Trích đăng

Phụ nữ và trẻ em sẽ điều khiển thế giới? – trích “2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai”

Dân số thế giới có vẻ tăng với tốc độ kinh hoàng. Tuy nhiên, đến năm 2030, chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế khan hiếm trẻ sơ sinh.

Published

on

Trích từ: 2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai
Tác giả: Mauro F. Guillén
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book
Phát hành: tháng 12.2021

Được viết bằng văn phong hấp dẫn đan xen các dẫn chứng khoa học, 2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai là một bản phân tích sâu rộng, chặt chẽ và đầy thuyết phục về xã hội loài người trong tương lai gần, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ nhân khẩu học, kinh tế, đô thị hóa cho đến những cách tân công nghệ mới nhất như tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo.

Tác giả sách Mauro F. Guillén là diễn giả, nhà tư vấn uy tín cho nhiều doanh nghiệp, một chuyên gia hàng đầu về xu hướng toàn cầu. Ông từng tốt nghiệp Xã hội học ở Đại học Yale và Kinh tế học ở Tây Ban Nha. Ông đồng thời cũng là một nhà tư tưởng, học giả và giáo viên đoạt giải thưởng tại Trường Wharton, nơi ông giữ chức Giáo sư Zandman về Quản lý Quốc tế và giảng dạy trong Chương trình Quản lý Nâng cao hàng đầu cùng nhiều khóa học khác cho giám đốc điều hành, MBAs và sinh viên đại học.

Hiện nay, ông là Giám đốc kiêm Hiệu trưởng của Trường Kinh doanh Cambridge Judge và là thành viên của Queen’s College tại Đại học Cambridge.

***

Dân số thế giới có vẻ tăng với tốc độ kinh hoàng. Năm 1820 chỉ có 1 tỷ người trên trái đất. Một thế kỷ sau, đã có hơn 2 tỷ. Gián đoạn một thời gian ngắn sau cuộc Đại suy thoái và Thế chiến thứ II, tỷ lệ tăng dân số quay trở lại với tốc độ ngoạn mục: 3 tỷ năm 1960, 4 tỷ năm 1975, 5 tỷ năm 1987, 6 tỷ năm 2000, và 7 tỷ năm 2010. “Kiểm soát dân số, hay chạy đua tới diệt vong?”– là tiêu đề nổi bật trên trang bìa cuốn sách gây chấn động The Population Bomb (Tạm dịch Bùng nổ dân số) xuất bản năm 1968 của các giáo sư Đại học Stanford Paul và Anne Ehrlich. Kể từ đó, các chính phủ và tổ chức xã hội lớn trên toàn thế giới phải nghiêm túc quan tâm đến hiện thực không thể tránh khỏi này: Chúng ta sẽ tràn ngập hành tinh và hủy diệt chính mình (cùng hàng triệu loài động thực vật).

Tuy nhiên, đến năm 2030, chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế khan hiếm trẻ sơ sinh.

Trong vài thập niên tới, dân số thế giới sẽ tăng với tỷ lệ chưa đến một nửa so với tỷ lệ của những năm từ 1960 đến 1990. Ở một số quốc gia, dân số thậm chí còn giảm (vì không có nhiều người nhập cư). Một ví dụ cụ thể, kể từ đầu thập niên 1970, phụ nữ Mỹ trong độ tuổi sinh sản trung bình có ít hơn hai con – một tỷ lệ không đủ để thay thế cho thế hệ già. Nhiều nơi khác trên thế giới cũng thế. Người dân ở các quốc gia như Brazil, Canada, Thụy Điển, Trung Quốc, và Nhật Bản bắt đầu lo lắng ai sẽ chăm sóc người già và trả lương hưu.

Tỷ lệ sinh ở Đông Á, châu Âu và châu Mỹ suy giảm trong khi ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á, tỷ lệ này giảm chậm, dẫn đến sự thay đổi trong thế cân bằng quyền lực kinh tế và địa chính trị trên toàn cầu. Hãy xem: Hiện nay khi một trẻ sinh ra ở các nước phát triển thì có hơn chín trẻ được sinh ra ở các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi. Nói cách khác, cứ mỗi trẻ được sinh ra ở Mỹ thì có 4,4 trẻ được sinh ra ở Trung Quốc; 6,5 trẻ ở Ấn Độ và 10,2 trẻ ở châu Phi. Thêm vào đó, điều kiện dinh dưỡng và y tế ở các nước nghèo nhất thế giới ngày càng được cải thiện, làm tăng số lượng trẻ sơ sinh sống được đến tuổi trưởng thành và bước vào tuổi sinh sản. Nửa thế kỷ trước, ở các nước châu Phi như Kenya và Ghana, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ chết dưới 14 tuổi, nhưng hiện nay tỷ lệ này còn thấp hơn 1/10.

Những thay đổi nhanh chóng về dân số thế giới xuất phát không chỉ từ các nước có tỷ lệ sinh cao hơn, mà còn từ các quốc gia có tuổi thọ tăng nhanh. Ví dụ, trong những năm 1950, tuổi thọ trung bình của dân số ở những nơi kém phát triển nhất thế giới thấp hơn 30 năm so với tuổi thọ ở các quốc gia phát triển nhất. Ngày nay khoảng cách này chỉ còn là 17 năm. Thời gian từ năm 1950 đến 2015, tỷ lệ tử vong ở châu Âu giảm chỉ 3% trong khi ở châu Phi giảm đến 65%. Các nước nghèo hơn đang bắt kịp xu thế tuổi thọ cao nhờ giảm tỷ lệ tử vong ở tất cả các độ tuổi.

Hãy xem Hình 3 để đánh giá tác động của thay đổi nhân khẩu học đối với toàn thế giới, thể hiện qua tỷ lệ phần trăm tổng dân số các khu vực trên thế giới từ năm 1950 đến 2017 cùng với con số dự báo cho đến năm 2100 của Liên Hiệp Quốc.

Tập trung vào năm 2030, ta thấy Nam Á (bao gồm cả Ấn Độ) sẽ vẫn dẫn đầu về số dân. Châu Phi trở thành khu vực dân số lớn thứ hai, trong khi Đông Á (bao gồm cả Trung Quốc) sẽ rớt xuống hạng ba. Châu Âu, từng xếp thứ hai trong thập niên 1950, nhưng sẽ rơi xuống vị trí thứ sáu, đứng sau Đông Nam Á (bao gồm Campuchia, Indonesia, Philippines, và Thái Lan, cùng với một số quốc gia khác) và châu Mỹ Latinh.

Dòng di cư quốc tế có thể phần nào làm dịu bớt tác động tiêu cực của biến động lớn này vì các nước có nhiều trẻ em sẽ bù đắp cho những nơi thiếu hụt trên thế giới. Thực chất, hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, chẳng hạn trong những năm 1950 và 1960 có rất nhiều người ở khu vực Nam Âu di cư đến Bắc Âu. Tuy nhiên, thời nay, dòng di cư sẽ không đủ lớn để xoay đổi các xu hướng dân số (xem dữ liệu trong Hình 3). Tôi phải nhấn mạnh điểm này vì có vẻ quá nhiều chính phủ đang muốn tăng cường bức tường biên giới, dù là theo cách truyền thống (với gạch và vữa), hay sử dụng công nghệ laser, máy dò, hay cả hai.

Nhưng ngay cả khi không tăng cường kiểm soát biên giới, tôi vẫn cho rằng dòng di cư không thể tác động quá lớn đến xu hướng dân số. Với mức độ di cư và gia tăng dân số hiện tại, Tiểu vùng Sahara châu Phi – gồm 50 quốc gia châu Phi không giáp với biển Địa Trung Hải – sẽ trở thành khu vực đông dân thứ hai trên thế giới vào năm 2030. Giả sử cứ cho là số dân di cư sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới thì cũng chỉ làm chậm dự đoán trên cho đến năm 2033. Như vậy cũng không thể làm chệch xu hướng chủ yếu dẫn đến sự thay đổi dân số thế giới hiện tại mà chỉ làm chậm lại ba năm.

PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM ĐIỀU KHIỂN THẾ GIỚI

Vậy đâu là vấn đề đằng sau hiện tượng giảm sinh trên toàn cầu? Câu hỏi không dễ trả lời, dù nói chung, việc thụ thai một em bé không có gì khó với nhiều phương pháp dễ sử dụng và phổ biến. Tôi xin bắt đầu trả lời bằng câu chuyện của một trong những cụ kỵ nhà tôi ở Tây Ban Nha, người mang thai 21 lần và sinh được 19 người con. Bà sinh con đầu khi 21 tuổi và sinh con út khi đã 42. Đất nước phát triển và phụ nữ có điều kiện tốt hơn để học hành, gia đình trở nên nhỏ dần cho đến mức một phụ nữ chỉ có một hoặc hai con.

Ảnh: Pexels

Thực tế ở các nơi khác trên thế giới như châu Phi, Trung Đông và Nam Á, hàng triệu phụ nữ hiện nay vẫn có năm, mười, hoặc thậm chí nhiều con hơn trong đời. Tuy nhiên, theo thời gian, số trẻ sơ sinh trung bình trên mỗi phụ nữ ở các nước đang phát triển đang giảm dần, cũng như ở các nước phát triển con số này suy giảm mạnh kể từ hai thế hệ trước. Phụ nữ bây giờ có cơ hội tận hưởng nhiều thứ bên ngoài gia đình. Để nắm bắt cơ hội, họ chú trọng việc học hành và nhiều trường hợp muốn tiếp tục học lên cao hơn. Điều này có nghĩa họ sẽ có con chậm hơn. Sự thay đổi vai trò của người phụ nữ trong nền kinh tế nói riêng và trong xã hội nói chung chính là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến hiện tượng giảm sinh trên toàn thế giới. Phụ nữ đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến những gì xảy ra trên toàn cầu.

Hãy xem phụ nữ Mỹ thay đổi thứ tự ưu tiên trong đời mình nhanh chóng như thế nào. Và những năm 1950, phụ nữ Mỹ kết hôn trung bình ở tuổi 20; ở nam giới là 22 tuổi. Ngày nay con số đó là 27 cho nữ và 29 cho nam. Độ tuổi sinh con lần đầu trung bình cũng tăng thành 28 tuổi. Có sự thay đổi này phần lớn là do thời gian dành cho học hành dài hơn. Hiện nay, rất nhiều phụ nữ tốt nghiệp trung học, và không ít người tiếp tục lên đại học. Những năm 1950, có khoảng 7% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 29 có bằng đại học, chỉ bằng một nửa so với đàn ông. Ngày nay, tỷ lệ phụ nữ có bằng đại học đạt gần 40%, trong khi nam giới chỉ đạt 32%.

TÌNH TRẠNG SUY GIẢM HAM MUỐN TÌNH DỤC

Chiều hướng tiến hóa dân số có vẻ đã thay đổi. Trong nhiều thiên niên kỷ, sự tăng trưởng dân số chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố quyết định như lương thực, chiến tranh, bệnh tật, và thiên tai. Các nhà triết học, thần học, và khoa học đã vất vả hàng thế kỷ để trả lời câu hỏi Trái đất có thể nuôi sống bao nhiêu con người. Năm 1798, nhà kinh tế học, nhân khẩu học người Anh – Đức Cha Thomas Robert Malthus, đã cảnh báo về hiện tượng mà sau này được biết đến là “bẫy Malthus” – tức xu hướng sinh sản tràn lan làm cạn kiệt nguồn sinh sống của con người. Vào thời của Malthus, dân số thế giới chưa đến 1 tỷ người (so với 7,5 tỷ người ngày nay). Ông cho rằng con người là kẻ thù xấu xa nhất của chính mình vì sinh hoạt tình dục bừa bãi. Theo ông, dân số tăng vọt sẽ dẫn đến nạn đói và bệnh tật vì nguồn cung cấp lương thực không thể theo kịp. Malthus và nhiều người cùng thời đã lo ngại đến nguy cơ tuyệt chủng của loài người do sinh sản tràn lan. Ông viết: “Với vấn nạn gia tăng dân số vượt hơn khả năng trái đất có thể nuôi sống, nhân loại sẽ phải chịu tình trạng chết yểu theo cách này hay cách khác”.

Ảnh: Pexels

Với lợi thế của hậu bối, ngày nay chúng ta có thể nói rằng Malthus đã đánh giá thấp vai trò phi thường của các phát minh cải tiến nhằm gia tăng sản lượng nông nghiệp. Ông cũng không thấy hết tiềm năng mở rộng nguồn cung lương thực thông qua thương mại quốc tế nhờ vận chuyển đường biển vừa nhanh vừa rẻ. Tuy nhiên, ông đã đúng khi nhấn mạnh dân số và thực phẩm là hai mặt của một vấn đề.

Không chỉ đánh giá thấp vai trò to lớn của tiến bộ khoa học trong sản xuất và phân phối lương thực, Malthus còn hoàn toàn bỏ qua thực tế công nghệ hiện đại có thể làm suy giảm ham muốn tình dục của con người. Lý do rất đơn giản: Càng có nhiều hình thức giải trí thì người ta càng giảm sinh hoạt tình dục. Xã hội hiện đại cho chúng ta mọi loại hình giải trí, từ phát thanh, truyền hình cho đến trò chơi điện tử hay phương tiện truyền thông. Ở một số nước phát triển, kể cả Mỹ, tỷ lệ sinh hoạt tình dục đã suy giảm trong vài thập niên qua. Một nghiên cứu toàn diện được đăng trên tạp chí Archives of Sexual Behavior cho thấy “người Mỹ trưởng thành quan hệ tình dục ít hơn khoảng chín lần trong đầu thập niên 2010 so với cuối thập niên 1990”, sự suy giảm này chủ yếu xảy ra ở những cặp vợ chồng hoặc cặp đôi sống chung đã lâu. Nếu dựa trên độ tuổi, thì “những người sinh trong thập niên 1930 (Thế hệ Im lặng) sinh hoạt tình dục thường xuyên nhất, trong khi những người sinh trong thập niên 1990 (Thế hệ Millennials và iGen) lại quan hệ tình dục ít nhất”. Nghiên cứu đưa ra kết luận: “Người Mỹ giảm sinh hoạt tình dục vì… số lượng cá nhân độc thân hoặc không có bạn tình ngày càng tăng, đi đôi với sự suy giảm tần suất sinh hoạt tình dục ở các cặp đôi phối ngẫu lâu dài”.

Một ví dụ thú vị chứng minh tác động của giải trí đến ham muốn tình dục của chúng ta, liên quan đến một vụ mất điện. Năm 2008, trên đảo Zanzibar, ngoài khơi bờ biển Đông Phi, xảy ra một vụ mất điện cực kỳ khó chịu, kéo dài hết cả tháng. Vụ việc chỉ ảnh hưởng đến khu vực có điện lưới trên đảo; những nhà còn lại vẫn tiếp tục sử dụng máy phát điện. Đây là cơ hội hiếm có cho các nhà nghiên cứu có thể tiến hành “thử nghiệm” về hoạt động sinh sản của người dân, thông qua “nhóm thử nghiệm” bao gồm các gia đình không có điện và “nhóm đối chứng” bao gồm những hộ sử dụng máy phát điện trong tháng mất điện đó. Chín tháng sau, tỷ lệ sinh sản của nhóm thử nghiệm tăng khoảng 20%, trong khi tỷ lệ của nhóm đối chứng vẫn không đổi.

ĐỒNG TIỀN XOAY VÒNG THẾ GIỚI

Tiền dĩ nhiên cũng đóng vai trò lớn trong quyết định sinh con của chúng ta. Năm 2018, tờ New York Times tiến hành một cuộc khảo sát để tìm hiểu lý do tại sao người Mỹ ngày càng có ít con hoặc thậm chí không có con. Bốn trong năm lý do hàng đầu có liên quan đến tiền bạc. “Tiền lương không tăng kịp với chi phí sinh hoạt, cộng với khoản vay sinh viên nên khó mà ổn định tài chính – cho dù có bằng đại học, có việc làm và hai nguồn thu nhập”, chia sẻ của anh David Carlson, 29 tuổi, có vợ cũng đi làm. Thanh niên từ các gia đình có thu nhập thấp cũng ngại có con vì họ buộc phải lựa chọn giữa xây dựng gia đình hay để dành tiền cho những điều có giá trị khác.

Như trường hợp của Brittany Butler, người gốc Baton Rouge, Louisiana, cô là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học. Ở tuổi 22, cô ưu tiên lấy bằng thạc sĩ về công tác xã hội trước rồi trả các khoản vay sinh viên, và ổn định cuộc sống ở một nơi an toàn. Còn chuyện con cái tính sau.

Trở lại những năm 1960, nhà kinh tế học Trường Đại học Chicago Gary Becker đã đưa ra luận điểm quan trọng về cơ sở quyết định sinh con của các bậc cha mẹ: Họ cân nhắc đánh đổi giữa chất lượng và số lượng con họ mong muốn. Thông thường, khi thu nhập tăng, họ có thể mua thêm một hoặc hai chiếc xe nhưng sẽ không mua hàng chục cái cho dù có nhiều tiền đến đâu. Họ cũng không mua hàng chục cái tủ lạnh hay máy giặt. Becker lý luận rằng khi thu nhập tăng cao người ta sẽ chú trọng về chất lượng thay vì số lượng; nghĩa là, họ sẽ thay những chiếc xe cũ tàn tạ bằng một chiếc sedan hoặc SUV mới hơn, lớn hơn, và sang trọng hơn. Đối với con cái, điều này có nghĩa là họ dành nhiều sự quan tâm và tiền bạc hơn cho một số ít con hơn. Ông viết: “Cân nhắc giữa số lượng và chất lượng con cái là lý do quan trọng nhất khiến các bậc phụ huynh quyết định tập trung nhiều hơn cho con khi thu nhập gia tăng”, nghĩa là khi có thêm thu nhập, họ muốn đầu tư nhiều hơn cho từng đứa để chúng có nhiều cơ hội tốt hơn trong cuộc sống.

Ảnh: Pexels

Luận điểm về hành vi con người của Becker đã mang lại cho ông giải Nobel Kinh tế Khoa học năm 1992. Đối với một vấn đề phức tạp như tỷ lệ sinh sản, ý tưởng của ông đã bỏ sót vai trò của sở thích cũng như các tiêu chuẩn văn hóa và giá trị, tuy nhiên ông đã khởi xướng một xu hướng xã hội quan trọng. Ngày nay, nhiều phụ huynh chú trọng đầu tư thêm thời gian và tiền bạc cho ít con hơn để chúng có được những cơ hội thành công nhất có thể, từ tiền đóng học phí đại học cho đến tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Như nhà xã hội học Trường Đại học Maryland Philip Cohen giải thích: “Chúng ta muốn đầu tư cho con nhiều hơn để chúng có những cơ hội tốt nhất khi cạnh tranh trong một môi trường ngày càng bất bình đẳng”. Theo nghĩa đó, con cái được xem như là dự án đầu tư, với giá trị hiện tại ròng (NPV) và tỷ suất hoàn vốn (ROI).

Để biết các cặp vợ chồng dựa vào đâu mà quyết định sẽ có bao nhiêu con, chúng ta hãy xem số tiền họ cần chi tiêu cho mỗi đứa. Năm 2015, chính phủ liên bang tính được để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến năm 17 tuổi, một gia đình trung bình ở Mỹ sẽ phải chi một số tiền đáng kinh ngạc là 233.610 USD, chưa kể nếu bao gồm cả học phí đại học thì số tiền đó sẽ gấp đôi. Trong máy tính xách tay, tôi có một bảng liệt kê mọi thu nhập và chi phí gia đình mỗi năm. Quả là sửng sốt khi biết một gia đình trung bình ở Mỹ có thể sẽ phải chi hơn nửa triệu đô la cho mỗi đứa con, nhất là khi chúng tốt nghiệp từ trường đại học đắt tiền. Tôi làm một bảng tính khác với các hạng mục tương tự nhưng trừ ra mọi chi phí liên quan đến con cái. Kết quả là nếu không đầu tư cho con cái ăn học, chúng ta có thể mua một chiếc xe hơi sang trọng hay một nhà nghỉ bên bờ biển.

– Còn tiếp –

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura và bí mật từ chuyến Tây du lịch sử khiến nước Nhật phát triển thần kỳ

Published

on

Sứ đoàn Iwakura

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem văn minh khai sáng “về trồng” trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây. 

Chuyến hải hành khám phá Hoa Kỳ và các nước châu Âu của sứ đoàn Iwakura kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 - 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. 

Quyển sách Sứ đoàn Iwakura, tác giả Ian Nish biên soạn.

Ban đầu, họ lên kế hoạch đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhà sử học Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép về quá trình khai sáng, ông ý thức được rằng: “Nếu ý chí của con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực vươn ra khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và sự giàu có, những điều này chỉ là thứ hai”.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Đối với phó sứ Kido không gì tạo ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông viết: “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học, trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước trong nghìn năm tới... Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục”.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các trường đại học và các tổ chức học thuật khác. 

Hình ảnh đoàn cấp cao do nhà quý tộc Iwakura Tomomi dẫn đầu đến thăm Hoa Kỳ và các nước phương Tây vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura. Nguồn ảnh Kameda Kinuko.

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây, như thực tế là con đường nhanh nhất. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho hiệp ước cũ bất bình đẳng. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản bước vào “câu lạc bộ” các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Nhật Bản đã sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có mô hình phát triển nào trước đó làm tiền đề, quả thật là điều thần kỳ. 

Một trong những nhật báo, Kokunim Shimbun, hãnh diện đăng đàn rằng: “Như hệ quả của cuộc chiến (Trung - Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện của ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, ở năng lực có một không hai là hấp thụ, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, là bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc”.

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Năm 1878, biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Beio Kairan Jikki, gọi tắt là Kairan Jikki, được in lại nhiều lần từ năm 1977, có giá trị như bộ sử của chính phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ XIX dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Đây là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.

Trích đoạn

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ việc tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản "mở cửa đất nước" không chỉ là một hành động mang tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh", Ito Hirobumi - Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

***

"Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất là muốn giới thiệu với phương Tây về những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản và thương thảo lại các hiệp ước bất bình đẳng. Thứ hai là quan sát và đánh giá sự phát triển của phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mai, giáo dục và cách tổ chức quốc gia. Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc đến chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng chiến lược này", trích đoạn từ sách Sứ đoàn Iwakura, Ian Nish.

Về tác giả

Ian Nish (1926 – 2022) là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London.

Đọc bài viết

Cafe sáng