Trích đăng

Chiến tranh trong tình yêu – Chương 1 “Tình yêu hạnh phúc có tồn tại?”

Nàng và chàng đang trong cuộc khủng hoảng, cũng như nhiều lứa đôi đương đại. Tuy nhiên, cuộc chiến chàng – nàng đã nổ ra từ rất lâu, bắt nguồn từ sự mất ổn định của chế độ phụ hệ – chế độ xã hội mà quyền lực của người cha và các giá trị nam tính nắm ưu thế.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Trích từ: Tình yêu hạnh phúc có tồn tại

Tác giả: Guy Corneau

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Xuất bản: Tháng 7.2019

Giới thiệu:

Làm thế nào sự hờ hững của người cha tạo nên những “người đàn bà yêu quá nhiều” và sự ân cần quá đáng của người mẹ tạo nên những “người đàn ông sợ tình yêu”?

Làm thế nào cuộc sống của chúng ta lại tràn đầy xung đột, đặc biệt với người mình yêu thương nhất, trong khi mỗi người chúng ta đều thiết tha đi tìm hạnh phúc? Cuộc chiến đó nhằm mục đích gì? Ai là người gây chiến? Phần thưởng cho người chiến thắng là gì? Và câu hỏi nhức nhối nhất: làm thế nào để chấm dứt nó?

Chàng và nàng trên ghế sofa

Nàng

Chàng vừa đi làm về, và vừa ngồi xuống ghế sofa trong phòng khách, vẻ mệt mỏi nhưng hài lòng. Chàng ngáp và vươn vai sau khi cởi giầy. Chàng có thật nhiều điều muốn kể với nàng, chàng nói liên tục ngay cả khi nàng vào bếp lấy mấy cái ly và chai rượu. Chàng đang mặc cái áo sơ mi mà nàng rất thích (cái áo đó chính nàng đã chọn) vì nó làm chàng trông lém lỉnh và nhẹ nhàng, xua bớt vẻ trịnh trọng của chàng. Nàng thích giây phút này, khi chàng hơi mệt mỏi nên có vẻ buông thả, và chịu nói chuyện dông dài với nàng. Câu chuyện chàng nói không có gì đặc biệt hấp dẫn, nhưng chí ít chàng cũng chịu nói chuyện. Chàng nói trong khi nàng từ từ tiến tới ghế sofa, và nàng bỗng muốn hôn chàng, chẳng vì lý do gì, chỉ để hoan nghênh giây phút này. Lần này nàng sẽ chủ động. Đây là một điều nàng ít làm (và chàng cũng thường trách cứ nàng điều này). Thế là nàng tiến gần lại, vẻ lả lơi khiêu gợi.

Chàng nhìn thấy nàng tiến tới, mỉm cười, đặt cái ly lên bàn, hôn trả lại cái hôn đầu tiên của nàng với sự thích thú rõ ràng. Nhưng nàng càng tiếp tục, mọi chuyện càng tồi tệ đi. Nàng cảm thấy sự không thoải mái hiển nhiên của chàng. Nàng cảm thấy thân hình chàng trở nên cứng đờ, nụ cười vẫn còn đó nhưng gương mặt chàng có vẻ đông cứng lại. Chàng ngừng nói chuyện và lại cầm lấy cái ly.

Rõ ràng chàng khó chịu, và nàng không hiểu gì cả. Ừ, thật ra thì nàng hiểu, nhưng không muốn hiểu. Mỗi khi nàng chủ động, mọi chuyện sẽ không đi xa được, lúc nào cũng là chọn nhầm lúc, chẳng hạn như chàng sẽ viện cớ đang nhức đầu. Cứ như thể… như thể chàng là đứa con nít sợ mẹ. Ồ không, nàng không phải mẹ chàng. Nàng chẳng dính dáng gì tới mẹ chàng cả, và bây giờ nàng những muốn đóng gói chàng gửi ngược lại cho mẹ chàng trong cái thùng với dòng chữ: hàng bị lỗi.

Chàng

Nàng đã về nhà trước chàng, mùi hương nàng đã tỏa đầy khắp căn hộ, cùng ánh nắng tràn trề rọi qua cửa sổ. Nàng hỏi chàng có muốn uống một cốc rượu vang không, và chàng nói tại sao lại không nhỉ. Chàng rất thích nàng phục vụ chàng một thứ thức ăn hay thức uống gì đó, khi nàng đang vui và ân cần. Những lúc như vậy, chàng cảm thấy được cưng chiều và cuộc đời thật đẹp. Chàng kể lể một vài điều linh tinh để làm nàng cười, vì chàng biết nàng thích nghe chàng nói chuyện. Chàng cứ nói, cứ nói và đột nhiên, chàng cảm thấy muốn làm tình với nàng. A, giá như nàng chủ động nhỉ, hầu như nàng chẳng làm thế bao giờ. Ồ nếu nàng làm thế, chàng sẽ nhai sống nàng ngay.

Nhưng đúng lúc ấy, nàng chủ động thật, nàng đang tiến về phía chàng với vẻ khiêu gợi. Mong đợi thành hiện thực. Nhưng có cái gì đó không ổn ở đây. Là vẻ say đắm trong ánh mắt nàng, sự khát khao trong cử chỉ của nàng, cứ như thể cuộc sống của nàng phụ thuộc vào đó. Cứ như thể nhu cầu tình cảm của nàng lớn đến nỗi không người đàn ông nào có thể đáp ứng nổi.

Nàng đặt cái ly xuống bàn, ôm hôn chàng, xiết chặt người nàng và người chàng. Lúc này đây, nàng đang muốn nghe chàng nói “anh yêu em”. Không chứ, mọi chuyện lại bắt đầu rồi. Nàng muốn nghe chàng nói “anh yêu em” từ sáng đến tối, mọi lúc mọi nơi. Cái câu “anh yêu em” đó, chắc chàng phải thâu băng lại cho nàng có thể nghe mỗi khi nàng thích. Chàng bắt đầu thấy bực mình rồi. Ở đâu ra cái nhu cầu tình cảm lớn đến vậy, cứ như cái hang sâu hút mà chàng tránh đến gần, sợ nhỡ sảy chân rơi xuống thì hỏng. Chắc chắn nàng sẽ lặp lại câu “em thiếu tình thương của cha mà”. Thiếu tình thương của cha! Cứ làm như chàng được cha thương yêu lắm không bằng.

Sau cái hôn thứ tư, chàng chộp lấy ly rượu. Chàng hy vọng nàng không nhận ra sự khó chịu trong lòng mình. Nhưng nhạy cảm như nàng, dĩ nhiên là nàng đã thấy. Chỉ còn cách là chàng làm đổ một ít rượu xuống thảm và vì thế có thể chạy vào nhà vệ sinh, để tâm trạng bình thường trở lại.

Nàng

Vậy đó, lại thêm một lần nữa chàng chạy biến mất. Nhưng lần này, nàng thề sẽ không chạy theo đuôi chàng đâu nhé. Nàng ngán tới tận cổ thứ đàn ông lãnh cảm này rồi. Nàng đã chán ngấy việc đóng vai cô gái dễ thương rồi. Nàng đã chán phải chuẩn bị các món ăn ngon cho chàng, phải chiều những trò chơi chàng ham thích trên giường, với hy vọng đổi lại sự trìu mến dịu dàng không bao giờ đến. Nàng giận thật rồi, nhưng nàng sẽ nổi giận trong yên lặng, vì những gì nàng muốn nói bây giờ có vẻ thô lỗ, độc địa quá. Mới năm phút trước đây thôi nàng còn muốn hôn chàng, nhưng giờ nàng chỉ muốn tìm cách trả đũa. Chàng mà thò đầu ra khỏi nhà vệ sinh xem…

Chàng

Chàng tự trách phản ứng của mình. Nói cho cùng, nàng làm điều đó chỉ cốt khiến cho chàng vui lòng. Nếu chàng chiều theo sự chủ động của nàng lần này, nếu chàng cho nàng sự âu yếm lãng mạn mà nàng mong đợi, có thể trận chiến bắt đầu từ vài ngày nay sẽ kết thúc. Thế là chàng trở lại phòng khách, lòng đầy dự định tốt lành.

Chàng nhìn thấy nàng lúc đó trông xa lạ, lạnh lẽo, đanh đá, ngồi lùi sát một góc sofa. Những dự định tốt lành bay biến hết. Nàng muốn chiến tranh chứ gì, nàng sẽ có chiến tranh! Chàng không để bị áp đảo được. Nhất là từ khi nàng bắt đầu đi tư vấn tâm lý và bắt đầu học khẳng định mình, nàng không bỏ sót một dịp gây hấn nào, mọi chuyện ngày càng tồi tệ hơn. Rồi thì nàng bắt đầu bản trường thoại của nàng về cuộc sống hai người và những hiệp ước, máu chàng bắt đầu sôi lên. Chàng nuốt một ngụm rượu, nhưng rượu lúc này có vị chua như giấm. Cái gì nàng động đến cũng chua như giấm. Buổi tối nay thế là hỏng bét. Chàng chỉ còn muốn mỗi một điều là bỏ đi khỏi nhà. Đang định mở miệng nói, nàng đã chặn trước: “Tôi cá rằng anh lại muốn bỏ đi. Anh thấy tôi quá phiền chứ gì? Anh tưởng rằng đàn bà khác sẽ chịu được anh và xử sự khác tôi sao? Có thật anh nghĩ một ngày anh sẽ tìm được người đàn bà lý tưởng? Nhìn lại mình đi, cưng à!!”

Sức nặng của giấc mơ

Vậy là bắt đầu điệu vũ của những lời chê bai và kết tội. Cả hai sẽ ngày càng lớn tiếng, sẽ dẫn đến vài cú sấm sét theo kiểu đóng sập cửa, bỏ đi và trở lại… Sẽ có vài tiếng la hét, nước mắt, cay đắng ở cả hai phía, hối hận, hôn nhau, và nếu là một tối may mắn, sẽ kết thúc bằng một pha làm tình. Và vài ngày sau mọi chuyện lại tiếp diễn.

Tôi biết, bạn nghĩ rằng chuyện này chỉ xảy ra trong nhà bạn. Xin lỗi phải làm bạn thất vọng, chuyện này xảy ra ở khắp nơi. Dĩ nhiên bạn có thể thêm thắt vào vài điểm nhấn cá nhân, có khi câu chuyện xảy ra giữa hai người đàn ông, hoặc hai người đàn bà, có khi nàng là người lãnh cảm không muốn chàng lại gần, có khi cuộc cãi vã dẫn đến ẩu đả… Nhưng nói chung kịch bản không thay đổi nhiều lắm, đến nỗi chúng ta có cảm giác là chuyện tình cảm của con người diễn ra theo một chương trình đã định sẵn.

Nàng tự thấy mình đã sẵn sàng và đi tìm một người đàn ông có ý muốn ổn định và quyết định ràng buộc. Nàng muốn được ấm áp và an toàn, từ xưa đến giờ nàng chưa có được cảm giác đó, cha đã không cho nàng. Nhưng sức nặng của sự chờ đợi như thế làm chàng phát sợ. Hơn nữa, chàng không hiểu chút gì về cái gọi là quan hệ hòa hợp thấu hiểu giữa hai giới, chàng còn không hiểu chính mình nữa là. Chàng biết cái gì là quyền lực, là chiến thắng, là cơ khí, là vận dụng đầu óc. Nhưng những gì liên quan tới tình cảm lại là chuyện khác. Hình như chàng thiếu hiểu biết về thứ gia vị gì đó để nấu món ăn tình yêu, mà nàng tự cho rằng mình biết. Bỗng nhiên chàng thấy mình thật không ra gì trên lĩnh vực tình cảm. Chàng thấy có lỗi vì không thể thỏa mãn giấc mơ mà nàng tha thiết đến thế, có lẽ chàng không thích hợp để giúp nàng điều này. Nàng cảm thấy đau khổ vì không đủ khả năng làm cho chàng hạnh phúc. Vậy mà nàng đã cố gắng bao nhiêu để giúp chàng trở thành mẫu hoàng tử mà nàng mong muốn. Chàng thì cảm thấy bị kiểm soát, dắt mũi, ép uổng thành mẫu người không phải bản chất chàng. Cảm giác khó chịu này giống như khi chàng đứng trước mặt mẹ. Bà cũng thế, bà lúc nào cũng chỉ muốn ép chàng thành hoàng tử bé. Cùng một dạng áp lực, nàng đè nặng lên chàng mà không hay biết.

Nàng không nhận ra sức nặng của giấc mơ. Chàng không nhận thấy sức nặng của sự khó tính, hờ hững nơi mình. Chàng không nhận thấy mình muốn nàng phải trả giá, phải nhận bài học vì cái giấc mơ hoang đường ấy của nàng. Và cứ thế, sự tình dần trở nên khó chấp nhận. Nàng, chờ đợi và theo chàng. Chàng, im lặng và lẩn trốn. Bằng những cử chỉ của mình, mỗi người tiết lộ điều mình mong đợi ở người kia, và lần lượt khiến cho nhau thất vọng. Hai người duy trì tình trạng này ngày này sang ngày khác như thể để xem sức chịu đựng của mình và người kia tới đâu, để xem người kia thất vọng và để tang giấc mơ ấy như thế nào. Họ tiếp tục quen nhau vì nhu nhược. Cho đến một ngày, nhận ra mình đã bị dắt mũi quá lâu, đã dậm chân tại chỗ quá lâu, họ chia tay trong chán chường. Nàng thấy mình đã bị lừa. Còn chàng thấy mình bị sập bẫy. Và cả hai đều đau khổ khi chấm dứt cuộc tình.

Điệu vũ của những tiếng thở dài từ hai phía không phải mới, chúng ta quan sát thấy nhiều từ hơn một phần tư thế kỷ nay. Chúng ta cần một cuộc khủng hoảng tận gốc để mong thay đổi nó.

Khi cuộc sống lứa đôi là chiến trường

Chế độ phụ hệ mất thăng bằng

Nàng và chàng đang trong cuộc khủng hoảng, cũng như nhiều lứa đôi đương đại. Tuy nhiên, cuộc chiến chàng – nàng đã nổ ra từ rất lâu, bắt nguồn từ sự mất ổn định của chế độ phụ hệ – chế độ xã hội mà quyền lực của người cha và các giá trị nam tính nắm ưu thế. Trong hoàn cảnh đó, câu nói: “Yêu nhau, hai người trở thành một” là không rõ. Phải trả lời thêm câu hỏi: Nhưng một đó là ai, đàn ông hay đàn bà? Và với một cặp đôi cổ điển, sự hòa hợp trong gia đình chủ yếu dựa trên sự khuất phục, hy sinh của người phụ nữ. Hai người hòa hợp để xây dựng mái ấm của người đàn ông, mái ấm sẽ tuân theo các chỉ dụ của chế độ phụ hệ. Người đàn bà thường phải chối bỏ cá tính của mình, nghĩa là chối bỏ những sở thích, tham vọng, tính sáng tạo của mình để tập trung vào việc nuôi dạy con cái.

Ngày người phụ nữ bắt đầu không chấp nhận tình trạng trên, lứa đôi dĩ nhiên sẽ lâm vào khủng hoảng, vì chúng ta không biết, không có hình mẫu nào trong lịch sử dạy ta biết phải làm gì để chung sống hòa hợp mà vẫn là hai con người toàn diện và tự chủ.

Chế độ phụ hệ là hệ thống tư tưởng chi phối tâm lý của mọi người đàn ông và đàn bà. Ý thức hệ này đặt vị trí của người đàn bà là phục tùng đàn ông, dựa trên các thành kiến là những gì người đàn ông thực hiện, sản xuất thì hiển nhiên quan trọng hơn những gì người đàn bà thực hiện, cảm thấy… Thành kiến này cũng khiến những gì liên quan đến nữ tính, tình cảm, nội trợ… bị đánh giá thấp. Chính vì thế, ý thức phụ hệ bị khủng hoảng khi ngày càng nhiều phụ nữ khẳng định mình là con người toàn diện. Cuộc chiến nổ ra dưới mỗi mái nhà, trong mỗi gia đình. Một câu hỏi giản dị được đặt ra: ai phục vụ, và ai được phục vụ. Chúng ta có thể xem phụ nữ như các mật thám của sự hiện đại hóa xã hội. Tuy từ xưa, thời nào cũng có tấm gương phụ nữ đứng lên đòi sự công bằng và tôn trọng cho phái nữ, nhưng hiện tượng này chỉ phổ biến gần đây, cùng với thuốc ngừa thai, đến làn sóng phụ nữ bươn chải làm việc để kiếm sống sau Thế chiến II. Phụ nữ thoát khỏi việc làm mẹ không chủ động và lệ thuộc về kinh tế. Phong trào nữ quyền tích cực bắt đầu từ năm 1968 đến nay đã chứng kiến sự tham gia tích cực của phái nữ trên mọi lĩnh vực hoạt động.

Biến chuyển này dĩ nhiên ảnh hưởng sâu đậm đến quan hệ lứa đôi. Và như thế, cuộc sống lứa đôi hiện đại đã trở thành bãi chiến trường, nơi chế độ phụ hệ bị đe dọa, nơi hai nền tư tưởng nam tính và nữ tính đụng độ nảy lửa trong cuộc sống ngày thường, trong nhà bếp, trong phòng ngủ…

Chế độ phụ hệ nằm trong tâm tưởng mỗi chúng ta

Trong cuộc tranh chấp này, muốn phân biệt kẻ tốt người xấu, kẻ đúng người sai chỉ là ảo tưởng. Bởi chế độ phụ hệ không chỉ đàn áp và làm khổ phụ nữ, nó cũng cắt mất người đàn ông khỏi phần quan trọng của anh ta bằng cách đưa ra kiểu mẫu người đàn ông anh hùng, cứng nhắc, không biểu hiện cảm xúc, đến nỗi nhiều người đàn bà cứ tưởng đàn ông không có tình cảm gì, không biết tổ chức gia đình hay dạy dỗ con cái. Đó là phần ngược lại của thành kiến đặt trên phái kia, cho rằng đàn bà thì không biết suy nghĩ.

Tiếp tục duy trì những tư tưởng kiểu trên là một cách để duy trì mãi chế độ phụ hệ. Tốt hơn chúng ta nên nhìn đàn ông và đàn bà là hai phe hiện đang đoàn kết, từng cùng chịu bi kịch lịch sử, và cả hai đều có cả đao phủ lẫn nạn nhân. Hai phái nên bước ra khỏi vị trí xác định sẵn cho họ trong tiềm thức. Chúng ta từng thấy nhiều phụ nữ trong dòng chảy chung cố gắng học lấy sự cứng rắn để tìm chỗ đứng trong lĩnh vực của đàn ông. Những luật lệ khắc nghiệt của chế độ phụ hệ đã thấm sâu trong mỗi người: “dù là đàn ông hay đàn bà, muốn sống sót chúng ta phải cứng rắn, không có chỗ đứng cho sự yếu mềm tình cảm”.

Một đôi lứa thấu hiểu hòa hợp là không thể có được trong bối cảnh hiện nay, khi ý thức hệ như thế còn ngự trị trong xã hội. Nam tính được quan niệm như cắt rời khỏi cơ thể và trái tim, đồng nghĩa với trấn áp sự nhạy cảm và cảm xúc, và dựa trên sự phong tỏa các biểu hiện của cảm xúc. Mọi đau khổ đều được đề nghị chữa trị bằng lý trí thống trị, bằng các nguyên tắc trừu tượng. Chúng ta đưa công việc lên trước vui chơi, nghĩa vụ lên trước quyền lợi, lý trí lên trước tình cảm. Sự tham gia của mỗi người, đàn ông lẫn đàn bà, vào niềm tin hoang đường tập thể này đã khiến hai giới ngày càng cách biệt. Vì chế độ phụ hệ không chỉ là một hệ thống tổ chức xã hội và chính trị, nó hiện hữu trong mỗi người. Cũng chính vì lý do đó, công cuộc xây dựng mối quan hệ thấu hiểu sâu sắc giữa nam và nữ, trong công bằng và hỗ trợ, là liều thuốc duy nhất có thể cứu ta khỏi những đau khổ này.

Đi tìm sự thấu hiểu thực sự

Sự thấu hiểu giữa đàn ông và đàn bà dường như chưa từng hiện hữu. Cũng gần đây thôi, chúng ta bắt đầu lấy nhau vì tình yêu, và mới hơn nữa, chúng ta cố gắng không chia tay vì tình yêu. Trong khi trước đó, hôn nhân chủ yếu để tồn tại về kinh tế, để thăng tiến trong xã hội, để giữ gìn hoặc tăng thêm của cải… Những cặp vợ chồng thế hệ trước thường cố gắng ở bên nhau để họ hàng, nhà thờ, người quen khỏi đàm tiếu. Đối với họ, sự thấu hiểu giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái không nằm trong danh sách các nhiệm vụ phải thực hiện. Với họ, vai trò của người cha, người mẹ, cũng tức là người chồng, người vợ đã được xác định từ trước. Và quan niệm tĩnh lặng này dần dần làm khô héo cuộc sống.

Đó là lý do tại sao, ngày nay tất cả đều bùng nổ. Vai trò của cha mẹ, chồng vợ không còn rõ ràng như trước. Chúng ta đặt câu hỏi ngay cả thế nào là một người đàn ông, thế nào là một người đàn bà… Những câu hỏi tầm cỡ này, trên diện rộng như thế này chưa nền văn minh nào có cơ hội để đặt ra. Cuộc khủng hoảng này chưa từng có, và nó cho chúng ta cơ hội tiến hóa không gì so sánh được. Và cũng vì thế, thời đại này vừa quyến rũ, kích thích, vừa khiến chúng ta bối rối.

Trước sự bi quan, nhiều người sẽ cảm thấy trước cuộc tàn sát này, nhà báo và nhà tâm lý học Ariane Émond trả lời: chưa bao giờ quan hệ giữa đàn ông và đàn bà lại tốt hơn bây giờ, vì lần đầu tiên trong lịch sử, hai giới bắt đầu vượt khỏi những vai trò quy định sẵn để đối thoại thực sự với nhau.

Với những hình mẫu đàn ông và đàn bà của chế độ phụ hệ, một “đôi” hạnh phúc có thể nói là không thể tồn tại. Cuộc phiêu lưu mới này đầy thách thức và kích thích. Cái được thua trong cuộc chiến này không còn là ai sẽ phải hy sinh cho ai, mà là: làm thế nào để sống hòa hợp làm một trong khi mỗi người vẫn là chính mình.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura và bí mật từ chuyến Tây du lịch sử khiến nước Nhật phát triển thần kỳ

Published

on

Sứ đoàn Iwakura

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem văn minh khai sáng “về trồng” trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây. 

Chuyến hải hành khám phá Hoa Kỳ và các nước châu Âu của sứ đoàn Iwakura kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 - 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. 

Quyển sách Sứ đoàn Iwakura, tác giả Ian Nish biên soạn.

Ban đầu, họ lên kế hoạch đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhà sử học Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép về quá trình khai sáng, ông ý thức được rằng: “Nếu ý chí của con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực vươn ra khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và sự giàu có, những điều này chỉ là thứ hai”.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Đối với phó sứ Kido không gì tạo ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông viết: “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học, trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước trong nghìn năm tới... Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục”.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các trường đại học và các tổ chức học thuật khác. 

Hình ảnh đoàn cấp cao do nhà quý tộc Iwakura Tomomi dẫn đầu đến thăm Hoa Kỳ và các nước phương Tây vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura. Nguồn ảnh Kameda Kinuko.

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây, như thực tế là con đường nhanh nhất. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho hiệp ước cũ bất bình đẳng. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản bước vào “câu lạc bộ” các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Nhật Bản đã sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có mô hình phát triển nào trước đó làm tiền đề, quả thật là điều thần kỳ. 

Một trong những nhật báo, Kokunim Shimbun, hãnh diện đăng đàn rằng: “Như hệ quả của cuộc chiến (Trung - Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện của ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, ở năng lực có một không hai là hấp thụ, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, là bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc”.

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Năm 1878, biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Beio Kairan Jikki, gọi tắt là Kairan Jikki, được in lại nhiều lần từ năm 1977, có giá trị như bộ sử của chính phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ XIX dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Đây là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.

Trích đoạn

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ việc tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản "mở cửa đất nước" không chỉ là một hành động mang tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh", Ito Hirobumi - Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

***

"Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất là muốn giới thiệu với phương Tây về những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản và thương thảo lại các hiệp ước bất bình đẳng. Thứ hai là quan sát và đánh giá sự phát triển của phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mai, giáo dục và cách tổ chức quốc gia. Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc đến chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng chiến lược này", trích đoạn từ sách Sứ đoàn Iwakura, Ian Nish.

Về tác giả

Ian Nish (1926 – 2022) là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London.

Đọc bài viết

Cafe sáng