Trà chiều

Gặp gỡ BGK cuộc thi “Con thương áo Blouse”: Cùng nhìn lại hành trình đáng nhớ

Bookish.vn có cuộc trò chuyện thân tình, gần gũi cùng các giám khảo của cuộc thi “Con thương chiếc áo Blouse”. Tất cả ngồi lại ngẫm nghĩ về hành trình đã qua, chia sẻ những điều đáng nhớ nhất về cuộc thi, các thí sinh nhí cũng như về đất nước thời đại dịch.

Published

on


Vợ chồng tác giả Phạm Công Luận – Đặng Nguyễn Đông Vy

Vì sao anh/ chị quyết định trở thành giám khảo chấm giải cuộc thi này?

Chúng tôi cộng tác với CHIR và cả Phương Nam nên khi Ban tổ chức ngỏ ý thì chúng tôi nhận lời ngay. Chúng tôi thấy cuộc thi là ý hay để thể hiện sự cảm thông và biết ơn đối với các nhân viên y tế đồng thời cũng là một hoạt động khuyến khích trẻ em tham gia những hoạt động lành mạnh trong thời gian giãn cách: đọc sách – viết – vẽ. Tôi luôn mong các bạn nhỏ mạnh dạn bày tỏ cảm xúc thực và suy nghĩ riêng của mình.

Sau hai tháng tổ chức, cuộc thi đã nhận được số lượng bài dự thi phong phú về độ dài bài viết, hình thức trình bày… Anh/ chị có thể nhận xét chung về chất lượng bài dự thi?

Cuộc thi diễn ra ngay trong thời điểm dịch lan rộng và diễn biến phức tạp ở Sài Gòn và thực sự thì trong thời gian vừa qua các anh chị nhân viên y tế đối mặt với nhiều vấn đề khẩn thiết, thậm chí không đủ thời gian liên lạc với gia đình con cái. Vì vậy số lượng bài dự thi nhận được cũng đã vượt mong đợi của chúng tôi. Không dễ có một nhận xét chung về chất lượng bài dự thi, vì vừa viết vừa vẽ, lại có sự chênh lệch tuổi. Có nhiều tranh vẽ rất tốt nhưng ngoài độ tuổi quy định. Hoặc bài viết của một bạn 7 tuổi và 15 tuổi rõ ràng có những sắc thái khác nhau. Các bạn nhỏ bộc lộ cảm xúc nhiều hơn còn các bạn lớn suy tư nhiều hơn, đồng thời khuôn mẫu hơn.

Một số tiêu chí chấm giải mà anh/ chị đặt ra cho hình thức viết thư và vẽ tranh?

Trong khi chấm điểm, các giám khảo cố gắng cân bằng giữa các tiêu chí mang tính kỹ năng hoặc năng khiếu với khả năng diễn đạt cảm xúc tương ứng ở từng lứa tuổi. Nhưng dù sao các giám khảo cũng chỉ đánh giá bài thi với cái nhìn từ bên ngoài. Vì vậy, tôi nghĩ kết quả tốt đẹp nhất của cuộc thi là chính người thân của các bé cảm nhận được tình cảm của con, cháu mình.

Những bài thi đã khắc họa lại những góc nhìn, câu chuyện vô cùng đa dạng của các cô cậu bé “con em nhà bác sĩ” trên cả nước: vui có, buồn có, cảm động có. Anh/ chị có ấn tượng đặc biệt với bài thi nào không?

Các giải thưởng là kết quả chấm thi của nhiều giám khảo và cuộc thi nào cũng có những tiêu chí cơ bản. Nhưng trong thực tế, bài viết khiến tôi cảm động có thể là bài không đoạt giải. Đó có thể là một hình vẽ nguệch ngoạc, hoặc vài chữ viết tay của bé. Nó không khớp với các tiêu chí chấm thi nhưng làm tôi cảm động. Sự kết nối này mang tính riêng tư. Kiểu như, bài văn tả mẹ vụng về của con tôi không đạt điểm cao ở trường, nhưng đó là vẫn món quà quý giá nhất đối với tôi. Vì thế, tôi mừng là Ban tổ chức đã rất hào phóng khi tặng quà cho tất cả các bài dự thi. Đó cũng là lý do chúng tôi quyết định tặng thêm cuốn sách cây nhà lá vườn “Chú bé Thất Sơn” cho tất cả các bài dự thi.

Là một người sống tại Sài Gòn và viết rất nhiều cuốn sách về Sài Gòn, anh/ chị có dự đoán gì về nhịp sống Sài Gòn hoặc những đổi thay đến với thành phố sau dịch bệnh?

Tôi nghĩ, Sài Gòn sẽ vượt qua dịch bệnh, như đã vượt qua nhiều biến cố khác trước đây, bởi vì mỗi người chúng ta đều đang cố gắng theo cách của mình. Chúng ta cũng mở rộng khả năng hợp tác và kết nối với nhau kể cả trong thời gian giãn cách.

*


Gặp gỡ bác sĩ Lan Viên – trưởng dự án Áo Blouse Màu

Các bức tranh, lời nhắn của các bé đã và đang tiếp thêm nhiều động lực cho các nhân viên y tế ở tiền tuyến. Những đồng nghiệp xung quanh chị phản ứng như thế nào với cuộc thi? Có câu chuyện/ lời nhận xét nào khiến chị nhớ nhất không?

Sau khi bài của các con được đăng trên bookisk.vn, mình có hỏi thăm và phỏng vấn một số đồng nghiệp là người thân của các con, mọi người đều cho rằng cảm thấy vô cùng xúc động và thương, cũng có người nhận ra nhiều điều về cảm xúc, về mong ước đơn giản của con mà trước giờ mãi lo toan và chưa nhận ra, và đây cũng là dịp để các con được bày tỏ suy nghĩ của mình về nghề y, nghề của ba mẹ mình. Cuộc thi là cầu nối  nhân văn để các gia đình y tế xích lại gần nhau, để hiểu, để thương và để động viên nhau vượt qua gian khó.

Một câu chuyện vui vui hoặc cảm động xoay quanh những nhân viên y tế trong quá trình tổ chức Con thương chiếc áo Blouse? (Ví dụ: mẹ bận quá không biết con có viết bài…)

Có kha khá các câu chuyện vui và xúc động xung quanh cuộc thi, nhưng điều mình ấn tượng nhất là khi đọc bức thư gửi cho ba của một bạn nhỏ, mình cảm thấy cảm nhận của con thật sâu sắc khi con không chỉ quan tâm đến người thân của mình mà còn quan tâm đến những gì đang diễn ra quanh con một cách tinh tế và sâu sắc, khi phỏng vấn cô bé viết thư cho ba của mình, hỏi vì sao con lại có thể viết bức thư cảm động như thế, cô bé đã trả lời “vì con viết thư bằng trái tim của con” và cô bé ấy còn ước mong mai mốt sẽ được làm bác sĩ giống ba của mình nữa. Hay hình ảnh người bố với hai hàng nước mắt chảy dài khi đọc đến đoạn “Gia đình em đã lâu lắm rồi chưa ăn cơm cùng nhau” vì chợt nhớ, chợt thương, chợt giật mình vì lâu nay không để ý đến cảm xúc của con

Thông qua cuộc thi này, chị kì vọng sẽ lan tỏa những giá trị tích cực nào trong cộng đồng y tế nói riêng và xã hội chung nói chung?

Thông qua cuộc thi, cả CHIR và đồng tổ chức – Nhà sách Phương Nam đều mong muốn san sẻ gánh nặng nơi tiền tuyến, “bạn chăm sóc người dân, chúng tôi chăm sóc bạn và gia đình bạn” là thông điệp chương trình Áo Blouse Màu của CHIR luôn hướng tới. Thông qua việc các con bày tỏ suy nghĩ của các con về nghề y, những tình yêu thương của mình dành cho người thân, chương trình tin rằng nó là một món quà, một sự động viên vô giá dành cho tuyến đầu. Hơn nữa, thông qua chương trình, chúng tôi không chỉ mong muốn giúp các con có “Hè vui – Hè ý nghĩa – Hè an toàn”, hơn hết, chúng tôi mong muốn nuôi nấng tình yêu đọc sách trong các con để các con có thể làm giàu kiến thức, vốn sống của mình và nuôi nấng ước mơ của các con thông qua các trang sách.

*


Trò chuyện cùng chị Tú Khuyên – Trưởng bộ phận Thiết kế – Mỹ thuật Phương Nam Book

Qua những nét vẽ ngây ngô nhưng chân thành của các thí sinh, chị có cảm nhận thế nào về suy nghĩ và tình cảm của các bạn nhỏ? Cũng như điều đọng lại trong chị sau khi cuộc thi khép lại là gì?

Thế giới của trẻ con luôn sinh động, phong phú, đầy sắc màu và vẽ tranh là thứ ngôn ngữ không lời có thể giúp con trẻ cất lên tiếng nói, suy nghĩ và tình cảm của mình. Nếu để ý các chi tiết nhỏ trong tranh, chúng ta sẽ thấy được cách tư duy rất khác nhau ở mỗi bạn và điều này khiến tôi trân trọng. Các bạn nhỏ đã hiểu được vai trò của mình cũng như cảm thông cho nhiệm vụ của ba mẹ, người thân,… chung sức cùng đất nước. Tôi thấy vui và hạnh phúc khi được đồng hành cùng cuộc thi này.

Từng làm giám khảo nhiều cuộc thi vẽ – sáng tạo, chị thấy Con thương chiếc áo Blouse có điểm gì khác/ nổi bật so với những cuộc thi còn lại?

“Con thương chiếc áo Blouse” là một cuộc thi khá đặc biệt đối với tôi. Đặc biệt không chỉ ở đối tượng cuộc thi dành riêng cho các bạn nhỏ có người thân đang làm việc trong ngành Y tế, mà còn là cuộc thi diễn ra ở thời điểm đất nước bước vào giai đoạn chống dịch Covid-19 vô cùng thử thách. Qua những bức tranh, các bạn không chỉ gửi gắm tâm tình của mình đến những người thân yêu mà còn là lời động viên, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho các cô chú, anh chị là đồng nghiệp của họ. Đây chắc chắn là liều thuốc tinh thần vô giá giúp họ giảm đi phần nào áp lực.

Chị có đặc biệt ấn tượng với bài thi vẽ nào nhất không? Vì sao?

Tôi khá ấn tượng với bài dự thi của Nguyễn Hồng Hoài Diệp, bức tranh ngập tràn sắc xanh hy vọng cùng ngôi sao vàng Việt Nam, chứa đựng thông điệp rất rõ ràng và ý nghĩa. Hoài Diệp biết cách thể hiện suy nghĩ của mình khi vẽ ra những hành động có thể chung tay góp sức phòng chống dịch Covid-19, với bố cục chắc chắn và màu sắc hài hòa.

Một bài dự thi khác tôi cũng ấn tượng không kém là tranh vẽ của Vũ Thị Ngọc Anh, bạn vẽ rất đẹp và có chiều sâu, thật tiếc khi bạn không có được giải thưởng cao vì nằm ngoài độ tuổi của Nhóm A (nhóm thi vẽ).

*


Chị Hoàng Phương – Giám đốc Marketing Nhà Sách Phương Nam

Vì sao Nhà Sách Phương Nam tham gia tổ chức cuộc thì này? Và vì sao lại chỉ dành cho đối tượng là con em của nhân viên y tế mà không mở rộng áp dụng cho tất cả các trẻ em?

Trong suốt gần 40 năm hoạt động, Nhà Sách Phương Nam đã thực hiện nhiều chương dành cho cộng đồng như tặng sách cho thư viện trường, tặng sách cho các chiến sĩ hải đảo xa xôi, các quân khu, lữ đoàn, tặng sách và đồ dùng học tập cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung.

Khi những làn sóng Covid-19 liên tiếp đổ ập vào Việt Nam, các nhân viên y tế là lực lượng tiên phong chống dịch, họ đã để lại gia đình, người thân để xông pha nơi tuyến đầu. Tôi còn nhớ có bài dự thi, trong đó bé có cả ba mẹ đều làm ngành y, bé viết “đã mấy tuần ba đi trực liên tục ở cơ quan không về, mẹ cũng đi làm”, bài khác thì “Gia đình em đã lâu lắm rồi chưa ăn cơm cùng nhau”.

Qua chương trình, chúng tôi muốn bày tỏ sự biết ơn đến đội ngũ nhân viên y tế vì những cống hiến của họ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cũng là một lời nhắn nhủ đến các nhân viên y tế là xã hội quan tâm đến họ.

Điều gì làm chị ấn tượng nhất từ cuộc thi?

Phải nói là học được thì đúng hơn. Qua cuộc thi, tôi thấy các bé từ 5, 6 tuổi cũng đã phần nào hiểu về đại dịch, về công việc của ba mẹ, người thân mình khi là nhân viên y tế trong đại dịch. Tôi nghĩ trẻ con dù nhỏ như thế nào đi nữa đều nhạy cảm với những chuyện đang diễn ra xung quanh chúng, và chúng có những cảm xúc, những suy nghĩ rất riêng mà nhiều khi người lớn chúng ta sẽ bất ngờ khi biết được. Sự nhạy cảm của các bé, tôi không biết là tốt hay không tốt, nhưng cũng là một cái gì đó giúp cảnh tỉnh người lớn chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến cảm giác, suy nghĩ của con trẻ.

Và Nhà Sách Phương Nam sẽ tiếp tục có những hoạt động ý nghĩa cho con em NVYT trong thời gian sắp tới?

Chắc chắn rồi. Mà không chỉ dành riêng cho con em nhân viên y tế, chúng tôi sẽ triển khai có nhiều hoạt động dành cho các đối tượng trẻ em nói chung, vừa tạo ra sân chơi bổ ích dành cho các em, vừa để lan tỏa niềm vui đọc sách. Qua các chương trình chúng tôi đã đang và sẽ tổ chức, chúng tôi hi vọng có ngày càng nhiều em biết đến sách, tìm đọc sách và coi sách như một phần không thể thiếu của mình.

*

Cảm ơn ban giám khảo đã dành thời gian trò chuyện cùng Bookish.vn. Cuộc thi “Con thương chiếc áo Blouse” được hy vọng sẽ tạo nên làn sóng lan tỏa yêu thương từ hậu phương gửi đến tiền tuyến, nhắc chúng ta nhớ về những giá trị tốt đẹp của tình thân, tình đồng bào ngay trong thời điểm khó khăn.

Hết.

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng