Giới thiệu sách
THÁI CÔNG – A PASSION FOR AESTHETICS: Dấu ấn thẩm mỹ của Nhà Thiết kế Nội thất Thái Công

Giới thiệu sách
Lớn lên trên đảo vắng – Cuộc phiêu lưu kịch tính của gia đình Robinson

Trên đường sang châu Mỹ lập nghiệp, gia đình Robinson không may bị đắm tàu và trôi dạt vào một hoang đảo. Tại đây, họ đã phải bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian khó, khi phải tự làm nhà, săn bắn, trồng trọt, thuần hóa thú hoang… Mỗi ngày với họ đều là một chuyến phiêu lưu kỳ thú nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và tinh thần kiên cường vượt qua nghịch cảnh, gia đình Robinson không chỉ sống sót mà sau nhiều năm lưu lạc trên đảo vắng, họ còn xây dựng được cho mình một cơ ngơi đáng kể.
Dưới ngòi bút miêu tả chân thực của tác giả Johann David Wyss, Lớn lên trên đảo vắng không chỉ bày ra trước mắt độc giả vẻ đẹp của một thế giới tự nhiên hoang sơ, trù phú mà còn là lời ca ngợi những đức tính tuyệt vời của con người. Đó là tinh thần phiêu lưu dũng cảm, sự thông minh tài trí, tính cần cù chăm chỉ và lòng tốt, sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Nhờ vậy mà đây đã trở thành một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của trẻ em trên toàn thế giới, còn nhiều lần được dựng thành phim cũng như chuyển thể thành truyện tranh và trò chơi điện tử.

Johann David Wyss (28/5/1743 - 11/1/1818) sinh ra ở Bern, Thụy Sĩ. Ông vốn là mục sư nhưng sau này đã trở thành một tác giả nổi tiếng. Được truyền cảm hứng từ tác phẩm Robinson Crusoe của Daniel Defoe, nhưng Wyss muốn viết một câu chuyện chứa đựng những bài học thú vị, bổ ích về cuộc sống thiên nhiên hoang dã dành riêng cho trẻ em, nên đã cho ra đời tiểu thuyết Lớn lên trên đảo vắng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Đức năm 1812, và sau đó hai năm, đã được dịch sang tiếng Anh, rồi lần lượt là nhiều thứ tiếng khác.
Giới thiệu sách
Năm tuần trên khinh khí cầu – Chuyến du lịch độc đáo xuyên qua châu Phi hoang dã

Năm tuần trên khinh khí cầu kể câu chuyện về ba người Anh với tham vọng băng qua châu Phi, từ Đông sang Tây, trên một chiếc khinh khí cầu. Tiến sĩ Samuel Fergusson, nhà khoa học thông tuệ, là trưởng đoàn, đồng hành cùng ông có người hầu cận trung thành Joe và anh bạn thợ săn thiện xạ Dick Kennedy. Bộ ba dấn thân vào biết bao cuộc phiêu lưu hấp dẫn và không kém phần kỳ lạ: chạm trán với người bản địa và những loài động vật nguy hiểm, gặp sự cố với khinh khí cầu, đồng thời phải vật lộn với những bất lợi về thời tiết.
Xuyên suốt cuốn sách Năm tuần trên khinh khí cầu, tác giả Jules Verne đã mô tả một cách sinh động những đặc điểm về hệ thực vật, động vật, địa lý và con người châu Phi qua con mắt của thế kỷ XIX. Được xuất bản lần đầu vào năm 1863, Năm tuần trên khinh khí cầu là sự kết hợp tuyệt vời của các yếu tố như nhân vật thông minh, sáng tạo, những kiến thức khoa học và công nghệ đi trước thời đại, đặc biệt là cốt truyện đầy hấp dẫn hé lộ viễn cảnh về một thế giới chưa được biết tới, tất cả đã làm nên chất phiêu lưu đặc trưng và tạo tiền đề cho những tác phẩm sau này của Jules Verne.

Ngày 31/1/1863, Năm tuần trên khinh khí cầu chính thức ra mắt và ngay lập tức nổi tiếng khắp nước Pháp và sau đó là toàn thế giới. Mọi người đều hết sức kinh ngạc khi độc giả có cảm giác được trải nghiệm thực tế những điều trong sách. Một độc giả còn gửi thư tới nhà xuất bản để hỏi: “Tôi rất mong nhận được một câu trả lời từ ngài, Tiến sĩ Samuel Fergusson thật sự có thể ngồi trên khinh khí cầu để bay xuyên qua châu Phi ư…”
Năm tuần trên khinh khí cầu do Đinh Tị Books phát hành. Bản dịch đầy đủ từ dịch giả Ngụy Thanh Tuyên giúp truyền tải trọn vẹn tinh thần của bản gốc. Bởi, dịch giả Ngụy Thanh Tuyên đã có kinh nghiệm chuyển ngữ thành công rất nhiều tác phẩm cả kinh điển, trong số đó có thể kể đến Hai vạn dặm dưới đáy biển và 80 ngày vòng quanh thế giới.
Trích đoạn
“Samuel thân mến ạ!” Người thợ săn nói. “Dự án gì đó của anh thật điên rồ! Nó không khả thi! Nó chẳng có vẻ gì là nghiêm túc hay thực tế hết!”
“Tại sao lại không?”
“Chà, vì rủi ro, vì trở ngại đủ kiểu.”
“Về chuyện trở ngại,” Fergusson nghiêm giọng nói. “Trở ngại tồn tại là để ta vượt qua. Còn rủi ro và nguy hiểm ư? Ai dám tự vỗ ngực tuyên bố ta đây chẳng bao giờ gặp nguy? Chúng ta chỉ nên thấy hiện tại qua tương lai mà thôi, vì tương lai chẳng qua chỉ là hiện tại xa hơn một chút.”
Giới thiệu sách
Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng – Ngọt ngào sao những thi vị này

Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy, gồm 2 phần là tản văn và truyện ngắn. Xuất bản lần đầu năm 2012, tác phẩm ngay lập tức được đón nhận và đã tái bản rất nhiều lần. Ở lần tái bản này, cuốn sách được in ấn với hình thức bìa độc đáo.
Nhẹ nhàng mở những trang sách Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng giữa lòng phố thị xô bồ, bạn sẽ bước vào một khoảng trời chứa đầy ký ức của tác giả, dù rất riêng nhưng sao thật gần gũi với những ai từng có một quê nhà để nhớ, để thương. Giản dị, mộc mạc, từng lời văn như thấm vào trái tim độc giả, để lại những cảm xúc đầy luyến lưu, xao xuyến. Cuốn sách mang đến cảm giác dễ chịu, khiến người ta mỉm cười, thấy ấm áp giữa những ngày mưa lạnh ướt át.
Phần tản văn kể về thuở ấu thơ của tác giả, đan xen những bài học, chiêm nghiệm mà tác giả nhận ra khi nhìn lại các kỷ niệm sau ngần ấy năm. Phần truyện ngắn xoay quanh các nhân vật do tác giả sáng tạo, chứa đựng tình yêu chớm nở trong những năm tháng đầy hoa mộng. Chúng ta như nhìn thấy hai Đặng Nguyễn Đông Vy với những nét tính cách khác biệt. Cả hai đều trong sáng và bay bổng, nhưng một bên là hồn nhiên, nghịch ngợm, một bên lại phảng phất những nỗi niềm man mác. Tuy nhiên, cả hai phần này không tách biệt, mà là một mạch cảm xúc nối liền theo quá trình trưởng thành nơi tâm hồn tác giả.
Hồi ức yên bình tuổi thơ ngây qua những dòng tản văn

Phần tản văn gồm 22 câu chuyện, phần lớn đều đan xen những kỷ niệm thuở ấu thơ của tác giả. Những câu văn mượt mà, mộc mạc, đầy xúc cảm trong trẻo, hồn nhiên, đưa ta quay lại những ngày còn bé bỏng, khi cả gia đình – ông bà, cha mẹ, anh chị em vẫn quây quần trong căn nhà cửa gỗ sơn xanh, tường tróc sơn loang lổ. Qua đôi mắt của tác giả, ta như nhìn thấy người ông móm mém, yêu thích mãng cầu bơ, người bà phúc hậu, ngồi xỏ mành ốc gạo với cháu gái nhỏ, người mẹ chăm chỉ sắp xếp đá trang trí trong vườn nhà, người cha cặm cụi quấy bột sắn thành hồ dán cho con làm thủ công.
Ta như nhìn thấy những người bạn chơi cùng lúc bé nghịch ngợm, nô đùa cùng nhau, rồi xích mích, dỗi hờn. Ta như nhìn thấy góc trường tiểu học với lũ trẻ ồn ào nhốn nháo, tranh nhau xem phim cổ tích trong chiếc hộp gỗ của ông lão hàng rong. Ta như nhìn thấy những mùa thu hoạch khoai mì rộn rã cả miền quê, những mùa Giáng Sinh tưng bừng nơi xóm đạo. Đó là những ký ức rất riêng tư của tác giả, nhưng sao lại gần gũi với tất cả chúng ta đến lạ thường.
Tác giả thổ lộ những điều thoạt đầu nghe hết sức lạ lùng, chẳng hạn như ngày bé tác giả thích nhất chính là… đi chăn bò. Tuy nhiên, khi theo từng câu chữ của cô, đặt chân lên hành trình mơ mộng đầy ắp niềm vui khi lùa bò đi ăn, ta dần ngộ ra thích đi chăn bò là điều vô cùng hợp lý. Làm sao không thích cho được khi bao bọc xung quanh là một thiên nhiên phong phú, đầy chất thơ: dế cồ than nấp dưới hòn đá, chuồn chuồn kim đậu trên ngọn cây, châu chấu hối hả nhảy khỏi mõm của lũ bò, lũ cá rô lượn lờ dưới dòng nước trong… Những ngọn gió thổi qua lớp cỏ xanh mơn mởn trên bờ đê mấp mô, những đồng lúa chín vàng trĩu hạt, những đám mạ non mướt mát… mang theo hơi thở của rơm rạ, hương sen và bùn đất. Linh hồn ta chợt như thoát khỏi thực tại, đến với đồng cỏ điểm xuyết hoa dại nhỏ xinh, hạnh phúc lao nhanh giữa đất trời với đôi bàn chân trần nóng bỏng.
Giữa những kỷ niệm ấm áp, bình yên bên gia đình, bạn bè, và những khung cảnh hồi ức vừa chân thực, vừa mơ mộng, tác giả lồng ghép vào những bài học nhân văn một cách rất tự nhiên. Đó là trận đòn đau vào mùa khoai mì năm ấy, khi ba tác giả tức giận quất roi con vì tội giễu nhại người tàn tật. Đó là chiều ba mươi tết bà nội cùng tác giả dắt nhau ghé thăm từng hộ gia đình khó khăn nằm sâu trong phía núi, tặng cả người lớn lẫn trẻ con những đòn bánh tét xinh xinh. Đó là tinh thần làm ăn chăm chỉ, sáng tạo, cần cù của ông nội, thứ giúp ông từng gây dựng được cả cơ đồ. Đó là ánh mắt buồn bã đến xót lòng của người mẹ khi nghe tác giả thốt lên rằng “Mẹ đúng là chẳng có gì để ngưỡng mộ cả.”
Có những bài học mà mãi đến lớn, sau bao nhiêu thăng trầm, tác giả mới đột nhiên nhận ra. Chiếc hộp con đựng bản di chúc cùng những gì quý giá nhất năm tám tuổi, vốn chỉ là một trò chơi, nhưng giờ nhìn lại, tác giả bỗng hiểu ra rằng nên “làm cho những người khác biết mình yêu thương họ ngay lúc này tốt hơn là ấp ủ tình yêu đó cho tới khi ta không còn cơ hội để trao nó cho họ nữa.” Ngôi nhà ông nội hì hục một mình đào móng, trộn vữa, đặt từng viên gạch… trên mảnh đất tự ông khai phá luôn mở rộng cửa và đầy ắp yêu thương. Nó đón nhận bao lượt khách lỡ đường mà chẳng hề tính phí, giúp đỡ một người đàn bà xa lạ suýt đẻ rớt bình yên hạ sinh con mình, rộng mở vòng tay để một ông lão hành khất xa lạ tá túc. Tác giả nhận ra, qua bao năm, từng lượt người cứ đến rồi đi, ngôi nhà năm xưa vẫn cứ y như cũ, chỉ có những câu chuyện về lòng hào hiệp và nhân hậu mãi chất đầy…
Những bản tình ca dang dở nhưng thi vị trong phần truyện ngắn

Nếu phần tản văn toát lên tình thân, tình bạn và tình người, thì tinh thần chính trong phần truyện ngắn lại là tình yêu đôi lứa. 11 câu chuyện là 11 sắc màu tình yêu, có khi là những rung động mông lung tuổi học trò, có khi là nỗi khắc khoải của người bị bỏ lại nơi dương thế, có khi là giọt nước mắt của mối tình chưa nở đã tàn phai. Đơn giản, không hoa mỹ, nhưng từng câu văn lại thấm vào lòng người đến lạ thường. Ta thấy mình như hóa thân thành nhân vật, cũng cảm nhận được “một nỗi thất vọng đau đớn đến khó tả” khi nhìn thấy hoa tường vi ố vàng trong bụi bặm của đời thực, cũng thấy “quay quắt nhớ” về ai đó với câu tỏ tình dễ thương.
Lồng trong những câu chuyện là đủ sắc màu, đủ âm thanh, đủ mùi vị. Một vườn pensée khoe sắc thắm khẽ lay động trong làn gió nhẹ tựa như tình yêu chân thành ở tuổi sắp xế chiều của một góa phụ mất chồng từ lâu. Một ly tonic “đăng đắng, mằn mặn, lạnh ngắt, và vị ngọt đọng đâu đó, không phải trên môi, không phải trên đầu lưỡi mơ hồ” khiến ta nhận ra tình yêu có thể bắt đầu từ nỗi nhớ, không phải chính con người ấy, mà là khoảng không gian, những cảm xúc bao quanh mỗi khi ta ở bên người ấy. Tiếng chuông nhà thờ đổ vang vang đêm giao thừa nơi Đà Lạt đầy sương lạnh, tràn ngập nỗi lạc lõng của một cô bé mười sáu tuổi lần đầu lang thang giữa nơi xa lạ vào đêm ba mươi. Chúng được miêu tả sống động, như thể ta đang ở ngay đó, nhìn tận mắt, nếm tận miệng, nghe tận tai vậy.
Phần lớn tình yêu trong phần truyện ngắn này đều bỏ ngõ, dở dang. Mỗi câu chuyện đều có gì đó man mác buồn, chứa nhiều nỗi niềm da diết, khắc khoải. Nhưng dù mối tình trong truyện đã vĩnh viễn khép lại, hay vẫn còn lấp lánh chút hy vọng cho ngày sau, thì mối tình ấy vẫn đi vào lòng người đọc, vẫn khiến ta thấy tình yêu, tuy muôn hình vạn trạng, tuy hạnh phúc lẫn đau đớn, vẫn thật đẹp làm sao.
Hình thức bìa sách độc đáo như một bức bình phong

Lần tái bản này, sách ra mắt ở cả hai hình thức bìa mềm lẫn bìa cứng, đều có kích thước nhỏ xinh tựa một quyển sổ tay, dễ dàng bỏ túi mang theo đến bất kỳ nơi đâu. Bản bìa mềm tiện dụng, được in đổi chiều hai nửa nội dung – một tản văn, một truyện ngắn. Trong khi đó, bản bìa cứng là hai quyển sách có bìa nối liền nhau, khi bung mở toàn bộ sẽ tạo cảm giác như đang kéo ra bức bình phong tuyệt đẹp.
Trong mùa dịch vừa rồi, họa sĩ t. hờ đã dành rất nhiều thời gian tâm huyết để thiết kế bìa sách đầy tính đột phá, sáng tạo này. Khi đọc tác phẩm, anh cảm giác như có hai chị Vy khác nhau, một chị Vy nhỏ và một chị Vy lớn. Vì vậy, anh đã suy nghĩ làm sao vừa phân biệt hai phần tản văn và truyện ngắn, vừa ghép được chúng dính liền với nhau để không làm mất mối liên kết giữa hai chị Vy trong sách. Kết quả là thiết kế phá cách, ngộ nghĩnh dành cho cả hai phiên bản bìa cứng và bìa mềm đã ra đời.
Có lẽ chất trong trẻo, êm dịu trong từng câu văn của Đặng Nguyễn Đông Vy đã thấm vào lòng của họa sĩ t. hờ, nên từng hình vẽ trong sách, từ ảnh bìa đến ảnh mình họa, đều toát lên vẻ đẹp bay bổng, đầy nghệ thuật. Nếu phần bìa tản văn có màu chủ đạo là xanh lá, với hình ảnh “chị Vy nhỏ” nằm giữa cánh đồng hoa bướm vờn quanh, thì phần bìa truyện ngắn lại mang màu xanh đen huyền bí của bầu trời đêm, điểm xuyết những ngôi sao vàng trên dải ngân hà lam biếc.
Về tác giả

Đặng Nguyễn Đông Vy, sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, là một cây bút quen thuộc trên các tờ báo hướng đến độ tuổi mới lớn như Hoa Học Trò, Báo Sinh viên Việt Nam... Chị vừa làm báo, vừa viết văn, và đã xuất bản rất nhiều tác phẩm sâu lắng, thú vị như Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng, Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn, Những Lối Về Ấu Thơ…
-
Top sách hay3 weeks ago
Tiểu thuyết kinh dị “Tết ở làng Địa Ngục” cán mốc 4.000 bản trong lần đầu xuất bản
-
Trà chiều4 months ago
Trauma Bonding: Những soi chiếu từ văn học nghệ thuật để chiêm nghiệm cho cuộc đời
-
Trích đăng3 months ago
Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài Thành
-
Cafe sáng3 months ago
Đón chào diện mạo mới của Nhà sách Phương Nam tại Lotte Center Hà Nội với nhiều ưu đãi hấp dẫn
-
Book trailer5 months ago
Khám phá Sài Gòn và Đà Lạt qua hai tập tranh ký họa đẹp lung linh
-
Book trailer5 months ago
Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm: Nỗi niềm của những kẻ lạc loài
-
Book trailer5 months ago
Kế thừa cảm xúc: Hành trình thoát khỏi vòng lặp của nỗi đau
-
Chuyện người cầm bút3 months ago
Lê Nguyễn Nhật Linh: Chiến thắng vẻ vang nhất là khi ta vượt qua chính mình