Book trailer

Bức thư tình gửi đến Việt Nam từ một nhà thơ người Mỹ

Published

on

Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn là tuyển tập bút ký điền dã của một nhà thơ, nhà báo người Mỹ viết về Sài Gòn, được xuất bản dưới dạng sách song ngữ. Tuyển tập gồm 8 đoản khúc, xoay quanh những điều bình dị như cây chò nâu, tiệm tạp hóa, lục bình, sở thú… cho đến những chủ đề “khó nhằn” như tục thờ cá Ông, đồn điền cao su, nghề nấu rượu… Tất cả được viết bằng giọng văn vừa dí dỏm, khoa học nhưng không kém phần thơ mộng.

Việt Nam qua góc nhìn của thi sĩ Mỹ

Nhà thơ Paul Christiansen sinh năm 1986, quốc tịch Mỹ, tốt nghiệp cử nhân Đại học St Olaf và có bằng thạc sĩ nghệ thuật Đại học Quốc tế Florida (Mỹ).

Nhận học bổng chương trình Fulbright, anh sang Quy Nhơn năm 2015 rồi sau đó chuyển hẳn đến Việt Nam làm việc. Anh hiện là Giám đốc Nội dung của tạp chí Saigoneer và đang miệt mài chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Thơ của Paul Christiansen đã xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín như Atlanta Review, Pleiades, Quarter After Eight, Threepenny Review, Zone Three và đã đoạt hai giải thưởng thi ca của Viện Hàn Lâm Thi Ca Mỹ.

Tài năng của Trần Thị NgH trong vai trò dịch giả

Chịu trách nhiệm chuyển ngữ tập bút ký của Christiansen là Trần Thị NgH – nữ văn sĩ từng gây tiếng vang với những truyện ngắn được viết trước 1975. Năm 2012, nhiều truyện ngắn của Trần Thị NgH được tập hợp lại thành sách và giới thiệu với độc giả trong nước, như Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạn, Nhăn Rúm và các truyện ngắn khác. Vào năm 2018, tác phẩm gần đây nhất của bà là Ác tính được xuất bản, gây xôn xao văn đàn. 

Vắng bóng một thời gian trong tư cách người cầm bút, Trần Thị NgH bất ngờ trở lại với cuốn sách Dưới Tán Chò Nâu, nhưng trong một vai trò mới: dịch giả.

Đọc qua phần mục lục, ta có thể thấy tài năng của Trần Thị NgH qua việc chuyển ngữ những tiêu đề tiếng Anh sang tiếng Việt rất mượt mà:

  • SỞ THÚ SÀI GÒN – Vẫn yêu dù có thế nào (On Loving the Saigon Zoo Despite Its Flaws)
  • LỤC BÌNH: Người đẹp thủy sinh, kẻ phá hoại đáng ghét, quân xâm lược xấu xa (An Invasive, Destructive, Beautiful Aquatic Villain)

Bà cũng là người biên dịch nhiều tác phẩm của John Steinbeck, Anton Chekhov, Paolo Giordano, Franck Thilliez, Guillaume Musso,…

Về việc dịch tác phẩm này, bà cho biết: “Thách thức trong khi dịch Paul Christiansen không chỉ đòi hỏi nỗ lực Việt hóa tác phẩm sao cho không còn là văn dịch đồng thời đảm bảo trung thực ý nghĩa từng câu chữ so với bản gốc, mà còn phải làm thế nào để giữ cho được cái giọng châm biếm ở nhiều ngữ cảnh của tác phẩm, đặc biệt giọng văn rất thơ của tác giả”.

Tập bút ký điền dã với nhiều suy tư sâu sắc

Vốn là người yêu thiên nhiên và thơ ca, dễ thấy rằng Paul Christiansen đặc biệt quan tâm đến những điều tạo nên nét đẹp mộc mạc, bình dị của mảnh đất hình chữ S. Tác giả tìm thấy cảm hứng từ việc đi dạo dưới bóng cây râm mát của sở thú, trăn trở về cá voi ngoài đại dương lẫn những con thú bị nhốt trong chuồng, thích thú ngắm nhìn lục bình trôi và những quả chò nâu xoay vòng trong gió…

Những bài viết của Paul Christiansen độc đáo ở chỗ có sự đan xen giữa óc quan sát tinh tế của một nhà thơ và góc nhìn chuyên sâu của một nhà nghiên cứu về những cảnh quan, nghi lễ, sự thật lịch sử vẫn còn bị dân bản địa thờ ơ.

Hai bài viết đầu tiên, Sở thú Sài Gòn, Tạp hóa và cửa hàng tiện lợi, đưa người đọc tái khám phá những địa điểm quen thuộc dưới một lăng kính mới. Trong mắt nhà thơ người Mỹ, ngay cả những dây dầu gội, sữa tắm treo trước các tiệm tạp hóa trông thật lạ lẫm, được anh ví như “rêu bằng nhôm mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi để che hậu cảnh”.

Nhưng Paul Christiansen không chỉ khám phá Việt Nam qua những điều mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Nghề nấu rượu, Tục thờ cá Ông, Đồn điền cao su Việt Nam… khai thác những chủ đề tưởng chừng khô khan, khó nhằn thậm chí đối với người bản địa.

Nghề nấu rượu xoay quanh món rượu gạo truyền thống của Việt Nam và những thăng trầm mà người làm rượu theo cách thủ công phải trải qua trong suốt thời kỳ Pháp đô hộ.

Tục thờ cá Ông viết về tín ngưỡng thờ cúng cá voi ở các làng chài Việt Nam, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đồng thời cũng là nỗi băn khoăn của tác giả trước thực tế cá voi đang dần tuyệt chủng.

Đồn điền cao su điểm lại một trang sử bi thương của người Việt Nam, nhìn thẳng vào hệ quả hậu thuộc địa mà các nước thực dân gây ra.

Bảo tàng Địa chất, Lục bình, Chò nâu Sài Gòn viết về những vật, những người vẫn luôn ở đó nhưng dễ bị lãng quên giữa guồng quay cuộc sống: một bảo tàng khiêm tốn nằm ở góc quận 1, thảm xanh lục bình trôi trên sông, hay vẻ đẹp của cây chò nâu mọc ven đường…

Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn là tập bút ký dành cho người yêu Sài Gòn, yêu Việt Nam, và cả những người muốn yêu lại từ đầu với thành phố, với mảnh đất này…

Trích đoạn

“Trong khi tản bộ xuống đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi chợt thấy một thác chò đổ tuôn sau cơn gió hè. Những quả khô bay vòng vèo xuống rồi đáp bất lực trên nền bê tông. Vô phương bám rễ, những đôi cánh xụi lơ, giống như vây cá voi sát thủ yếu quặt vì bị giam cầm. Có một thứ gì đó trong tôi cũng tả tơi như thế.”

(trích Chò nâu Sài Gòn)

“… tôi đến viếng bàn thờ cá Ông và thắp một nén nhang cầu xin cho cá voi được trường tồn, cho làng chài được sung túc và cho những ao ước riêng tư của mình thành hiện thực – những khát vọng này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Khói nhang bay tỏa lên không trung, giống như tiếng hát cá voi vang vọng vào cõi tĩnh lặng lúc nó ngoi lên từ vực nước thẳm sâu”.

(trích Tục thờ cá Ông)

Nhận xét

Paul Christiansen thích đi bộ để thấy và nghe. Anh lắng nghe tâm tình của động vật và cây cỏ trong Thảo Cầm Viên, ngồi ngắm lục bình trôi trên sông Sài Gòn, mua nhu yếu phẩm từ tiệm tạp hóa góc phố, uống rượu gạo với dân làng chài, thắp nhang vái lạy trước bàn thờ cá Ông làng Phước Hải, băn khoăn về những dòng máu trắng chảy trong rừng cao su thời thuộc địa, ray rứt với từng viên thạch anh trưng bày ở Bảo tàng Địa chất, ngắm nhìn cánh chò xoay xoay trong gió…

– Dịch giả Trần Thị NgH

Hết.

Book trailer

Kể chuyện hay là chết: Khám phá bí mật để kết nối, thuyết phục và tạo dựng ảnh hưởng

Published

on

By

Trong thế giới tràn ngập thông tin như hiện nay, việc thu hút sự chú ý và truyền tải thông điệp hiệu quả trở thành một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, trong cuốn sách Kể chuyện hay là chết vừa được Phương Nam Book phát hành, tác giả Lisa Cron đã đưa ra rất nhiều chiến lược hữu ích nhằm giúp độc giả có thể tạo ra những câu chuyện đầy sức hút.

Kể chuyện hay là chết không chỉ là cuốn sách dành cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, khao khát tìm kiếm giải pháp đột phá để truyền tải thông điệp và thay đổi thế giới quan của người khác; mà còn là cuốn sách dành cho những ai có mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình một cách hiệu quả và chạm đến trái tim người nghe. Nói cách khác, cuốn sách này không có đối tượng giới hạn; bởi lẽ, khao khát kể chuyện, khao khát được lắng nghe luôn là nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm bắt được kĩ năng kể chuyện. 

Đặt người nghe ở vị trí trung tâm, câu chuyện sẽ có sức cuốn hút

Lisa Cron mở đầu tác phẩm Kể chuyện hay là chết bằng một câu châm ngôn của người Hopi: “Người biết kể chuyện là người thống trị thế giới”. Ngay sau đó, bà dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện của chính mình, bắt đầu từ trải nghiệm đầy ức chế tại sân bay LaGuardia.

Mặc dù chuyến bay của bà đã bị hoãn vì thời tiết xấu, Lisa vẫn kịp đến Manhattan cho cuộc họp quan trọng. Tuy nhiên, khi máy bay hạ cánh, bà lại bị mắc kẹt tại sân bay LaGuardia – vốn lúc này đang trong quá trình đại tu với khung cảnh hỗn loạn, ồn ào. Sau khi xuống máy bay bằng cầu thang ọp ẹp, Lisa phải cuống cuồng tìm kiếm phương tiện di chuyển, chen chúc giữa dòng người đông đúc.

Mất hơn 40 phút chờ đợi xe buýt trung chuyển, Lisa gần như chắc chắn rằng mình sẽ lỡ cuộc họp quan trọng. Tuy nhiên, điều khiến bà thực sự khó chịu lại là đoạn thông báo được phát đi phát lại trên xe với giọng đọc đầy phấn khích, hào hứng giới thiệu về nhà ga mới đang xây sẽ có đủ loại tiện nghi hiện đại như muốn nói với hành khách rằng mọi sự chờ đợi, bất tiện ở thời điểm này đều là xứng đáng.

Tuy nhiên, theo Lisa, thông điệp mà ban quản lý sân bay muốn truyền tải hoàn toàn lạc lõng và phản tác dụng. Thay vì thể hiện sự đồng cảm với những hành khách đang mệt mỏi vì chuyến bay bị trì hoãn, họ lại mải mê khoe khoang về một tương lai lý tưởng. Sự thật là, chẳng ai quan tâm đến những điều xa xôi ấy khi bản thân còn đang chật vật với mớ cảm xúc hỗn độn: kiệt sức, bực bội, lo lắng vì có thể trễ hẹn.

Lisa nhận định rằng ban quản lý sân bay đã mắc một sai lầm rất phổ biến: Cho rằng chỉ cần cung cấp thông tin khách quan là đủ để thuyết phục người khác. Họ không hiểu rằng, con người thường hành động dựa trên cảm xúc, thay vì dữ kiện thông tin. Từ đó, tác giả khẳng định rằng để truyền tải thông điệp hiệu quả, trước tiên, ta cần phải đứng ở góc nhìn của người nghe và cho họ cảm giác được lắng nghe. Bởi lẽ, sẽ chẳng ai muốn nghe câu chuyện từ một người đã đem lại cho họ cảm giác không được tôn trọng.

Một câu chuyện hay có thể thay đổi cả thế giới

Lisa Cron tin rằng để thuyết phục người khác về bất kỳ điều gì, chúng ta cần chạm đến câu chuyện của chính họ. Bằng cách kết nối với những trải nghiệm của người nghe, chúng ta mới có thể khiến họ cảm nhận được tầm quan trọng của thông điệp. Khi đó, câu chuyện không chỉ tác động đến suy nghĩ mà còn có khả năng thay đổi hành vi, thậm chí là thay đổi cả cuộc đời của một con người.

Để minh chứng cho luận điểm của mình, bà đã tường thuật lại một vấn đề nhức nhối tại Brazil năm 2013: nạn thiếu hụt người hiến tạng. Tình trạng này đã dẫn đến cái chết thương tâm của hàng ngàn người trong khi họ vẫn còn cơ hội được cứu sống. Đây không chỉ là vấn đề nan giải của riêng Brazil mà còn trên toàn cầu. Ngay cả ở Mỹ, quốc gia có nền y học phát triển, cũng chỉ có 40% người dân đồng ý hiến tạng.

Lisa chỉ ra rằng việc thuyết phục mọi người hiến tạng không hề đơn giản, bởi nó vấp phải vô số rào cản tâm lý: con người thường né tránh suy nghĩ về cái chết, lo sợ những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình hiến tặng, và thậm chí còn bị ám ảnh bởi những suy đoán tiêu cực. Bà cho rằng những chiến dịch truyền thông khô khan, tập trung vào số liệu thống kê thường sẽ không có hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức và hành vi. Chúng mang đến cảm giác giáo điều, áp đặt, thậm chí là khiến người ta cảm thấy bị phán xét, bêu xấu. Thay vào đó, cần có một cách tiếp cận tinh tế hơn, chạm đến trái tim thay vì lý trí. Đây chính là lúc nghệ thuật kể chuyện cất lời.

Nhận thức được sự khó chịu của mọi người khi phải đối diện với vấn đề nhạy cảm như cái chết, công ty Ogilvy ở Brazil đã khéo léo lựa chọn một hướng đi khác bằng chiến dịch “Fan hâm mộ Bất tử”. Thay vì thuyết phục trực tiếp, công ty đã tập trung vào đối tượng mục tiêu – những người hâm mộ cuồng nhiệt câu lạc bộ bóng đá Sport Club Recife để khai thác niềm đam mê mãnh liệt của họ. Từ đó, Ogilvy Brazil đã khéo léo lồng ghép thông điệp hiến tạng vào câu chuyện về lòng trung thành bất diệt của người hâm mộ bóng đá, khơi dậy niềm tự hào và khát khao được tiếp tục cống hiến cho đội bóng mình yêu thích, ngay cả sau khi qua đời.

Chiến dịch “Fan hâm mộ Bất tử” đã gặt hái thành công ngoài mong đợi, truyền cảm hứng cho hàng ngàn người hâm mộ đăng ký hiến tạng và góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng khan hiếm nguồn tạng hiến tặng tại Brazil. Từ câu chuyện của Ogilvy Brazil, Lisa Cron một lần nữa khẳng định sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện trong việc kết nối, lay động và tạo nên sự thay đổi.

Hành trình chinh phục nghệ thuật kể chuyện đầy lôi cuốn

Giống như mọi loại hình nghệ thuật khác, kể chuyện đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Với kiến thức sâu rộng về tâm lý con người cùng kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, tác giả Lisa Cron đã chỉ ra nhiều bí quyết để tạo nên những câu chuyện lay động lòng người trong cuốn sách Kể chuyện hay là chết.

Hành trình khám phá sức mạnh của câu chuyện đã đưa Lisa Cron đi qua nhiều vùng đất khác nhau trong thế giới nghệ thuật ngôn từ. Từ những ngày đầu chập chững trong lĩnh vực xuất bản, bà đến với truyền hình, rồi trở thành cố vấn kịch bản cho những hãng phim danh tiếng như Warner Brothers. Không dừng lại ở đó, Lisa còn dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên học chương trình Thạc sĩ Mỹ thuật (MFA) tại Trường Nghệ thuật Thị giác (The School of Visual Arts) ở New York bước đi trên con đường chinh phục viết lách. Trải qua nhiều năm tháng làm việc với vô số tiểu thuyết gia, người viết hồi ký và biên kịch tài năng, Lisa dần khám phá ra một bí mật: Điều khiến một câu chuyện thực sự hấp dẫn không nằm ở cốt truyện ly kỳ, văn phong hoa mỹ hay cấu trúc hoàn hảo, mà là hành trình biến đổi nội tâm của nhân vật chính. Chính những trải nghiệm, những va chạm trong cuộc sống đã góp phần định hình nên hệ thống niềm tin của nhân vật; từ đó, dẫn dắt họ đến với các chuyển biến tâm lý đầy bất ngờ, thú vị. Và điều này cũng chính là yếu tố quan trọng nhất khiến bà không thể rời mắt khỏi câu chuyện.

Tác phẩm Kể chuyện hay là chết được thiết kế như một hành trình với ba chặng đường chính, dẫn dắt người đọc từng bước chinh phục nghệ thuật kể chuyện đầy lôi cuốn. Phần I đưa độc giả vào thế giới bí ẩn của não bộ, khám phá cách thức bộ máy kỳ diệu này xử lý thông tin và kiến tạo câu chuyện. Độc giả sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng, não bộ của con người luôn khát khao những câu chuyện và thậm chí còn tự động biến đổi thông tin thô thành những câu chuyện hấp dẫn để dễ dàng ghi nhớ. Bước sang Phần II, độc giả sẽ được trang bị vũ khí lợi hại để thấu hiểu và chinh phục khán giả của mình. Hai câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại thường bị bỏ quên: “Khán giả của bạn là ai?” và “Bạn đang yêu cầu họ làm gì?” sẽ được Lisa Cron phân tích một cách sâu sắc, giúp độc giả có thể định vị chính xác đối tượng và mục tiêu truyền thông. Cuối cùng, Phần III sẽ là chặng đường then chốt, nơi độc giả được hướng dẫn từng bước để kiến tạo nên câu chuyện độc đáo của riêng mình. Lisa Cron sẽ chỉ cho độc giả cách thức kết nối với khán giả ở tầng sâu tâm lý, dẫn dắt họ vượt qua rào cản và thôi thúc họ hành động theo lời kêu gọi của mình.

Trích đoạn

“Bài học rút ra là sẽ chẳng ai thèm nghe bạn trừ phi họ cảm thấy được lắng nghe. Trừ phi những gì bạn nói liên quan đến điều họ quan tâm, đến cách họ nhìn thế giới và bản thân. Nếu không, thứ duy nhất bạn chứng minh là bạn chẳng biết gì về họ.”

***

“Như chúng ta sẽ thấy, những sự kiện đơn thuần không thuyết phục được ta – không phải vì ta ngoan cố, phi lý hay ngu dốt mà vì các sự kiện mang tính khái quát, chung chung và cần được giải thích. Câu chuyện – phương thức tự sự chúng ta dùng để hiểu thế giới xung quanh – chính là cách giải thích đó. Câu chuyện đặt các sự kiện vào ngữ cảnh cụ thể để ta hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của chúng.”

***

“Kể từ khi chúng ta thêm ngôn ngữ vào hệ thống giao tiếp bền vững có từ trước, bao gồm những tiếng càu nhàu, cử chỉ bàn tay và biểu cảm gương mặt, mỗi câu chuyện đều tìm được đường đến với trái tim mọi người, thuyết phục họ về thứ gì đó họ chưa từng tin bằng cách kết nối với trải nghiệm của họ. Câu chuyện là chìa khóa cho sự tồn vong của chúng ta, và mọi bậc thầy kể chuyện đều biết điều này – còn cách nào khác để họ thuyết phục bộ lạc của mình rằng sử dụng lửa thì tốt hơn là chạy trốn khỏi nó?”

Nhận xét của báo chí

“Nếu bạn kỳ vọng bản thân có thể thay đổi thế giới quan của người khác, cuốn sách này sẽ dẫn đường cho bạn.”

Bernadette Jiwa, nhà tổ chức hội thảo The Story Skills

“Nếu bạn đang làm việc trong bất cứ ngành nghề nào cần kỹ năng thuyết phục, hay đơn giản là muốn xoay chuyển góc nhìn của những ‘cái đầu’ ương ngạnh nhất, cuốn sách này chính là món quà độc đắc dành tặng bạn.”

Bình luận trên Goodreads

Về tác giả

Lisa Cron hoạt động năng suất ở mảng viết lách trong các vai trò nhà văn, nhà đào tạo, nhà sản xuất truyền hình và diễn giả. Tác giả hiện đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản sách tại W.W. Norton và John Muir Publications. Bà đồng thời là người đại diện nhà văn (literary agent) tại Angela Rinaldi Literary, nhà sản xuất truyền hình cho kênh Showtime và Court TV, cũng như cố vấn kịch bản cho hai công ty truyền thông-giải trí Warner Brothers và The William Moris Agency. Ngoài những công việc kể trên, Lisa Cron còn đào tạo năng lực viết lách cho sinh viên, nhà báo, nhà giáo, doanh nhân,…

Mua ngay: tại đây.

Đọc bài viết

Book trailer

Thịnh Vượng – Con Đường Dẫn Đến Sự Giàu Có Và Sung Túc Từ Bên Trong

Published

on

By

Thịnh Vượng – quyển sách tâm lí của tác giả nổi tiếng Deepak Chopra vừa được Phương Nam Book phát hành – tập hợp rất nhiều chỉ dẫn hữu ích cho những ai đang muốn hướng đến sự giàu có và sung túc từ bên trong, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trong tác phẩm Thịnh Vượng, Deepak Chopra đã mô tả một con đường có thể biến chuyển những cảm xúc sợ hãi mà chúng ta đang tự giới hạn mình thành những điều tích cực hơn; dẫn dắt người đọc nhìn vào bên trong để tìm ra tài sản nội tại và sự giàu có thực sự trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; giúp chúng ta tập trung nhằm đạt được sự ổn định, cân bằng, tình yêu và sức sáng tạo.

Kiến giải độc đáo về sự thịnh vượng từ góc nhìn hợp nhất giữa hai thế giới riêng biệt

Có rất nhiều sách dạy về việc kiếm tiền, và cũng có rất nhiều sách bàn về đời sống tâm linh. Tuy nhiên, hiếm khi nào hai chủ đề này cùng được kết hợp mổ xẻ trong một cuốn sách. Theo Deepak Chopra, nguyên nhân là vì ta có khuynh hướng tách rời riêng rẽ giữa thế giới bên ngoài và thế giới bên trong.

Thế giới bên ngoài là “thế giới của vạn vật và những người khác”. Thế giới bên trong là “nơi tâm trí thường xuyên hoạt động, tạo ra những suy nghĩ và cảm giác”. Phần lớn chúng ta đều đau khổ vì không biết cách kết nối hai thế giới này lại với nhau; hoặc để cho chúng bị xung đột, mâu thuẫn lẫn nhau. Có những người sẽ quan tâm đến thế giới bên ngoài nhiều hơn; và ngược lại, cũng có những người quan tâm đến thế giới bên trong nhiều hơn. Chính vì vậy, hai thể loại sách dạy về việc kiếm tiền (thuộc thế giới bên ngoài) và sách tâm linh (thuộc thế giới bên trong) thường được phân tách để phục vụ hai đối tượng riêng biệt. Tuy nhiên, theo Deepak Chopra, việc chỉ quan tâm đến một trong hai thế giới sẽ làm cho đời sống của ta mất đi sự cân bằng.

Với tâm niệm ấy, Deepak Chopra đã viết nên cuốn sách Thịnh Vượng – một tác phẩm độc đáo khi kết hợp cùng lúc hai chủ đề thường được tách rời. Từ đó, Thịnh Vượng giúp người đọc tiến gần hơn đến điểm cốt lõi nhất của hai chữ “làm giàu” theo cả nghĩa đen (về vật chất) và nghĩa bóng (về tinh thần).   

Mối liên hệ không thể ngờ đến giữa Yoga và tiền

Theo Deepak Chopra, Yoga chính là chiếc cầu nối cần thiết để gắn kết hai thế giới mà chúng ta thường tự tách rời riêng rẽ. Ông cho rằng khi sự hợp nhất đó diễn ra, ta sẽ có được cả thành công và hạnh phúc.

“Trong tiếng Phạn, từ Yoga có nghĩa là tham dự, hoặc hợp nhất. Từ tiếng Anh yoke (cái ách buộc vào cổ gia súc) có nguồn gốc từ đây, nhưng khi yoke gợi nhớ đến hình ảnh một chiếc xe đẩy thời Trung cổ được một cặp bò đực kéo đi, thì Yoga soi sáng cho ta một thực tại hoàn toàn mới.”

Bằng việc bắt đầu với nguồn gốc sâu xa của từ Yoga, Deepak Chopra đã dùng chính Yoga để lí giải về tiền bạc – một sự kết hợp đầy bất ngờ.

“Tôi biết Yoga hiếm khi gắn liền với tiền bạc. Ở phương Tây, người ta chỉ biết đến một nhánh của Yoga – hatha yoga. Đây là hình thức luyện tập thể chất được định danh cùng với lớp học yoga – lớp học này đang trải qua làn sóng phổ biến chưa từng được biết đến trong quá khứ.”

Nhưng trong tác phẩm Thịnh Vượng, Deepak Chopra không bàn nhiều về hata yoga mà chủ yếu tập trung vào triết lí tổng quan rộng lớn hơn của tinh thần Yoga. Chính vì vậy, tác giả chọn cách viết hoa chữ Yoga trong sách để độc giả không bị nhầm lẫn với những bài tập rèn luyện thường được dạy trong các lớp yoga.

Từ nền văn hóa Vệ Đà cổ đại, Yoga đã xuất hiện để hướng dẫn người Ấn Độ cách sống giữa cuộc đời qua suốt nhiều thế kỉ. Trong những hướng dẫn đó, có bao gồm cả lĩnh vực tiền bạc. “Thịnh Vượng” – hay sự hưng thịnh, giàu có – dịch sang tiếng Phạn là từ Artha. Artha được xem là thành tựu đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi tiền bạc đến thì ta mới hạnh phúc. Nguyên tắc của Yoga là ngược lại: khi ta có thể sống hạnh phúc trong cuộc đời mình muốn sống, tiền bạc sẽ đến. 

Tìm niềm vui từ bên trong để đạt được thịnh vượng toàn diện

Trước nhiều biến động xã hội đầy khó khăn trong những năm gần đây, tinh thần cốt lõi của Yoga về tiền bạc rằng “khi ta hạnh phúc, tiền sẽ đến” có phần khiến nhiều người hoài nghi. Bởi lẽ, ta hầu như không thể có được tiền theo cách dễ dàng mà phải lao động cật lực, siêng năng, tốn nhiều thời gian, công sức. Bối cảnh thực tế đó dường như đang cho thấy điều ngược lại: ta phải có tiền trước rồi mới được hạnh phúc. Nhiều người trong chúng ta nghĩ như thế.

Thế nhưng, Deepak Chopra đã gợi ra nhiều câu hỏi suy tư đầy thú vị cho người đọc. Vậy thì, ta sẽ trì hoãn thời điểm cho phép bản thân mình được bình yên, thảnh thơi, hạnh phúc đến bao lâu? Phải kiếm được bao nhiêu tiền mới khiến ta thấy yên tâm? Câu trả lời chung thường là đợi đến năm 60 tuổi, ta sẽ hạnh phúc với số tiền tiết kiệm mình đã để dành sau nhiều năm tháng miệt mài lao động. Ngày nay, với một số người, con số đó thậm chí còn có thể kéo dài đến năm 70, 80 tuổi.

Tuy nhiên, cũng không có gì đảm bảo là đến khi đó, kế hoạch sẽ thành công và ta được hạnh phúc. Deepak Chopra đã có một nhận xét vô cùng thấu đáo: “Tuổi già là một canh bạc trên mọi mặt trận, nhưng chủ yếu là mặt trận sức khỏe và tiền bạc.” Từ đó, ông định nghĩa lại về tiền bạc theo nguyên tắc Yoga: niềm vui bên trong mới là “thước đó thành công đích thực duy nhất”. Khi ta có thể thay đổi nhận thức của chính mình, hợp nhất được thế giới tinh thần và thế giới vật chất, đó cũng là lúc ta sẽ tìm được sự thịnh vượng trọn vẹn, toàn diện. Và tác phẩm Thịnh Vượng của Deepak Chopra sẽ đồng hành cùng người đọc trên con đường đó với nhiều chỉ dẫn cụ thể, mang tính ứng dụng cao.

Trích đoạn

“Để đạt được sự giàu có lâu dài, kiểu lâu dài mang lại cho cuộc sống của bạn ý nghĩa, giá trị và nguồn nuôi dưỡng, hãy dựa vào sự hào phóng của tinh thần. Mọi điều mong muốn khác, theo cách riêng, sẽ đến sau.”

***

“Giữa tất cả những gì bạn thực sự coi trọng trong cuộc sống hiện tại của mình – một mối quan hệ yêu thương, một gia đình tốt, công việc xứng đáng và được tưởng thưởng, thời gian để tận hưởng những thứ này – không gì đến một cách tình cờ. Tất cả được sinh ra từ mong muốn và ý định. Tại cội nguồn của bạn, trong nhận thức thuần túy, sức mạnh này mở rộng không giới hạn.”

***

“Hai thứ lớn nhất mà ta giữ riêng biệt là hai thế giới mà mỗi người chúng ta đều đang sinh sống. Một thế giới là ‘ngoài kia’, thế giới vật chất của vạn vật và của những người khác. Thế giới còn lại là thế giới ‘trong này’, nơi tâm trí thường xuyên hoạt động, tạo ra những suy nghĩ và cảm giác. Mục đích của Yoga là gắn kết hai thế giới này lại với nhau. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ hạnh phúc và thành công.”

Nhận xét của báo chí

“Quyển sổ tay thú vị dẫn đường chúng ta ‘chuyển đổi ý thức thành sự thịnh vượng’ thông qua Yoga và thiền định.”

– Publishers Weekly

Về tác giả

•  Deepak Chopra sinh năm 1946, là người Mỹ gốc Ấn Độ.

•  Bác sĩ y khoa, người tiên phong nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực y học tích hợp và chuyển đổi cá nhân, có bằng chứng nhận về y học nội khoa, nội tiết và trao đổi chất.

•  Thành viên của Trường Đại học Bác sĩ Mỹ (FACP), nhà sáng lập của The Chopra Foundation và Chopra Global.

•  Tác giả của hơn 90 cuốn sách đã được dịch ra hơn 43 ngôn ngữ, thường xuyên có tên trong danh sách bán chạy nhất của New York Times.

•  Tạp chí Time gọi ông là “1 trong 100 anh hùng và biểu tượng hàng đầu thế kỷ”.

TÁC PHẨM BÁN CHẠY ĐÃ XUẤT BẢN - ‘Metahuman – Siêu nhân loại

Đọc bài viết

Book trailer

Ôm giữ không gian – Nghệ thuật yêu thương không phán xét

Published

on

By

Ôm giữ Không gian – sách nghiên cứu tâm lí vừa được Phương Nam Book phát hành – là cẩm nang cần thiết đối với những ai đang muốn học cách giúp người khác xoa dịu các tổn thương về mặt tinh thần.

Ôm giữ Không gian giới thiệu đến độc giả một khái niệm mới về phương pháp đồng hành của nhà khai vấn đối với một người bị tổn thương hoặc đang ở trong các giai đoạn chuyển giao tâm lí vô cùng nhạy cảm. Tuy nhiên, tác phẩm này không chỉ hữu ích cho những ai quan tâm đến mảng tâm lí, khai vấn, mà còn cần thiết cho tất cả mọi người. Bởi lẽ, yêu thương và được yêu thương không phán xét luôn là một nhu cầu quan trọng.

Ôm giữ không gian không phải cho riêng mình

Trong cuộc đời mỗi người, ai rồi cũng sẽ phải đối diện với những lằn ranh – đó là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển giao giữa tình trạng cũ và tình trạng mới, con người cũ và con người mới khi ta phải đương đầu trước một biến cố lớn trong cuộc đời. Với tác giả Heather Plett, đó chính là chuỗi ngày bà phải đối diện với việc mẹ mình sắp từ giã cõi đời. Chính sự kiện này đã góp phần khiến bà quyết định thôi giữ chức vụ Giám đốc Nguồn lực và Quan hệ Công chúng tại Ngân hàng Lương thực Canada để chuyển sang mảng khai vấn và trở thành nhà đồng sáng lập  Trung tâm Tổ chức Ôm giữ Không gian (The International Centre for Holding Space).

Khi trải qua sự kiện đau buồn đó, Heather Plett đã hiểu hơn về ngưỡng chuyển giao. Ngưỡng chuyển giao (liminal space) – được sinh ra từ những lằn ranh biến cố – là một từ khóa quan trọng được lặp lại xuyên suốt trong tác phẩm Ôm giữ Không gian. Đối với tác giả thì ngưỡng chuyển giao “tồn tại cả sự tan vỡ lẫn cơ hội, cả sự trống rỗng lẫn rộng mở để đón nhận những điều mới. Một danh tính cũ đã rời đi và một danh tính mới đang dần khởi lộ. Khi một câu chuyện kết thúc, một câu chuyện mới chuẩn bị ra đời.”

Ôm giữ không gian thường dễ bị hiểu nhầm là ôm giữ không gian cho riêng mình. Nhưng trong tác phẩm này, phương pháp Ôm giữ Không gian không phải là để thực hiện cho chính mình, mà là để mình thực hiện cho người khác.

Như một chiếc bát ôm giữ yêu thương

Khi đối diện với những ngưỡng chuyển giao, sẽ đến một lúc người ta nhận thấy cái tôi cũ không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Biến cố tạo ra cơ hội giúp họ nảy sinh cái tôi mới – hay còn gọi là danh tính mới. Tác giả ví việc chuyển đổi này giống như chuyển từ một ngôi nhà cũ sang một ngôi nhà mới. Nhưng ở đây – với một con người, ta không thể đơn giản đập bỏ đi hết những gì thuộc về ngôi nhà danh tính cũ trước khi chuyển sang ngôi nhà danh tính mới xây.

Theo Heather Plett, để làm được điều ấy, ta cần xây một cây cầu để người đó di chuyển. Trong quá trình này, chắc chắn khó tránh khỏi chuyện những mảnh tôi cũ bị thất lạc, giẫm đạp, thậm chí là vỡ vụn. Và nhiệm vụ của người ôm giữ không gian chính là đảm bảo điều đó sẽ không xảy ra. Họ đóng vai trò như một cái bát, một chiếc hộp cất giữ những mảnh tôi cũ được nguyên vẹn cho đến khi người ở ngưỡng chuyển giao hoàn toàn trở thành một con người mới.

“Chúng ta ôm giữ sự vụn vỡ của họ với lòng thấu cảm. Chúng ta thì thầm rằng: ‘bạn không ở một mình trong mớ hỗn độn ngổn ngang này đâu’. Chúng ta khoanh tạo ngưỡng chuyển giao giúp bảo vệ họ không phải chịu thêm bất kỳ đau đớn nào nữa. Chúng ta cho họ không gian, nơi họ trải qua sự chờ đợi trước khi có bất kỳ sự chuyển hóa nào diễn ra.”

Nghệ thuật tạo không gian an toàn cho những người bị tổn thương

Khi có cơ hội trở thành chiếc bát ôm giữ không gian cho ai đó tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ, không phải lúc nào ta cũng biết cách thực hiện nhiệm vụ này sao cho suôn sẻ. Chính vì vậy, tác giả Heather Plett đã đưa ra rất nhiều câu chuyện và trường hợp cụ thể về thực hành Ôm giữ Không gian trong sách để người đọc có cơ hội đối chiếu với bản thân, tự lựa chọn cho mình cách thức phù hợp. Tuy vậy, bà cũng đúc kết một số yếu tố – theo bà là cốt lõi – trong việc ôm giữ không gian cho người khác.

Một trong những điều quan trọng đầu tiên là người ôm giữ không gian cần buông bỏ cái tôi và nhu cầu kiểm soát của chính mình. Thông thường, với những kinh nghiệm của bản thân, ta dễ bị cám dỗ trước việc tác động đến những quyết định của người khác. Nhưng để trở thành người ôm giữ không gian đem lại cảm giác an toàn cho mọi người, ta cần từ bỏ sự phán xét của mình trước quyết định của họ – dù quyết định đó hoàn toàn khác biệt so với quyết định ta đã từng thực hiện ở hoàn cảnh tương tự.

Trong quá trình phát triển bản thân, chuyển đổi thành con người mới, thất bại là điều khó tránh khỏi. Nhưng những người đang ở trong ngưỡng chuyển giao thường dễ bị tổn thương và ám ảnh trước thất bại. Công việc của người ôm giữ không gian là giúp họ nhìn sâu vào bên trong bản thân mình, đối diện với nỗi sợ hãi của chính họ. Từ đó, họ có thể chấp nhận thất bại là một phần tất yếu trong quá trình trưởng thành, và biết cách học hỏi những lỗi lầm từ thất bại đó để tiến bước vững vàng cho tương lai. 

Trích đoạn

“Ôm giữ không gian là món quà chúng ta cho đi và nhận lại, hết lần này đến lần khác, trong suốt cuộc đời mình. Đôi khi chúng ta làm rất tốt, nhưng đôi khi lại chưa đủ để có thể giúp ai đó. Đôi khi việc ôm giữ này đòi hỏi ở chúng ta nhiều thời gian và công sức, nhưng đôi khi tất cả những gì chúng ta cần làm đơn giản là gọi một cuộc điện thoại cho người đó.”

***

“Ôm giữ không gian nghĩa là chúng ta sẵn lòng đồng hành cùng ai đó hoặc một nhóm người nào đó xuyên suốt hành trình đi qua ngưỡng chuyển giao của họ. Chúng ta làm điều này mà không khiến họ cảm thấy mình không xứng đáng, không cố gắng sửa chữa họ, cũng như không cố tác động tới kết quả của việc chuyển hóa. Thay vào đó, chúng ta đến bên họ với trái tim rộng mở, trao đi sự hỗ trợ vô điều kiện, và buông bỏ sự phán xét cùng nhu cầu kiểm soát của chính mình.”

Nhận xét của giới chuyên môn

 “Sự cần thiết của cộng đồng gìn giữ vòng tròn an toàn cho từng cá nhân trong giai đoạn chuyển hóa đầy khó khăn, những thách thức mang tính hệ thống mà chúng ta luôn phải đối mặt trong cuộc sống, những cuộc vật lộn đau đớn trong quá trình khám phá ra căn tính bản thân… được Heather Plett trình bày thật rõ ràng và thuyết phục trong cuốn sách Ôm giữ không gian – Nghệ thuật yêu thương không phán xét. Tôi vô cùng biết ơn tầm nhìn đầy hy vọng được nêu trong cuốn sách này – một tầm nhìn bao trùm từ các phương pháp kết nối linh thiêng cổ xưa đến những bước thực thi khai vấn thật cụ thể. Mong muốn chân thành của tôi là cuốn sách rất hợp thời đại này sẽ truyền cảm hứng đến thật nhiều độc giả, để chúng ta mạnh dạn tiếp cận những điều không chắc chắn đang chờ đợi phía trước với khối óc rộng mở, trái tim được kết nối ấm áp, và đôi tay vững vàng để ôm giữ yêu thương.”

– Vũ Phi Yên

Tiến sĩ, bậc sĩ, chuyên gia tâm lý tại trung tâm Better Living Life

Ôm giữ không gian đã cung cấp mắt xích còn thiếu cho những đối tượng đang băn khoăn trước ngưỡng chuyển giao. Đây là quyển sách mà bất kỳ ai đang làm công việc liên quan đến con người đều cần phải đọc. ”

– Pamela Slim

tác giả Body of Work

“Quyển sách tuyệt hay này giúp bạn hiểu được tại sao cần phải khám phá căn tính bản thân, cũng như ôm giữ không gian cho chính mình cùng những người xung quanh. Thế giới đang chuyển động không ngừng và ôm giữ không gian chính là lộ trình để chúng ta đàm phán với tương lai.”

– TuBears

nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Canada

“Bằng lòng trắc ẩn và thấu hiểu sâu sắc, Heather Plett đã xoa dịu những tổn thương của riêng mình thông qua những chia sẻ đầy dũng cảm và chân thành. Quyển sách là món quà tuyệt diệu cho một thế giới hỗn loạn và đích xác là điều chúng ta cần ngay lúc này. ”

– Robin Youngson

tác giả Time to Care: How to Love Your Patients and Your Job

Về tác giả

Heather Plett là diễn giả quốc tế, người điều hành và nhà đồng sáng lập Trung tâm Tổ chức Ôm giữ Không gian (The International Centre for Holding Space). Các nghiên cứu của bà thường xuyên xuất hiện trên các ấn phẩm tạp chí Havard Business ReviewGrist.

Trước khi chuyển trọng tâm công việc sang mảng khai vấn Ôm giữ Không gian, Heather từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức công Canada và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. Hiện bà đang sinh sống tại Winnipeg, Manitoba, Canada cùng ba cô con gái của mình.

Đọc bài viết

Cafe sáng