Book trailer

Đời sống xoắn quẩy của nấm

Hay hành trình khám phá những khả năng phi thường của họ nhà nấm.

Published

on

WHETHER YOU’RE MAKING A MEAL OR CLEANING AN OIL SPILL, THERE’S A FUNGUS FOR THAT
Jennifer Szalai

Hoàn thành bản thảo cho một cuốn sách mới thường là thành quả của nhiều năm làm việc, và khi tác giả đã thành công trong công cuộc hiện thực hóa ý tưởng đột phá, họ sẽ cố gắng kỷ niệm cái mốc này thật hân hoan. Trong cuốn sách mới của mình, Entangled Life: How Fungi Make Our Worlds, Change Our Minds, and Shape Our Futures, tạm dịch Đời sống xoắn quẩy của nấm: Cách họ nhà nấm tạo ra thế giới, thay đổi suy nghĩ và định hình tương lai của chúng ta, nhà sinh học trẻ chuyên trị mảng nấm, Merlin Sheldrake, đã thực hiện một nghi thức mà tôi chưa từng nghe đến và cũng hoàn toàn mờ tịt: Anh ấy thấm ẩm cuốn sách rồi gieo bào tử nấm vào đó, cuối cùng ăn số nấm bào ngư mọc ra từ những trang giấy. Với một bản sao khác, anh ấy xé các trang giấy ra, nghiền nát chúng để tạo đường và lên men cả hỗn hợp thành bia. Quên đi những cách thức tận hưởng văn chương tầm thường – một bữa yến tiệc sành sỏi hay chúc tụng cùng sâm-panh: Ngay đây, độc giả đang chứng kiến một tác giả đánh dấu việc hoàn thành cuốn sách của mình bằng việc ngấu nghiến nuốt chửng nó.

Nhà sinh vật học Merlin Sheldrake, tác giả của cuốn sách mới Đời sống xoắn quẩy của nấm: Cách họ nhà nấm tạo ra thế giới, thay đổi suy nghĩ và định hình tương lai của chúng ta.
Ảnh: merlinsheldrake.com

Đó là cái kết dị biệt nhưng lại phù hợp với Đời sống xoắn quẩy của nấm – hành trình khám phá hăng hái và đầy tham vọng của Sheldrake về sự vật bao quanh chúng ta nhưng lại quá ít người nghĩ đến. Cây cối luôn nhận được nhiều sự chú ý từ con người, nhưng Sheldrake lại muốn hướng ánh nhìn của ta tới họ nhà nấm, mà nếu không có chúng, rất nhiều loại thực vật được chúng ta sử dụng sẽ không thể tồn tại. Hầu hết khi nghĩ về họ nhà nấm, bạn chỉ hình dung tới những “cây nấm” mọc ra từ gốc cây hay đã được nấu chín trên đĩa. (Tên của Sheldrake – Merlin – khiến tôi nghĩ tới một vị phù thủy và cây nấm dù ma thuật của ông ấy.) Tuy nhiên, “cây nấm” thường chỉ là cái chóp bé tẹo so với thế giới rộng lớn của họ nhà nấm. Mạng lưới nấm lớn nhất thế giới được ghi nhận sống tại Oregon, một mạng lưới – hay một hệ nấm sợi – bao phủ bốn dặm vuông (tương đương 6,4 mét vuông) và đã có hàng ngàn năm tuổi.

Còn nữa, họ nhà nấm không chỉ hiện diện ở khắp mọi nơi, chúng còn làm việc. Mặc dù chúng thường bị gộp chung với những loại cây sử dụng nấm như hệ thống rễ trong hàng chục triệu năm trước khi cái cây đó tiến hóa đến độ có thể tự tồn tại, Sheldrake khẳng định rằng họ nhà nấm có mối liên quan chặt chẽ hơn với động vật. Khi nghĩ tới cây cối và hệ thống nấm giúp duy trì sự sống của cây, chúng ta hay bị lấn át bởi chủ nghĩa “lấy cây cối làm trung tâm” và làm cho chúng ta không nhận ra sự hiện diện của nấm – ta đã bị “mù nấm”.

Chứng “mù nấm” có thể khiến ta bỏ lỡ nhiều hiện tượng phi thường. Họ nhà nấm có thể phân phối chất dinh dưỡng và cả thông tin tới các thực vật khác. Ví dụ, khi một cái cây bị tấn công bởi rệp, nó phát ra một “tiếng thét hóa học” sẽ “tới tai” những cây khác trong mạng lưới nấm – điều này cho phép cây cối trong mạng lưới tự phòng ngự bằng cách tiết ra một hợp chất hóa học thu hút ong bắp cày, kẻ địch của loài rệp. Thậm chí, dù cái cây phát đi tín hiệu cảnh báo chẳng thu được hoặc thu được rất ít lợi lộc từ các cây xung quanh sau khi bản thân nó đã bị rệp tấn công, ích lợi từ mạng lưới nấm sẽ giúp giữ cho cây khỏe mạnh.

Mạng lưới nấm sợi – thứ mà một vài nhà nấm học gọi là “wood wide webs” (mạng lưới toàn gỗ, chơi chữ từ “world wide webs – www”) – cũng có thể khuếch đại tương tác giữa họ nhà nấm, thực vật và vi khuẩn với những giả thuyết còn mơ hồ. Một mạng lưới có thể truyền dẫn độc tố và vi rút, cho phép một số thực vật nhanh chóng tiêu diệt một số khác trong khu vực gần đó.

Cuốn sách của Sheldrake hội tụ đầy đủ những câu chuyện ấn tượng như vậy, từng bước mở rộng nhận thức hạn hẹp của chúng ta. Anh đưa ra những trích dẫn nhiều màu sắc, tất cả đều rất bí ẩn nhưng lại cần thiết, từ những danh nhân đa dạng như Tom Waits và nhà nữ quyền Hélène Cixous. Một trong những chương đầu tiên viết về việc truy tìm nấm truffle (nấm cục) khởi đầu với một lời nhắn từ Hoàng tử trước khi đi sâu vào thế giới nấm bí ẩn mà quyến rũ. Kiểm tra rễ một loại cây dưới kính hiển vi giúp anh có cái nhìn thoáng qua về cái cây và những cây nấm đang cuốn lấy nhau trong một cái ôm thân mật. “Đây không phải là tình dục,” anh viết; không có thông tin gen nào được tổng hợp. “Nhưng điều này vẫn thật quyến rũ.”

Sự thật là, thứ hạng của thuyết nhân hóa (anthropomorphism) dẫn đến những hiểm nguy nhất định; nếu chúng ta từ bỏ chủ nghĩa lấy cây cối làm trung tâm mà phóng chiếu tính người lên họ nhà nấm, Sheldrake thừa nhận, chúng ta có nguy cơ không hiểu hết một sự vật theo cách riêng của nó. Nhưng vẫn có một số đặc điểm đang được ghi nhận về họ nhà nấm, rằng chúng không thể dự đoán trước, phản ứng nhanh và dễ bị kích thích. Anh ấy đề cập đến từ “đồi” trong tiếng Potawatomi (một thứ tiếng Mỹ bản địa – kiểu tiếng thổ dân) là một động từ: “Đồi ở đây là quá trình leo, chúng vận động để trở thành những ngọn đồi.” Sau đó, trong một cuộc thảo luận đột xuất say mê về rêu địa y – một tổ chức cộng sinh bao gồm tảo và họ nhà nấm – anh ấy giải thích cách rêu địa y lọc những khoáng chất từ đất đá và truyền chúng vào chu trình trao đổi chất của sự sống. Địa y, một cách nói khác, “không bao giờ ngừng địa y, chúng vừa là động từ mà cũng vừa là danh từ.”

Các nhà nghiên cứu tiên phong (táo bạo) đang cố gắng tìm ra tất cả những công dụng của họ nhà nấm. Từ những công dụng cơ bản nhất là cung cấp dinh dưỡng cho thực vật, giúp chúng phát triển và thay đổi, ví dụ như vị ngọt của dâu tây. Vậy họ nhà nấm có thể giúp chúng ta dọn dẹp mớ hỗn độn khủng khiếp mà chúng ta đã gây ra cho hành tinh này không? Họ nhà nấm có thể được “huấn luyện” để hấp thu tàn thuốc lá, tã đã qua sử dụng, dầu loang hay cả phóng xạ. Một lĩnh vực mới trong ngành chế tạo vi mô đã phát triển da giả và vật liệu xây dựng từ họ nhà nấm. Sheldrake tham quan một nhà máy đã biến mạng lưới nấm thành đồ nội thất – chân ghế từ nấm dù.

Nhưng nếu chúng ta chỉ chăm chăm khai thác tiềm năng ứng dụng của chúng, theo một cách nào đó, thì ta đang bỏ qua một số điểm trọng yếu. Sheldrake cho rằng việc chú ý tới họ nhà nấm có thể thay đổi những hiểu biết cơ bản về thế giới. Mạng lưới nấm sợi là một hệ thống phi tập trung, “sự phối hợp của chúng xuất hiện ở khắp nơi cùng một lúc và không có nơi nào riêng biệt.” Chúng tiêu hóa bằng cách đưa cơ thể mình vào trong thức ăn. Một loại nấm đầu nhỏ gọi là hyphae có thể gây áp lực đủ lớn để xuyên qua giáp Kevlar. Một loại nấm mọc lên sau cơn mưa có thể từ mặt đất lách qua đường nhựa. Sheldrake viết, “nếu tôi nghĩ về sự phát triển của nấm sợi trong vòng hơn một phút, tâm trí tôi bắt đầu bị kéo dãn.”

Anh mô tả việc nhận được sự hỗ trợ từ các chất gây ảo giác từ nấm như LSD (Lysergic Acid Diethylemide – một loại axit chiết xuất từ nấm gây ảo giác về hình ảnh, âm thanh) và psilocybin (hợp chất tự nhiên gây ảo giác từ hơn 200 loại nấm), đồng thời đưa ra phép so sánh với cái gọi là nấm xác sống điều khiển cơ thể vật chủ côn trùng. Một loại khác tự lây lan bằng cách lây nhiễm ve sầu, giữ cho chúng sống sót trong khi khiến cho phần đuôi ve sầu phân hủy và thải ra các bào tử, biến chúng thành “những kẻ rắc muối biết bay của thần chết.”

Sheldrake nói rằng những ảo giác từ họ nhà nấm thường lành tính với vật chủ là con người, nhưng đôi lúc cũng rất mạnh mẽ. Chúng khuyến khích con người nuôi dưỡng chúng, phát tán bào tử của chúng ra thế giới. Chúng xóa nhòa ranh giới của bản thân, mang lại cho con người cảm giác về sự hòa nhập vào một cái gì đó lớn hơn, mở rộng kỳ vọng về khả năng của họ. Thay vì mắc kẹt lại trong những cái tôi, chúng ta nên bắt đầu nghĩ rằng chúng ta nằm trong một mạng lưới năng động và được gắn liền với một chuỗi những mối quan hệ.

Trong vòng 24 giờ sau khi đọc xong Đời sống xoắn quẩy của nấm, tôi đã đặt mua một bộ dụng cụ trồng nấm bào ngư. Tôi bắt đầu rà soát những ụ địa y ôm lấy sàn bê tông ẩm ướt trong sân. Cuốn sách này có thể không phải một tác phẩm tâm lý – và không giống như Sheldrake, tôi không dám sử dụng sách để trồng nấm và lên men bia (chưa tới lúc) – nhưng việc đọc nó không chỉ lay động tôi mà còn khiến tôi thay đổi, nóng lòng muốn phổ biến thông điệp của cuốn sách về những khả năng của họ nhà nấm.

Hết.

Bún Cứng dịch.

Bài viết gốc được thực hiện bởi Jennifer Szalai, đăng tại The New York Times.

1 Comment

1 Bình luận

Viết bình luận

Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Book trailer

Khát khao cây cỏ: Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và thiên nhiên dưới góc nhìn thực vật

Published

on

By

khat-khao-cay-co

Dưới ngòi bút cô đọng, trang nhã của Michael Pollan, tác phẩm Khát khao cây cỏ (Phương Nam Book, NXB Thế Giới) đã trình bày nhiều kiến thức khoa học chuyên sâu và những tham khảo đa ngành sống động. Tất cả đều góp phần soi sáng quan điểm cốt lõi của ông, đó là: con người và thiên nhiên luôn gắn liền với nhau trong sự tiến hóa chung của dòng chảy lịch sử tự nhiên.

Tác phẩm Khát khao cây cỏ mang tầm nhìn bao quát, nêu bật quá trình đồng tiến hóa của chúng ta đã len lỏi vào thiên nhiên. Bốn ham muốn của con người thể hiện qua bốn loài thực vật, đó là: vị ngọt trong câu chuyện về cây táo, tình yêu cái đẹp dành cho hoa tulip, ham muốn sự say sưa (thoát tục) ẩn chứa trong cây cần sa, khả năng kiểm soát thông qua cây khoai tây. Đọc những lời văn của Michael Pollan, bạn sẽ nhận thấy rằng cây cối không chỉ là giống loài của rừng rậm hoang sơ, mà còn là sinh vật gần gũi, có thể điều khiển cảm xúc con người.

Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và thiên nhiên từ góc nhìn thực vật

Từ xưa đến nay, cây cối và con người luôn học cách tương hỗ nhau: Mỗi bên thực hiện cho bên còn lại những điều tự thân không thể làm, và quá trình thương thảo ấy đã biến đổi cũng như cải thiện số mệnh chung của cả hai. Mở đầu chương 1, Michael Pollan ngược dòng ngược thời gian và chia sẻ với độc giả câu chuyện về người nông dân huyền thoại nước Mỹ – John Chapman, ông đã gieo trồng những cây táo – loài thực vật đại diện cho vị ngọt trong quần thể cây cối.

John Chapman sống từ cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, là một nhà cách mạng và đồng thời cũng là một người làm vườn. Ông được ca ngợi vì có nhiều đức tính tốt, và niềm đam mê bất tận với nhiều chủng loại táo khác nhau. Được mệnh danh là người nông dân tiên phong gieo trồng táo, những năm 1830, John Chapman đã đi chu du và vận hành một chuỗi vườn ươm hạt táo trải dài khắp các bang nước Mỹ từ bắc Pennsylvania, qua miền trung Ohio, đến tận Indiana. Ông già chân đất với bộ trang phục vải bố đã qua đời vào năm 1845, để lại khối tài sản kếch xù.

Từ câu chuyện về nhân vật huyền thoại John Chapman, tác giả Michael Pollan đã diễn tả đậm nét những đặc điểm sinh học tiến hóa của cây táo – vị ngọt. Ông có đoạn viết: “Bằng cách bao bọc hạt trong lớp thịt quả ngọt ngào giàu dinh dưỡng, những cây ăn trái như cây táo đã khéo léo lợi dụng việc mê vị ngọt của các loài thú có vú để đổi lấy đường trong quả. Các loài thú đã vận chuyển hạt đi xa, giúp mở rộng biên độ lãnh thổ của cây táo. Sự hợp tác trong cuộc thương thảo lớn nhằm cùng nhau tiến hóa, các loài thú mê ăn ngọt và những loài cây cho ra quả to, ngọt đã sánh vai nhau nhân giống, phát triển, tiến hóa thành những giống loài như ngày nay, trong đó có cả loài người chúng ta”.

Trong tác phẩm Khát khao cây cỏ của Michael Pollan, cây cối và con người được đặt trong mối quan hệ phụ thuộc đôi bên. Trước khi đưa ra kết luận này, tác giả chỉ ra rằng, chúng ta thường chia thế giới thành chủ thể và mục tiêu. Và trong khu vườn, cũng như tự nhiên nói chung, loài người thường giữ vai trò chủ thể. Ngay cả trong ngôn ngữ mà chúng ta dùng để miêu ta mối quan hệ này cũng rất rõ ràng: tôi chọn cây, tôi nhổ cỏ, tôi thu hoạch. Nhưng theo Michael Pollan, con người cũng như các loài động vật khác, khi xét trong mối quan hệ đối với cây cối thì đều có tính chất đồng tiến hóa, tương hỗ lẫn nhau.

Khát khao cây cỏ, tác giả Michael Pollan đã so sánh mối quan hệ đồng hưởng lợi giữa con người và các loài thực vật cũng có phần tương tự như mối quan hệ giữa con ong và loài hoa. Ong thu phấn hoa để làm mật, cùng lúc đó gieo rắc phấn đến các nơi khác, giúp cây mẹ duy trì nòi giống. Bắt nguồn từ ý tưởng này, tác giả kết nối các nhu cầu, cũng là ham muốn chính yếu của con người: vị ngọt, cái đẹp, say sưa và kiểm soát – với những loài cây có thể thỏa mãn các nhu cầu ấy: cây táo, hoa tulip, cây cần sa và cây khoai tây.

Bằng cách kể câu chuyện về bốn loài thực vật này, Michael Pollan cho thấy cây cối đã cố gắng tiến hóa như thế nào để đáp ứng các nhu cầu căn cốt của con người. Về phía con người, nhờ được hưởng lợi từ cây mà càng ra sức nhân giống, giúp cây phát triển thuận lợi. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, trong mối quan hệ giữa người và cây – ai mới là kẻ nắm giữ vai trò chủ chốt, và ai đã thực sự thuần hóa ai?

Đáp án của Michael Pollan là: “Tôi nhận ra rằng vấn đề giữa tôi và củ khoai đang trồng cũng chẳng khác là bao nhiêu. Cả hai đều là cộng sự trong mối quan hệ đồng tiến hóa, và vẫn luôn như thế kể từ buổi bình minh của nền nông nghiệp từ 10.000 năm về trước”.

Xuyên suốt quyển sách, Michael Pollan gợi ý những phương thức để con người có thể bày tỏ lòng quý trọng với tự nhiên. Vì chỉ có như thế, ta mới đủ rung động để cảm nhận được những thanh âm, sắc màu, hương vị đẹp đẽ muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Sức sống của cây cối, những kết nối tuyệt diệu, giúp chúng ta biết cách sinh tồn trong nhịp điệu hài hòa giữa các mối quan hệ bắt nguồn từ bản chất cốt lõi và vẻ đẹp của cuộc đời

Con người có thể kiểm soát thiên nhiên hoang dã, nhưng tính hoang dã thì không

Trong chương 4 có tiêu đề là Ham muốn kiểm soát, Michael Pollan đã chỉ ra mặt trái của nông nghiệp biến đổi gene. Tác giả dẫn chứng rằng, hơn 20 triệu héc-ta đất nông nghiệp ở Mỹ đã được dùng để trồng hoa màu biến đổi gene, chủ yếu là bắp (ngô), đậu nành, bông và khoai tây. Tất cả đều được biến đổi để sản sinh ra chất diệt côn trùng, kháng thuốc diệt cỏ. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ nhìn thấy giống khoai tây được biến đổi gene để hút ít dầu mỡ hơn khi rán, giống ngô chịu hạn, giống cỏ phủ vườn không cần cắt xén, giống gạo vàng giàu vitamin A, giống chuối và khoai tạo ra nguồn vaccine…

Khi con người tiến đến mục tiêu ham muốn kiểm soát trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, họ đã tạo nên một sự hỗn loạn mới. Thiên nhiên hoang dã có thể kiểm soát nhưng tính hoang dã thì không. Mỗi lớp đất cày xới lại nảy sinh một loài cỏ dại mới, mỗi loại thuốc trừ sâu lại kích thích sự kháng cự của sâu bệnh. “Nông nghiệp về bản chất là sự tinh giản đến thô bạo, thâu vén thiên nhiên hỗn tạp thành thứ nằm trong tầm kiểm soát; bắt đầu từ việc lọc ra một số ít giống cây để trồng thành luống đều đặn”, tác giả Khát khao cây cỏ viết.

Tự nhiên có tiếng nói đầy quyền năng. Và tự nhiên không tồn tại riêng lẻ. Cây, cỏ, đất, nước, không khí, hệ sinh vật, phân bón, chất mùn, nấm… và con người nói chung lẫn người làm vườn nói riêng đã liên kết lại với nhau một cách tinh tế và kỳ diệu để tạo nên những bông hoa tinh khôi, những luống rau xanh tươi, các loại hoa quả ngọt… Và từ đó, mỗi chúng ta vừa làm vườn, vừa quan sát lắng nghe để góp vào một đôi tay hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái bền vững.

Michael Pollan cũng chia sẻ những năng lượng tích cực từ việc tự trồng khoai tây tại vườn nhà của mình rằng: “Tôi yêu phút giây đầu tiên khi vừa xới đất, trông thấy những củ khoai màu nâu sáng lăn mình khỏi lớp đất đen. Sau khi đã nhặt hết những củ dễ thu hoạch nằm ở lớp đất trên, bạn nên để xẻng qua một bên. Nếu đào không cẩn thận bạn sẽ xắn xẻng và làm nát những củ mọc sâu bên dưới. Hãy đào lên bằng tay, thọc những ngón tay vào sâu trong thớ đất mịn, cảm nhận những hình khối ngủ yên trong lòng đất. Việc ngửi một củ khoai tây sống cũng chính là cách ta đánh dấu đường biên giữa tính thuần hóa và tính hoang dã”.

Sự sinh tồn của cây cỏ là thứ ngọt ngào nhất, đẹp đẽ nhất, hay gây say mê nhất – một sự cho và nhận giữa ham muốn của con người và các cá thể trong vũ trụ thực vật. Quá trình này đòi hỏi cả hai bên cùng tham gia, mặc dù vô thức hay ý thức, con người và thiên nhiên luôn “cùng hội cùng thuyền”, gắn bó với nhau trong sự tiến hóa chung của dòng chảy lịch sử tự nhiên. Michael Pollan tâm sự: “Tôi hy vọng rằng, khi gấp cuốn sách này, bạn sẽ nhìn những thứ ngoài kia theo cách khác đi, cụ thể, khi bạn nhìn thấy một cây táo bên đường hay một bông hoa tulip trên bàn, chúng sẽ không còn xa lạ hay tách biệt nữa. Việc nhìn chúng như đồng đội sẵn lòng cùng nhau phát triển đồng nghĩa với việc ta tự nhìn mình khác đi: Con người cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng của những ham muốn và dự định của loài khác…”.

Trích đoạn

“Chúng ta đã đối xử tử tế với hoa. Đổi lại, hẳn ta nhận được thú vui về giác quan, nguồn dinh dưỡng từ quả và hạt, và một bầu trời mới các ẩn dụ thi ca. Nhưng khi nhìn sâu hơn vào một bông hoa chớm nở, ta tìm thấy nhiều hơn thế: Lò luyện cái đẹp, nếu không nói là nghệ thuật, thậm chí thi thoảng là cái nhìn thoáng qua về bản chất cuộc sống. Khi ngắm một bông hoa, bạn thấy điều gì? Hãy nhìn sâu vào bản chất hai mặt của tự nhiên - năng lượng cạnh tranh giữa sự sáng tạo và phân hủy, xu hướng tìm đến hình thái phức tạp và lực kéo hướng tới sự giản đơn.”

“Chỉ những bông hoa khỏe nhất mới nở tưng bừng nhất và có mật ngọt nhất, qua đó đảm bảo lượng ong ghé thăm đông nhất – nên cũng có số lần thụ phấn và sinh sản cao nhất. Theo cách hiểu ấy, hoa vẫn chọn ‘bạn tình’ dựa trên sức khỏe, chỉ là thông qua trung gian loài ong mà thôi.”

“Bước chân vào vườn hoa, thậm chí chỉ là một bãi cỏ hoa nở rộ, là khung cảnh thay đổi ngay tức khắc. Này, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Có cái gì đó mà ngay cả con ong hay chú bé khù khờ nhất cũng nhận ra, một cái gì đó đặc biệt. Ta tạm gọi cái gì đó là sự khuấy động của cái đẹp. Cái đẹp trong tự nhiên thường song hành với tính dục – hãy thử nghĩ đến bộ lông của chim chóc hay nghi thức giao hợp của thế giới loài vật.”

“Làm thế nào ta phân biệt được những cây nguy hiểm và cây nuôi sống chúng ta? Vị giác là gợi ý đầu tiên. Những cây nào không muốn bị con vật khác ăn sẽ tiết ra chất alkaloid đắng ngắt; tương tự, những cây muốn bị ăn như cây táo sẽ tạo ra một lượng đường dồi dào trong lớp thịt quả.”

“Vị ngọt là thứ đam mê khởi phát nơi đầu lưỡi nhờ vào vị giác, nhưng nó không dừng lại ở đó. Hoặc chí ít nó đã không dừng lại ở đó, vào cái thời mà việc thưởng thức vị ngọt đặc biệt đến nỗi cụm từ đó trở thành ẩn dụ cho cái gì đó hoàn hảo.”

Đánh giá về sách

“Dưới ngòi bút có đọng, trang nhã của Pollan, các kiến thức khoa học chuyên sâu và những tham khảo đa ngành trở nên sống động hơn bao giờ hết. Tất cả đều góp phần soi sáng quan điểm cốt lõi của ông, đó là con người và thiên nhiên ‘mãi luôn cùng hội cùng thuyền’”Publishers Weekly

“... Vốn tri thức sâu rộng, tài nắm bắt nhanh nhạy về sinh học tiến hóa và thêm chút cá tính nổi loạn đã thúc đẩy Pollan ‘đào bới’ những quan điểm đầy mâu thuẫn. Ông cũng có lối viết thật lung linh, sắc bén và biệt tài tìm kiếm lời trích dẫn hoàn hảo tại nhiều nơi chốn lạ lùng…” –  The New York Times Book Review

“Pollan là người làm vườn và nhà văn tài hoa. Ông trình bày quan điểm từ góc nhìn của cây cối, đồng thời thách thức một số giả định căn bản nhất của tôi về việc làm vườn, đặc biệt là việc liệu tôi kiểm soát cây hoa ly mình trồng hay ngược lại. Pollan đã giúp tôi thoát khỏi sự ngu muội của chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm” – The Wall Street Journal

“Một quyển sách bạn chẳng thể đặt xuống, sẽ tháo gỡ những vướng mắc về tác động của chính trị xã hội, kinh tế và lịch sử đến quá trình trồng trọt bốn loại cây. Pollan thật sự là bậc thầy khám phá mối quan hệ, có thể tìm thấy điểm liên hệ giữa các khía cạnh riêng biệt trong công việc làm vườn phức tạp, kể cả chúng thuộc lĩnh vực chính trị, văn học, kinh tế xã hội, thậm chí là tính dục” – Chicago Tribune

Về tác giả

Tác giả Michael Pollan. Ảnh: azcentral

Michael Pollan là tác giả của bảy đầu sách nổi tiếng bao gồm Cooked, Food Rules, In Defense of Food, The Omnivore’s DilemmaThe Botany of Desire… hầu hết đều lọt vào danh sách bán chạy nhất của tạp chí New York Times. Ngoài vai trò cộng tác viên lâu năm của New York Times, ông còn dạy viết văn tại Đại học Harvard và Đại học California, Berkeley.

Năm 2010, tạp chí Time đã vinh danh ông là một 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới.

Đọc bài viết

Book trailer

Sách mới của nhà báo Phạm Công Luận về tranh biếm họa trên báo chí

Published

on

By

Cuốn sách biên khảo Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 (tác giả Phạm Công Luận, Phương Nam Book phát hành) giúp độc giả hiểu rõ hơn về báo chí ngày trước qua những giai thoại kể chuyện thời sự hóm hỉnh, những bức tranh biếm họa mang đến tiếng cười nhẹ nhàng đầy trí tuệ.

Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 được thực hiện khá công phu với các bài viết, bài trích và rất nhiều hình ảnh biếm họa phong phú. Tác giả vẫn tập trung vào thế mạnh lâu nay của anh là viết về đời sống văn hóa xã hội trên đất Sài Gòn - Gia Định xưa, lần này là chủ đề tranh biếm họa báo chí Việt Nam từ cả thế kỷ trước cho đến năm 1975.

Tiếp nối mảng đề tài biếm họa trên báo chí miền Nam

Tựa sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là phần cảm hứng tiếp nối từ tác phẩm đã xuất bản Sài Gòn phong vị báo xuân xưa, trong đó có phần nói về biếm họa trên các giai phẩm xuân trước 1975. Nhà báo Phạm Công Luận nhận thấy đây là thể loại đồ họa báo chí hấp dẫn độc giả, có hàm lượng nội dung phong phú, đặc biệt là ở các nhật báo. Tác giả tiếp tục đi sâu vào đề tài này trong tập sách mới, nhằm trình bày bức tranh rộng hơn về biếm họa báo chí miền Nam trước đây.

Bìa sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975. Ảnh: Phương Nam Book

Quyển sách biên khảo Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ như nguồn nước không bao giờ cạn mà tác giả Phạm Công Luận dành cho mảnh đất Sài thành. Sách được Phương Nam Book phát hành khổ lớn với hơn 200 trang, 30 bài viết, và hơn 4000 tranh, in màu chất lượng toàn bộ.

Tác giả Phạm Công Luận mở đầu quyển sách bằng những dòng hồi tưởng về một thời tuổi thơ vui tươi, êm đềm: “Từ năm 1971, tôi sung sướng khi có thể xem tranh vui và biếm họa thường xuyên trên báo Thiếu Nhi ra hằng tuần, rất mê hai nhân vật Tí Xíu và Tí Ti do Vương Nghiêm và Nguyễn Tài vẽ. Ba tôi mỗi ngày mua hai tờ nhật báo là Sóng Thần và Điện Tín, tờ nào cũng có biếm họa. Không thể quên những buổi tối, ba và bác Mười Thọ hàng xóm ngồi với nhau bên ly rượu ngũ gia bì nhỏ xíu, bình luận thời sự và nhắc đến tranh biếm của Tuýt, Chóe, Ớt... những cái tên khá tức cười nhưng vẽ châm biếm rất thâm sâu”.

Quá khứ là một hiện thực luôn sống động trong hồi ức của tác giả Phạm Công Luận. Cuốn sách mới này gồm hai phần, phần đầu đưa ra cái nhìn khái quát giúp độc giả hiểu rõ hơn về sự xuất hiện và các giai đoạn phát triển của thể loại tranh biếm họa trên báo chí tiếng Việt. “Trên các số báo Nông Cổ Mín Đàm thịnh hành ở Nam Kỳ khoảng năm 1917 tuy có vài bức tranh vẽ có dáng dấp biếm họa nhưng thực chất là tranh minh họa mục “Cải lương tiếu quại”...”, Phạm Công Luận viết.

Lần giở những trang sách, bạn đọc sẽ được thưởng thức mảng nội dung thú vị như câu thơ nhại Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Ông Quỳnh, ông Hiếu khéo là cợt nhau!...”. Tinh thần thể thao tưng bừng trên tuần báo “Thể Thao Đông Dương” (số 1 ngày 9.9.1943), có đoạn chú thích: “Tôi đã nói với ông, khi giơ tay lên thì thót bụng vào, mà ông không nghe”. Tờ báo “Sài Gòn Mới số xuân Đinh Dậu 1957” có mẩu chuyện: “- Cô giáo: Trong thân thể có bộ phận gì hở trò Tý?/- Dạ, có xương, thịt, mỡ, gầu, tái nạm và gân với sụn ạ./- Trời! Thế ra trò nói chuyện phở tái?/- Vâng vì ba em làm hàng phở ạ.”...

Các phần trong sách gợi lại những điều lý thú, giúp độc giả tiếp cận thể loại báo chí có sức nặng biểu đạt, nêu bật những vấn đề đặt ra cho xã hội, mạnh dạn giễu cợt những thói hư tật xấu của người đời, hay châm biếm chính sách và chính khách. Phần “Sự đời lắm nỗi” với một số bài báo đặc sắc trên các tờ báo có tiếng thời bấy giờ, minh họa tranh ngắn, những câu chuyện dí dỏm được tuyển chọn: Phong tục cưới gả năm… con Bò, Làm cách nào để kiếm được người chồng “lý tưởng”?, Gia đình Ba Lém, Trằn trọc trên giường… Tất cả nội dung vừa quen thuộc gần gũi vừa chứa đựng nhiều mảng ký ức của cuộc sống một thời không còn nữa.

Tài năng của những họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975

Với tập sách mới, Phạm Công Luận vẫn giữ được mạch cảm xúc tự nhiên kết hợp với nguồn tư liệu dồi dào, luôn có khám phá mới và chi tiết mới, giữ được thế mạnh của một cây viết sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Hơn hết, trong điều kiện nguồn tư liệu báo chí Sài Gòn trước 1975 hiếm hoi và tản mát, nhưng tác giả vẫn nỗ lực tìm tòi, góp nhặt để cuối cùng cho ra đời một công trình biên khảo lớp lang và thông tin đầy đặn.

Bút Sơn - cha đẻ của nhân vật Xã Xệ. Ảnh: Phương Nam Book

Theo Phạm Công Luận: Biếm họa báo chí Sài Gòn trước 1975 là cả một khoảng trời và trên đó có rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ khác nhau, phát ra những luồng ánh sáng riêng biệt, rất lạ và rất đẹp. Những người tài hoa đó, tác giả của “Bé Ngôn – Bé Luận”, “Anh Tám Sạc-ne”, “Anh Năm Trật Búa” nay ở đâu? Còn Đức Khánh, Văn Hiếu, Diệp Đình, Bình Thành, Hưng Hội, Cẩm Đường, Tám Bờm... là những ai, đang còn sống hay đã mất?”. Đây chính là lý do anh chọn đề tài này với mong muốn tô đậm cá tính người cầm cọ phải đánh cược sự tự do cá nhân để bộc lộ quan điểm qua một bức tranh biếm, và tờ báo cũng phải đánh cược cả vận mạng để phát hành.

Ở phần chương “Họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975”, tác giả Phạm Công Luận bộc lộ tình cảm trân trọng tài năng của các họa sĩ biếm thông qua những trang viết giới thiệu đầy đủ lai lịch, nêu bật phong cách cá nhân, những tác phẩm ấn tượng của một số họa sĩ vẽ biếm họa, minh họa trên báo chí. Đọc cuốn sách này, bạn sẽ biết thêm về họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ theo lối “Tướng tinh họa” với những nét to, gồ ghề, cá tính. Họa sĩ Hưng Hội được người làm báo và giới họa sĩ thập niên 1940 đánh giá cao. Hình họa của ông rất vững, nét vẽ sinh động, gọn gàng, tạo hình nhân vật sắc sảo, thể hiện tốt nội dung.

Họa sĩ Văn Hiếu và chùm tranh liên hoàn "Bé Ngôn - Bé Luận". Ảnh: Phương Nam Book

Hay tên tuổi họa sĩ Văn Hiếu được nhiều người từng sống ở miền Nam trước 1975 biết đến. Trên một số tờ báo, họa sĩ vẽ nhiều bức biếm họa hài hước, ý nhị với nét vẽ sinh động, duyên dáng. Nói về Văn Hiếu, nhà thơ Lý Thụy Ý, từng là Thư ký Tòa soạn báo Văn Nghệ Tiền Phong khoảng thời gian gần 1975 đánh giá: “Nếu nói đến Văn Nghệ Tiền Phong phải nói đến họa sĩ Văn Hiếu. Anh rất nổi tiếng thời đó, cha đẻ của ‘Bé Ngôn - Bé Luận’ rất hài hước, đáng yêu. Văn Hiếu vẽ biếm họa... thần sầu!”.

Biếm họa trên Báo chí Sài Gòn trước 1975 giúp độc giả cảm nhận rõ tài năng của các họa sĩ biếm, họ không chỉ vẽ đẹp, hài hước mà còn có những ý tưởng rất sâu sắc. Các họa sĩ thể hiện những câu chuyện biếm họa giai đoạn thập niên trước bám sát hành trình của đời sống xã hội, của thời cuộc, của nền chính trị và theo được những bước thăng trầm của đời sống văn hoá người Việt những năm hậu chế độ thuộc địa.

Nhà báo Phạm Công Luận bộc bạch: “Họa sĩ biếm đáng được kính nể. Họ có thể vẽ tranh, vẽ nhân vật rất sinh động, lại biết cách diễn đạt khúc chiết ý tưởng của chính họ qua các hình tượng. Ngôn ngữ tranh biếm cô đọng, có khi không cần lời, chỉ cần một biểu tượng là có thể nhận diện ra một kế hoạch, một âm mưu, một tham vọng hay vấn đề lớn của một con người, một chính khách. Dáng nằm của một người nghèo có thể thấy cả cuộc đời bất hạnh”.

Quyển sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 cung cấp cho độc giả những tư liệu quý giá về thể loại tranh biếm họa, minh họa… Để từ đó, người đọc sẽ hiểu rõ thêm về báo chí ngày trước qua những trích lọc, những câu thoại ghi chép thời sự hóm hỉnh phản ánh trong những bức tranh đậm chất biếm. Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 xứng đáng là quyển sách dành cho những độc giả quan tâm đến đời sống văn hóa xã hội của đô thị miền Nam xưa và từ đó góp phần lưu giữ những ký ức đang dần mai một.

Trích đoạn

“Biếm họa báo chí những năm 1954, 1955, 1956 tiếp tục xuất hiện đều trên các báo xuân như Quê Hương, Thần Chung, Tiếng Chuông, Tin Điển, Xuân Mai... đa số về chuyện sinh hoạt đời thường. Một số tranh không ký tên tác giả, chỉ có tên của cơ sở chế bản thường là Cliche Dầu trên đường Huỳnh Thúc Kháng chuyên làm bản kẽm cho báo chí trong nhiều năm trước 1975”.

“Họa sĩ Hưng Hội lúc đó là cây cọ đang lên, về biếm và minh họa thường xuyên cho Nam Kỳ tuần báo của nhà văn Hồ Biểu Chánh, ngoài ra còn vẽ bìa sách và minh họa cho các tờ báo khác. Trên báo, Hưng Hội thể hiện tay nghề vẽ biếm không thua kém các họa sĩ Pháp cùng thời. Các nhân vật của ông, từ các cô thiếu nữ, các thầy thông thầy ký, người lao động... thật linh hoạt và sống động qua từng cử chỉ, cách biểu cảm. Tranh của ông vừa cổ vũ phong trào thể thao rèn luyện sức khỏe, vừa châm biếm nhẹ nhàng và cười cợt vui tếu những hoạt động phi thể thao, khi hội đánh tứ sắc vẫn thu hút hơn đám đánh bóng bàn, môn "quyền thuật" vẫn tồn tại ở các gia đình đa thê mà trọng tài là đức lang quân”.

“Một bài viết trên báo Tia Sáng có nêu: “Biếm họa không thể thay đổi được thế giới, nhưng biếm họa có thể mang đến cho chúng ta tiếng cười trí tuệ, tiếng cười mà con người cần có để tự hoàn thiện chính mình.””

Vai trò của biếm họa báo chí đã được ông Kofi Annan, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phát biểu tại tổ chức mà ông lãnh đạo năm 2006 như sau: “Các họa sĩ biếm họa có ảnh hưởng lớn đến cách nhìn về nhau giữa các nhóm người khác nhau. Họ có thể khuyến khích chúng ta nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc và tăng cường sự đồng cảm với những đau khổ và thất vọng của người khác. Nhưng họ cũng có thể làm ngược lại. Tóm lại, họ có một trách nhiệm lớn” ông nói với các họa sĩ biếm họa từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại New York. Ông còn cho biết: “Họ có thể giúp chúng ta suy nghĩ rõ ràng hơn về công việc của họ và cách chúng ta phản ứng với nó. Và có lẽ chúng ta có thể giúp họ suy nghĩ về cách họ có thể sử dụng ảnh hưởng của mình, không phải để củng cố định kiến hay thổi bùng đam mê, mà để thúc đẩy hòa bình và hiểu biết. Chắc chắn, họ có thể giúp đỡ lẫn nhau để làm điều đó" (trình bày tại hội thảo “Unlearning Intolerance: Cartooning for Peace” tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 16.10.2006).

Đánh giá về sách

“Ngay lần đầu lật xem tập bản thảo Luận trao tay ở quán cafe hôm ấy, tôi đã thấy sướng củ tỉ... khi được nhìn thấy cả một bầu trời tuổi thơ tái hiện. Kìa là những tên tuổi quen thuộc Văn Hiếu, Vương Nghiêm, Đức Khánh, rồi là Tuýt, Ớt, Chóe... với những phong cách vẽ không ai lẫn được với ai... Hơn nửa thế kỷ trước, tôi và bạn cùng trang lứa (như anh chị em nhà Luận) đã bị mê hoặc bởi tranh vẽ của họ. Mãi hôm nay mới được xem lần nữa những bức tranh đăng báo một thời gắn với tuổi thơ chúng tôi, tưởng chừng không bao giờ thấy lại nữa. Cảm ơn Luận nhiều. Và sẽ còn cảm ơn tác giả nhiều nữa, khi ta lật từng trang sách…” – Họa sĩ Đức Lâm.

Cuốn sách sẽ không chỉ dành cho lứa “già” như Satế đọc để chậm rãi tìm về những ngày xưa của mình. Lớp trẻ đang lớn yêu tranh vui, thích biếm họa sẽ tìm thấy trong đó bút tích quý giá của những họa sĩ tiền bối mở đường. Sẽ hiểu rõ thêm về báo chí ngày trước qua những câu thoại ghi chép thời sự hóm hỉnh, chọc ngoáy thông minh. Cuốn sách, chuyên khảo về tranh vui, biếm họa này đáng lý đã phải “góp mặt” trên các kệ sách từ lâu. Satế ghi tạm ít dòng ở đây, cảm ơn công phu, tâm huyết lần này của Phạm Công Luận đặt vào sách: món quà quý dành cho cộng đồng” Satế - Nguyễn Văn Thưởng.

Về tác giả

Chân dung nhà báo Phạm Công Luận - Tác giả sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn (viết chung với Đặng Nguyễn Đông Vy - bút danh Phạm Lữ Ân), Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (in chung với Họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm)...

Đọc bài viết

Book trailer

Gặp lại ‘các cô Sè Ghềnh’ qua sách ‘Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975’

Published

on

Mấy năm gần đây, những ngày cận Tết, nhà văn Phạm Công Luận thường tất bật tới lui các nhà in để theo dõi tình hình in sách mới của anh. Xuân Giáp Thìn năm nay, tác giả bộ sách "Sài Gòn - Chuyện đời của phố" ra mắt độc giả tác phẩm mới với đề tài rất lạ "Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975". Sách được Công ty Phương Nam Book phát hành vào thượng tuần tháng 2.2024.

Cách đây hơn nửa năm, trong buổi café, anh bộc bạch: “Tôi đang viết sách về biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975.” Tôi hỏi: “Vì sao anh chọn đề tài này, có vẻ khá gai góc?” Anh cho biết sau một thời gian dài đọc nhiều báo và tạp chí xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975, anh nhìn ra một điều là thể loại biếm hoạ trong đó vô cùng phong phú, rất đa dạng về nội dung, có được sự đóng góp của nhiều cây bút tài hoa từ khắp mọi miền trong suốt những năm từ thập niên 1930 đến 1970.


Biếm hoạ báo chí của giai đoạn đó thật sự bám sát hành trình của đời sống xã hội, của thời cuộc, của nền chính trị và theo được những bước thăng trầm của đời sống văn hoá người Việt những năm hậu chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, khi trò chuyện với nhiều người về giới hoạ sĩ biếm ngày xưa, hầu như không mấy ai còn nhớ đến họ ngoài hai tên tuổi là Chóe và Ớt.

Theo Phạm Công Luận: Biếm họa báo chí Sài Gòn trước 1975 là cả một khoảng trời và trên đó có rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ khác nhau, phát ra những luồng ánh sáng riêng biệt, rất lạ và rất đẹp. Những người tài hoa đó, tác giả của “Bé Ngôn – Bé Luận”, “Anh Tám Sạc-ne”, “Anh Năm Trật Búa” nay ở đâu? Còn Đức Khánh, Văn Hiếu, Diệp Đình, Bình Thành, Hưng Hội, Cẩm Đường, Tám Bờm... là những ai, đang còn sống hay đã mất?”. Đây chính là lý do anh chọn đề tài này, như bộc bạch trong lời ngỏ cuốn sách mà tôi đang cầm trên tay, một cuốn sách có khổ to như một tờ báo xuân, trình bày và in ấn rất đẹp.


Trong Lời ngỏ, tác giả Phạm Công Luận bộc lộ tình cảm trân trọng tài năng của các họa sĩ biếm. Anh viết: “Họa sĩ biếm đáng được kính nể. Họ có thể vẽ tranh, vẽ nhân vật rất sinh động, lại biết cách diễn đạt khúc chiết ý tưởng của chính họ qua các hình tượng. Ngôn ngữ tranh biếm cô đọng, có khi không cần lời, chỉ cần một biểu tượng là có thể nhận diện ra một kế hoạch, một âm mưu, một tham vọng hay vấn đề lớn của một con người, một chính khách. Dáng nằm của một người nghèo có thể thấy cả cuộc đời bất hạnh. Những câu hỏi vây quanh một người có thể thấy cả một trời trăn trở của người đó trong hoàn cảnh xã hội cụ thể. Tính biểu đạt của biếm họa rất lớn, có bức chứa nhiều tầng nghĩa phải ngẫm nghĩ mới hiểu hết”.

Khi được xem bản thảo từ tay tác giả, tôi buột miệng thốt lên: “Có Các cô Sè Ghềnh nữa à?”. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mấy cô gái chân dài đăng trên báo ngày xưa. Sè Ghềnh là cách đọc trại đi kiểu nửa quê nửa tỉnh từ “Sài Gòn” của những người ở nơi khác đến. Các cô gái Sài Gòn tân thời ngày đó, được họa sĩ Đức Khánh vẽ theo phong cách mới có đôi chân dài, nét chân dài rất ấn tượng nhưng vẫn cân đối.

Các cô Sè Ghềnh trong từng kỳ đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong vừa có chất hồn nhiên vừa thực tế, vừa tiểu thư vừa xông xáo, ngây thơ nhưng không cả tin, không dễ bị lừa. Có cô ảnh hưởng lối sống của giới hippy thời thập niên 1970, sống với thái độ hiện sinh và nhìn đàn ông bằng cái nhìn tỉnh táo và phán xét. Loạt tranh Các cô Sè Ghềnh là góc nhìn hóm hỉnh của họa sĩ Đức Khánh về lối sống của một lớp người trẻ, thuộc tầng trung lưu ở đô thị lớn, nét phồn hoa của Sài Gòn ngày đó.


Trước đây, tôi biết và rất thích mấy bức ký họa chân dung văn nghệ sĩ Sài Gòn của họa sĩ Tạ Tỵ. Chỉ vài nét đơn giản tạo khối, đánh bóng, tác giả đã thể hiện rõ diện mạo và cá tính riêng của từng nghệ sĩ. Đọc cuốn sách này, tôi biết thêm về họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ theo lối “Tướng tinh họa” với những nét to, gồ ghề, cá tính.

Tác giả phong cách “Tướng tinh họa” đã trần tình với các bạn văn nghệ như sau: “Tôi đã yêu và tìm hiểu các bạn! Nếu ‘hình dung cổ quái’ thì cũng vì ‘dị nhân dị tướng’. Nhìn các bạn bằng mắt, bằng tim, bằng óc, tôi cố tả tướng bạn, tình bạn. Và cho đến ngày nay, tôi tưởng chỉ nhìn được bạn đến thế này.”

Sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 có ghi lại câu chuyện ngày Xuân khá thú vị. Số là, năm Canh Tý 1960, báo Tự Do ra Giai phẩm Xuân với tranh bìa nền đỏ tươi, vẽ bầy chuột năm con với màu sắc khác nhau, xám, tím, đỏ, đen, vàng đang cùng nhau đục khoét trái dưa hấu. Báo ra hơn nửa tháng, đến mùng 5 Tết, tòa soạn báo Tự Do bị cảnh sát xông vào thu hết các số xuân còn lại. Dư luận trong làng báo chí xôn xao, nhiều người đoán già đoán non, chắc tranh bìa vẽ có ẩn ý châm biếm chính quyền…

Mọi người lại đồn đoán và lo cho số phận tác giả vẽ tranh. Họ đoán là ông Phạm Tăng, may lúc đó ông đang ở nước ngoài nên chắc chẳng sao. Vài tuần rồi chuyện cũng qua đi. Hơn nửa thế kỷ sau, có nhiều tư liệu khẳng định: tác giả bức tranh bầy chuột năm xưa chính là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, bậc thầy về tranh sơn mài Việt Nam.

Các họa sĩ: Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Gia Trí, Phạm Tăng, Tạ Tỵ là đồng môn, cùng xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Sách Biếm họa trên Báo chí Sài Gòn trước 1975 của Phạm Công Luận gợi lại trong tôi ký ức ngày tháng cũ, thời lén đọc báo của người lớn, tìm thấy góc trang dành cho thiếu nhi là đủ vui. Đó là những trưa không ngủ, trốn lên gác đọc báo, đôi lúc có tiếng còi rúc to mỗi khi xe lửa đi ngang qua khu nhà tôi ở đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần. Nhiều lúc đã bật cười về sự tình của hai cậu bé trạc tuổi tôi lúc đó, bé Ngôn và bé Luận qua những băng tranh ngắn, dí dỏm của hoạ sĩ Văn Hiếu.

Các tranh về thời sự tôi chỉ lướt qua nhưng cũng kịp nhớ hình ảnh mấy ông tai to mặt lớn ngày đó qua nét biếm họa của họa sĩ Chóe. Nay xem lại sách Biếm họa trên Báo chí Sài Gòn trước 1975 mới thấy rõ tài năng của các họa sĩ biếm, họ không chỉ vẽ đẹp, hài hước mà bên trong còn chứa đựng những ý tưởng rất sâu sắc.

Hoàng Phương Anh

Sài Gòn, tháng Giêng Xuân Giáp Thìn 2024

Theo Người Đô Thị

Đọc bài viết

Cafe sáng