Trích đăng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt người Tây phương

Trích “Người thầy của tỉnh thức & thương yêu”

Published

on

Trích từ: Người thầy của tỉnh thức & thương yêu

Tác giả: Nhiều tác giả

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 1.2020

Chi tiết tác phẩm

Đây là tập hợp một số bài báo trong hàng vạn bài viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh của các cây bút nổi tiếng trên thế giới. Có thể xem cuốn sách này như một tập chân dung về Thiền sư Thích Nhất Hạnh được “ký họa” ở nhiều góc độ khác nhau, dưới con mắt quan sát, qua “cái thấy” của người nước ngoài.

Một điều thú vị là qua những bài viết ở đây, chúng ta phát hiện ra, người phương Tây tìm đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ để giãi bày, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, tìm lại niềm vui sống giữa đời mà họ còn tìm cầu tuệ giác của ông trong việc làm thế nào để điều hành doanh nghiệp tốt hơn, giảm bớt stress, căng thẳng, phát huy nhiều hơn nữa sự sáng tạo, trên cơ sở đó để tăng lợi nhuận. Họ là những CEO của các tập đoàn kinh tế khổng lồ như Google, Yahoo, Ngân hàng Thế giới (World Bank). Họ còn là những thượng nghị sĩ Mỹ, những ngôi sao Hollywood nổi tiếng, những chính khách lừng danh… Qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi ấy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ bày cho họ hướng đi tâm linh trong đời sống, trong sự nghiệp cùng những phương pháp thực hành rất cụ thể. Tu tập theo ông, người ta sẽ thấy trí tuệ và lòng từ bi tăng trưởng, nhờ thế mà an lạc thân tâm.

Vị “anh hùng ẩn danh”  đằng sau công cuộc chống biến đổi khí hậu trên thế giới

Jo Confino
(Đăng trên The Huffington Post ngày 22.01.2016)

Một trong những động lực ở hậu trường dẫn dắt vòng đàm phán Paris và đem lại bản thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu là vị thiền sư 89 tuổi người Việt Nam.

Christina Figueres, kiến trúc sư trưởng của những cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu tại Paris, đã thừa nhận vai trò then chốt của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong việc giúp bà phát triển sức mạnh nội tâm, trí tuệ và lòng từ bi cần thiết để có thể thúc đẩy các bên liên quan đi đến Thỏa thuận Paris – một bản thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu được sự thông qua bởi 196 quốc gia.

Bà Figueres, Tổng thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) nói rằng những lời dạy của Thầy đến với bà một cách rất tình cờ khi bà đang trải qua một cuộc khủng hoảng cá nhân sâu sắc cách đây ba năm. (“Thầy” là cách gọi thân thương mà hàng trăm ngàn đệ tử trên thế giới dành cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh.)

Những giáo lý đạo Bụt qua cách diễn bày của Thầy – người hiện đang trong quá trình phục hồi sau một cơn xuất huyết não nghiêm trọng – đã giúp bà đối diện được với những khó khăn của chính mình trong giai đoạn đó, đồng thời giữ được sự định tâm trong các cuộc đàm phán về khí hậu.

“Tôi cần có một cái gì đó ngay trong tầm tay để nương vào, nếu không thì tôi chẳng thể nào hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Một điều quá rõ ràng là lúc ấy tôi không có cơ hội để nghỉ ngơi, dù chỉ một ngày. Đó là một cuộc chạy đua kéo dài sáu năm không ngừng, tôi thực sự cần một cái gì đó để nương tựa. Nếu không được dẫn dắt bởi những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đã không thể có được sức mạnh nội tâm, niềm lạc quan sâu sắc, sự tận tâm và niềm cảm hứng mạnh mẽ như vậy”Bà Figueres chia sẻ với phóng viên của The Huffington Post trong thời gian diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, Thụy Sĩ.

Vậy, Thầy đã dạy cho người phụ nữ này điều gì?

Bà Figueres làm sáng tỏ điều đó qua câu chuyện về chuyến thăm của bà tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) do Thầy thành lập, tại Waldbröl, Đức. Nơi đây từng là bệnh viện tâm thần với 700 bệnh nhân cho tới khi Đức Quốc xã (Nazis) xuất hiện, thủ tiêu hoàn toàn những bệnh nhân và biến nơi này thành cơ sở cho Đảng thanh niên Hitler (Hitler Youth).

Bà kể rằng Thầy đã chọn nơi này để thành lập tu viện vì “Thầy muốn chỉ ra rằng chuyển hóa niềm đau thành tình thương, nạn nhân thành người chiến thắng, hận thù thành thương yêu và tha thứ là điều có thể làm được. Thầy muốn điều đó được thực hiện ở ngay chính mảnh đất này, nơi đã từng xảy ra những hành động bạo tàn và phi nhân tính”.

“Việc làm đầu tiên của Thầy là viết thư cho cộng đồng Phật giáo. Trong thư Thầy nói rằng: Thầy muốn có những trái tim được khâu bằng tay, mỗi trái tim dành cho một bệnh nhân bị thủ tiêu, để chúng ta có thể bắt đầu chuyển hóa tòa nhà này, không gian này và năng lượng nơi đây”– bà Figueres chia sẻ tiếp.

“Đó là một câu chuyện vô cùng chấn động đối với tôi. Bởi vì dưới nhiều góc độ, đây chính là hành trình mà chúng tôi đã đi qua để tới được với nhau trong những cuộc đàm phán về khí hậu. Đó là hành trình từ lên án, trách móc lẫn nhau đi tới hợp tác thật sự với nhau. Đó là hành trình từ cảm giác hoàn toàn tê liệt, bất lực, dễ tổn thương đi tới cảm giác thực sự thấy mình có khả năng cùng nhau hành động… Hành trình đó đồng thời đem đến cho tôi rất nhiều trị liệu. Bởi vì ngay chính trong tôi cũng còn có những khó khăn, khổ đau cần được chuyển hóa”. Bà nói thêm: “Chưa thể nói rằng tôi đã đi qua giai đoạn khó khăn của cá nhân mình, nhưng tôi sẽ chuyển hóa nó. Tôi cần làm điều đó cho chính mình.”

Bà tiếp tục chia sẻ: “Tôi cảm nhận đây chính là năng lượng mà những cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu cần phải có. Tôi thực sự rất hứng khởi khi được nghe những lời chỉ dạy tuyệt vời như vậy”.

Lần đầu tiên tới cơ sở cũ của Đức Quốc xã, nơi có 400 phòng ở này, Thầy đã viết một bức thư cho những người đã bị giết hại. Lá thư được các thầy, các sư cô sống tại đây đọc lên mỗi ngày:

“Xin hương linh quý vị và các cháu lắng nghe và chứng giám. Bảy mươi năm về trước, người ta đã đối xử rất tệ hại với liệt vị. Nỗi khổ niềm đau rất lớn ấy ít ai thấy được.

Ngày nay tăng thân đã tới, tăng thân đã nghe và đã hiểu tất cả những khổ đau tủi nhục và uất ức ấy. Tăng thân đã đi thiền hành, đã ngồi thiền, đã thở trong chánh niệm, đã trì chú, tụng kinh, thí thực, để cầu ơn trên chư Bụt, chư vị Bồ tát, chư vị Tổ sư để quý Ngài hồi hướng công đức vĩ đại của quý Ngài cho liệt vị và các cháu, để quý vị và các cháu có cơ hội chuyển hóa, tái sinh ra dưới những hình thức mới. Những người đã làm khổ quý vị, họ cũng đã gánh chịu nghiệp quả khổ đau, xin quý vị mở lòng từ bi mà tha thứ cho họ để họ cũng có cơ hội giải thoát và chuyển hóa.

Xin hộ trì cho tăng thân và cho các thế hệ hành giả kế tiếp, để họ có thể biến nơi này thành một cơ sở thực tập chuyển hóa và trị liệu, không những cho thành phố Waldbröl mà cho cả nước Đức và cả toàn thế giới.”

Thầy được coi là cha đẻ của pháp môn thực tập chánh niệm ở phương Tây, là nhà hoạt động môi trường tích cực từ hơn hai thập kỷ qua. Người đã thành lập nhiều trung tâm thiền tập ở khắp nơi và xây dựng nên một tăng thân xuất sĩ có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các nhà lãnh đạo lớn của Mỹ rất kính trọng vị thiền sư này.

Năm ngoái, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã mời Thầy tới trụ sở của tổ chức này tại Washington để hướng dẫn một ngày chánh niệm cho các nhân viên của ông. Cuốn sách yêu thích nhất của ông Kim là cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức mà Thầy là tác giả. Ông Kim đã ca ngợi sự thực tập của Thầy – vị thiền sư “có sự cảm thông và lòng từ bi sâu sắc đối với những người đau khổ”.

Năm 2013, Google cũng mời Thầy tới thăm Thung lũng Silicon và hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm cho các tổng giám đốc của 15 tập đoàn mạnh nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao. Marc Benioff, Giám đốc Điều hành của tập đoàn Salesforce – người khổng lồ của lĩnh vực điện toán đám mây (cloud computing) – đã và đang hỗ trợ rất tích cực quá trình hồi phục sức khỏe sau tai biến của Thầy.

Thầy sống một cuộc đời thật phi thường. Năm 1967, Martin Luther King đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa bình vì những cống hiến của Thầy giúp chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong lí do đề cử của mình, Mục sư Luther King đã tuyên bố: “Tôi không thấy ai xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình hơn vị thầy tu Việt Nam hiền lành này. Những tư tưởng vì hòa bình của ông, nếu được áp dụng, sẽ tạo nên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản”.

Nguồn: http://www.huffingtonpost.com/entry/ thich-nhat-hanh-paris-climate-agreement_ us_56a24b7ae4b076aadcc64321

*

Ta hạnh phúc liền giây phút này

Claudio Gallo

Ngày 10.9.2014, nhật báo La Stampa – một trong những tờ báo lớn nhất ở Ý – có đăng một bài phỏng vấn Thầy. Claudio Gallo – Biên tập viên phụ trách chuyên mục Văn hóa (Culture Editor) của tờ báo đã tham dự trọn vẹn khóa tu dành cho người Ý được tổ chức tại Làng Mai trong tuần lễ cuối của tháng 8, và anh đã tự mình trải nghiệm được cái gọi là “hiện pháp lạc trú”. Sau đây là bài tường thuật của anh với tựa đề “Happiness is Now” đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Có một cái gì thật dịu ngọt mà cũng thật hùng tráng tỏa ra từ những ruộng nho, những cánh rừng, những đồng cỏ xanh mướt trải dài nối đuôi nhau lướt qua ô cửa sổ của chuyến tàu đi về miền quê nước Pháp, từ Bordeaux đến Bergerac. Đó cũng là sự nhẹ nhàng đầy hùng lực mà ta có thể tìm thấy trong những lời giảng của Thầy Nhất Hạnh. Là một tu sĩ Phật giáo người Việt, Thầy sống với tăng thân của mình tại Làng Mai, một trung tâm tu học tọa lạc trên những ngọn đồi bao quanh ngôi làng Thénac nhỏ bé. Mọi người đều gọi Thầy một cách giản dị là “Thầy” (nghĩa là “một vị thầy tâm linh”).

Thầy đã 88 tuổi, gương mặt trông có vẻ nghiêm khắc nhưng có thể bất ngờ nở một nụ cười trẻ thơ khiến cho ai nhìn thấy cũng phải mỉm cười theo. Năm 1973, Thầy bị chính quyền miền Nam Việt Nam buộc phải lưu vong và Thầy đã chọn Tây phương nơi mà Thầy được Mục sư Martin Luther King và Linh mục Thomas Merton vô cùng trân quý. Ở Mỹ, Thầy cũng được biết đến thông qua các chuyến đi vận động hòa bình cho Việt Nam.

Là tác giả của trên 100 cuốn sách, Thầy đã đem đến cho người Tây phương một phương pháp thực tập dựa trên giáo lý căn bản của đạo Bụt, đó là phương pháp thực tập chánh niệm – sự thực tập tỉnh thức và có mặt một trăm phần trăm cho những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Trong Phật giáo, cùng với đức Đạt Lai Lạt Ma, Thầy có lẽ là vị thầy nổi tiếng nhất trên thế giới với rất nhiều trung tâm tu học ở khắp các châu lục và có số người theo tu học lên đến hàng trăm nghìn người. Điều đáng chú ý là Thầy không đòi hỏi các đệ tử Tây phương phải từ bỏ đạo gốc của mình. Rất nhiều người trong số 700 người Ý tham dự khóa tu vào cuối tháng 8 vừa qua tại Làng Mai là những người theo truyền thống Cơ Đốc giáo.

Thưa Thầy, đạo Bụt có thể cống hiến được gì cho thế hệ kỹ thuật số hiện nay – thế hệ những người trẻ suốt ngày vùi đầu vào internet?

Hiện nay, những người trẻ đã bỏ quá nhiều thì giờ vào internet. Đây là căn bệnh của thời đại chúng ta. Khi ngồi hai tiếng đồng hồ trước máy vi tính, chúng ta hoàn toàn quên là mình có một hình hài. Internet là một phương tiện có khả năng mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra vô số vấn đề.

Sử dụng internet là một hình thức tiêu thụ. Ta tiêu thụ thông qua những tư tưởng, hình ảnh, âm thanh mà ta tiếp xúc được trên internet và sự tiêu thụ đó có thể lành mạnh hoặc có thể gây tàn hại cho thân tâm ta. Thực tế là chỉ riêng lượng thông tin nhận được qua internet thôi cũng đủ khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng quá tải thông tin rồi.

Cũng có nhiều người trong chúng ta trở nên nghiện internet. Ta đánh mất mình trong biển thông tin đó và ta không có mặt cho chính mình, không có mặt cho những người thương của mình và không có mặt cho thiên nhiên. Ta có ảo tưởng là thông qua mạng internet chúng ta có thể nối kết được với nhau, nhưng kỳ thực ta lại càng cảm thấy cô đơn.

Chánh niệm giúp cho ta biết điều độ khi lên mạng, đồng thời cũng giúp cho ta thấy được cái mà ta đang tiếp xúc có thật sự ích lợi hay chỉ làm cho ta càng cô đơn và tuyệt vọng thêm. Ta tiêu thụ internet để khỏa lấp sự cô đơn, nhưng thật ra nó chỉ làm cho tình trạng tệ hại hơn mà thôi. Thường thì khi tiêu thụ những tin tức, quảng cáo, những phim ảnh khêu gợi và kích thích dục tình, ta đồng thời cũng đang đưa vào trong thân tâm ta những độc tố như giận hờn, bạo động, sợ hãi và thèm khát.

Theo đạo Bụt thì cái ta riêng biệt là một ảo tưởng, vậy trong cái thấy đó có còn sự phân biệt giữa thiện và ác hay không?

Trong thế kỷ XX, chủ nghĩa cá nhân được đưa lên vị trí hàng đầu và điều này đã tạo ra rất nhiều khổ đau. Chúng ta tạo ra sự phân biệt, chia cách giữa ta và người, giữa cha và con, giữa con người và thiên nhiên, giữa quốc gia này và quốc gia khác. Chúng ta không ý thức được mối tương quan mật thiết giữa mình với mọi người và mọi loài xung quanh. Đạo Bụt gọi mối liên hệ đó là “tương tức” (“inter-being”).

Cái hiểu, cái thấy sâu sắc về tương tức chính là nền tảng của con đường đạo đức mà đạo Bụt đóng góp cho nhân loại. Những gì xảy ra cho một cá nhân cũng ảnh hưởng tới toàn thể xã hội và cả thế giới. Với cái thấy này, sự thực tập chánh niệm giúp cho ta phân biệt được cái gì thiện, cái gì ác, cái gì đúng, cái gì sai. Có chánh niệm thì ta sẽ nhận ra được những tàn hại đối với các loài gia súc, gia cầm cũng như đối với hành tinh này do ngành công nghiệp sản xuất thịt gây ra. Ý thức được điều đó thì ăn chay là một hành động thương yêu đối với chính mình, đối với sinh môi và đối với trái đất.

Nhiều người trong chúng ta đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền tài và sắc dục. Chúng ta nghĩ rằng những thứ đó đem lại cho ta hạnh phúc, nhưng thực ra nó có thể dẫn chúng ta đi tới chỗ tàn hoại thân tâm mình. Những người trẻ thường lẫn lộn giữa tình dục và tình yêu chân thật. Trên thực tế thì tình dục có thể hủy hoại tình yêu và đưa tới sự thèm khát, cô đơn và tuyệt vọng nhiều hơn. Sự thực tập chánh niệm giúp chúng ta mỗi ngày hiểu sâu hơn về người mà ta thương. Cái hiểu chính là nền tảng của tình thương đích thực. Chúng ta không thể nào có được một tình thương đích thực nếu ta không hiểu được người mình thương.

Có thể vượt thoát sự sợ hãi về cái chết hay không?

Gốc rễ của sự sợ hãi nằm ở cái thấy sai lạc của ta về bản chất cái chết. Ta sợ hãi cái chết tại vì ta nghĩ rằng khi chết rồi thì ta sẽ trở thành không. Khoa học hiện đại đã chứng minh cho ta thấy rằng: Không có gì sinh cũng không có gì diệt, tất cả đều chuyển biến không ngừng.

Quan sát một đám mây, ta có thể đặt câu hỏi: Đám mây có thể chết không? Đám mây có thể từ mà trở thành không? Nhìn cho sâu ta thấy đám mây có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành mưa đá, rồi thành hơi nước trở lại. Bản chất của chúng ta cũng giống như bản chất của đám mây. Cũng như mưa, tuyết là sự tiếp nối của đám mây thì những hành động, lời nói và tư tưởng mà ta chế tác ra chính là sự tiếp nối của ta.

Chúng ta sống trong một thế giới đầy xung đột và bất công xã hội. Làm sao ta có thể cải thiện được tình trạng đó với tư cách một Phật tử?

Sự xung đột và bất công trong xã hội phát sinh ra từ tâm chúng ta. Đạo Bụt cống hiến cho chúng ta những phương pháp thực tập cụ thể để nuôi dưỡng tình thương và hạnh phúc đích thực. Khi tình thương và hạnh phúc có mặt thì ta có thể tạo ra sự bình an trong tự thân và góp phần vào hòa bình trên thế giới. Khi tâm ta bị cuốn đi bởi tham vọng và sợ hãi thì bất công xã hội và bạo động sẽ phát sinh. Sự thực tập chánh niệm giúp cho ta nuôi lớn hạnh phúc và bình an trong giây phút hiện tại. Và đây chính là sự đóng góp tuyệt vời cho nền hòa bình thế giới và cũng đồng thời là nền tảng để chúng ta có thể làm tốt những công tác phụng sự cho xã hội.

Thầy dạy cho mọi người về sự thực tập chánh niệm và chánh định, thế nhưng một tình trạng đáng lo ngại của thế giới hiện nay là tình trạng suy giảm khả năng tập trung của con người…

Nhiều người trong chúng ta không biết làm thế nào để thật sự có mặt cho người mình thương và cho những mầu nhiệm đang có sẵn trong giây phút hiện tại. Tâm của ta rất dễ bị phân tán. Trong khi đó, thị trường bên ngoài không ngừng cung cấp cho ta những phương tiện để giữ cho tâm ta luôn ở trong tình trạng này. Thân của ta ở đây mà tâm của ta thì đang chạy theo những dự án ở tương lai, những sầu đau của quá khứ hay những lo lắng, buồn phiền trong hiện tại.

Cách đây không lâu, chúng tôi được mời hướng dẫn thực tập chánh niệm cho hơn 700 nhân viên Google tại trụ sở chính của tập đoàn này ở California. Điều đầu tiên mà chúng tôi chia sẻ là sự thực tập dừng lại, vì trong xã hội hiện nay chúng ta luôn có thói quen rong ruổi, tìm cầu. Khi ta có khả năng dừng lại, ta có thể nhận diện được những gì đang xảy ra trong thân và trong tâm mình. Đây là cách thức để ta có thể bắt đầu chăm sóc cho chính mình. Chúng ta đã có quá đủ những điều kiện để hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ cần dừng lại và nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt là ta có thể tiếp xúc được ngay với hạnh phúc đích thực.

Nguồn: http://plumvillage.org/news/an-italian- journalist-reports-from-plum-village/

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura và bí mật từ chuyến Tây du lịch sử khiến nước Nhật phát triển thần kỳ

Published

on

Sứ đoàn Iwakura

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem văn minh khai sáng “về trồng” trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây. 

Chuyến hải hành khám phá Hoa Kỳ và các nước châu Âu của sứ đoàn Iwakura kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 - 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. 

Quyển sách Sứ đoàn Iwakura, tác giả Ian Nish biên soạn.

Ban đầu, họ lên kế hoạch đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhà sử học Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép về quá trình khai sáng, ông ý thức được rằng: “Nếu ý chí của con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực vươn ra khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và sự giàu có, những điều này chỉ là thứ hai”.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Đối với phó sứ Kido không gì tạo ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông viết: “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học, trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước trong nghìn năm tới... Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục”.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các trường đại học và các tổ chức học thuật khác. 

Hình ảnh đoàn cấp cao do nhà quý tộc Iwakura Tomomi dẫn đầu đến thăm Hoa Kỳ và các nước phương Tây vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura. Nguồn ảnh Kameda Kinuko.

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây, như thực tế là con đường nhanh nhất. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho hiệp ước cũ bất bình đẳng. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản bước vào “câu lạc bộ” các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Nhật Bản đã sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có mô hình phát triển nào trước đó làm tiền đề, quả thật là điều thần kỳ. 

Một trong những nhật báo, Kokunim Shimbun, hãnh diện đăng đàn rằng: “Như hệ quả của cuộc chiến (Trung - Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện của ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, ở năng lực có một không hai là hấp thụ, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, là bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc”.

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Năm 1878, biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Beio Kairan Jikki, gọi tắt là Kairan Jikki, được in lại nhiều lần từ năm 1977, có giá trị như bộ sử của chính phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ XIX dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Đây là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.

Trích đoạn

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ việc tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản "mở cửa đất nước" không chỉ là một hành động mang tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh", Ito Hirobumi - Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

***

"Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất là muốn giới thiệu với phương Tây về những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản và thương thảo lại các hiệp ước bất bình đẳng. Thứ hai là quan sát và đánh giá sự phát triển của phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mai, giáo dục và cách tổ chức quốc gia. Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc đến chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng chiến lược này", trích đoạn từ sách Sứ đoàn Iwakura, Ian Nish.

Về tác giả

Ian Nish (1926 – 2022) là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London.

Đọc bài viết

Cafe sáng