Book trailer
Bức thư tình gửi đến Việt Nam từ một nhà thơ người Mỹ

Book trailer
‘Đũa – Chuyện linh dị’ khám phá những truyền thuyết rùng rợn về đôi đũa

Nỗi ám ảnh từ đôi đũa
Đũa là một vật dụng rất đỗi thường mọn trong đời sống hằng ngày nhưng với văn hóa Á Đông, đũa lại mang một sức mạnh tâm linh bí ẩn, hàm chứa vô số những điều cấm kỵ truyền miệng suốt ngàn đời nay.
Lấy cảm hứng từ điều đó, năm tác giả đến từ Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan đã cùng nhau phỏng tác những tục lệ dân gian huyền bí cũng như những truyền thuyết về bùa ngải, ma thuật xoay quanh vật phẩm bé nhỏ này qua một loạt vụ án liên tiếp trải dài từ quá khứ đến hiện đại trong tác phẩm.
Những vụ án này có thể bắt đầu từ hàng loạt cái chết bi thảm khó lý giải, hình ảnh oan hồn cô dâu ma bên đầm Tân Nương, hay sự xuất hiện bí ẩn của những kẻ mang ấn ký hình cá đỏ…
Tất cả mọi manh mối đều dẫn đến một vật hết sức mơ hồ – đũa. Và cũng từ đó những lời đồn thổi về nghi lễ cổ quái xa xưa lại một lần nữa trỗi dậy, rằng chỉ cần qua tám mươi tư ngày tham gia nghi lễ ấy, mọi ước vọng của nhân gian dẫu ngông cuồng đến đâu cũng đều có thể xoay chuyển càn khôn trở thành hiện thực. Nhưng trong cơn cuồng say dục vọng, không ai có thể ngờ rằng một khi dấn bước vào nghi lễ kỳ bí ấy tức là họ đã tự trói buộc mình vào lời nguyền truyền kiếp và cái giá phải trả sẽ tột cùng kinh hoàng.

Một “nghi lễ” vượt biên giới của các nhà văn
Đũa – Chuyện linh dị là dự án đánh dấu sự hợp tác của 5 cây bút đến từ Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản, nhưng đây hoàn toàn không phải một tập truyện ngắn theo cách hiểu thông thường.
Với đề tài chính là “đũa”, các nhà văn có thể tự do sáng tạo mạch truyện theo cách riêng, nhưng để giữ cho tập sách có sự thống nhất, ba tác giả đầu tiên sẽ xây dựng những tình tiết nền móng, hai tác giả cuối cùng dựa trên manh mối từ ba truyện trước để khép lại câu chuyện theo cách diễn giải của mình.
Đũa – Chuyện linh dị thuộc thể loại tiểu thuyết hợp tác (collaborative fiction), thường gồm hai hoặc một số nhà văn thay phiên nhau viết từng phần câu chuyện và chuyển cho người tiếp theo, nhưng vẫn chú ý đến nhân vật, tình tiết của đối tác để triển khai mạch truyện sao cho logic, chặt chẽ.
Thể loại này đặc biệt phù hợp với đề tài tác phẩm, vốn xoay quanh các nghi lễ ma quái nhằm triệu hồi một thế lực thần bí, tương tự như quá trình sáng tác Đũa – Chuyện Linh Dị đã kết nối năm cây bút độc lập đến từ những vùng đất khác nhau, đưa họ đến một mục đích chung.
Chính vì thế, tác giả Tiêu Tương Thần cho rằng những yếu tố bất ngờ, nằm ngoài sự mong đợi của các tác giả chính là điểm hấp dẫn của dòng tiểu thuyết hợp tác. Người này nhận xét:
“Như thể có một bàn tay lớn hơn ẩn đằng sau các tác giả, âm thầm thêu dệt truyện. Câu chuyện rời khỏi tay tác giả, lần lượt phản bội tác giả, khiến tác giả trở thành một phần của câu chuyện, phải chăng có một thế lực nào lớn hơn đang ở phía sau chúng tôi?”.

Sức hấp dẫn không thể chối từ của dòng truyện “linh dị”
Dòng truyện linh dị là những tác phẩm xoay quanh tập tục dân gian cổ xưa, tà đạo, thuật phong thủy, hoặc những thế lực siêu nhiên như vong hồn, oán chú,… đặc trưng trong văn hóa Á Đông.
Truyện linh dị thường khiến người đọc rợn tóc gáy vì khả năng truyền tải nỗi sợ qua những vật dụng gần gũi trong đời sống thường ngày; hay như những câu chuyện truyền miệng qua lời kể của ông bà, cha mẹ; những lời đồn đại của bạn bè trong lớp học; hoặc đôi khi chỉ đơn giản là những phỏng đoán xung quanh một địa điểm hay một vụ án bí ẩn không lời giải.
Khác với dòng truyện nặng tính kinh dị (horror) đến từ phương Tây, tiểu thuyết linh dị Á Đông dễ dàng hớp hồn độc giả Việt Nam nhờ sự tương cận, gần gũi về văn hóa. Nhiều độc giả có lẽ đã dần biết đến dòng tiểu thuyết linh dị thông qua văn học mạng hay các tác phẩm của Quỷ Cổ Nữ.
Đến với Đũa – Chuyện linh dị, người đọc không những được trải nghiệm một câu chuyện hấp dẫn, rùng rợn xoay quanh đũa và những tập tục cổ xưa, mà còn có dịp làm quen với dạng thức tiểu thuyết hợp tác – một thể loại vẫn còn mới mẻ với nhiều độc giả Việt Nam.

Trích đoạn
Dưới ánh trăng, tôi cắm một chiếc đũa vào hũ gạo, chiếc kia xếp ngang phía trên thành hình chữ T. Tôi quỳ xuống thắp một nén nhang, đầu nhang đỏ rực như đom đóm, hương thơm quyện vào trong gió.
Sau đó tôi lầm rầm câu chú.
Lần cuối cùng tôi đọc câu chú này là hơn bốn mươi năm trước, nhưng lòng tôi bây giờ so với khi đó đã hoàn toàn khác.
Trong những mảnh vỡ của cuộc đời tôi, luôn lấp lóa tia sáng đỏ rực của cái đêm kinh hoàng bên bờ suối, khiến tôi thấy mình vẫn như đang đắm mình trong làn nước lạnh giá để khâu lại những tấm da mỏng manh, những đứa trẻ bị đẩy vào bóng tối với cặp mắt mở trừng trừng…
(trích đoạn Đũa – Chuyện linh dị)
Về tác giả
Mitsuda Shinzo: tiểu thuyết gia dòng kinh dị kỳ ảo người Nhật Bản, nổi tiếng với series truyện Tojio Genya và Like a Sinking Water Demon (giải thưởng Honkaku Mystery Award)…
Tiết Tây Ti (Xerxes): tiểu thuyết gia dòng võ thuật, kỳ ảo người Đài Loan, nổi tiếng với các tác phẩm tiêu biểu: H.A, Phoenix, Lotus Reborn (giải thưởng Kadokawa Fiction năm 2013)…
Tiêu Tương Thần: tiểu thuyết gia kiêm nhà sản xuất game nổi tiếng người Đài Loan, tác phẩm đầu tay của anh - Taipei Scrolls - đoạt giải thưởng Kadokawa Fiction năm 2012 và King Car Fantasy Fiction Prize năm 2014.
Je Tau Zi: tiểu thuyết gia trinh thám kiêm nhà sản xuất truyền hình nổi tiếng người Hồng Kông, tác phẩm tiêu biểu The Spirit of the Word của cô từng đoạt giải thưởng Kadokawa Fiction năm 2013.
Chan Ho Kei: tiểu thuyết gia kiêm kỹ sư phần mềm, nhà thiết kế trò chơi và biên tập viên tạp chí truyện tranh người Hồng Kông. Các tác phẩm tiêu biểu của anh gồm có: The Case of Jack and the Beanstalk, The Locked Room of Bluebeard, The Man Who Sold the World (Soji Shimada Mystery Award 2011)... Tại Việt Nam, tác phẩm trinh thám Người trong lưới và 13.67 của anh cũng được độc giả nhiệt liệt đón nhận.
Hết.
Book trailer
Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác – tác phẩm về một thí nghiệm tâm lý gây chấn động

Tác phẩm được viết bởi hai nhà tâm lý học đoạt giải Ig Nobel 2004
Hai nhà tâm lý học Christopher Chabris và Daniel Simons gặp nhau tại Viện Đại học Harvard vào năm 1997 và bắt đầu trở thành cộng sự trong lĩnh vực nghiên cứu.

Christopher Chabris là một giáo sư tâm lí học và cũng là giám đốc điều hành của một chương trình về khoa học thần kinh tại Đại học Union ở Schenectady, New York (Mỹ). Daniel Simons là nhà tâm lý học thực nghiệm, nhà khoa học nhận thức, và là giáo sư Khoa Tâm lý học ở Viện Beckman về Phát triển khoa học và công nghệ tại Đại học Illinois (Mỹ).
Năm 2004, họ cùng thắng giải Ig Nobel tâm lý học – một giải thưởng nhại lại giải Nobel được trao cho “những thành tựu ban đầu làm người ta phì cười, nhưng sau đó lại khiến họ suy nghĩ”. Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác được lấy cảm hứng từ đây.
Hiện tượng “nhìn mà không thấy” trong thí nghiệm “khỉ đột vô hình”
Mọi chuyện bắt đầu từ một thí nghiệm kinh điển của Chabris và Simons. Hai nhà tâm lý học nhờ các tình nguyện viên trường Harvard xem đoạn phim ngắn về trận bóng giữa hai đội mặc áo đen và trắng, yêu cầu họ đếm số lần chuyền bóng của hai đội. Sau khi hết video, các đối tượng tham gia thí nghiệm nêu ra con số mà mình đếm được.
Nhưng nhiệm vụ đếm số lần chuyền bóng chỉ là cái cớ để giữ cho những tình nguyện viên phân tâm khỏi sự kiện chính trong đoạn video. Giữa lúc trận bóng diễn ra, một người mặc bộ đồ hóa trang khỉ đột lặng lẽ đi vào hiện trường, nhìn về phía camera, lấy tay đấm lên ngực rồi bước ra. Cảnh này diễn ra trong vòng 9 giây.
Kết quả thật đáng ngạc nhiên: khoảng phân nửa đối tượng tham gia thí nghiệm, vì quá chú tâm đến nhiệm vụ của mình, đã không chú ý tới chú khỉ đột!
Thí nghiệm này là xuất phát điểm để Christopher Chabrisvà Daniel Simons phát triển công trình nghiên cứu gây tiếng vang của mình. Khoa học gọi đây là hiện tượng “mù vô ý” (inattentional blindness) có thể xảy ra hằng ngày trong mọi khía cạnh của đời sống, nhưng những điều trên mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi.
Chúng ta không biết nhiều về thế giới như ta vẫn nghĩ
Từ một thí nghiệm về tình trạng mù vô ý, Christopher Chabrisvà Daniel Simons đã dẫn chứng hàng loạt câu chuyện có thật nhằm chứng minh rằng nhận thức con người đầy rẫy những lỗ hổng.
Khi tham gia giao thông, bạn hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng mù vô ý và không thể tránh kịp chiếc xe đang ở phía trước, dù nó nằm ngay trong tầm nhìn của bạn.

Cuốn sách đưa ra những trường hợp chứng tỏ con người thường vô ý bỏ qua những gì ở ngay trước mắt khi quá tập trung vào một việc cụ thể, dẫn tới hậu quả khôn lường: như một cảnh sát chạy ngang qua hiện trường một vụ hành hung nhưng không nhận ra, một vị hạm trưởng tàu ngầm không thấy chiếc ngư thuyền trong tầm mắt, một tài xế không chú ý tới người chạy xe máy, một phi công không thấy chướng ngại vật trên đường băng…
Không dừng lại ở những gì tai nghe mắt thấy, Chabris và Simons đi sâu vào phân tích nhiều cái bẫy ảo tưởng tinh vi hơn, chẳng hạn ảo tưởng về ký ức, ảo tưởng về kiến thức hay ảo tưởng về sự tự tin. Bộ đôi nhà tâm lý học chỉ ra rằng, bộ nhớ của chúng ta thường cố tình bóp méo những ký ức về sự kiện trong quá khứ, rằng một chuyên gia vẫn có thể mắc sai lầm… Tất cả đều xuất phát từ niềm tin mù quáng vào kinh nghiệm và nhận thức của bản thân.
Những ảo tưởng sai lầm có thể khiến chúng ta bị “dắt mũi”
Có nhiều doanh nghiệp đã tạo ra hàng triệu USD nhờ tận dụng những ảo tưởng phổ biến của con người.
Một trong số đó là việc quảng cáo loại headset đeo tai để nghe điện thoại trong lúc lái xe. Luật giao thông cấm tài xế sử dụng điện thoại di động cầm tay khi đang chạy xe trên đường, nhưng không cấm tài xế đeo headset. Tờ quảng cáo của công ty AT&T Wireless đã tuyên bố: “Nếu sử dụng điện thoại không dây trong khi lái xe, bạn có thể giữ cả hai bàn tay trên tay lái”.

Chabris và Simons cho rằng không có nhiều khác biệt giữa khả năng gây phân tâm của điện thoại cầm tay và điện thoại rảnh tay, vì bản chất việc nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe đòi hỏi khả năng đa nhiệm của người sử dụng. Càng chú tâm vào cuộc nói chuyện, tài xế sẽ càng xao lãng những gì diễn ra trước mắt, dễ dẫn đến tình trạng mù vô ý, thế nên quảng cáo headset đeo tai an toàn hơn điện thoại cầm tay là hoàn toàn sai lầm và lợi dụng niềm tin của người dùng.
Bằng cách nhận ra khi nào và tại sao các ảo tưởng này lại ảnh hưởng tới mình, hậu quả mà chúng gây ra cho những vấn đề của con người, Chabris và Simons tin rằng Khỉ Đột Vô Hình Và Cú Lừa Của Trực Giác sẽ giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo hơn về cách tâm trí hoạt động, vượt qua hoặc giảm thiểu tác động của những ảo tưởng ở mức tối đa, từ đó sống và đưa ra quyết định một cách sáng suốt hơn.
Trích đoạn
“Mỗi khi nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe, và tin rằng mình vẫn đang chú ý đủ trên đường, chúng ta bị ảnh hưởng bởi một trong những ảo tưởng này. Mỗi khi giả định rằng người nhớ sai quá khứ của họ thì chắc là đang dối trá, chúng ta đầu hàng một ảo tưởng. Mỗi lúc chọn vị lãnh đạo cho một đội ngũ, do người đó thể hiện sự tự tin nhiều nhất, chúng ta bị ảo tưởng tác động. Mỗi lúc bắt đầu một dự án mới và tin rằng mình biết nó sẽ hoàn thành trong bao lâu, chúng ta lại bị một ảo tưởng. Thực vậy, hầu như không có lĩnh vực nào của hành vi con người là không chạm tới ảo tưởng hàng ngày”.
Nhận xét của độc giả
“Một cuốn sách khai nhãn. Sau khi đọc, bạn sẽ nhìn vào chính mình và thế giới xung quanh một cách khác biệt.” - Joseph T. Hallinan
“Khỉ đột vô hình và cú lừa của trực giác khiến chúng ta khôn ngoan hơn bằng cách tự nhắc nhở rằng mình hiểu biết ít như thế nào.” - Amanda Ripley
“Một hành trình hấp dẫn và sâu sắc đi qua những ảo tưởng có sức ảnh hưởng tới mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.” - Richard Wiseman
Hết.
Book trailer
Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn chạm mốc 10 năm tuổi với 30 lần tái bản

Xuất bản lần đầu năm 2012, Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn đã chạm mốc 10 năm tuổi, với 30 lần tái bản và luôn nằm trong danh sách best-seller của Phương Nam Book.
Hành trình 10 năm với 30 lần tái bản
10 năm tuổi, 30 lần tái bản, thế nhưng những suy tư, chiêm nghiệm trong Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn chưa bao giờ lỗi thời mà ngược lại còn tiếp tục chứng minh sức sống cùng với thời gian.
Dù ra mắt năm 2012 dưới dạng tuyển tập tản văn, những trang viết đầu tiên trong Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn thực chất đã nhen nhóm từ các bài đăng trên chuyên mục Cảm Thức của Bán nguyệt san 2! (số Chuyên đề của báo Sinh Viên Việt Nam), lặng lẽ chinh phục những độc giả trẻ đang loay hoay định vị bản thân giữa cuộc sống bộn bề, và cả những độc giả có tuổi muốn nhìn lại cuộc đời dưới một lăng kính mới…
Khi chính thức xuất bản thành sách, tập tản văn đã tạo nên một hiện tượng đặc biệt trong văn hóa đọc Việt Nam. Các bài viết của bộ đôi tác giả lấy bút danh Phạm Lữ Ân có thời được đăng tải, trích dẫn trên những nền tảng mạng xã hội, tạo cảm hứng cho nhiều bài hát, kịch bản phim. Các trích đoạn trong sách thậm chí còn được đưa vào đề thi ngữ văn tại một số trường trung học phổ thông.
Bìa sách cho độc giả tự thiết kế
Ở mỗi cột mốc tái bản, Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn lại khoác lên chiếc áo mới, khi thì thay bìa, lúc lại có thêm ấn bản bìa cứng và minh họa màu…
Để kỷ niệm “sinh nhật” 10 năm cùng lần tái bản 30, Phương Nam Book mang đến ấn bản với một hình thức hoàn toàn mới, đó là phần bìa được thiết kế theo dạng khung tranh để độc giả có thể tùy ý lựa chọn, thay đổi bìa sách theo 4 tranh rời được đính kèm.
Trong đó, 3 tranh bìa rời đã được thiết kế sẵn với phong cách trẻ trung, bắt mắt, còn bìa trắng để độc giả có thể tự do vẽ vời, sáng tạo theo phong cách riêng.

Các bìa rời này đồng thời cũng là Postcard được in hai mặt, có tem thư và câu trích dẫn ý nghĩa làm quà tặng độc giả. Bên trong sách có tranh minh họa trắng đen sinh động, dễ thương.
Tập tản văn đồng hành cùng độc giả mọi lứa tuổi
Ban đầu, các bài viết trong Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn được viết như những lời gửi gắm, tâm tình dành cho người trẻ. Nhưng theo thời gian, sức lan tỏa của tác phẩm đã vượt qua kỳ vọng ban đầu của người viết và chạm đến trái tim độc giả ở mọi lứa tuổi.
Cuốn sách tập hợp 40 tản văn xoay quanh các chủ đề như tình yêu, tình bạn, gia đình… với những góc nhìn sâu sắc về sự vô thường của cuộc đời – đúng như tên sách đã gợi ra. Đó có thể là cái nhìn thông tuệ về tình yêu, về những thành bại trong cuộc đời, hay về quá trình trưởng thành gian nan của mỗi người…
Nhiều bài viết trong sách được chấp bút cách đây hơn 10 năm nhưng luôn giữ được tính phổ quát và thời sự. Khi dịch Covid-19 bùng phát mở đầu cho giai đoạn giãn cách xã hội, tác giả Phạm Công Luận đã kịp thời chia sẻ lại bài viết “Có một cuốn sách bên trong bạn” như một cách động viên mọi người vượt qua suy nghĩ tiêu cực và tận dụng khoảng thời gian này để tự khám phá những tố chất bên trong. Hay các bài viết về tuổi mới lớn như “Những khoảng trống không thể lấp đầy”, “Ngược dòng nước mắt”… vẫn đủ sức nói lên tâm tư của những người trẻ hiện nay.
Nhiều độc giả chia sẻ rằng mình đã nhận được vô số bài học quý giá từ các trang viết của bộ đôi tác giả Phạm Lữ Ân. Có người còn cho rằng mỗi lần đọc lại sách đều có thể tự đúc kết thêm những ý nghĩa mới.
Một cuốn sách dù có giá trị vượt thời gian cách mấy cũng không thể tránh những khuyết điểm, thiên kiến từ chính người viết, nhất là đối với một tác phẩm được tái bản hàng chục lần và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt như Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn.

Vào đợt kỷ niệm lần tái bản thứ 20, tác giả Phạm Công Luận từng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Có lúc Đông Vy (người viết chính) muốn sửa chữa lại vài từ, vài câu hay chỉnh lại vài ý trong sách nhưng tôi cho rằng cứ để nguyên vì nó đã được cảm nhận nguyên bản như vậy rồi”.
Sau này, tác giả Đông Vy chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Mình viết những suy nghĩ thành thật của mình trong thời điểm đó. Nếu chưa toàn diện và còn những thiên kiến của riêng mình thì nó thể hiện bản thân mình lúc đó chưa hoàn hảo”.
Nhưng theo Đông Vy, chính vì chưa hoàn hảo nên tác giả có thể tiếp tục suy tư về những vấn đề được viết trong sách và đồng hành cùng độc giả trên hành trình chiêm nghiệm cuộc đời.
Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này nhận được nhiều sự yêu mến đến vậy, khi tái bản lên tới con số 30 lần. Những trang viết của Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn suốt bao nhiêu năm qua vẫn như người bạn tâm tình cùng bao thế hệ bạn đọc, xứng đáng trở thành một trong những cuốn sách được yêu thích nhất ở Việt Nam.
Trích đoạn
“Người ta gọi tuổi mới lớn là “tuổi biết buồn”. “Biết buồn” tức là chạm ngõ cuộc đời rồi đó. Biết buồn tức là bắt đầu nhận ra sự hiện hữu của những khoảng trống trong tâm hồn. Biết buồn là khi nhận ra rằng có những lúc mình cảm thấy cô độc. Khi đó, hãy dành cho sự cô độc một khoảng riêng, hãy đóng khung sự cô đơn trong giới hạn của nó, như một căn phòng trống trong ngôi nhà tâm hồn. Mỗi lần vào căn phòng ấy, dù tự nguyện hay bị xô đẩy, thì bạn vẫn có thể điềm tĩnh khám phá bản thân trong sự tĩnh lặng. để rồi sau đó, bạn bình thản bước ra, khép cánh cửa lại và trở về với cuộc sống bề bộn thường ngày, vốn lắm nỗi buồn nhưng cũng không bao giờ thiếu niềm ”
(Trích “Những khoảng trống không phải để lấp đầy”)
“Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn luôn thấy mình đã sống rất sâu.
Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?”
(Trích “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”)
Nhận xét của bạn đọc
“Đọc nó, ta như tìm được lời giải đáp cho những suy tư của chính mình. Đọc nó, ta như tìm lại được chốn bình yên trong tâm hồn mình. Để rồi ta nhìn cuộc đời bao dung hơn, nhìn con người vị tha hơn, và bản thân ta cũng dũng cảm hơn trong cuộc sống. Khi đó, ta chính là ta, và sống một cuộc đời chân thực nhất.”
– Cao Hạnh Quyên
“Đây là cuốn sách giúp mình tiết kiệm đến nửa cuộc đời.”
– Nguyễn Khánh
“Đây xứng đáng là một quyển sách có ở mỗi gia đình, để khi người ta cảm thấy mất phương hướng có thể tìm lại ở đó, phát hiện ra chút hy vọng của hạnh phúc trong cuộc đời mình.”
– Đặng Ngọc Tú
Về tác giả
Phạm Lữ Ân là bút danh chung của hai tác giả đồng thời là một cặp vợ chồng được rất nhiều bạn đọc trẻ yêu mến: Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận. Ngoài Nếu biết trăm năm là hữu hạn, họ còn có những tác phẩm viết chung như Những lối về ấu thơ, bộ tản văn Lạc giữa nhân gian – Trên đường rong ruổi…
Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…
Tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy được biết đến qua tập tản văn Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, hoặc tác phẩm biên dịch Làm ơn hãy để con yên…
-
Cafe sáng3 tháng ago
Nhà Sách Phương Nam hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I
-
Cafe sáng2 tháng ago
Khuyến mãi tháng Tư: Nhà Sách Phương Nam giảm giá 10 đến 40% sách quốc văn và ngoại văn
-
Cafe sáng2 tháng ago
Sự kiện “Giúp trẻ vượt qua cảm xúc tiêu cực & phát triển lành mạnh (qua 3 cuốn sách Phương Nam Book)”
-
Trà chiều3 tháng ago
Đừng nhờn với văn nhân!
-
Cafe sáng3 tháng ago
Khuyến mãi tưng bừng giảm đến 50% băng đĩa các loại
-
Cafe sáng3 tháng ago
Hội sách online 2022 cùng Nhà sách Phương Nam
-
Phía sau trang sách3 tháng ago
Công bố danh sách rút gọn Giải Booker 2022: Phái nữ chiếm phần hơn
-
Top sách hay3 tháng ago
Tuổi trẻ, mình chữa lành những nỗi đau