Phía sau trang sách
Đường xưa mây trắng: Khi trí tuệ và từ bi mở lối cho lý tưởng, tình yêu & tuổi trẻ

Phía sau trang sách
Giành lại không khí sạch: Chỉ ngu ngơ mới biết cười

London. Thập niên 1890s. “Họ lái xe giữa những hàng rào cây táo gai và cây phỉ, dọc theo những con đường ngoằn ngoèo giữa rừng cây sồi, bạch dương và thủy tùng nhô cao. Philip đã cảm nhận được sự thay đổi trong không khí khi đoàn tàu chạy ra khỏi dãy nhà ở London. Ở nơi này, ta có thể nhìn thấy cái rìa của làn khói ám đen ấy. Ở đây, nó không tệ như bầu không khí đen đặc đầy mụi than và hóa chất nóng chảy tràn từ các ống khói nhô cao và lò nung gốm ở Burslem. Phổi cậu căng tức và quá mệt mỏi. Olive và Tom không coi không khí trong lành là điều hiển nhiên. Họ thốt lên một cách đầy trịnh trọng về việc làm sao để thoát ra khỏi bụi bẩn. Philip cảm thấy nhơ bẩn khắc sâu trong cậu”. [1]
London. 2018. “Qua việc không hành động một cách khẩn trương và hiệu quả nhất có thể, cũng như không thực hiện mọi biện pháp có thể để làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và gia tăng tuổi thọ, chính phủ Anh Quốc đã thất bại trong việc hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự phát triển của trẻ em trong phạm vi và quyền hạn của mình”. [2]
*
Kể từ khi A. S. Byatt làm cuộc khảo cứu ngược về lịch sử thời hậu Victoria cho đến khi chính quyền Trump bỏ lơ hoàn toàn hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đã hơn 120 năm trôi qua, thế nhưng, những bóng đen ám khói, những thần chết vẫy gọi vẫn không ngừng nhe nanh múa vuốt trước số phận con người. Tự trong bản chất, khả năng kháng cự và nhận biết hiểm nguy đã tắt lịm đi theo dòng thời đại; từ hư vô khi loài homo sapiens thận trọng dùng lửa, đến thời 4.0 của Internet, của AI hay machine learning thì loài homo deus ấy cũng "tiến hóa" hơn hẳn, khi không sợ lửa, sợ khói và hẳn nhiên không còn sợ cả không khí mà chúng hít phải.
Là một bước tiến hay bước đường lùi? Chẳng ai biết được. Chỉ biết không khí thời còn là sapiens đã trôi rất xa từ khi trở thành giống loài deus. Và Tim Smedley như gã chép sử bơ vơ hiu quạnh ở thời chuyển tiếp, ghi trên đất sét sa thạch một bản tóm lược bầu không khí này, để loài deus hàng triệu năm sau vẫn còn biết được từng bước diễn tiến của bầu không khí thủa còn bốn biển năm châu. Nhưng đến cuối cùng, điều gì đã khiến chúng tệ như thế? Những kẻ giấu mặt, làn khói mong manh và hơn 18.000 người chết mỗi ngày vì không khí ô nhiễm?

NHỮNG SỰ THẬT MÔI TRƯỜNG KHÓ CHỊU
Tim Smedley mở đầu cuốn sách bằng một trong những mệnh đề vô cùng quen thuộc khi nhắc đến các vấn đề về phát triển bền vững, rằng anh chỉ quan tâm đến chúng khi con cái mình chào đời. Dễ thấy, không khí ô nhiễm như tên sát nhân mang bộ áo giáp vô hình trong tiểu thuyết của H. G. Wells - chúng tàng hình, khó nhận biết nhưng đầy hiểm nguy. Người trưởng thành dường như luôn mang trong mình những tập ý niệm đầy tính trẻ thơ, mà niềm tin về bầu không khí trong lành của 10 hay 20 năm trước chưa hề biến đổi là một trong số đó. Chỉ cho đến khi những chuyển giao thế hệ, những sợi dây liên kết đậm tính máu mủ ruột rà một lần xuất hiện, thì kể từ đó ta mới chú ý để rồi nhận ra cái áo giáp ấy không hề kiên cố như ta vẫn nghĩ.
Và điểm yếu đầu tiên của bộ đồ ấy mà Tim “vô tình nhìn thấy” là ở những tít báo bán chạy hàng ngày ở Anh. Có thể nói ở thời đại mở, nơi thông tin tràn ngập và được thu gom như những vụ mùa bội thu, thì mạng xã hội đóng vai trò vô cùng trọng yếu cho những cuộc vạch trần. Nếu trước đó Trung Quốc từng xóa trắng những dấu hiệu ô nhiễm không khí đầu tiên bằng cách yêu cầu Đại sứ quán Mỹ - nơi gắn những cảm biến không khí nhằm phục vụ cho nhân viên của mình – ngưng đăng trên tài khoản Twitter những số liệu cảnh báo; thì chính quyền Delhi của Ấn Độ cũng tương tự thế, khi phủ nhận hoàn toàn ảnh hưởng của nền ô nhiễm đối với sức khỏe, hay càng vô lý hơn nữa khi một mực cho rằng ô nhiễm môi trường chỉ do khí tượng. Thế rồi rốt cuộc, liệu những che giấu của chính phủ về vấn đề này nhằm mục đích gì hay cốt lõi của chúng nhằm phục vụ ai?

Với một câu hỏi nửa gây khó chịu, nửa gây tò mò, Smedley với vị thế là một nhà báo độc lập không bị tác động bởi lợi ích nhóm hay bởi đảng phái chính trị đã có cái nhìn khách quan, tổng hợp và thấu suốt về toàn bộ vấn đề này. Lần ngược trở về thời Đại sương mù London năm 1957 đến ngày tận thế năm 2013 của chính quyền Bắc Kinh, ta thấy quan hệ rường cột về mặt kinh tế luôn luôn phủ khắp vấn đề môi trường.
Đứng trước làn đại sương mù năm 1957 bởi than sưởi mùa đông cùng với hiệu ứng nghịch nhiệt, thay vì hành động dứt khoát và thật nhanh chóng, Churchill lại cho rằng cần xem xét thêm quy mô rộng lớn của nền kinh tế trước tác động nhỏ (hay không đáng kể) về mặt môi trường. Sự im lặng của người đứng đầu ở các chính phủ cũng như xung đột lợi ích của rất nhiều bên chỉ biến công dân thành những đàn cừu mặc người chăn thả; để rồi từ đó kết hợp với lối “bế quan tỏa cảng” ở mạng Internet mà Trung Quốc tha hồ o bế, cấm luôn Twitter hay Ấn Độ còn phũ hơn thế, một mực cho rằng khói bụi độc hại tương ứng với khi hút hơn 50 điếu thuốc một ngày vẫn còn chưa tệ bằng cuộc tuyệt diệt thảm họa Pol Pot.
Hơn thế nữa, sự bao che của chính phủ đối với hãng Volkswagen trong việc sản xuất thiết bị triệt tiêu khí thải trong bài thử nghiệm trở thành bê bối không thể dung tha. Dĩ nhiên ta dễ mà suy ra rằng, Volkswagen trong trường hợp này chỉ như anh cả đứng mũi chịu sào, mà trong khu phức hợp chịu trách nhiệm tầm soát ô tô ấy, có hàng tá hàng tá thương hiệu từ Fiat, Subaru đến Peugeot hay Renault. Nực cười hơn nữa khi scandal đã lở vỡ ra, thì chính Volkswagen đã vay một khoản 400 triệu euro từ Ngân hàng đầu tư châu Âu nhằm để phát triển động cơ tuân thủ tiêu chuẩn phát sinh khí thải ngày càng nghiêm ngặt!? Đi suốt đi lui như một vòng luẩn quẩn, và dĩ nhiên, con người luôn là trung tâm toàn bộ mọi thứ.
Thế nhưng cũng không hẳn thế. Một ưu điểm khác của Giành lại không khí sạch là Tim Smedley đã đứng dưới một vai trò của người quan sát – người xin đi lại từ đầu – để đến với những khái niệm thật cơ bản nhất, thật ngọn nguồn nhất; mà một trong số đó là bản chất của tên sát nhân vô hình - ở đây xin được tạm gọi là PM2.5. Dĩ nhiên trong một đám khói ta vẫn hít vào luôn luôn chứa đựng những loại khí khác mà có thể là NOx, VOC, SO2, CO2,… Chúng có thể từ trong vòm cây hoặc từ việc đốt rơm rạ (VOC), cũng có thể là từ núi lửa hoặc đốt nhiên liệu hóa thạch (SO2). CH4 và NH3 thì từ hoạt động chăn nuôi nông nghiệp để lý giải vì sao nước tiểu bò vẫn có thể gây ra ô nhiễm còn O3 từ trong những sự kết hợp giữa NOX với VOC trong ánh sáng. Những cặp tác nhân đều chứa đựng yếu tố tự nhiên và yếu tố người, dĩ nhiên con người luôn luôn phá vỡ và nghiêng cán cân về phía bên mình.
Trong số những hợp chất trên, PM2.5 là vô cùng nhỏ so với kích thước của một cọng tóc và có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ khả năng cản bụi ở những cơ quan vốn dĩ sinh ra cho công việc này. Nan giải ở chỗ, ta không thể nào giải quyết toàn bộ vấn đề. Bởi khi giảm xuống nồng độ NOx thì NO2 sẽ liền tăng lên; tương tự như thế, khi giảm PM20 lập tức PM kích thước nano sẽ lại chiếm chỗ. Chì, PM, mất cân bằng oxy gây nên hệ quả không thể không thấy ở ngay trước mắt, để mà nói ra chỉ như sấm truyền cho một cuộc sống đã đến hồi kết, với mất trí nhớ, suy tim, đột quỵ, ung thư, máu không đông, Parkinson, thiếu máu cục bộ và hàng hà sa số những căn bệnh khác.
NHỮNG VÙNG SÁNG ẢM ĐẠM
Nói thế cũng không có nghĩa mọi việc chỉ đang lao đi xuống dốc không thấy đường ra. Trong khi các giải pháp về điện khí hóa đang được cân nhắc và những sản phẩm đầu tiên đã được thành hình; thì kể từ khi sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008 đến nay, ngày tận thế vì không khí ô nhiễm đã được khắc phục rõ rệt, với hàng tá những giải pháp như công khai chỉ số môi trường, tái tạo những vành đai xanh hay đóng cửa hoàn toàn những nhà máy nhiệt điện than, sản xuất thép dù cho chưa đi vào hoạt động, mới vừa hoạt động hay đã từng hoạt động… Những chính sách mạnh tay của chính quyền Trung Quốc đã cho thấy cách đối đầu đối với khủng hoảng vô cùng trực diện.
Hơn thế nữa, khi Trump phủ nhận hoàn toàn hiệp ước Paris (chắc hẳn ai đó đã cho ông uống thứ thuốc Dylar của DeLillo trong Tạp âm trắng để mà chế ngự được nỗi sợ chết) thì vé miễn thi hành luật của California đã như ống phễu ngày càng tăng thêm tiêu chuẩn phát thải khí thải. Cùng lúc đó, Paris triển khai hệ thống Velib – xe đạp cho thuê, ngày không xe hơi, tăng lên số lượng làn cho xe đạp hay việc dán nhãn mức độ xả thải, cấm diesel đến năm 2025… đã biến Paris thành nơi đáng đến. Không dừng ở đó, Tesla, BMW, Volvo… cũng đang phát triển phương tiện hoàn toàn bằng điện, mà pin lithium-ion sử dụng cho loại xe này và cách xử lý sau khi hết hạn cũng là vấn đề hết sức nan giải.
Mặt khác, dịch vụ dùng chung xe điện Maas ở Phần Lan đã đại diện cho câu slogan "xe điện hoàn toàn tuyệt vời, nhưng ít xe điện hơn càng tuyệt vời hơn". Hệ thống BRT ở Mexio, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng đã mang đến lợi ích đáng kể. Thêm vào đó, Stefano Boeri – kiến trúc sư người Ý với lối kiến trúc rừng thẳng đứng ở những tòa nhà bê tông cốt thép – đã góp tính thiên nhiên vào cảnh quan thành phố. Thế nhưng xung đột văn hóa vẫn luôn còn đó, khi Leban không có dịch vụ công cộng, giao thông Delhi tuân theo đẳng cấp, thói quen tắm hơi ở Hà Lan, tiệc nướng ngoài trời ở Úc hay dịp bắn pháo hoa vào lễ Diwali… Tất cả cho thấy giải quyết ô nhiễm không khí không khi nào là công việc dễ dàng.
*
Với Giành lại không khí sạch – Sự khởi đầu và kết thúc của ô nhiễm khí quyển, Tim Smedley bằng một khởi đầu vô cùng cơ bản đã khái quát hóa một trong những vấn đề rất đáng quan ngại mang tính toàn cầu. Từ những khởi đầu với các khái niệm vô cùng cơ bản đến cuộc vạch trần những mối xung đột trong việc giải quyết ô nhiễm không khí, từ lời cảnh báo đủ thứ căn bệnh đến những điểm sáng của sự nổ lực; Giành lại không khí sạch phổ quát, lý thú nhưng đầy gần gũi về cách chúng ta sống, cách ta đối xử với mẹ thiên nhiên, với bầu khí quyển; để thông qua đó, lựa chọn hành động của mỗi một người là rất vô cần thiết. Rất đáng trải nghiệm.
Hết.
Ngô Thuận Phát
Chú thích:
- Truyện trẻ con – A. S. Byatt.
- Báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Phía sau trang sách
Kể chuyện năm 2020 bằng ba cuốn sách của tôi

Không phải hoàn toàn sụp đổ và "cancelled", văn chương 2020 với tôi là một điều đáng nhớ. Tôi đọc ít hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi giỏi hơn (theo đúng như những gì Zappa hàm ý). Trong trường hợp này, có phải vậy không? Tôi vẫn chưa đọc tiểu thuyết mới nhất của Martin Amis (người từng gây cho tôi ít nhiều ấn tượng trong bản dịch Tiền - thư tuyệt mệnh) và những cuốn sách dịch làm tôi chưa thỏa mãn cực độ, ít nhất là tiệm cận với những gì tôi đã đọc ở phiên bản tiếng Anh, thứ ngoại ngữ duy nhất mà tôi nương tựa ngoài tiếng mẹ đẻ, rất tiếc nuối về điều đó. 2666 an toàn, tôi đã chờ những gì thô ráp hơn. Tess - một tâm hồn trong trắng vẫn chưa có mặt tại kệ sách nhà tôi, trong khi Những thứ trong suốt và Phòng thủ Luzhin lại không gây ấn tượng quá nhiều như những gì T.L đã làm trong Mây, hồ, tháp. Chúng ta còn gì? Trong lúc đợi chờ Godot làm mệt mỏi ngay từ chiếc bìa không ăn nhập và lối dịch dài dòng diễn dịch. Chúng ta còn có thể kể đến rất nhiều cuốn sách dịch khác, và cả một số tác phẩm trong nước, điển hình là Biên sử nước mới mẻ như Rulfo thể nghiệm Pedro Páramo nhưng dĩ nhiên non nớt hơn.
Trong ba cuốn sách tôi có thể nhớ được hầu hết các điểm mà tôi thích dưới đây, thật đáng tiếc và tệ hại cho tôi thay, cả ba đều chưa được dịch thuật (thế là dĩ nhiên cái sự đọc của tôi năm nay không yêu nước) hay nghe ngóng có kế hoạch dịch thuật: hai trong ba là của các nhà Nobel gần nhất: Louise Glück và Peter Handke; người thứ ba, cũng trứ danh không kém, Krasznahorkai László.
1. Melancholy of Resistance (Krasznahorkai László): Màn phúng điếu đỉnh cao
Tôi đọc Melancholy of Resistance (tạm dịch Nỗi buồn kháng cự), bản dịch tiếng Anh của George Szirtes vào khoảng đầu mùa hè. Ngay lập tức sau khi đọc xong, tôi ước bác Chung không dịch Chiến tranh và Chiến tranh mà dịch cuốn này.

Một văn bản xám xịt, đúng theo phong cách của László cùng với sự ghẻ lạnh mà u hoài đến vô lý và bức bách. Bắt đầu bằng sự việc bà Plauf nghe tin sự nguy hiểm nào đó đang âm thầm len lách vào sự sống của ngôi làng: đúng thế thật, một đoàn xiếc với con cá voi khổng lồ kéo đến và không khí ngột ngạt, dơ bẩn. Sở trường những câu văn dài lê thê không cung cấp nhiều thông tin, ông kết hợp nhuần nhuyễn ý nghĩa của những giấc mơ được gán ghép vào sự sống của cư dân trong làng. Năm 2000, chính nhà văn đã chuyển thể thành kịch bản phim Werckmeister Harmonies do Béla Tarr làm đạo diễn. Không khí tận thế cùng những nỗi buồn vô tận, đúng như tiêu đề, tất cả những nhân vật trong ngôi làng ấy chống lại thế lực đen tối và cả sự bất lực của cách mạng. Một bóng tối bão hòa, phi thường nhưng thường xuyên đến nỗi trở nên nhân tính và cảm xúc bóc trần đến cảm lạnh, không ai giấu giếm bất kì một đắn đo gì trừ khi đó chính là nỗi buồn kháng cự. Một cuốn sách làm người ta không thể nào ngủ; một cốt truyện hư ảo, chết chóc cùng với một giọng văn ghê sợ, đáng hãi hùng.
2. The Wild Iris (Louise Glück): Buổi truyền miệng của những thiếu phụ
Là cuốn thơ duy nhất sau Anne Carson làm tôi muốn dịch hết, The Wild Iris (tạm dịch Hoa diên vĩ dại) là áng thơ bất hủ về những trăn trở trong cuộc sống hội nhập của chúng ta. Louise Glück phát biểu trong diễn văn nhận giải Nobel 2020 rằng có lẽ lý do Viện chọn bà vì giọng nói riêng tư, thân mật và không thể thay thế. Thật vậy, không khó hiểu đến trở ngại và sượng sùng đôi chỗ như Anne Carson, thơ bà kín đáo và nữ tính hơn. Chùm thơ "Parable" xuất hiện những câu chuyện về quá khứ của những người phụ nữ thông qua những hình ảnh ẩn dụ, một Emily Dickinson thời hiện đại với trái tim đã mở cửa để đón chào thế giới mới. Một giọng thơ không khó để dịch, song lại lưng chừng như sóng biển. Người ta sẽ không bao giờ hiểu được hết ý tứ của một câu thơ hay - chính thơ của Louise làm người ta ngập ngừng chỗ đó.

Bà đặt ra những câu chuyện rất hiện đại thông qua các nhân vật sử thi: "Các vị thần Hy Lạp ngồi trên băng ghế/ thầm nghĩ rằng sẽ làm gì khi cuộc chiến kết thúc. …" (Parable of Hostages), nhục cảm tội lỗi và phức cảm hành hạ: "Em muốn cuộc sống của ả là vở kịch/ Màn nào cũng bi" (Siren), những trải nghiệm thành thật và đẹp đẽ: "Đêm cuốn anh vào trong đôi cánh của nó/ Dưới trăng tròn em có thể nhìn ra/ Gương mặt anh bơi giữa bầy cá nhỏ và những/ vì sao vọng. Trong không khí đêm/ mặt hồ là thép." (Pond). Không quá lên khi gọi tập thơ vừa nguy hiểm lại vừa dịu dàng, ở đó thi thoảng ta bắt gặp những đối đáp trớ trêu, nhục cảm, những ham muốn dục tính, song quá lãng mạn để gọi đó là tội đồ.
3. The Afternoon of a Writer (Peter Handke): Buổi hoàng hôn của cá thể
Một cuốn sách mà đọc xong tôi chỉ muốn dịch ngay để đến tay những người cô độc, như nhân vật nhà văn không tên, và vì Peter Handke trong cuốn sách quá thanh tao và lành tính. Tôi không biết ông ta viết gì bằng tiếng Áo nhưng người dịch cuốn sách sang tiếng Anh - Ralph Manheim - có vẻ cũng nghĩ như tôi: một giọng văn chân thành, mộc mạc, đôi phần ngồi lê đôi mách giống như Bohumil Hrabal nhưng nhạy cảm như phụ nữ.

Tôi đọc The Afternoon of a Writer (tạm dịch Buổi chiều của một nhà văn) trong một giờ, là văn bản thứ hai sau Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình từ khi tôi muốn tiếp cận người đàn ông lắm thị phị này và mong chờ thứ gì đó đáng gờm. Song, giống như Trong đêm tối, cốt truyện hoàn toàn trong trẻo, có thứ gì đó như một dòng tản mạn chảy dài hơn chỉ 80 trang A5, và ngược với những gì tôi từng tưởng tượng, rất dễ đọc. Ta bắt gặp một nhân vật lạc loài giống như nhà sinh học trong cuốn tiểu thuyết duy nhất được dịch, vẫn cách chia chương rất ngắn và rõ ràng là một câu chuyện không rõ ràng. Một nhà văn nhận ra mình mất liên kết với từ ngữ đồng thời cũng mất liên kết với thế giới trong một buổi chiều tối không tối trời cho lắm, ra khỏi ngôi nhà có view đồi lộng gió và một ban công trên mái nhà ai cũng ghen tị, nhưng bản thân ông không thấy vậy vì nơi đó quá hẻo lánh với nhân loại. Trong một văn bản thâm nhập sâu xa vào linh hồn như thế, ta có quyền mơ mộng về một cảnh phim độc đáo từ tay Peter Handke, người đàn ông lạc loài cố tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình ngoài công việc, muốn thâm nhập vào cuộc sống nhưng không thể. Bằng một giọng văn đặc biệt, một cách miêu tả thành thật về cảm xúc, Buổi chiều của một nhà văn gây cho tôi sự nhớ hơn là Short Letter, Long Farewell và Sorrow Beyond the Dream vốn được đánh giá là hai văn bản đặc trưng nhất của Peter Handke. Đó là món quà tôi tự nhận được vào mùa đông, một cuốn sách trân quý, nhẹ nhàng, thoát khỏi sức nặng của nhiệm vụ nền văn học hậu hiện đại, song cảm xúc nó mang lại vẫn không hề lệch pha.
Tức là...
Tôi đã định cho rất nhiều cuốn sách mà tôi đọc được và cảm thấy ấn tượng vào trong danh sách của riêng tôi. Có Một cuộc gặp gỡ của Milan Kundera, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng 4 của Thuận, hay thậm chí Paul Celan và Søren Kierkegaard,... Vốn dĩ, về sức nặng cốt truyện cũng như độ hấp dẫn, không cuốn nào có thể làm ta kinh ngạc và quyến rũ cho bằng Hồ sơ Rachel hay 2666, nhưng nó mở rộng thêm cho tôi nhiều mảnh đất hơn trong nền văn chương trong thời đại của chúng ta. Chúng ta đã thực hiện gần xong xuôi một cuộc di dời hoàn toàn từ cốt truyện sang độ phi lí của cốt truyện, từ tình cảm trong văn bản thành thái độ sống và một giọng nói riêng tư mà to, lớn, đánh động như chuông. Hẳn đây là một cuộc di cư lớn, cho chúng ta nhiều hi vọng hơn về tính chất độc quyền lẫn cứu rỗi của văn chương, thế nhưng, điều đó có nghĩa là sức hút của nó sẽ sụt giảm không thương tiếc và những người chịu để nó cứu rỗi sẽ không còn quá nhiều, thậm chí không có. Thế nhưng còn quá nhiều điều chúng ta cần chờ và hi vọng tiếp về một năm 2021: biết đâu The Great Gatsby sẽ trở lại huy hoàng dưới tay Thiên Lương, biết đâu chúng ta sẽ có James Joyce, hay Gertrude Stein, hay một tập thơ? Của Sylvia Plath nhé?
Hết.
S.
*
Bài viết liên quan
Phía sau trang sách
Biên sử nước: Tới thời thoát thai

Chẳng cách nào đóng lại được cơn hồng thủy đã mở – Biên sử nước
Không thể dừng lại được. Tiếng nước trầm trầm miên man. Lạnh lùng và bí ẩn – Thoạt kỳ thủy
Văn chương đương đại Việt Nam những năm gần đây có thể nói không nhiều đột phá. Từ những thế hệ tinh hoa cũ như Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Huy Thiệp, Châu Diên, Dương Hướng; thế hệ cải tiến và tiếp nối sau này ngoài Nguyễn Bình Phương, Phan Triều Hải, Tạ Duy Anh và một số nhà văn gốc Việt bên kia bán cầu thì có thể nói là khá ảm đạm. Nguyễn Ngọc Tư từ lâu góp mặt vào văn đàn với tư cách một tiếng nói miền Tây, người phổ quát cái mùi phèn phèn chua chua của sông nước, phù sa thành ra bán chạy; người trở thành bảo chứng cho hàng ngàn bản in được ra mắt mà ngoài Nguyễn Nhật Ánh, chắc không ai khác ngoài chị làm được. Thế nhưng thế giới văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, ngoài cái mặn mòi chua xót cho phận đàn bà, ngoài cái không khí miền Tây phóng khoáng mà cù bất cù bơ, thì còn gì khác? Đôi khi ta thấy, chị lặp lại bản thân mình trong cái vùng đất cũng nhỏ bé chỉ như một chấm trên bản đồ. Với Biên sử nước, ít nhiều chị đã thay đổi. Vẫn bối cảnh ấy, vẫn câu chuyện ấy - nhưng cách tiếp cận đã khác hơn, đã sâu sát hơn và dấn thân hơn.
Những địa ngục song song
Cái tên Biên sử nước dễ gợi nên thứ gì đó dài đằng đẵng mà hào nhoáng tự trong chính bản thân nó, dù nghịch lý ở chỗ tiểu thuyết này chỉ dài đúng 125 trang về mặt ngoại vi. Điều này dễ hiểu, dễ cảm mà cũng không bất ngờ, vì hầu hết tiểu thuyết, truyện ngắn cũng như tản văn trước đó của chị – tất cả đều khinh thị độ dài. Dường như chị đương trở thành nhân vật của chính mình, biến hóa thành kẻ ăn chữ, ăn hết những gì thừa thãi, không cần thiết. Với độ dài và cái tên ấy, nó liền gợi nhớ một tác phẩm khác của Nguyễn Bình Phương - Thoạt kỳ thủy - khi cũng tương tự những mặt ngoại vi đó. Nếu Nguyễn Ngọc Tư làm nên không khí miền Tây hòa trộn bằng văn xuôi, câu văn tuy dài nhưng không thừa thãi mà ướp kĩ bằng nỗi xót xa đồng cảm cho phận đàn bà; thì Nguyễn Bình Phương biến hóa khôn lường với lối song tấu khi hình thức là văn xuôi nhưng nhịp điệu thực chất là thơ. Thoạt kỳ thủy là một tiểu thuyết, cũng là bài trường thơ với những câu ngắn, gọn, sắc, gấp gáp, thôi thúc mà đầy gợi hình. Hai người, hai cá tính, hai cách thể hiện; thế nhưng không gian của Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Ngọc Tư dường như đã gặp và giao hòa nhau, chuếch choáng giữa một thế giới nội tâm và những hiển hình bên ngoài. Dù sâu dù nông, ít ra cả hai là một bàn tiệc đầy ắp vặn xoắn tinh thần, một phút nhìn lại, một phút ngó ngang.
Về mặt không gian, cả Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Bình Phương đều an toàn trong khoảng không thường thấy của mình. Nếu Nguyễn Bình Phương trải suốt các tiểu thuyết từ Những đứa trẻ chết già, Kể xong rồi đi cho đến Thoạt kỳ thủy là vùng Thái Nguyên với làng quê Bắc Bộ nhợt nhạt mà sôi âm ỉ lùng bùng; thì Nguyễn Ngọc Tư vẫn cù lao, sông rạch, bùn đất, sông con tẻ ra nhiều nhánh. Thế nhưng về mặt ngoại vi, đó dường như chỉ là bao tải chứa đựng nhân vật, cung cấp điểm nhìn cho độc giả dễ bề cảm nhận. Nhìn sâu một chút, đó còn là những điều khác. Linh Sơn, núi Hột hoàn toàn có thật ở đất Thái Nguyên; còn Cù lao Lẻ, còn vùng Yên Xuyên chỉ là hư cấu. Thế nhưng thật hay không, cả hai tác giả đều dựng nên đằng sau một phông nền hoàn chỉnh khác nhau cho sự cảm nhận.
Nếu Nguyễn Bình Phương viết về lãnh địa của nghề đập đá, mổ heo, giết lợn - nơi người bình thường và đám người điên sống cùng với nhau, thì Nguyễn Ngọc Tư mơ hồ và nhạt phai hơn về một nơi không có gió. Juan Rulfo đã khởi đầu Pedro Páramo bằng nơi không có gió, nơi nóng ngột ngạt và đi xuống mãi, thì cũng tương tự, Nguyễn Ngọc Tư và vùng đất của mình cùng chung đặc điểm như thế. Ở cái cù lao trống hoác, khó mà nhận biết có thứ như gió tồn tại. Không có tấm tôn sứt đinh để giật giũ từng chặp, không có quần áo phơi trên sào cho gió thao túng, không ngọn cỏ nào ngã rạp […] Không gió mà nghe lạnh, trời kín bưng. Có thể độc giả chỉ mơ hồ tưởng tượng về vùng cù lao vô danh – nơi mọi chi tiết nếu có trùng hợp chỉ là vô tình; thì cũng rất có thể, nó là một không gian thực, nhiều hơn hai chiều, mà một chiều trong đó là chiều các nhân vật này đã đi xuống mãi, xuống mãi để rồi bặt tích.
Những nhân vật trong cả hai tiểu thuyết đều mang trong mình những ám ảnh nhất định đối với cuộc sống. Nếu Nguyễn Ngọc Tư cho rất nhiều Phúc bồng bế con theo tìm đường hành hương về với Đức Ngài, thì với Nguyễn Bình Phương là cái ngột ngạt, tù túng, kìm nén, sục sôi của những nỗi niềm không được bày tỏ. Hành trình ôm con chạy đi chữa bệnh, quãng đường chạy trốn khỏi những ác tâm… tất cả tụ về nơi cù lao lẻ. Tính sông nước, bùn đất của Biên sử nước phá tan cái không khí ngột ngạt tương đồng của Nguyễn Bình Phương, mà có thể nói, không gian của Biên sử nước là một địa ngục miền Tây – nơi đó có sông, có nước, có mùi; khác xa với những địa ngục của Rulfo hay Nguyễn Bình Phương chỉ lửa, chỉ trăng và cái nóng ngột ngạt.
Những thân phận kìm nén
Những người đàn bà của cả hai tiểu thuyết đều kìm nén trong mình một nỗi tự do mong muốn giải thoát. Trong Thoạt kỳ thủy, những tình cảnh này thông qua bạo lực, dục tính, điên cuồng; còn với Biên sử nước điều đó nhẹ nhàng hơn, bình dị hơn mà cũng Tây phương hơn, như hình ảnh Đức mẹ sầu bi ôm thi hài Chúa. Ở đây, Nguyễn Ngọc Tư tạo ra một thế đối ngẫu đối với người đọc về mặt động cơ của cuộc chạy trốn. Rốt cuộc rồi thì, mục đích của việc chạy trốn là vì đứa con hay chính người mẹ? Chị Tùy theo Viễn để quên khóa nước, chị Cẩm và sự thờ ơ ghét bỏ của người sống chung, cô Phúc nhà ở trại mộc vì sự nhẫn tâm, chị Phúc phóng viên vì cuộc điều tra để rồi trở thành một người đàn bà đến với Đức Ngài. Đứng bên bến đò nhìn qua cái cù lao đang thoi thóp, giày lem bụi, ẵm con búp bê không biết của ai. Tôi người Yên Xuyên, tên Phúc.
Lần giở những lần tụ hội về cùng Đức Ngài của những cô Phúc, điều trở thành động cơ sau này của các chị gái đều là cấm đoán hay nỗi buông xuôi phó mặt cho đời. Trong nguồn cơn của cơn khởi thủy, chị Tùy sau khi chạy trốn đã nhận ra rằng Thứ hạnh phúc khiến người ta điên tiết. Chẳng người đàn bà nào thích ai đó hạnh phúc hơn mình. Không những đàn bà, mà cả đàn ông và cả loài người. Những người đàn bà của miền sông nước chạy đến để xin móng tay, buồng phổi, đôi mắt, cỏ cây, đất cát thuộc về Đức Ngài nhằm muốn thoát xác, trở thành những con bướm xinh tung tăng cả đời như chính chị Thu; nhưng họ cũng không thể ngờ, chính Đức Ngài và bản thể ấy cũng là dối lừa, là mất tự do, là ngọn lửa thù bởi Báo dành cho Cô Long. Đến cuối rồi thì, chẳng ai hạnh phúc, chẳng ai được gì; bởi toàn dối lừa, bởi toàn trêu ngươi và cơn hồng thủy một khi đã mở thì chẳng dừng lại được.
Trong Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương xây dựng nên nhân vật Tính với phong cách vô cùng kỳ lạ. Có những nhận định bảo Tính mắc chứng tâm thần nặng. Thế nhưng hãy nhìn xa hơn và thật bao quát, liệu Tính có đang bị điên trong cơn thảm sát đầy những ám ảnh? Theo tôi, thật ra Tính tỉnh hơn rất nhiều người, và anh chủ tâm chọn lựa cuộc sống trong vùng từ trường ấy. Chẳng kẻ tâm thần nào thơ mộng đến độ nhận thức được trăng, được máu, được rắn như chính y cả. Cả một xã hội bao quanh cậu Tính được Nguyễn Bình Phương tạo ra đều sống ức chế, không vì cái này, cũng vì cái khác. Trong đấy ít ra lũ điên, Tính và Hưng là tự do nhất, là thỏa mãn nhất. Cũng như Nguyễn Ngọc Tư vậy. Rốt cuộc đến cuối, những người đàn bà không căn cước lại sống đúng nhất và sung sướng nhất. Không kể chị Khùng, cô Phúc mắt bò không còn gắn chặt cửa hàng tiện lợi, chị Phúc thợ mộc không còn căm ghét chịu sự nhẫn tâm, cô Phúc phóng viên không còn thấy cha nhanh nhảu xả tang đến với vợ khác, cô Phúc mà cái bóng chỉ đẻ ra bóng, chỉ có ăn tim người mới đẻ ra người ai biết đẻ bóng hay người? Đó dường như là sự giải thoát.
Những hình tượng chính
Về phong cách viết - như đã nói trên, Nguyễn Bình Phương viết ngắn, gọn, mạch nhanh. Tưởng chừng lời văn trở thành lời thơ, vì nó vừa đủ, không dư, không thiếu, có vận động ngầm, ẩn dụ, hình tượng. Giữa những u mê tưởng chừng không kết thúc ấy, ít nhiều nỗi đau chiến tranh lần lượt hiện lên. Chi tiết Hưng mang gà gô về thờ cúng mẹ hay thằng điên chia đường phèn cho Tính, tất cả cho thấy rốt cuộc dở dở ương ương không đến mức tệ. Hình ảnh ở đây đạt được mức độ ám ảnh, thế nhưng dễ hình dung, liên kết và tưởng tượng – máu tây máu ta, máu anh máu chú, máu người máu vật cuối cùng rồi thì cũng là máu thôi – máu chiến tranh, máu ngục tù, máu đè nén, máu chia xa. Cũng cái máu vô hình ấy, Nguyễn Ngọc Tư thu lại như cơn mưa tới, tống vào đường ống, xả tràn không thôi từ chính xô nước đầy ngập xà phòng, mà chỉ ai vặn mới có thể tắt, trước khi con tàu vờn tới chỉ chờ thả khói. Chị Tùy cũng như anh Tính, không ai muốn quay đầu lại. Chị biết, anh biết những gì xảy ra nhưng rồi bất lực cuốn phăng mọi thứ. Một thế giới mới, một ngọn lửa tham, một vùng biển nước – xóa trắng, thành hình và tái sinh.
Hình tượng con cú bị thương quắp đi con rắn mơ hồ là dòng sông quê trong Thoạt kỳ thủy như kéo biển nước từ dòng sông máu phủ lên tất cả. Con cú bị thương ở ngay ngực ấy được nước nuôi dưỡng, cũng như con tim Đức Ngài đã bị cắm phặp xuống dưới đáy bùn sình. Nước bao quát, phủ khắp trang văn của Nguyễn Ngọc Tư, nước đến cuối xuất hiện để rồi vỡ oà dưới những móng vuốt của loài cú đêm trong Nguyễn Bình Phương đều là khởi thủy làm lại từ đầu. Cả hai tác giả đã mượn chính cơn hồng thủy tuôn trào kéo tới xóa đi cái ngột ngạt tự do, xóa đi kìm hãm tột cùng ẩn sâu để đến một thế giới mới, thanh tẩy, xóa trắng và làm lại. Chẳng cách nào đóng lại được cơn hồng thủy đã mở. Không thể dừng lại được. Tiếng nước trầm trầm miên man. Lạnh lùng và bí ẩn. Mắt chó vàng như trăng.
*
Khép lại cả hai cuốn sách, Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Ngọc Tư đã mang đến được một góc nhìn khác cho văn chương đương đại Việt Nam của những ngày này. Nguyễn Bình Phương vẫn thế, đứng đó chứng tỏ vị thế của mình với lối viết đẹp, phong cách mới lạ mà đầy thách thức. Không gian của Nguyễn Bình Phương luôn là ranh giới giữa mơ và thực để rồi vỡ toang trong cơn ám ảnh của những kìm nén đến thời ào ra. Và với Biên sử nước, Nguyễn Ngọc Tư cũng dấn thân vào đó, viết như mơ, như trôi; về con nước cuốn phăng làm lại từ đầu.
Hai cuộc giải phóng, hai cuộc thoát thai; với Biên sử nước và Thoạt kỳ thủy, một Nguyễn Bình Phương luôn được công nhận, và một Nguyễn Ngọc Tư trên con đường mới, tìm ra hướng đi cho văn chương mình. Thoạt kỳ thủy đậm đặc, Biên sử nước pha loãng; nhưng đều quan trọng và ghi dấu mình. Rất xứng đáng.
Hết.
Ngô Thuận Phát
Đọc những bài viết của Ngô Thuật Phát
-
Cafe sáng4 tháng ago
Khai trương Phương Nam Book City Saigon Center, điểm hẹn văn hóa mới của người Sài Thành
-
Trà chiều1 năm ago
Truyện cổ tích: Minh chứng cho sự khác biệt trong cách các nền văn hóa nhìn nhận thế giới
-
Top sách hay1 năm ago
10 cuốn sách xanh biếc về môi trường và thiên nhiên
-
Phía sau trang sách2 năm ago
Rừng Na Uy, về Murakami và những kẻ cứ nghĩ là mình cô đơn lắm
-
Cafe sáng7 tháng ago
Học Chất Hết Nấc với Lớp học Mật Ngữ: Tập đẹp, ba lô xinh và phụ kiện cá tính
-
Trà chiều1 năm ago
Tại sao ta không nên đọc mọi thứ và không nên tin mọi thứ ta đọc?
-
Phía sau trang sách8 tháng ago
Khi các nhà văn đá xéo nhau: Tận cùng của sự đanh đá (phần 1)
-
Trà chiều7 tháng ago
Thật tâm mà nói, cổ tích là một dạng tiểu thuyết trinh thám