Radio sách

“Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba”: 6 tựa sách nổi bật truyền cảm hứng sống hạnh phúc

Published

on

Bookish mách bạn 6 tựa sách best seller nhất-định-bạn-nên-đọc từ tủ sách Phương Nam Book. Những trang sách đẹp cho phép bạn được sống chậm để dẹp bỏ loạt nỗi lo sợ mơ hồ: công việc, tiền bạc, tương lai, người yêu, ngoại hình… Từ đó, bạn sẽ dũng cảm phá bỏ giới hạn bản thân để lắng nghe tiếng trái tim mách bảo, để từ đó, bạn dám làm điều chính mình thực sự yêu thích!

1. Nếu biết trăm năm là hữu hạn I Tác giả Phạm Lữ Ân

Cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn (Phạm Lữ Ân) đưa bạn đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc, những không gian sống vừa hoài niệm, sâu sắc, vừa giản dị, chân thành, vừa quá khứ, hiện tại. Cuốn sách cứ thế cuốn ta đi một cách nhẹ nhàng và đầy sâu lắng.

Cuốn sách tập hợp 40 tản văn xoay quanh các chủ đề như tình yêu, tình bạn, gia đình… với những góc nhìn sâu sắc về sự vô thường của cuộc đời – đúng như tên sách đã gợi ra. Đó có thể là cái nhìn thông tuệ về tình yêu, những thành bại trong cuộc sống hay quá trình trưởng thành gian nan của mỗi người.

Ảnh từ  IG của _mai.van_.

Những trang viết của Nếu biết trăm năm là hữu hạn (tác giả Phạm Lữ Ân) suốt bao năm qua vẫn như người bạn tâm tình cùng nhiều thế hệ bạn đọc, xứng đáng trở thành một trong những cuốn sách được yêu thích nhất ở Việt Nam. Phạm Lữ Ân là bút danh chung của 2 tác giả đồng thời là cặp vợ chồng được nhiều bạn đọc trẻ yêu mến: Đặng Nguyễn Đông Vy – Phạm Công Luận. Ngoài Nếu biết trăm năm là hữu hạn, họ còn có những tác phẩm viết chung như Những lối về ấu thơ, bộ tản văn Lạc giữa nhân gian – Trên đường rong ruổi…

2. Khoa học thiền định I Minh Sư Patriji

Cuốn sách Khoa học thiền định (Minh Sư Patriji) giúp độc giả hiểu rõ về thiền – một trong những yếu tố quan trọng giúp đời sống của con người hạnh phúc, mạnh khoẻ hơn. Minh sư Patriji chia sẻ: “Mọi khổ đau thể xác đều xuất phát từ phiền muộn trong tâm trí. Mọi phiền muộn trong tâm trí đều xuất phát từ sự non nớt của trí tuệ. Sự non nớt của trí tuệ xuất phát từ sự thiếu hụt năng lượng tâm linh và trí tuệ tâm linh”.

Ngày nay, thiền đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp đời sống của con người hạnh phúc, mạnh khoẻ hơn. Không như nhiều người nghĩ, thiền không nhất định mang ý nghĩa tôn giáo. Mà đúng hơn, thiền là một phần tri nghiệm tự nhiên của con người chúng ta, và nó có thể được dùng làm phương thuốc trị liệu để gia tăng sức khỏe cũng như nâng cao hệ miễn dịch trong con người chúng ta.

Minh sư Patriji, tên thật là Subhash Patriji, sinh năm 1947 tại Ấn Độ, là người nổi tiếng trên toàn thế giới bởi công cuộc đem thiền đến với cộng đồng nhằm mang lại sự tỉnh thức sâu sắc cho các cá nhân về khoa học thiền định – một phương pháp để đạt được sức khỏe thể chất – tinh thần – trí tuệ và sự hạnh phúc.

3. Lập trình hạnh phúc I Rick Hanson

Quyển sách Lập trình hạnh phúc (Rick Hanson) viết về một điều giản đơn: sức mạnh ẩn giấu đằng sau các trải nghiệm tích cực thường nhật có khả năng biến đổi não bộ của bạn và vì thế thay đổi đời bạn – theo hướng tốt hơn.

Trong nhịp sống hối hả thường nhật, lần cuối cùng bạn ngừng lại chỉ mười giây thôi để cảm nhận và hưởng thụ một vài khoảnh khắc tích cực hiện diện cả trong những ngày điên cuồng nhất là khi nào? Nếu bạn không nán lại tận hưởng một vài giây và sống với trải nghiệm này, nó sẽ lướt qua như gió lùa qua cây, khoan khoái chốc lát nhưng không để lại chút giá trị gì.

“Vun trồng hạnh phúc là một trong các kỹ năng quan trọng nhất mà một người cần được học. May mắn thay, không khó cho ta biết cách tưới tắm và nuôi dưỡng các hạt mầm quý giá này, những điều đã có sẵn trong ý thức của ta. Quyển sách Lập trình hạnh phúc (Rick Hanson) cung cấp các bước thực hành đơn giản và dễ đạt được, giúp ta chạm vào sự bình yên và niềm vui vốn là quyền lợi bẩm sinh của mỗi một con người”, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.

4. Nhìn lại cuộc sống đẹp biết bao I Grandma Marima & Grandpa Chan

Qua những nét vẽ của ông Chan và lời kể chuyện của bà Marina; độc giả sẽ cảm thấy bình yên, cảm thấy được yêu thương và thăng hoa cảm xúc với những lát cắt vô cùng ngẫu nhiên ở mọi khoảnh khắc đời sống.

Khởi đầu chỉ với việc dùng mạng xã hội như một nơi để chia sẻ những câu chuyện về gia đình và cuộc sống, với những bức vẽ sáng tạo bằng màu nước của ông Chan cùng những bài viết đầy tình cảm của bà Marina, tài khoản Instagram Drawings for My Grandchildren của ông Chan Jae Lee và bà Kyong Ja-an (hiện ở Brazil) nhận được sự yêu mến rộng rãi và đến nay đã thu hút được 412.000 lượt theo dõi, được các kênh quốc tế BBC, NBC và The Guardian quan tâm khen ngợi.

Có thể thấy những lát cắt cuộc đời của ông bà Chan – Marina từ sách: là câu chuyện hai người gặp nhau lần đầu tiên tại giảng đường đại học, về đứa cháu Lua vừa ra đời, về cuộc đời của con tê giác cuối cùng hay thậm chí về… nhóm nhạc BTS. Quyển sách dẫn dắt người đọc qua các chương Mùa xuân, Mùa hạ, Mùa thu, Mùa đông, tượng trưng cho từng giai đoạn cuộc đời mà ai cũng phải trải qua, để rồi kết luận: “Dù sao đi nữa, cuộc đời vẫn đẹp biết bao”.

5. Hãy tìm tôi giữa cánh đồng I Tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy

Ước gì tập sách này có thể đem đến cho bạn một niềm vui nho nhỏ, tựa như khi bạn bất chợt bắt gặp trong đống đồng nát ven đường một món đồ chơi cũ kỹ, gợi bao kỷ niệm êm đềm của tuổi ấu thơ.

Hãy tìm tôi giữa cánh đồng (Đặng Nguyễn Đông Vy) – Một quyển sách trong trẻo như giọt sương trên cỏ, len lỏi mùi khói nồng trong từng con chữ khiến người đọc, nhất là những đứa trẻ xa quê không khỏi cay nồng sống mũi. Trong giọt sương ấy phản chiếu màu xanh ngắt của cỏ, mang một chút ngọt của của lúa non, cả vài giọt nắng rót vào tán lá của trái cây chín mùa – làm cho bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng vẽ nên một bức tranh thôn quê Việt Nam trong tâm trí. 

Từng trang sách như trang nhật ký của một cô gái bình thường, chứa những dại khờ ngô nghê vụn vặt, chắt chiu từng kỷ niệm yêu thương. Và khi đọc quyển sách, ta còn được chính chủ nhân của nó kể chuyện cho nghe, rồi trải lòng về cảm xúc của ngày xa xưa lẫn ngay tại lúc này. Từng câu chuyện nhỏ, nhưng mang những triết lý yêu thương đong đầy, không cao xa nhưng trong bộn bề cuộc sống chúng ta lại thường quên đi mất.

6. Với ngày như lá tháng như mây I Tác giả Phạm Công Luận

Hơn 30 bài viết, tập tản văn chứa đựng một cuộc du hành trong tâm tưởng của tác giả, đưa người đọc trôi về thời xa vắng của đất Sài Gòn – Gia Định trên dưới nửa thế kỷ trước. Quá khứ là một hiện thực luôn sống động trong tâm tưởng của tác giả.

Tác giả Phạm Công Luận mở đầu quyển sách bằng những dòng hồi tưởng về một thời hồn nhiên, êm đềm: “Đó là thập niên 1990 đầy hạnh phúc, khi bản thân còn đang căng tràn tuổi trẻ, sức lực và niềm vui sống. Đó là những năm không phải lúc nào mọi điều cũng suôn sẻ nhưng chỉ cần một chuyến đi xa, một tình bạn đơn sơ, một cuốn sách thú vị hay một ca khúc trữ tình phát ra từ máy cassette cũng đủ giúp tôi lướt qua những điều không vui gặp phải trên trường đời”.

Quá khứ là một hiện thực luôn sống động trong hồi ức của tác giả. Do đó, tập tản văn không chỉ kể lại kỷ niệm riêng tư về những ngày ấm êm trong ngôi nhà cũ của cha mẹ, mái trường yêu dấu với hình bóng thầy cô bè bạn, những ngày hè tươi đẹp với thú vui trẻ nhỏ và món quà vặt đơn sơ,… mà bàng bạc trong đó còn là câu chuyện khắc họa đôi nét chân dung vài nhân vật nổi tiếng của Sài Gòn xưa, những câu chuyện về các khu phố nổi tiếng như xóm chợ Nancy, Cây Gõ, Xóm Gà… vừa quen thuộc gần gũi nhưng chứa đựng nhiều huyền thoại của cuộc sống một thời không còn nữa…

Từ ngày 01/03/2024 đến 31/3/2024, tại Nhà Sách Phương Nam sẽ diễn ra hội sách tháng Ba, chủ đề “Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba” với nhiều ưu đãi và chương trình hấp dẫn. Cụ thể, những tựa sách Phương Nam Book và NXB Trẻ sẽ được giảm giá từ 10% đến 50% trên toàn hệ thống Nhà Sách Phương Nam và website nhasachphuongnam.com.

“Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba”, Nhà Sách Phương Nam ưu đãi cực sốc lên đến 50%

Rất nhiều tựa sách nổi bật và mới ra mắt sẽ được giảm giá từ 10% để bạn đọc tha hồ rinh về nhà nhâm nhi. Đặc biệt, nhiều tựa sách hay của Phương Nam Book và NXB Trẻ với giá ưu đãi từ 10 – 50%. Các bạn tranh thủ cơ hội này để sở hữu những cuốn sách hay mà bạn chờ đợi bấy lâu nay. Những tựa sách hồi ký – bút ký, chân dung nhân vật, biên khảo thú vị tái xuất ở hội sách như: tuyển tập Sài Gòn Chuyện đời của phố (nhà báo Phạm Công Luận), combo sách hay của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những tựa sách thiếu nhi nổi bật của nhà văn Phương Huyền, sách Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (Sách đạt Giải thưởng Sách Quốc gia 2023)…


Các bạn tranh thủ săn sale sớm các tựa sách Phương Nam Book và NXB Trẻ, đồng thời, bạn tham gia chương trình để nhận vô vàn mã giảm giá lên đến 50k, nhận quà ngẫu nhiên khi mua sách và cùng rất rất nhiều chương trình ưu đãi “Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba” siêu hấp dẫn: 

  • Đặc biệt mức giảm áp dụng luôn cho tất cả các thể loại hot, bán chạy, sách mới,…
  • Mã giảm giá đến 50k khi mua online tại www.nhasachphuongnam.com
  • Miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 350k tại nhasachphuongnam.com
  • Vòng quay trúng thưởng các e-voucher 100% khi mua tại hệ thống Nhà sách Phương Nam.
  • Chương trình áp dụng toàn hệ thống Nhà Sách Phương Nam trên toàn quốc.
  • Thời gian diễn ra chương trình: Từ 01.03 – 31.03.2024.

Top sách hay

Soi mình trong mắt muôn loài: 4 cuốn sách buộc con người định nghĩa lại mối quan hệ với thế giới tự nhiên

Bạn có biết, một nàng chim di vằn có thể học hỏi cách kén chồng từ “hội chị em”? Một con bạch tuộc có thể đọc vị con người qua làn da chạm? Hay hải ly, loài gặm nhấm nhỏ bé bị săn lùng đến mức gần như tuyệt chủng thực ra lại là kỹ sư thủy lợi vĩ đại, giúp ngăn chặn lũ lụt và cháy rừng? Và khi trật tự của con người va chạm với bản năng sinh tồn của tự nhiên, ai mới thực sự là kẻ phạm luật?

Published

on

Trong một thế giới mà con người thường tự đặt mình ở vị trí trung tâm, khoa học hiện đại đang dần vén màn, hé lộ những điều kinh ngạc về đời sống nội tâm, trí tuệ và cấu trúc xã hội phức tạp của những sinh vật cùng chia sẻ mái nhà Trái Đất. Chúng không chỉ tồn tại một cách thụ động, mà còn biết tư duy, cảm nhận và cùng kiến tạo nên hành tinh này.

Chùm sách khoa học thường thức dưới đây, gồm Chim chóc chưa bao giờ ngốc, Tâm tư của bạch tuộc, Đế chế hải ly  Fuzz - Khi tự nhiên phạm luật, là bốn lăng kính đặc sắc soi chiếu vào thế giới động vật kỳ diệu. Mỗi cuốn sách vừa là lời mời, vừa là lời nhắc nhở để chúng ta học cách chung sống với thiên nhiên một cách khiêm tốn và hài hòa hơn.

Bộ ba chân dung loài: Khi khoa học phá tan định kiến

Động vật là giống loài vô tri, vô cảm ư? Hoàn toàn không. Ba cuốn sách đầu tiên sẽ chứng minh điều ngược lại, mở ra cuộc đối thoại sống động với ba loài vật phi thường, những đại diện xuất chúng của ba vương quốc: không trung, đại dương và đất liền.

Với Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả Jennifer Ackerman thực hiện một sứ mệnh đầy tham vọng – “giải oan” cho một giống loài thường bị đánh giá thấp. Cụm từ "não chim" từ lâu đã trở thành một lời miệt thị cho sự ngốc nghếch. Tuy vậy, bằng những nghiên cứu sâu rộng, Ackerman đã khắc họa loài chim như những thiên tài ẩn sau lớp lông vũ: quạ New Caledonia biết chế tạo và sử dụng công cụ phức tạp để kiếm ăn; giẻ cùi bụi miền Tây ghi nhớ chính xác hàng trăm nơi cất trữ thức ăn và biết ưu tiên đào trước những loại sắp hỏng; còn một cặp chim bạn đời có thể song ca hoàn hảo để giữ vững mối gắn kết đôi lứa. Không dừng lại ở việc liệt kê tập tính loài, tác giả còn đào sâu vào cấu trúc thần kinh học, chỉ ra mật độ neuron dày đặc bên trong khối óc nhỏ bé giúp chim xử lý thông tin nhanh chóng và hiệu quả. Đọc xong cuốn sách, bạn sẽ không thể nhìn những sinh vật bay lượn quanh mình như cũ được nữa.

Nếu chim chóc khiến ta phải xét lại định kiến về trí tuệ, thì Tâm tư của bạch tuộc lại mở ra một thế giới sâu thẳm hơn, nơi cảm xúc và ý thức hiện hữu trong một sinh thể xa lạ đến mức tưởng như đến từ hành tinh khác. Với ba trái tim, máu màu xanh và bộ não quấn quanh cổ họng, bạch tuộc là hiện thân của điều kỳ dị trong tự nhiên, nhưng cũng là minh chứng sống động cho khả năng kết nối vượt mọi ranh giới loài. Sy Montgomery bước vào Thủy cung Boston không phải với tư cách nhà nghiên cứu, mà như một người bạn. Những cuộc gặp gỡ giữa bà và bốn cá thể bạch tuộc Athena, Octavia, Kali và Karma là hành trình giàu cảm xúc, nơi cái chạm của xúc tu trở thành thứ ngôn ngữ tinh tế hơn mọi lời nói. Không cố gắng chứng minh rằng bạch tuộc “giống con người”, cuốn sách lựa chọn cách lắng nghe sự khác biệt bằng tất cả sự tôn trọng và cởi mở. Tâm tư của bạch tuộc không đơn thuần là một công trình khoa học, mà còn là lời tự sự đầy rung động của cá nhân tác giả về thiên nhiên, con người và cách chúng ta sống cùng nhau.

Hoàn thiện bộ ba chân dung là Đế chế hải ly, một khúc tráng ca về người hùng thầm lặng của hệ sinh thái. Trong suốt lịch sử tồn tại, con người chưa bao giờ thôi tin rằng mình là kiến trúc sư duy nhất có quyền kiểm soát, can thiệp và định hình mọi cảnh quan. Nhưng nhà báo môi trường Ben Goldfarb sẽ khiến bạn nghĩ lại, cúi mình và thán phục một loài gặm nhấm đang lặng lẽ hàn gắn thiên nhiên tốt hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Bằng việc xây đập, hải ly tạo ra ao hồ và những vùng ngập nước trù phú, làm chậm dòng chảy, ngăn chặn lũ lụt và hạn hán, chống xói mòn và cháy rừng, từ đó nuôi dưỡng sự sống cho vô số loài khác. Đế chế hải ly là bản giao hưởng của sinh thái học, khoa học và triết học, nơi lời giải cho khủng hoảng môi trường không phải là kiểm soát nhiều hơn, mà là học cách khiêm tốn hơn và cộng tác với thiên nhiên.

Khi thiên nhiên phản kháng: Ai phạm luật ai?

Sau khi đã say sưa chiêm ngưỡng trí tuệ, tâm tư và quyền năng của các loài, độc giả sẽ được kéo trở lại mặt đất, một cách hài hước và sắc bén với Fuzz - Khi thiên nhiên phạm luật của tác giả Mary Roach. Bằng giọng văn châm biếm đặc trưng, bà đặt ra một câu hỏi oái oăm: Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi những sinh vật thông minh và đáng yêu... đột nhập vào nhà bạn, phá hoại mùa màng, hay thậm chí tấn công con người?

Cuốn sách là một chuyến phiêu lưu vào vùng giao tranh kỳ lạ giữa luật lệ của nhân loại và bản năng của tự nhiên. Roach không ngồi yên trong phòng để viết. Bà xông vào thực địa như một thám tử, điều tra các "vụ án": gấu đen liên tục xâm nhập gia cư bất hợp pháp ở Aspen, báo hoa mai "sát nhân hàng loạt" ở một ngôi làng Ấn Độ, hay đàn chim bị coi là "kẻ phá hoại nông sản". Qua đó, bà phơi bày sự phức tạp và đôi khi nực cười trong nỗ lực của con người nhằm quản lý tự nhiên như…tội phạm. Cuốn sách không kết tội bất kỳ loài nào. Thay vào đó, nó chỉ ra rằng động vật hoang dã thường chỉ phản ứng trong tuyệt vọng, khi môi trường sống của chúng bị con người xâm lấn hay biến đổi. Kết hợp giữa điều tra khoa học, quan sát xã hội và hài hước rất Mỹ, cuốn sách không đưa ra câu trả lời cuối cùng, nhưng gợi mở một chân lý đơn giản: muốn chung sống với tự nhiên, luật lệ không thể chỉ đến từ một phía.

Tái định vị con người trong thế giới tự nhiên

Từ trí tuệ ẩn sau lớp lông vũ đến cảm xúc lan truyền qua làn da bạch tuộc, từ tài năng tái thiết thầm lặng của hải ly đến sự phản kháng bản năng của gấu, báo và chim trời – mỗi loài đều lên tiếng theo cách riêng của mình. Những trang sách tưởng chỉ kể chuyện muôn loài, hóa ra lại là hành trình soi chiếu vào chính tâm trí con người: về vị trí của chúng ta trên Trái Đất, và về tương lai mà ta muốn cùng đi tới, không chỉ với nhau mà với cả những người hàng xóm động vật mà từ nay ta đã học được cách để lắng nghe.

Hoàng Thảo

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Cuộc tẩu thoát táo bạo: Hành trình một nhân viên ngân hàng Mỹ giải cứu 113 thường dân Việt Nam

Published

on

Đầu tháng 4 năm 1975, khi toán lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, các giám đốc điều hành cấp cao của Ngân hàng Chase Manhattan Bank đã đặt lên vai Ralph White, vốn là một nhân viên cấp dưới làm việc tại chi nhánh Bangkok, một nhiệm vụ đầy thách thức: sơ tán 53 nhân viên người Việt đang làm việc tại chi nhánh Sài Gòn. Và như độc giả có thể thấy ở trang bìa của cuốn sách "Rời khỏi Sài Gòn", ông đã thành công hoàn thành nhiệm vụ ấy. Thế nhưng bấy nhiêu là không đủ để lột tả hết những rào cản to lớn mà ông phải đối mặt, cũng như những giải pháp thông minh, thậm chí gây đứng tim cho người đọc. Trong bài phỏng vấn đăng trên The Christian Science Monitor vào năm 2023, tác giả Ralph White có một số chia sẻ về cuốn sách với phóng viên Erin Douglass, cộng tác viên của Monitor. Nội dung buổi phỏng vấn đã được tác giả gốc biên tập đôi chút để rõ ràng hơn và đảm bảo độ dài phù hợp. 

Nhiệm vụ thành công dường như là nhờ vào những hành động mang tính quyết định của ông, và một trong số đó là dám đứng lên nhận lãnh trách nhiệm với sinh mạng của những con người ấy. Ông có đồng ý với nhận xét này không, và bên cạnh việc đứng lên chịu trách nhiệm, thì còn hành động nào khác mà ông cho là mang tính quyết định đối với thành công này?

Tôi nghĩ là có. Tôi thường nghe người ta nhắc đến “sự kiên trì”, có lẽ đó cũng là một yếu tố góp phần làm nên thành công của chuyến đi. Khi ấy tôi chỉ mới tốt nghiệp trung học được 10 năm, đã vậy còn thiếu chín chắn so với độ tuổi của mình. Lúc ấy tôi đang phiêu bạt, đi đây đi đó khắp Đông Nam Á, rồi bất chợt, bánh răng lịch sử xoay chuyển, khiến tôi ngỡ ngàng. 

Tôi nghĩ rằng những viên chức ngoại giao đứng về phía tôi – ông Shep Lowman, viên chức chính trị tại Đại sứ quán Mỹ [ở Sài Gòn] và ông Ken Moorefield, lúc bấy giờ đang là trợ lý của đại sứ tại Trung tâm Kiểm soát Sơ tán (ECC), hai người họ là những nhân tố không thể thiếu đối với thành công của tôi. Còn cả Đại tá [William] Madison tại Văn phòng Tùy viên Quốc phòng (Defense Attaché Office) nữa. Những con người ấy chính là yếu tố chính tạo nên thành công của hành trình.

Về phần tôi, tôi sẽ dùng từ “bướng”. Khi ai đó cố gắng ngăn tôi làm điều gì đó mà tôi nghĩ tôi có thể làm, thì tôi sẽ tìm cách làm cho bằng được. Bởi vậy tôi cứ ráng xoay xở đủ đường với đại sứ quán và Tùy viên Quốc phòng (Defense Attaché). Một yếu tố khác nữa đơn giản là sự may mắn tuyệt đối. Trong cuốn sách, đã hai lần tôi đề cập đến việc mọi thứ đã có thể diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác. Ngay từ đầu, nếu họ chọn anh chàng đầu tiên được giao nhiệm vụ này, anh ta rất có thể sẽ chỉ sơ tán được bốn nhân viên [ngân hàng] rồi coi như đó là thành tựu gì lớn lao lắm. Nhưng không, họ đã chọn tôi.

Một trong những điểm nổi bật trong cuốn sách "Rời khỏi Sài Gòn" chính là khả năng quan sát vô cùng sắc sảo của ông. Ông có thể chia sẻ câu chuyện về “đám mây bụi” giăng khắp Sài Gòn không?

Bốn năm trước sự kiện đó, tôi đã làm việc ở Việt Nam với tư cách là một thường dân, tôi làm cho tờ American Express, nhưng lúc ấy tôi sống và làm việc ở Tây Nguyên. Dạo đó, tôi có ghé Sài Gòn một vài lần, và mặc dù nhiều con đường đã được tráng nhựa, nhưng sẽ luôn có một đám mây bụi dày giăng mắc khắp đường phố Sài Gòn. Khi tôi trở lại vào bốn năm sau, tức khoảng 18 tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết và quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, đám mây bụi đó đã hạ xuống nhiều [chỉ đến độ mắt cá chân]. Trong mắt tôi, hình ảnh đó cũng như một con chó không sủa vậy. Bởi một thứ gì đó đã biến mất khỏi Sài Gòn. Thứ đó tất nhiên, chính sự hiện diện của quân đội Mỹ. 

Ông đã phát triển một mối quan hệ hợp tác thú vị với Nga, một cô gái bán hoa trẻ, có anh trai có liên hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông thấy ở Nga có điểm gì đặc biệt?

Chúng tôi gặp nhau trong một hoàn cảnh thật bi thảm; tôi cảm thấy rất tiếc cho cô ấy. Tôi có thói quen như vầy: Tôi sẽ trả tiền cho những cô gái bán hoa để họ dạy tiếng cho tôi. Tôi đã làm vậy ở Thái Lan, ở Việt Nam và cả những nơi khác. (Nhưng tôi chưa bao giờ làm kiểu "bóc bánh trả tiền" kia đâu.) Đó là một cách học tiếng khá tiết kiệm. Đó là ý định ban đầu khi tôi tìm đến cô ấy. Rồi tôi bắt đầu nhận ra rằng dưới vẻ ngoài gai góc, Nga lại là một người khá lanh lợi và ngọt ngào.

Ông từng có dịp được ngồi trong chiếc Lincoln Continental bóng bẩy của ông Tùy viên Thương mại đại sứ quán (Embassy’s Commercial Attaché). Và cảm giác mất kết nối với thế giới bên ngoài khi ngồi trong con xe đó, dưới ngòi bút của ông, đã thật sự gợi lên nhiều suy tưởng. Liệu ông có thể chia sẻ thêm với các độc giả về khoảnh khắc ấy không?

Khi đi bộ, anh sẽ chú ý được rất nhiều chi tiết xung quanh. Khi đi xe đạp, anh sẽ bắt đầu bỏ lỡ một vài chi tiết. Rồi, khi đi xe hơi, anh sẽ thôi chú ý những chi tiết, nhưng từ trong xe hơi thì vẫn nhìn rõ được bên ngoài, và anh hoàn toàn có thể hạ kính xe xuống để quan sát. Nhưng nếu chiếc xe hơi anh đang đi là một chiếc xe hầm hố chẳng khác gì xe tăng – bọc thép, được trang bị kính chống đạn, còn được lắp điều hòa – thì chắc chắn, anh chẳng thể ý thức được những gì đang xảy ra ngoài kia đâu. Bởi khi mọi âm thanh xung quanh bị dập tắt, thì những suy nghĩ của anh sẽ hướng vào bên trong nhiều hơn bên ngoài. 

Sau này tôi mới xâu chuỗi mọi chuyện và ngộ ra rằng cái thứ đó [chiếc Continental] có thể là một phần nguyên nhân tại sao phía Mỹ mù tịt về tình hình bấy giờ, lẽ đương nhiên là ông đại sứ mù tịt, bởi ông ta lúc nào cũng ngồi trong chiếc xe đó. Nếu anh được cơm bưng nước rót tận miệng, vườn tược thì có người chăm lo, con cháu thì có người săn sóc, chó thì được dắt đi dạo, thứ gì cũng có người làm cho, còn anh chỉ việc lái chiếc Continental đi đó đây, hằng ngày ở trong những căn phòng hạng sang, thì làm sao mà anh có thể ý thức được về những gì đang xảy ra cơ chứ. Tôi nghĩ chắc cũng có những ông đại sứ sẽ đi lang thang vào văn phòng cấp thấp nhất và hỏi han kiểu: “Hôm nay có vấn đề gì không?” nhưng trong số đó không có [Đại sứ] Martin.

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ cuộc sơ tán ấy. Trong số hơn một trăm thường dân Việt Nam mà ông đã giúp đỡ (và đã giúp đỡ ông), ông còn giữ liên lạc với những ai? 

Tính đến khi tôi hoàn thành bản thảo, hình như đầu năm 2020, tôi chưa liên lạc được với bất kỳ [đồng sự] người Việt nào. Tôi đã rất nỗ lực tìm kiếm, nhưng chẳng có kết quả gì. 

Rồi tính bướng của tôi nổi lên! Tôi tìm thấy sáu hội nhóm người Mỹ gốc Việt ở Mỹ. Mỗi hội đều có thư thông báo, và tất cả họ đều đang khao khát có một tin thật ấn tượng để đăng lên. Vì vậy tôi đã nhắn cho họ, nói rằng Ralph White, trước đây làm việc ở Ngân hàng Chase Manhattan Bank chi nhánh Sài Gòn, giờ đang tìm kiếm các đồng nghiệp cũ của mình. Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ chủ tịch Hội người Mỹ gốc Việt tại New Jersey, anh Tony Nguyễn. Và anh ấy nói, “Này Ralph, tôi biết anh đã làm được những gì. Cha tôi bị bắt ở Sài Gòn sau mùa thu, sau đó ông ấy phải vào trại cải tạo lao động trên rừng trong suốt 10 năm. Người của anh đã suýt phải chịu cảnh tương tự... nhưng chính anh đã cứu họ. Tôi muốn mời anh đến tham dự Gala Tết Nguyên đán của hội chúng tôi.” 

Vậy nên tôi đã cùng bạn gái đến đó; về cơ bản chỗ đó là một phòng tập thể dục nối liền với một trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở Piscataway, New Jersey. Theo như tôi nhớ, chúng tôi là những người da trắng duy nhất ở đó. Một người phụ nữ ngồi cạnh tôi và hỏi: “Anh đang làm gì ở đây? Anh có đi nhầm phòng không đấy?” Tôi chỉ đảo mắt bởi lời tôi sắp nói ra với cô ấy có lẽ sẽ nghe vô cùng ngớ ngẩn. “Tôi đang cố gắng tìm các cựu nhân viên của Ngân hàng Chase Manhattan Bank chi nhánh Sài Gòn.” Rồi cô ấy đáp, “Ồ, tôi biết một người làm ở chỗ Chase Saigon... đó đó, cô ấy là bạn thân tôi!” Thế là tin Ralph White xuất hiện cứ càng truyền càng xa, vì vậy tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ Orlando và Houston và San Francisco ... tất cả đều đến từ những người khi xưa tôi từng quen biết. 

Ông có muốn chia sẻ gì thêm không?

Có một điều tôi không nhắc đến trong sách, và cả [Ken Moorefield] cũng chưa biết, đó là tôi đã đề cử ông ấy nhận Huân chương Tự do của Tổng thống. Đó là để tôn vinh sự dũng cảm của ông ấy với tư cách là người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Sơ tán, khi dám đưa 113 người của tôi – và tôi nghĩ là cả vài ngàn người xuất cảnh trái phép khác nữa – rời khỏi Sài Gòn. Sau này ông ấy lại tiếp tục làm đại sứ ở châu Phi. 

Kể từ sau khoảnh khắc ấy, ông đã ghé lại thăm Việt Nam lần nào chưa?

Tôi đang có kế hoạch về thăm Việt Nam. Cuối năm nay, tôi sẽ chọn một khoảng giữa mùa mưa và mùa nóng, để xem liệu tôi có thể lang bạt và ghé lại những chốn cũ không.

Thục Uyên dịch từ CSMonitor

Sách Rời Khỏi Sài Gòn là câu chuyện có thật và đầy cảm xúc của Ralph White – một nhân viên ngân hàng Mỹ đã liều mình vượt quyền để giải cứu 113 nhân viên và gia đình người Việt trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn tháng 4/1975. Với giọng kể chân thành, hài hước và đầy nhân văn, cuốn sách là minh chứng cho lòng dũng cảm và tình người giữa thời khắc hỗn loạn của lịch sử.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Từ viết báo đến viết sách – Những con chữ đi qua lửa

Published

on

Có những con đường không hề cách biệt như ta từng nghĩ. Tưởng như báo chí và văn học là hai lối đi rẽ về hai phía: một nơi sắc lạnh hiện thực, một nơi dịu dàng mộng tưởng. Nhưng thực ra, giữa chúng là một cây cầu âm thầm bắt nhịp từ những con chữ. Và trên cây cầu ấy, biết bao người đã đi, trong lặng lẽ, đam mê, và đôi khi đau đớn, để từ trang báo bước sang trang sách, để từ tiếng nói của thời cuộc hóa thành tiếng lòng của con người.

Vào mỗi dịp 21/6 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta không chỉ tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì sự thật, vì lịch sử, mà còn để tướng nhớ trước những người đã viết không chỉ để đưa tin, mà để giữ lại một phần linh hồn thời đại. Những người viết báo, nhưng trong đáy chữ luôn có hơi văn. Những người viết sách, nhưng trong từng dòng vẫn vang vọng nhịp đập của tin tức, của điều vừa xảy ra, đang xảy ra. 

Báo chí: Trường học đầu đời của nhiều nhà văn lớn

Nói đến mối quan hệ giữa báo chí và văn học, không thể không nhắc tới những tên tuổi lớn như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, hay sau này là Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Tô Hoài, Nguyễn Quang Thiều - những người đã bước ra từ báo chí để làm nên diện mạo của văn học hiện đại Việt Nam. 

Quả thật, báo chí đã trở thành cánh đồng đầu tiên nơi nhiều nhà văn cắm bút xuống đất, viết ra những mùa màng chữ nghĩa - vừa tươi rói đời sống, vừa nhuốm màu trăn trở nhân sinh.

Ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam đang chuyển mình từ văn chương chương hồi, biền ngẫu sang hình thái hiện đại, thì báo chí lại chính là chiếc cầu nối đầy táo bạo giữa chữ nghĩa và cuộc sống.

Vũ Trọng Phụng, cây bút hiện thực phê phán sắc bén nhất giai đoạn 1930–1945, đã bắt đầu sự nghiệp bằng những bài báo ngắn, tiểu phẩm và phóng sự đăng đều đặn trên Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Ông chính là người khai phá dòng văn học phóng sự ở Việt Nam với những tác phẩm như Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì, Cạm bẫy người - vừa mang tính điều tra báo chí, vừa kết tinh phong cách văn chương sâu cay, châm biếm.

Hay Ngô Tất Tố, bắt đầu từ những bài viết báo chí phê phán xã hội nông thôn, để rồi kết tinh lại trong Tắt đèn - một tiểu thuyết xé lòng về kiếp người trong vòng xoáy sưu thuế. Những bài phóng sự ngắn, góc nhìn trực diện của ông về nông thôn Bắc Kỳ thời kỳ Pháp thuộc đã sớm cho thấy một bút lực không khoan nhượng. Và với chị Dậu, khái niệm báo chí đã không còn như ban đầu, mà đã được tiểu thuyết hoá để trở thành biểu tượng cho hàng vạn thân phận bị nghiền nát trong guồng máy bất công - một sức mạnh mà chỉ văn chương mới có thể tạo nên, sau khi đã được chưng cất từ đời sống và ngôn ngữ báo chí.

Có một điều không thể phủ nhận: báo chí không chỉ rèn luyện kỹ năng viết, mà còn giúp nhà văn học cách sống giữa đời thực - nơi mà ngôn ngữ không còn là sự bày biện thẩm mỹ, mà là công cụ để chạm vào con người.

Nam Cao là một minh chứng. Trước khi trở thành nhà văn của những phận người tăm tối như Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, ông từng là phóng viên chiến trường, viết trong mưa bom, bụi đỏ. Những bài viết khi ấy không chỉ giúp ông rèn kỹ năng quan sát và ngôn ngữ, mà còn hun đúc nên giọng văn nhân đạo đến tận cùng, đau đáu với cái nghèo, cái đói, và lòng tự trọng bị chà đạp.

Nguyễn Tuân, cây bút tài hoa, duy mỹ bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại, cũng có một quá trình dài làm báo. Ông từng là phóng viên chiến trường trong cả kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhưng dù là phóng sự, tùy bút hay ghi chép, Nguyễn Tuân vẫn giữ cho mình phong cách “chơi ngông” chữ nghĩa - thứ làm nên linh hồn độc đáo trong Tùy bút sông Đà, tác phẩm kết tinh sự giao thoa hoàn hảo giữa chất liệu thực tế báo chí và cảm hứng nghệ thuật thuần túy.

Với Tô Hoài, hành trình từ báo chí đến văn chương cũng là một dòng chảy liền mạch. Ông bắt đầu viết báo từ thập niên 1930, sau này làm biên tập cho các tờ báo lớn. Những năm tháng gắn bó với nghề viết tin, phóng sự, đã rèn luyện cho ông một lối văn quan sát sắc sảo, từ tốn mà đậm tình. Điều đó thể hiện rõ trong Dế Mèn phiêu lưu ký – tác phẩm thiếu nhi kinh điển, nhưng đặc biệt sâu sắc trong các tập hồi ký như Cát bụi chân ai, Chiều chiều - nơi ông hòa trộn những mảnh đời thực với lớp ký ức văn chương đầy trầm tích.

Được coi là một hiện tượng văn chương sau Đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp cũng là cái tên đi lên từ nghề báo, từng sống đời công chức bình dị, dạy học, làm xuất bản, rồi mới bước vào văn đàn với loạt truyện ngắn gây chấn động. Chính chất hiện thực trần trụi, cách nhìn sắc lạnh và nhãn quan xã hội bén nhạy trong văn của ông đã cho thấy dấu ấn của một người từng quen với thực tế đời sống, với cách tư duy nhanh gọn của nghề báo.

Có thể nói, giữa dòng chảy báo chí đầy biến động, họ - những nhà văn - đã không chỉ đưa ngôn từ vào con chữ, mà còn thắp lửa lên từng con chữ. Nhìn chung, có thể khẳng định rằng những cái tên trứ danh đi lên từ bao chi đều là những người viết giữa hai thế giới: thực và mơ, lý trí và cảm xúc, thông tin và ký ức.

Phóng sự – Giao lộ giữa thời sự và văn chương

Để kể về một trong những dạng thức tiêu biểu nhất cho sự dung hòa giữa báo chí và văn học trong lịch sử, thì ắt hẳn không thể bỏ qua dòng văn học phóng sự - thể loại nở rộ từ đầu thế kỷ XX với những cây bút như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang (Tôi kéo xe), Nguyễn Huy Tưởng (Bốn năm sau), và sau này là các phóng sự chiến trường đầy ấn tượng của Nguyễn Tuân, Trần Đăng, Phùng Quán.

Những tác phẩm như Tôi kéo xe của Tam Lang hay Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng không chỉ dừng lại ở việc thuật lại sự kiện, mà đã trở thành tấm gương phản chiếu xã hội, nơi người đọc vừa thấy thực tại, vừa cảm nhận được góc nhìn sắc sảo, nhân văn của người cầm bút. Phóng sự, nhờ vậy, không chỉ là một thể loại, mà còn là minh chứng sống động cho quyền lực của chữ nghĩa trong việc đối thoại với thời đại.

Phóng sự mang đậm hơi thở thời sự, tinh thần thời điểm, và sức mạnh phản ánh hiện thực - ba yếu tố cốt lõi làm nên giá trị sống còn của báo chí. Đây đều là những điều cốt tủy của nghề viết báo, và khi đi qua bàn tay nhà văn, nó được nâng lên thành nghệ thuật nhờ cách kể chuyện, xây dựng hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ và biểu đạt cảm xúc. Những đoạn miêu tả ngắn, những câu kết hóm hỉnh mà giàu suy tư, hay những chi tiết bắt gặp giữa dòng đời, v.v. tất cả được nhà văn khéo léo đặt vào khung hình chữ, vừa chân thực, vừa rung động.

Có thể nói, văn học phóng sự chính là dạng thức rõ ràng nhất của sự giao thoa giữa hai thế giới: thực và mơ, lý trí và cảm xúc, thông tin và ký ức. Nó vừa yêu cầu tính chính xác, trách nhiệm xã hội của người làm báo, vừa đòi hỏi sự tinh tế, đồng cảm và chiều sâu tư tưởng của người nghệ sĩ ngôn từ.

Báo chí, ở một nghĩa nào đó, chính là chiếc neo giữ cho văn chương không bị trôi dạt khỏi một thực tại đầy biến động mà văn học hiện đại đôi khi e ngại đối diện. Và ngược lại, văn học cũng truyền cho báo chí một điều ngược lại: khả năng lay động cảm xúc, chiều sâu của cái nhìn và sức sống bền bỉ qua thời gian. Những phóng sự xuất sắc không chỉ khiến người đọc "biết", mà còn khiến họ "nghĩ" và "thấy" - bằng đôi mắt của trái tim.

Ngày nay, thể loại này vẫn tiếp tục được phát triển, với các cây bút như Trần Mai Hạnh (Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75), hay qua những ký sự dài kỳ mang tính văn học đăng trên các báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An Ninh Thế Giới. Chúng không chỉ ghi chép sự kiện mà còn truyền tải tinh thần thời đại bằng những câu chuyện đời thường lay động.

Từ sự thật đến hư cấu: Văn học thể nghiệm và ảnh hưởng của báo chí

Bên cạnh văn học phóng sự, một mạch ngầm khác đang trỗi dậy là văn học thể nghiệm, nơi các tác giả không ngại thử nghiệm các hình thức viết mới, trộn lẫn chất báo chí với tư duy tiểu thuyết, hồi ký, thậm chí là phi hư cấu sáng tạo (creative nonfiction). Đây là nơi mà sự thật không chỉ được ghi nhận, mà còn được tái tạo qua lăng kính cá nhân. Người viết không đứng ngoài quan sát, mà dấn thân vào câu chuyện. Họ không chỉ “thấy” mà còn “cảm” và “nghĩ”. Chính sự nhập vai ấy khiến văn học thể nghiệm ngày nay không còn là vùng đất của thuần hư cấu, mà là chỗ để đời sống lên tiếng, không qua trung gian.

Chúng ta có thể nhắc đến các tác giả như Đặng Hoàng Giang với Điểm đến của cuộc đời, hay Phan Việt với Xuyên Mỹ, nơi văn học được viết bằng giọng điệu của nhật ký, ký sự, đôi khi lồng ghép cả dữ liệu thực tế. Ở đó, ranh giới giữa nhà văn và nhà báo được làm mờ, và người viết trở thành một nhân chứng, một người kể chuyện mang tính cá nhân nhưng phản ánh vấn đề chung. 

Các tác phẩm như Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh, hay Những thiên đường mù của Dương Thu Hương - dù không trực tiếp là báo chí - vẫn cho thấy ảnh hưởng của lối viết sát thực, sắc lạnh, đậm tính “nhìn thấy rồi kể lại” mà nghề báo rèn giũa. Điều này tạo nên một dòng văn chương dung hợp giữa quan sát xã hội và đào sâu nội tâm, giữa lý trí tỉnh táo và cảm xúc mãnh liệt.

Sự dung hòa giữa cái thật và cái nghĩ, giữa báo chí và văn chương, đang mở ra một không gian viết mới, nơi người đọc không chỉ đọc để biết, mà đọc để thấm, để đối diện với chính mình trong hiện thực đang biến động.

“Văn chương dung hợp” hay sự “khai phá” cho văn học hiện đại

Trong những năm gần đây, sự chuyển mình của báo chí hiện đại - từ báo giấy sang báo mạng, từ đưa tin sang bình luận - đã đồng thời mở ra một không gian mới cho văn chương thể nghiệm. Nhiều nhà văn trẻ hiện nay không chỉ “làm văn học” theo nghĩa truyền thống, mà còn tận dụng các công cụ báo chí, điều tra, ghi chép thực tế, phỏng vấn nhân vật,... để dựng nên những cấu trúc tiểu thuyết “lai” điển hình giữa ký sự, tiểu luận và hư cấu.

Khi báo chí và văn chương hòa quyện, điều ta có được là một thứ văn học không chỉ để "thưởng thức" mà còn để "hiểu", không chỉ để "mơ mộng" mà còn để "thức tỉnh". Thế hệ những cây bút trẻ hiện nay như Nguyễn Ngọc Tư, Phan An, Đinh Hằng, Nguyễn Thiên Ngân cùng nhiều gương mặt khác đang cho thấy một hướng đi thú vị: họ không ngần ngại bắt đầu từ những chuyên trang báo chí, blog, mạng xã hội, nhưng lại làm nên những tác phẩm văn học độc đáo, cá nhân, và giàu chất sống.

Không khó để nhận ra những tác phẩm đương đại đang đi theo con đường dung hợp ấy. Đi như là ở lại của Lê Vũ Trường Giang mang dáng dấp của một hành trình ký sự nhưng lại thấm đẫm chiêm nghiệm nội tâm. Ngay cả những tập truyện ngắn như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư cũng cho thấy khả năng nhìn đời sống từ một con mắt báo chí - sắc lạnh nhưng không đánh mất độ rung cảm.

Sự lai ghép không làm văn học mất đi bản sắc, mà ngược lại, mở ra những hình thức biểu đạt mới, nơi người viết không còn bó mình trong vai trò “người kể chuyện” mà còn trở thành “người đối thoại”: vừa là nhân chứng, vừa là kẻ kiến tạo thế giới. Trong dòng chảy ấy, “văn chương dung hợp” không chỉ là một khái niệm, mà là một câu trả lời nghệ thuật cho những khắc khoải hiện sinh, cho khát vọng ghi lại thế giới này bằng đôi mắt vừa tỉnh táo vừa dịu dàng.

Sự dung hợp này không đơn thuần là một trào lưu hình thức, mà là cách mà văn học hiện đại đang tìm đường để tái định nghĩa chính mình: không còn khép kín trong thế giới hư cấu, mà mở ra trước những chuyển động của đời sống và con người đương đại. Văn học, nhờ đó không chỉ tiếp tục vai trò phản ánh, mà còn trở thành một công cụ nhận thức - như một cuộc trò chuyện hai chiều giữa tác giả và độc giả, giữa thực tại và tưởng tượng. 

Ngày nay, sự phân ranh giữa nhà báo và nhà văn có thể mờ đi, nhưng điều quan trọng vẫn là: người cầm bút cần giữ cho mình sự trung thực, dũng cảm và thấu cảm, bất kể viết ở thể loại nào. Nhà báo giỏi cũng có thể trở thành nhà văn lớn, và nhà văn, nếu biết lắng nghe đời sống và giọng nói nhân dân, cũng là một nhà báo của tinh thần.

Trong thời đại mà thông tin tràn ngập và cái gọi là “thật” nhiều khi bị thao túng, thứ văn chương dung hợp giữa báo chí và nghệ thuật chính là ngọn lửa giữ cho chữ nghĩa không hóa rỗng. Và hành trình “từ viết báo đến viết sách” sẽ còn tiếp tục như một dòng chảy, nơi con chữ được gọt giũa bởi cả sự thật và cái đẹp.

Hải Đăng

Đọc bài viết

Cafe sáng