Trà chiều

Goodnight Mommy: Tiếng hát ru từ bóng tối điêu linh

Published

on

Dù không phải là người xem nhiều phim kinh dị, Ich seh, Ich seh (Goodnight Mommy) vẫn là phim khá dễ đoán và không có nhiều sáng tạo với tôi. Tôi nghĩ rằng có lẽ những ai đã từng xem qua A tale of two sister (2003) của đạo diễn Kim Jee Won đều sẽ cảm thấy Ich seh, Ich seh không mới. Twist lớn nhất của phim là việc Lukas đã chết được tiết lộ rất rõ ràng qua những hình ảnh ngay từ đầu phim.

Cái chết được thông báo một cách tinh tế

Ich seh, Ich seh mở đầu bằng tiếng hát ru của một dàn hợp ca trong nền màn hình vẫn còn tối. Khung hình dần sáng và chúng ta thấy được những em bé đang đứng hát, chúng ta biết đây là những hình ảnh trong một chương trình truyền hình. Màn hình dần chuyển sang tối và lại chuyển sáng với khung cảnh đồng lúa ngô quay từ trên cao, hai anh em sinh đôi chạy rượt đuổi, len lỏi qua những bụi cây. Phim dành khá nhiều thời gian cho cảnh hai anh em nhún nhảy trên một mảnh đất nứt nẻ, có độ xốp và độ đàn hồi cao. Sau đó, hai cậu chạy đến một cửa hầm, một cậu vào hầm trong lúc một cậu đứng ngắm nhìn bụi cây. Tại đây, bộ phim xuất hiện câu thoại đầu tiên khi cậu bé đứng ngắm bụi cây không thấy người anh em còn lại của mình đâu, cậu chạy đến trước cửa hầm gọi lớn: “Lukas, Lukas, Lukas…” Chúng ta biết cậu bé đã đi qua cửa hầm là Lukas. Sau khi gọi tên Lukas rất nhiều lần nhưng không nhận lại được bất kì sự hồi âm nào, cậu bé còn lại đứng tần ngần trước cửa hầm rất lâu. Đây là một cảnh trung với hình ảnh cậu bé nhỏ nhoi, đơn độc trước cửa hầm đen tối choán cả khung hình. Cảnh này diễn ra có lẽ chừng 7, 8 giây – một thời gian dừng lại đủ lâu để ta nhận thấy ắt hẳn phải có dụng ý. Và rồi cậu bé còn lại đi qua cửa hầm, màn hình tối đen hoàn toàn, chúng ta có thể nghe được tiếng gì đó tựa như tiếng tàu chạy trên đường ray rất nhỏ.

Màn hình lại chuyển sáng và chúng ta thấy khung cảnh một cậu bé sinh đôi nằm trên tấm ván đen đang lướt chầm chậm giữa hồ. Đó là một cảnh toàn. Mặt hồ rất trong và tấm ván rất đen đến nỗi ta không thể thấy được lằn ngăn cách giữa cậu bé đang nằm trên tấm ván và bóng hình cậu bé phản chiếu dưới nước. Ta cảm thấy như hình và bóng của cậu bé dính liền với nhau mà không có sự phân chia giữa tấm ván và mặt nước. Qua thị giác, ta cảm thấy như thể đang có hai cậu bé; nhưng thực chất, bằng lí trí ta biết là chỉ có một cậu bé. Đến đây, tôi đã hiểu là có một cậu bé chết rồi, có thể đó là Lukas và cậu chết ngay thời điểm đi qua cửa hầm hoặc trong giây phút nào đó khi cậu bé còn lại đứng tần ngần trước cửa. Cửa hầm mà từ bên ngoài chúng ta không nhìn thấy bất cứ thứ gì như tượng trưng cho cánh cửa dẫn đến địa ngục, là cầu nối giữa sự sống và cái chết. Hình ảnh cậu bé nằm trên mặt hồ khiến hiện thực như có gì đó sai lệch giữa hình và bóng, giữa thực tế và ảo ảnh đã đưa ra gợi ý khá rõ ràng cho người xem: cậu bé còn lại giờ đây đã đơn độc nhưng vẫn tìm được sự kết nối với người đã chết, hai cậu không thể tách rời nhau như hình với bóng. Lúc này, tôi nghĩ thầm trong đầu với sự thán phục rằng phim thật tinh tế, chỉ bằng những hình ảnh đơn giản như thế đã đủ khiến người xem hiểu được có một trong hai cậu bé chết rồi. Ich seh, Ich seh mở đầu thật hứa hẹn và tôi đã chờ đợi bộ phim làm được nhiều hơn thế.

Với những ai chưa đoán ra thông tin Lukas đã chết, bộ phim cũng cung cấp rất nhiều gợi ý cho người xem trước khi việc này được tiết lộ rành mạch qua lời người mẹ ở cuối phim. Gần nửa đầu phim, chúng ta chỉ toàn nghe cậu bé còn lại gọi tên Lukas. Cái tên Lukas được gọi lên liên hồi rất nhiều lần, chúng ta biết được tên Lukas từ rất sớm trong khi chúng ta không biết tên cậu bé còn lại, mãi đến gần giữa phim, chúng ta mới biết cậu bé còn lại tên là Elias. Đây là một dụng ý rõ ràng. Thông thường, những gì được gọi đến nhiều hơn là những gì đã mất đi và chúng ta gọi nó với sự hối tiếc. Con người là thế, luôn trân trọng những gì đã mất và mấy ai nhận ra cái chưa mất đi cũng đáng trân trọng không kém. Chi tiết này phần nào đó tương tự như thế. Ngoài ra, còn một chi tiết nữa dễ nhận ra hơn là Lukas không bao giờ trực tiếp nói điều cậu muốn nói với bất kì ai ngoại trừ Elias. Khi chỉ có cậu và Elias, cậu sẽ trò chuyện bình thường. Nhưng khi có người ngoài xen giữa cậu và Elias, cậu sẽ chỉ trao đổi với Elias; khi muốn nói bất kì điều gì với người ngoài, cậu sẽ nói nhỏ qua tai Elias, sau đó Elias nói lớn lại cho người kia biết. Trong phim, ngoài những cảnh trò chuyện với người mẹ mà một số người xem có thể bị đánh lừa việc bà lờ Lukas đi là do đang giận cậu thì chúng ta còn có những cảnh sau để thấy rõ điều này: cảnh hai anh em chạy đến nhà thờ và nói chuyện với người thanh niên đang quét dọn ở đây, cảnh hai anh em đối phó với người của hội chữ thập đỏ.

Tôi đã đọc qua một số ý kiến bình luận của khán giả xem phim tại IMDB, trang web của Roger Ebert, trang Rotten Tomatoes và nhận ra là có rất nhiều người cũng đoán biết trước việc Lukas đã chết qua những phút đầu tiên của phim hoặc qua một số chi tiết cứ lặp đi lặp lại suốt phim. Vì vậy, họ không cảm thấy bất ngờ khi người mẹ tiết lộ việc này ở hồi ba của phim. Có một số khán giả thậm chí còn bình luận rằng việc Lukas đã chết thậm chí không thể xem là twist của phim. Nếu dụng ý của Franz và Fiala là để chi tiết này làm twist thì tôi cho rằng đây là thất bại vì rất nhiều người đã đoán ra việc này từ sớm; tôi đã chờ đợi cú twist phải là một điều khác, hoặc ngược lại với những gì tôi đã dự đoán. Cũng có khả năng, Franz và Fiala không muốn tạo kịch tích qua tình tiết này mà chỉ muốn người xem tập trung vào câu chuyện nên họ không quan trọng liệu người xem có đoán được quá sớm hay không.

Mầm mống bạo lực của Elias đến từ đâu?

Ich seh, Ich seh có cấu trúc đảo chiều khá thú vị: nửa đầu phim được kể với góc nhìn của hai đứa trẻ mang không khí kinh dị, nửa cuối phim được kể với góc nhìn của người mẹ mang không khí hiện thực. Nửa đầu phim có thể sẽ khiến khán giả đồng cảm, thương hai anh em sinh đôi và căm giận người mẹ, nửa cuối phim có thể sẽ khiến khán giả có cảm xúc ngược lại. Tôi nghĩ có lẽ Franz và Fiala sẽ mong muốn khán giả đồng cảm với cả hai bên sau khi bộ phim kết thúc. Tuy nhiên, tôi không thể nào đồng cảm với hai cậu bé sinh đôi. Với tôi, phim đã xây dựng thất bại mặt tâm lí của hai đứa trẻ và chỉ thành công với người mẹ. Khi phim kết thúc, có lẽ rất nhiều người sẽ nhận ra thông điệp cảnh tỉnh về tình trạng thờ ơ, thiếu sự quan tâm, thấu hiểu giữa bố mẹ và con cái được thể hiện khá rõ ràng. Tuy nhiên, thông điệp của Ich seh, Ich seh sẽ có sức mạnh hơn nếu như phim khiến người xem đồng cảm với hai anh em sinh đôi hơn, đặc biệt là với Elias. Dưới đây, tôi sẽ phân tích một số điểm yếu hoặc bất hợp lí trong cách xây dựng tâm lí của hai đứa trẻ.

Khi phim kết thúc, người xem có thể hiểu rằng do cú sốc tinh thần về cái chết của Lukas đã khiến Elias bị mắc bệnh tâm thần, cậu không kiểm soát được những ảo ảnh và hành vi bản thân; vì vậy, hành động tra tấn và giết mẹ ở cuối phim của cậu là hoàn toàn có thể cảm thông. Nhưng tôi vẫn cảm thấy cậu không đáng để cảm thông bằng người mẹ. Ngay từ đầu, phim đã cho người xem thấy tâm lí không bình thường của hai đứa trẻ qua sở thích kì lạ: sưu tầm những con rệp và bỏ vào trong chiếc hộp chứa đất, giả định rằng đó là môi trường sống của con rệp. Hai cậu bé đặt chiếc hộp này ngay trong phòng ngủ. Tôi không kì thị những người yêu côn trùng nhưng xét trên bình diện chung, những đứa trẻ thường sẽ không có sở thích này. Rõ ràng, qua việc chọn cho hai đứa bé sở thích hơi khác biệt với số đông, Franz và Fiala đã ngầm gieo vào tiềm thức khán giả rằng hai cậu bé này có sự lập dị. Tôi sẽ không đánh đồng sở thích với tính lập dị chỉ với chi tiết này, nhưng Franz và Fiala không dừng ở đây. Hình ảnh con rệp lặp đi lặp lại xuyên suốt phim; trong đó, có hai hành động trong giấc mơ của Elias đáng chú ý là: việc cậu để con rệp bò lên người mẹ cậu rồi chui tọt vào miệng bà, việc cậu rạch bụng mẹ và rất nhiều con rệp bò ra từ bụng bà. Tuy rằng, hai hành động này chỉ diễn ra trong giấc mơ và lại vào thời điểm mẹ cậu còn băng kín khuôn mặt, cậu nghi ngờ đó không phải là mẹ nhưng chúng ta có thể thấy nó ẩn chứa sự gian ác, mầm mống của bạo lực ngay trong tiềm thức cậu. Hai hành động ấy rất khác với cách hành xử bình thường của trẻ con khi nghĩ rằng một người lạ nào đó đang giả dạng mẹ chúng. Nếu một đứa trẻ không có mầm mống bạo lực, cách xử sự của chúng có thể khác nhau tùy theo tính cách nhưng việc làm tổn thương đến người khác không phải là việc đầu tiên chúng nghĩ đến. Phản ứng thông thường của chúng sẽ là khóc thét lên, nhưng ở đây, Elias đã đủ lớn để kiềm chế cảm xúc nên phương án này bị loại bỏ. Phương án thích hợp hơn là dò hỏi những người thân khác về người xa lạ đó. Tôi nghĩ Elias hoàn toàn có thể gọi điện hỏi bố hoặc bất cứ người thân, họ hàng nào trong gia đình về mẹ cậu, về lần cuối cùng họ nhìn thấy mẹ cậu và có thể một ai đó sẽ biết được ý định phẫu thuật thẩm mĩ của bà rồi nói lại cho cậu biết. Nhưng bộ phim đã bỏ qua phương án đó, hoặc Elias không thể nghĩ đến cách nào khác hơn để tìm người mẹ thật ngoài việc tra tấn người mà cậu nghĩ là mẹ giả. Như vậy, rõ ràng mầm mống bạo lực đã có trong cậu. Mầm mống ấy từ đâu ra? Có phải mẹ cậu đã gieo vào cho cậu không? Nếu đúng là mẹ cậu đã gieo vào cho cậu thì bộ phim thành công trong việc phản ánh thông điệp sự vô tâm của các bậc phụ huynh dẫn đến hành vi bạo lực của con cái. Thế nhưng, ta hãy thử khảo sát lại một số tình tiết trong phim để xem có đúng là mẹ cậu đã gieo vào cậu sự bạo lực không.

Ở đầu phim, mẹ cậu đã đưa ra một số qui tắc cho cậu: phải đóng kín rèm vào ban ngày; mẹ sẽ luôn ở trong phòng, khi có việc gì cần, cậu phải gõ cửa trước khi vào; nếu có khách đến nhà tìm mẹ thì bảo rằng mẹ không có nhà; không đi chơi quá xa ngoài khu vực nhà; không để bất cứ động vật nào trong nhà. Vì những qui tắc này, cậu bắt đầu nghi ngờ rằng người đang bó băng kín mặt nói chuyện với mình không phải là mẹ, bởi với cậu: “Trước đây, mẹ luôn dịu dàng và chăm sóc mình, mẹ chẳng có bất kì đòi hỏi nào vô lí. Mẹ không cấm mình để động vật trong nhà. Người này không phải là mẹ mình.” Như vậy, trước đây, người mẹ này không đối xử bạo lực với cậu; có thể như bao người mẹ khác, bà sẽ chỉ trừng phạt cậu một cách nhẹ nhàng khi cậu có sai phạm; dù là thế nào thì suy nghĩ đó của cậu cũng đồng nghĩa với việc bà không gieo vào cậu bất cứ kí ức tồi tệ nào trước đây. Vì mẹ đã từng đối xử rất tốt với Elias nên Elias nghi ngờ khi bà có biểu hiện thay đổi. Trong những qui tắc bà đặt ra cho Elias, chỉ có hai qui tắc ảnh hưởng trực tiếp đến cậu: “không đi chơi quá xa ngoài khu vực nhà” và “không để bất cứ động vật nào trong nhà”; những qui tắc còn lại đều không có gì quá đáng. Tại sao bà không cho Elias đi chơi quá xa ngoài khu vực nhà? Bởi bà sợ cậu sẽ lại gặp tai nạn và qua đời như Lukas, đây là tâm lí rất dễ đồng cảm với người mẹ vừa mất đứa con. Tại sao bà không cho Elias để bất cứ động vật nào trong nhà? Tôi nghĩ rằng bộ phim đã tiết lộ câu trả lời cho câu hỏi này thông qua một chi tiết ẩn dụ ở đầu phim. Đó là cảnh Elias đánh răng trong nhà tắm, cậu nhìn thấy một con rệp đang bò trên vách tường nhà. Khuôn hình trong cảnh này dừng lại rất lâu ở hình ảnh con rệp từ từ bò lên cao và khi đến mé vách tường, do không giữ được thăng bằng, nó rớt xuống. Một lần nữa, đây là hình ảnh ám chỉ có người đã chết. Sau đó, chúng ta biết rằng hai anh em Lukas và Elias có sở thích sưu tập những con côn trùng, những con rệp. Như vậy, quay ngược lại hình ảnh trước đó, có thể Franz và Fiala đã cho chúng ta gợi ý về nguyên nhân cái chết của Lukas: cậu đi qua đường hầm đó, nhìn thấy một côn trùng đẹp đẽ, cậu đã chết khi cố gắng lấy con côn trùng đó, có thể là do ngã trên vách núi hoặc bị một đoàn tàu đâm phải. Nếu tạm chấp nhận giả thuyết này, ta sẽ thấy rất hợp lí khi mẹ – vốn cũng là một người yêu động vật lại cấm Elias để động vật trong nhà vì bà nghĩ rằng đó là nguyên nhân khiến Lukas chết đi. Như vậy, những qui tắc người mẹ đưa ra đều hợp lí, không có gì quá đáng, bà cũng không gieo mầm mống bạo lực trước đó cho Elias. Thế thì, trong khoảng thời gian bà băng kín mặt sau khi trở về từ cuộc phẫu thuật thẩm mĩ, bà có đối xử điều gì tàn nhẫn đến mức không thể chấp nhận được với Elias chăng? Khi suy nghĩ lại, chúng ta có thể thấy hành động tàn ác nhất của bà là việc đã đổ những con rệp của Elias vào bể nước cậu ngâm con mèo khi nghĩ rằng mẹ cậu đã giết mèo của cậu. Vậy bà có giết mèo của Elias không? Bộ phim không cho chúng ta thấy rõ điều này nhưng dựa trên phân tích từ những chi tiết trong phim, tôi cho rằng bà không giết mèo của cậu. Bởi vì bà đã nói rằng bà không thích để động vật trong nhà nên nếu bà giết mèo, bà hoàn toàn có thể đem xác mèo vứt ở bờ hồ gần nhà hoặc chôn ở một nơi nào đó trong rừng. Với tâm lí của một người nội trợ, dù đang tuyệt vọng và giận dữ thế nào, tôi chắc rằng bà cũng không quên việc này bởi để xác mèo trong nhà mà không phát hiện sớm sẽ bốc ra mùi rất hôi thối. Tâm lí người bất ổn không thể nào chịu nổi thứ mùi xú uế đó. Do đó, tôi cho rằng con mèo đã chết vì một nguyên nhân nào đó khác. Elias đã bị sự nghi ngờ và thù hận làm mù quáng. Thay vì hỏi trực tiếp mẹ, cậu lại chọn cách khiêu khích bà bằng việc ngâm xác mèo trong bể nước và đặt trước phòng khách. Rõ ràng, đây cũng là cách cư xử biểu hiện tâm lí bất thường trong nội tại, trẻ em bình thường không cư xử như thế.

Qua phân tích khi khảo sát lại bộ phim, ta có thể thấy người mẹ không làm gì quá đáng với Elias khi bà băng kín mặt, bà chỉ nổi giận và gắt gỏng với cậu – điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được vì bà cũng là người đang suy sụp tâm lí vì tai nạn của Elias, vụ li hôn với chồng; còn trước đó, bà vốn đối xử tốt với Elias. Như vậy, mầm mống bạo lực trong cậu thực tế không phải từ bà mà chúng ta chỉ có thể tạm chấp nhận đó là thứ bẩm sinh trong cậu, minh chứng là hành động của cậu trong những giấc mơ, sở thích và cách giải quyết vấn đề kì quặc của cậu bên ngoài; đó có thể là bản chất của cậu trước cả khi Lukas mất.

Người mẹ đáng thương

Về người mẹ, tôi đã có dự cảm mơ hồ rằng bà chính là mẹ thật của hai anh em ngay từ cảnh bà chơi trò đoán nhân vật/đồ vật được dán trên trán với Elias. Nhìn cách bà chơi với con, nhẫn nại hỏi và đoán, cách bà mỉm cười và ánh mắt của bà, tôi không hề cảm thấy rằng đây là một người xa lạ đang cố lẻn vào nhà với mục đích xấu. Sau đó, trong phim có một cảnh quay đằng sau lưng bà, chúng ta có thể thấy dáng người bà ngồi trên giường rất cô đơn, đôi vai run run. Tiếp theo là cảnh bà đứng trước gương, ngắm nhìn mình trong gương, làn gió từ khung cửa sổ đang mở khiến chiếc áo ngủ mỏng manh bà mặc bay phất phơ. Đây cũng là cảnh được sử dụng trong trailer phim. Tôi có thể hiểu vì sao người ta chọn cảnh này bỏ vào trailer. Đơn giản là hình ảnh một người phụ nữ quấn băng kín, đứng trước gương trong chiếc váy mỏng phất phơ như thế rất dễ đem lại cảm giác kì dị và chút sợ hãi. Tuy nhiên, khi xem cảnh này trong mạch phim, tôi lại cảm thấy đây là một cảnh rất buồn. Hình ảnh đó thể hiện sự cô đơn, tâm trạng hoang mang, lạc lõng của người mẹ. Bà không tìm được sự kết nối với ai, bà không biết bày tỏ nỗi lòng của mình như thế nào, bà chỉ biết đứng trước gương, đối diện với chính mình, và có thể bà cũng đang thấy xa lạ với chính mình trong khuôn mặt quấn băng đó. Ngay từ cảnh ấy, tôi đã chắc chắn đó không phải là bất cứ linh hồn ma quỉ nào đang chiếm ngự cơ thể bà, chẳng có linh hồn tà ác nào nhập vào vật chủ rồi lại ngắm nhìn vật chủ trong gương như thế. Đó chính là bà. Còn giả thiết một người lạ phẫu thuật và đóng giả làm bà ư? Cũng không thể. Giả sử có một người đã giết bà hoặc giấu bà ở nơi nào đó vì muốn chiếm lấy căn nhà hay vì mục đích nào khác, người ấy không cần phải dụng công phẫu thuật cả khuôn mặt và ở trong nhà lâu như thế, lại đặt rất nhiều bánh pizza đủ dùng cho cả năm, chưa kể là còn phải cố gắng giả giọng nói – một thứ vốn chẳng dễ dàng chút nào. Những việc này quá tốn công sức trong khi người đó có thể chỉ đơn giản là quấn băng, mặc áo của người mẹ rồi trở về nhà giống như vừa trải qua đợt phẫu thuật và sau đó chỉ cần giết luôn cậu bé Elias, hoặc đơn giản hơn là đánh thuốc mê, trói và nhốt cậu ở đâu đó rồi hoàn thành việc mình muốn làm. Như vậy, giả thuyết có một người lạ giả làm bà cũng rất khó có thể xảy ra, bà chỉ có thể là mẹ thật của hai đứa trẻ.

Vì tôi đã đoán ra hai chi tiết quan trọng nhất sẽ được tiết lộ ở nửa sau phim như thế nên tôi rất mong mình đã đoán sai, bộ phim sẽ khác đi, hoặc sẽ là điều gì đó bất ngờ và xúc động mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, rốt cuộc tôi đã dự đoán đúng hai chi tiết này. Vì vậy, tôi chỉ còn bất ngờ cách cư xử tàn nhẫn của cậu bé Elias với mẹ. Như những gì tôi đã phân tích ở trên, sự bạo lực đó phần lớn là bản năng của Elias, không phải do sự vô tâm của người mẹ. Đạo diễn Bá Vũ có nói rằng: “Dù các bậc phụ huynh đối xử với con cái tốt như thế nào, chỉ cần thử một ngày hay một khoảng thời gian đối xử khác đi với con, tệ hơn với con rồi sẽ thấy con mình cũng thay đổi cách đối xử với mình, cũng sẽ đối xử tệ lại với mình vì trẻ con rất dễ học từ xung quanh, rất dễ bị lây nhiễm cái xấu.” Tôi không hoàn toàn phản đối ý kiến này của anh. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn có phần áp đặt và không thực sự đầy đủ. Ở đây, anh nhấn mạnh khả năng dễ học hỏi và lây nhiễm của đứa trẻ nhưng lại quên mất rằng trẻ con vốn rất nhạy cảm, chúng đặt nhiều tình thương cho cha mẹ nên dễ giận dỗi khi họ không đối xử tốt với chúng dù chỉ là một chút, nhưng đồng thời chỉ cần họ tỏ thái độ ăn năn, chúng cũng sẽ rất dễ tha thứ bởi đó là người chúng yêu thương.

Vào nửa đầu phim, tôi đã rất cảm động trước tình cảm Elias dành cho mẹ. Cậu đặt bức hình mẹ trong phòng, luôn nhìn bức hình ấy và cầu nguyện mẹ sớm quay trở về với cậu. Tuy nhiên, vào hồi cuối của phim, tôi nhận ra tình yêu đó của cậu chỉ là sự ích kỉ. Nếu cậu thực sự yêu mẹ, giây phút cậu lắng nghe mẹ nói phải nhiều hơn, giây phút cậu đấu tranh mâu thuẫn nội tâm phải nhiều hơn, cậu phải phần nào đó cảm nhận nỗi đau của mẹ mà chùng tay nhiều hơn. Trong phim, cậu cũng có những giây phút dừng lại suy nghĩ nhưng nó vẫn quá ít, quá yếu ớt trước sự nghi ngờ mù quáng và cái ác trong cậu. Đạo diễn Bá Vũ luôn nhấn mạnh lỗi của người mẹ, anh nói rằng: “Người mẹ quá vô tâm khi ngay cả bài hát con mình yêu thích nhất cũng không nhớ được. Vì vậy mới dẫn đến bi kịch gia đình như thế. Giá mà bà chịu ngồi xuống nói chuyện với con một chút thay vì đặt ra những qui luật hà khắc và mắng mỏ con như thế thì có thể mọi chuyện đã được cứu vãn.” Anh nhấn mạnh lỗi của người mẹ hơn là lỗi đứa con. Tuy vậy, anh quên mất rằng nếu người mẹ đó quá vô tâm thì làm sao cậu bé ấy lại luôn muốn tìm người mẹ dịu dàng trước đây của mình như thế. Rõ ràng, trong tâm lí của Elias, mẹ cậu đã từng là người rất tốt và bà chỉ trở nên xấu xí trong mắt cậu kể từ khi bà lờ đi sự tồn tại của Lukas – vốn đã chết và được tái tạo lại bằng sự tiếc thương của cậu. Với một người không đối diện nổi thực tế, để bảo vệ thế giới ảo tưởng do mình tự tạo ra, người đó sẽ tránh xa bất cứ ai có nguy cơ hủy diệt thế giới đó. Khi Lukas vừa mới mất, vì tự trách móc lỗi lầm do mình gây ra, Elias đã tưởng tượng rằng Lukas còn sống. Tôi nghĩ rằng khi ấy, mẹ cậu vẫn chăm sóc Elias như trước đây nhưng vì cậu cứ một mực trách móc việc bà vô tình với Lukas, bà quá mệt mỏi bởi bản thân cũng đang rất đau đớn nên đã tạm thời bỏ lơ cậu. Và từ trách móc chính mình, để không phải quá ray rứt, trong vô thức Elias chuyển sự trách móc sang người mẹ: lỗi là bà đã quá vô tâm. Có thể rất nhiều người sẽ có chung ý kiến như anh Bá Vũ, sẽ trách móc người mẹ rằng không quan tâm con mình nhiều hơn, không hỏi han con mình nhiều hơn nhưng có bao giờ họ tự hỏi rằng tại sao không phải ngược lại, tại sao Elias không quan tâm đến mẹ nhiều hơn, không hỏi han mẹ nhiều hơn sau tai nạn đó. Nếu như Elias quan tâm đến mẹ nhiều hơn, cậu cũng đã biết được nỗi phiền muộn của mẹ, biết được việc bà đi phẫu thuật thẩm mĩ. Những ai trách móc người mẹ có bao giờ nghĩ rằng bà đã dịu dàng với con mình quá đủ rồi, bà đã chịu đựng quá đủ rồi không? Bà vừa phải gánh lấy nỗi đau mất một đứa con, vừa li dị chồng và đứa con còn lại cũng chẳng cảm thông với bà, chỉ mãi sống trong thế giới ảo tưởng do nó tự dựng lên. Đau lắm chứ. Rất đau. Và bà phải một mình gánh lấy tất cả. Một số người có thể nói rằng không thể trách cậu bé được vì cậu bé còn nhỏ, làm sao hiểu được những chuyện như thế này, rằng phản ứng bình thường của trẻ con là như thế. Nhưng như tôi đã viết, đứa trẻ nào cũng có sự nhạy cảm của nó và khi thực sự yêu thương cha mẹ, chúng sẽ dễ dàng nhận ra nỗi đau của họ.

Một đứa trẻ khác

Việc Ich seh, Ich seh khai thác mối quan hệ giữa người mẹ và con trai, trong đó vì một nguyên nhân nào đó, người mẹ đối xử lạnh lùng với con khiến tôi nhớ đến một phim cũng khai thác mối quan hệ tương tự là L’enfant d’en haut (2012) của đạo diễn Ursula Meier. Người mẹ trẻ trong phim này cũng đối xử rất lạnh lùng với con trai mình. Cô sinh ra cậu trong sự bồng bột của tuổi trẻ với mối tình chớp nhoáng nên cậu không có cha. Cậu sống chung nhà với cô nhưng cô không cho phép cậu gọi mình là mẹ mà phải gọi là chị kể cả khi ở nhà hay ra bên ngoài. Cô thờ ơ, không quan tâm đến cậu, không chăm sóc cho cậu và vẫn tiếp tục buông thả mình với những người đàn ông khác. Nhiều lúc, cô lên xe của một người đàn ông xa lạ và đi cả hàng tuần không trở về nhà. Cậu rất cô đơn, không có được tình thương lẫn vật chất, cậu phải ăn trộm những dụng cụ trượt tuyết của khách du lịch rồi bán lại cho những người khách khác để lấy tiền sinh sống. Mẹ của cậu đôi khi trở về nhà sau khi đã tiêu hết tiền và không ngại ngần lấy số tiền ít ỏi cậu cướp được từ việc ăn trộm để tiếp tục sống những ngày tháng chìm trong men rượu. Như thế đã quá tệ bạc nhưng vẫn chưa đủ: mẹ cậu hay là chị cậu, chưa một lần cho cậu ngủ chung giường, chưa một lần ôm cậu vào lòng khi ngủ. Vậy cậu có thù hận mẹ, có ý định chạy trốn khỏi mẹ, có ý định không cho mẹ tiền nữa, có ý định tra tấn mẹ để mẹ sợ hay thậm chí là giết mẹ như Elias không? Cậu hoàn toàn có thể đối xử tệ với mẹ như cách mẹ đã đối xử tệ với cậu. Ở cậu, mầm mống bạo lực vì bị đối xử tệ bạc mà mẹ đã gieo vào thậm chí còn rõ rệt hơn rất nhiều lần Elias. Nhưng không, cậu đã không chọn cách làm như Elias, cậu thậm chí còn không đối xử bạo lực với mẹ. Cậu cũng quan sát và bắt chước hành vi của người lớn nhưng theo một cách khác. Cậu nhận thấy rằng những người đàn ông muốn ngủ chung với mẹ thì phải trả tiền cho mẹ. Thế là, khi cậu quá cô đơn, khi cậu chỉ muốn được một lần ngủ chung giường với mẹ, cậu đã hỏi mẹ rằng cậu cần phải trả bao nhiêu tiền cho việc đó. Người mẹ ra một mức và cậu trả. Vì ngạc nhiên với cách hành xử của con trai mình, người mẹ nâng mức giá cao hơn mà cô nghĩ rằng cậu không thể trả được. Thế nhưng, cậu vẫn trả. Nhìn cách cậu cố gắng moi những đồng bạc lẻ từ những túi quần của mình để tập hợp cho đủ số tiền mà mẹ yêu cầu khiến tôi thấy đau lòng và vô cùng yêu mến cậu. Tôi đã rất muốn khóc ở cảnh ấy. Cuối cùng, người mẹ ấy vẫn nhận số tiền và cậu được ngủ chung với mẹ. Rất lâu rồi cậu mới được ngủ chung với mẹ. Đó là một cảnh ban đầu có vẻ tàn nhẫn nhưng sau đó lại vô cùng ấm áp vì chúng ta vừa nhìn thấy được tình yêu dành cho mẹ của cậu, vừa nhìn thấy được mẹ cậu cũng đã bắt đầu nhận ra tình yêu đó, có chút ăn năn và hối lỗi. Simon-tên cậu bé ấy, cũng không phải là một người quá lớn để nói rằng đã phát triển đầy đủ về mặt nhận thức, đã trưởng thành để thông cảm và hiểu chuyện hơn Elias, thực chất cậu ấy cũng chỉ là một đứa trẻ bằng tuổi với Elias.

Cảnh trong phim L’Enfant d’en haut

Thông qua việc dẫn chứng lại tình tiết ấy trong phim L’enfant d’en haut, tôimuốn nhấn mạnh thêm lần nữa rằng mầm mống bạo lực là thứ bẩm sinh trong Elias nên cậu mới có thể tàn nhẫn với mẹ như thế, không tin tưởng mẹ như thế, không lắng nghe mẹ như thế khi mẹ cậu chỉ vừa đối xử lạnh lùng với cậu một chút. Cậu là một đứa trẻ quá ích kỉ và thiếu sự cảm thông. Sự ích kỉ này có thể đến từ việc trước đây mẹ cậu đã quá nuông chiều cậu khiến cậu chỉ biết nghĩ cho bản thân, chỉ biết mỗi mình đau mà không để ý đến nỗi đau của mẹ. Một mối quan hệ muốn tốt đẹp, dù là bất cứ mối quan hệ nào, kể cả mối quan hệ giữa mẹ và con cũng cần phải có sự cố gắng của cả hai phía. Trong Ich seh, Ich seh, tôi có thể thấy được sự cố gắng của người mẹ, tôi hoàn toàn cảm thông với bà. Nhưng còn về phía Elias, như những gì ở trên tôi đã phân tích, tôi hoàn toàn không thể đồng cảm với cậu bé chút nào. Thậm chí, tôi còn rất ghét cậu bé. Với tôi, cậu là người lập dị, ích kỉ, tàn nhẫn bẩm sinh. Ở cảnh Elias hành hạ mẹ mình, cậu đeo một chiếc mặt nạ tương tự với hình mẫu các chiến binh ta vẫn hay thấy trong các phim siêu anh hùng. Qua đó, người xem cũng có thể ngầm hiểu mầm mống bạo lực trong cậu còn xuất phát từ những bộ phim siêu anh hùng cậu xem trên truyền hình. Thế nhưng với tôi, đây là một chi tiết pay off khá gượng ép bởi không có set up ở phía trước. Rõ ràng ngay từ đầu phim, chúng ta thấy chương trình cậu xem là một chương trình ca nhạc, radio cậu vẫn hay nghe cũng không đề cập gì đến bạo lực. Nếu như ngay từ đầu, bộ phim có thêm cảnh mẹ cậu không quan tâm gì đến việc cậu xem truyền hình như thế nào, bên cạnh việc xem chương trình ca nhạc, cậu cũng đã chăm chú xem những phim bạo lực – trong đó có phim mà nhân vật đeo mặt nạ giống như cậu đeo ở cuối phim xuất hiện. Khi sửa lại như thế, cảnh cậu đeo mặt nạ cuối phim tra hỏi mẹ sẽ tự nhiên và không gượng ép; hơn nữa, thông điệp về sự vô tâm của bậc cha mẹ ảnh hưởng thế nào đến con cái sẽ được nhấn mạnh hơn, hợp lí hơn.

Vì những yếu tố thừa và thiếu đó, thông điệp bộ phim đã không thực sự tác động đến tôi nhiều. Đó là thứ thông điệp tôi nhận ra bằng lí trí nhưng về mặt cảm xúc và câu chuyện, bộ phim không xây dựng đủ nền tảng tâm lí nhân vật vững chắc để tôi hoàn toàn thẩm thấu được sức nặng của thông điệp ấy bằng cả lí trí và cảm xúc. Với riêng tôi, đây là thất bại của phim. Tôi cho rằng lí do của thất bại này là vì Ich seh, Ich seh đã khiến tôi đồng cảm với người mẹ nhiều hơn Elias. Lẽ ra, để thông điệp đó được nhấn mạnh, sự đồng cảm này phải chia đều cho cả hai nhân vật, thậm chí còn phải khiến người xem đồng cảm với Elias nhiều hơn là người mẹ thì việc truyền tải thông điệp trọn vẹn mới thành công. Hơn nữa, bộ phim cần phải xây dựng một số tình tiết khác đi đôi chút, nên cho Elias bớt lập dị một chút, nên để cho mầm mống bạo lực của Elias xuất phát từ người mẹ rõ rệt hơn, không nên để bất cứ chi tiết nào khiến khán giả có cảm tưởng mầm mống bạo lực trong cậu là thứ bẩm sinh. Với tôi, kịch bản phim đã xây dựng tâm lí Elias rất một chiều và khiên cưỡng. Tôi không bị thuyết phục bởi diễn biến tâm lí của cậu, tôi cảm thấy rõ ràng sự cố tình sắp đặt của Franz và Fiala bắt cậu phải hành động như thế này, như thế kia để bộ phim được diễn ra như những gì chúng ta đã biết.

Một kết thúc giả định

Qua những phân tích về một số điểm yếu và bất hợp lí trong cách xử lí kịch bản phim theo góc nhìn của tôi, tôi nghĩ ra một phương án sửa kịch bản ở đoạn cuối để khắc phục những điểm tôi đã nêu ở trên. Chúng ta vẫn giữ lại cơ bản nội dung phim cho đến cảnh cậu bé bôi keo dán sắt vào miệng mẹ rồi sau đó dùng kéo cắt để cố tách hai môi bà ra và bà bị chảy máu. Với tôi, sự bạo lực ở đây đã đủ, cần phải dừng lại. Sau đó, Elias sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn với ảo ảnh Lukas mà cậu đã tạo ra bởi những lời gào thét của mẹ, những giọt nước mắt của mẹ, nỗi đau thể xác của mẹ dần tác động đến cậu; có thể cậu sẽ tin hoặc không tin người đó là mẹ mình nhưng qua việc chứng kiến hậu quả của những gì mình đang làm sẽ đánh thức lương tri cậu, cậu nhớ lại những ngày mẹ đã từng đối xử tốt với mình. Lukas đương nhiên không dễ dàng bị Elias thuyết phục chỉ với vài lời nói đơn giản. Elias cố giành lấy cây kéo từ tay của Lukas để cắt dây trói cho mẹ nhưng không được. Thế là, cậu và Lukas tự đánh nhau nhưng thực chất là Elias đang tự vật lộn với chính mình, đang tự đánh nhau với chính mình. Khi nhìn thấy cảnh tượng đó, người mẹ vì cố ngăn cản Elias tự làm tổn thương bản thân mình mà đã bảo cậu dừng lại đi, đừng đánh nhau với Lukas nữa, Lukas đã không còn sống, cậu chỉ đang tự làm tổn thương mình thôi. Elias dù muốn bảo vệ mẹ nhưng cậu vẫn không chấp nhận việc Lukas đã chết, cậu vẫn tiếp tục thấy hình ảnh Lukas và cuối cùng Lukas đâm cậu, hay cậu tự đâm chính mình bằng chiếc kéo. Cậu rút kéo ra khỏi người và cắt dây cởi trói cho mẹ. Trước khi nhắm mắt, cậu vẫn nhìn thấy hình ảnh Lukas đang đứng nhìn cậu. Cậu mỉm cười và trút hơi thở cuối cùng. Trong sự đau đớn vì lại bị mất người con còn sót lại, mẹ cậu hóa điên, bà tự sát. Cuối cùng vẫn là cảnh ba mẹ con đoàn tụ ở cánh đồng lúa ngô.

Tôi nghĩ rằng khi sửa lại một chút kịch bản ở đoạn cuối như thế, khán giả sẽ đồng cảm nhiều hơn với Elias, cảm xúc bộ phim mang đến sẽ mạnh mẽ hơn nên thông điệp đến với người xem cũng tự nhiên hơn, không phải là thứ gượng ép bằng suy nghĩ của lí trí. Đây cũng là điểm khiến Ich seh, Ich seh thua xa A tale of two sister về mặt tác động đến cảm xúc dù hai bộ phim có nội dung tương tự nhau. Với tôi, Ich seh, Ich seh nên được làm như một phim tâm lí hơn là phim kinh dị bởi khi đó, tâm lí nhân vật sẽ được đào sâu hơn khiến câu chuyện trở nên thuyết phục hơn. Điểm đáng tiếc nhất của Ich seh, Ich seh là đã xây dựng hình ảnh người mẹ thành công nhưng lại quá sơ sài và gượng ép trong việc khắc họa tâm lí của Elias vốn phải phức tạp  hơn, có chiều sâu hơn, tinh tế hơn; vì không làm được những điều đó, sự tra tấn của cậu ở cuối phim mang vẻ ngoài giống như sự phi lí của cái ác nhiều hơn là sự bộc phát những ẩn ức vì đã phải kiềm nén quá lâu do yếu tố môi trường và tâm lí. Có lẽ đây cũng chính là lí do bộ phim không được lọt vào vòng đề cử chính thức ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất của giải Oscar. Tôi cảm thấy điều này hoàn toàn hợp lí.

Kết luận

Đạo diễn David O. Russell từng nói rằng: “Rất nhiều bộ phim hay ẩn chứa nhiều bộ phim hay khác bên trong chúng.” Ich seh, Ich seh cũng ẩn chứa rất nhiều bộ phim hay bên trong nhưng đáng tiếc bản thân chính nó lại không phải là phim hay. Ich seh, Ich seh chỉ hay phân nửa đầu phim. Kể từ sau cảnh hai cậu bé bị linh mục đưa về nhà, bộ phim đã mất đi vẻ đẹp và sự tinh tế ban đầu bằng biện pháp đẩy mạnh kịch tích và thúc ép tâm lí khiên cưỡng. Có lẽ, Ich seh, Ich seh là cách tiếp cận ngập ngừng của Franz và Fiala khi phải lựa chọn kể lại câu chuyện này theo hướng kinh dị hay tâm lí. Dù đa phần các hệ thống xếp Ich seh, Ich seh vào nhóm phim kinh dị (Horror) nhưng IMDB xếp thể loại phim là Drama, Mystery, Thriller. Tôi hoàn toàn đồng tình cách sắp xếp này. Với tôi, Ich seh, Ich seh không phải là phim kinh dị không đáng sợ mà là phim tâm lí đen tối còn hơi non, thiếu chút nữa đã có thể chạm đến điểm sâu mà lẽ ra nó cần chạm đến. Vì vậy, tôi phải nói Ich seh, Ich seh không hay trong cảm giác rất tiếc nuối.

Điểm đánh giá: 7/10
Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Văn hóa đọc tại Việt Nam: Hành trình tỉnh thức trong thời đại mất tập trung

Khi cả thế giới đang quay cuồng trong cơn lốc của tốc độ, của công nghệ số và mạng xã hội, văn hóa đọc – vốn là một hoạt động tĩnh tại, cô độc và đòi hỏi sự kiên nhẫn – bỗng trở thành hiện tượng lạ giữa đời sống hiện đại.

Published

on

Một cú chạm màn hình có thể đưa bạn tới bất kỳ đâu: từ buổi hòa nhạc ở Vienna đến một bữa ăn đường phố ở Bangkok, từ những khoảnh khắc riêng tư của người xa lạ đến bản tin thời sự lúc rạng đông. Nhưng càng dễ dàng kết nối, chúng ta lại càng khó khăn trong việc lắng nghe chính mình. 

Và trong cuộc hành trình ấy, đọc sách - hành động tưởng như đã cũ kỹ, đang âm thầm trở lại như một nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn hiện đại.

Văn hóa đọc không chỉ là việc “đọc sách”

Văn hóa đọc không nên được định nghĩa đơn giản chỉ là hành vi tiếp nhận văn bản in ấn, cần phải nhìn nó như là một cấu trúc hệ giá trị, nơi người đọc không chỉ tiêu thụ thông tin, mà còn tương tác với tri thức, phản tư, và từ đó tạo ra tầng sâu văn hóa cá nhân. Nên hiểu đọc là một hành vi văn hóa, không chỉ là kỹ năng.

Thế nhưng, tại Việt Nam, hành vi đọc nhiều khi bị giản lược thành “hoạt động học thuộc”. Cái gốc của việc đọc để hiểu mình và hiểu thế giới vẫn còn mờ nhạt trong đời sống học đường lẫn đời sống đô thị.

Chúng ta từng được dạy rằng đọc là để biết nhiều hơn. Nhưng biết không đồng nghĩa với hiểu. “Biết” là quá trình tiếp nhận và lưu trữ dữ liệu dưới dạng thông tin. “Hiểu” vượt lên trên điều đó - nó đòi hỏi sự tham gia của trải nghiệm cá nhân, khả năng phân tích, đồng cảm và cả những va chạm nội tâm. Một tác phẩm có giá trị không chỉ cung cấp tri thức ngoại tại, mà còn tạo điều kiện cho chủ thể tiếp nhận được soi chiếu, phản tỉnh từ đó nhận diện những lớp ẩn sâu của bản thể qua hình ảnh của người khác trong trang sách. 

Khi một đứa trẻ đọc Những tấm lòng cao cả, em sẽ không chỉ học đạo đức, mà bắt đầu cảm nhận được trái tim nhân loại. Khi một thiếu niên lần đầu đọc Người xa lạ của Camus, cậu ấy có thể không lý giải nổi thế giới, nhưng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về nó và về chính mình.

Vấn đề không nằm ở việc thiếu sách, mà thiếu “thái độ văn hóa” với sách

Mặc dù Việt Nam có hơn 30.000 đầu sách xuất bản mỗi năm (theo Cục Xuất bản), thế nhưng lượng sách bán ra tập trung chủ yếu ở thể loại giải trí, ngôn tình, self-help, còn các dòng sách triết học, văn hóa, nhân văn… chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Ta không thiếu sách, ta thiếu một nền tảng thẩm mỹ và nhân văn để lựa chọn sách một cách có chủ đích.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở thời đại số làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin, mà còn nằm ở cách giáo dục về đọc sách. Tại nhiều trường học, việc đọc vẫn gắn liền với hình thức kiểm tra, chấm điểm, làm bài văn nghị luận sách giáo khoa - điều khiến đọc sách trở thành một “nghĩa vụ” hơn là một hành trình khám phá. Gia đình, các bậc phụ huynh còn chưa thực sự nghiên cứu và đặt mối quan tâm lớn lao cho việc giáo dục con trẻ dẫn đến việc các em phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ. 

Nhưng tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các phong trào đọc sách tự phát, không phải từ chỉ đạo hành chính, mà từ những con người đang đi tìm lại bản thân giữa cơn hỗn loạn của thông tin.

Đáng chú ý, sự phát triển của nền tảng số cũng không còn là lực cản, mà đang dần trở thành đòn bẩy cho việc tiếp cận sách: audio book, book podcast, nền tảng chia sẻ tóm tắt sách hay các cộng đồng đọc sách online đang lan tỏa mạnh mẽ. Sách không còn là một vật thể bất động mà trở thành dòng chảy đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm thanh và cảm xúc.

Tất cả đang làm sống lại một giá trị xưa cũ: sự tĩnh lặng nội tâm. Đọc sách giờ đây không chỉ là tiếp nhận thông tin, mà là một hành động phản kháng với sự phân tán, ồn ào, và tiêu dùng giải trí mang tính chất "mì ăn liền".

Văn hóa đọc trong thời đại “siêu dữ liệu”

Thách thức lớn nhất với văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số không phải là sự biến mất của sách giấy, mà là sự thoái hóa khả năng tập trung, năng lực phản tư và thái độ nghiêm túc của con người với tri thức. Chúng ta sống trong thời đại mà nội dung có thể bị tiêu thụ như thức ăn nhanh, nơi mọi người “đọc để phản ứng”, thay vì “đọc để cảm nghiệm”. Bởi vậy, chọn đọc - nhất là đọc sâu, đọc chậm giờ đây không chỉ là một lựa chọn mang tính trí tuệ, mà còn là một cách gìn giữ bản thân trước sự xao nhãng của thế giới hiện đại.

Đọc là kháng cự lại tốc độ. Là từ chối cái dễ. Là chọn cái sâu - dù biết nó chậm.

Văn hóa đọc giờ đây không chỉ là sách, mà còn là cách ta sống. Không chỉ là hành động cá nhân. Nó phản ánh cả một văn hóa. Một đất nước biết trân trọng sách là một đất nước không dễ bị lãng quên ký ức. Một thế hệ đọc sách là một thế hệ có nội lực.

Ở Việt Nam, từng có một thế kỷ mà sách được đọc bằng ánh đèn dầu, được chép tay, được truyền tay như những báu vật. Sách đi qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua đạn bom, nhưng vẫn sống. Vấn đề của hôm nay không phải là thiếu sách, mà là quá nhiều thứ giành giật tâm trí ta khỏi sách.

Vấn đề sâu xa hơn: ta không còn coi đọc là một phần của việc sống đẹp. Thế giới đang dần lãng quên sự im lặng, sự chậm rãi, sự suy tư. Trong truyền thống tư tưởng phương Đông, đọc không phải là phương tiện để đạt được cái bên ngoài, mà là trở về với cái bên trong. Từ thời Lão - Trang, việc học, việc đọc vốn gắn liền với sự tĩnh tại của tâm. Đọc là tu thân. Đọc là dưỡng khí. Đọc là hành động đi ngược lại với sự xao động của đời sống, để khơi mở “minh tâm kiến tánh”, thấy lại chân diện mục của chính mình. 

Ngày xưa, các nho sĩ khi đọc sách thường đặt một bát nước trong veo bên cạnh, để “nếu tâm xao động thì nước đục” như một cách tự phản tỉnh. Người đọc không chỉ là kẻ truy cầu tri thức, mà còn là người gìn giữ đạo lý, tiết tháo và sự lặng thầm bền bỉ của văn hóa.

Trong thời đại siêu kết nối hiện nay, nghịch lý lớn nhất là con người càng lúc càng rỗng hơn giữa vô số dữ liệu. Chúng ta “biết” rất nhiều thứ nhưng lại hiểu rất ít điều, và càng ít sống sâu. Văn hóa đọc nếu được xem là một hệ sinh thái văn hóa bền vững - chính là cơ chế tự phòng vệ của trí tuệ trước sự tha hóa của thị hiếu và tốc độ.

Bởi vì đọc không chỉ là để “biết”, mà để nghi ngờ cái mình biết. Không chỉ để “giỏi lên”, mà để hiểu mình và hiểu người hơn. Và không chỉ để có tri thức, mà để trở nên người hơn trong thế giới ngày càng thiếu vắng chất người. 

Đọc - tự bản thân nó là một hành động kháng cự lại sự lãng quên, sự cạn mỏng và cả sự dễ dãi. Nó khơi mở lại điều tưởng như đã mất: một chiều sâu văn hóa không thể số hóa, không thể sao chép, thứ văn hóa được chưng cất từ mỗi lần lật trang, từ mỗi khoảnh khắc im lặng tự đối diện chính mình. Để được sống với một trái tim có lớp lang. 

Và nếu phải chọn một hành động lặng lẽ nào đó để định nghĩa tinh thần của một dân tộc đang muốn trở mình từ bên trong, thì đó hẳn phải là: đọc sách.

Ngọc Trâm

Đọc bài viết

Trà chiều

Vẻ đẹp từ những cuộc đời bình thường

Không cần phải nổi bật, bạn vẫn có thể sống một đời ý nghĩa.

Published

on

Làm người bình thường giờ đây bị ngầm hiểu là một thất bại trong một thế giới say mê những con người xuất chúng. Từ những giải vàng trong các trường tiểu học đến danh hiệu “nhân viên xuất sắc của tháng”; từ những tấm hình, thước phim được chọn lựa kĩ càng để đăng trên Instagram đến cuộc đua trở thành “phiên bản rực rỡ nhất của chính mình”, văn hóa của chúng ta không ngừng nâng cao chuẩn mực cho những tính từ “thành công”, “xứng đáng” hoặc thậm chí là “đủ”. Nhưng liên tục chạy đua để trở thành người xuất chúng liệu có khiến chúng ta hạnh phúc hơn hay chỉ đang gieo thêm lo âu, mặc cảm và đứt gãy trong kết nối giữa người với người?

Ẩn giấu trong những cuộc đời không mấy nổi bật vẫn tồn tại sự bình yên sâu lắng, đích đến đáng quý, thậm chí là vẻ đẹp đáng tôn vinh. Có lẽ đã đến lúc ta nên giành lại chân lý ấy - rằng không cần rực rỡ để sống một đời đáng sống.

Những chuẩn mực ngày càng leo cao

Ngay cả trẻ con giờ đây cũng không thoát khỏi chuỗi dài những kì vọng từ gia đình và xã hội. Trước kia, thời chúng ta đi học, “trung bình” được coi là nền tảng để phấn đấu, không có gì đáng xấu hổ. Nhưng nhìn xem, lũ trẻ bây giờ đang bị áp lực phải trở thành những người có thành tựu từ khi còn chưa học được cách chơi đùa vô tư. Giành được điểm A vẫn bị coi là chưa đủ tốt nếu chúng không mang thêm giải thưởng, tham gia hoạt động ngoại khóa và trong vai những người dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm. Những rào chắn vô hình không ngừng cao lên, vì thế chẳng ngạc nhiên khi những sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học hay thị trường lao động đã kiệt sức thay vì hạnh phúc. 

Mạng xã hội chỉ đổ thêm dầu vào lửa, đốt cháy cuộc đua kì vọng ấy hơn. Không dừng lại ở việc lướt xem những khoảnh khắc rực rỡ của người khác, chúng ta bắt đầu so sánh với cuộc đời chưa được đánh bóng của bản thân. Đọc được câu chuyện về những bạn trẻ 22 tuổi khởi nghiệp, đi du lịch vòng quanh thế giới, tự sắm nhà riêng - ta cảm thấy mình tụt lại vì mỗi ngày chỉ dậy đi làm và thanh toán hóa đơn. Những điều ấy trước kia từng được coi là phi thường, nay bỗng hóa tiêu chuẩn tối thiểu.

Ngay cả trong đời sống riêng, áp lực vẫn len lỏi. Ta phải là những người yêu lý tưởng, cha mẹ dịu dàng, giỏi chăm sóc bản thân và công dân đầy chánh niệm - tốt nhất là xong hết trước 9 giờ sáng. Người ta truyền nhau một quan niệm hiện đại, rằng: bạn đang lãng phí tiềm năng nếu không tối ưu từng giây phút của cuộc đời mình.

Nhưng nếu tiềm năng không phải là một chiếc thang để leo, mà là một không gian để ta an trú thì sao?

Phẩm giá ẩn sau lựa chọn một đời an yên

Hãy đổi cách ta kể câu chuyện. Sẽ ra sao nếu một cuộc sống “tầm trung” lại chính là một công việc đủ nuôi sống bản thân, những mối quan hệ đầy yêu thương, và một mái nhà rộn tiếng cười xen lẫn tiếng bát đũa? Không phải thứ để ta trốn chạy khi nhắc đến, mà là điều đáng để gìn giữ và trân trọng đúng không?

Thật tuyệt khi bạn xuất hiện trên mạng xã hội với những khoảnh khắc như vậy, dù cho chẳng có lời tán dương nào. Chúng ta vẫn luôn cần một người bạn chân thành, một người lạ biết cảm thông, và một đồng nghiệp đáng tin cậy. Những vai trò ấy hiếm khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chúng là sợi chỉ âm thầm dệt nên kết cấu bền chặt của xã hội -  điều mà danh vọng và tiền bạc đôi khi không thể làm được.

Hãy nghĩ về những giáo viên, lao công, y tá, tài xế, đầu bếp, điều dưỡng - những con người mà công việc thầm lặng của họ vẫn đang giữ cho thế giới vận hành. Họ có thể không bao giờ được gọi tên rộng rãi, nhưng công sức của họ chạm đến cuộc sống của biết bao người. Những tên gọi nghề nghiệp nghe có vẻ “bình thường”, nhưng những gì họ làm được thì không hề nhỏ bé.

Bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đó là sự biết đủ với những gì bạn có, thay vì liên tục đem so với những cuộc đời khác. Đó là việc bạn hiểu rằng mình không thất bại chỉ vì không xuất chúng - chỉ cần là một con người đã luôn là điều đặc biệt. 

Những đánh đổi phía sau niềm tin phải trở nên xuất chúng

Bị cuốn vào cuộc đua theo đuổi sự vĩ đại thường dẫn ta đến tình trạng kiệt sức, lo âu và cô đơn. Chủ nghĩa cầu toàn gây ra chứng tê liệt cảm xúc, còn việc so sánh khiến ta đánh mất niềm vui. Ai cũng có thể “trên mức trung bình” - rõ ràng về mặt thống kê quan niệm này sai. Ấy vậy mà xã hội vẫn tiếp tục bán giấc mơ ấy, và ta vẫn tiếp tục mua nó, rồi cảm thấy mình chưa bao giờ đủ.

Ở một góc độ khác, việc tôn vinh thành công thái quá cũng hình thành một tâm thức thiếu hoàn thiện: nếu chỉ có một vài người ở đỉnh cao, thì phần còn lại ắt phải là kẻ thua cuộc. Nhưng cuộc sống đâu phải là một bảng xếp hạng, nó là bức tranh khảm đầy những niềm vui nhỏ bé, những khoảnh khắc yên tĩnh, và những kết nối thành thật giữa con người với nhau.

Ta chỉ thực sự sống trong hiện tại khi ngừng đuổi theo những cột mốc tiếp theo. Ta có thể tìm thấy sự đủ đầy, không phải trong việc trở nên khác biệt, mà trong cảm giác được thuộc về gia đình, cộng đồng và chính bản thân mình.

Viết lại định nghĩa “cuộc đời ý nghĩa”

Định hình lại những gì là cốt lõi của cuộc sống đòi hỏi sự can đảm - nhất là trong nền văn hóa đầy rẫy phô trương. Nó đồng nghĩa với việc khước từ lối sống "cày cuốc", chọn thầm lặng thay vì tiếng tăm, chọn sống sâu thay vì sống gấp, chọn sống đúng với hệ giá trị riêng của bản thân thay vì đứng trên những tiếng vỗ tay hào nhoáng.

Một cuộc đời ý nghĩa không được xây nên từ giải thưởng hay thuật toán mà được dệt từ những cuộc trò chuyện chân thật, những thói quen bồi đắp nên chúng ta, những bữa cơm trong gian bếp, những bước đi chậm rãi, những cử chỉ tử tế nhỏ nhoi - và nghỉ ngơi mà không mang theo cảm giác tội lỗi.

Hà Nhi dịch từ Psychology Today

Đọc bài viết

Trà chiều

“Cạm bẫy tiện lợi” của AI

Published

on

Vào thứ Sáu ngay trước ngày khai mạc Hội sách Thiếu nhi Bologna, OpenAI đã tung ra công nghệ tạo hình ảnh mới tích hợp trong GPT-4o. Công nghệ này giới thiệu các khả năng đa phương thức tiên tiến, cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh vô cùng chi tiết bằng nhiều phong cách nghệ thuật đa dạng. Gần như ngay lập tức, người dùng đã thử tạo hình ảnh theo phong cách thẩm mỹ đặc trưng của Studio Ghibli và thử nghiệm với nhiều phong cách minh họa sách thiếu nhi kinh điển. Độ chính xác của kết quả và khả năng bắt chước các họa sĩ minh họa nổi tiếng của công nghệ này đã thực sự gây sốc cho những người đang tề tựu tại Bologna.

Nổi bật trong các tiếng nói quan ngại về những bước tiến mới này là Nurgül Senefe, họa sĩ minh họa người Thổ Nhĩ Kỳ. Bà là nhà sáng lập của tổ chức vận động Illustrator’s Platform và Mạng lưới ZNN, một công ty đại diện tác giả và họa sĩ minh họa, đồng thời là Tổng Thư ký của Diễn đàn Họa sĩ Minh họa Châu Âu. Bà Senefe chia sẻ với tờ Publisher Weekly rằng, “sự lười biếng trong nhận thức” đang đe dọa khiến con người ngày càng phụ thuộc vào AI.

Bà Nurgül Senefe. Nguồn: Diễn đàn Họa sĩ Minh họa.

Từ kinh nghiệm điều hành một tổ chức với 400 nhân sự đang tận tâm bảo vệ quyền của họa sĩ minh họa và xây dựng những phương thức kinh doanh bền vững, bà Senefe cho rằng: “Điểm yếu lớn nhất của con người là cảm giác vui sướng đến từ sự tiện lợi mà AI mang đến”.

Mạng lưới ZNN hoạt động như một cầu nối trung gian giữa họa sĩ và bên đặt hàng, giúp thiết lập các quy chuẩn tối ưu cho ngành, đồng thời giám sát quy trình đặt hàng tác phẩm. Công việc của họ nay càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi AI ngày một tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực sáng tạo.

“Đặc biệt với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một nền tảng để đại diện cho quyền lợi của họa sĩ minh họa”, bà Senefe cho biết.

Khi khảo sát các thành viên trong tổ chức, bà Senefe thường đưa ra một câu hỏi lấy ví dụ từ bộ phim Ma trận (The Matrix), hỏi họ sẽ chọn viên thuốc nào – đỏ hay xanh. “Mọi người đều nói, ‘Tôi sẽ chọn viên màu đỏ’, bà kể lại, dùng phép ẩn dụ này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ chính mình “tỉnh táo nhận thức về những gì đang diễn ra hôm nay”.

Mối bận tâm hàng đầu của bà Senefe xoay quanh chính bản chất của con người. “Nếu bạn không ý thức được hành vi của mình, nó sẽ dần định hình nên tính cách của bạn.” Dù vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia sáng tạo – “Mọi người nói chúng ta không sử dụng AI tạo sinh, chúng ta chống lại nó”, bà vẫn quan sát thấy người ta tiếp tục thử nghiệm công nghệ này và ghi nhận rằng một số người cho biết nó “khá tiện lợi”.

Bà Senefe nhận định: Yếu tố tiện lợi này chính là mấu chốt của vấn đề. Bà cũng đưa ra các ví dụ tương tự trong đời thực. “Nếu bạn để ý, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy ở ga tàu điện hoặc nhà ga xe lửa, mọi người xếp hàng dài hàng mét chỉ để đi thang cuốn, nhưng tại sao họ không leo thang bộ cơ chứ?” Các ví dụ khác bao gồm sự lệ thuộc của xã hội vào thức ăn nhanh, bất chấp những rủi ro sức khỏe đã được chứng minh, hay việc nhiều bậc cha mẹ dùng máy tính bảng làm "người giữ trẻ kiểu mới cho con” khi quá tải hay xao nhãng.

Họa sĩ Hayao Miyazaki, đồng sáng lập Studio Ghibli luôn thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với AI trong sáng tạo. Trong bộ phim tài liệu Never - ending man: Hayao Miyazaki năm 2016, khi được giới thiệu về một dự án hoạt hình sử dụng AI, ông Hayao Miyazaki đã thẳng thừng chỉ trích công nghệ này. Ông gọi nó là "một sự xúc phạm đến cuộc sống" và nhấn mạnh rằng nghệ thuật không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc, trải nghiệm và tinh thần con người.

Bà Senefe tỏ ra lo lắng về một khả năng trong tương lai, nơi những người làm sáng tạo cuối cùng sẽ phải “làm việc cho máy móc”, khi các nhà xuất bản có khả năng chọn AI thay vì sản phẩm của con người vì chúng “quá tiện lợi, rẻ, hiệu quả và nhanh chóng”.

“Dần dà, chúng ta sẽ quen xem cái ‘chưa đủ’ là đủ, ‘không đẹp’ là đẹp, ‘phi nghệ thuật’ là nghệ thuật. Điều này sẽ kéo tụt mặt bằng giá trị của nhận thức chung, hiểu biết và sự chấp nhận của xã hội, làm thay đổi cả một lĩnh vực mà chúng ta thậm chí không hề hay biết”.

Để mô tả quá trình bình thường hóa đáng lo ngại này, bà Senefe đã đặt hàng một bức tranh minh họa dựa trên ẩn dụ về con ếch trong nồi nước đang nóng dần lên, không nhận ra mối nguy hiểm đang cận kề. Bức tranh này đặt ra một câu hỏi nhức nhối: “Bạn sẽ dùng AI một cách có ý thức và để máy móc phục vụ cho bạn, hay bị AI thống trị và trở thành tay chân cho máy móc?”

“Thử thách lớn nhất của chúng ta trong cuộc đối đầu với AI chính là sự lười biếng trong nhận thức”, bà Senefe kết luận. Bà cho rằng, cũng như sự nghiện ngập và các thói quen độc hại khác, sự phụ thuộc vào AI có thể bén rễ từ từ và len lỏi vào đời sống một cách khó nhận biết nếu giới chuyên môn sáng tạo không duy trì cảnh giác.

Hoàng Thảo dịch từ Publishers Weekly

Đọc bài viết

Cafe sáng