hành vũ trụ, thế giới song song… Tuy nhiên, có rất nhiều tác phẩm sci-fi kinh điển đã chứng minh điều ngược lại.

Hãy cùng Bookish khám phá những bộ phim sci-fi không thuần túy là sci-fi vì ở đó, người xem được tận hưởng bữa tiệc điện ảnh đỉnh cao với những hương vị hòa quyện mĩ mãn từ nhiều thể loại khác nhau.

Back to The Future (1985)

Sci-fi x Road Trip Comedies

Cùng với The Terminator, Back To The Future ra đời năm 1985 đã trở thành biểu tượng kinh điển của dòng phim sci-fi lấy chủ đề du hành thời gian. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà bộ phim này được nhắc đến nhiều lần trong Avengers: Endgame lúc cả nhóm quyết định quay về quá khứ.

Tuy nhiên, không giống như The Terminator, Back To The Future mang màu sắc vui nhộn, hài hước của lứa tuổi học trò. Cậu học sinh tuổi teen Marty McFly ở thập niên 80 vô tình bị kéo về quá khứ trên chiếc xe cỗ máy thời gian của nhà khoa học Emmett Brown. Cậu quay trở về thập niên 50 – lúc này bố mẹ cậu cũng ở lứa tuổi học trò như cậu. Để có thể quay về hiện tại năm 80, cậu phải tìm cách hàn gắn mối quan hệ của bố mẹ, nếu không bản thân cậu cũng sẽ không tồn tại ở năm 80. Từ đó, câu chuyện nảy sinh nhiều tình huống dở khóc dở cuối. Nếu như The Terminator là sự phối trộn hoàn hảo giữa thể loại sci-fi và hành động thì Back To The Future lại là màn kết hợp ăn ý giữa thể loại sci-fi và hài hành trình. Bộ phim tốn kinh phí thực hiện là 19 triệu USD nhưng lại có doanh thu phòng vé lên đến 388 triệu USD. Chính vì thành công này mà đạo diễn Robert Zemeckis đã thực hiện hai phần tiếp theo cũng vui nhộn không kém.

Snowpiercer (2013)

Sci-fi x Dystopia

Bong Joon Ho không chỉ tạo ra những bộ phim sâu sắc về đề tài xã hội mà ông còn có khả năng làm phim khoa học viễn tưởng rất chặt chẽ, thuyết phục. Điều này thể hiện rõ nhất qua Snowpiercer. Phim dựa trên tiểu thuyết Pháp Le Transperceneige lấy đề tài hậu tận thế. Trong tương lai, sau một thí nghiệm thất bại, khí hậu toàn cầu biến đổi dẫn đến gần như toàn bộ sinh vật đều bị diệt vong, ngoại trừ một số người may mắn có mặt trên con tàu Snowpiercer chạy vòng quanh Trái đất với động cơ vĩnh cửu. Tại đây, một xã hội thu nhỏ mới lại được hình thành. Dưới bàn tay tài hoa của Bong Joon Ho, Snowpiercer cũng không đơn giản là tác phẩm sci-fi thuần túy mà ông còn lồng ghép vào nhiều thể loại khác nhau: có những phân đoạn hành động mãn nhãn, đồng thời cũng có những phân đoạn dí dỏm, và cách đặt vấn đề về giai tầng xã hội vẫn mang phong cách rất đặc trưng của Bong. 

Eternal Sunshine Of The Spotless Mind (2004)

Sci-fi x Romance

Sẽ như thế nào nếu kết hợp thể loại sci-fi với phim tình cảm? Khi đó, chúng ta sẽ có kiệt tác Eternal Sunshine Of The Spotless Mind của bộ đôi đạo diễn Michel Gondry và biên kịch Charlie Kaufman. Bộ phim sử dụng đề tài “can thiệp kí ức” để khám phá bản năng con người khi tình yêu tan vỡ. Sẽ ra sao nếu khi chia tay một ai đó, bạn có thể xóa toàn bộ những kí ức vui buồn liên quan đến họ ra khỏi tâm trí? Sau khi Joel biết được Clementine – người yêu cũ của anh đã xóa kí ức tình yêu, anh quyết định bản thân mình cũng sẽ thực hiện việc này. Nhưng khi anh khám phá được điều gì đã khiến họ gắn kết rồi lại chia xa, anh nhận ra mình vẫn còn tình cảm dành cho cô. Nếu như công nghệ trong phim là thứ hư cấu thì cảm xúc giữa hai nhân vật trong Eternal Sunshine hoàn toàn chân thực, lay động trái tim người xem, khiến ai cũng phải thổn thức.

Under The Skin (2013)

Sci-fi x Experimental film

Cuối cùng, không thể không nhắc đến bộ phim sci-fi mang tính thể nghiệm, tiên phong đáng nhớ: Under The Skin. Có rất nhiều phim lấy đề tài sinh vật ngoài hành tinh xâm nhập Trái đất, nhưng có lẽ chưa bộ phim nào kể câu chuyện thật đặc biệt nhưng lại với nhịp điệu từ tốn như Under The Skin. Scarlett Johansson trong vai sinh vật ngoài hành tinh vô danh chỉ làm đúng một công việc là đi lang thang trên một chiếc xe tải, lựa chọn những người đàn ông cô đơn làm con mồi. Bộ phim rất kiệm lời thoại, khiến người xem rợn người không chỉ bởi những hình ảnh thị giác lạ mắt mà còn bởi thứ âm nhạc cũng đầy tính thể nghiệm độc đáo của Mica Levi. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào thể nghiệm mà bỏ qua nội dung, Under The Skin đã không gây được tiếng vang lớn như thế trong cộng đồng điện ảnh. Sau tất cả, bộ phim của đạo diễn Jonathan Glazer lại khiến người xem trăn trở nhiều về thân phận làm người.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Trà chiều

The Terminator & Blade Runner: Hai tượng đài điện ảnh độc đáo của thập niên 80

Published

on

Cùng ra mắt vào thập niên 80, The Terminator (1984) và Blade Runner (1982) đều là hai kiệt tác điện ảnh độc đáo, góp phần rất lớn trong việc tạo ra diện mạo mới cho thể loại sci-fi.

Bài viết này sẽ dẫn dắt bạn khám phá những vấn đề khác nhau được đặt ra trong hai phim: từ những dòng suy tư về mối liên hệ nhân quả giữa hành động và thời gian trong The Terminator đến không gian đô thị đậm chất noir và những truy vấn về bản chất con người trong Blade Runner.

The Terminator (1984)

The Terminator là bước đột phá ngoạn mục trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn James Cameron. Vào thời điểm ra mắt, bộ phim gây ấn tượng bởi việc pha trộn nhiều đặc tính giữa các thể loại khác nhau, mang đến màu sắc mới cho dòng phim sci-fi.

The Terminator kể câu chuyện về một người máy sát thủ ra đời năm 2029, được trao nhiệm vụ quay về năm 1984 để giết người phụ nữ trẻ tên là Sarah Connor. Sarah hoàn toàn không biết rằng cuộc đời cô có ảnh hưởng đáng kể đến số phận nhân loại và cô có thể chết bất cứ lúc nào dưới sự truy sát của cỗ máy bất khả chiến bại được gọi là Kẻ Hủy Diệt. Kyle Reese cũng đến từ tương lai nhưng nhiệm vụ của anh là bảo vệ Sarah – người mẹ của thủ lĩnh tương lai.

Với cốt truyện như thế, The Terminator vừa có những pha hành động mãn nhãn, vừa có nhiều tầng suy tư phức tạp về dòng chảy của thời gian, về phương thức thay đổi một sự kiện trong quá khứ có thể dẫn đến tương lai khác biệt hoàn toàn – đây vốn là chủ đề hiếm gặp trong phim hành động ở giai đoạn đó. Ngoài ra, những bản nhạc nền tạo không khí căng thẳng của nhạc sĩ Brad Fiedel cũng góp phần lớn vào thành công của phim.

Tất cả những nhân tố đó đã khiến phim trở thành một mảnh ghép quan trọng của văn hóa đại chúng đến tận ngày nay. Câu nói “I'll be back” của nhân vật Kẻ Hủy Diệt trong phim được sử dụng phổ biến, trở thành slogan thương hiện cho chính Arnold Schwarzenegger.

Từ năm 1984 đến nay, The Terminator đã sản xuất 6 phần phim: The Terminator (1984), Terminator 2: Judgment Day (1991), Terminator 3: Rise of the Machines (2003), Terminator Salvation (2009), Terminator Genisys (2015), Terminator: Dark Fate (2019). Tất cả những phần phim này đều đạt được doanh thu khủng, riêng phần đầu tiên The Terminator đã trụ vững ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng phòng vé ở Mỹ trong suốt hai tuần. Năm 2008, The Terminator đã được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa vào Viện lưu trữ phim quốc gia để bảo tồn với lí do là bộ phim “nổi bật ở phương diện văn hóa, lịch sử, và mĩ học”.                          

Blade Runner (1982)

Không may mắn như The Terminator, Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott là một tuyệt tác có số phận khá hẩm hiu khi vừa ra đời. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỉ với những bản dựng khác nhau, tác phẩm này đã trở thành một tượng đài lớn của thể loại sci-fi.

Dựa trên tiểu thuyết gốc Do Androids Dream Of Electric Sheep? của nhà văn Philip K. Dick, Blade Runner vẽ nên viễn cảnh ảm đạm của thế giới vào năm 2019. Khi đó, thế giới tràn ngập những replicant – người máy có hình dạng giống con người, được tạo ra với vòng đời ngắn ngủi để làm những công việc nguy hiểm phục vụ cho con người. Một nhóm replicant bất mãn trước việc này đã làm một cuộc phản loạn, quay trở về Trái Đất và giết con người. Rick Deckard, một cảnh sát đã nghỉ hưu ở Los Angeles nhận nhiệm vụ phải truy lùng và tận diệt toàn bộ nhóm replicant nổi loạn này.

Blade Runner là sự pha trộn giữa sci-fi, trinh thám và phim noir – thể loại phim hình sự tội phạm mang đậm phong cách Hollywood, thường thể hiện thái độ hoài nghi, mỉa mai. Thông qua hành trình của Rick Deckard, bộ phim đặt ra nhiều câu hỏi triết học về tính người, thế nào là một con người.

Nhưng không chỉ sâu sắc về nội dung, Blade Runner còn là bữa tiệc chiêu đãi về thị giác qua cách bộ phim thể hiện không gian đô thị tương lai với những màn hình quảng cáo lớn, đèn neon luôn lấp lánh và đường phố lúc nào cũng nhộn nhịp. Cảm hứng thị giác của phim kết hợp từ những bức tranh cổ điển của danh họa Edward Hopper và các khu phố với những tòa nhà chọc trời ở Hong Kong. Sự kết hợp này đã tạo nên không gian thị giác ấn tượng của phim khi con người bị nhấn chìm trong công nghệ. Mĩ thuật của phim tạo ảnh hưởng lớn đến cách xây dựng không gian cho những phim sci-fi hay hành động của Hollywood ra đời sau đó như: The Matrix (1999), bộ ba Dark Knight (2005 – 2012) của đạo diễn Christopher Nolan, Ghost in the Shell (2017)…

Ngày nay, Blade Runner đã có một chỗ đứng không thể thay thế trong dòng phim sci-fi với nhiều ảnh hưởng mang tính định hình về mĩ thuật, tư duy về cách kể chuyện và nhân vật. Blade Runner 2049 – phần tiếp theo của phim ra đời vào năm 2017, đúng 35 năm kể từ phần đầu tiên đã không làm người hâm mộ thất vọng với điểm số trên Rotten Tomatoes lên đến 88%.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng